5. Sự lưỡng phân của quyền kiểm soát


 Sự lưỡng phân của quyền kiểm soát về việc trở nên bất khả chiến bại.


 Theo Epictetus, lựa chọn quan trọng nhất trong đời là chúng ta
nên tập trung vào những thứ bên ngoài hay bên trong mình. Phần
lớn mọi người chọn vế thứ nhất vì họ nghĩ rằng những tổn hại và lợi
ích đến từ bên ngoài bản thân. Thế nhưng, theo Epictetus, một triết
gia - một người thấu hiểu triết lý Khắc kỷ - sẽ chọn điều ngược lại.
Anh ta sẽ tìm kiếm "mọi lợi ích và tổn hại từ chính bản thân mình".
Cụ thể hơn, anh ta sẽ từ bỏ những phần thưởng mà thế giới bên
ngoài mang lại nhằm đạt được "sự bình yên, tự do và thanh thản".
Với lời khuyên này, Epictetus đảo ngược lô-gic thông thường
trong việc thỏa mãn mong muốn. Nếu bạn hỏi mọi người cách để
đạt được sự mãn nguyện, phần lớn sẽ nói rằng bạn phải nỗ lực để
có được nó: bạn phải vạch ra các chiến lược giúp bạn thực hiện
mong muốn của mình rồi triển khai chúng. Nhưng theo Epictetus,
chúng ta "không bao giờ có thể vừa hạnh phúc vừa khao khát
những thứ không có trong hiện tại". Ông cho rằng một chiến lược
khả quan hơn để đạt được mục tiêu là chỉ đặt mục tiêu hướng đến
những thứ dễ dàng đạt được - và lý tưởng nhất là hướng đến những
thứ mà bạn chắc chắn có thể đạt được.
Trong khi hầu hết mọi người tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách
thay đổi thế giới xung quanh họ, Epictetus khuyên chúng ta tìm kiếm
sự mãn nguyện bằng cách thay đổi chính bản thân mình - chính xác
hơn là thay đổi những mong muốn của mình. Và ông không phải
người duy nhất đưa ra lời khuyên này. Kỳ thực, đây là lời khuyên
được gần như mọi triết gia và mọi nhà tư tưởng tôn giáo đưa ra, đó
đều là những người đã suy ngẫm về ham muốn và nguồn cơn dẫn
đến sự bất mãn của con người. Họ đều đồng tình rằng nếu bạn tìm
kiếm sự mãn nguyện, thì thay đổi bản thân và điều mà bạn mong
muốn sẽ tốt hơn và dễ hơn so với thay đổi thế giới xung quanh bạn.
Epictetus cho rằng khao khát tối quan trọng trong bạn phải là
khao khát bản thân không bị những khao khát mà bạn sẽ không thể
đạt được làm cho tuyệt vọng. Những khao khát khác của bạn cần
phải thuận theo khao khát này, và nếu chúng không thuận theo, bạn
phải làm mọi cách để dập tắt chúng. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ
không còn lo lắng liệu bản thân có đạt được điều mình muốn hay
không, và cũng không còn thất vọng vì không đạt được điều mình
muốn. Thật vậy, Epictetus nói rằng bạn sẽ trở nên bất khả chiến bại:
Nếu bạn từ chối tham gia những cuộc thi mà bạn có khả năng thua,
thì bạn sẽ không bao giờ thua.
Cuốn sách Handbook của Epictetus mở đầu bằng nhận định nổi
tiếng sau: "Một số thứ tùy thuộc vào chúng ta, và một số khác, thì
không." Ông lấy ví dụ rằng những quan điểm, khao khát, cảm giác
thôi thúc, mối ác cảm của riêng chúng ta là những thứ tùy thuộc vào
chúng ta, còn của cải vật chất, danh tiếng, địa vị xã hội là những thứ
không tùy thuộc vào chúng ta. Nhận định này dẫn đến chúng ta phải
đối mặt với một lựa chọn trong việc định hình những khao khát:
chúng ta có thể mong muốn những thứ tùy thuộc vào chúng ta, hoặc
mong muốn những thứ không tùy thuộc vào chúng ta.
Thế nhưng, nếu mong muốn những thứ không tùy thuộc vào bản
thân, sẽ có lúc ta không đạt được điều mình muốn, khi đó, ta sẽ
"gặp bất hạnh" và cảm thấy "bị ngăn trở, đau khổ và phiền muộn".
Cụ thể, Epictetus nói rằng, thật ngu ngốc khi ta mong muốn bạn bè
và người thân của ta sống mãi, bởi lẽ điều đó không tùy thuộc vào
ta.
Cứ cho là chúng ta gặp may, và sau khi mong muốn thứ gì đó
không tùy thuộc vào mình, chúng ta đạt được nó. Trong trường hợp
này, chung cuộc chúng ta sẽ không cảm thấy "bị ngăn trở, đau khổ
và phiền muộn", nhưng trong suốt quãng thời gian mong muốn thứ
không tùy thuộc vào mình, ta có lẽ đã chịu đựng một mức độ lo âu
nhất định: vì điều đó không tùy thuộc vào ta, nên có khả năng là ta
sẽ không đạt được nó, và điều này chắc chắn khiến ta lo lắng. Do
đó, việc mong muốn những thứ không tùy thuộc vào bản thân sẽ
phá vỡ sự bình thản trong ta, kể cả chung cuộc ta có đạt được
chúng hay không. Tóm lại, hễ ta khao khát một thứ không tùy thuộc
vào mình, sự bình thản của ta rất có thể sẽ bị phá vỡ: Nếu không có
được thứ ta muốn, ta sẽ phiền muộn, còn nếu có được, ta sẽ phải
chịu đựng nỗi lo âu trong quá trình đạt được nó.
Lại xét đến sự lưỡng phân của quyền kiểm soát: Epictetus nói
rằng một số thứ tùy thuộc vào chúng ta và một số thứ khác không
tùy thuộc vào chúng ta. Vấn đề của nhận định này là cụm từ "một số
thứ khác không tùy thuộc vào chúng ta" rất mơ hồ. Nó có thể được
hiểu là "có những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát" hoặc "có
những thứ ta không thể kiểm soát hoàn toàn". Nếu hiểu theo cách
thứ nhất, ta có thể diễn giải lại sự phân chia của Epictetus như sau:
có những thứ ta có toàn quyền kiểm soát và những thứ ta hoàn toàn
không thể kiểm soát. Nhưng nếu diễn giải như vậy, sự phân chia
này thành ra sai, vì nó không tính đến sự tổn tại của những thứ mà
ta có thể kiểm soát một phần.
Chẳng hạn, xét đến việc tôi giành chiến thắng trong một trận đấu
quần vợt. Đây không phải là thứ tôi có toàn quyền kiểm soát: Kể cả
tôi có tập luyện chăm chỉ và cố gắng thi đấu hết sức đi chăng nữa,
tôi vẫn có thể thua. Nhưng nó cũng không phải là thứ tôi hoàn toàn
không thể kiểm soát: Tuy việc tập luyện chăm chỉ và cố gắng thi đấu
hết sức không bảo đảm rằng tôi sẽ thắng, nhưng chúng chắc chắn
sẽ ảnh hưởng đến cơ hội thắng cuộc của tôi. Do đó, giành chiến
thắng trong một trận đấu quần vợt là ví dụ về thứ mà tôi có thể kiểm
soát một phần.
Điều này cho thấy cụm từ "một số thứ khác thì không tùy thuộc
vào chúng ta" nên hiểu theo cách thứ hai: đó là những thứ mà ta
không thể kiểm soát hoàn toàn. Nếu vậy, ta sẽ diễn giải lại sự phân
chia của Epictetus như sau: có những thứ ta có toàn quyền kiểm
soát và những thứ ta không thể kiểm soát hoàn toàn. Phân ra như
vậy thì mới hợp lý. Thế nên, chúng ta hãy giả định rằng đó là ý của
Epictetus trong câu "một số thứ tùy thuộc vào chúng ta và một số
thứ khác không tùy thuộc vào chúng ta".
Giờ thì chúng ta tập trung vào vế thứ hai của sự phân chia này,
vào những thứ ta không thể kiểm soát hoàn toàn. Chúng ta có thể
chia những thứ ta không thể kiểm soát hoàn toàn thành hai mục
con: những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát (như việc mặt trời
có mọc vào ngày mai hay không) và những thứ ta có thể kiểm soát
một phần (như việc ta có thắng trận đấu quần vợt hay không).
Thành thử, chúng ta có thể diễn giải lại sự lưỡng phân quyền kiểm
soát của Epictetus thành sự tam phân quyền kiểm soát: những thứ
ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm
soát và những thứ ta có thể kiểm soát một phần. Mọi "thứ" ta gặp
phải trên đời đều rơi vào một và chỉ một trong ba mục này.
SỰ TAM PHÂN QUYỀN KIỂM SOÁT

MỤC VÍ DỤ LỜI KHUYÊN CỦA
EPICTETUSNhững thứ ta có toàn
quyền kiểm soátNhững mục tiêu đặt ra
cho bản thân, những giá
trị của bản thânNên quan tâm đến những
thứ này.Những thứ ta hoàn toàn
không thể kiểm soátMặt trời có mọc vào ngày
mai hay không.Không nên quan tâm đến
những thứ này.Những thứ ta có thể kiểm
soát một phầnTa có thể thắng trận đấu
quần vợt hay không.Nên quan tâm đến những
thứ này, nhưng cần thận
trọng nội tại hóa những
mục tiêu đặt ra cho bản
thân.

Trong nhận định của mình về sự lưỡng phân quyền kiểm soát,
Epictetus đã nói một cách chí lý rằng thật ngu ngốc nếu ta dành thời
gian lo lắng về những thứ không tùy thuộc vào mình, bởi lẽ đã
không tùy thuộc vào mình thì lo lắng cũng vô ích. Thay vào đó, ta
nên quan tâm đến những thứ tùy thuộc vào mình, vì ta có thể hiện
thực hóa chúng hoặc ngăn ngừa chúng xảy ra. Thế nhưng, khi diễn
giải lại sự lưỡng phân kiểm soát này thành tam phân, ta cũng cần
phải diễn giải lại lời khuyên của ông về điều gì đáng để lo lắng và
điều gì không.
Trước hết, hiển nhiên là ta cần phải tập trung thời gian và năng
lượng vào những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát. Trong những
trường hợp này, nỗ lực của ta sẽ mang lại kết quả đảm bảo. Hơn
nữa vì có thể kiểm soát hoàn toàn những thứ này nên nhìn chung, ta
sẽ chỉ mất tương đối ít thời gian và năng lượng để đảm bảo thu
được kết quả. Thành thử, sẽ thật ngu ngốc nếu ta không tập trung
vào chúng.
Vậy những thứ ta có toàn quyền kiểm soát là gì? Trong đoạn trích
dẫn bên trên, Epictetus nói rằng chúng ta có toàn quyền kiểm soát
những quan điểm, cảm giác thôi thúc, khao khát và mối ác cảm của
bản thân. Tôi đồng tình với Epictetus rằng chúng ta có thể kiểm soát
hoàn toàn những quan điểm của mình, miễn là chúng ta hiểu đúng ý
nghĩa của từ quan điểm - tôi sẽ nói rõ hơn sau. Thế nhưng, tôi cảm
thấy chưa ổn lắm nếu xếp cảm giác thôi thúc, khao khát và mối ác
cảm vào mục những thứ ta có toàn quyền kiểm soát. Theo tôi,
chúng nên được xếp vào mục những thứ ta có thể kiểm soát một
phần, hoặc trong một số trường hợp, vào mục những thứ ta hoàn
toàn không thể kiểm soát. Cho phép tôi được giải thích lý do.
Giả dụ tôi đang ở trong một sòng bài và khi bước qua một bàn
roulette, tôi chợt có cảm giác thôi thúc muốn đặt cược vào số 17. Tôi
có thể phần nào kiểm soát việc mình có làm theo cảm giác thôi thúc
này hay không, nhưng hoàn toàn không thể kiểm soát việc cảm giác
đó trỗi dậy trong tôi. (Nếu là một cảm giác thôi thúc thực sự, chúng
ta không thể ngăn mình cảm nhận nó). Điều tương tự cũng đúng đối
với nhiều (nhưng không phải là tất cả) khao khát của tôi. Ví dụ trong
thời gian ăn kiêng, tôi có thể đột nhiên thèm ăn kem. Tôi có thể phần
nào kiểm soát được việc mình có hành động theo cơn thèm này hay
không, nhưng hoàn toàn không thể kiểm soát được cơn thèm đó trỗi
dậy trong tôi. Tương tự, tôi không thể dối lòng về việc tôi có mối ác
cảm đối với loài nhện. Bằng sức mạnh ý chí, tôi có thể bất chấp mối
ác cảm này để nhặt lên và xử lý một con nhện tarantula, nhưng tôi
vẫn thể không nào thích nổi chúng.
Từ những ví dụ trên, tôi cho rằng Epictetus đã nhầm khi xếp cảm
giác thôi thúc, khao khát và mối ác cảm vào mục những thứ ta có
toàn quyền kiểm soát. Thay vì vậy, chúng thuộc vào mục những thứ
ta có thể kiểm soát một phần, hoặc trong một số tình huống, thuộc
vào mục những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Nhưng tôi
cũng cần nói thêm rằng có thể việc chuyển ngữ đã làm sai lệch đi
sắc thái nghĩa quan trọng nào đó - rằng quan niệm của Epictetus về
cảm giác thôi thúc, khao khát và mối ác cảm không giống với quan
niệm của chúng ta.
Vậy những thứ ta có toàn quyền kiểm soát là gì? Trước hết, tôi
nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn những mục tiêu mình
tự đặt ra. Chẳng hạn, tôi có toàn quyền kiểm soát mục tiêu của mình
là trở thành giáo hoàng tiếp theo, một triệu phú hoặc một tu sĩ. Cũng
phải nói thêm là mặc dù tôi có toàn quyền kiểm soát những mục tiêu
đặt ra cho bản thân, nhưng hiển nhiên là tôi không thể kiểm soát
hoàn toàn việc mình có đạt được chúng hay không; việc đạt được
những mục tiêu này thường thuộc vào mục những thứ tôi có thể
kiểm soát một phần. Một thứ nữa mà tôi nghĩ rằng chúng ta có toàn
quyền kiểm soát là các giá trị của bản thân. Chẳng hạn, chúng ta có
toàn quyền kiểm soát việc chúng ta coi trọng danh vọng, tiền tài, lạc
thú hay sự bình thản. Dĩ nhiên, việc chúng ta có sống theo các giá trị
đó hay không lại là một chuyện khác: đó là thứ ta chỉ có thể kiểm
soát một phần.
Như ở đoạn trước, Epictetus cho rằng chúng ta có toàn quyền
kiểm soát những quan điểm của bản thân. Nếu ý ông ở đây là quan
điểm của ta về những mục tiêu nào nên đặt ra cho bản thân hoặc
quan điểm của ta về giá trị của mọi thứ, thì tôi đồng tình với ông
rằng quan điểm là thứ "tùy thuộc vào chúng ta".
Hẳn nhiên là chúng ta nên dành thời gian và năng lượng để đặt
mục tiêu cho bản thân và xác định các giá trị của mình. Việc này sẽ
không đòi hỏi nhiều thời gian và năng lượng. Hơn nữa, phần thưởng
cho việc lựa chọn những mục tiêu và giá trị phù hợp có thể vô cùng
to lớn. Thật vậy, Marcus nghĩ rằng bí quyết để có một cuộc sống tốt
đẹp là trân trọng những thứ thực sự có giá trị và thờ ơ với những
thứ không có giá trị. Ông nói thêm rằng bởi lẽ việc gán giá trị cho
mọi thứ nằm trong khả năng của chúng ta, thế nên việc sống một
cuộc đời tốt đẹp cũng nằm trong khả năng của chúng ta. Cụ thể
hơn, Marcus cho rằng nếu hình thành các quan điểm một cách đúng
đắn - gán cho mọi thứ giá trị chính xác của chúng - chúng ta có thể
tránh được nhiều khổ đau và lo âu, nhờ đó đạt được sự bình thản
mà những nhà Khắc kỷ truy cầu.
Bên cạnh việc có toàn quyền kiểm soát những mục tiêu và giá trị
của bản thân, Marcus còn chỉ ra rằng chúng ta có toàn quyền kiểm
soát tính cách của mình. Ông nói rằng chúng ta là người duy nhất có
thể ngăn bản thân đạt được tính chính trực và lương thiện. Chẳng
hạn, chúng ta hoàn toàn có khả năng ngăn chặn tính xấu xa và tham
lam trú ngụ trong tâm hồn mình. Nếu không được sáng dạ cho lắm,
thì có lẽ việc trở thành một học giả không nằm trong khả năng của
chúng ta; nhưng chẳng gì ngăn được chúng ta trau dồi những đức
tính khác, bao gồm tính thành thật, đàng hoàng, siêng năng và điềm
đạm; cũng như chẳng gì ngăn được chúng ta áp dụng các biện pháp
để kiềm chế tính kiêu ngạo của mình, vượt lên trên những niềm vui
và nỗi buồn, kiểm soát cơn giận của bản thân và không còn thèm
khát danh vọng. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có khả năng chấm
dứt thái độ cằn nhằn, trở nên thận trọng và thẳng thắn, cư xử và nói
chuyện có chừng mực, đồng thời tự tin thể hiện bản thân. Marcus
nhận định rằng chúng ta có thể có được những phẩm chất này ngay
tức khắc - nếu chúng ta lựa chọn bộc lộ chúng.
Giờ thì hãy tập trung vào vế thứ hai của sự tam phân quyền kiểm
soát, vào những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát, chẳng hạn
như việc mặt trời có mọc vào ngày mai hay không. Dành thời gian
và năng lượng để bận tâm đến những thứ thuộc vế này quả thật là
ngu ngốc. Vì ta hoàn toàn không thể kiểm soát được chúng, thời
gian và năng lượng mà ta bỏ ra sẽ không có bất cứ tác động nào
đến kết quả của các sự kiện, chỉ tổ phí hoài thời gian và năng lượng,
như Marcus nhận xét, "đừng làm những hành động vô ích".
Điều này dẫn đến vế thứ ba của sự tam phân quyền kiểm soát:
những thứ ta có thể kiểm soát một phần. Chẳng hạn, xét đến việc
thắng cuộc trong một trận quán vợt. Mặc dù không nắm chắc được
phần thắng, nhưng ta có thể hy vọng rằng hành động của mình tác
động đến kết quả; do đó ta có thể kiểm soát một phần. Nếu vậy, liệu
một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có quan tâm đến quần vợt
không? Anh ta có dành thời gian và năng lượng để cố gắng thắng
cuộc không?
Chúng ta có thể cho rằng anh ta sẽ không làm như vậy. Bởi lẽ
không có toàn quyền kiểm soát kết quả trận đấu, thế nên anh ta luôn
có khả năng thua cuộc, nhưng nếu thua cuộc, anh ta rất có thể sẽ bị
buồn bực, và như vậy sự bình thản của anh ta sẽ bị xáo trộn. Khi đó,
có thể suy nghĩ rằng hướng đi an toàn hơn với người theo chủ
nghĩa Khắc kỷ này có lẽ là hạn chế chơi quần vợt. Tương tự, nếu đề
cao sự bình thản, có lẽ anh ta cũng không nên mong cầu vợ mình
phải yêu mình; vì bất kể anh ta có làm gì đi chăng nữa, vẫn có khả
năng là người vợ sẽ không yêu anh ta và anh ta sẽ rơi vào đau khổ.
Giống như vậy, anh ta cũng không nên mong cầu sếp sẽ tăng lương
cho mình; vì bất kể anh ta có làm gì đi chăng nữa, vẫn có khả năng
vị sếp kia sẽ không tăng lương cho anh ta và anh ta sẽ cảm thấy
thất vọng. Kỳ thực, nếu nghĩ tiếp theo hướng này, anh ta thậm chí
không nên cầu hôn vợ mình hoặc ứng tuyển vào công việc hiện tại,
vì đó đều là những tình huống mà anh ta có thể bị từ chối.
Nói cách khác, người ta có thể kết luận rằng các nhà Khắc kỷ sẽ
không can dự vào những thứ mà họ chỉ có thể kiểm soát một phần.
Nhưng vì phần lớn những thứ xảy ra trong cuộc sống đều là những
thứ ta chỉ có thể kiểm soát một phần, thế nên các nhà Khắc kỷ sẽ
không can dự vào nhiều khía cạnh của cuộc sống thường ngày.
Thay vào đó, họ sẽ sống thụ động và thu mình, giống như những
người mắc chứng trầm cảm không thể tự thức dậy vào mỗi sáng.
Thế nhưng, chúng ta nên nhớ rằng các nhà Khắc kỷ không hề
sống thụ động và thu mình. Ngược lại, họ dấn thân vào cuộc sống
thường ngày. Điều này dẫn đến hai kết luận: Hoặc các nhà Khắc kỷ
là kẻ đạo đức giả không sống đúng theo nguyên tắc của họ, hoặc
trong lập luận trên, có lẽ chúng ta đã hiểu sai nguyên tắc của phái
Khắc kỷ. Giờ thì tôi sẽ biện luận cho vế thứ hai.
Hãy nhớ rằng mục tiêu tự đặt ra cho bản thân là thứ ta có toàn
quyền kiểm soát. Tôi cho rằng khi một người Khắc kỷ tập trung vào
những thứ anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần, chẳng hạn như
việc thắng một trận quần vợt, anh ta sẽ vô cùng thận trọng về những
mục tiêu đặt ra cho bản thân. Cụ thể, anh ta sẽ thận trọng đặt ra
những mục tiêu bên trong (nội tại) thay vì bên ngoài (ngoại tại). Do
đó, mục tiêu của anh ta khi chơi quần vợt không phải là thắng cuộc
(một thứ bên ngoài mà anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần) mà là
chơi hết khả năng của bản thân trong trận đấu (một thứ bên trong
mà anh ta có toàn quyền kiểm soát). Bằng cách lựa chọn mục tiêu
này, anh ta sẽ không cảm thấy bực bội hoặc thất vọng nếu thua
cuộc: Bởi lẽ mục tiêu của anh ta không phải là giành chiến thắng, do
đó anh ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu của mình chừng nào còn chơi
hết sức có thể. Sự bình thản của anh ta sẽ không bị xáo trộn.
Điểm đáng lưu ý ở đây là việc chơi hết sức mình trong trận đấu
và việc thắng cuộc có quan hệ nhân quả. Rõ ràng là còn cách nào
tốt hơn để giành chiến thắng ngoài việc chơi hết sức mình cơ chứ?
Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng những mục tiêu nội tại sẽ ảnh hưởng
đến thành tích bên ngoài của họ, nhưng họ cũng nhận ra rằng
những mục tiêu mà chúng ta chủ động đặt ra cho bản thân có thể
tác động đáng kể đến trạng thái cảm xúc của chúng ta sau đó. Cụ
thể, nếu đặt mục tiêu thắng cuộc, chúng ta chẳng những không gia
tăng mà còn làm giảm cơ hội chiến thắng của mình. Ngay từ đầu
trận, nếu tình hình không được khả quan, chúng ta sẽ bị rối, kéo
theo ảnh hưởng tiêu cực đến lối chơi trong khoảng thời gian còn lại
của trận đấu, do đó làm giảm cơ hội chiến thắng. Hơn nữa, khi đặt
mục tiêu thắng cuộc, chúng ta còn gia tăng đáng kể khả năng bị thất
vọng vì kết quả trận đấu. Mặt khác, nếu đặt mục tiêu chơi hết sức
trong trận đấu, chúng ta không làm giảm đi cơ hội chiến thắng,
nhưng lại giảm đi khả năng bị thất vọng vì kết quả trận đấu. Do đó,
dường như việc nội tại hóa những mục tiêu liên quan đến quần vợt
là một lựa chọn hiển nhiên và dễ dàng. Đặt mục tiêu chơi hết sức
mình có ưu điểm là giảm thiếu cảm giác khổ sở trong tương lai, và
có rất ít hoặc hầu như không có nhược điểm.
Với những khía cạnh khác quan trọng hơn trong cuộc sống, một
nhà Khắc kỷ cũng sẽ có thái độ thận trọng tương tự trong việc đặt
mục tiêu cho bản thân. Chẳng hạn, các nhà Khắc kỷ sẽ khuyên tôi
nên quan tâm đến việc vợ tôi có yêu tôi hay không, mặc dù tôi chỉ có
thể kiểm soát phần nào điều đó. Nhưng khi quan tâm đến điều này,
tôi không nên đặt mục tiêu khiến vợ tôi yêu tôi - một mục tiêu bên
ngoài; vì dù có làm gì đi chăng nữa, tôi vẫn có thể thất bại và thành
ra thất vọng. Thay vào đó, tôi nên đặt một mục tiêu nội tại: đó là
hành xử một cách yêu thương nhất có thể trong khả năng của mình.
Tương tự đối với cấp trên, tôi nên đặt mục tiêu là làm tốt nhất có thể
công việc của mình. Đó là những mục tiêu mà tôi có thể đạt dược
bất kể vợ hoặc cấp trên của tôi phản ứng như thế nào đi chăng nữa.
Bằng cách nội tại hóa những mục tiêu trong cuộc sống thường ngày,
các nhà Khắc kỷ có khả năng duy trì sự bình thản trong khi xử lý
những vấn đề mà họ chỉ có thể kiểm soát phần nào.
Theo tôi, việc nội tại hóa mục tiêu là vô cùng quan trọng nếu
chúng ta làm trong một ngành nghề mà ở đó "sự thất bại bên ngoài"
là phổ biến. Chẳng hạn, xét đến một nhà văn giàu tham vọng. Để
thành công trong sự nghiệp này, cô phải chiến đấu và giành phần
thắng trên hai mặt trận: cô phải tinh thông kỹ thuật viết của mình,
đồng thời phải ứng phó với những lời từ chối - hầu hết các nhà văn
đều bị các nhà xuất bản từ chối vô số lần trước khi nhận được sự
đồng ý. Trong hai mặt trận này, hầu hết mọi người đều thấy mặt trận
thứ hai là khắc nghiệt nhất. Không biết bao nhiêu người ấp ủ ước
muốn trở thành nhà văn đã không dám gửi bản thảo của mình chỉ vì
họ khiếp sợ phải nghe lời từ chối? Và không biết bao nhiêu người
ấp ủ ước muốn trở thành nhà văn đã tuyệt vọng vì bị nhà xuất bản
từ chối một lần, thế rồi không bao giờ gửi lại bản thảo nữa?
Vậy làm thế nào để nhà văn giàu tham vọng trên giảm thiểu được
ảnh hưởng tâm lý của việc bị từ chối và nhờ đó gia tăng cơ hội
thành công? Có một cách là nội tại hóa mục tiêu liên quan đến việc
viết tiểu thuyết. Cô không nên gắn mục tiêu vào những thứ bên
ngoài mà cô có quá ít sự kiểm soát, chẳng hạn như việc tác phẩm
có được xuất bản hay không, mà nên gắn với những thứ bên trong
mà cô có quyền kiểm soát đáng kể, chẳng hạn như cô sẽ làm việc
cật lực đến mức độ nào cho bản thảo hoặc cô sẽ gửi bản thảo đi
bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian định trước. Ý tôi không
phải là nhờ nội tại hóa mục tiêu, nhà văn này có thể triệt tiêu hoàn
toàn cảm giác cay đắng khi nhận được thư từ chối (hoặc chuyện
thường xảy ra là cô không nhận được bất cứ phản hồi nào). Tuy
nhiên, nó có thể giảm đáng kể cảm giác cay đắng này. Thay vì ủ rũ
cả năm trời trước khi tiếp tục gửi bản thảo đi, cô có thể giảm thời
gian chán nản xuống còn một tuần hoặc thậm chí một ngày, và thay
đổi này sẽ làm gia tăng đáng kể cơ hội bản thảo của cô được xuất
bản.
Độc giả có thể nhận xét rằng kỹ thuật nội tại hóa mục tiêu này
chẳng qua chỉ là một chiêu trò tâm lý. Mục tiêu thực sự của nhà văn
trên rõ ràng là tác phẩm của cô được xuất bản - một điều cô biết rất
rõ - và có người sẽ cho rằng khi khuyên cô nội tại hóa những mục
tiêu liên quan đến tác phẩm này, thực ra tôi đang khuyên cô giả bộ
như không hề đặt mục tiêu là xuất bản được tác phẩm đó.
Để đáp lại nhận xét này, tôi xin chỉ ra rằng bằng cách dành thời
gian luyện tập nội tại hóa mục tiêu, người ta có thể phát triển khả
năng chỉ quan tâm đến những mục tiêu nội tại - trong trường hợp
này, chúng sẽ trở thành mục tiêu thực sự" của người đó. Hơn nữa,
kể cả kỹ thuật nội tại hóa này chỉ là một chiêu trò tâm lý, thì nó cũng
là một chiêu trò hữu ích. Nỗi sợ thất bại là một đặc điểm tâm lý, thế
nên chúng ta hoàn toàn có thể tác động đến mức độ sợ hãi khi thay
đổi thái độ với "sự thất bại" (bằng cách thận trọng lựa chọn mục
tiêu).
Các nhà Khắc kỷ rất quan tâm đến tâm lý con người và không hề
phản đối việc sử dụng các "mẹo" tâm lý để vượt qua những khía
cạnh nhất định của tâm lý con người, chẳng hạn như sự hiện diện
của những cảm xúc tiêu cực trong chúng ta. Kỳ thực, kỹ thuật tưởng
tượng tiêu cực trong chương trước chính là một mẹo tâm lý. Bằng
cách nghĩ đến việc mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn, chúng ta có
thể chặn trước hoặc đảo ngược quá trình thích nghi với khoái lạc.
Tuy vậy, mẹo này chỉ có tác dụng nếu mục tiêu của ta là trân trọng
những gì ta có thay vì xem nhẹ chúng, hoặc trải nghiệm niềm vui
thay vì trở nên thờ ơ với cuộc sống và thế giới mà ta đang sống.
Mặc dù vậy, tôi cũng xin thú nhận một điều. Trong quá trình
nghiên cứu Epictetus và các triết gia Khắc kỷ khác, tôi chỉ tìm được
rất ít bằng chứng cho thấy họ chủ trương nội tại hóa mục tiêu theo
cách như tôi đã mô tả, thành thử chúng ta không thể biết được rằng
các nhà Khắc kỷ trên thực tế có sử dụng kỹ thuật nội tại hóa này hay
không. Tuy nhiên, tôi gán kỹ thuật này cho họ, bởi lẽ nội tại hóa mục
tiêu là điều hiển nhiên mà một nhà Khắc kỷ sẽ làm, nếu họ mong
muốn tập trung vào những thứ có thể kiểm soát và duy trì sự bình
thản khi những nỗ lực của họ thất bại. Do đó, khi nói về nội tại hóa
mục tiêu, tôi có thể mang tội làm xáo trộn hoặc sửa đổi chủ nghĩa
Khắc kỷ. Như sẽ giải thích trong chương 19, tôi không hề e ngại
chuyện này.
Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nội tại hóa mục tiêu, chúng ta đã có thể
giải thích được hành vi tưởng như là mâu thuẫn của các nhà Khắc
kỷ. Mặc dù đề cao sự bình thản, họ vẫn cảm thấy có bổn phận trở
thành một công dân hoạt động tích cực trong xã hội mà họ sống.
Nhưng rõ ràng là điều này sẽ đặt sự bình thản của họ vào tình thế
nguy hiểm. Chẳng hạn, người ta có thể cho rằng Cato sẽ có một
cuộc sống yên bình hơn nhiều nếu ông ta không cảm thấy buộc phải
chống lại sự gia tăng quyền lực của Julius Caesar - nếu như thay
vào đó, ông ta dành thời gian trong thư viện và đọc sách của các
nhà Khắc kỷ chẳng hạn.
Thế nhưng, tôi muốn đưa ra giả thuyết rằng Cato và các nhà
Khắc kỷ đã tìm ra một cách để duy trì sự bình thản bất chấp những
mối liên hệ của họ với thế giới xung quanh: Họ nội tại hóa mục tiêu
của bản thân. Mục tiêu của họ không phải là thay đổi thế giới, mà là
làm hết sức mình để mang đến những thay đổi nhất định. Ngay cả
khi nỗ lực của họ tỏ ra không hiệu quả, họ vẫn có thể cảm thấy
thanh thản vì biết rằng họ đã đạt được mục tiêu của mình: Họ đã
làm những gì có thể.
Một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ ghi nhớ sự tam phân
quyền kiểm soát này trong khi thực hiện công việc thường ngày. Anh
ta sẽ phân loại các yếu tố trong cuộc sống thành ba mục: những thứ
anh ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ anh ta hoàn toàn không
thể kiểm soát và những thứ anh có ta có thể kiểm soát một phần.
Những thứ trong mục thứ hai - những thứ anh ta hoàn toàn không
thể kiểm soát - anh ta sẽ đặt sang một bên vì chúng không đáng để
bận tâm. Làm vậy, anh ta sẽ trút bỏ được rất nhiều mối lo không cần
thiết. Thay vào đó, anh ta tập trung vào những thứ có thể kiểm soát
hoàn toàn hoặc một phần. Và khi tập trung vào những thứ trong mục
cuối cùng, anh ta sẽ thận trọng đặt ra cho mình những mục tiêu nội
tại thay vì mục tiêu bên ngoài và do đó tránh được nhiều nỗi thất
vọng và chán chường.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #khắckỷ