3. Chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã
Những nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã -
và của chủ nghĩa Khắc kỷ mà tôi nghĩ rằng con người thời nay học
hỏi được nhiều nhất - là Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và
Marcus Aurelius. Những đóng góp của bốn người này cho chủ nghĩa
Khắc kỷ La Mã bổ trợ nhau hoàn hảo. Trong đó, Seneca là cây viết
tốt nhất, các bài luận và thư từ mà ông gửi cho Lucilius tạo thành
một tài liệu nhập môn tương đối dễ hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ La
Mã. Musonius thì có tiếng là thực dụng: Ông đưa ra lời khuyên chi
tiết cho những người đang thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ về việc nên
ăn gì, mặc gì, nên ứng xử ra sao với cha mẹ và thậm chí cả việc họ
nên quản lý đời sống tình dục như thế nào. Còn điểm nổi bật của
Epictetus là khả năng phân tích: Ông lý giải tại sao việc thực hành
chủ nghĩa Khắc kỷ, giữa hàng ngàn tư tưởng triết học khác, có thể
mang lại sự bình thản. Cuối cùng là cuốn sách Meditations của
Marcus, được viết dưới dạng nhật ký, cho chúng ta biết được những
suy nghĩ thầm kín của một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ:
Chúng ta được đọc cách ông tìm kiếm những giải pháp Khắc kỷ cho
các vấn đề trong cuộc sống thường ngày cũng như các vấn đề mà
ông gặp phải trên cương vị hoàng đế La Mã.
Lucius Annaeus Seneca, còn được gọi là Seneca Trẻ, được sinh
ra vào khoảng giữa năm 4 và 1 TCN ở Corduba, Tây Ban Nha. Mặc
dù chúng ta có nhiều trước tác triết học của ông hơn bất kỳ triết gia
Khắc kỷ nào khác, nhưng ông không phải là người viết nhiều nhất
trong số các triết gia Khắc kỷ. (Chrysippus là một ngòi bút sung mãn
nhưng các tác phẩm của ông đã bị thất lạc.) Và ông cũng không đưa
ra sáng kiến gì quá mới lạ. Tuy nhiên, các văn kiện về chủ nghĩa
Khắc kỷ của ông đều hết sức tuyệt vời. Các bài luận và thư từ của
ông chứa đầy những hiểu biết sâu sắc về thân phận con người.
Trong các văn kiện đó, Seneca nói về những thứ thường khiến con
người bất hạnh - chẳng hạn như nỗi buồn, cơn giận, tuổi già và
những lo âu xã hội - và những điều chúng ta có thể làm để khiến
cuộc sống tràn ngập niềm vui chứ không chỉ là những chuỗi ngày
dài chịu đựng.
Giống như các nhà Khắc kỷ La Mã khác mà tôi sẽ bàn đến,
Seneca không nhẫn nhục cam chịu trước cuộc sống; thay vì vậy,
ông tích cực dấn thân vào cuộc sống. Và giống như các nhà Khắc
kỷ khác, ông là một con người đa tài. Quả thực, kể cả không tính
đến tất cả các trước tác về triết học của Seneca, ông cũng vẫn sẽ
lưu danh sử sách vì ba lý do. Ông sẽ được nhớ đến là một nhà soạn
kịch thành công. Ông cũng sẽ được nhớ đến vì những hoạt động tài
chính của mình. Có thể nói ông là hình mẫu đầu tiên về chủ ngân
hàng đầu tư, ông đã trở nên vô cùng giàu có nhờ vào sự nhạy bén
về tài chính của mình. Và cuối cùng, ông sẽ được nhớ đến với vai
trò trong chính trường La Mã vào thế kỷ thứ nhất; ngoài việc là một
thành viên Viện nguyên lão, ông còn là gia sư và sau đó là cố vấn
cho Hoàng đế Nero.
Mối liên hệ giữa Seneca với triều đình đã khiến ông gặp họa. Khi
Claudius trở thành hoàng đế, ông ta xử Seneca tội chết vì (bị cho là)
ngoại tình với cháu gái của Claudius, Julia Livilla. Sau đó, bản án
được giảm xuống thành lưu đày và tịch thu toàn bộ tài sản, thế nên
vào năm 41, Seneca, khi đó ở tuổi bốn mươi, bị đày ra hòn đảo
Corsica "cằn cỗi và sỏi đá". Trong thời gian đó, ông đọc, viết, làm
một nghiên cứu về hòn đảo - và có lẽ đã thực hành chủ nghĩa Khắc
kỷ của mình.
Năm 49, Agrippina kết hôn với Claudius và thuyết phục hoàng đế
triệu hồi Seneca để ông làm gia sư cho con trai của bà là Nero, lúc
đó mới chừng 11, 12 tuổi. Sau tám năm bị lưu đày, Seneca quay trở
về Rome. Một lần nữa ở xã hội La Mã, ông trở thành "công dân nổi
tiếng nhất thời bấy giờ: cây bút vĩ đại nhất còn sống về văn xuôi và
thơ, tên tuổi vĩ đại nhất trong văn chương từ thời hoàng kim vào đầu
thế kỷ, và là sủng thần của hoàng hậu". Seneca cũng ngạc nhiên
như bất cứ ai trước sự thành công trong cuộc sống của mình. "Phải
chăng ta, con trai của một hiệp sĩ bình thường và một người phụ nữ
tỉnh lẻ, lại được liệt vào hàng quyền quý của vùng đất này?" ông tự
hỏi.
Khi Nero trở thành hoàng đế, Seneca được thăng chức làm cố
vấn. Kỳ thực, ông và Sextus Afranius Burrus, quan thái thú của Vệ
binh Hoàng gia, đã trở thành những người thân cận nhất của Nero.
Ban đầu, Seneca và Burrus đã kiểm soát tốt xu hướng tàn bạo của
hoàng đế Nero, và đế chế La Mã được hưởng năm năm cai trị yên
ổn. Seneca cũng phất lên trong giai đoạn này: Ông trở nên giàu có
vô cùng. Sự giàu có này đã làm dấy lên cáo buộc rằng Seneca là
một kẻ đạo đức giả, rằng ông ủng hộ sự tiết chế của chủ nghĩa Khắc
kỷ, trong khi bản thân lại sống sung túc tột cùng. Nhưng độc giả cần
nhớ rằng, không giống như chủ nghĩa Yếm thế, chủ nghĩa Khắc kỷ
không yêu cầu môn đồ tuân thủ lối sống khổ hạnh. Ngược lại, các
nhà Khắc kỷ cho rằng việc hưởng thụ những thứ tốt đẹp mà cuộc
đời mang đến chẳng có gì là sai trái, miễn là chúng ta thận trọng
trong cách tận hưởng chúng. Cụ thể là, chúng ta phải sẵn sàng từ
bỏ những thứ tốt đẹp đó không một chút tiếc nuối nếu hoàn cảnh
của chúng ta thay đổi.
Sau cái chết của Agrippina vào năm 59 - Nero đã giết bà ấy -
Nero bắt đầu tỏ ra bực bội với những lời khuyên của Seneca và
Burrus. Năm 62, Burrus chết, do bệnh tật hoặc bị đầu độc. Seneca
nhận ra mình đã trở thành người thừa ở triều đình, và ông tìm cách
rút lui khỏi chính trường, viện cớ tuổi già sức yếu. Nero cuối cùng
cũng chấp thuận cho ông về hưu, nhưng khoảng thời gian hưu trí
này không kéo dài được bao lâu. Các cố vấn thay thế Seneca đã
thuyết phục Nero rằng Seneca dính líu đến một âm mưu tạo phản và
vào năm 65, Nero xử Seneca tội chết.
Khi những bạn hữu có mặt trong buổi hành quyết khóc thương
cho số phận của ông, Seneca đã quở trách họ. Ông hỏi rằng triết lý
Khắc kỷ của họ biến đi đâu hết rồi. Sau đó ông ôm vợ mình lần cuối.
Ông tự cắt các động mạch trên cánh tay, nhưng vì tuổi già và sức
khỏe suy nhược, ông mất máu rất chậm, thế nên ông đã cắt cả động
mạch ở chân và đầu gối. Nhưng ông vẫn chưa chết. Ông nhờ một
người bạn mang thuốc độc đến, rồi ông uống mà vẫn không có tác
dụng. Sau đó, ông yêu cầu người ta đặt mình vào một bồn tắm hơi,
nơi ông từ từ ngạt thở mà chết.
Bài luận của Seneca "Về cuộc sống hạnh phúc" được viết cho
anh trai ông là Gallio - cũng chính là Gallio được nhắc đến trong Tân
Ước (18:12-16) vì hành động từ chối xét xử Thánh Paul ở Corinth.
Trong bài luận này, Seneca giải thích cách tốt nhất để theo đuổi sự
bình thản. Về cơ bản, chúng ta cần sử dụng khả năng suy luận để
loại bỏ "tất cả những gì gây kích thích hoặc sợ hãi". Điều này dẫn
đến "sự bình thản bất khả xâm phạm và sự tự do vĩnh viễn", và
chúng ta sẽ trải nghiệm "một niềm vui vô biên, bền vững và bất
biến". Kỳ thực, ông cho rằng những người thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ "cần phải luôn, dù anh ta có muốn hay không, cảm thấy hân
hoan và có một niềm vui sâu sắc phát xuất từ bên trong, bởi lẽ anh
ta thích thú với những nguồn vui của riêng mình, và không hề khao
khát niềm vui nào lớn hơn những niềm vui nội tại này." Hơn nữa, so
với những niềm vui đó, những khoái cảm nhục dục là "không đáng
kể, tầm thường và tạm bợ".
Ở một đoạn khác, chúng ta thấy Seneca nói với người bạn
Lucilius của ông rằng nếu muốn thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, ông
ấy phải nghiêm túc "học cách cảm nhận niềm vui". Ông nói thêm
rằng một trong những lý do ông muốn Lucilius thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ là vì ông không muốn Lucilius "bị tước mất niềm vui".
Những người đã quen nghĩ rằng các nhà Khắc kỷ chẳng qua là một
nhóm người ủ rũ có thể ngạc nhiên trước những nhận định này,
nhưng chúng cùng với các nhận định khác cho thấy rõ rằng "nhà
Khắc kỷ hoan hỉ" không phải là một khái niệm tự mâu thuẫn.
Gaius Musonius Rufus, người ít được biết đến nhất trong số bốn
triết gia Khắc kỷ La Mã vĩ đại, được sinh ra vào khoảng năm 30 CN.
Với gia thế của mình, Musonius hoàn toàn có thể tiến xa trong chính
trị, nhưng thay vì vậy ông đã thành lập một ngôi trường triết học.
Chúng ta ít biết về Musonius một phần vì ông cũng giống như
Socrates, không quan tâm đến chuyện viết ra những tư tưởng triết
học của mình. May mắn thay, Musonius có một học trò là Lucius,
người đã ghi chép lại các bài giảng của ông. Trong những ghi chép
này, Lucius thường bắt đầu bằng cách trình bày câu trả lời của
Musonius đối với một câu hỏi nào đó. Vì thế có vẻ như các bài giảng
của Musonius không phải là độc thoại; thay vào đó, ông đối thoại với
học trò của mình. Cũng có thể Musonius sử dụng những cuộc đối
thoại này để vừa hướng dẫn học trò vừa đánh giá sự tiến bộ của họ.
Dưới thời trị vì của Hoàng đế Nero, Musonius đã đạt đến đỉnh cao
danh vọng và tầm ảnh hưởng. Ông dường như đứng về phe với
những kẻ thù của Nero - hay đúng hơn, những người mà Nero coi là
kẻ thù. Ông bị Nero tống giam và sau đó bị lưu đày. (Theo sử gia
Tacitus, lý do thực sự khiến Nero đẩy Musonius đi lưu đày là vì ghen
tị với danh tiếng triết gia lừng lẫy của Musonius.)
Cuộc lưu đày của Musonius vô cùng tàn khốc. Năm 65 CN, ông
bị đày đến đảo Gyara (hay Gyaros) ở Cyclades, một nhóm các hòn
đảo ở biển Aegean phía đông nam Hy Lạp. Đây là một hòn đảo
hoang vắng, lạnh lẽo, cằn cỗi và gần như không có nước. Nhà địa lý
học và sử học người Hy Lạp Strabo miêu tả hòn đảo này là "vô giá
trị", và Seneca đề cập đến nó trong danh sách những nơi lưu đày tồi
tệ nhất. (Điều thú vị là hòn đảo này vẫn được dùng làm nơi lưu đày
vào thế kỷ 20; đây là nơi các tướng lĩnh Hy Lạp trục xuất đối thủ
chính trị của họ vào đầu thập niên 1970.)
Mặc dù bị lưu đày nhưng Musonius không hề tuyệt vọng. Thay vì
vậy, ông bắt đầu quan tâm tìm hiểu về Gyara và cư dân trên đảo,
phần lớn là ngư dân. Ông sớm phát hiện ra có một con suối trên đảo
và nhờ đó mà vẫn có thể ở được. Cuộc sống của ông cũng phần
nào bớt hiu quạnh khi có rất nhiều học trò đến thăm ông.
Sau khi Nero chết, Musonius trở về Rome. Chẳng bao lâu sau,
Hoàng đế Vespasian đã trục xuất tất cả các triết gia khỏi Rome
nhưng dường như miễn trừ cho Musonius. Tuy nhiên sau đó
Musonius lại bị lưu đày. Ông mất vào khoảng năm 100 CN.
Theo Musonius, chúng ta cần phải nghiên cứu triết học, vì nếu
không thì chẳng còn cách nào khác để có thể sống tốt. Hơn nữa,
ông nói rằng việc nghiên cứu triết học sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cá
nhân mỗi người. Thật vậy, khi một triết gia giảng bài, lời nói của ông
ta sẽ khiến thính giả rùng mình và cảm thấy xấu hổ, và khi ông ta nói
xong, họ nên chìm vào im lặng thay vì vỗ tay tán thưởng. Theo
Epictetus, bản thân Musonius có khả năng làm cho thính giả chìm
vào im lặng, vì khi ông nói, thính giả cảm thấy như thể ông đã phát
hiện ra và phơi bày trước mặt họ những đặc điểm tính cách mà họ
thầm lấy làm hổ thẹn.
Musonius cũng cho rằng người thực hành triết học không được
tách khỏi thế giới, như lời khuyên của trường phái Epicurean, mà
phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, Musonius dạy
học trò cách duy trì trạng thái bình thản trong khi tham gia các hoạt
động này.
Không chỉ cho rằng triết học cần có tính thực tiễn, Musonius còn
cho rằng triết học cần được giáo dục phổ cập. Thật vậy, ông lập luận
rằng cả đàn ông và phụ nữ "đều được các vị thần ban cho khả năng
suy luận giống nhau". Do đó, tương tự đàn ông, phụ nữ cũng có thể
hưởng lợi từ giáo dục và việc học triết.
Epictetus, học trò nổi tiếng nhất của Musonius, sinh ra trong
khoảng từ năm 50 đến năm 60 CN với thân phận là một nô lệ. Chủ
nhân của ông là Epaphroditus, thư ký cho Hoàng đế Nero và sau
này cho Hoàng đế Domitian. Điều này giúp Epictetus có cơ hội tiếp
xúc với triều đình. Cũng có nghĩa là Epictetus mặc dù là một nô lệ
nhưng là nô lệ "trí thức". Người La Mã đánh giá cao những nô lệ
thông minh và sáng tạo. Họ đào tạo những nô lệ này để tân dụng tối
đa tài năng của họ, sau đó cho họ làm thầy giáo, cố vấn và quản lý.
Epictetus tỏ ra quan tâm đến triết học từ sớm. Hồi trẻ, ông
thường đi loanh quanh hỏi mọi người rằng liệu tâm hồn họ có lành
mạnh hay không. Nếu họ tảng lờ ông, ông vẫn cứ kiên trì hỏi đến khi
nào họ dọa đánh ông. Rõ ràng, hành vi này cho thấy ban đầu
Epictetus quan tâm đến chủ nghĩa Yếm thế hơn là chủ nghĩa Khắc
kỷ. Ngay cả trong triết lý hoàn thiện sau này của Epictetus, chúng ta
cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự kính trọng của ông đối với các
nhà Yếm thế.
Sau cái chết của Nero, Epictetus được tự do. Ông mở một ngôi
trường triết học nhưng sau đó bị Domitian trục xuất cùng với tất cả
các triết gia khác ở thành Rome. Ông chuyển trường về Nicopolis,
hiện thuộc miền tây Hy Lạp. Sau khi Domitian bị ám sát, chủ nghĩa
Khắc kỷ lấy lại vị thế và thậm chí còn trở thành trào lưu. Epictetus
lúc bấy giờ là thầy dạy chủ nghĩa Khắc kỷ hàng đầu. Ông có thể
quay về Rome nhưng quyết định ở lại Nicopolis. Bất chấp vị trí địa
lý, ngôi trường của ông vẫn thu hút học trò từ khắp đế quốc La Mã.
Theo học giả nghiên cứu tiếng Hy Lạp và La-tinh cổ đại Anthony
A. Long, Epictetus yêu cầu học trò hội đủ hai điều kiện: "(1) mong
muốn gặt hái được lợi ích từ triết học và (2) hiểu rõ nhiệm vụ của
triết học". Epictetus hiểu rằng lời giảng của ông sẽ chẳng có ý nghĩa
gì đối với những học trò chưa nhận ra thiếu sót của bản thân hoặc
chưa sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý chúng.
Theo ông, người học trò lý tưởng là người sẽ thỏa nguyện nếu anh
ta có thể "sống an nhiên tự tại và không bị kìm kẹp", là người truy
cầu trạng thái "bình thản và thoát khỏi hỗn loạn".
Epictetus không giảng dạy lý thuyết triết học theo hình thức giao
tiếp một chiều, chỉ có sự tương tác từ phía thầy đến học trò. Ngược
lại, ông muốn học trò liên hệ lời giảng của ông với bản thân. Ông
muốn lời giảng của ông tác động trực tiếp đến học trò. Do đó, ông
cho rằng một ngôi trường theo chủ nghĩa Khắc kỷ phải giống như
phòng tư vấn của thầy thuốc và khi ra về, người bệnh phải cảm thấy
tồi tệ chứ không phải là tốt lành, bởi lẽ bất kỳ phương pháp điều trị
nào có khả năng chữa khỏi cho người bệnh thì cũng có thể khiến
anh ta khó chịu. Thế nên theo Long, các bài giảng của Epictetus là
"các bài học biện chứng mời gọi thính giả tự xét lại bản thân".
Theo Epictetus, mối quan tâm hàng đầu của triết học phải là nghệ
thuật sống. Giống như gỗ là phương tiện của thợ mộc và đồng là
phương tiện của nhà điêu khắc, cuộc sống của bạn là phương tiện
để bạn thực hành nghệ thuật sống. Hơn nữa, giống như một thợ
mộc lành nghề dạy một người học việc bằng cách chỉ cho anh ta các
kỹ thuật để chế tạo đồ vật từ gỗ, Epictetus dạy cho học trò nghệ
thuật sống bằng cách chỉ cho họ các kỹ thuật để tận dụng cuộc sống
của mình. Các kỹ thuật này đều rất thực tế và hoàn toàn có thể áp
dụng cho cuộc sống thường ngày. Ông dạy học trò cách phản ứng
trước những lời lăng mạ, cách ứng phó với những người hầu kém
cỏi, cách ứng phó với một người anh trai đang tức giận, cách ứng
phó với chuyện mất đi một người thân và cách ứng phó với tình
cảnh lưu đày. Epictetus cam đoan rằng nếu có thể thuần thục những
kỹ thuật này, họ sẽ có một cuộc sống tràn đầy mục đích cũng như
phẩm giá, và quan trọng hơn, họ sẽ đạt được sự bình thản. Không
chỉ vậy, họ còn giữ được phẩm giá và sự bình thản trước mọi khó
khăn mà sau này cuộc đời có thể giáng xuống họ.
Những người đọc Epictetus rất dễ nhận thấy việc ông thường
xuyên đề cập đến tôn giáo. Kỳ thực, nếu không tính đến Socrates,
thần Zeus là nhân vật được ông nhắc đến nhiều nhất. Để hiểu rõ
hơn vai trò của thần Zeus trong chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta hãy
xem xét tình huống của một người học trò đang cân nhắc đến
chuyện gia nhập trường phái của Epictetus. Nếu người này hỏi cần
phải làm gì để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, Epictetus có thể mô tả
các kỹ thuật đa dạng của phái Khắc kỷ. Nếu anh ta hỏi tại sao mình
nên thực hành các kỹ thuật đó, Epictetus có thể đáp rằng điều này
sẽ giúp anh ta đạt được sự bình thản.
Đến đây vẫn rất suôn sẻ, nhưng giả dụ người học trò này đã tìm
hiểu các trường phái triết học khác và muốn biết tại sao trường phái
của Epictetus lại tốt hơn các trường phái còn lại. Cụ thể hơn, giả dụ
anh ta hỏi Epictetus lý do gì để tin rằng các kỹ thuật của phái Khắc
kỷ sẽ giúp anh ta đạt được sự bình thản. Để trả lời câu hỏi này,
Epictetus sẽ nói về thần Zeus.
Ông sẽ nói với người học trò này rằng chúng ta được thần Zeus
tạo ra. Anh ta nhiều khả năng sẽ chấp nhận lời tuyên bố này, bởi lẽ
vào thời La Mã cổ đại rất hiếm người theo chủ nghĩa vô thần. (Cũng
cần phải nhắc lại rằng quan niệm của Epictetus về thần Zeus có lẽ
không giống với quan niệm của đa số người La Mã. Có khả năng là
Epictetus đồng nhất thần Zeus với Tự nhiên.) Epictetus sẽ tiếp tục
giải thích rằng thần Zeus tạo ra chúng ta khác với những loài vật
khác ở một khía cạnh quan trọng: chúng ta có lý trí, giống như các vị
thần. Do đó, chúng ta là một sinh vật lai hiếu kỳ, nửa thú và nửa
thần.
Zeus là một vị thần tốt bụng, chu đáo và giàu lòng yêu thương, và
khi ông ấy tạo ra con người, ông ấy rất quan tâm đến chúng ta.
Nhưng đáng tiếc là ông ấy không có quyền năng tuyệt đối, thế nên
trong quá trình tạo ra con người, những việc ông ấy có thể làm vẫn
bị giới hạn. Trong cuốn Discourses, Epictetus tưởng tượng rằng bản
thân đang trò chuyện với thần Zeus, và thần Zeus giải thích về tình
thế khó khăn của ông ấy như sau: "Epictetus, nếu có thể thì ta đã
làm cho ngươi được tự do và thoát khỏi sự kìm kẹp của cơ thể trần
tục và tiền bạc phù phiếm... Nhưng vì không thể ban cho ngươi
những điều này, nên ta đã ban cho ngươi một phần của chính ta, đó
là khả năng chọn lựa và từ chối, khả năng khao khát và ghét bỏ."
Thần Zeus nói thêm rằng nếu Epictetus học sử dụng khả năng này
một cách đúng đắn thì ông sẽ không bao giờ cảm thấy thất vọng
hoặc bất mãn. Nói cách khác, ông sẽ giữ được sự bình thản của
mình - và thậm chí còn cảm thấy vui vẻ - bất chấp những tai họa mà
số phận có thể giáng xuống ông.
Ở một đoạn khác trong cuốn Discourses, Epictetus cho rằng kể
cả nếu thần Zeus có thể làm chúng ta "tự do và thoát khỏi sự kìm
kẹp", ông ấy cũng sẽ không lựa chọn làm như vậy. Epictetus mô tả
thần Zeus giống như một huấn luyện viên thể thao: "Chính khó khăn
là thứ giúp con người bộc lộ được bản chất. Do đó, khi khó khăn xảy
đến, hãy nhớ rằng thần Zeus cũng giống như một vị thầy thể dục, đã
chỉ định bạn đọ sức với một thanh niên vạm vỡ." Tại sao lại làm thế?
Để khiến bạn mạnh mẽ và cứng cỏi hơn, nhờ đó bạn có thể trở
thành "nhà vô địch Olympic" - nói cách khác, nhờ đó bạn có được
cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Seneca cũng lập luận tương tự, ông
nói rằng Thượng đế "không biến một người tốt thành một con vật
nuôi hư hỏng; mà thử thách anh ta, tôi luyện anh ta và giúp anh ta
sẵn sàng cho nghĩa vụ của mình". Cụ thể hơn, những nghịch cảnh
mà chúng ta trải qua "chỉ là quá trình rèn luyện" và "những điều làm
cho tất cả chúng ta run rẩy và lo sợ vốn dĩ là tốt đối với chính người
gặp phải".
Epictetus sẽ khuyên người học trò tương lai rằng nếu muốn có
một cuộc sống tốt đẹp, anh ta phải xem xét bản chất tự nhiên của
mình cũng như mục đích mà thần Zeus tạo ra anh ta và sống thuận
theo; như Zeno đã nói, anh ta phải sống thuận theo tự nhiên. Khi đó,
anh ta sẽ không chỉ đơn thuần chạy theo khoái lạc giống như một
con thú, mà sẽ sử dụng khả năng suy luận để chiêm nghiệm về thân
phận con người. Từ đó, anh ta sẽ hiểu lý do chúng ta được tạo ra và
vai trò của chúng ta trong kế hoạch của vũ trụ. Anh ta sẽ nhận ra
rằng để có được cuộc sống tốt đẹp, anh ta cần thực hiện tốt chức
năng của một con người, chức năng mà thần Zeus đã thiết kế ra cho
anh ta. Do đó, anh ta sẽ theo đuổi đức hạnh, có nghĩa là anh ta sẽ
phấn đấu để trở thành một con người ưu việt. Anh ta cũng sẽ nhận
ra rằng nếu sống thuận theo tự nhiên, anh ta sẽ được đền đáp bằng
sự bình thản mà thần Zeus đã hứa hẹn với chúng ta.
Lời giải thích này có thể thỏa mãn những người sống ở thời đại
của Epictetus, nhưng nó có thể gây khó chịu cho người thời nay, vì
hầu như chẳng ai tin vào sự tồn tại của thần Zeus, và nhiều người
không tin rằng chúng ta là tạo vật của một vị thần mong muốn điều
tốt đẹp nhất cho chúng ta. Do đó đến đây, nhiều độc giả sẽ cho
rằng: "Nếu buộc phải tin vào thần Zeus và đấng sáng tạo để thực
hành chủ nghĩa Khắc kỷ, vậy thì chủ nghĩa Khắc kỷ không phù hợp
với tôi." Bạn nên hiểu rằng bạn hoàn toàn có thể thực hành chủ
nghĩa Khắc kỷ - cụ thể là sử dụng các chiến lược của chủ nghĩa
Khắc kỷ để đạt được sự bình thản - mà không cần phải tin vào thần
Zeus hoặc đấng sáng tạo. Ở chương 19, tôi sẽ trình bày kỹ hơn về
cách thức thực hiện điều này.
"Bắt đầu mỗi ngày bằng cách tự nhủ: Hôm nay tôi sẽ gặp những
kẻ phiền nhiễu, vô ơn, xấc xược, bất trung, ác tâm và ích kỷ - tất cả
bọn họ như thế bởi vì họ không biết cái gì là tốt cái gì là xấu."*
Những lời trên không phải là trích dẫn của một nô lệ giống như
Epictetus, người mà chúng ta sẽ nghĩ là hay gặp phải những kẻ xấc
xược và ác tâm, mà là trích dẫn của người quyền lực nhất thế giới
vào thời điểm đó: Marcus Aurelius, hoàng đế La Mã.
Vì ông là một nhân vật quan trọng, thế nên chúng ta nghe danh
Marcus nhiều hơn bất cứ triết gia Khắc kỷ La Mã nào khác. Chúng
ta cũng có được cái nhìn sâu sắc về những suy nghĩ thầm kín của
ông, nhờ vào thư từ qua lại giữa ông với gia sư của mình là
Cornelius Fronto và cuốn Meditations, trong đó ông chiêm nghiệm
về cuộc sống và phản ứng của ông với nó.
Marcus sinh năm 121. Ông tỏ ra quan tâm đến triết học từ sớm.
Một nhà viết tiểu sử mô tả ông là một "đứa trẻ nghiêm túc" và kể lại
rằng "ngay khi bước qua độ tuổi mà đứa trẻ được các bảo mẫu giáo
dưỡng, ông được giao cho những người thầy cao cấp và lĩnh hội
kiến thức triết học". Năm 12 tuổi, Marcus được họa sĩ và triết gia
Diognetus dạy dỗ, và ông bắt đầu thử nghiệm những hoạt động có
vẻ giống với chủ nghĩa Yếm thế: Ông mặc áo choàng không tay và
ngủ dưới đất. Về sau, mẹ ông thuyết phục ông lên ngủ trên một
chiếc ghế dài có trải da.
Khi còn niên thiếu, Marcus học với triết gia Khắc kỷ Apollonius xứ
Chalcedon. Theo Marcus, chính Apollonius đã gieo vào tâm khảm
ông khao khát sống quyết đoán và có lý trí, dạy ông cách chèn
những khoảng thời gian thư giãn vào những ngày hoạt động căng
thẳng, cách chịu đựng bệnh tật và nỗi đau "bằng sự điềm tĩnh không
suy suyển" - chẳng hạn Marcus đã ghi lại cách ông vượt qua nỗi đau
sau khi mất đi đứa con trai. Một nhân vật nữa có ảnh hưởng quan
trọng đến Marcus là Quintus Junius Rusticus, người đã cho Marcus
mượn cuốn sách Discourses của Epictetus. Sau đó, Epictetus đã trở
thành nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến Marcus.
Giống như Epictetus, Marcus quan tâm nhiều đến khía cạnh đạo
đức của chủ nghĩa Khắc kỷ - tức là triết lý sống của nó - hơn là khía
cạnh lô-gic và vật lý. Thật vậy, trong cuốn Meditations, ông khẳng
định rằng dù không tinh thông vật lý và lô-gic, chúng ta vẫn có thể
đạt được "tự do, lòng tự trọng, tinh thần vị tha, và sự tuân phục theo
ý muốn của Thượng đế".
Năm Marcus 16 tuổi, Hoàng đế Hadrian nhận nuôi người cậu bên
đằng ngoại của Marcus là Antoninus, đến lượt người này lại nhận
nuôi Marcus. (Cha của Marcus mất khi Marcus còn nhỏ.) Từ khi
bước vào đời sống triều đình, Marcus đã nắm quyền lực chính trị, và
khi Antoninus trở thành hoàng đế, Marcus được xem như đồng
hoàng đế. Thế nhưng, ông không để quyền lực ảnh hưởng đến
mình; trong suốt 13 năm giữ chức vụ Tổng tài của Antoninus, ông
không tạo cho mọi người ấn tượng rằng ông là kẻ khao khát thâu
tóm toàn bộ quyền cai trị. Hơn nữa, khi Antoninus qua đời và
Marcus lên kế vị, ông đã chỉ định Lucius Verus làm đồng hoàng đế.
Đây là lần đầu tiên Đế quốc La Mã có hai vị hoàng đế cùng cai trị.
Marcus là một vị hoàng đế La Mã xuất chúng. Trước hết, ông hạn
chế tối đa sử dụng quyền lực của mình. Chưa từng có vị hoàng đế
nào thể hiện sự kính trọng đối với Viện nguyên lão nhiều như
Marcus. Ông cố gắng không làm lãng phí ngân khố và thường xin
phép Viện nguyên lão trong chuyện chi tiêu mặc dù không cần phải
làm như vậy, và trong một bài diễn văn, ông nhắc họ rằng cung điện
mà ông đang sống không phải là của ông mà là của họ. Để có kinh
phí cho các cuộc chiến tranh, ông đã bán đấu giá các tài sản trong
hoàng cung, bao gồm tượng, tranh, bình vàng, cũng như một số
món đồ trang sức và quần áo của vợ ông thay vì tăng thuế.
Theo nhà sử học Edward Gibbon, Marcus là vị hoàng đế cuối
cùng trong Năm bậc minh quân (bốn người còn lại là Nerva, Trajan,
Hadrian và Antoninus) trị vì từ năm 96 đến năm 180 và đem lại "thời
kỳ lịch sử mà điều kiện sống của con người là hạnh phúc và thịnh
vượng nhất". Nhà sử học W. E. H. Lecky thế kỷ 19 mô tả rằng thời
kỳ này "cho thấy tính đồng nhất của một chính quyền ưu việt mà
không một nền quân chủ chuyên chế nào khác sánh bằng. Cả năm
vị hoàng đế này đều xứng đáng được xem là những nhà cai trị xuất
chúng nhất từ trước đến nay." Nói cách khác, Marcus là ví dụ hiếm
hoi về một vị vua-triết gia và có lẽ là ví dụ duy nhất về một triết gia
mà thần dân muốn tôn lên làm vua.
Giống như các nhà Khắc kỷ La Mã khác, Marcus không cảm thấy
bắt buộc phải chứng minh rằng sự bình thản là đáng theo đuổi.
Ngược lại, ông tin rằng giá trị của nó là hiển nhiên. Và nếu ai đó nói
với Marcus rằng anh ta nghĩ cuộc sống trần thế có thể mang lại một
cái gì đó còn tốt hơn là "sự bình an nội tâm", Marcus sẽ không tìm
cách thuyết phục anh ta nghĩ khác đi; thay vào đó, ông sẽ khuyên
anh ta tận hưởng nó "bằng toàn bộ tâm hồn mình, và vui mừng với
phần thưởng mà mình vừa tìm thấy".
Trong quãng đời trưởng thành, Marcus rất cần đến sự bình thản
mà chủ nghĩa Khắc kỷ có thể mang lại. Ông bị bệnh, có khả năng là
bị lở loét. Cuộc sống gia đình của ông là một nguồn cơn gây đau
khổ. Vợ ông dường như không chung thủy, và trong số ít nhất mười
bốn đứa con mà bà có với ông, chỉ sáu người còn sống. Thêm vào
đó là những căng thẳng trên cương vị một hoàng đế. Dưới triều đại
của ông, có rất nhiều cuộc nổi dậy ở biên giới, và Marcus thường
đích thân đi thị sát các chiến dịch chống lại những bộ lạc mới nổi.
Quan lại của ông tạo phản, trong đó đáng chú ý nhất là Avidius
Cassius, thống đốc của Syria. Thuộc hạ tỏ thái độ phạm thượng với
ông, nhưng ông chịu đựng bằng "một thái độ bình tĩnh". Dân chúng
lấy ông ra làm trò đùa và không hề bị trừng phạt. Dưới triều đại của
ông, đế chế cũng trải qua đại dịch, nạn đói và thiên tai như trận động
đất ở Smyrna. Vì lẽ đó, Marcus đã nhận xét trong cuốn Meditations
rằng "nghệ thuật sống giống như bộ môn đấu vật hơn là khiêu vũ".
Nhà sử học La Mã Cassius Dio đã tóm tắt hoàn cảnh khó khăn
của Marcus như sau: "Ông không có được vận may tương xứng, bởi
lẽ ông không có cơ thể khỏe mạnh và gặp phải vô số khó khăn trong
suốt thời gian trị vì. Nhưng chính vì vậy tôi lại càng ngưỡng mộ ông
hơn, giữa những khó khăn dị thường, ông vẫn vượt qua và duy trì
được đế chế." Dio nói thêm rằng từ những ngày đầu tiên làm cố vấn
cho Antoninus đến những ngày cuối cùng làm hoàng đế, "ông vẫn
như vậy và không hề thay đổi chút nào".
Năm 180, Marcus lâm trọng bệnh. Ông từ chối ăn uống vì muốn
nhanh chóng ra đi. Ông mất vào ngày 17 tháng Ba năm đó, thọ 58
tuổi. Cái chết của ông gây ra nỗi xót thương sâu sắc trong lòng dân
chúng, nhất là binh lính của ông.
Giống như sự chuyển biến của Đế chế La Mã Constantine mang
lại lợi ích cho Cơ Đốc giáo, tư tưởng Khắc kỷ của Marcus cũng
mang lại lợi ích cho triết lý này. Tuy nhiên, Marcus không thuyết
giảng về chủ nghĩa Khắc kỷ. Ông không thuyết giảng cho người dân
La Mã về lợi ích của việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ; cũng như
không công bố các bút ký triết học của mình. (Meditations là một
cuốn nhật ký cá nhân - tên gốc là To Himself - và chỉ được công bố
sau khi Marcus qua đời.) Và mặc dù nhiều người La Mã đương thời
tự xem mình là người theo phái Khắc kỷ, có lẽ là để lấy lòng Marcus,
nhưng mối quan tâm của ông về chủ nghĩa Khắc kỷ không dấy lên
mối quan tâm về triết học trong đông đảo quần chúng. Theo một
nghĩa nào đó, Marcus đại diện cho đỉnh cao của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Ngày nay, có thể thấy rằng chủ nghĩa Khắc kỷ không còn giữ
được vị thế như trước. Đã bao giờ bạn gặp dù chỉ là một người
đang thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ chưa? Chúng ta rất dễ quy chụp
rằng chủ nghĩa Khắc kỷ không còn phổ biến là bởi triết lý của nó còn
tồn tại những thiếu sót. Thế nhưng theo tôi, tình trạng này là do các
yếu tố khác. Trước hết, con người thời nay hiếm khi có nhu cầu tuân
theo một triết lý sống. Thay vì vậy, họ có xu hướng làm việc chăm
chỉ để mua được những thiết bị tiêu dùng mới nhất, với niềm tin
mãnh liệt rằng chỉ khi mua sắm đầy đủ, họ mới có một cuộc đời vừa
ý nghĩa vừa viên mãn. Ngoài ra, ngay cả khi những người này nhận
ra rằng cuộc đời còn có nhiều điều ý nghĩa hơn là mua sắm, họ
cũng ít khi tìm đến chủ nghĩa Khắc kỷ để truy cầu một triết lý sống.
Hoặc họ hoàn toàn không biết mình cần phải làm gì để thực hành
chủ nghĩa Khắc kỷ, hoặc nhiều khả năng là họ sẽ hiểu sai về nó.
Vì vậy, trong nỗ lực khôi phục chủ nghĩa Khắc kỷ, ở các chương
tiếp theo, tôi sẽ trình bày chi tiết cách thức thực hành triết lý này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top