20. Xét lại chủ nghĩa Khắc kỷ
Ở chương trước, tôi đã mô tả sự suy tàn của chủ nghĩa Khắc kỷ
và cố gắng tìm hiểu lý do cho trạng thái hấp hối hiện tại của nó.
Trong chương này, tôi sẽ nỗ lực làm hồi sinh học thuyết này. Mục
tiêu của tôi khi làm như vậy là để khiến tư tưởng Khắc kỷ trở nên
cuốn hút hơn đối với những ai đang kiếm tìm một triết lý sống.
Trong phần giới thiệu cho cuốn sách này, tôi đã giải thích rằng
các triết lý về cuộc sống có hai thành phần: Chúng cho ta biết những
thứ gì trong cuộc sống là đáng hay chẳng đáng theo đuổi, và chúng
chỉ cho chúng ta biết cách đạt được những điều đáng giá. Như ta đã
thấy, các triết gia Khắc kỷ xem sự bình thản là đáng để theo đuổi, và
sự bình thản mà họ đang truy cầu sẽ được nhớ đến như một trạng
thái tâm lý mà ở đó chúng ta ít trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, chẳng
hạn như lo âu, đau buồn, sợ hãi, và thay vào đó lúc nào cũng tràn
đầy những cảm xúc tích cực, đặc biệt là niềm vui. Các nhà Khắc kỷ
không cho rằng sự bình thản là quý giá; đúng hơn là, họ giả định
rằng trong cuộc sống của hầu hết mọi người, tại một thời điểm nào
đó, giá trị của sự bình thản sẽ trở nên hiển nhiên.
Để phát triển và cải tiến những chiến lược của họ nhằm đạt được
sự bình thản, các nhà Khắc kỷ trở thành những người quan sát nhạy
bén của nhân loại. Họ cố tìm cho được những thứ phá vỡ sự bình
thản của con người, làm thế nào để con người tránh không để cho
những chuyện đó phá vỡ sự bình thản của họ, và khi, mặc cho
những nỗ lực của họ, sự bình thản bị phá vỡ, thì làm thế nào họ có
thể nhanh chóng phục hồi lại nó. Trên cơ sở của những sự xem xét
này, các nhà Khắc kỷ đưa ra một bộ lời khuyên cho những ai đang
tìm kiếm sự bình thản. Trong số các lời khuyên của họ có những
điều sau:
- Chúng ta nên biết tự ý thức: Chúng ta nên quan sát chính bản
thân mình khi thực hiện các công việc hằng ngày, và chúng ta thỉnh
thoảng nên suy ngẫm về cách mà ta đáp ứng trước các sự kiện
trong ngày. Chúng ta phản ứng như thế nào trước một lời sỉ nhục?
Trước một sự mất mát của cải? Trước một tình huống gây căng
thẳng? Trong các phản ứng của mình, liệu chúng ta có áp dụng các
chiến lược tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ không?
- Chúng ta nên sử dụng khả năng lý trí, suy luận của mình để
vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta cũng cần sử dụng năng
lực lý trí của mình để làm chủ các ham muốn, trong giới hạn khả
năng của bản thân. Đặc biệt là, ta nên sử dụng lý trí của mình để
khiến bản thân tin rằng những thứ như danh tiếng hay của cải chẳng
có mấy giá trị - ở mức độ nào đó, nếu điều mà ta đang truy cầu là sự
bình thản - và do đó không đáng theo đuổi. Cũng thế, chúng ta nên
sử dụng khả năng lý luận của mình để để thuyết phục bản thân rằng
mặc dù một số hoạt động nào đó cho ta nhiều lạc thú nhưng sa đà
vào đó sẽ phá vỡ sự bình thản của ta, và nếu đánh mất sự bình thản
thì hệ lụy sẽ vượt xa những khoái cảm ta nhận được.
- Nếu như, mặc dù không chạy theo giàu sang nhưng ta vẫn giàu,
vậy thì ta cứ việc tận hưởng may mắn đó; chính những triết gia Hoài
nghi, chứ không phải các nhà Khắc kỷ, mới ủng hộ lối sống khổ
hạnh. Nhưng cho dù vui thích với sự giàu sang, chúng ta cũng đừng
nên bám chấp vào nó; quả thật, ngay cả khi đang tận hưởng vinh
hoa phú quý, chúng ta cũng nên suy nghĩ đến tình huống mình bị
phá sản.
- Chúng ta là những sinh vật xã hội; đời ta sẽ khốn khổ nếu tách
biệt với người khác. Bởi thế, nếu thứ mà ta mưu cầu là sự bình
thản, chúng ta nên thiết lập và duy trì mối quan hệ với người khác.
Nhưng khi làm vậy, ta cũng nên thận trọng chọn lựa người để kết
giao. Chúng ta cũng nên, tùy theo hoàn cảnh, tránh xa những người
có hệ giá trị đồi bại, kẻo những giá trị của họ sẽ lây nhiễm sang
chúng ta.
- Tuy nhiên, người khác sẽ mãi mãi gây phiền nhiễu cho ta, do
vậy nếu chúng ta duy trì quan hệ với họ, họ đôi lúc sẽ đánh đổ sự
bình thản của ta - nếu chúng ta cho phép họ làm thế. Các nhà Khắc
kỷ đã dành nhiều thời gian để nghĩ ra các kỹ thuật loại bỏ nỗi đau
đớn trong các mối quan hệ với người khác. Cụ thể, họ đưa ra những
kỹ thuật để ứng phó với lời lăng mạ của người khác và ngăn không
cho họ chọc giận chúng ta.
- Các nhà Khắc kỷ chỉ ra hai nguồn bất hạnh chính của con người
- sự tham lam vô độ và khuynh hướng bận tâm đến những việc nằm
ngoài tầm kiểm soát - và họ phát triển các kỹ thuật nhằm loại bỏ
những nguồn gây bất hạnh đó ra khỏi cuộc sống của chúng ta.
- Để chế ngự lòng tham vô độ của chúng ta, các nhà Khắc kỷ
khuyên ta thực hành tưởng tượng tiêu cực. Chúng ta nên chiêm
nghiệm về tính vô thường của mọi sự. Chúng ta nên tưởng tượng
mình đánh mất những thứ mà ta trân quý nhất, bao gồm của cải và
những người thân yêu của ta. Chúng ta cũng nên tưởng tượng mình
đánh mất cái sinh mạng này. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ dần biết trân
trọng những thứ mà ta đang có, và bởi vì ta trân quý, biết ơn chúng
sâu sắc nên ta sẽ ít có khả năng nảy sinh những ham muốn với
những thứ khác. Và bên cạnh việc tưởng tượng rằng sự việc còn có
thể tồi tệ hơn thực tế, đôi lúc chúng ta cũng nên chủ động làm mọi
thứ trở nên tồi tệ hơn; Seneca khuyên ta "tập sống nghèo," và
Musonius thì đề nghị chúng ta tự nguyện bỏ qua những cơ hội được
hưởng thụ lạc thú và thoải mái.
- Để hạn chế xu hướng lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm
soát, các triết gia Khắc kỷ khuyên chúng ta thực hiện một kiểu phân
loại đối với các yếu tố trong cuộc sống và sắp xếp chúng thành
những thứ mà chúng ta không có quyền kiểm soát, những thứ mà ta
có toàn quyền kiểm soát và những thứ chúng ta chỉ kiểm soát được
một phần chứ không thể kiểm soát được hết. Khi đã làm điều này,
chúng ta đừng nên bận tâm về những việc ta không hề có quyền
kiểm soát. Thay vào đó, chúng ta nên dùng một phần thời gian của
mình để giải quyết những việc mà ta hoàn toàn có quyền kiểm soát,
thí dụ như những mục tiêu và giá trị của chúng ta, và dành phần lớn
thời gian để giải quyết những việc mà ta có một chút quyền kiểm
soát. Nếu làm điều này, chúng ta sẽ tránh được nhiều lo lắng không
cần thiết.
- Khi chúng ta dành thời gian để xử lý những việc mà ta chỉ kiểm
soát được một phần, chúng ta nên cẩn thận khi nội tại hóa các mục
tiêu của mình. Ví dụ, mục tiêu của tôi khi chơi quần vợt không phải
là để giành chiến thắng trong trận đấu mà là chơi trận đấu tốt nhất
có thể.
- Chúng ta nên tin vào thuyết định mệnh về thế giới bên ngoài:
Chúng ta nên nhận ra rằng những gì đã xảy ra với chúng ta trong
quá khứ và những gì đang xảy ra với chúng ta ngay lúc này nằm
ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì vậy thật ngu ngốc khi bực bội
về những chuyện này.
Các nhà Khắc kỷ hoàn toàn có thể đưa ra một triết lý sống mà
không cần giải thích tại sao nó là một triết lý tốt đẹp. Nói cách khác,
họ có thể chọn đi theo triết lý sống của mình như một bước nhảy về
niềm tin, như cách mà các Phật tử Thiền tông làm với triết lý của họ.
Nhưng với tư cách là các triết gia, họ thấy cần phải chứng minh rằng
triết lý của họ là thứ triết lý sống "đúng đắn" và những triết lý của các
trường phái đối thủ là sai lầm.
Về bằng chứng biện luận cho chủ nghĩa Khắc kỷ, các nhà Khắc
kỷ cho rằng thần Zeus đã tạo ra chúng ta và làm chúng ta khác biệt
với những loài động vật khác bằng cách ban cho ta khả năng suy
luận. Bởi vì ông ấy quan tâm đến chúng ta, Zeus muốn thiết kế ra
chúng ta theo cách mà ta sẽ luôn luôn được hạnh phúc, nhưng ông
ấy chưa đủ quyền năng để làm được việc này. Thay vào đó, ông ấy
ban cho chúng ta những gì trong quyền hạn của ông: Ông ấy trao
cho chúng ta những phương tiện để khiến cuộc sống của ta không
phải là sự chịu đựng cho qua ngày mà còn để có niềm vui sống nữa.
Chính xác hơn, ông ấy đã thiết kế cho chúng ta một mô hình sống
mà nếu ta tuân theo, ta sẽ được vui sống và phát triển. Các triết gia
Khắc kỷ sử dụng khả năng suy luận của họ để khám phá ra mô hình
sống này. Rồi sau đó họ tạo ra một thứ triết lý về cuộc sống mà nếu
ta làm theo, ta sẽ có thể sống đúng theo mô hình này - như họ đã
nói, sống hòa hợp với tự nhiên - và nhờ đó ta được hạnh phúc. Tóm
lại, nếu sống theo các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta
sẽ có được cuộc sống tốt đẹp nhất mà một con người có thể có.
Tất nhiên, các tín đồ của đa số các tôn giáo sẽ bác bỏ bằng
chứng này của chủ nghĩa Khắc kỷ, bởi vì họ sẽ phủ nhận tuyên bố
rằng thần Zeus đã tạo ra chúng ta. Tuy nhiên, họ có thể sẵn sàng
chấp nhận một phiên bản được thay đổi một chút, một phiên bản
thay thế thần Zeus bằng Thượng đế. Do đó họ có thể biến đổi bằng
chứng của các nhà Khắc kỷ thành một bằng chứng tương thích với
tôn giáo của họ.
Tuy nhiên hãy xem xét tình trạng khó khăn của những người
Khắc kỷ thời hiện đại, phủ nhận sự tồn tại của cả thần Zeus lẫn
Thượng đế, và do đó bác bỏ tuyên bố rằng thần Zeus và Thượng đế
tạo ra loài người. Giả sử những cá nhân này thay vào đó tin rằng
loài người xuất hiện thông qua một quá trình tiến hóa. Trong trường
hợp này, con người không được tạo ra vì bất kỳ mục đích nào cả,
nghĩa là chúng ta chẳng thể nào khám phá ra mục đích sống của
một con người để rồi thực hiện tốt mục đích đó, nhờ vậy mà phát
triển. Tôi cho rằng những người này có thể giải quyết tình thế khó
khăn của họ bằng cách từ bỏ lý lẽ của chủ nghĩa Khắc kỷ để ủng hộ
một lý lẽ tận dụng các khám phá về khoa học vốn không có ở các
triết gia Khắc kỷ. Cho phép tôi giải thích tại sao điều này lại khả thi.
Nếu ai đó hỏi tôi tại sao chủ nghĩa Khắc kỷ có hiệu quả, tôi sẽ
không kể cho họ câu chuyên về Zeus (hay các vị thần). Thay vào đó,
tôi sẽ nói về lý thuyết tiến hóa, loài người chúng ta xuất hiện như hệ
quả của một loạt sự cố sinh học thú vị. Sau đó tôi sẽ bắt đầu nói về
tâm lý học tiến hóa, theo đó con người chúng ta, bên cạnh việc có
được một cấu tạo cơ thể và sinh lý nhất định thông qua các quá
trình tiến hóa, có được những đặc điểm tâm lý nào đó, chẳng hạn
như khuynh hướng trải nghiệm sợ hãi hoặc lo lắng trong một số tình
huống và một xu hướng trải nghiệm lạc thú, niềm vui trong những
tình huống khác. Tôi sẽ giải thích rằng tiến hóa cho chúng ta những
khuynh hướng đó không phải để chúng ta có thể có một cuộc sống
hạnh phúc, mà nhằm để ta có khả năng sống sót và sinh sản. Tôi sẽ
bổ sung thêm rằng không giống như thần Zeus (hay Thượng đế),
các quá trình tiến hóa không quan tâm xem liệu chúng ta có hạnh
phúc hay không; mà chúng chỉ cần biết rằng ta vẫn còn sống và sinh
sản được. Quả thực, một cá nhân vô cùng bất hạnh nhưng vẫn cố
gắng để sống và sinh sản thì sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong các
quá trình tiến hóa so với một cá nhân vui vẻ nhưng lựa chọn không
sinh con.
Đến đây, tôi sẽ tạm dừng để đảm bảo là độc giả của tôi hiểu
được lịch sử tiến hóa của chúng ta góp phần vào bản chất tâm lý
hiện tại của chúng ta như thế nào. Chẳng hạn, tại sao chúng ta trải
nghiệm đau đớn? Không phải vì thần thánh hay Thượng đế muốn
chúng ta chịu đau hoặc nghĩ rằng chúng ta có thể được hưởng lợi
ích từ việc chịu đau, mà vì từ thời tổ tiên chúng ta, những ai bị chấn
thương đau đớn (nhờ vào một "thí nghiệm" tiến hóa) có nhiều khả
năng tránh được những chấn thương như vậy - và do đó có nhiều
khả năng sống sót và sinh sản hơn những tổ tiên không có khả năng
trải nghiệm đau đớn. Bởi vậy, những người có thể cảm nhận đau
đớn thì truyền lại gen của họ hiệu quả hơn những người không có
khả năng này, và kết quả là con người chúng ta được thừa hưởng
khả năng trải nghiệm đau đớn.
Cũng chính vì quá trình tiến hóa mà chúng ta có khả năng trải
nghiệm sự sợ hãi: Tổ tiên của chúng ta, những ai sợ sư tử thì ít khi
bị ăn thịt hơn những người bàng quan trước chúng. Tương tự như
vậy, xu hướng lo âu và tham lam vô độ là một hệ quả của quá khứ
tiến hóa của chúng ta. Tổ tiên chúng ta, những người luôn lo lắng về
việc liệu họ có đủ thức ăn hay không thì ít khi bị chết đói hơn những
người vô tư lự, chẳng màng quan tâm sẽ kiếm bữa ăn tới của họ ở
đâu. Cũng thế, những người tổ tiên không bao giờ thỏa mãn với
những gì họ có, những người luôn muốn có nhiều thức ăn hơn hay
chỗ trú ẩn tốt hơn, sẽ có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn
những người dễ dàng thỏa mãn.
Khả năng trải nghiệm lạc thú của chúng ta cũng có thể được giải
thích theo khía cạnh tiến hóa. Chẳng hạn như, tại sao tình dục lại
khiến ta cảm thấy sung sướng? Vì tổ tiên chúng ta, những ai thích
tình dục thì có nhiều khả năng sinh sản hơn những người lãnh đạm
chuyện chăn gối hoặc thậm chí tệ hơn là ác cảm với tình dục.
Chúng ta thừa hưởng gen của những tổ tiên cảm thấy tốt về tình
dục, và kết quả là chúng ta cũng thấy tình dục đem lại nhiều khoái
lạc.
Như chúng ta thấy, các nhà Khắc kỷ cho rằng thần Zeus thiết kế
ra chúng ta với bản tính thích giao du, sống trong tập thể. Tôi đồng ý
với các nhà Khắc kỷ rằng "bản chất" của chúng ta là thích giao du.
Mặc dù tôi bác bỏ lời tuyên bố rằng thần Zeus (hay Thượng đế)
khiến chúng ta trở nên như vậy. Đúng hơn, chúng ta thích kết giao
và sống thành tập thể vì tổ tiên của chúng ta, những ai bị thu hút
trước người khác và tham gia vào các nhóm thì có nhiều khả năng
sống sót và sinh sản hơn những người sống khép kín ít giao du.
Bên cạnh việc "được lập trình" về tiến hóa để tìm kiếm các mối
quan hệ với người khác, tôi cho rằng chúng ta được lập trình để truy
cầu địa vị xã hội. Tôi đoán là, trong các nhóm của tổ tiên chúng ta có
phân ra thứ bậc xã hội, tương tự như cách làm của đám khỉ. Một
thành viên trong nhóm có địa vị thấp có nguy cơ bị tước đi các
nguồn lực hoặc thậm chí bị đuổi khỏi nhóm, những tình huống có
thể đe dọa tính mạng anh ta. Ngoài ra, những người đàn ông có địa
vị thấp trong nhóm sẽ ít có khả năng sinh sản. Vì thế, ông cha của
chúng ta cảm thấy thôi thúc phải tìm kiếm địa vị xã hội - những tổ
tiên nào đạt được địa vị xã hội sẽ cảm thấy hài lòng hơn và có nhiều
khả năng sinh tồn cũng như sinh sản hơn những ai không quan tâm
đến địa vị xã hội. Do quá khứ tiến hóa của chúng ta, con người ngày
nay cảm thấy dễ chịu khi đạt được địa vị xã hội và khó chịu khi mất
nó. Đó là lý do tại sao ta thấy sung sướng khi người khác khen ngợi
mình và đau khổ khi họ xúc phạm ta.
Theo các nhà Khắc kỷ, thần Zeus đã trao cho chúng ta khả năng
suy luận để chúng ta có thể giống như Thần thánh. Tuy nhiên, tôi lại
cho rằng cách chúng ta đạt được khả năng suy luận này cũng giống
như cách mà ta đạt được những khả năng khác: thông qua các quá
trình tiến hóa. Tổ tiên của chúng ta, những ai có khả năng suy luận
thì có nhiều cơ may sống sót và sinh sản hơn những ai không biết
động não, không dùng đầu óc. Một điều quan trọng cũng cần nhận
ra là chúng ta không đạt được khả năng suy luận để có thể vượt qua
những ham muốn được tiến hóa lập trình, chẳng hạn như ham
muốn tình dục và địa vị xã hội. Ngược lại, chúng ta có được khả
năng suy luận để có thể đáp ứng các ham muốn đó một cách hiệu
quả - chẳng hạn, để chúng ta có thể vạch ra các chiến lược phức
tạp nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục và địa vị xã hội của mình.
Chúng ta đang có những khả năng mà việc sở hữu chúng cho
phép tổ tiên chúng ta sinh tồn và sinh sản. Điều này không phải
muốn nói rằng chúng ta phải dùng những khả năng đó để sinh tồn
và sinh sản. Thật vậy, nhờ khả năng suy luận mà chúng ta có khả
năng "lạm dụng" di sản tiến hóa của mình. Cho phép tôi giải thích.
Hãy xem xét khả năng nghe của chúng ta. Chúng ta có được khả
năng này thông qua các quá trình tiến hóa: Những tổ tiên có khả
năng nghe tiếng thú săn mồi đang tiến lại gần có khả năng sống sót
và sinh sản tốt hơn những người nghe kém. Nhưng con người thời
hiện đại hiếm khi sử dụng khả năng nghe của họ cho mục đích này.
Thay vào đó chúng ta có thể sử dụng nó để nghe nhạc Beethoven,
một hoạt động hoàn toàn không làm tăng cơ hội sinh tồn và sinh sản
của chúng ta. Ngoài việc sử dụng sai mục đích khả năng nghe,
chúng ta còn lạm dụng đôi tai được tiến hóa gắn liền với khả năng
này; thí dụ chúng ta có thể dùng chúng để đeo kính hoặc bông tai.
Tương tự thế, chúng ta có khả năng đi bộ vì tổ tiên chúng ta những
ai có khả năng này sẽ có nhiều cơ hội sống sót và sinh sản hơn
những người không có, và một số người sử dụng khả năng này để
leo lên đỉnh Everest, một hoạt động rõ ràng làm giảm cơ hội sống
sót của họ.
Giống như việc chúng ta có thể "sử dụng sai mục đích" khả năng
nghe và đi lại của mình - tức là sử dụng những khả năng đó theo
cách thức chẳng hề liên quan gì đến sự sinh tồn và sinh sản của loài
người - vậy thì chúng ta cũng có thể lạm dụng khả năng suy luận
của mình. Cụ thể là, chúng ta có thể sử dụng nó để vô hiệu hóa
những khuynh hướng hành vi mà tiến hóa đã lập trình cho ta. Chẳng
hạn, nhờ vào lịch sử tiến hóa, chúng ta được tưởng thưởng vì quan
hệ tình dục. Nhưng nhờ khả năng suy luận của mình, chúng ta có
thể quyết định từ bỏ các cơ hội tình dục vì tận dụng các cơ hội này
sẽ khiến chúng ta xa rời nhiều mục tiêu mà ta đã để ra cho mình,
những mục tiêu chẳng liên quan gì đến khả năng sinh sản và tồn tại
của chúng ta. (Đáng kể nhất, chúng ta có thể quyết định duy trì tình
trạng độc thân, một quyết định sẽ giảm cơ hội sinh sản của chúng ta
xuống không.) Quan trọng hơn, chúng ta có thể sử dụng khả năng
suy luận của mình để đi đến kết luận rằng có nhiều thứ mà sự lập
trình tiến hóa của chúng ta khuyến khích ta theo đuổi, chẳng hạn
như địa vị xã hội và tích cóp thêm những thứ ta đã có, có thể những
điều này là có giá trị nếu mục tiêu của chúng ta chỉ đơn giản là sống
sót và sinh sản, nhưng lại không hề quý giá nếu mục tiêu của chúng
ta thay vào đó là trải nghiệm sự bình thản khi ta còn đang sống.
Như chúng ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ cho rằng mặc dù thần
Zeus khiến chúng ta dễ trở nên đau khổ, ông ấy cũng trao cho
chúng ta một công cụ - khả năng suy luận - mà nếu được sử dụng
đúng cách, thì có thể ngăn ngừa nhiều khổ đau. Tôi nghĩ rằng, một
tuyên bố tương tự cũng có thể áp dụng cho sự tiến hóa: các quá
trình tiến hóa làm chúng ta dễ trở nên đau khổ, nhưng nó cũng vô
tình ban cho chúng ta một công cụ giúp chúng ta ngăn chặn phần
lớn khổ đau này. Một lần nữa, công cụ đó là khả năng suy luận của
chúng ta. Bởi vì có thể suy luận nên chúng ta không chỉ hiểu được
thực trạng tiến hóa khó khăn của mình mà còn tiến hành các biện
pháp để thoát khỏi nó, trong khả năng cho phép.
Mặc dù sự lập trình tiến hóa giúp cho giống loài của chúng ta
phát triển, nhưng nó có nhiều mặt tồn tại lâu hơn tính hữu dụng của
mình. Ví dụ, hãy xem xét về nỗi đau mà ta có thể phải chịu đựng khi
ai đó công khai lăng mạ chúng ta. Tôi đã đưa ra một lời giải thích về
mặt tiến hóa cho nỗi đau này: Chúng ta trải nghiệm nó vì tổ tiên
chúng ta, những người hết sức quan tâm đến việc đạt được và giữ
được địa vị xã hội thì có nhiều khả năng tồn tại và sinh sản hơn
những người thờ ơ với địa vị xã hội, và bởi thế họ là những người
không thấy đau khổ khi bị lăng mạ. Nhưng thế giới đã thay đổi
chóng mặt kể từ khi tổ tiên của chúng ta còn rong ruổi trên các thảo
nguyên ở châu Phi. Ngày nay, một cá nhân hoàn toàn có thể tồn tại
mặc cho địa vị xã hội thấp kém của anh ta; ngay cả khi người khác
khinh thường ta, pháp luật sẽ không để yên cho họ lấy thức ăn của
chúng ta hay đuổi ta ra khỏi nhà. Hơn nữa, địa vị xã hội thấp không
còn là trở ngại cho sinh sản; quả thật là, ở nhiều nơi trên thế giới,
đàn ông và phụ nữ có địa vị xã hội thấp có tỷ lệ sinh sản cao hơn
những người đàn ông và phụ nữ có địa vị xã hội cao.
Nếu mục tiêu của chúng ta không đơn thuần chỉ là tồn tại và sinh
sản mà còn để tận hưởng sự tồn tại bình thản, vậy thì nỗi đau gắn
liền với việc đánh mất địa vị xã hội không chỉ là bằng thừa mà nó
còn phản tác dụng nữa. Khi chúng ta làm những công việc thường
ngày của mình, những người khác, do sự trình tiến hóa của họ, sẽ
tìm cách, thường là vô thức, để đạt được địa vị xã hội. Kết quả là,
họ sẽ có xu hướng làm chúng ta mất mặt, xúc phạm ta, hoặc nói
chung là làm những việc để hạ thấp địa vị xã hội của chúng ta.
Những hành động của họ có tác động phá hoại sự bình thản của
chúng ta - nếu ta cho phép điều đó. Điều chúng ta cần làm, trong
những trường hợp đó, là sử dụng - chính xác hơn, "lạm dụng" - trí
tuệ của chúng ta để xóa bỏ lập trình tiến hóa khiến những lời lăng
mạ làm ta đau đớn. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng khả năng
suy luận của mình để loại bỏ cảm xúc đau đớn vì những lời lăng mạ
và do đó làm chúng ít có khả năng phá vỡ sự bình thản của chúng
ta.
Cũng vậy, hãy xem thói tham lam vô độ của chúng ta. Như chúng
ta đã thấy, tổ tiên của ta sẽ được hưởng lợi từ việc muốn có nhiều
thêm nữa, đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta lại có khuynh hướng
này. Nhưng sự tham lam vô độ đó, nếu ta không dùng biện pháp để
kiềm chế nó, nó sẽ phá vỡ sự bình thản của chúng ta; thay vì tận
hưởng những thứ đã có, chúng ta sẽ dành cả cuộc đời làm việc vất
vả để mua được những thứ ta chưa có. Tiếc thay, do niềm tin sai
lầm rằng khi có được chúng, chúng ta sẽ yêu thích chúng và không
còn tìm kiếm thêm nữa. Một lần nữa, điều chúng ta phải làm là lạm
dụng trí tuệ của mình. Thay vì dùng nó để nghĩ ra các chiến lược
thông minh nhằm có thêm nhiều thứ hơn, chúng ta phải dùng nó để
chế ngự cái xu hướng tham lam vô độ của mình. Và một cách tuyệt
hảo để làm điều này là sử dụng trí tuệ của ta để tưởng tượng tiêu
cực.
Cuối cùng, hãy xem xét về nỗi lo âu. Như ta đã thấy, chúng ta
được lập trình về mặt tiến hóa để trở thành người hay lo lắng: Tổ
tiên của chúng ta, những ai thay vì lo lắng về bữa ăn tiếp theo của
họ đến từ đâu và tiếng gầm gừ trong bụi cây là của loài thú nào lại
cứ ngồi đó hạnh phúc ngắm hoàng hôn có lẽ không thể sống được
đến già. Nhưng đa số người thời hiện đại được sống trong một môi
trường đặc biệt an toàn và dễ đoán; không có những tiếng gầm gừ
trong bụi cây, và chúng ta có thể biết chắc bữa ăn tiếp theo sắp
được dọn ra. Đơn giản là cuộc sống của chúng ta chẳng có mấy thứ
để mà lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ xu hướng lo lắng của tổ
tiên mình. Việc chúng ta cần làm, nếu muốn có được sự bình thản,
là "lạm dụng" trí tuệ của mình để chiến thắng khuynh hướng này. Cụ
thể, chúng ta có thể làm theo lời khuyên của các nhà Khắc kỷ, xác
định những thứ gì mà chúng ta không thể kiểm soát. Rồi sau đó
chúng ta có thể dùng khả năng suy luận của mình để xóa bỏ những
lo lắng của bản thân về những thứ này. Làm điều này sẽ tăng cơ hội
đạt được sự bình thản của chúng ta.
Cho phép tôi tóm tắt lại. Các nhà Khắc kỷ cho rằng họ có thể
chứng minh rằng chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý sống đúng đắn, và
trong bằng chứng của họ, họ giả định rằng thần Zeus có tồn tại và
ông ấy tạo ra chúng ta với một mục đích nào đó. Tôi cho rằng người
ta có thể sổ toẹt bằng chứng của chủ nghĩa Khắc kỷ mà không bác
bỏ bản thân chủ nghĩa Khắc kỷ. Đặc biệt, ai đó có thể cho rằng các
nhà Khắc kỷ đã sai lầm khi tuyên bố chúng ta được tạo ra vì một
mục đích nào đó, nhưng dù vậy họ vẫn có thể nghĩ rằng các nhà
Khắc kỷ, trong triết lý sống của họ, đã chọn mục tiêu đúng đắn (sự
bình thản) và khám phá ra một số kỹ thuật hữu ích để đạt được mục
tiêu này.
Bởi vậy nếu có ai đó hỏi tôi, "Tại sao tôi nên thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ?" câu trả lời của tôi sẽ không nêu ra thần Zeus (hoặc
Thượng đế) và sẽ không nói về chức năng mà con người được thiết
kế để thực hiện. Thay vào đó, tôi sẽ nói về quá khứ tiến hóa của
chúng ta; về cách mà chúng ta, qua tiến trình quá khứ tiến hóa này,
được lập trình về mặt tiến hóa để ham muốn một số thứ nhất định
và trải nghiệm những cảm xúc nhất định khi gặp những tình huống
nhất định; về cách sống thuận theo lập trình tiến hóa của chúng ta,
mặc dù cho phép tổ tiên chúng ta sống sót và sinh sản, nó lại có thể
làm cuộc sống của con người thời hiện đại trở nên khốn khổ; và
bằng cách "lạm dụng" khả năng suy luận của mình, chúng ta có thể
chế ngự được lập trình tiến hóa của mình. Tôi sẽ tiếp tục chỉ ra rằng,
mặc dù các triết gia Khắc kỷ không hiểu về sự tiến hóa, nhưng họ đã
phát hiện ra các kỹ thuật tâm lý mà nếu ta tập luyện thì có thể giúp
ta vượt qua những khía cạnh của lập trình tiến hóa có nguy cơ phá
vỡ sự bình thản của ta.
Hiểu đúng về chủ nghĩa Khắc kỷ là một liều thuốc cho một căn
bệnh. Căn bệnh đó là sự lo âu, buồn đau, sợ hãi và nhiều cảm xúc
tiêu cực khác gây bệnh cho loài người, ngăn không cho họ sống
cuộc đời tươi vui. Bằng cách thực hành các kỹ thuật Khắc kỷ, chúng
ta có thể chữa khỏi căn bệnh và nhờ đó có được sự bình thản. Tôi
muốn nói rằng mặc dù các nhà Khắc kỷ thời cổ đại đã tìm được một
"phương thuốc" cho các cảm xúc tiêu cực, nhưng họ lại hiểu sai về
lý do tại sao phương thuốc này công hiệu.
Để hiểu rõ hơn quan điểm mà tôi đưa ra, hãy xem xét thuốc
aspirin. Aspirin có hiệu lực là điều không thể chối cãi; mọi người đều
biết điều này và dùng nó như một loại thuốc từ bao lâu nay. Câu hỏi
là, tại sao và bằng cách nào mà nó có hiệu quả?
Người Ai Cập cổ đại, những người đã làm thuốc từ vỏ cây liễu có
chứa hoạt chất tương tự như aspirin, có một lý thuyết. Họ cho rằng
có bốn yếu tố đang chảy trong cơ thể chúng ta: máu, không khí,
nước, và một chất được gọi là wekhudu. Họ đưa ra giả thuyết rằng
sự thừa mứa chất wekhudu gây ra đau và viêm và việc nhai vỏ cây
liễu hoặc uống trà liễu giúp làm giảm lượng wekhudu ở những
người đang bị đau hoặc viêm và do đó phục hồi sức khỏe. Tất nhiên
là giả thuyết này không đúng: Làm gì có chất nào gọi là wekhudu.
Điều quan trọng là mặc dù lý thuyết của họ về cách aspirin hoạt
động đã bị hiểu sai, tuy nhiên aspirin vẫn có tác dụng với họ.
Trong những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, việc sử dụng
vỏ cây liễu làm thuốc đã lan rộng, nhưng sau đó người châu Âu
dường như đã quên mất sức mạnh chữa bệnh của nó. Nó được tái
phát hiện vào thế kỷ thứ mười tám bởi một người Anh, Đức Cha
Edward Stone. Ông biết rằng vỏ cây liễu là một loại thuốc giảm đau
và hạ sốt hiệu quả, nhưng cũng mù tịt về cách nó hoạt động như
người Ai Cập cổ đại. Vào thế kỷ 19, các nhà hóa học đã xác định
rằng hoạt chất trong vỏ cây liễu là axit salicylic nhưng vẫn không biết
tại sao axit salicylic có công hiệu. Quả thực, đến tận những năm
1970, các nhà nghiên cứu cuối cùng mới tìm ra cách thức hoạt động
của aspirin: Các tế bào bị tổn thương tạo ra axit arachidonic, điều
này kích hoạt việc sản sinh ra prostaglandins, đến lượt nó gây ra
sốt, viêm, và đau. Bằng cách ngăn chặn sự hình thành của
prostaglandins, aspirin làm đứt mạch của quá trình này.
Điều cần nhận ra là sự thiếu hiểu biết của mọi người về cách
thức và tại sao aspirin có hiệu quả không ngăn được sự thật là nó
vẫn có hiệu quả. Tôi cũng muốn đưa ra một tuyên bố tương tự về
chủ nghĩa Khắc kỷ. Các triết gia Khắc kỷ cũng giống như người Ai
Cập cổ đại tình cờ tìm ra được một phương thuốc chữa trị một căn
bệnh chung và tận dụng nó, mà không biết tại sao nó hiệu quả.
Trong khi người Ai Cập tình cờ tìm ra phương thuốc chữa bệnh đau
đầu và sốt thì các nhà Khắc kỷ lại tình cờ tìm ra cách chữa trị những
cảm xúc tiêu cực; chính xác hơn, họ phát triển một nhóm các kỹ
thuật tâm lý mà nếu được thực hành, có thể thúc đẩy sự bình thản.
Cả người Ai Cập cổ và các nhà Khắc kỷ đều hiểu sai về lý do tại sao
phương pháp chữa bệnh của họ có hiệu quả nhưng họ không sai về
hiệu quả của nó.
Nên nhớ là các nhà Khắc kỷ thời kỳ ban đầu đã tích cực quan
tâm đến khoa học. Vấn đề là khoa học của họ còn sơ khai và không
thể trả lời nhiều câu hỏi mà họ đặt ra. Kết quả là, họ nghĩ đến những
lời giải thích tiên nghiệm để lý giải cho sự hiệu quả của chủ nghĩa
Khắc kỷ và các kỹ thuật mà nó mang đến - những lời giải thích
không dựa trên sự quan sát về thế giới mà dựa trên hết những
nguyên tắc triết học. Sẽ có người tự hỏi, liệu họ có đưa ra những lời
giải thích khác hay không nếu họ biết về sự tiến hóa và, quan trọng
hơn, tâm lý học tiến hóa? Đến đây, ai đó có thể đưa phép so sánh
aspirin tiến thêm một bước và phủ nhận chủ nghĩa Khắc kỷ. Cũng
tương tự thế, chúng ta có sự hiểu biết về khoa học tốt hơn các triết
gia Khắc kỷ, chúng ta có những loại thuốc mà họ không có (một
phần nhờ sự tiến bộ trong hiểu biết này). Đặc biệt, chúng ta có
những loại thuốc an thần chẳng hạn như Xanax có thể xoa dịu cảm
giác lo lắng mà nếu không sẽ là một chướng ngại cho sự bình thản
của chúng ta. Thực tế này có thể dẫn đến một lập luận là có tồn tại
một 'lối tắt" đi đến sự bình thản mà các nhà Khắc kỷ đang tìm kiếm:
Thay vì đến hiệu sách để mua một cuốn sách của Seneca, chúng ta
nên tìm đến bác sĩ để được kê toa thuốc Xanax. Theo lối suy nghĩ
này, chiến lược Khắc kỷ để đạt được sự bình thản có thể bị coi là lỗi
thời. Chủ nghĩa Khắc kỷ có thể có ý nghĩa với những người sống hai
ngàn năm trước, khi mà y học còn đang ở giai đoạn sơ khai, và thời
đó chưa có Xanax. Nếu ai đó thời nay tìm đến chủ nghĩa Khắc kỷ để
giải quyết nỗi lo âu thì sẽ bị xem không khác gì một người tìm đến
thầy phù thủy để chữa ung loét.
Để đáp lại điều này, tôi muốn lưu ý rằng mặc dù đúng là dùng
Xanax có thể giúp ta giảm bớt lo lắng, tuy nhiên vẫn có lý do để từ
chối Xanax và ủng hộ chủ nghĩa Khắc kỷ. Để hiểu rõ hơn điểm này,
chúng ta hãy hướng sự chú ý đến một cuộc tranh luận liên quan.
Với tình trạng của y học hiện đại, một người béo phì có hai lựa
chọn. Anh ta có thể thay đổi lối sống của mình: Cụ thể, anh ta có thể
ăn ít lại, thay đổi chế độ ăn và tập thể dục nhiều hơn. Hoặc anh ta
có thể nhờ đến khoa học để giải quyết chứng béo phì của mình: Anh
ta có thể uống thuốc giảm cân hoặc phẫu thuật cắt dạ dày.
Hầu như tất cả các bác sĩ sẽ khuyên bạn chọn giải pháp đầu tiên,
một sự thay đổi về lối sống tuy lỗi thời mặc cho thời nay đã có
những giải pháp công nghệ cao, hiện đại. Chỉ khi nào việc thay đổi
lối sống không thể làm người béo phì giảm cân thì bác sĩ mới
khuyên uống thuốc hoặc làm phẫu thuật. Nhằm bảo vệ cho lời
khuyên này, các bác sĩ sẽ chỉ ra rằng việc phẫu thuật sẽ gây nguy
hiểm và uống thuốc giảm cân có thể có những tác dụng phụ nghiêm
trọng. Tập thể dục đúng cách thì không gây nguy hiểm mà còn tăng
cường sức khỏe của chúng ta. Hơn nữa, những lợi ích của tập thể
dục có thể tràn sang các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Chẳng hạn,
chúng ta có thể thấy mình tràn đầy năng lượng, sức sống hơn
trước. Lòng tự trọng của chúng ta cũng có khả năng tăng lên.
Điều tương tự cũng xảy ra khi nhờ đến chủ nghĩa Khắc kỷ để
ngăn chặn và ứng phó với cảm giác lo âu. Nó an toàn hơn so với
những phương pháp trị liệu y khoa, điều mà bất cứ ai nghiện thuốc
Xanax cũng sẽ chứng thực. Hơn nữa, những lợi ích của chủ nghĩa
Khắc kỷ sẽ tràn sang những lĩnh vực khác trong cuộc sống chúng ta.
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ có thể không giúp chúng ta có thêm
năng lượng như cách mà thể dục thể thao mang lại, nhưng thực
hành nó sẽ giúp ta có thêm tự tin; chúng ta sẽ trở nên tự tin, đặc biệt
là khả năng xử lý bất cứ chuyện gì mà cuộc đời ném vào ta. Ngược
lại, người uống thuốc Xanax sẽ không có được sự tự tin như vậy;
quả thực, anh ta thừa biết cuộc đời mình sẽ thành một đống hỗn
độn nếu bị cắt thuốc Xanax. Một lợi ích khác của việc thực hành chủ
nghĩa Khắc kỷ là nó sẽ giúp chúng ta biết ơn sâu sắc đối với cuộc
sống và hoàn cảnh của mình, vì thế cho phép ta tận hưởng niềm
vui. Đấy mới là một lợi ích mà việc uống thuốc Xanax khó lòng mang
lại.
Tôi nhận thấy, không phải ai cũng vui mừng với "sự hiện đại hóa"
tư tưởng Khắc kỷ của tôi. Chẳng hạn, các nhà triết học đồng nghiệp
của tôi có thể than phiền rằng khi chuyển từ một sự biện minh về
triết học của chủ nghĩa Khắc kỷ sang lý lẽ biện minh khoa học, về cơ
bản tôi đã chặt bỏ cái đầu (lời khuyên và những kỹ thuật tâm lý) chủ
nghĩa Khắc kỷ và ghép vào cho nó cơ thể (lý lẽ biện hộ) của một con
vật hoàn toàn khác. Họ có thể bồi thêm rằng học thuyết tổng hợp
không phải là một con Chimera* tao nhã mà là một con quái vật ghê
rợn và giả tạo - thực sự là một con quái vật Frankenstein.
Các nhà triết học đồng nghiệp của tôi có thể tiếp tục kêu ca rằng
lý lẽ biện minh khoa học cho chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi rõ ràng là
đang chống lại chủ nghĩa Khắc kỷ. Như ta đã thấy, các nhà Khắc kỷ
khuyên chúng ta sống thuận theo tự nhiên. Tôi đang khuyên rằng
chúng ta cần sử dụng khả năng lý trí của mình để xóa bỏ lập trình
tiến hóa của chúng ta - và vì thế, theo một nghĩa nào đó là đang
sống không đúng với tự nhiên!
Những người Khắc kỷ thuần túy cũng có thể phàn nàn về cách tôi
đối xử với chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi đã bỏ qua những khác biệt trong
quan điểm giữa các triết gia Khắc kỷ mà tôi trích dẫn. Chẳng hạn,
Marcus dường như có nhiều bổn phận, trách nhiệm hơn các triết gia
Khắc kỷ khác. Musonius và Seneca, dù nhất trí rằng các nhà Khắc
kỷ không cần phải sống khổ hạnh - rằng triết lý của họ không nên
ngăn cản họ hưởng thụ cuộc sống - nhưng lại bất đồng ý kiến về
việc những người Khắc kỷ nên say mê tận hưởng cuộc sống đến
mức độ nào. Một số người sẽ than phiền về cái cách mà tôi đã giấu
nhẹm đi những điều này và những bất đồng khác.
Để đáp lại những lời chỉ trích đó, hãy để tôi nói điều này. Những
gì tôi đã làm ở các trang trước là đóng vai trò của một nhà thám tử
triết học: Tôi đã cố gắng xác định những việc mà con người thời
hiện đại phải làm nếu họ muốn làm theo triết lý sống được các triết
gia Khắc kỷ La Mã ủng hộ. Điều tôi phát hiện ra là các triết gia Khắc
kỷ này không đưa cho chúng ta một cuốn cẩm nang hướng dẫn
cách trở thành một người Khắc kỷ; thật vậy, ngay cả cuốn Handbook
của Epictetus cũng không phải là một cuốn cẩm nang như vậy.
(Hoặc nếu họ đã viết các bài luận thuyết về cách thực hành chủ
nghĩa Khắc kỷ, những luận thuyết này về sau đã bị thất lạc.) Và việc
họ không đưa cho ta một cuốn cẩm nang cũng là điều dễ hiểu: Vào
thời của họ, những ai muốn học cách thực hành chủ nghĩa Khắc kỹ
không cần phải học từ sách; mà thay vào đó họ có thể đến một
trường chuyên dạy về chủ nghĩa Khắc kỷ.
Kết quả là, tôi phải tập hợp từ những manh mối rải rác trong các
tác phẩm của các triết gia Khắc kỷ La Mã để tạo nên "thương hiệu"
của chủ nghĩa Khắc kỷ. Phiên bản tổng hợp của chủ nghĩa Khắc kỷ
mặc dù có nguồn gốc từ các triết gia Khắc kỹ cổ đại, nhưng lại khác
biệt với chủ nghĩa Khắc kỷ được ủng hộ bởi bất kỳ nhà Khắc kỷ nào.
Cũng có thể phiên bản của chủ nghĩa Khắc kỷ mà tôi phát triển có
nhiều khía cạnh khác biệt với chủ nghĩa Khắc kỷ mà người ta được
học ở trường dạy về Khắc kỷ thời cổ đại.
Những việc mà tôi đang cố gắng thực hiện là phát triển một
thương hiệu của chủ nghĩa Khắc kỷ hữu ích cho bản thân và có lẽ là
cả những người xung quanh tôi, và để thực hiện mục tiêu này, tôi đã
điều chỉnh triết lý cho phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Nếu ai
đó nói với tôi rằng cô ấy đang tìm kiếm sự bình thản, tôi sẽ khuyên
cô ấy thử các kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ được mô tả
trong cuốn sách này. Tôi cũng sẽ động viên cô ấy đọc thêm các tác
phẩm của các triết gia Khắc kỷ cổ đại. Nhưng tôi cũng sẽ cảnh báo
cô ấy rằng khi làm điều này, cô ấy sẽ phát hiện ra những điểm khác
biệt giữa phiên bản chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi và phiên bản được
yêu thích, giả sử của Epictetus. Tôi xin nói thêm rằng nếu cô ấy thấy
phiên bản của Epictetus phù hợp với nhu cầu của cô ấy hơn phiên
bản của tôi, vậy thì cô ấy nên chọn phiên bản của ông ấy.
Tôi không biết chắc triết gia Khắc kỷ đầu tiên nào là người đã sửa
đổi lại chủ nghĩa Khắc kỷ. Như chúng ta thấy, người La Mã thay đổi
chủ nghĩa Khắc kỷ Hy Lạp cho phù hợp với nhu cầu của họ. Hơn
nữa, những người Khắc kỷ không hề sợ "sửa đổi" chủ nghĩa Khắc
kỷ; như Seneca đã nói "Tôi không trói buộc bản thân vào những bậc
thầy về chủ nghĩa Khắc kỷ nào đặc biệt cả; tôi cũng có quyền đưa ra
quan điểm của mình." Các nhà Khắc kỷ xem các nguyên tắc của chủ
nghĩa Khắc kỷ không cứng nhắc như đá tảng, mà mềm mại như đất
sét, có thể nhào nặn trong một giới hạn nhất định để trở thành một
hình thức chủ nghĩa Khắc kỷ mà mọi người cảm thấy hữu ích.
Tôi đã trình bày về chủ nghĩa Khắc kỷ mà theo tôi là đúng với ý
định của các nhà Khắc kỷ. Họ phát minh ra chủ nghĩa Khắc kỷ
không phải để mua vui cho các nhà triết học trong tương lai. Trái lại,
tốt nhất ta có thể xem họ như những nhà tạo lập công cụ, và chủ
nghĩa Khắc kỷ là công cụ mà họ phát minh ra. Đó là một công cụ mà
nếu được sử dụng đúng cách, họ cho rằng nó sẽ cho phép một
người sống một cuộc đời tốt đẹp. Tôi tình cờ gặp công cụ này, nằm
phủ bụi xếp xó trên một kệ sách ở thư viện. Tôi đã cầm nó lên, lau
sạch bụi, thay thế một vài phần nội dung, và vận dụng sự khôn
ngoan của nó để xem nó có thể làm công việc mà các triết gia Khắc
kỷ đã thiết kế cho nó hay không. Tôi rất bất ngờ và vui mừng khi
khám phá ra nó có thể hữu dụng. Trên thực tế, tôi phát hiện ra rằng
mặc cho tất cả những công cụ tương tự được người ta phát minh ra
kể từ khi công cụ này rơi vào tình trạng không được sử dụng, thì nó
vẫn hoạt động tốt hơn tất thảy.
Những người không phải triết gia - như tôi đã giải thích, là những
độc giả chính của cuốn sách này - sẽ chẳng quan tâm đến việc gìn
giữ sự thuần khiết của chủ nghĩa Khắc kỷ. Đối với họ câu hỏi chủ
chốt là "Nó có hiệu quả không?" Và thậm chí nếu chủ nghĩa Khắc kỷ
ở góc độ nào đó là có tác dụng, họ sẽ tiếp tục hỏi rằng liệu còn có
một triết lý sống nào khác tốt hơn nó không - liệu còn có một thứ
triết lý nào khác mang lại những lợi ích tương tự (hoặc lớn hơn) với
cái giá thấp hơn không. Nếu chủ nghĩa Khắc kỷ không tốt hơn
những trường phái khác, một người biết suy nghĩ sẽ từ chối chọn nó
làm triết lý sống của anh ta và thay vào đó sẽ ủng hộ, giả sử là chủ
nghĩa Khoái lạc hoặc Thiền tông.
Mặc dù tôi đã chọn chủ nghĩa Khắc kỷ làm triết lý sống cho mình,
tôi cũng không khẳng định rằng đó là thứ triết lý duy nhất "có hiệu
quả" hay với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh, nó hiệu quả
hơn hết thảy những triết lý sống khác. Tất cả những gì tôi muốn nói
là nó hiệu quả đối với một số người trong một số trường hợp nào đó
- tôi dường như là một trong những người đó - chủ nghĩa Khắc kỷ là
một cách thức vô cùng hiệu quả để đạt được sự bình thản.
Vậy thì người nào nên thử thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ? Trước
hết, nó dành cho những ai đang tìm kiếm sự bình thản; rốt cuộc thì
đó là điều mà chủ nghĩa Khắc kỷ hứa hẹn. Những người cho rằng
có một thứ nào đó còn quý giá hơn cả sự bình thản thì hẳn là rất
ngu ngốc khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.
Đạt được sự bình thản như một mục tiêu trong cuộc sống sẽ loại
bỏ một số triết lý sống tiềm năng. Chẳng hạn, nó sẽ loại bỏ chủ
nghĩa khoái lạc, mục tiêu của trường phái này không phải là sự bình
thản mà là tối đa hóa lạc thú. Nhưng kể cả khi chúng ta chọn sự
bình thản như một mục tiêu chính cho triết lý sống của chúng ta,
chúng ta sẽ phải lựa chọn trong số các triết lý sống có chia sẻ mục
tiêu này; chúng ta sẽ phải chọn, đối với người mới bắt đầu, trong
chủ nghĩa Khắc kỷ, Chủ nghĩa Khoái lạc, Chủ nghĩa Yếm thế, và
Thiền tông. Triết lý sống nào tốt nhất dành cho ta? Triết lý nào là phù
hợp nhất sẽ cho phép chúng ta có được sự bình thản mà ta kiếm
tìm? Tôi nghĩ nó còn tùy thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của
chúng ta: cái có hiệu quả với người này có thể lại vô tác dụng với
những người có tính cách và hoàn cảnh sống khác. Nói cách khác,
khi nói đến các triết lý sống, không thể có một triết lý phù hợp cho tất
cả mọi người.
Tôi nghĩ, có những người có tính cách rất phù hợp với chủ nghĩa
Khắc kỷ. Ngay cả nếu không có ai chính thức giới thiệu chủ nghĩa
Khắc kỷ với họ, thì tự họ vẫn sẽ tìm ra. Những "người Khắc kỷ bẩm
sinh" này luôn luôn lạc quan, và họ có lòng biết ơn sâu sắc đối với
thế giới mà họ đang sống. Nếu họ tình cờ vớ được một cuốn sách
về Seneca và bắt đầu đọc, họ sẽ ngay tức khắc cảm thấy đồng cảm
và thân thuộc với ông ấy.
Nhưng có những người, do tính cách của họ, sẽ thấy việc thực
hành chủ nghĩa Khắc kỷ khá là thách thức về tinh thần. Những cá
nhân này đơn giản là từ chối xem xét khả năng rằng chính họ mới là
nguồn cơn nỗi bất mãn của họ. Họ dành những ngày tháng cuộc đời
mình để đợi chờ, thường là thiếu kiên nhẫn, một chuyện gì đó xảy ra
sẽ làm họ cảm thấy hài lòng về bản thân và cuộc sống của họ. Họ
tin chắc rằng, yếu tố bị thiếu là điều gì đó nằm bên ngoài họ: Đó là
thứ mà người nào đó phải trao cho họ hoặc làm giúp họ. Những thứ
mà chúng ta đang bàn có thể là một công việc nào đó, một khoản
tiền nhất định, hay một dạng phẫu thuật thẩm mỹ nào đấy. Họ cũng
tự thuyết phục mình rằng khi thành phần bị thiếu này được trao chọ
họ, nỗi bất mãn của họ đối với cuộc đời sẽ được giải quyết và họ sẽ
sống trong hạnh phúc mãi mãi. Nếu bạn khuyên một trong những kẻ
hay bất mãn với cuộc đời đó rằng cô ấy thử làm theo chủ nghĩa
Khắc kỷ xem sao, cô ấy có thể sẽ cứ khăng khăng cho rằng: "Nó
không có hiệu quả đâu!" và từ chối lời đề nghị. Những trường hợp
như vậy quả là bi kịch; sự bi quan bẩm sinh của những người này
đã ngăn họ thực hiện các biện pháp để vượt qua tính bi quan ở bản
thân và bởi thế làm giảm cơ hội thưởng thức niềm vui của họ.
Hầu hết mọi người có tính cách rơi vào đâu đó giữa hai thái cực
này. Họ không phải là những người Khắc kỷ bẩm sinh cũng chẳng
phải kẻ bất mãn triền miên. Nhưng cho dù họ có thể được hưởng lợi
từ việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, nhiều cá nhân trong nhóm này
thấy không có nhu cầu thử nó - hay thử những triết lý sống nào
khác. Thay vào đó họ dành những ngày tháng cuộc đời mình trong
chế độ lái tự động của tiến hóa: Họ suốt ngày tranh thủ tìm kiếm
những phần thưởng mà lập trình tiến hóa của họ mang lại, ví dụ như
khoái lạc của chuyện làm tình hay ăn uống no nê, và tránh những
hình phạt mà lập trình tiến hóa của họ có thể gây ra, chẳng hạn như
nỗi đau do bị sỉ nhục công khai.
Có thể một ngày nào đó, một chuyện gì đó xảy ra sẽ đưa họ thoát
khỏi chế độ lái tự động. Đấy có thể là một thảm kịch cá nhân hoặc
có lẽ là một sự thông minh đột xuất. Thoạt đầu, họ sẽ hơi bị mất
phương hướng. Sau đó họ có thể bắt đầu tìm kiếm một triết lý sống.
Tôi sẽ xác nhận rằng bước đầu tiên trong cuộc tìm kiếm đó là đánh
giá về tính cách và hoàn cảnh sống của họ. Sau đó, mục tiêu của họ
không nên là tìm thấy một triết lý sống duy nhất đúng đắn, mà là tìm
được một triết lý phù hợp nhất với họ.
Như tôi đã giải thích trong phần giới thiệu cuốn sách này, đã có
lúc tôi bị cuốn hút trước Thiền tông như một triết lý sống, nhưng tôi
càng tìm hiểu về Thiền, nó càng trở nên kém hấp dẫn. Cụ thể là, tôi
nhận ra Thiền không hợp với tính cách của tôi. Tôi là một con người
không ngừng phân tích. Để Thiền có hiệu quả với tôi, tôi sẽ phải từ
bỏ bản tính ưa phân tích mọi sự của mình. Còn chủ nghĩa Khắc kỷ
thì muốn tôi phải sử dụng bản tính ưa phân tích của mình. Kết quả
là, đối với tôi, cái giá của việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ ít hơn
đáng kể so với cái giá của việc tập thiền. Tôi có lẽ sẽ khổ sở lắm khi
cố gắng xử lý những công án hoặc cố gắng ngồi hàng giờ với đầu
óc trống rỗng, nhưng với người khác, thì điều này lại không đúng.
Các ý kiến trên đây khiến tôi có vẻ như một người theo thuyết
tương đối về các triết lý sống, cứ như thể tôi coi tất cả các triết lý
sống ấy đều có giá trị ngang nhau. Hãy an tâm là điều này không
đúng. Dù tôi sẽ không tìm cách khuyến dụ bất cứ ai tin rằng sự bình
thản là điều quý giá nhất trên đời, tôi sẽ cố gắng nói cho họ hiểu về
những mục tiêu khác trong cuộc đời. Chẳng hạn, nếu bạn nói với tôi
rằng trong triết lý sống của bạn, mục tiêu hàng đầu của bạn là trải
nghiệm nỗi đau, tôi sẽ không coi triết lý sống của bạn có giá trị như
Thiền tông hoặc chủ nghĩa Khắc kỷ; thay vì vậy tôi sẽ nghĩ là bạn
đang lầm đường lạc lối. Tôi sẽ hỏi rằng, tại sao bạn lại muốn tìm
kiếm đau đớn?
Mặt khác, giả sử bạn nói với tôi rằng mục tiêu sống của bạn cũng
giống với các Phật tử Thiền tông và các nhà Khắc kỷ - chẳng hạn,
đạt được sự bình thản - nhưng chiến lược để đạt mục tiêu này của
bạn thì khác với họ: Bạn tin chắc rằng cách tốt nhất để đạt được nó
là tên bạn phải được nhắc đến trên tạp chí People. Trong trường
hợp này, tôi sẽ khen ngợi sự sáng suốt mà bạn thể hiện trong lựa
chọn mục tiêu, nhưng tôi sẽ rất nghi ngại về chiến lược của bạn để
đạt được mục tiêu này. Bạn có thật sự nghĩ là việc bạn được nhắc
tên trong tạp chí People sẽ tạo ra trạng thái bình thản không? Và
nếu vậy, nó sẽ kéo dài trong bao lâu?
Tóm lại, lời khuyên của tôi dành cho những ai đang tìm kiếm một
thứ triết lý sống sẽ na ná với lời khuyên của tôi dành cho những ai
đang tìm kiếm bạn đời. Họ nên nhận ra rằng người bạn đời tốt nhất
dành cho họ phụ thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của họ. Có
nghĩa là không có ai là người bạn đời lý tưởng cho tất cả mọi người
và một số người không phải là người bạn đời phù hợp cho bất kỳ ai.
Hơn nữa, họ nên hiểu rằng đối với đại đa số mọi người, cuộc sống
với một người bạn đời chưa hoàn hảo thì tốt hơn cuộc sống mà
chẳng có ai ở bên ta.
Tương tự vậy, không có một triết lý sống nào là lý tưởng cho tất
cả mọi người, và có một số triết lý sống mà không ai nên chọn làm
theo. Hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp, một người sẽ sống ổn
hơn nếu chọn cho mình một triết lý sống cho dù nó chưa lý tưởng so
với sống mà không hề có một triết lý sống nào. Quả thực, nếu cuốn
sách này không thay đổi được dù chỉ là một người đi theo chủ nghĩa
Khắc kỷ nhưng khuyến khích mọi người tích cực suy nghĩ về triết lý
sống của họ, tôi sẽ cảm thấy mình, đúng theo các nguyên tắc của
chủ nghĩa Khắc kỷ, đã cống hiến cho đồng loại của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top