Chong vu khi My tren duong TruonónTon

Vũ khí hiện đại của Mỹ bị 'bẻ gãy' ở chiến trường Trường Sơn như thê nào?

Khởi tạo bởi : baobienphong2 | Đăng bởi : baobienphong2 | Cập nhật: 21/04/2009 09:47

E-mail | Bản in | Lưu xem sau

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Hải Luận

Trong chiến tranh Việt Nam, các đời Tổng thống Mỹ và giới chức cầm đầu Nhà Trắng, đều coi việc chặn cắt tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn là một biện pháp quyết định để có thể kiểm soát chiến trường. Nhằm cô lập các chiến trường Đông Dương, đặc biệt là miền Nam Việt Nam, suốt 16 năm ròng, đế quốc Mỹ đã thực hiện các chiến dịch ngăn chặn, thế nhưng, các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nào của Mỹ ra đời đều bị "bẻ gãy". PV báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (BĐTS), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Trình độ tác chiến của Mỹ... tồi nhất

- Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, trên đường Trường Sơn, địch đánh chỗ này, ta mở chỗ khác. Nhưng địch thì nhiều máy bay, hết tốp này đến tốp khác, đánh liên tục trên Trường Sơn, tại sao mạch máu giao thông của ta vẫn thường xuyên thông suốt, thưa ông?.

- Địch sử dụng không quân đánh rất cơ động, muốn đánh chỗ nào cũng được. Nhưng đường Trường Sơn là một chiến trường rộng lớn. Lúc đầu, bộ đội ta chủ trương "lấy phòng tránh là chính", xe ôtô chạy cứ rúc bụi khi có máy bay. Tôi vào làm Tư lệnh BĐTS đi kiểm tra tại hiện trường xong, đánh giá: "Địch sử dụng không quân rất hiện đại, đánh cả đêm cả ngày liên tục, rất dữ dội. Nhưng liêc tục không có nghĩa 24/24 giờ. Cao nhất trong một ngày đêm chỉ đánh được một nửa thời gian là 12 giờ. Không phải một lúc nó đánh toàn tuyến. Đánh điểm này, thì điểm khác không đánh. Đánh ban ngày nhiều thì ban đêm ít lại. Địch nó chỉ làm chủ nhất định trên không. Còn ta mới chủ động và làm chủ hoàn toàn ở mặt đất". Vì thế nên giao thông trên đường Trường Sơn vẫn liên tục thông suốt...

- Căn cứ vào đâu để ông có đánh giá tình hình địch như vậy?.

Tôi đi khảo sát thực địa trên đường Trường Sơn không bằng xe riêng, mà cứ nhảy lên ngồi trong ca bin với lái xe vận tải vượt qua trọng điểm ác liệt. Tôi hỏi lái xe: "Tại vì sao các anh lái xe cứ nghe tiếng máy bay là cho xe rúc vào bụi?". Anh ta giải thích: "Trên đường vận tải, máy bay đánh cháy xe, cháy hàng,... hàng hóa, vũ khí vẫn không vào được chiến trường. Bộ đội bị đói, thiếu vũ khí thì thật là vô nghĩa. Vì vô nghĩa đó nên chúng tôi mới rúc bụi". Tôi về họp Bộ Tư lệnh, đưa ra giải thích rất chí lý của người chiến sĩ nọ và yêu cầu báo cáo lên trên không phải anh em dao động tinh thần mà cho xe rúc bụi. Sau một tháng, tôi lại đi lên xe khác qua trọng điểm và nói với anh lái xe: "Lần trước các anh qua trọng điểm nghe tiếng máy bay là rúc vào bụi. Tại sao hôm nay, thấy các đồng chí chạy vui vẻ, hớn hở thế?". Anh ta cười nói: "Mời Thủ trưởng nhìn xem trên đầu cứ như pháo hoa bắn ở hồ Hoàn Kiếm. Pháo ta bắn máy bay đấy. Bắn "đẹp" như thế sao mà không đi được. Dù có hy sinh cũng xứng đáng". Người chỉ huy không đi thực tế, chỉ ở nhà "nghe" báo cáo thì chết, không đánh đấm gì được. Vì những thực tế này mà tôi mới rút ra kết luận trên.

- Mỹ sáng chế ra cây nhiệt đới, một loại thiết bị "tình báo" điện tử, có nhiệm vụ "chỉ điểm" cho máy bay đánh chặn trên đường Trường Sơn. Bằng cách nào chúng ta khống chế được?.

- Từ năm 1966, bắt đầu xuất hiện cây nhiệt đới. Đó là loại thiết bị thu -phát tín hiệu tiếng động có bề ngoài giống như cây rừng do máy bay thả xuống dọc các trục đường có bộ đội hành quân. Khi có người, phương tiện đi qua, lập tức máy thu và phát tín hiệu "báo cáo" về trung tâm. Lúc đầu mình không biết, nó "xài" của mình nhiều xe lắm. Một thời gian sau mình mới phát hiện ra. Chúng tôi cho công binh đi lùng khắp rừng tìm cây nhiệt đới. Tìm được rồi, sử dụng mấy giải pháp để lừa nó: Thứ nhất, cứ để nguyên thế, lấy mấy đầu xe ô tô bị hỏng, dùng động cơ nổ. Cây nhiệt đới cứ thu về trung tâm, chỉ huy tác chiến cứ điều máy bay ra đánh cả chục ngày, chẳng mất... miếng da nào của bộ đội ta. Cách thứ hai, đi nhặt hết cây đó, phá. Cách thứ ba, buộc gập mấy đầu thu của nó lại để không thu được. Hồi đó, tôi thường hay nói trong Bộ Tư lệnh: "Điện cho Tổng thống Giôn-xơn cho máy bay đến đánh nữa. Đánh nhiều vào...". Sau này, Mỹ biết mình lừa nên chiến thuật cây nhiệt đới bị phá sản.

- Còn thiết bị tia hồng ngoại bắn ôtô vận tải ban đêm, BĐTS đã dùng cách nào "trị" để mở đường cho xe chạy?...

- Mỹ sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn AC130, cải tiến thành máy bay chiến đấu, tốc độ bay chậm, bay bằng vòng lượn ngắn, tạo thành "pháo đài di động". Nói một cách dễ hiểu, AC130 sử dụng pháo 20 ly, 40 ly bắn bằng tia hồng ngoại. Tháng đầu, nó mới vào, ta chưa hiểu kỹ tính năng tác dụng của AC130, nó đánh mất 100 xe vận tải. Tôi huy động tất cả các đồng chí chỉ huy Bộ Tư lệnh xuống đào hầm ngồi dưới đấy, để nghiên cứu cách bay, cách bắn của AC130 như thế nào. Muốn "trị" nó phải dùng pháo 57 ly có khí tài và tên lửa, bố trí tập trung chặn hai đầu và "phục" ở giữa chờ vào đúng tầm bao vây là xả đạn. Đồng thời, tôi điều 6 tiểu đoàn công binh mở đường kín để chạy ban ngày, một đường khác, làm nghi binh cho xe chạy để "nhử" AC 130 đến đánh. Những biện pháp trên tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Sau một thời gian "săn đuổi", cao xạ 57 ly bắn hạ được 2 chiếc, tên lửa bắn rụng thêm một chiếc nữa. Mất 3 chiếc, AC 130 không dám mò vào nữa.

- Giới quân sự Mỹ luôn tự hào trình độ tác chiến ở chiến trường của họ được xếp "bậc thầy" thế giới. Tại chiến trường Trường Sơn, ông đánh giá như thế nào?.

- Vũ khí, trang thiết bị quân sự của Mỹ là hiện đại nhất thế giới. Nhưng trí thức quân sự, nghệ thuật quân sự thì tồi nhất. Vì sao vậy? Vì cách chỉ huy tác chiến của Mỹ chỉ là "ngựa đường mòn". Nghĩa là không có sáng tạo gì, không có thay đổi phương thức tác chiến. Ví dụ, hôm nay mang bom đi đánh 7 - 8 giờ, thì ngày hôm sau cũng đánh vào giờ đó. Còn ta thì giỏi sử dụng nghệ thuật nghi binh lừa địch. Đồng thời phá thế đường độc đạo, ngụy trang đường, ngụy trang xe... Có đường kín xe chạy ban ngày, ban đêm... Trở thành hệ thống đường kị hình - liên hoàn - đồng bộ - đa dạng, có quy hoạch rõ ràng, chứ không phải ngang đâu làm đấy. Cứ 30km trục dọc thì có một trục ngang nối nhau lại. Chúng ta có mảng đường như thế thì làm chủ hoàn toàn. Địch có đánh cỡ nào cũng có chỗ tránh: tránh sang Đông - Tây - Nam - Bắc. Điều quan trọng là mỗi khi địch ra loại vũ khí, phương pháp đánh mới nào, người chỉ huy phải nhanh chóng nắm tình hình, nghiên cứu ngay tại trọng điểm đánh phá, khi đó mới ra quyết định đánh hiệu quả, chắc thắng.

Sở Chỉ huy đặt dưới "tọa độ lửa"

- Được biết, ông là Tư lệnh nhưng có lần đứng khóc ở giữa đường Trường Sơn. Điều gì khiến vị tướng phải xúc động như vậy?.

- Vì "tắc" đường. Ở chiến trường bộ đội đói, không có vũ khí chiến đấu. Thời điểm không quân Mỹ đánh phá cực kỳ ác liệt, đường bị "tắc" một tháng trời ở Pha Lê, đường 20. Đây là đoạn đường độc đạo. Đường "tắc", anh em lấy bao ni lon, thùng phi,... gùi xăng qua sông. Tôi mới nói: "Các đồng chí rất kiên cường, gian khổ, vắt kiệt cả sức lực mình, nhưng chỉ giải quyết cho... thắp sáng. Dùng vào vận tải, quân sự ở chiến trường thì không nổi đâu. Vì đánh lớn mà gùi, thồ được vài thùng thì ăn thua gì". Tôi nói với anh Liêu, Tham mưu trưởng điều ngay 10 máy húc và 2 Trung đoàn Công binh đóng ở Binh trạm 14 vào mở thêm hai đường tránh, một phía Bắc, một ở phía Nam. Trục đường giữa bị đánh "tắc" thì sửa lại cho bằng phẳng trở thành đường nghi binh "nhử" máy bay nó tới đánh. Còn đường bên kia mình cứ cho xe chạy suốt.

- Vì đường bị "tắc" nên đại bản doanh của Bộ Tư lệnh BĐTS thường hay đóng quân dưới "tọa độ lửa" bắn phá của không quân Mỹ?.

- Sức mạnh bom đạn đánh phá của Mỹ rất kinh khủng, vấn đề sống còn là có công sự che chắn. Sở chỉ huy có công sự tốt nên hạn chế được thương vong chứ không phải xa đường mà khỏi chết đâu. Nhiệm vụ là chỉ huy vận tải thì phải thường trực tại thực địa, bám sát từng cung đường để tổ chức chỉ huy. Có lúc sở chỉ huy đóng cách trọng điểm đánh phá chỉ cách 2km. Địch cho rằng, ta không bao giờ dám đặt sở chỉ huy ở dưới đấy. Nhưng đây mới là yếu tố bất ngờ, một nghệ thuật quân sự tài tình của quân đội ta...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: