Oneshot

Trịnh Chí Huân sinh ra ở cái đất Sài Gòn, nhưng vì cuộc sống tất bật vội vã mà được cha mẹ gửi về Bắc ở với ông bà ngoại từ cái thời còn quấn tã trong nôi, do một tay ông bà chăm cho lớn. Ngày ấy, làng Kim Lâm tại thị trấn Kim Bài nơi ông bà ngoại Chí Huân ở vẫn còn trực thuộc Hà Tây, là một vùng quê thuần nông, xung quanh còn nhiều đồng ruộng, chưa phát triển được như bây giờ.

Ông bà Trịnh Chí Huân đều là nhà giáo đã về hưu, cô dì cũng là giáo viên cấp 1, cấp 2 trong làng, cả nhà đều có truyền thống giáo dục. Hồi đó dù về hưu rồi, bà ngoại Chí Huân vẫn yêu nghề lắm. Bà cậu ngày trước dạy văn, cốt cách của người nhà giáo lẫn niềm đam mê con chữ ngấm sâu vào tận trong xương, tạo nên hình ảnh một người bà hiền dịu đa cảm, hay văn thơ nhẹ nhàng. Lũ trẻ trong làng khi ấy cũng thường được cha mẹ gửi gắm sang để bà cầm tay chỉ cho con chữ từ sớm, lại tiện học thêm đôi phép tính từ ông ngoại Chí Huân, một giáo viên toán có tiếng ngày trước trong làng.

Anh Tương Hách cũng là một trong số những đứa trẻ được gửi gắm qua nhà ông bà cậu theo học ấy.

Anh Tương Hách là con cả của chú Lý đầu làng, lớn hơn Chí Huân 2 tuổi, nhà có truyền thống làm nón lá nên anh khéo tay lắm, bàn tay thon dài trắng nõn, làm gì cũng thoăn thoắt gọn gàng. Hồi đó Chí Huân thích anh lắm, ngày nào anh qua học cũng ngồi sát vào anh mà đòi xem sách ké dù giọng nói vẫn còn ngọng líu ngọng lô, ghép vần còn chưa học thuộc.

Lớn lên một chút thì Chí Huân thích lẽo đẽo theo đuôi anh như vịt con theo mẹ, cả ngày đòi anh bứt lá làm cho con chuồn chuồn, con dế choắt này kia để chơi. Hôm thì rủ anh ra làng bên nổ bỏng, hôm thì lại quấy anh bắt canh cho cậu trèo cây vặt trộm mấy quả ổi non nhà bên. Mà anh Tương Hách cũng chiều Chí Huân lắm, cậu đòi gì cũng cho, nhiều hôm ông bà Chí Huân mắng cậu anh còn đứng bên an ủi bao che.

Trịnh Chí Huân tính tính hoạt bát năng động, cả ngày chạy chơi ngoài sân ngoài đồng, đá bóng, thả diều cái gì cũng thử, cái gì cũng chơi nên lớn lên nom cao to khỏe mạnh lắm, duy chỉ có 2 cái má bánh bao là không chịu mất đi. Nhưng Chí Huân ưng cái má ấy lắm, bởi anh Tương Hách của cậu thích nhất là sờ má Chí Huân mà vò mà nhéo, và khi ấy hai khóe môi của anh Hách sẽ cong lên như môi mèo, xinh đến phát hờn. Chẳng biết từ lúc nào mà anh Tương Hách đã chui tọt vào trong tim của Chí Huân làm tổ chẳng chịu ra, cứ ở lì trong đó rồi đóng cọc từng ngày làm cậu mãi tương tư.

--

Thời gian lúc nào cũng trôi nhanh như cơn gió thoáng qua, Trịnh Chí Huân chẳng mấy chốc đã thành thiếu niên, cao hơn anh Tương Hách cả một cái đầu. Cái tuổi thiếu niên ấy là đã biết tình yêu rồi, Chí Huân biết cậu thương anh Hách lắm, thương đến mức chỉ muốn lấy anh về làm vợ.

"Anh ơi, sau này anh cưới Chí Huân nhé?"

Hồi ấy Trịnh Chí Huân 13 tuổi, cầm cây chong chóng tre trong tay, nhìn sang anh Tương Hách vẫn còn thấp hơn cậu gần nửa cái đầu, bẽn lẽn hỏi.

Anh Tương Hách lúc đó chỉ ngơ ngác nhìn Chí Huân rồi bật cười, làm cậu ngại lắm, hai má bánh bao đỏ ửng cả lên. Anh Tương Hách không gật vũng chẳng lắc, chỉ dúi cho Chí Huân cái kẹo kéo vừa mua từ chú Ba bên hông trường, chọc ghẹo cậu nhỏ, "Tí tuổi mà cưới xin cái gì, lớn lên rồi tính."

"Vậy anh Hách chờ em lớn nhé?" Trịnh Chí Huân bĩu môi với câu trả lời của anh, không mấy hài lòng, nhưng vẫn mở lớn miệng cắn một góc kẹo mà nhai nhồm nhoàm. Dính răng khiếp, Trịnh Chí Huân cau mày.

"Ừa, nào Chí Huân lớn rồi nói."

---

"Anh Tương Hách làm người yêu em nhé?" Trịnh Chí Huân năm ấy vừa thi lớp 10 xong, đã qua tuổi 15, lúc này cao ráo đẹp trai lắm, con gái trong làng xếp hàng theo đuôi nhưng vẫn chỉ tương tư mỗi mình anh Hách đầu làng.

"Năm nay anh chuẩn bị thi đại học, cha mẹ không cho yêu, Chí Huân chờ anh thi xong nhé?"

Lý Tương Hách 17 xuân xanh, đẹp mơn mởn như một bông hoa vừa hé nụ, người xinh nhỏ nhắn, tính tình dịu dàng làm bao anh xuyến xao. Lý Tương Hách cũng có chút thương cậu em như cái đuôi nhỏ này của mình lắm, nhưng năm nay anh thi đại học, cha mẹ đã dặn cấm yêu, Tương Hách nào dám cãi lời.

Thì cũng vì thương anh, Chí Huân cũng sẵn sàng đồng ý đợi anh thêm một năm nữa.

Vậy mà đâu có ngờ giữa năm ấy, cha mẹ cậu về quê đón Chí Huân vào Sài Gòn học, buộc cậu phải rời xa cái làng quê mà cậu đã lớn lên từ ngày còn bé bằng cái bông hoa chuối ông ngoại trồng. Chí Huân rời làng cái ngày mới 15, 16 tuổi, xa ông bà ngoại để vào Sài Gòn sinh sống cùng cha mẹ, cũng là để thuận tiện cho việc học hành. Từ dạo ấy, Chí Huân với anh Hách chia xa.

Em nói mẹ cha còn cấm chưa yêu bây giờ
Tình yêu của anh rộng lớn thì chờ vài năm

---

Cái guồng xoay cuộc sống bộn bề cuốn cả 2 vào công việc và học tập không có lúc nào ngơi tay. Mấy lần Chí Huân về quê thăm ông bà một hai tuần cũng chẳng gặp được anh Hách vì anh đã lên Hà Nội học đại học, về sau tốt nghiệp ra trường thì có công ăn việc làm trên đấy luôn, nên cũng chẳng mấy khi về được vùng quê nhỏ ngày xưa ấy.

Bay đi bay lại giữa Sài Gòn - Hà Nội tốn tiền, cũng mất thời gian nên Chí Huân chẳng thể đi nhiều được, liên lạc giữa anh và cậu cũng chỉ còn vỏn vẹn đôi ba dòng tin nhắn hỏi thăm mà vài tháng mới nhắn cho nhau một lần. Không phải Chí Huân không muốn nhắn, mà chỉ là hình như anh Hách bận lắm, cậu cũng chẳng dám làm phiền anh nhiều.

Thời gian cứ thế trôi, cũng tới ngày Chí Huân bước sang tuổi 25, muốn tính đến chuyện thành gia lập thất.

Hè năm ấy, Trịnh Chí Huân xin nghỉ làm hai tháng, đặt vé máy bay ra Hà Nội muốn xin hỏi cưới anh Hách về nhà. Ngày đi Chí Huân háo hức lắm, mang bao nhiêu là quà cáp, bánh kẹo, rượu thuốc cho cha mẹ vợ tương lai, lại vác theo cả mấy cái áo sơ mi quần tây mới cóng, trên đường đi còn lẩm nhẩm tập thoại hơn chục lần, tim đập thình thịch lo lắng.

Nhưng chao ôi, cảnh xưa còn đó, người cũ còn đâu. Chú Lý ngày ấy vẫn ở đầu làng, nhà vẫn làm nón lá đã truyền tới đời con gái thứ hai, nhưng anh Tương Hách thì chẳng còn đây. Người ta bảo, anh Hách đã lấy chồng rồi, nhà chồng anh cũng là người Hà Nội, quen anh Hách từ thời sinh viên do anh học lớp họ dạy, lại thương tính anh hiền nên mới hỏi cưới cho con trai.

Anh Tương Hách lên xe hoa vào ngày đầu xuân năm ấy, chẳng kịp đợi Chí Huân mang trầu cau đến ngỏ lời.

Quà bánh rượu Chí Huân vẫn gửi lại cho cha mẹ anh Hách, trong đấy gửi gắm cả tình yêu. Trịnh Chí Huân chỉ ra trễ một mùa xuân, nhưng bỏ lỡ anh Hách cả một đời người.

À ơi em đi lấy chồng,
anh vẫn một mình
À ơi táo rụng sân đình,
thương anh một mình,
một mình nhớ em.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top