mew mew mew

Dạo gần đây hội anh em cây khế thấy Chí Vinh có những dấu hiệu rất kì lạ.

Dấu hiệu kì lạ thứ nhất: Dạo gần đây Vinh ít đi chơi với anh em hẳn.

Trước đây cứ sau mỗi giờ tan học, học sinh lớp 11 bình thường tại một trường trung học phổ thông bình thường - Trịnh Chí Vinh mỗi khi nghe thấy hồi trống cuối giờ vang lên, cậu y như rằng sẽ là người đầu tiên rủ rê những người huynh đệ ruột thừa của mình phá đảo quán net ở đầu ngõ sau một ngày oằn mình tại ngôi nhà thứ hai. Hoặc nếu không cậu cũng sẽ chẳng bao giờ thiếu chân trong những kèo đá bóng ngon nghẻ với bọn nhõi con A3 lớp bên cạnh với số tiền cược cũng có thể gọi là béo bở với một đám học sinh cấp ba.

Thế nhưng dạo gần đây, Chí Vinh lại tỏ ra chẳng mấy thiết tha mặn mà gì với những thú vui mà trước đây tưởng như cậu chẳng thể sống thiếu ấy.

Chỉ chờ cho tới lúc trống tan trường điểm, mèo ta sẽ cong đuôi ôm lấy cặp sách đạp xe đi cái vèo, không kịp để cho anh em thắc mắc gì, cũng không biết cậu đi đâu. Điều ấy làm mọi người trong nhóm và đặc biệt chúa tể nghĩ nhiều - Đỗ Nam lo ngay ngáy rằng liệu có phải họ đã làm gì khiến Vinh phật lòng rồi muốn nghỉ chơi với các huynh đệ không. Hơn nữa, càng đáng quan ngại gấp bội là mất đi cỗ máy farm lính "Vinh lúa", thành tích leo rank của hội anh em không còn được khả quan như trước.

"Đùa chứ đứa nào tìm rồi lôi thằng mèo về đây gặt lúa hộ tao phát. Đội sắp hết cứu rồi đây nàyyy!"

...

Dấu hiệu kì lạ thứ hai: Dạo gần đây mèo lười Chí Vinh có một tâm hồn bay bổng, chăm đọc sách ngâm thơ hẳn.

Vinh vốn xuất thân là học sinh trong một tập thể với tổ hợp môn học là tự nhiên. Với đặc thù riêng của những lớp phải thở oxi cùng các con quái thú Toán Lý Hóa Sinh, đương nhiên số lượng các đấng nam nhi với tâm hồn khô khốc áp đảo số lượng các thiếu nữ với trái tim mơ mộng, và bạn mèo của chúng ta trùng hợp làm sao lại là một trong những thành phần học thì giỏi bình thường mà báo thì không nhất cũng nhì trong đám trai loi nhoi của tập thể A2.

Nhớ hồi đầu năm lớp 10, Chí Vinh cùng đồng bọn sau khi bị thầy Hiền dạy thể dục cho ngồi sổ đầu bài vì buôn dưa lê trong lúc thầy đang dạy cách chạy marathon, mèo ta đã rủ anh em mình canh me chờ lúc thiên thời địa lợi để đi trộm sổ đầu bài rồi sau đấy lén la lén lút ôm nó ra sau trường đốt hòng phi tang chứng cứ. Cũng là ơn các cụ gánh cho đàn báo là khi ấy trường vẫn chưa đủ điều kiện để lắp camera giám sát, chứ không thì...

Có lẽ cũng bởi cái sự báo như vậy nên là việc con mèo báo của lớp dạo gần đây bỗng ngoan ngoãn, chăm học chăm đọc hẳn ra mới gây chấn động hãng thông tấn ngồi lê đôi mách 11A2 do Quang Hồ đứng đầu.

"Ới Vinh ơi là Vinh, mày bị thế này lâu chưa? Sao lại giấu anh em thế này? Vong linh phương nào tâm ác hồn độc lại nhập vào thằng bạn tao vậy nè?" "Đỉnh lưu" - Đỗ Nam bắt đầu chuyên mục ca vọng cổ kinh điển. Khỏi phải nói, sau khi thấy cảnh nhiều tuần trời thằng bạn trời đánh thánh đâm, nghịch ngầm là giỏi của mình lúc nào cũng cầm khư khư quyển sách trên tay thì không một ai trong lớp khỏi bất ngờ lo lắng, bởi vì bình thường sức mấy mà Vinh nó chịu đụng cái tay vào quyển sách.

Đã thế, bây giờ còn là đều đặn nhanh thì ba ngày, lâu thì năm hôm đọc xong một quyển.

Hồi trước có lần bài tập làm văn của lớp có đề là "Nêu cảm nhận của em và miêu tả về nội dung của một quyển sách mình yêu thích." Khỏi kể thì ai cũng biết, Vinh vốn lười đọc sách nên cậu cũng có biết cái mô tê gì cho cam, bởi thế trước khi thả mình vào cõi mộng vì cơn buồn ngủ kéo đến, cậu đã cố mở hai con mắt ra đọc lướt qua vài trang sách và sau ấy sử dụng bộ não thiên tài của bản thân bịa ra khúc sau của câu truyện như một vị thần, với suy nghĩ có ai thèm để ý đâu.

Nhưng đấy là Vinh nghĩ thế, chứ cô giáo thì không...

Xui cho bạn mèo, quyển sách mà cậu chọn lại trùng hợp là quyển sách gối đầu giường của cô Nhung dạy văn, nên sau khi thấy nội dung quyển sách thân yêu của mình bị trò yêu cắt xẻ vẽ vời bậy bạ, cô đã thẳng tay cho Vinh con 3 vào bài tập làm văn.

Có ai đời lại bảo Thị Nở cưới Chí Phèo rồi sau đấy hai người đẻ con đàn cháu đống, làm ăn phát tài thành đại gia bao giờ???

Mà chắc sau ấy cô vẫn còn tức lắm, nên phải mắng cậu thêm một trận cực căng ngay trước lớp làm hú cả hồn mèo. Khổ thân Vinh chưa!

Cũng vì cái lẽ như thế, nên cảnh tượng thánh lười đọc sách này xem ra phải khó tin cỡ việc con chó nhà Vũ biết hát quan họ.

Nhưng mà khổ cái là, hội anh em cây khế của Chí Vinh thì lại chẳng moi móc được tí ti ông cụ thông tin gì về "món đồ chơi mới" của con mèo này sau những dấu hiệu đáng ngờ cả.

...

Dấu hiệu kỳ lạ thứ ba: Dạo gần đây thành tích học tập của Chí Vinh bỗng dưng tiến bộ nhanh một cách khó tin.

Chuyện này không những gây xôn xao cho hãng thông tấn ngồi lê đôi mách 11A2, mà nó còn khiến cho tập thể các giáo viên từ giáo viên chủ nhiệm cho tới giáo viên phụ trách các bộ môn của lớp bất ngờ.

Thì cũng dễ hiểu thôi, ai mà không bất ngờ cho nổi khi một học sinh vốn học lực cũng ở mức bình thường, chỉ được cái mau miệng lẹ mồm lại còn quậy hết biết, bây giờ không những ngoan ngoãn dễ bảo hơn, mà lại còn học hành tiến bộ nhanh lạ nhanh lùng.

Chí Vinh từ một học sinh đứng thứ 25 trên tổng số 44 học sinh của lớp, không biết là do đột biến gen hay mèo ta vừa ăn phải thuốc tiên gì mà chỉ trong hai tháng ngắn ngủi đã nhảy những bước cao vùn vụt trên bảng xếp hạng, cứ 3 rồi 4 bước một, chẳng mấy chốc mà giờ đây thành tích học tập của Vinh đã xếp thứ 10 của lớp. Điều ấy làm cho các thầy cô vừa sốc vừa mừng, nhưng chắc hẳn là mừng nhiều hơn vì lớp đã bớt một con báo, thêm một trò ngoan.

Suy cho cùng thì Chí Vinh vốn cũng không phải là một đứa nhóc học hành bết bát gì cho cam, chỉ là bản tính của một thiếu niên 17 tuổi đương nhiên vẫn là ham chơi hơn ham học. Nếu không có động lực thì đương nhiên là việc ngồi lỳ vào bàn cả tiếng đồng hồ để hoàn thành chồng bài tập xếp chồng cao ngất sẽ không thể nào quyến rũ với Vinh hơn được những trận game cùng anh em ở quán net hay những kèo đá bóng thơm phức.

Nhưng mà ấy là khi không có đủ động lực thôi, còn giờ thì thời thế đã đổi thay, Vinh cũng đã lột xác trở thành một Vinh khác rồi đấy nhé.

Trong giờ thì hăng hái xây dựng bài, về nhà thì chăm chỉ làm hết bài tập, khỏi phải nói chắc ai cũng biết lần họp phụ huynh cuối học kỳ I vừa rồi mẹ của Vinh đã hãnh diện và sung sướng nhường nào khi ông con trai yêu quý lần này không những không bị phê bình vì nghịch ngợm, mà trái lại còn được cô Lành chủ nhiệm lấy làm tấm gương sáng để các bạn noi theo học tập.

Cái cảm giác này chắc phải sướng ngang trúng số, thật đấy không điêu đâu!

Kể từ sau dấu son họp phụ huynh chói lọi đó, mặt của mẹ Vinh cứ luôn là tươi hơn cả hoa, hớn hở đem con đi khoe khắp từ đầu ngõ cho tới cuối chợ, từ bà hàng xóm sát vách cho tới các bác bán thịt bán rau, làm sau đó cứ mỗi khi Vinh đi ra đường là lại bị các cô các bác ghẹo cho ngại ơi là ngại, nhưng mà cũng thích ơi là thích vì được khen giỏi khen ngoan. Tối hôm đấy về Vinh còn thấy mẹ nấu cả một bàn đồ ăn cực kỳ thịnh soạn, nom còn hơn cả cỗ chiêu đãi cả nhà.

Thì ra học giỏi lại sướng hơn Vinh nghĩ, sướng hơn cả thắng kèo đá bóng, thắng chuỗi trận liên minh nữa cơ.

...

Trịnh Chí Vinh có một bí mật, rằng tất cả những thay đổi tích cực gần đây của cậu không có xuất phát điểm từ lòng khao khát trở thành con ngoan trò giỏi hay con nhà người ta gì cho cam như mọi người nghĩ, mà động cơ thật sự của những thay đổi đó sâu xa hơn nhiều, khi mà cậu đã gặp được "động lực" của mình trong một tình huống dở khóc dở cười (nhưng mà khóc nhiều hơn cười).

Chuyện để kể ra thì phải quay lại thời điểm đầu năm lớp 11, mèo lười Chí Vinh trong một buổi chiều thu nắng nhàn nhạt đã rất không tự nguyện phải dành ra một buổi chiều cuối tuần quý giá mà đáng lẽ cậu có thể đại chiến năm trăm ván liên minh cùng anh em tại quán net để đến một nơi Vinh cho rằng là nhàm chán nhất trên đời - hiệu sách.

Chả là hôm đó khi đang nằm ngủ trưa giữa tiết trời thu hiu hiu gió mát, thế quái nào giữa cơn mơ bỗng Vinh bị ông nội mình lôi đầu dậy, rồi chưa kịp để cậu mở hết hai mắt ra đã dúi cho cậu hai ba quyển sách nom có vẻ khá cũ kỹ khi phần gáy đã bị tróc còn phần giấy bên trong lại hơi hơi ngả vàng cùng một tờ ghi địa chỉ.

"Hôm nay ông bận đi họp tổ dân phố, mà lại quên mất chiều là hạn cuối để trả sách. Vinh đi trả giúp ông nhé."

Nói rồi không kịp để cho Vinh kịp ú ớ lời từ chối, ông đã nhanh tay nói lời tạm biệt thằng cháu yêu quý rồi đi lúc nào không hay.

Và cái kết thì đương nhiên là ai cũng biết, Trịnh Chí Vinh thay vì được yên vị trong quán net đoàn tụ cùng huynh đệ thì giờ lại đang phải còng lưng ra đạp xe đến một con hẻm mà người con thủ đô 17 năm như cậu nghe tên còn thấy lạ hoắc lạ huơ, thành ra để mò cho được cái hiệu sách cũ yêu quý của ông nội mình, cậu đã rong ruổi trên khắp các con phố trong hơn 30 phút.

"Đây rồi, đùa chứ đã khó tìm rồi lại còn ở tít cuối ngõ." Vinh miệng thì làu bàu nhưng mặt lại không giấu nổi vẻ mừng rỡ khi cuối cùng cũng đã tìm ra được cái hiệu sách quái quỷ của ông mình.

Mà Vinh phải công nhận, hiệu sách này đẹp thật, nhìn cứ cổ kính và gần gũi cách sao ấy mà lại có thể khiến cậu cảm thấy thân thuộc dù mới chỉ lần đầu ghé thăm.

Đứng ở ngay cạnh cửa hình như là anh chủ tiệm, Vinh đoán vậy, vì trông cách anh ấy thư thái ngồi đọc sách ở bàn đón khách mặc kệ sự đời không có vẻ gì là giống một người đi làm thêm cả.

"Em chào anh ạ, anh ơi cho em hỏi đây có phải là hiệu sách Miêu Đà không ạ?" Tuy đã chắc đến 99,99999% phần trăm rằng mình đã đến đúng địa chỉ, nhưng mà Vinh vẫn phải hỏi lại cho chắc. Cái này không phải tại lỗi của mèo, tất cả tại hiệu sách gì mà không in biển tên gì cả.

"Ừ đúng rồi em." Anh chủ ngẩng đầu dậy khỏi quyển sách, nở nụ cười công nghiệp để chuẩn bị đón khách. Vị khách lần này khiến anh khá bất ngờ, thậm chí là có chút thích thú, vì thường tệp khách hàng thường hay lui tới tiệm sách này thường sẽ là các ông các bác trung niên tầm tuổi ông nội Vinh cơ. Có lẽ bởi vậy, hình ảnh có một học sinh ghé thăm nơi đây thật sự là hiếm vô cùng, đã thế nhóc này còn có cái răng khểnh, cười lên rất yêu cùng nét mặt tinh nghịch y chang con mèo cam ú na ú nần ở nhà Khôi.

Hơn nữa, "con mèo cam" này còn đang cưỡi em "cá vàng" Peugeot* danh bất hư truyền, cũng là ước mơ của mọi thanh niên trên cái đất Hà Nội này. Điều ấy khiến anh thầm khẳng định trong lòng rằng nhà thằng nhóc này chắc giàu nứt đố.

Một con mèo đang cưỡi một con cá vàng. Hình ảnh liên tưởng trong đầu làm Khôi phì cười.

*Peugeot: dòng xe đạp nổi tiếng thời các ông các bố của chúng ta, nổi tiếng trong câu nói "Một yêu anh có Seiko. Hai yêu anh có Peugeot cá vàng. Ba yêu nhà cửa đàng hoàng. Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô."

Ấn tượng đầu tiên của Khôi về Vinh có lẽ vẫn sẽ đẹp đẽ trọn vẹn như vậy, cho đến khi có một tiếng "rầm" chấn động vang lên trước cửa tiệm.

Hình như ông trời vẫn thấy công cuộc tìm kiếm của Vinh vẫn còn dễ quá hay sao ấy, nên để tăng độ khó cho game, trong lúc mèo ta vẫn còn đang chăm chú nhìn ngắm hiệu sách, cậu đã không chút phòng bị nào mà lủi thẳng em "cá vàng" yêu quý vào cái ổ gà trước mặt.

Rầm một tiếng rõ là to ngay trước cửa hiệu sách, khỏi nói chắc ai cũng biết là ai vừa mới ngã.

"Trẹo cổ cá vàng rồi nhóc ơi." Khôi hoảng hồn chạy ra hiện trường dựng chiếc xe đạp dậy, ánh mắt xót xa thương tiếc vô cùng tận nhìn em Peugeot quý giá bị con mèo béo nào đó lủi cho cong vòng cái cổ, dù chủ của nó còn chưa kịp mở miệng ra than câu nào.

"Ơ, em mới là người ngã mà!?"

Tới đây Khôi mới nhận ra có một con mèo to gần gấp rưỡi mình cũng đang bị chấn thương nặng không kém. Cánh tay Vinh bị trầy rướm máu, chân thì tróc một mảng da to đùng nhìn sợ muốn sởn gai óc. Nhìn thấy ánh mắt tủi thân của cậu khiến Khôi phì cười, đúng là nhân tướng hợp nhất với con mèo cam, liền vội đỡ Vinh dậy rồi kéo cậu vào trong tiệm sách rồi sơ cứu.

"A, đau em anh ơi." Vinh nhăn nhó kêu la khi miếng bông thấm đẫm nước muối sinh lý đang được Khôi lướt nhẹ để lau vết thương trên chân mình. Xót quá cứu mèo.

"Ngồi im nào, không sát trùng đi là nó nhiễm trùng lở loét tè le, chảy mủ tanh tưởi, hôi rình một góc phố ra bây giờ." Khôi vừa nạt vừa dọa cậu, tay dịu dàng sơ cứu vết thương cho đứa nhóc mới gặp.

Ấn tượng đầu tiên kiểu này, chắc tới chết Khôi cũng chưa quên được.

Sau khi sơ cứu đâu đó xong xuôi, tốn hết một phần ba túi bông mới mua cùng một nửa lọ nước muối loại nhỏ, Khôi mới bắt đầu lân la hỏi chuyện cậu. Thật ra cũng không định hỏi, nhưng mà tại con mèo nào đó than trời than đất nhiều quá làm anh nhức đầu, nên anh phải ngắt mạch nói của cái miệng này trước khi có bản thân tiền đình.

"Thế, nhóc tới đây có việc gì vậy?"

Câu hỏi của anh làm Vinh sực nhớ ra mục đích mình đạp xe hơn ba phút đồng hồ để làm gì, cậu liền thôi xoa vết thương than ngắn thở dài mà lôi từ trong túi đeo chéo ra hai quyển sách.

"Ông em nhờ em đến đây để trả sách cho tiệm mình á. Với lại ông cũng nhờ em mượn hộ ông mấy quyển này nữa." Vinh ngoan ngoãn cầm sách cùng tờ giấy ghi tên sách rồi đưa cho anh Khôi bằng hai tay, chuẩn tác phong học sinh gương mẫu, thành công ghi điểm 10 trong lòng sinh viên sư phạm Toán đại học sư phạm Hà Nội - Khuất Huy Khôi.

"À, ra nhóc là cháu của ông Bình." Khôi gật gù nhận lấy hai quyển sách sau khi rót ra một chén nước vối mời vị khách nhỏ tuổi, rồi liền đi quanh tiệm để tìm mấy quyển mà ông của Vinh hỏi mượn trong tờ giấy.

Vừa nhâm nhi chén nước anh Khôi rót, mắt mèo vừa nháo nhác nhìn quanh tiệm sách. Cảm giác hiếu kỳ rồi sau đấy là bất ngờ khi nơi mà Vinh từng cho là "khỉ ho cò gáy" như hiệu sách không hiểu sao khác xa so với suy nghĩ của cậu. Bởi có lẽ không gian ấm cúng, cũng như mùi hương gần gũi, giống như nhà của nó, khiến cậu bỗng nhiên nổi lên ý tưởng muốn bám rễ ăn đời ở kiếp lại ghê gớm.

Nền tường vàng nâu nhạt giống với nền tường phòng ông nội, nền đá hoa họa tiết giống với phòng khách, hương thơm âm ấm của đất phảng phất từ mấy chậu cây bên bệ cửa sổ xanh rêu, các kệ nối tiếp nhau được lấp đầy bằng vô số quyển sách thẳng đều tăp tắp nhìn thích mắt vô cùng...

À, còn cả nước vối anh Khôi pha ngon y hệt mẹ Vinh làm nữa.

"Anh ơi nước vối anh pha kiểu gì mà ngon thế?"

"Anh pha bừa nên cũng không biết nữa, nhóc thích hả?"

"Vâng ạ, mà sao chỗ này có nhiều sách thế anh?"

"...Hiệu sách mà không có nhiều sách thì có cái gì hả em?"

"À ừ nhỉ..."

"..."

Hỏi rất chi là nhiều, mà đã thế còn hỏi rất vô tri, Khôi chuẩn bị nhức đầu với vị khách học sinh này rồi đây. Nói thật thì vì các vị khách trung niên hay ghé hiệu sách thường rất trầm tính, các ông các bà cũng chỉ quan tâm gần gũi dăm câu khen ba điều hỏi chuyện anh thôi, chứ cái trường hợp khách mà cái mỏ cứ tía lia như súng liên thanh này thì đúng là lần đầu Khôi gặp, nhức đầu lắm đấy nhé.

"Anh ơi, anh tên là gì?"

"Anh tên là Khôi."

"Anh không tò mò xem em tên là gì hả?"

"Anh có nghe ông nhóc kể về nhóc rồi. Vinh nhỉ?"

"Thế anh không tò mò xem đầy đủ họ tên của em là gì hả?"

"...Nếu anh nói không thì sao?"

"Thì em vẫn nói. Em là Trịnh Chí Vinh nhé."

"Ôi sao mà nó nói nhiều khủng khiếp." Khôi trộm nghĩ rồi len lén xoa xoa hai bên thái dương. Nhưng cuối cùng để bảo vệ tâm hồn trẻ thơ, nhà giáo tương lai Khuất Huy Khôi quyết định không lên tiếng phàn nàn làm Vinh cụt hứng.

Mà Vinh thì cứ được đằng chân lân đằng đầu, thấy anh chủ có vẻ hiền hiền dễ tính hưởng ứng mấy câu hỏi vô tri của mình nên cậu khoái chí vô cùng, tay cứ thản nhiên rót nước vối uống lia lịa như ở nhà, miệng thì cũng nhiệt tình không kém trêu anh chủ.

"Thế họ tên đầy đủ của anh là gì?"

"Khuất Huy Khôi nhóc nhé."

"Anh ơi, ông em hay tới đây lắm hả?"

"Ừ, ông nhóc là khách quen."

"Anh ơi, hiệu sách này của anh mở à?"

"Không, đây là của ông nội anh. Anh chỉ đến trông giúp ông thôi."

"Anh ơi, sao ông anh mở được hiệu sách to thế? Chắc nhà anh giàu lắm nhỉ?"

"Hay là giờ mình giả điếc ngang được không ta?" Khôi nén tiếng thở dài trong lòng, hành động day day hai bên thái dương cũng dần lộ liễu hơn.

Trong khi đó, Vinh có vẻ vẫn rất hứng thú với chuyên mục hỏi xoáy đáp xoay để ghẹo anh chủ, cậu híp híp mắt, trả treo lại với anh.

"Anh đừng có gọi em là nhóc, em cao hơn anh nửa cái đầu đó."

Lời vàng ngọc vừa trượt ra khỏi đầu môi, Vinh đã thấy anh Khôi dù đang đứng ở trên thang để lấy sách cũng ngoảnh lại để lườm mình cháy cả mặt, tay cầm sách cũng chuẩn bị liệng thẳng vào mặt cậu, dù Vinh thấy điều mình vừa nói chuẩn khỏi phải bàn.

Hay lắm, đã một mình nốc hết nửa ấm nước vối mà Khôi cất công pha cả trưa để mời khách rồi lại còn dám chọc ngoáy chiều cao của anh, tội này là tội tày đình.

"Một lời như vậy nữa là anh cho cái cổ của nhóc chung số phận với con cá vàng đấy."

...

Sau buổi ghé thăm định mệnh hôm đó, ngoài việc về bị bố mẹ chửi to đầu vì làm hỏng em cá vàng, Vinh còn phải nhắm mắt cắn răng tự móc tiền trong con lợn tiết kiệm ra để lấy tiền sửa cái cổ cho con xe quý giá, đau mà muốn đứt từng khúc ruột.

Thế nên một phần vì cay cú vì đi tìm cái hiệu sách mà mình phải mất tiền sửa xe, phần khác vì trêu anh chủ ở đây cũng khá vui và nước vối anh pha rất ngon, nên từ hôm đó cho dù ông nội có nhờ hay không thì chiều nào Vinh cũng lách cách xách xe sang quậy dưới danh nghĩa giúp anh Khôi trông tiệm, thêm người cho vui cửa vui nhà.

Mấy ngày đầu Khôi còn bất lực trước vị khách lắm mồm, nhưng lâu dần anh cũng thấy quen dần. Không biết từ khi nào, nước vối anh pha ngày thường chỉ có một ấm, nay xuất hiện cạnh chiếc ấm Bát Tràng quen thuộc đó còn có thêm một cái mới, được Khôi gọi là ấm nước của mèo to đầu, anh pha riêng cho để cho cậu nhóc nào đó nhấm nháp.

Sau dạo đó, các ông, các bà hay ghé hiệu sách cũng nhận ra và quen mắt với việc giờ tiệm ngoài có cái cậu cháu xinh trai học sư phạm Toán đang trông tiệm thay ông nội ra thì bây giờ lại có thêm một cái đuôi cao hơn Khôi nửa cái đầu cũng xinh trai không kém lon ton theo anh chờ sai vặt.

Quay lại về câu hỏi: "Vì sao dạo này Vinh chăm chỉ đọc sách, ngoan ngoãn học giỏi lên trông thấy như vậy?"

Chuyện là từ ngày làm thân với anh Khôi, Vinh dần nhận ra đọc sách hóa ra chẳng nhàm chán như cậu nghĩ. Đúng ra thì những ngày đầu, mỗi khi được anh Khôi đưa cho quyển sách dụ đọc, Vinh lúc nào cũng lắc đầu nguầy nguậy, nhíu mày lè lưỡi nhất quyết không chịu đụng ngón vào dù chỉ một trang.

Nhưng mà gì thì gì, nước vối có ngon đến đâu, ghẹo gan anh chủ có thú vị nhường nào cũng không thể thay đổi được sự thật rằng nơi Vinh đang cắm cọc lại là một hiệu sách, ngoài sách và sách ra thì chẳng có cái gì để chơi cả. Điều đó có nghĩa nếu như không đọc sách, thì thật sự cậu chẳng biết làm gì trong khoảng thời gian trống không có việc gì làm cả, nhất là khi anh Khôi cũng đang chăm chú đọc sách, Vinh dù quậy nhưng cũng đâu có gan mà quấy rầy.

Cho nên với lòng yêu mến không rõ xuất phát từ đâu của Vinh dành cho cửa hiệu cùng những lời khuyên răn vàng ngọc từ sinh viên sư phạm Khuất Huy Khôi, cậu đã thành công bị nhà giáo tương lai "thao túng" và bắt đầu học cách đọc sách để thời gian tại hiệu sách Miêu Đà trở nên đáng giá hơn (theo lời anh Khôi nói là vậy).

Vinh từ đó dần dần cũng quen hơi tiệm sách, quen hơi ấm nước vối mát thanh, quen cả hơi anh chủ với mùi hương rất "nhà" cứ phảng phất quanh cánh mũi khi cậu ngồi cạnh anh đọc sách.

Hiểu rõ được việc anh Khôi là một người siêu dễ tính, nên mèo ta cũng phát huy bản tính bám người hết cỡ khi cứ đến lúc hai anh em đọc sách là Vinh lại sáp sáp lại gần, rồi người cứ như không xương mà dựa hẳn vào anh, phè phỡn tận hưởng những trang sách.

Ai biết gì đâu, chắc tại vì anh Khôi thơm nên Vinh mới vậy thôi, Vinh thề đó.

Nhưng mà chuỗi những ngày vui có dài đến mấy thì cũng phải đến lúc ngày buồn xuất hiện, không có niềm vui nào là trọn vẹn được cả.

Khổ nỗi, ngày buồn của Vinh đến một cách không thể nào kinh khủng hơn, khi hôm đấy Vinh nhận về con điểm 4,5 Toán đầu năm.

4,5 lần một.

4,5 lần hai.

4,5 lần ba.

Cái gì quan trọng mình nhắc lại ba lần. Thậm chí đến điểm trung bình Vinh còn không chạm tới được, hậu quả sâu sắc của việc trước hôm kiểm tra cậu cứ chúi đầu vào nghiên cứu võ thuật trong mấy quyển truyện kiếp hiệp xong lăn ra ngủ quên khò khò trên giường.

Đương nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó có lẽ chuyện cũng không đến nỗi lắm, nhưng đời mà, làm gì có việc xấu nào che giấu được mãi.

Trước khi cậu kịp đem "chứng cứ" đi thủ tiêu, tối đấy lúc dọn bàn học cho Vinh, mẹ cậu đã vô tình tìm thấy bài kiểm tra đó được kẹp trong sách giáo khoa Toán của mèo.

Chuyến này Trịnh Chí Vinh tàn canh gió lạnh.

Sau hôm đó, tiền tiêu vặt hàng tháng của Vinh bị mẫu hậu đại nhân cắt xuống một nửa, khiến cậu không còn có đủ kinh phí để ăn ngủ tại quán net như ở nhà giống lúc trước nữa. Chuyện còn tệ hơn nữa là bài kiểm tra đó của Vinh bị ông nội đem ra để mách tội thằng cháu yêu dấu với anh Khôi. Trong một phút kẻ tung người hứng, Khôi đã đồng ý với nguyện vọng gửi gắm con mèo lười cho nhà giáo tương lai dạy dỗ của ông.

"Ai chứ thằng Khôi nó hiền lắm, yên tâm. Mày suốt ngày kè kè chơi cùng nó, còn lạ gì tính Khôi nữa hả cháu?" Ông Vinh vừa nhấp môi ngụm nước chè vừa thuyết phục thằng cháu trời đánh đi học.

"Nhưng mà chơi khác, học khác mà ôngg!!!" Vinh giãy nảy giẫm chân bồm bộp trên ghế tràng kỉ, quyết liệt từ chối việc phải học thêm cùng anh Khôi sau giờ học. Bộ Toán học bị tra tấn trên trường chưa đủ hay gì mà Vinh lại phải tự chui đầu vào rọ nữa?

"Không có nhưng nhị gì hết, ông bảo học là học." Ông đặt mạnh chén nước chè xuống bàn làm vài giọt còn sót lại văng tung tóe, mặt nghiêm nghị lườm Vinh muốn lạnh toát sống lưng.

Đương nhiên là dưới sự chèn ép đó, Trịnh Chí - ghét toán vô cùng- Vinh không còn cách nào để phản kháng, cậu đành phải chọn dẫn xác đến địa điểm "chữa lành" thường ngày của mình để tiếp tục bị "chữa rách" bởi tri thức sau khi vừa lồm cồm bò về khỏi trường học.

Nếu hỏi Vinh có ức không? Ức chứ, ức vô cùng tận là đằng khác. Thay vì được bình yên vừa tận hưởng ấm nước vối thơm thơm vừa nghe anh Khôi kể chuyện trên trời dưới biển ở trường đại học, rồi sau đó thở ngắn than dài về hàng tá câu chuyện lông gà vỏ tỏi của mình ở trường cấp ba, thảnh thơi ngắm con mèo cam của anh Khôi tắm nắng, thì giờ cậu lại phải tiếp tục nghiền ngẫm những kiến thức khó hiểu ở quyển sách Toán khó coi kia. Nhưng nếu hỏi Vinh có làm gì để vượt lên được thách thức không? Đương nhiên là không rồi, lệnh vua đã ban, ai mà dám cãi?

Thật ra thì sâu trong lòng Vinh cũng thầm thấy có chút may mắn vì người dạy kèm cậu là anh Khôi, vì dù sao từ tính cách đến giọng nói anh cũng hòa nhã dịu dàng, người gì đâu mà mắng người ta mà giọng nghe vẫn cứ dịu dàng như đang an ủi cho được, chứ mà ông bảo mẹ giao Vinh cho mấy "bà cô la sát" trên trường kèm cho chắc cậu đột quỵ mất. Chậc, nghĩ thôi mà bàn chân đã thấy lành lạnh.

Thế là sau ngày chủ nhật sóng gió gia đình đó, các ông, các bà khách quen của hiệu sách Miêu Đà lại bắt đầu quen với một khung cảnh mới: Cái cháu Khôi xinh trai học Sư phạm Toán năm ba của ông chủ cửa hàng đang cố gắng kiên nhẫn dùng chất giọng nhỏ nhẹ dễ nghe trời sinh để hành nghề thực tập bất đắc dĩ cho "cái đuôi" bình thường hay chạy lon ton theo giúp anh bê sách ghi sổ.

"Có cách nào để Vinh không học Toán nữa mà vẫn lên được lớp không anh?" Vinh gục mặt xuống bàn la oai oái trong tuyệt vọng sau khi ngồi gặm bút gãi đầu gần mười lăm phút trời vẫn không giải được bài tập mà anh Khôi giao.

"Có em nhé, mày cứ ngủ vài giấc nữa thể nào cũng mơ thấy. Lúc đấy anh sẽ mách mẹ Vinh là Vinh ham ngủ lười học để cô cắt sạch tiền tiêu vặt của Vinh." Khôi liếc xéo con mèo lười đang than trời trách số, búng nhẹ vào tai cậu.

Nghe thấy ba chữ "tiền tiêu vặt" cái là lưng Trịnh Chí Vinh như thể gắn lò xo mà bật phăng dậy, mắt mèo long lanh chớp chớp ra mấy giọt lệ tàng hình ăn vạ anh Khôi.

"Không mà, anh Khôi thương Vinh nhất, anh Khôi sẽ không nỡ nhìn Vinh chết đói vì số tiền ít ỏi cuối cùng bị cắt đi đâu chứ."

Đúng là mèo có khác, muốn lấy lòng là lại sáp sáp vào người xinh trai thủ thỉ mấy câu nghe rõ là thương. Vinh sẽ không nói là Vinh hay mè nheo anh vậy là vì Vinh thích đâu. Mới đầu là chỉ dựa dựa lúc đọc sách thôi, thế mà theo thời gian mèo ta thấy anh hiền nên được nước lấn tới, hết dựa dựa, bây giờ còn dám ôm ôm rồi cơ đấy.

Nhưng mà nhắc lại lần nữa, Vinh làm thế chỉ vì Vinh thấy anh Khôi thơm thôi, thề đó!

Khôi cũng bất lực với con mèo bám người này lắm đấy chứ, không phải vì Vinh cũng ngoan, cũng nghe lời là giờ anh đá đít cậu ra khỏi hiệu sách rồi chứ ở đó mà ôm ôm dụi dụi.

Trải nghiệm lần đầu làm gia sư trong sự nghiệp trồng người của Khuất Huy Khôi xem ra chông gai hơn những gì anh tưởng nhiều rồi đây.

...

Vốn dĩ thì Vinh là Vinh cũng chỉ lười thôi, chứ người ta cũng thông minh số dách đấy nhé. Cũng may cho Vinh là khi đó cậu mới chỉ lên lớp 11 chưa lâu, nên là chỉ sau khoảng đâu đó một tuần liền tù tì chiều nào tan học xong Vinh cũng đổ mồi hôi sôi nước mắt đến trau dồi tri thức đến tối muộn cùng anh Khôi (xong tối nào cũng đòi anh nấu cơm luôn cho ăn) thì cậu đã thành công lấy lại được cái gốc Toán tưởng chừng đã bỏ nhà đi bụi từ đời nảo đời nao (trộm vía). Vinh sau những tháng ngày đầu năm lớp 11 điểm chác lẹt đẹt chớt với ở ngưỡng trung bình, nay cũng đã đạt được điểm 9 bài kiểm tra Toán 15 phút trên lớp.

Khỏi phải nói, Vinh mừng muốn rớt nước mắt, cảm giác đánh đổi việc bị tụt rank (một chút) để đổi lấy những bữa cơm nhà không chan nước mắt quả thật với mèo xứng đáng vô cùng. Chiều đấy cậu ưỡn ngực thẳng lưng cầm tờ giấy kiểm tra hiên ngang bước vào nhà như một người hùng, loi nhoi hết khoe bố khoe mẹ khoe ông. Điệp khúc "Mọi người thấy Vinh giỏi chưa?" ngân vang đâu đấy bốn năm lần xong xuôi thì cậu liền mau lẹ nhét bài làm điểm 9 lại vào cặp rồi phóng như bay đến hiệu sách để ra oai mặt mèo với anh Khôi.

Sinh viên Sư phạm Khuất Huy Khôi sau những nỗ lực kiên trì soạn giáo án, sơ lược kiến thức muốn gãy đốt sống cho Vinh cuối cùng đã nếm được trái ngọt đầu tiên của sự nghiệp trồng người, anh cũng vui sướng không kém gì Vinh, và cậu đã phải dụi mắt mấy lần vì thấy hình như khóe mắt anh hơi ươn ướt vì xúc động. Chắc cũng vì cái sự xúc động đó mà chiều đấy anh Khôi đã phá lệ, cho Vinh cúp học một hôm khao cậu đi ăn kem Tràng Tiền.

Thấy mắt học trò sáng trưng lên khi nhìn vào bàn kem toàn các vị Vinh thích (vì vị nào cậu chả thích), mèo ta cảm động thiếu điều muốn nhào tới ôm anh Khôi ngay giữa quán

"Hôm nay Vinh ăn bao nhiêu cũng được, anh khao."

Được lời như cởi tấm lòng, chiều hôm đó hai anh em cao hứng quá nên ăn muốn sập luôn quán nhà người ta. Đó là lần đầu Vinh thấy anh Khôi chủ động tám chuyện với mình nhiều như thế, điều đấy khiến cậu thầm mở cờ trong bụng vì trước đây toàn là cậu tung miếng cho anh hứng thôi à, thế mà bây giờ anh nói với cậu còn nhiều hơn cậu nói với anh nữa đó, tự hào vô cùng đấy nhé. Đó cũng là lần đầu một người chi tiêu hợp lý, cần kiệm như Khôi thấy cháy ví hóa ra cũng không phải chuyện gì quá to tát, hơn nữa lần cháy ví này còn là để thưởng cho học trò đầu tiên của mình cơ mà, xứng đáng vô cùng tận.

Sau buổi đi chơi đó, trừ việc anh Khôi về phải tạm thời nghỉ dạy Vinh nửa tuần trời vì ăn quá nhiều kem nên bị đau họng rồi sốt, còn Vinh thì bị mẹ với ông nội mắng cho to đầu vì đi la cà cùng anh Khôi làm anh bị sốt, thì mọi chuyện đều tiến triển theo chiều hướng cực kỳ tuyệt vời.

Vinh dần nhận ra việc học, đặc biệt là học cùng anh Khôi thú vị hơn những gì cậu từng nghĩ. Những tiếng mè nheo giữa các buổi học cũng theo đó biến mất dần, điều đấy càng làm anh Khôi xúc động không thôi. Trò đã có lòng thì thầy cũng có dạ, quyển giáo án riêng cho Vinh cũng được anh soạn ngày càng tâm huyết hơn, bài tập về nhà giao cho Vinh cũng nhiều lên trông thấy.

"Vinh không đùa đâu, nhiều bài tập thế này sao em làm xong nổi." Không than trong giờ học thì để cuối giờ mèo than vậy. Cậu kêu khóc mong anh Khôi rủ lòng thường khi thấy tay anh thoăn thoắt khoanh tròn gần hết các đề mục trong quyển sách bài tập như gặt lúa để cậu làm trong cuối tuần.

Thấy hai má Vinh chù ụ muốn rớt xuống như bánh bao ngâm nước, môi bĩu ra như bị ai ăn cắp mất sổ gạo, Khôi không nén tiếng bật cười (dù anh cũng tự thấy mình hơi ác). Anh xoa xoa đầu Vinh, ngón tay mân mê mấy sợi tóc cậu lởm chởm do tay nghề cắt nghiệp dư của ông thợ đầu phố.

"Sắp thi cuối kỳ rồi đó, Vinh mà không làm là anh mách bác gái nhé?"

Đang định làm mèo ngoan ngồi im thin thít cho anh Khôi xoa tóc, thế mà Vinh vừa nghe thấy tên mẹ mình thì liền xù lông lên, tay ôm đầu mình né ra chỗ khác không cho anh xoa nữa.

"Anh mà mách mẹ em là em nghỉ chơi với anh luôn đấy." Vinh nhích mông ra tận góc mép cái ghế sofa, giọng giãy nảy lắc đầu nguầy nguậy lên. Người lớn với nhau cả rồi mà, ai lại chơi đi mách mẹ thế???

Anh Khôi thấy thế thì cười toe làm Vinh càng tức, cậu nhăn nhó cố lùi xa nữa làm mình tí thì mất đà ngã ra khỏi ghế.

"Anh đùa, anh đùa, Vinh lại đây anh giảm một bài cho."

"Ba bài cơ."

"Một là một, mè nheo nữa là anh giữ nguyên đấy nhé."

"Vậy thôi thì hai."

"Không có đâu nhé."

Vinh dỗi lắm đấy nhé, lần này Trịnh Chí Vinh quyết định chơi lớn, có lẽ phải hi sinh cái bàn tọa để ngã lăn ra ăn vạ rồi đây.

Khôi thấy thế có con mèo nào đấy mông đang chuẩn bị trượt ra khỏi ghế đáp xuống đất thì vội giật mình nắm lấy tay Vinh kéo cậu lại, mà người cậu thì to gần gấp rưỡi người anh làm anh phải dùng gần hết sức bình sinh để giữ cậu còn ngồi trên ghế. Cuối cùng thì người già cũng không thắng được người liều, anh đành chịu xuống nước trước để xoa dịu con mèo đang dỗi kia.

Vinh đang trên đà dỗi hăng, chuẩn bị lăn đùng ra sàn ăn vạ tới nơi thì bỗng có làn hơi âm ấm mềm mềm bao lấy làm cậu hơi sững người. Cảm giác là lạ mà thich thích khó tả vô cùng đột ngột làm Vinh không kịp thích ứng, tai mèo cũng hơi ửng lên.

Vinh thấy tay anh Khôi mềm, dù chỉ là cái nắm qua cổ tay thôi nhưng cũng đủ để cậu cảm nhận rõ.

Vinh thấy tay anh Khôi ấm, dù bình thường anh cũng hay xoa đầu cậu nhưng cảm giác ấm áp trực tiếp, nơi tay đang được nắm chắc này vẫn không khỏi khiến lòng cậu chộn rộn khó tả.

Và không ổn, hình như Vinh cũng thấy mặt mình bắt đầu nóng lên rồi.

Anh Khôi thấy mặt cậu đỏ thì tưởng cậu bị sốt, hay tay vội ôm lấy hai má Vinh xoa xoa để kiểm tra nhiệt độ, làm cậu có cảm giác bản thân bị đông cứng như con tướng bị dính bola Băng Hàn.

Nhưng mà cảm giác bị đông cứng này lại không khiến Vinh khó chịu như khi đang giao tranh mà lại bị trúng chiêu, trái lại, trong lòng cậu còn có cảm giác thich thích khó hiểu.

Và không biết sau đấy họ loay hoay thế nào (hay là cứ ngồi yên như thế), một người không rời, một người không đẩy, mắt mèo cũng đã chạm thấy mắt lạc đà.

Thoáng chốc, trong đầu Vinh bỗng tự hỏi khi Xuân Quỳnh viết hai câu thơ "Sóng bắt đầu từ gió. / Gió bắt đầu từ đâu." bà có đang nhìn vào đôi mắt của "người ấy" không. Vì trong khoảnh khắc mắt cậu bắt gặp mắt anh, cậu thấy như trong đôi mắt kia như chứa đựng hàng ngàn, hàng vạn con sóng xanh, dưới ánh đèn vàng như mời gọi những gợn li ti trong cậu hòa vào. Hai đợt sóng gặp nhau, tưởng như đã sục sôi mà vồ lấy, vì hàng mi cậu bỡ ngỡ khẽ rung, càng như đang có lực kéo mi anh vô thức muốn chạm vào, vì gợn biếc trong mắt anh đẹp hơn tất thảy những kí ức về đại dương bao la trong cậu, như có sức muốn hút cậu vào trong.

Ngay trong giây tưởng như hai đôi mi đã khép, hai con sóng đã hòa lấy nhau, thì có một con sóng đã bừng tình trước. Dù sao thì anh Khôi cũng vốn đã là người lớn, nên suy cho cùng phần lý trí trong anh vẫn đủ chững chạc để hiểu và biết hậu quả của điều sắp xảy ra. Và sự "lý trí" không biết khôn hay dại đó khiến anh choàng tỉnh, rồi vội đẩy Vinh ra làm cậu ngã hẳn khỏi ghế, mông đập cái bịch xuống sàn làm cậu la oai oái.

"Ừ-ừ... giảm hai bài thì giảm hai bài. Anh thấy Vinh có vẻ sốt rồi đấy, đi về nhà cẩn thận rồi bảo bác gái mua thuốc cho nhé." Khôi lúng túng quay đi để giấu hai gò má nóng hổi.

Vinh lần này bị đau cũng biết ý mà không ăn vạ nữa, tay phủi phủi quần rồi đứng dậy, không biết lấy dũng khí từ đâu ra mà hùng hồn tiến tới kéo bàn tay đang gãi gãi má vì lúng túng của anh xuống, miết nhẹ.

"Anh Khôi, Vinh sắp thi học kỳ rồi, anh tăng thời lượng buổi học lên được không?" Vinh đứng đối diện, ánh mắt kiên định chờ câu trả lời từ anh. Ánh mắt đó đủ mạnh mẽ để Khôi chợt thoáng giật mình, và rồi muộn màng nhận ra rằng đứa nhóc trẻ con suốt ngày mè nheo anh như một chú mèo cam nghịch ngợm, giờ đã trưởng thành từ lúc nào không hay.

Vinh đã cao hơn ngày trước nhiều, khuôn mặt dù mới qua nửa năm nhưng đã chững chạc hơn so với cái hôm cậu ngã cái uỳnh trước cửa hiệu sách, người cũng đã có da có thịt hơn...

Duy chỉ có cái giọng gọi "anh Khôi" là vẫn vậy, vừa trầm trầm, âm ấm, lại nũng nịu như trẻ con đòi kẹo.

Cái này người ta gọi là trổ mã nhỉ? Khôi đoán thế, tuy rằng khi anh trổ mã cũng chẳng khác trước đây là bao.

Và trưởng thành nhất là Vinh vừa chủ động đề nghị tăng số giờ học thêm toán, không cần ép buộc luôn đấy. Dù không biết là có động cơ nào đằng sau tiếp sức, nhưng điều đó cũng đã đủ làm anh xúc động muốn rớt nước mắt, xúc động tới nỗi khiến anh quên luôn cả tình huống ngượng ngùng ban nãy mà tay anh mảnh liền nắm lấy tay cậu chắc.

"Ừ ừ, hai anh em mình cố gắng, Vinh thi tốt anh thưởng cho."

Nghe thấy thưởng là Vinh cười toe, hai anh em thành giao đâu đấy xong xuôi, cậu liền hí hửng cất sách cất vở tạm biệt anh Khôi rồi đạp xe trở về nhà như một người hùng. Sau hôm đó là chuỗi những ngày tháng học hành cày đề chăm chỉ một cách đột biến của Trịnh Chí Vinh, khiến cho từ thầy cô đến bạn bè đều ngạc nhiên vì sự "đột biến gen" này.

Đương nhiên rồi, người ta chăm tới nỗi quán net thân quen cũng đã bị Vinh gạch khỏi danh sách địa điểm yêu thích từ lâu, chăm tới nỗi bây giờ tối nào (riêng cuối tuần thì là cả ngày) cũng thấy cậu ngồi học kèm với anh Khôi đến tối muộn làm anh xót ghê tơi, chăm tới nỗi mẹ cậu còn sợ con mình bị làm sao đòi đưa cậu đi viện khám mà.

Trời cũng không phụ người có lòng, hôm nhận được bài kiểm tra cuối kì với điểm 9,5 đỏ chói trên lề, Vinh vội vội vàng vàng đem bài kiểm tra đạp cái vèo đến hiệu sách, định bụng sẽ khoe anh Khôi rồi đòi anh thưởng cho một chầu kem to gấp đôi lần trước.

Nhưng chào đón Vinh lại là một hình ảnh không được vui cho lắm, khi vừa bước vào hiệu sách, cậu đã thấy anh Khôi đang nằm ôm bụng quằn quại trên ghế sofa, thành công dọa cho Vinh hú hết hồn mèo.

Cậu vội vứt cặp sách qua một bên, chạy tới bên cạnh anh xem xét tình hình.

Hay rồi, vừa nhìn là Vinh đã biết có người lại lười ăn bỏ bữa nên đau dạ dày rồi đây.

"Anh lại bỏ bữa hả?"

Đáp lại câu hỏi của Vinh chỉ là cái gật đầu nhẹ đầy yếu ớt của Khôi. Cậu nhíu mày, vội xoa xoa tay rồi áp lên vùng bụng anh ủ ấm làm dịu tạm cơn đau, ý ới hỏi anh cần gì, muốn ăn gì, uống gì không.

Vinh là Vinh cũng muốn mắng anh lắm đấy nhé, nhưng mà nhìn anh đau thế thì lại xót không chịu được.

Thế là sau đấy Vinh lại xách em cá vàng lên phi đi mua thuốc với cháo bằng số tiền tiêu vặt vừa được mẹ tăng lên nhờ học hành tiến bộ của mình. Cậu đạp nhanh tới nỗi hai cái pedan suýt nữa thì văng ra ngoài, mau mau lẹ lẹ chỉ sợ anh chờ càng lâu thì càng đau thêm.

Vừa về tới nơi, Vinh đã bắt anh phải ăn hết cốc cháo để uống thuốc. Nhưng anh Khôi bình thường trưởng thành nền tính bao nhiêu thì anh Khôi lúc ốm lại mè nheo bấy nhiêu, anh ăn được nửa cốc cháo rồi đòi bỏ mứa, làm cậu dỗ muốn khô nước miếng để dụ anh ăn.

"Anh ăn đi mà, ăn rồi mới uống thuốc mới khỏe được chứuu!"

"Nhưng mà anh no thật rồi mà, anh không ăn được nữa đâu."

Ngay thẳng không được, này là anh Khôi ép Vinh phải dùng khổ nhục kế đấy nhé.

"Anh ăn đi, nửa số tiền tiêu vặt của em mà anh nỡ bỏ phí gần cả cốc vậy hả?" Vinh không biết lấy đâu ra nước mắt mà hai mắt đã ươn ướt nhanh như đúng rồi, phóng đại tình tiết lên làm Khôi thấy tội lỗi khủng khiếp. Và thế là dù cho bản thân đã siêu ngán cái vị cháo dinh dưỡng này, nhưng Khôi vẫn phải cố ăn cho bằng sạch để không làm cho con mèo nào đó tổn thương.

"Anh xin lỗi, Vinh đừng nhìn anh như thế." Khôi sau khi ăn hết được thì thấy khuôn mặt vừa giận vừa xót của Vinh, mắt đăm chiêu đang nhìn chằm chằm mình.

"Anh cứ bỏ bữa thôi ấy!" Vinh bĩu môi lườm nhẹ anh, trông yêu phết.

"Tại anh ăn không thấy ngon mà." Khôi phì cười xoa xoa đầu Vinh.

Cậu vẫn tiếp tục lườm yêu anh, sau đó dúi vào tay anh nắm thuốc.

"Anh uống thuốc đi, uống đi mới khỏe được."

"Nhưng mà anh không thích uống thuốc đâu, ăn cháo là anh khỏe rồi mà."

Nữa rồi đó, lại mè nheo nữa rồi. Người ta đã chăm cỡ đó rồi, phải bình thường là Vinh dỗi lâu lắm rồi đấy nhé.

Nhưng mà hôm nay không phải ngày bình thường, hôm nay là ngày anh Khôi bị ốm, sao mà Vinh lại dỗi anh được.

"Hay để em nhảy cổ vũ anh nhé?"

Lời đề nghị của Vinh làm Khôi đơ ra mất mấy giây, nhảy cổ vũ là sao nữa đây? Không để anh phải đợi lâu, Vinh lôi cái đài cũ cũ trong hiệu sách ra, bật bài "Con cò bé bé" lên nhảy theo điệu nhạc.

'Con cò bé bé

Nó đậu cành tre

Đi không hỏi mẹ

Biết đi đường nào...'

Được rồi, Khôi chính thức chịu thua, hình ảnh cậu trai cao lêu nghêu như cái xào nhảy cứng đơ như con bọ ngựa này làm Khôi muốn ngang tiếp cũng không nổi. Người già đành chịu thua người nhây trong cuộc chiến mà uống hết số thuốc cậu đã tỉ mỉ bóc ra sẵn cho anh.

"Hì, vậy mới ngoan chứ." Vinh cười toe khi thấy anh đã uống hết thuốc, trong lòng cảm thấy tự hào khôn tả.

"À, mà sao hôm nay Vinh sang đây sớm vậy? Bình thường giờ này đã đến giờ học đâu?" Khôi chớp chớp mắt, tay như mọi khi ra rót 2 chén nước vối.

Câu hỏi của anh Khôi làm Vinh sực nhớ ra mục đích chính mà mình đến đây để làm gì. Cậu liền hí hửng buông chén nước xuống, chạy tới chỗ cặp sách bị mình quăng qua một góc phòng khi nãy rồi lôi ra bài kiểm tra với số 9,5 đỏ chói đầy tự hào rồi chạy ra chỗ anh khoe.

"Anh thấy Vinh giỏi chưa?"

Anh Khôi mân mê bài kiểm tra của Vinh trên tay, miệng cười toe.

"Giỏi, giỏi chứ, Vinh của anh là giỏi nhất. Vinh muốn gì nào, anh thưởng cho?" Anh phấn khích xoa xoa đầu Vinh.

Tiếp xúc tuy thân quen nhưng lại đột ngột cùng tiếng gọi "Vinh của anh" làm tim cậu rộn ràng hết lên như nổ pháo hoa đón xuân. Vinh chớp chớp mắt, tay vươn lên chạm khẽ vào bàn tay đang xoa tóc mình, dường như trong hàng ngàn xa số các phần quà, cậu đã chọn ra được cho mình phần quà tuyệt vời nhất.

"Hình như em biết em thích được thưởng gì rồi. Nhưng mà...anh có đồng ý không?" Vinh tiến sát lại, thu hẹp khoảng cách giữa mình và anh. Trong một giây, cậu thấy tim mình như ngừng đập.

Khôi chợt sững người trước hành động có phần bạo gan của người trẻ tuổi hơn, cũng lờ mờ đoán ra ý vị trong câu hỏi như mờ như tỏ của Vinh. Nhưng dường như lần này anh cũng không có ý định tránh né, hay muốn trốn chạy như anh vẫn luôn cho rằng bản thân phải thế. Chỉ một lần này thôi, khát khao đủ để Khôi lấy hết dũng cảm, đủ để kiên định nhìn vào mắt người nhỏ tuổi hơn mà gật đầu.

Hai con sóng lại một lần nữa bắt gặp nhau, vẫn là sức hút đó, vẫn là màu biếc đó, nhưng lần này đã không còn có sự do dự hay rụt rè, chúng đã thật sự tìm được nhau, và nhẹ nhàng hòa lấy làm một như thể đó là chuyện đương nhiên phải thế.

Hà Nội khi đó cũng vừa kịp đón đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên. May mắn rằng, cả Vinh và Khôi đều đã tìm được cách của riêng hai người để vượt qua cơn gió lạnh đầu mùa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top