Chap 5
Khánh vốn là người kín tiếng nên những chuyện đời tư của hắn không mấy ai biết được. Đặc biệt là ở công ty, hắn cũng chưa bao giờ để cho bất cứ một chuyện không hay gì ảnh hưởng đến tác phong làm việc thường ngày của mình. Nhưng nguyên tắc sống này hình như đã bị phá vỡ kể từ sau khi vợ hắn tìm đến công ty để gây sự. Dù có là người quyền thế đến đâu đi chăng nữa nhưng khi đã bị kéo một chân xuống hố cũng khó có thể trụ lại được, huống chi là hắn, một kẻ chuyên sống trong sợ hãi vì có thể bị đạp xuống bất cứ lúc nào. Mấy hôm nay hắn ít xuất hiện trong xưởng hơn, có khi cả ngày chỉ giam mình trong phòng làm việc. Nếu nói điều duy nhất có thể giúp hắn cảm thấy nhẹ nhõm vào thời điểm này thì đó chính là dáng vẻ cần mẫn của chị Thắm, chị là một người phụ nữ rất khác so với những người phụ nữ mà hắn đã từng tiếp xúc. Chị không quá đẹp, không sang trọng và quyến rũ trong những bộ đồ bó sát, cũng không tỏ ra sắc sảo như những người phụ nữ có học thức cao, tất cả những gì hắn thấy ở chị chỉ là một người phụ nữ quê mùa có chút ngờ nghệch. Ấy vậy mà chẳng biết từ khi nào, hắn giật mình nhận ra hình ảnh của chị cứ liên tục quẩn quanh trong tâm trí hắn, mặc dù bên tai thì vẫn luôn văng vẳng lời đe dọa của Thủy.
Còn với Thủy, sau khi nhận ra thái độ của chồng trước người phụ nữ kia có vẻ không bình thường thì càng đứng ngồi không yên. Sau lần trở về từ công ty bữa đó, cô ta đã lên kế hoạch theo dõi chồng một cách sít sao, gần như là nhất cử nhất động của Khánh ở công ty đều sẽ có người báo lại với cô ta không sót một điều gì. Người được Thủy tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt ấy là Thức, hiện là tổ trưởng tổ kỹ thuật và cũng là em họ của cô ta. Khánh đương nhiên cũng lường trước được chuyện này nên hắn cũng tự biết cách ứng phó. Mặt khác, hắn nghĩ bản thân không làm ra tội lỗi gì nên không cần để tâm nhiều quá những chuyện không đâu. Chỉ là, cặp mắt soi mói của Thức dù sao cũng khiến cho hắn cảm thấy khó chịu vì mất tự nhiên. Vậy nên không ít lần hắn bị mất khống chế trước mặt vợ con:
- Tôi không phải là thằng trẻ con nên cô bảo thằng Thức đừng có lúc nào cũng kè kè bên cạnh tôi nữa được không! Suốt ngày phải nhìn cái bản mặt của nó bố thằng nào mà chịu được.
Thủy khinh khỉnh:
- Anh không làm gì thì sao phải sợ? Vả lại, thằng Thức nó cũng là em trai anh, anh làm với nó bao nhiêu năm nay đâu có nghe anh ý kiến gì? Tôi chỉ bảo nó để mắt đến anh một tí chứ có bảo nó ngáng tay ngáng chân anh đâu mà anh phải khó chịu thế?
Khánh nhếch mép:
- Giờ đang yên đang lành tự dưng có người theo chân cô kể cả lúc cô đi tiểu tiện thì liệu cô còn nói thế được không?
- Khiếp quá! Đang giờ ăn cơm anh không thể tế nhị một chút được à?
- Với cô thì không cần đâu.
Khánh nói xong thì buông đũa đứng dậy, bữa tối đối với hắn thực chất giống như một nhiệm vụ bắt buộc hơn chứ thật ra lâu rồi hắn đâu còn cảm nhận được vị ngon của nó. Có lẽ vì đã quá quen với không khí trong nhà nên thằng Hoàng cũng chỉ mau chóng ăn cho xong phần của mình rồi chạy vù lên phòng chơi điện tử. Sẵn buồn bực trong người, Thủy liền đổi chủ đề để giải tỏa:
- Cô giáo chủ nhiệm lớp thằng Hoàng sáng nay gọi điện cho tôi phàn nàn về việc học hành của nó ở lớp, anh liệu mà bảo nó đi, bố mà biết nó sa sút thế nào bố cũng rầy cho.
Khánh vừa đi được mấy bước, nghe vợ trách móc thì quay ngoắt lại, cau có:
- Sao cô không tự đi mà bảo nó? Việc gì cũng đến tay tôi là sao?
- Nhưng anh là bố nó đấy.
- Vậy cô là gì của nó? Tôi thật không hiểu nổi cô nữa, ở nhà có mỗi cái việc lo ăn lo học cho con mà cô cũng làm không xong là thế nào nhỉ?
Cảm thấy tự ái, Thủy giãy nảy:
- Anh tưởng nuôi dạy con cái là trách nhiệm của một mình tôi thôi hay sao? Anh suốt ngày vịn cớ công việc đâu có đoái hoài gì đến chúng nó.
Khánh chán nán xua tay:
- Thôi thôi tôi không muốn đôi co với cô nữa, cô muốn thế nào thì tùy cô, tôi mệt mỏi lắm rồi.
Dứt lời Khánh bỏ một mạch về phòng. Lúc ngang qua phòng của hai cậu con trai, trông thấy chúng đang dán mắt vào chiếc máy tính, lại nhớ tới lời của vợ, hắn quát:
- Anh em chúng mày có học không thì bảo? Suốt ngày cắm mặt vào cái máy tính ấy rồi có ngày một chữ bẻ đôi không biết. Hay là chúng mày thấy tao còn chưa đủ mất mặt hả?
Bình thường Khánh tuy giận dỗi vợ nhưng ít khi nào to tiếng với con cái, chả vậy mà mỗi lúc hắn gầm gừ giận dữ thế này là thằng Hoàng hoảng tới suýt tè cả ra quần. Nó run rẩy thưa:
- Con chỉ xem một tí thôi mà.
- Mày học đâu cái thói trả treo thế hả? Hay là mày lại thích ăn đòn?
Khánh nhìn ngang liếc dọc kiểu như đang tìm một chiếc roi, dáng vẻ gấp rút ấy khiến thằng Hoàng quýnh quíu hết cả lên. Nó vội vã lục ngăn bàn tìm sách vở mà chẳng dám hé răng nói thêm nửa lời. Không khí căng thẳng ban nãy có chút lắng xuống khi từ trên lầu, Khánh thấy Thủy rảo bước ra ngoài, hình như cô ta sắp sửa đi đâu đó. Như vậy cũng tốt, ít nhất hắn sẽ được yên ổn trong khoảng thời gian cô ta không có ở nhà. Những cuộc nói chuyện giữa vợ chồng hắn thường chẳng khi nào có một kết thúc tốt đẹp. Buổi sáng, trước khi phải chạm mặt vợ mình ở một ngóc ngách nào đó trong ngôi nhà, Khánh chọn cách rời đi lúc vừa hửng sáng cùng với cái dạ dày trống rỗng, vì hắn không muốn phải mất thời gian tranh cãi với một kiểu phụ nữ không nói lý lẽ. Chỉ tội cho hắn vì đêm qua đã uống khá nhiều rượu, vậy nên mới vừa đặt chân vào phòng làm việc đã như người mơ ngủ. Thú thật là từ khi tiếp quản chiếc ghế giám đốc này, đây mới là lần đầu tiên hắn cảm thấy không có động lực để làm việc nhất. Loay hoay một hồi lâu, Khánh quyết định ra ngoài, thẳng tiến đến khu xưởng may, nơi tiếng máy móc dường như không lúc nào ngơi nghỉ. Một nơi tất bật là vậy thế mà lại có thể vỗ về tâm tư đang rất hỗn loạn của hắn.
Chị Thắm vì mải miết làm việc nên không biết có một cặp mắt đang phóng xuống nhìn mình từ tít trên đầu xưởng. Nhưng giả dụ có thấy chắc chị cũng chẳng có tâm trạng nào để mà suy xét. Chị để điện thoại ở ngay tầm mắt, cứ xong một đường may là chị lại nhìn vào đó, có vẻ sốt ruột dữ lắm. Chuyện là thằng Thanh đánh nhau với bạn đến sứt đầu mẻ trán ở lớp học, sáng nay lúc nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm lớp, tim chị tưởng như muốn rớt ra ngoài. Cũng may có cậu Lưu thay mặt chị đến trường để giải quyết vụ việc, nếu không chị cũng không biết phải thu xếp công việc thế nào cho ổn thỏa nữa. Nhưng chị vẫn thấp thỏm vì không biết tình hình ở chỗ cậu Lưu thế nào? Chị có gọi nhưng máy cậu bận suốt.
Cậu Lưu mang bộ mặt khó đăm đăm kéo theo thằng cháu hư đốn ra một góc hành lang để hỏi chuyện, nhưng dù cho cậu có ép uổng thế nào thì thằng Thanh vẫn kiên quyết không chịu nói ra nguyên do vì sao nó nhau với bạn, không những vậy, nó còn muốn bỏ học.
- Cậu nói cho cháu biết, mẹ cháu đang phải vất vả từng ngày và kiếm từng đồng để cho cháu ăn học đàng hoàng có biết không? Cháu không học giỏi cũng được, nhưng ít nhất cũng phải là một đứa ngoan ngoãn để mẹ cháu yên tâm về cháu chứ. Đằng này cháu vô duyên vô cớ đánh bạn, cháu có nghĩ gì đến mẹ cháu không?
Thằng Thanh từ đầu chí cuối chỉ cúi gằm mặt, không xin lỗi cũng không nhắc một lời về chuyện đánh nhau với bạn. Đúng lúc tiếng trống báo vào tiết vang lên, cả đám học sinh kéo nhau vào lớp học, nó mới chịu nói với cậu, nhưng là nói cậu về đi, nó hứa từ nay sẽ không để chuyện tương tự xảy ra lần nữa. Cậu Lưu thoáng sững sờ khi nhận ra vẻ ủ rũ của Thanh, nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của nó, cậu chán chường bảo:
- Con trai gì mà động tí là khóc? Đau lắm à?
Thanh đột nhiên nấc lên một tiếng khiến cậu Lưu giật mình, nghĩ nó đau vì cái trán đang sưng lên một cục nên cậu hạ giọng an ủi:
- Thôi, nín đi! Cậu có trách có chửi thì cũng là do cậu muốn tốt cho mày thôi. Bạn bè ham vui có va chạm thì liệu bảo ban nhau là được chứ đâu cần phải dùng đến nắm đấm để giải quyết. Mình là đàn ông với nhau cơ mà.
Dù đã khuyên nhủ một cách hết sức nhẹ nhàng nhưng sự im lặng thái quá của Thanh vẫn là một nỗi băn khoăn với cậu Lưu. Cậu còn muốn nói nhiều hơn những điều vừa nói, tiếc là cái bóng dáng lẻ loi của thằng bé lúc quay người bước vào lớp đã chặn đứng mọi lời nói tiếp sau đó của cậu. Tối, cậu đem chuyện kể lại với chị Thắm, câu chuyện vốn dĩ không có thương tâm nhưng sau khi kể hết một lần từ đầu đến cuối, cậu rốt cuộc vẫn chẳng hiểu sao chị cũng lại khóc, giống hệt như con trai chị lúc sáng, chỉ khác là nước mắt của thằng bé không giàn ra ngoài như của chị. Sau khi trấn tĩnh lại, chị lau nước mắt, khẽ nói với cậu:
- Chị đã mua cho thằng bé một chiếc xe đạp mini hồi nó lên ba tuổi. Chị nhớ những ngày đầu tiên lúc mới tập đi, nó ngã vô số lần, lần nào da cũng bị trầy xước hết cả, nhưng chị chẳng bao giờ trông thấy nó khóc cả. Không có người mẹ nào lại mong muốn tổn thương xảy đến với con mình, nhưng chị thà được nhìn thấy những tổn thương ngoài da của thằng bé hơn là bất cứ những tổn thương nào khác mà chị không thể chạm tới được.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top