Chờ Ai (one shot)
Cứ mỗi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, những đám mây trở nên tối dần rồi rời rạc, cũng là lúc mặt trời đang tàn nhẫn thiêu đốt một vùng trời, một khoảng không yên tĩnh cũng bị cháy rụi đến bi thương. Một cảm giác cô độc và sợ hãi bao trùm lên cảm xúc và tâm trí con người, nó âm ỉ, u buồn và đau đớn. Vào thời khắc ấy của ngày, cha tôi cứ như một thói quen sẽ lại ngồi dưới hiên nhà, ông đưa đôi mắt đen đã mờ nhạt theo năm tháng mà nhìn vào một hướng xa xăm, vô định.
" Khi nào má bây về!"
Thi thoảng ông sẽ mơ mơ hồ hồ quay sang nhìn tôi rồi bất giác mà hỏi tôi câu vớ vẩn ấy. Nó đã lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức chỉ cần ông quay sang nhìn tôi thì tôi sẽ liền trả lời mà không chút suy nghĩ:
" Không về nữa!"
Tôi lạnh lùng, tàn nhẫn và vô cảm trước sự ngớ ngẩn và điên rồ của ông. Cũng phải thôi, bởi câu hỏi ấy cứ như con dao đâm thẳng vào tim tôi, khiến linh hồn tôi như bị ông giết chết. Cái thứ cảm xúc ghét hận và thương xót trong tôi vậy mà đã bị trộn lẫn vào nhau, khiến tôi vừa giận lại vừa thương người đàn ông này.
" Sao lại không về? Má bây chắc lại trốn đi chơi chứ gì? Tao nói nhá, chờ bả về tao sẽ đánh cho một trận ra hồn, tao đuổi bả đi luôn!"
" Má chết rồi!"
" Sao? Bây nói sao? Chết? Không thể nào, mới sáng nay tao mới vừa chửi bả xong mà!"
" Má mất lâu rồi, mất được 3 năm rồi! Cũng chính cha là do cha mà má chết đó, cha vừa lòng chưa? Hồi má còn sống, cha có thương yêu gì má đâu, bây giờ cha tỏ ra thương nhớ như thế để cho ai xem hả cha?"
Cha nghe thấy thì liền giật mình. Ông đưa đôi mắt đỏ hoe, thâm quầng và mệt mỏi mà nhìn tôi. Trông đôi mắt bi thương đến tột độ, nó nhường như muốn nói nhiều điều nhưng cuối cùng cha chỉ nghẹn ngào trả lời tôi một câu:
" Tao...cũng thương má mày mà."
Câu nói vừa dứt, tôi ngậm ngùi nhìn vào đôi mắt đang đượm buồn, sâu thẳm của cha mà lòng có chút hối hận khi vừa buông ra lời cay nghiệt kia. Phải, cha tôi cũng rất thương mẹ, chỉ là ông không biết cách yêu cho đúng, yêu để cả hai hạnh phúc, và bản thân ông đã tự hình thành sự bảo thủ, gia trưởng trong tấm trí từ khi nào cũng không hay.
Trong đầu tôi bỗng vang lên tiếng ru "à ơi", những câu chuyện tình xưa cũ của má. Vô tình một khoảnh khắc, má tôi bỗng nhiên sống lại trong tâm trí, hình ảnh bà cầm chiếc quạt giấy trên tay, vừa quạt, vừa kể chuyện cho tôi nghe. Chuyện tình chàng Vương và nàng Tô Ngọc thuở nào bỗng ngân lên như một khúc hát của quá khứ, dội từ năm tháng xa xưa đến hiện tại.
Năm ấy ở xóm có một nàng thơ tên Tô Ngọc, đôi mắt đen trong biếc, lấp lánh tựa sao trời. Nó phẳng lặng, buồn bã như mặt hồ vào cuối thu. Làn da nàng trắng hồng mịn màng. Mái tóc nàng bồng bềnh tựa như mây bay trên trời, nó đen óng, mượt mà, xoã dài đến ngang lưng. Nàng Tô Ngọc vừa đẹp lại vừa duyên như cái tên của mình vậy. Nụ cười e thẹn với má lúm đồng tiền, bước chân nhẹ nhàng, thướt tha, ngỡ như mỗi bước chân nàng đi qua sẽ để lại hoa nở trên mặt đất. Đã xinh lại còn công dung ngôn hạnh, từ việc nông đến việc nhà nàng đều làm được, chỉ tiếc là nàng không phải tiểu thư hay con nhà đài các mà chỉ là con nhà nông nghèo.
Bấy giờ trong xóm lại có chàng công tử nhà họ Vương, chàng si mê trước vẻ đẹp của nàng Tô Ngọc, chàng cố gắng tiếp cận, lân la làm quen. Hôm thì hoa, hôm thì bánh, trà tươi, trái cây ngon gì chàng cũng tặng hết nhưng ngặt một nỗi là nàng nào có nhận thứ gì. Nàng lạnh lùng mặc kệ tấm lòng đơn phương một cách tàn nhẫn, đến nỗi sau này khi quen nhau, chàng Vương thi thoảng sẽ ngân nga câu thơ lộn xộn không vần cũng chẳng có chương để ghẹo nàng:
" Hôm thì trà
Hôm thì bánh
Đôi lúc một cành hoa
Một nụ hôn vào má
Như đóa hoa hồng mùa hạ
Kẻ khờ xa lạ, ôm mộng chờ nàng thơ đồng ý
Có đâu ngờ nàng lạnh lùng thờ ơ
Trà không pha
Mà bánh chẳng xơi
Hoa rơi, cành trả
Tả tơi lòng người
Ta đợi cái gật đầu
Sao mà khó quá ta."
Nàng xinh đẹp, tài giỏi, cốt cách cũng hơn người nên trà, bánh, hoa nào có thể khiến nàng rung động. Bao chàng trai khác còn giàu có, đẹp trai hơn chàng cũng làm như thế nhưng nàng có buồn để ý đâu, huống chi là chàng nhà họ Vương này. Bánh trái, hoa thơm, lời yêu nàng không chịu, chành ta lại nghĩ ra cách khác để lấy lòng nàng thơ. Biết nhà nàng hay muối cà mang ra chợ bán, cứ tờ mờ sáng ở ngoài ngõ đã xuất hiện một bóng dáng lấp ló đang đứng vẫy tay chào. Thoạt đầu, nàng Tô Ngọc tưởng đó là cô hồn dạ quỷ nên sợ lắm, nàng chạy vội vào bếp lấy chén muối ra hất thẳng vào mặt người ta, đến khi bình tĩnh lại, nhìn kỹ mới phát hiện là chàng Vương trong xóm, nàng mới thở phào nhẹ nhõm rồi ríu rít xin lỗi. Chàng ta cứ như tên khờ, vừa gãi đầu vừa khua tay, miệng cười hì hì không sao. Tô Ngọc cau mày khó hiểu, bản thân cũng chẳng muốn đứng nói chuyện phí thời gian nên lịch sự cúi đầu chào rồi vội vội vàng vàng mà rời đi, nhưng chân hoa còn chưa bước được nửa bước thì chàng ta đã xông lên trước, giật lấy đòn gánh, có ý muốn phụ nàng gánh ra chợ.
"Để tôi phụ em!"
Nói rồi chàng hí hửng bước đi.
"Thôi, anh Vương đừng làm thế! Tôi tự làm được."
Nàng ban đầu có không đồng ý, cứ chạy vội theo sau đòi lại hàng gánh, nhưng chàng thì bướng cứ giả điếc, lờ đi.
"Hoa thơm, trà bánh chẳng được tình
Nàng chỉ mỉm cười lòng lặng thinh
Tình ta xa xôi mọi bến miền, miên viễn
Ta nhờ hàng gánh gieo tình kết duyên"
Chuyện tình vậy mà chớm nở bởi cái hàng dưa của nàng Tô Ngọc. Mỗi sáng cứ đều đặn, chàng chạy sang nhà nàng phụ gánh hàng ra chợ, đến chiều thì mặt dày chui vào nhà người ta phụ muối cà, lấy cớ mà được cha má nàng mời lại ăn tối.
"Anh Vương nán lại đây chi mà lâu vậy, về đi khéo má lại la."
Từng câu chữ nàng nói ra nhẹ nhàng như suối chảy, ngọt ngào và thanh trong nhưng ai mà chẳng biết là nàng ta đang đuổi khách.
" Cái con bé này, để thằng bé ở lại ăn cơm chớ. Cơm nhà bác không phải cao lương mĩ vị gì, không biết cháu có muốn ở lại dùng bữa không?"
Mẹ nàng vỗ vào tay nàng một cái rồi niềm nở kéo chàng Vương vào mâm cơm. Chàng ta cũng chẳng khách khí, mà cười tủm tỉm theo chân má nàng ngồi vào mâm.
Chàng công tử Vương vậy mà cũng rất kiên trì theo đuổi nàng Tô Ngọc cả một năm trời. Ngày nào cũng mặt dày chạy qua nhà đàng gái, hết gánh dưa, rồi lại phụ nàng làm đồng, ông bà Vương giận đỏ mặt nhưng cũng không thể cản được tính nết con trai. Dần dà nàng cũng động lòng trước cái sự lì lợm ấy, cha mẹ nàng thì nào có gì mà chê bai, họ mừng vui tác thành chuyện tình đôi lứa. Chàng từ đó mà đánh bại bao nhiêu tên trai tráng trong xóm.
Chỉ tiếc là nhà nàng không được "môn đăng hộ đối", ngày chàng xin cha má mình qua nhà nàng hỏi cưới, ông bà họ Vương một mực không đồng ý, trước họ đã nhìn trúng con gái của ông chủ xưởng sản xuất xà phòng trên thành phố nên đương nhiên là không ưng nàng Tô Ngọc. Chàng quỳ xuống cầu xin, thề thốt không cưới ai ngoài Tô Ngọc, tuyệt thực mấy ngày liền, có hôm không chịu nỗi nữa mà đổ bệnh nặng. Cha má dù có muốn hay không muốn cũng đành chiều lòng con, họ mang trầu cau đến dạm ngõ nhưng nào có được vui vẻ mấy.
Hôm rước dâu trời mưa như trút nước, cả một bầu trời cứ âm u buồn bã. Cả gốc nhà cứ vắng vẻ hiu quạnh, mấy ngày trước khi đám cưới, cha đã cắt hết mấy chùm cau trong nhà để đãi khách nhưng cũng chẳng ai đến. Lễ cưới cũng chẳng mấy linh đình, lác đác chỉ ba bốn mâm cỗ cưới, người đến cũng chỉ là một vài họ hàng thân thiết. Nàng Tô Ngọc ngồi thơ thẩn trong phòng chờ nhà trai đến, cha nàng thi thoảng lại đi ra cửa ngó xem đã có ai đến chưa mà lòng cứ rạo rực và bồn chồn, bởi theo quan niệm thì cũng đã sắp qua giờ lành rước dâu.
Nhà trai qua hỏi cưới cũng chẳng đi được bao người, sính lễ cũng không được bao nhiêu, cha má chồng cũng chẳng ai vui vẻ, cứ mở miệng ra thì lại nói đến quy tắc gia phong, rồi gì mà sang nghèo, quê mùa. Từng câu chữ thấm thía, nhắm thẳng vào gia đình nàng. Cha nàng muốn con gái được vui vẻ mà gả đi nên chỉ đành nén lại cục tức trong lòng mà miễn cưỡng nặn ra một nụ cười méo mó.
Đoá hoa Mẫu Đơn xuân sắc cứ thế mà tự rụng xuống trao tay người đời, nàng Tô Ngọc làm vợ nhà Vương, hàng tá quy tắc vô lí được đặt ra, nào là không được về thăm cha má, ăn cơm phải ngồi ở sau bếp không được ngồi chung mâm với gia đình. Bao của hồi môn mà cha má nàng gom góp dúi vào tay cho nàng vào ngày đám cưới, má chồng cũng rút sạch. Nàng tức, nàng uất, nói chồng đôi lời cũng chẳng được điều chi, ngược lại còn bị má chồng giáo huấn một trận. Chàng Vương thương vợ đẹp, cũng không muốn nàng chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu nên có nhiều lần xin ra ở riêng, nhưng hễ nói đến thì ông bà Vương cứ đòi sống chết, lôi nàng ra đánh cho một trận vì nghĩ nàng bép xép. Cuộc đời nàng vậy mà lại như trái bần trôi, bị cuộc hôn nhân vùi dập đến tơi tả, bao nhiêu son sắc ngày nào cũng dần phai nhòa theo thời gian.
Sau này, cũng giống bao người phụ nữ kết hôn khác, nàng mang thai rồi sinh con. Chàng Vương vui mừng ghê lắm, hớn hở xoa xoa cái bụng to, thi thoảng làm thơ, ngân nga mấy câu hát bên cạnh vợ, sung sướng nói:
"Mình ơi, tôi nghĩ ra một cái tên rất hay cho con rồi! Là Vương Minh Quân!"
"Ơ! Sao lại là tên con trai thế?"
" Tôi chắc chắn đây sẽ là một đứa con trai!"
" Thế nhỡ đâu là con gái thì sao?"
" Nhất định phải là con trai! Còn nếu là con gái thì lấy Minh Quân luôn đi, nghe cho mạnh mẽ!"
" Ơ! Mình nói thế thì nghe sao đặng!"
" Tôi nói rồi, phải là con trai cơ!"
Chàng Vương có chút khó chịu, một mực muốn đứa bé trong bụng nàng phải là con trai.
Cuộc đời nàng Tô Ngọc chính là một khúc Nam Ai, đẹp lắm nhưng cũng đau và khổ lắm. Ngày chuyển dạ sinh con, đứa bé trong bụng vậy mà dám chống lại mọi kỳ vọng của gia đình, chào đời lại chính là một bé gái. Nàng vì quá yếu nên sau này cũng không thể sinh thêm. Ngày đứa trẻ chào đời, cũng là ngày công việc đồng áng của cha nó gặp vấn đề, kinh tế thiếu hụt trầm trọng gần như là phá sản, gia đình phải bán đi hết ruộng đất để trả nợ cho cha nó. Áp lực kinh tế, lại còn áp lực việc con trai nối dõi, cha nó sinh ra bực tức trong lòng, bao nhiêu cái xui xẻo đều đổ hết lên đầu nó, thậm chí còn chả thèm nhìn mặt nó một lần, ông bà cũng ghét bỏ nó, mẹ nó thì bị ghẻ lạnh.
Chỉ là cha nó thương má nó là thật, mỗi tối khi vợ ngủ vẫn lén bế con, thi thoảng có lèm bèm trong bụng mấy lời, tên con gái cũng miễn cưỡng đặt thành Ngọc Quân. Nàng sinh xong vẫn còn yếu, do sinh con gái nên cũng không được cha má chồng bồi bổ, gia cảnh cũng đang khó khăn nên không có gì để ăn nhưng đêm đến chàng Vương lại âm thầm lục trong bếp mấy miếng thịt heo mà mẹ giấu đi để nấu canh cho vợ. Rõ là bản thân đích thân nấu một cách tỉ mỉ và cẩn thận nhưng mỗi lần đưa vợ, miệng lại cay nghiệt nói:
" Này, ăn đi, ba cái đồ thừa này là
dành riêng cho cô đấy. Ăn đi để còn có sữa cho con quỷ nhỏ này uống. Khóc lóc suốt, đau hết cả đầu!"
Vợ bị sốt, cũng đích thân chàng thức thâu đêm chườm khăn. Đôi lần lại cãi vã với cha má về việc bỏ vợ cưới người khác để sinh thêm con trai. Chành đời này kiếp này chỉ lấy một người làm vợ là nàng Tô Ngọc. Rõ ràng là rất thương nhưng lại không muốn tỏ lòng, ngoài mặt sao cứ lạnh lùng tàn nhẫn, buông lời chua cay, chàng Vương của nàng Tô Ngọc vậy mà lại cất đi thứ tình cảm của mình đối với nàng, càng lúc càng trở nên cay nghiệt nhưng trong tâm thì lại chua xót cho đóa hoa đang dần lụi tàn trong tay mình, bỏ nàng thì nàng mang tiếng, đứa con khổ cực, giữ nàng thì có khác gì ép nàng chịu khổ cùng mình, ép nàng phải chịu đựng cái sự giày vò của cái gia đình này. Tất cả cứ dồn nén, khiến chàng tự trách bản thân, tự dằn vặt tâm trí đến mức điên loạn, chàng trở nên khó chịu, cộc cằn, muốn trút giận lên tức cả, muốn trút giận lên người con gái mình yêu, trong những cơn say triền miên, sau những câu từ chửi rủa nặng nề lại là câu hỏi vô nghĩa:
"
Em cưới tôi làm gì? Em ở bên tôi làm gì? Sao em không ẵm con chạy đi? Sao phải ở bên thằng tồi như tôi? Sao lại phải chịu đựng tôi? Sao em không đánh trả? Tại sao?....Tôi cưới em làm gì? Tôi đang làm gì vậy chứ?"
Đứa con gái chứng kiến hết tất cả. Nó uất hận cho mẹ, nó thật sự không tài nào hiểu nổi người cha của nó là bị gì? Cũng không hiểu sao mẹ không bỏ oách cha nó đi? Tại sao cái gia đình này lại giày vò nhau bằng thứ tình yêu kỳ quặc như thế? Nhưng sau này, khi mẹ nó mất rồi, nó cũng đã lớn, bản thân lúc này mới nhận ra cái tình yêu này của cha mẹ nó là thứ tình yêu nợ nần từ bao kiếp, là thứ tình yêu giam giữ, trói buộc không lỗi thoát, là thứ tình yêu sai thời gian.
" Ê! Quân! Má mày, má mày về rồi! Nàng Tô Ngọc của tao về rồi! Về rồi!"
Tiếng hét vang lên đầy vui sướng, kéo tâm hồn đang lơ lẫn của tôi về thực tại, tiếng kể của mẹ bỗng nhiên biến mất, hồi ức thuở nào cũng vụn vỡ. Cha tôi nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, bàn tay chỉ về một khoảng không vô tận. Tôi cũng theo phản xạ mà đứng dậy, nhìn theo hướng tay của cha, lòng hồi hộp mong đợi, phải rồi, tôi cũng giống cha, cũng đang chờ má về.
" Ai dưa chua không? Dưa chua nhà làm đây!"
Chỉ là tiếng rao của một bà bán dưa chua trong xóm thôi. Tôi lại hụt hẫng đau lòng. Chợt nhớ ra, má không về nữa.
" Kêu má bây lại đi! Thôi khỏi, để tao chạy ra phụ má bây gánh hàng vào, trời cũng sắp mưa rồi!"
Ông đứng dậy chạy ra, nhưng lại bị tôi kéo lại.
" Không phải má!"
" Ờ nhỉ! Tạo quên, má mày đẹp lắm, không phải người này!"
Rồi cha lại ngồi xuống dưới hiên nhà, thẫn thờ chờ đợi nàng Tô Ngọc của mình về.
Tôi cũng ngoan ngoãn ngồi cạnh bên cha, giống như một đứa trẻ đang chờ má cùng cha mình, một hai phút tôi lại quay sang cha mà hỏi:
" Khi nào má về cha nhỉ?"
" Sắp rồi!"
Mưa bắt đầu rơi xuống, ban đầu chỉ nhẹ nhàng lất phất như một cuộc dạo chơi thoáng qua của những giọt mưa nhưng rồi lại vội vàng, mạnh mẽ bôi trắng một bầu trời, tiếng gió cũng bắt đầu gào thét, nức nở từng cơn. Trong khung cảnh hỗn loạn đó, một hình ảnh quen thuộc, bình yên mờ mờ xuất hiện.
"Nàng Tô Ngọc về rồi!"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top