Phiên ngoại 6: Đài sen- Vân Thâm
Phiên ngoại 6: Đài sen
Editor: Summer, Qingg
Beta: Thanh Du
--------
Vân Thâm Bất Tri Xứ.
Bên ngoài núi sâu, nắng tháng sáu chói chang gay gắt. Bên trong núi sâu, lại là một thế giới tĩnh lặng, trời đất mát lành.
Ngoài lan thất, hai bóng áo trắng đứng thẳng tắp trên hành lang. Một cơn gió thổi qua, y phục bay phơ phất, mà thân người thì vẫn vững vàng.
Lam Hi Thần và Lam Vong Cơ, đang đứng rất nghiêm chỉnh.
Đứng trồng cây chuối.
Hai người đều lặng thinh không nói, tựa như đã tiến vào trạng thái nhập định. Suối chảy róc rách, chim hót cánh vỗ là âm thanh duy nhất ở nơi này, trái lại còn làm nổi bật thêm sự yên tĩnh xung quanh.
Một lúc sau, Lam Vong Cơ bỗng gọi: "Huynh trưởng."
Lam Hi Thần chậm rãi thoát khỏi trạng thái nhập định, mắt nhìn thẳng, hỏi: "Sao thế?"
Trầm mặc giây lát, Lam Vong Cơ hỏi lại: "Huynh đã đi hái đài sen bao giờ chưa?"
Lam Hi Thần nghiêng đầu, đáp: "...... Chưa."
Đệ tử Cô Tô Lam thị nếu muốn ăn đài sen, hiển nhiên không cần phải đích thân đi hái.
Lam Vong Cơ gật đầu, hỏi: "Huynh trưởng, huynh biết không."
Lam Hi Thần: "Biết gì?"
Lam Vong Cơ: "Đài sen còn cuống ăn ngon hơn đài sen đã bứt cuống."
Lam Hi Thần trả lời: "Ồ? Chưa từng nghe nói thế. Sao đệ tự dưng nhắc đến việc này?"
Lam Vong Cơ đáp lại: "Không sao cả. Đã đến giờ, đổi tay."
Hai người đổi tay chống đỡ tư thế trồng cây chuối từ tay phải sang tay trái, động tác nhịp nhàng, không gây tiếng động, bình ổn cực điểm.
Lam Hi Thần còn đang muốn hỏi, cẩn thận nhìn lại, bỗng nở nụ cười: "Vong Cơ, đệ có khách đến thăm kìa."
Trên hành lang gỗ, một con thỏ trắng tinh đang từ từ bò lại, bò đến bên cạnh bàn tay trái đang chổng ngược của Lam Vong Cơ, cái mũi hồng hồng chun lại.
Lam Hi Thần thắc mắc: "Sao lại chạy tới đây?"
Lam Vong Cơ nói với nó: "Quay về."
Con thỏ trắng kia lại không nghe lời, cắn phần đuôi đai buộc trán của Lam Vong Cơ rồi ra sức kéo, cứ như muốn kéo Lam Vong Cơ đi theo nó vậy.
Lam Hi Thần thong thả nói: "Nó muốn đệ mang nó về."
Con thỏ kéo không được,hổn hển nhảy quanh hai anh em. Lam Hi Thần cảm thấy buồn cười, hỏi: "Đây là con thích đùa nghịch phải không?"
Lam Vong Cơ đáp: "Quá nghịch rồi."
"Nghịch cũng không sao, dù gì cũng rất đáng yêu. Ta nhớ có hai con, chẳng phải chúng nó thường xuyên ở bên nhau sao, thế nào lại chỉ một con tới? Con còn lại thích yên tĩnh nên không muốn đến, phải không?"
"Sẽ đến thôi."
Quả nhiên, chẳng được bao lâu, trên hành lang gỗ lại lấp ló một cái đầu nho nhỏ trắng tinh. Con thỏ trắng còn lại cũng chạy đến đây tìm bạn của nó.
Hai cục tròn tròn trắng trắng rượt đuổi nhau một lát, cuối cùng chọn một chỗ, chính là bên cạnh tay trái của Lam Vong Cơ, yên tâm nằm chen chúc cạnh nhau.
Một đôi thỏ trắng dính chặt cọ sát lẫn nhau, dù tầm nhìn đảo ngược, cảnh tượng cũng rất đáng yêu. Lam Hi Thần hỏi: "Tên chúng là gì?"
Lam Vong Cơ lắc đầu, không biết y muốn nói chúng không có tên, hay là không muốn nhắc đến.
Lam Hi Thần lại nói: "Lần trước ta có nghe đệ gọi tên chúng."
Lam Hi Thần nhủ thầm trong bụng: "Là cái tên rất hay."
Lam Vong Cơ đổi tay. Lam Hi Thần nói: "Chưa tới giờ."
Lam Vong Cơ lặng lẽ đổi tay lại.
Một nén nhang sau, hết giờ trồng cây chuối, hai anh em trở lại nhã thất tĩnh tọa.
Một vị gia phó dâng lên khay trái cây ướp lạnh để giải nhiệt. Dưa hấu bỏ vỏ, phần thịt cắt thành từng miếng vuông vức, bày trong khay ngọc, đo đỏ, trong suốt, nhìn rất đẹp. Hai huynh đệ ngồi quỳ trên chiếu, thấp giọng nói đôi câu, trao đổi mấy bài học tâm đắc ngày hôm qua, rồi bắt đầu ăn.
Lam Hi Thần vốc một nắm lá trà xanh, lại thấy Lam Vong Cơ nhìn chằm chằm khay ngọc, không rõ là có ý gì, bèn theo bản năng ngưng mọi động tác.
Quả nhiên, Lam Vong Cơ mở miệng. Y gọi: "Huynh trưởng."
Lam Hi Thần đáp: "Chuyện gì?"
Lam Vong Cơ hỏi: "Huynh đã ăn vỏ dưa hấu bao giờ chưa."
"......" Lam Hi Thần hỏi lại: "Vỏ dưa hấu ăn được sao?"
Im lặng giây lát, Lam Vong Cơ nói: "Nghe nói có thể xào."
Lam Hi Thần: "Có lẽ là được."
Lam Vong Cơ: "Nghe nói hương vị rất ngon."
"Ta chưa thử bao giờ."
"Ta cũng chưa."
"À......" Lam Hi Thần nói, "Đệ muốn kêu người xào thử à."
Suy nghĩ một lát, Lam Vong Cơ nghiêm mặt lắc đầu.
Lam Hi Thần thở phào nhẹ nhõm.
Không biết vì sao, y cảm thấy không cần thiết phải hỏi câu "Đệ nghe ai nói?"...
*****
Ngày hôm sau, Lam Vong Cơ một thân một mình xuống núi.
Không phải y không hay xuống núi, mà là không hay một thân một mình đến phiên chợ ồn ào tấp nập.
Người đến kẻ đi, người đi kẻ đến. Dẫu là tiên môn thế gia hay là trường săn trên núi, đều chẳng thể đông người đến vậy. Cho dù là Thanh Đàm Thịnh Hội đông vui tấp nập, thì cũng là đông vui trong ngay ngắn trật tự, không có cảnh chen chúc thế này. Dường như lúc đi đường ai đạp chân ai, ai đụng xe ai đều chẳng có gì lạ. Xưa nay Lam Vong Cơ không thích đụng chạm với người khác, thấy tình cảnh này bèn ngừng lại giây lát, nhưng vẫn chưa lùi bước ngay mà định tìm người hỏi đường quanh đó. Ai ngờ cứ tìm mãi mà chẳng thấy ai để hỏi.
Bấy giờ Lam Vong Cơ mới phát hiện, không chỉ có mình y không muốn tới gần người khác, mà người ta cũng không muốn lại gần y.
Toàn thân y không nhuốm bụi trần, còn đeo trên lưng một thanh kiếm, chẳng ăn nhập chút nào với phiên chợ ồn ào huyên náo kia. Những người bán hàng rong, nông dân và đám nhàn rỗi chẳng mấy khi được thấy một công tử thế gia như vậy, ai nấy đều vội vàng né tránh. Hoặc họ sợ đây là vị công tử sang chảnh không dễ chọc, ai cũng cẩn thận không muốn đắc tội y; hoặc họ sợ nét mặt lạnh lùng nghiêm nghị của y - dù sao ngay cả Lam Hi Thần cũng đã đùa rằng suốt sáu thước vuông xung quanh Lam Vong Cơ đều là trời đông giá rét, một ngọn cỏ cũng không mọc nổi. Khi Lam Vong Cơ đi tới, chỉ có mấy cô gái đi chợ muốn ngắm y mà chẳng dám ngắm lâu, mới giả vờ bận rộn, đầu thì cúi mà mắt thì ngước lên. Chờ y đi rồi, họ mới tụ lại thành nhóm cười hi ha sau lưng y.
Lam Vong Cơ đi nửa ngày mới gặp một bà cụ đang quét bụi trước cửa lớn của một ngôi nhà, bèn mở lời: "Xin hỏi muốn đến hồ sen gần đây nhất phải đi hướng nào."
Bà cụ kia mắt đã mờ, vừa xám xịt vừa mơ hồ. Bà thở dốc, không nhìn rõ y, đáp: "Đi thêm tám chín dặm về hướng này, có một gia đình trồng vài chục mẫu sen."
Lam Vong Cơ gật đầu đáp: "Đa tạ."
Bà cụ nói: "Vị tiểu công tử à, đến chiều tối đầm sen ấy sẽ không cho ai bước vào, nếu cậu muốn đi chơi thì mau tranh thủ đi lúc trời còn sáng."
Lam Vong Cơ lại đáp một tiếng: "Đa tạ."
Y đang định đi, thấy bà cụ kia cầm cây gậy trúc nhỏ dài, chọc mãi chọc mãi cũng không gảy nổi một cành cây khô cắm dưới mái hiên, bèn đưa ngón tay điểm một cái, kiếm khí cách không đánh rơi cành cây khô ấy, rồi mới xoay người rời đi.
Tám chín dặm so với tốc độ của y cũng không tính là xa, Lam Vong Cơ đi thẳng một mạch về hướng bà lão chỉ.
Đi một dặm là ra khỏi chợ; đi hai dặm, dân cư dần dần thưa thớt; đi đến bốn dặm, hai bên đường đã là núi xanh ruộng biếc, bờ ruộng dọc ngang. Thi thoảng mới gặp một gian nhà nhỏ xiêu xiêu vẹo vẹo, bốc lên một làn khói bếp ngoằn ngoèo. Trên bờ ruộng có mấy đứa bé người ngợm lấm lem tết tóc đuôi sam ngóc lên trời đang ngồi xổm, mải miết chơi bùn nhão. Chúng vừa chơi vừa cười ha hả, ngươi quệt ta ta trét ngươi, cảnh tượng này đậm đà phong vị thôn quê.
Lam Vong Cơ nghỉ chân quan sát, ngắm nghía chúng một lát đã bị phát hiện. Đám trẻ nghịch bùn vẫn còn nhỏ, sợ người lạ, thấy y bèn chạy mất dạng nhanh như chớp, bấy giờ y mới tiếp tục cất bước. Đi được năm dặm, trên mặt Lam Vong Cơ chợt mát lạnh, thì ra là cơn mưa bụi li ti thổi tới từ trong gió.
Y nhìn lên trời, quả nhiên mây xám cuồn cuộn cứ như muốn sập xuống. Chân y cố gắng bước nhanh, mà mưa tới lại càng nhanh hơn.
Lúc này, chợt thấy năm sáu người đứng bên bờ ruộng.
Mưa bụi đã trở nên nặng hạt, mà mấy người kia vẫn chưa bung dù, cũng không che chắn gì cả. Hình như họ đang vây quanh thứ gì đó, hoàn toàn không có lòng dạ nào để ý tới chuyện khác. Lam Vong Cơ tiến lại gần, chỉ thấy một người nông dân nằm trên mặt đất, đang hừ hừ kêu đau.
Lẳng lặng nghe vài câu, Lam Vong Cơ hiểu ngay đã xảy ra chuyện gì. Hóa ra trong lúc đang làm ruộng, người nông dân này bị con bò của một nông dân khác húc phải, giờ không bò dậy nổi, chẳng biết là hỏng eo hay là gãy chân. Con bò làm chuyện sai trái, bị đuổi ra xa đứng ở cuối ruộng, vùi đầu vẫy đuôi không dám tới gần. Chủ nhân con bò chạy đi mời đại phu, những người còn lại không dám tự tiện di chuyển người bị thương, sợ khiêng lên sẽ hủy hoại gân cốt hắn, chỉ dám chăm sóc hắn bằng cách này. Nhưng thời tiết rất xấu, lại bắt đầu mưa. Ban đầu chỉ mưa rả rích, còn có thể nhẫn nhịn, ai ngờ chỉ chốc lát sau đã đổ ập xuống đầu.
Thấy mưa ngày càng nặng hạt, một người nông dân chạy về nhà lấy ô. Nhưng nhà người này ở xa, không thể về trong chốc lát; những người còn lại đều lo lắng lấy tay che cho người nông dân bị thương, che được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng cứ tiếp tục như vậy cũng không phải cách hay. Dù lấy được ô thì cũng chỉ có vài cái ô thôi, đâu thể chỉ cho một hai người che, số còn lại đều dầm mưa chứ!?
Một người thì thào mắng một câu: "Cứ như là gặp ma ấy, mưa lớn như vậy, nói đến là đến."
Lúc này, một nông dân nói: "Dựng lán lên đi! Che được lúc nào hay lúc ấy."
Cách đó không xa có một cái lều cũ bỏ hoang, chống bằng bốn khúc gỗ. Một khúc xiêu vẹo, một khúc quanh năm dầm mưa dãi nắng nên đã hơi mục nát.
Một người do dự nói: "Nhưng mình đâu thể động đến nó?"
"Mấy... mấy bước chân thôi, chắc không sao đâu."
Mọi người vội vàng khiêng người nông dân bị thương sang đó một cách cẩn thận, lại có hai người đi nâng lều. Ai ngờ hai nông dân vẫn không nâng nổi một mái lều xập xệ. Người bên ngoài thúc giục, bọn họ gồng hết sức, khuôn mặt đỏ bừng lên, nhưng mái lều vẫn không suy suyển chút nào. Lại thêm hai người nữa tới, mà vẫn không ăn thua!
Mái căn lều gỗ này lấy gỗ làm khung, trên lợp cỏ tranh và ngói, chất thêm nhiều tầng bụi đất, chắc chắn là không nhẹ. Nhưng cũng đâu thể nặng đến nỗi bốn người nông dân quanh năm làm việc đồng áng vẫn không nhấc nổi chứ?
Chưa cần lại gần, Lam Vong Cơ đã biết có chuyện gì. Y đi đến trước lều gỗ, cúi người nhấc lên một góc mái lều gỗ chỉ bằng một tay.
Mấy nông dân kia sợ đến ngây người.
Bốn người nông dân cũng không nâng nổi mái lều, vậy mà thiếu niên này chỉ dùng một tay đã làm được!
Ngây ngẩn một lúc, một người nông dân bèn thì thào với những người còn lại. Không chần chừ thêm phút nào, bọn họ liền ba chân bốn cẳng khiêng người kia tới. Khi bước vào lều, ai nấy đều nhìn Lam Vong Cơ, nhưng y không hề liếc mắt lấy một cái.
Đặt người xuống rồi, lại có hai nông dân tới bảo: "Vị... công tử này, cậu thả xuống đi, để chúng tôi làm!"
Lam Vong Cơ lắc đầu. Hai nông dân kia kiên trì nói: "Cậu còn nhỏ tuổi quá, không chịu nổi đâu."
Nói đoạn đưa tay ra, giúp y chống lều. Lam Vong Cơ liếc nhìn bọn họ, cũng không nói nhiều, chỉ hơi hơi thu lại mấy phần sức lực, hai nông dân tức thì biến sắc.
Lam Vong Cơ thu ánh mắt về, lại lên gân như cũ, hai nông dân kia mới ngượng ngùng ngồi xổm xuống.
Lều gỗ này nặng hơn so với tưởng tượng của bọn họ, thiếu niên này vừa thu tay, họ liền không chống đỡ nổi.
Một người rùng mình: "Lạ thật, sao vào đây rồi còn lạnh hơn nhỉ."
Nhưng bọn họ đều không thấy, lúc này ngay giữa lều gỗ đang treo một bóng người quần áo lam lũ, tóc xơ lưỡi dài.
Ngoài lều mưa rơi gió thổi, trong lều bóng người ấy lắc lắc lư lư, kéo theo một cơn gió lạnh.
Chính tà túy này đã khiến mái lều nặng bất thường, người thường nhấc kiểu gì cũng không lên được.
Lam Vong Cơ ra ngoài không mang theo pháp khí độ hóa. Nếu tà túy này không có ý định hại người, thì dĩ nhiên không thể đánh nó đến hồn phi phách tán, không thèm phân tốt xấu. Xem ra tạm thời cũng không có cách nào thuyết phục nó hạ thi thể của chính nó đang treo lơ lửng trên kia xuống, cũng chỉ có thể nhấc mái nhà này lên. Khi nào về sẽ báo lên trưởng bối, rồi phái người tới xử lý.
Tà túy sau lưng Lam Vong Cơ treo lơ lửng một hồi lúc ẩn lúc hiện, bị gió thổi lắc trái lắc phải, oán hận nói: "Lạnh quá hà..."
"..."
Nó nhìn quanh nhìn quất, tìm một người nông dân dựa vào, hình như muốn sưởi ấm. Người nông dân chợt run rẩy một cái. Lam Vong Cơ hơi nghiêng đầu, ném cho nó một cái liếc mắt lạnh lùng.
Tà túy cũng phát run, đành tủi thân mà lui trở về. Nhưng nó vẫn lè đầu lưỡi dài, cất giọng ai oán: "Mưa lớn, mưa lớn quá, lều thì trống huơ trống hoác... Thật sự rất lạnh mà..."
"..."
Mãi cho đến khi đại phu tới, mấy người nông dân vẫn chưa dám trò chuyện với Lam Vong Cơ. Đợi cho mưa tạnh hẳn, bọn họ khiêng người bị thương ra khỏi lều gỗ, Lam Vong Cơ mới buông nóc lều, chẳng nói chẳng rằng đã đi luôn.
Khi y đến đầm sen, mặt trời đã xuống núi. Y toan xuống hồ thì phía đối diện có một con thuyền nhỏ chống sào đi tới, trên thuyền là một người phụ nữ trung niên: "Ôi ôi ôi! Cậu làm gì vậy?"
Lam Vong Cơ đáp: "Hái đài sen."
Người phụ nữ kia nói: "Mặt trời lặn rồi, sau khi trời tối chúng tôi không cho người ngoài vào đây nữa. Hôm nay không được, để hôm khác đi!"
"Ta không ở lâu đâu, chỉ vào một khắc rồi ra luôn."
"Không được là không được, đây là quy tắc, quy tắc không phải do tôi định ra, cậu hỏi chủ nhân đi."
"Chủ nhân đầm sen này ở đâu vậy?"
Người phụ nữ hái sen đáp: "Đã sớm trở về rồi, cho nên cậu hỏi tôi cũng phí công. Nếu tôi cho cậu vào thì chủ đầm sẽ trách mắng tôi, cậu chớ làm khó tôi."
Nghe đến đó, Lam Vong Cơ cũng không miễn cưỡng, gật đầu nói: "Đã quấy rầy rồi."
Tuy sắc mặt bình tĩnh, nhưng có thể nhìn ra cảm giác thất vọng.
Người phụ nữ hái sen thấy y áo trắng như tuyết, nhưng một nửa đã bị mưa dầm ướt, trên giày trắng cũng dính vết bùn, bèn dịu giọng nói: "Hôm nay cậu đã đến muộn rồi, sáng mai đến sớm một chút đi! Cậu từ đâu đến? Vừa rồi mưa rõ to, cậu đội mưa chạy đến ư!? Sao lại không mang ô, nhà cậu cách nơi này bao xa?"
Lam Vong Cơ thành thật đáp: "Ba mươi tư dặm."
Người phụ nữ hái sen vừa nghe vậy lập tức nghẹn lời, mãi mới nói: "Xa thế cơ à! Nhất định là cậu phải đi rất lâu mới đến được đây! Nếu thật sự muốn ăn đài sen, cậu có thể ra phố mua mà, họ bán nhiều lắm."
Lam Vong Cơ đang muốn quay đi, nghe vậy dừng lại nói: "Đài sen trong chợ không có cuống."
Người phụ nữ hái sen ngạc nhiên hỏi: "Không lẽ cậu nhất định phải mua đài sen có cuống? Ăn chẳng khác gì nhau cả."
Lam Vong Cơ đáp: "Có."
"Không!"
Lam Vong Cơ bướng bỉnh cãi lại:"Có. Một người đã nói cho ta biết là có."
Người phụ nữ hái sen phì cười: "Rốt cuộc là ai nói với cậu thế? Tiểu công tử cố chấp ghê, bị quỷ làm mê muội đầu óc rồi!"
Lam Vong Cơ lặng thinh không nói, cúi đầu chuẩn bị xoay người trở về. Người kia lại gọi: "Nhà cậu thật sự xa đến thế ư?"
Lam Vong Cơ đáp: "Ừm."
"Hay là... hôm nay cậu đừng về nữa? Tìm một chỗ ở gần đây, ngày mai lại tới?"
"Nhà ta cấm đi lại ban đêm. Ngày mai còn phải đi học."
Người phụ nữ hái sen gãi gãi đầu, suy nghĩ một lúc có vẻ rất khó xử, cuối cùng nói: "... Được rồi, cho cậu vào, chỉ một lát thôi nhé. Cậu hái nhanh lên chút, lỡ bị ai trông thấy, đến tai chủ nhân thì ngài sẽ mắng tôi một trận đấy. Tôi chừng này tuổi rồi, không muốn bị người ta mắng đâu."
*****
Không Sơn mới trải qua cơn mưa, Vân Thâm Bất Tri Xứ.
Cây ngọc lan sau cơn mưa càng thêm tươi tắn đẹp đẽ. Lam Hi Thần thấy vậy sinh lòng yêu thích, trải tờ giấy trên bàn, vẽ tranh bên cửa sổ.
Xuyên qua song cửa sổ khắc hoa, y thấy một bóng áo trắng chậm rãi đến gần. Lam Hi Thần vẫn không đặt bút xuống, gọi: "Vong Cơ."
Lam Vong Cơ đi tới, chào qua khung cửa: "Huynh trưởng."
"Hôm qua nghe đệ nhắc tới đài sen, vừa may hôm nay thúc phụ sai người mua đài sen mang lên núi, đệ muốn ăn không?"
Lam Vong Cơ ngoài cửa sổ đáp: "Ăn rồi."
Lam Hi Thần cảm thấy hơi khó hiểu: "Ăn rồi?"
"Dạ."
Huynh đệ hai người lại nói vài câu đơn giản, rồi Lam Vong Cơ quay về tĩnh thất.
Vẽ xong, Lam Hi Thần ngắm nghía một hồi rồi thuận tay thu lại, vất mọi chuyện ra sau đầu, rút Liệt Băng ra đi đến nơi mình thường luyện tập Thanh Tâm âm.
Cỏ long đàm mọc thành từng bụi tím nhạt trước tiểu trúc, điểm xuyết vài hạt sương. Lam Hi Thần bước vào theo đường mòn, ngước mắt lên, thoáng ngẩn người.
Trên hành lang gỗ trước cửa tiểu trúc bày một bình bạch ngọc, trong bình lại cắm mấy cái đài sen có cao có thấp.
Bình ngọc thon dài, cọng sen cũng thon dài, dáng vẻ đẹp đẽ vô ngần.
Lam Hi Thần thu Liệt Băng lại, ngồi xuống hành lang trước cái bình ngọc, nghiêng đầu nhìn một lúc, âm thầm đấu tranh tư tưởng.
Cuối cùng, vẫn thận trọng không thò tay ra len lén bóc một hạt ăn thử, xem đài sen kèm theo cuống rốt cuộc có mùi vị gì khác biệt.
Nếu Vong Cơ trông có vẻ vui thế, vậy hẳn là nó thật sự ăn rất ngon.
----------
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top