chinh sach lai suat duoi goc nhin thong doc
Đã là thị trường thì phải tuân theo quy luật cung cầu và giá cả. Trong đó, khách hàng cũng năm bảy loại chứ không phải như nhau.
Hai năm liên tiếp, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan phải gánh chịu nhiều áp lực.
Trong một ngày giao thời giữa năm cũ - năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có những chia sẻ với bạn đọc VnEconomy về trách nhiệm của cơ quan này.
"Không giống bất kỳ gói kích thích kinh tế nào"
Có lẽ gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn là điểm nổi bật của hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm 2009. Thống đốc nói gì về "chuyện trong nhà" xung quanh gói hỗ trợ này?
Nếu như 2008 là năm lạm phát cao, buộc phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt thì sang 2009, tình hình kinh tế vĩ mô có phần phức tạp hơn mà biểu hiện rõ nét nhất là nền kinh tế chưa kịp "cắt cơn" lạm phát, đã phải đối mặt với suy giảm, Chính phủ phải điều chỉnh mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Và dĩ nhiên, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước cũng phải bám vào mục tiêu này.
Trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/CP, hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá 1 tỷ USD. Để đưa gói hỗ trợ lãi suất vào thực tiễn, ban đầu có khá nhiều ý kiến khác nhau nhưng tập trung chủ yếu ở hai phương án.
Phương án thứ nhất, là nên dành cho một số công trình lớn làm động lực kích thích các ngành phụ trợ phát triển, giống như gói kích thích của Trung Quốc.
Phương án thứ hai là chỉ hỗ trợ một số khu vực, chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lúc đó, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có đưa ra những con số bi quan về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp: 20% phá sản, 60% khó khăn và chỉ 20% có thể trụ vững.
Mặc dù bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đều vào cuộc xử lý và bàn đi tính lại nhiều lần, nhưng cuối cùng, ngày 17/1/2009, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ động đề xuất phương án triển khai.
Chỉ hai ngày sau, Vụ Chính sách tiền tệ đã phác thảo xong bộ "khung" và trình lên phương án sử dụng chính các tổ chức tín dụng để giải ngân gói kích thích này. Mặc dù giải pháp này không giống bất kỳ gói kích thích kinh tế nào trên thế giới, nhưng chúng có khá nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, gắn lợi ích và trách nhiệm của các ngân hàng với gói kích thích, ở chỗ: nguồn vốn là của ngân hàng thương mại được giải ngân theo cơ chế thông thường nhưng được Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất.
Nhờ đó, ngân hàng thương mại khơi thông được tín dụng với lãi suất cho vay gần tương tự điều kiện nền kinh tế hoạt động bình thường, điều mà không một hệ thống ngân hàng của quốc gia nào làm được tại thời điểm đó.
Thứ hai, ngân hàng thương mại là tổ chức có đủ điều kiện vật chất để đảm bảo cho hàng triệu khoản vay được thực hiện an toàn, trong khi phương pháp khác không thể đạt được yêu cầu này. Kèm theo đó là cơ chế "hậu kiểm" nên nhìn chung làm yên tâm trước một số nghi ngại.
"Lúc khó khăn, phải chọn ổn định"
Cuối quý 4/2009, một số nhà tư vấn chính sách cho rằng nên gia hạn gói hỗ trợ lãi suất thêm một thời gian, có vẻ như Chính phủ đã "nghiêng" theo giả thuyết này nhưng về sau lại dừng đúng hạn 31/12/2009. Vì sao vậy và quyết định này liên quan gì đến đồn đoán "Ngân hàng Nhà nước sắp thắt chặt tiền tệ", thưa Thống đốc?
Khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước những hiệu ứng phụ không mong muốn, và quả đúng như vậy, đến tháng 7/2009, thị trường tiền tệ bắt đầu xuất hiện sức ép tăng trưởng tín dụng.
Thực tế này trái với dự kiến kế hoạch đầu năm: nếu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, Ngân hàng Nhà nước tính toán tăng trưởng tín dụng từ 21% - 23%, tương đương mức 3 - 3,2 lần GDP, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD/người/năm là hợp lý.
Tôi đã báo cáo với Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng một số "vấn đề" xung quanh gói hỗ trợ lãi suất, như việc tăng trưởng tín dụng cao đã gây sức ép lên thị trường ngoại hối do doanh nghiệp vay VND nhiều nên mua ngoại tệ nhiều để nhập khẩu nhiều.
Cùng đó, một bộ phận doanh nghiệp vay hợp pháp tại ngân hàng này nhưng gửi ngân hàng kia để hưởng lợi chênh lệch lãi suất khoảng 2%/năm lúc đó, nhưng về sau có thể lên tới 4 - 5%/năm.
Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện ra sự gian dối này nên kịp thời lập kế hoạch thanh tra, giao cho chính các ngân hàng thương mại trực tiếp kiểm tra mục đích sử dụng các khoản vay đã giải ngân và quá trình đó vẫn kéo dài cho đến nay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ của tháng 11/2009, tôi đã nêu thẳng quan điểm: nếu kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chính sách vĩ mô, và một trong những thách thức lớn là điều hành chính sách tỷ giá.
Mặt khác, tại kỳ họp Quốc hội, cơ quan này đã quyết định dừng gói hỗ trợ lãi suất đúng hạn với lý do: mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, lúc này chưa cần bàn tới tăng trưởng. Thực ra, bất cứ quốc gia nào cũng phải chọn lựa như thế: lúc thuận lợi thì chọn tăng trưởng, lúc khó khăn, phải chọn ổn định.
Quyết định của Quốc hội cũng được Thủ tướng nhấn mạnh thêm một lần nữa tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sau đó là "tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô", coi đó như một điều kiện tiên quyết.
"Nhiều người khuyên tôi nên phá giá thêm"
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những mục tiêu do Chính phủ đề ra nhưng ở một số thời điểm còn thận trọng đến mức rụt rè và chưa linh hoạt. Thống đốc nói gì về vấn đề này trong năm 2010?
Trả lời vấn đề này thì phải nhìn rộng ra bối cảnh xung quanh nước mình.
Tại Mỹ, suốt cả năm, họ duy trì lãi suất 0,25%/năm; Canada: tháng 1 và tháng 2/2009 là 1%/năm, tháng 3 là 0,5% năm và từ đó đến nay là 0,25%/năm; Anh: tháng 1: 1,5%/năm; tháng 2: 1%/năm, từ tháng 3 đến nay ổn định 0,5%/năm; Malaysia: tháng 2: 2,5%/năm, từ tháng 3 đến nay là 2%/năm.
Đối với Trung Quốc, lãi suất cơ bản là 5,31% từ đầu năm đến nay. Phải hiểu là sự thay đổi chính sách linh hoạt của ngân hàng trung ương nói là linh hoạt nhưng phải hết sức cẩn trọng.
Còn năm 2010, theo dự kiến của chúng tôi, lãi suất trong tháng Giêng sẽ điều chỉnh thêm từ 0,5%/năm đến 1%/năm, chứ không điều chỉnh từ tháng 12/2009.
Cũng có người đặt vấn đề vì sao không điều chỉnh sớm hơn một hoặc hai tháng nhưng nếu điều chỉnh sớm, mặc dù ngân hàng huy động được nhiều vốn hơn nhưng nhìn lợi ích toàn cục, cân nhắc giữa "được" và "mất", chúng tôi thấy có thể làm lỡ nhịp hệ thống ngân hàng nếu theo hướng này, vì chính sách lãi suất luôn gắn liền với chính sách tỷ giá.
Tỷ giá là vấn đề rất khó của quốc gia. Trên thế giới hiện nay, điều hành tỷ giá nhìn chung có hai xu hướng.
Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc thực hiện chính sách tỷ giá "chốt cố định" rất nhiều năm, mãi tới tháng 1/1994 mới phá giá 50%. Để làm được điều này, cán cân thương mại Trung Quốc xuất siêu từ 1991, họ tích lũy dự trữ ngoại hối rất lớn trong vòng 3 năm sau, mới công bố phá giá. Một xu hướng khác là thực hiện tỷ giá thả nổi theo kiểu "nước lên thuyền lên".
Đối với Việt Nam, đang theo đuổi chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt theo cung cầu thị trường, có quản lý, có kiểm soát của nhà nước. Nhiều người khuyên tôi nên phá giá thêm, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải cân đối với nhiều vấn đề: nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp và tác động lạm phát.
Thử hỏi, vay nợ lúc 7 nghìn VND/USD nhưng sau đó phải trả tới 13 nghìn hay 18 nghìn VND/USD, ai chịu nổi?
Chưa kể, điều chỉnh tỷ giá còn tác động mạnh đến lạm phát. Ví dụ, khi giá xăng dầu đang là 78 USD/thùng, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá, lập tức giá xăng tăng thêm, đẩy các giá các hàng hóa khác cao thêm.
"Khách hàng cũng năm bảy loại chứ không phải như nhau"
Có nghi ngại rằng, việc điều hành bằng công cụ phi thị trường đã hình thành "cơ chế hai giá" đối với cả lãi suất và tỷ giá ngay trong hệ thống ngân hàng, bởi "cấm chỗ này, sẽ phình chỗ kia". Xử lý bất cập này như thế nào, thưa Thống đốc?
Đã là thị trường thì phải tuân theo quy luật cung cầu và giá cả. Trong đó, khách hàng cũng năm bảy loại chứ không phải như nhau.
Có loại khách hàng có tài sản tốt, làm ăn ngon lành, nhiều đơn hàng, vay vốn ngân hàng chưa đến hạn đã trả nợ sòng phẳng. Do đó, nhóm đối tượng này khi quan hệ với ngân hàng sẽ dễ dàng hơn cả về điều kiện vay cũng như giá vốn. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp làm ăn kém cỏi, chất lượng tài sản thấp thì vay vốn ngân hàng khó khăn hơn và phải chấp nhận lãi suất cao hơn.
Xét ở góc độ ngân hàng thương mại, ngân hàng lớn bao giờ cũng dư dả vốn, cơ cấu vốn dài hạn chiếm tỷ trọng cao nên họ cho vay lãi suất thấp hơn và phải cho vay nhiều hơn thì mới hiệu quả. Còn những ngân hàng nhỏ thì phải bươn chải cho vay vùng sâu, vùng xa, tất nhiên là lãi suất cao. Đó là điều khó tránh khỏi trong hoạt động thị trường.
Gần đây, tôi có nghe nói có chuyện "hai giá" theo kiểu "hợp đồng ký một đằng", "tiền trao cháo múc" một nẻo thì đó chỉ là một bộ phận nhỏ tại một vài ngân hàng thôi. Và điều này không có ở những ngân hàng lớn như BIDV, Agribank, Vietinbank hay Vietcombank.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy một bất hợp lý là giữa các ngân hàng có quy mô vốn khác nhau, một ông 4.000 tỷ đồng, một ông 2.000 tỷ đồng cùng chung một môi trường hoạt động thì rất khó cho cả cơ quan điều hành và các tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện của mình hiện nay như thế thì trước mắt cũng phải tạm chấp nhận như vậy.
"Chủ động, linh hoạt và thận trọng"
Vậy còn một số mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới cụ thể như thế nào, thưa Thống đốc?
Mục tiêu điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm tới là "tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát dưới 7%", do đó, mục tiêu tổng quát của Ngân hàng Nhà nước là "chủ động, linh hoạt và thận trọng".
Năm 2009, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 28% do tăng trưởng tín dụng ở mức 38% và đó là phù hợp. Nhưng năm 2010, chúng tôi sẽ giảm dần và có thể, tốc độ tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25%.
Bởi, nếu như trong năm 2009, chỉ số tăng trưởng tín dụng/GDP (28%/5,2%), tương đương 7,3 lần là do chống suy giảm kinh tế nên phải chấp nhận như vậy, thì trong năm 2010, chỉ số này chỉ duy trì 3,84 lần là phù hợp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top