Chính trị: Hoa kỳ 06-nay
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM VỚI HOA KỲ
TỪ NĂM 2006 ĐẾN NAY
I. Chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ
1. Văn kiện Đảng
Chính sách thời nào cũng vậy, mục tiêu truyền thống vẫn là “giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.”[1]
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc X đã xác định chủ trương đối ngoại của Việt Nam đó là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.[2]
Trong “Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khóa IX về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010”, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 được xác định là nhằm “đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển... đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức”, đồng thời “ giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”.[3]
Cương lĩnh của Đại hội XI cũng khẳng định lại: “Việt Nam luôn nhấn mạnh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.”
Từ đường lối chung này, ta xác định chính sách với Hoa Kỳ trong giai đoạn mới này nhấn mạnh tăng cường hợp tác trên cơ sở độc lập, tự chủ và đôi bên cùng có lợi.
2. Phát biểu chính thức của các lãnh đạo và người phát ngôn
Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ trong giai đoạn 2006 đến nay ngày càng phát triển một cách toàn diện hơn. Điều này được thể hiện rõ qua các tuyên bố, phát biển chính thức của lãnh đạo của cấp của Việt Nam, dựa trên những chính sách chung được đề ra tại Văn kiện Đại hội Đảng X và XI.
Tại hội nghị APEC 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam luôn có lập trường nhất quán trong quan hệ với Hoa Kỳ, với mục tiêu hướng tới tương lai, trên tinh thần cởi mở và thiện chí, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau; nhằm thúc đẩy hợp tác song phương mọi mặt,[4] trong đó quan hệ thương mại đầu tư được đặc biệt được chú trọng – điều này được tái khẳng định trong tuyên bố của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại Hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: một giai đoạn phát triển năng động mới" 06/11/2007 cũng như phát biểu ngày 4/7/2008 tại Văn phòng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại cuộc gặp gỡ chung với báo chí sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ 02/10/2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm một lần nữa tái khẳng định cam kết coi Washington là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại đa phương hóa của Việt Nam.
Bước sang năm 2010, Việt Nam ngày càng coi trọng hơn nữa quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và cố gắng thúc đẩy quan hệ song phương này lên mức cao hơn, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, coi mối quan hệ này là chủ đạo trong quá trình giữ vững hòa bình ổn định và phát triển bền vững tại Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á, Thái Bình Dương nói chung.Điều này được khẳng định trong phát biểu củaBộ trưởng Phạm Gia Khiêm trong cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton bên lề các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác23/7/2011[5] cũng như tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh 27/9/2011 và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước Hội Châu Á trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ ngày 20/6/2011.
Trong hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục sử dụng chính sách linh hoạt, mềm dẻo, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, tránh sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam. Quan điểm cứng rắn này của Việt Nam thể hiện trong Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/3/2006 của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng, đồng thời ông cũng bác bỏ những nhận xét không khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam trong Báo cáo nhân quyền (năm 2005) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Gần đây trong tuyên bố ngày 26/8/2011, bà Nguyễn Phương Nga - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định lại rằng Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh cãi về nhân quyền với Hoa Kỳ bằng các cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn.[6]
II. Cơ sở hoạch định Chính sách đối ngoại
1. Tình hình trong nước
Để có thể hoạch định được một đường lối đối ngoại đúng đắn, việc đầu cần xác định là tình hình nội tại diễn biến thế nào, có những phát triển, khó khăn nào để từ đó xác định được những gì chúng ta cần phải đạt được trong đối ngoại mà đối nội không đáp ứng được.
Về kinh tế, từ 2006 đến nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ổn đinh: GDP 2007 tăng 8,5% so với 2006[7]; mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng GDP 2008 vẫn đạt 6,23% - điều được đánh giá là một thành công lớn[8]. Lạm phát trong giai đoạn vừa rồi được dự đoán sẽ giảm vào năm 2012.[9].
Về chính trị, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế dần được nâng cao: quan hệ giữa ta và các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ ngày một sâu sắc, tiếp tục phát huy vai trò “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN (chủ tịch ASEAN 2010, đón đoàn Thanh niên ASEAN 2011, đề xuất tăng cường hợp tác ASEAN và G20…) và các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác (APEC, hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông...).
Tuy nhiên, những thách thức mà Đảng đã xác định từ Hội nghị đại biểu năm 1994 vẫn còn (nạn quan liêu, tham nhũng, lạc hậu kinh tế, phát triển chệch hướng xã hội chủ nghĩa) hay nguy cơ từ phía láng giềng Trung Quốc…
Một mối quan hệ tốt đẹp và khôn khéo với Hoa Kỳ có thể giúp đỡ chúng ta tránh được phần nào những nguy cơ này, tiếp tục đảm bảo sự phát triển ổn định của kinh tế và tăng cường vị thế bởi Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất.
2. Về tình hình thế giới
a. Xu thế
Trong một môi trường quốc tế đa cực với quan hệ đan xen, ta thấy vẫn nổi lên những xu thế nhất định. Đó là sự hợp tác, vừa phát triển vừa cạnh tranh giữa các quốc gia: các quốc gia dù tăng cường đối thoại, kí kết chung, tham gia các diễn đàn… nhưng mâu thuẫn tại các điểm nóng hay cạnh tranh lẫn nhau vẫn còn gay gắt. Trong quá trình hợp tác, kinh tế vẫn là trụ cột chính. Từ 2006 đến nay, tuy trải qua nhiều lần suy thoái, các quốc gia, trên cơ sở đồng thuận, cùng hướng tới một khuôn khổ tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn, đã giúp phục hồi lại nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, an ninh, y tế cũng được nhắc đến trên phương diện toàn cầu nhiều hơn. Cũng trong thời đại này, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ. Các nước vừa và nhỏ thường liên kết với nhau để tồn tại bên cạnh những thách thức từ các nền kinh tế phát triển cũng như chống lại ảnh hưởng của các nước lớn, các biện pháp toàn cầu được viện đến khi giải quyết các vấn đề toàn cầu…
àTừ đó, chính sách đối ngoại của ta với Hoa Kỳ cần lột tả các xu thế này: hợp tác khi lợi ích song trùng, ngược lại thì đấu tranh, mở rộng quan hệ về nhiều mặt với Hoa Kỳ, chú trọng kinh tế… Ta cũng có thể tận dụng khu vực hóa để nâng cao vị trí trong quan hệ “vốn đã chênh lệch” giữa ta và Hoa Kỳ.
b. Về khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD)
Sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ là một trong những đặc điểm chủ yếu khi nhắc đến khu vực CA-TBD sau Chiến tranh lạnh.[10] Với sự phát triển “thần kì” về kinh tế (GDP trung bình đạt 9,3%/năm, gấp 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của thế giới trong cùng giai đoạn; vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…), quân sự ngày một hiện đại, ảnh hưởng văn hóa ngày một rộng, Trung Quốc đã qua giai đoạn “giấu mình chờ thời”, chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với Hoa Kỳ trên phạm vi khu vực và toàn cầu.[11]
Cũng vì vậy mà quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc trong khu vực này vô cùng phức tạp. Gần đây, quan hệ hai bên dần nồng ấm trở lại: Bộ trưởng Dương Khiết Trì đã phát biểu rằng hai nước cần “vững chắc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác”.[12] Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Obama coi quan hệ Trung – Hoa Kỳ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất. Đầu năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tới thăm Hoa Kỳ. Tháng 8 năm 2011, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden tới Trung Quốc. Hai bên cũng hợp tác sâu rộng trong vấn đề Triều Tiên, năng lượng, khủng bố hay thương mại[13]… Tuy nhiên, vẫn còn đó những xung đột hai bên, chẳng hạn như Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc thả nổi đồng nội tệ, hiếu chiến trong vấn đề biển Đông; Trung Quốc lên án Hoa Kỳ trao đổi vũ khí với Đài Loan, quan hệ với Tây Tạng. Hai nước còn không ngừng cạnh tranh trong việc giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Trung Quốc muốn một khu vực khép kín do mình đứng đầu, loại trừ ảnh hưởng, luật chơi phương Tây trong khi Hoa Kỳ tập trung vào cấu trúc “trục – nan hoa” giữa mình và các đồng minh, áp đặt luật chơi thông qua các cơ chế đa phương (APEC, TPP hay ARF), củng cố các giá trị nhân quyền, dân chủ…
Việt Nam, với vị trí là láng giềng của Trung Quốc, lại trong giai đoạn Trung Quốc phát triển và có nhiều hành vi gây hấn, không nên để Trung Quốc quá lưu tâm, “lo lắng” đến “người anh em XHCN” (mà đến mức phải “ra tay can thiệp”) khi phát triển quan hệ với Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, ta cần chú ý đến mặt xung đột quan hệ Hoa Kỳ - Trung để có thể tận dụng tối đa lợi ích, tránh trở thành kẻ thua thiệt trong cuộc cạnh tranh giữa hai nước lớn, dùng Trung Quốc làm tăng vị thế trong chính sách với Hoa Kỳ, hoặc chính sách lôi kéo Hoa Kỳ trong các vấn đề còn mâu thuẫn với Trung Quốc.
3. Chính sách của Hoa Kỳ
a. Can dự biển Đông
Biển Đông là vùng biển lớn thứ hai thế giới (648.000 km2), gồm nhiều tuyến đường biển quan trọng nối giữa Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, châu Phi, Trung Đông và các nước Đông Á khác. Có thể nhận thấy lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông chủ yếu gồm: việc duy trì tự do hàng hải[14], lợi ích kinh tế (biển Đông là điểm quá cảnh của một nửa vận chuyển hàng hải toàn cầu và hầu hết nguồn cung cấp năng lượng Đông Bắc Á.Dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng tiêu thụ chính của Hoa Kỳ trong khi Biển Đông được xác định là một trong 10 vùng biển có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới[15]) và lợi ích an ninh quân sự (đây là tuyến đường giao thông quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là eo biển Malacca, duy trì căn cứ quân sự tại Nhật và Philippine nhằm bảo vệ đồng minh và củng cố, khẳng định vị thế của Hoa Kỳ tại khu vực[16]).
Trước những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã thay đổi từ “không can dự” tới “can dự một phần” trong chính sách với các nước ven biển và ASEAN tại Biển Đông[17], cho rằng Hoa Kỳ “có trách nhiệm phải can dự nếu muốn duy trì một cán cân lực lượng trong vùng để đảm bảo sự công bằng cho mọi quốc gia ở châu Á.”[18] à Ta có thể vận dụng sự quan tâm của Hoa Kỳ tại biển Đông để hoạch định một chính sách lôi kéo, tận dụng sự ủng hộ của Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc trong tranh chấp ngoài biển vốn chưa giải quyết xong.
b. Chính sách cụ thể với Việt Nam
Việt Nam có vị trí chiến lược về mặt kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong khu vực châu Á, do đó mà việc hợp tác với Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước. Có lẽ một phần vì vậy mà từ khi Việt Nam đổi mới kinh tế và tăng tốc độ hội nhập ASEAN, nhất là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, vị trí của Việt Nam trong quan niệm chiến lược của Hoa Kỳ đã thay đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng “phát triển quan hệ sâu sắc hơn trên cơ sở cùng có lợi”.[19] Tuy nhiên, chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam gắn chặt với “diễn biến hòa bình”, truyền bá dân chủ, nhân quyền phương Tây, tự do thương mại bởi Việt Nam vẫn là nước xã hội chủ nghĩa và đây cũng là những đặc trưng trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ ngày đầu lập quốc.[20]
4. Chính sách đối ngoại Việt Nam với Hoa Kỳ giai đoạn 1995 – 2006
Chính sách đối ngoại trong giai đoạn này không phải là sự phủ định đối với giai đoạn trước mà trái lại, nó là sự kéo dài, kế thừa và nối tiếp, đi kèm với những thay đổi để phù hợp với nhu cầu mới, tình hình mới. Vì thế, ta cần tìm hiểu chính sách trong giai đoạn trước để góp phần vào việc xây dựng bước đi đúng trong tương lai. .
Sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ ngày 12/07/1995, chính sách của ta với Hoa Kỳ đã có chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực. Đối với ta, việc quan hệ với Hoa Kỳ - cường quốc số 1 đem lại nhiều ích lợi, đặc biệt là lợi ích kinh tế, đồng thời có thể gia tăng vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế nếu có quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Vì vậy, trong giai đoạn 1995 – 2006, sau khi Hiệp định bình thường hóa được ký kết, Việt Nam luôn tích cực xây dựng quan hệ nhiều mặt với Hoa Kỳ, đặc biệt là kinh tế. Kim ngạch thương mại 2 bên đạt mức 9,7 tỷ đô trong năm 2006 - tăng gấp 5 lần so với năm 2001 khi Hiệp BTA có hiệu lực, và không ngừng phát triển mạnh trong những năm tiếp theo. Cho đến năm 2006, vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt trên 1,4 tỷ USD, đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.[21]
Bên cạnh đó, ta cũng cam kết sẽ xây dựng quan hệ đối tác – chiến lược với Hoa Kỳ từ…
Tuy nhiên, ta cũng nhìn nhận những thách thức từ phía Hoa Kỳ nên trong chính sách, ta giữ lập trường vững vàng trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền…
[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=8&leader_topic=699&id=BT160635244.
[2] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr 42, 94-95.
[3] Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khóa IX về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, 10/04/2006.
[4] http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns080707090554
[5] http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/07/viet-my-huong-toi-quan-he-doi-tac-chien-luoc/
[6] http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vn-eu-us-08-11-2011-127519523.html
[7] “Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2007”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, http://www.chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/cpcacthoiky/2007/bc_chinhphu2007.html, truy cập ngày 12/9/2011.
[8] “Thống kê tình hình kinh tế - xã hội 2008”, Tổng cục Thống kê Việt Nam,http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=413&thangtk=12/2008, truy cập ngày 13/10/2011.
[9]Anh Quân (2011), “Lạm phát 2012 của Việt Nam sẽ giảm mạnh”, Thời báo kinh tế Việt Nam, http://vneconomy.vn/20111122114253907P0C9920/wb-lam-phat-2012-cua-viet-nam-se-giam-manh.htm, truy cập ngày 13/10/2011.
[10] Nguyễn Nam Dương, Về cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nghiên cứu quốc tế số 3 (86), 9/2011: 119-135.
[11] Lê Thế Mẫu, Nhận thức về quan điểm cục diện thế giới đa cực trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tạp chí Cộng sản Điện tử.
[12] Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc tháng 3/2011
[13] http://dantri.com.vn/c36/s36-452035/chu-tich-trung-quoc-len-duong-tham-my.htm
[14]Ralph A. Cossa,“Security Implications of Conflict in the South China Sea: Exploring Potential Triggers of Cònlict”
[15] Phạm Thùy Trang, Lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Nghiên cứu Quốc tế số 2(77), 6/2009
[16] Phạm Thùy Trang, Lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Nghiên cứu Quốc tế số 2(77), 6/2009
[17] Phạm Thùy Trang, như trích dẫn 18, tr.36.
[18] Nguyễn Mạnh Hùng, như trích dẫn 16.
[19] Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với ASEAN và Việt Nam có gì mới, http://ngoaivuhagiang.gov.vn/home/nc81/tintuc-1845/Chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-voi-asean-va-viet-nam-co-gi-moi.html, 12/12/2011.
[20] Tạ Minh Tuấn, Phát huy các giá trị trong chính sách đối ngoại: So sánh trường hợp của Hoa Kỳ và Việt Nam, Nghiên cứu quốc tế số 1(80), 3/2010: 33-42.
[21] http://vtc.vn/1-9571/kinh-te/thu-tuong-muon-my-tro-thanh-ban-hang-so-1-cua-vn.htm
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top