Bộ công thương: Hoa kỳ 06-11 định hướng 15

BỘ CÔNG THƯƠNG

BÁO CÁO TÓM TẮT

TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI HOA KỲ GIAI ĐOẠN 2006 - 2011

KẾ HOẠCH NĂM 2012 VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU

KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011-2015 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

HÀ NỘI, THÁNG 01-2012

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI HOA KỲ GIAI ĐOẠN 2006 - 2011

I.      KHÁI QUÁT CHÍNH SÁCH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI HOA KỲ GIAI ĐOẠN 2006 – 2011

1.     Đại hội Đảng X (2006)

     Đại hội X nhấn mạnh yêu cầu "đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững" và đặt cao nhiệm vụ "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế", "hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương".

     Để phát triển thuận lợi thì hoạt động đối ngoại phải góp phần mở rộng tối đa quan hệ quốc tế, tạo dựng mối quan hệ đan xen với các nước và các trung tâm trên thế giới, tạo dựng môi trường êm thấm ở bên ngoài. Trong 20 năm đổi mới chúng ta đã mở rộng được đáng kể quan hệ hợp tác quốc tế về "chiều rộng"; nay Đại hội X nhấn mạnh yêu cầu "đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững". Đồng thời vì mục tiêu phát triển, các hoạt động đối ngoại phải hướng mạnh vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thiết thực như mở rộng thị trường, có thêm đối tác, tranh thủ tối đa vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Do đó không phải ngẫu nhiên mà văn kiện đại hội đã nêu cao yêu cầu "đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại". Nói một cách hình tượng, hoạt động đối ngoại vừa phải tạo môi trường quốc tế "vô hình" thuận lợi, vừa phải đem lại những lợi ích "hữu hình", trong đó kim ngạch xuất khẩu phải tăng bình quân hằng năm chí ít là 16%, vốn nước ngoài chí ít phải đóng góp hơn 30% tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội.

     Điểm mới nữa là Đại hội X đặt cao nhiệm vụ "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế", "hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương" vì nước ta đang đứng trên ngưỡng cửa của sự hội nhập hoàn toàn và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới với việc nỗ lực hoàn tất thủ tục để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhân đây cần nhấn mạnh rằng, hội nhập không phải là mục tiêu tự thân hay là "mốt thời thượng", hoặc do sự thúc ép nào từ bên ngoài,  mà là sự chọn lựa của bản thân nước ta, coi đó là một trong những biện pháp cần thiết để đạt tới mục tiêu phát triển. Có thể nói, nền kinh tế nước ta là một trong những nền kinh tế "mở", gắn kết với nền kinh tế thế giới vào loại hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta bằng khoảng gần 140% GDP (so  với 56,9% của Trung Quốc, 58,5% của Nga, cao nhất trong ASEAN, chỉ sau Xin-ga-po); ODA và FDI đóng góp khoảng trên dưới 30% tổng số vốn đầu tư của toàn  xã hội. Nói cách khác, ở cả "đầu vào" lẫn "đầu ra" nhân tố bên ngoài đều chiếm vị trí rất quan trọng; không hội nhập để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thu hút vốn đầu tư thì khó bề đáp ứng nhu cầu phát triển.

2.      Đại hội Đảng XI (2011)

          Điểm mới trong phương châm đối ngoại của Đại hội XI là “hội nhập quốc tế”.  Về hội nhập quốc tế, Đại hội XI chuyển từ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” được thông qua tại Đại hội X thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội....

          Hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhất là khả năng tranh thủ hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài. Cùng với hội nhập kinh tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác sẽ tạo cơ hội lớn hơn trong tiếp cận tới tri thức tiên tiến của nhân loại, gia tăng mức độ đan xen lợi ích, từng bước làm cho đất nước trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới, chiếm vị trí ngày càng cao trong nền kinh tế, chính trị và văn hóa toàn cầu. Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực cũng tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, từ hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác chuyển sang hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đặt ra cho chúng ta một số thách thức mới. Những bất ổn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, chính trị, xã hội từ bên ngoài sẽ nhanh chóng tác động tới nước ta; các loại tội phạm xuyên biên giới và các thách thức an ninh phi truyền thống khác có thể phương hại đến an ninh quốc gia, từ an ninh kinh tế đến an ninh chính trị - xã hội. Phạm vi và tốc độ lây lan của các cú sốc từ bên ngoài cũng gia tăng. Đồng thời, yêu cầu bổ sung và hoàn thiện thể chế; cải cách và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao v.v.. sẽ ngày càng lớn.

          Theo đó, để giảm thiểu các tác động tiêu cực và khai thác tối đa các cơ hội từ hội nhập quốc tế, nội hàm và lộ trình của hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội cần phải được xác định phù hợp với thế, lực của đất nước và bối cảnh tình hình đất nước sao cho hội nhập quốc tế phục vụ hiệu quả nhất mục tiêu phát triển, bảo vệ Tổ quốc XHCN và vị thế quốc gia.

          II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VỚI HOA KỲ GIAI ĐOẠN 2006 – 2011

1. Công tác triển khai chính sách

          1.1. Trên lĩnh vực thương mại

          1.1.1. Tăng trưởng thương mại

            Năm 2006, Thương mại song phương đã tăng mạnh kể từ tháng 12/2001 khi ký kết BTA. Theo đó, hai bên mở rộng quan hệ thương mại bình thường, và hạ mức thuế quan với hàng nhập khẩu của nhau. Tổng thương mại bán lẻ năm 2006 là 9,4 tỉ USD, gấp 6 lần so với trước khi BTA có hiệu lực. Nhập khẩu là 1,1 tỉ và xuất khẩu là 8,3 tỉ USD. Đáng chú ý, ngày 31/5/2006 hai nước đã chính thức ký thoả thuận kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 9/12/2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật áp dụng quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam và ngày 29/12/2006 Tổng thống G. Bush đã ký ban hành luật này. Bước cuối cùng trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ kinh tế giữa VN và Mỹ được hoàn thành vào tháng 12 năm 2006.

            Năm 2007, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch khoảng 10,2 tỷ USD (tổng là 48,387 tỉ USD), chiếm 21,3% tổng xuất khẩu cả nước. Năm 2007, thương mại với Mỹ tăng lên 12 tỷ USD. Hơn 80% lượng tăng  từ 2001 là do tăng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện thực hoá cam kết của hai Chính phủ  coi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) là bước đệm cho việc Việt Nam ra nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 21/6/2007, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hai bên đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Tổ chức Hội đàm về TIFA (Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư)Vào tháng 12 năm 2007, các quan chức thương mại của Việt Nam và Mỹ tổ chức buổi họp đầu tiên trong khuôn khổ TIFA song phương mới ký kết. 10 tháng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thương mại trong phương tăng 25%, nhập khẩu của Mỹ tăng 75% và xuất khẩu sang Mỹ tăng 22%. TIFA được coi là bước quan trọng tiến tới một FTA. Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng Chương trình giám sát hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam năm 2007. Tuy nhiên cũng trong năm này, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên là một trong các mặt hàng đứng đầu trong danh mục mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 33,4% so với thực hiện năm 2006) và đứng trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

            Năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ kim ngạch trên 11,86 tỉ USD, (tổng kim ngạch xuất khẩu là 63 tỉ USD) tăng 17,63% so với năm 2007. Như vậy, tăng chậm hơn thị trường châu Á hay châu Đại Dương, trong đó hàng dệt may chiếm tỉ trọng 43,02%, đạt kim ngạch trên 5,1 tỷ USD. Hoa Kỳ và Việt Nam đàm phán Hiệp định Bầu trời mở dành cho vận chuyển hàng hóa. Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu đối thoại về Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT). Tháng 5 năm 2008, Việt Nam chính thức đề nghị được tham gia chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ với tư cách là 1 nước đang phát triển được hưởng lợi (BDC). Chương trình này cho phép Tổng thống miễn thuế cho 1 số mặt hàng nhập khẩu của các BDC. Tuần trước khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Washington (20 tháng 6) năm 2008, chính quyền Bush tuyên bố sẽ bắt đầu xem xét xem Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để được tham gia chương trình GSP không. Mục đích chính của chương trình, được bắt đầu từ thập kỷ 70, là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển ở các nước đang phát triển bằng cách tăng xuất khẩu.

            Năm 2009 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 14,364 tỷ USD (tổng là 56,6 tỷ USD) trong đó Việt Nam xuất 11,355 tỷ USD (giảm 5,5% so với 2008), hơn 40% lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ là từ Việt Nam. Việt Nam nhập 3,009 tỷ USD. Trong năm 2009, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ và trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ giảm so với một năm trước đó trong khi nhập khẩu từ thị trường này lại tăng nên xuất siêu của Việt Nam đạt 8,35 tỷ USD. Việt Nam đề nghị lại về việc tham gia GSP. Việt Nam đến giờ vẫn chưa được tham gia chương trình do các vấn đề: ý thức hệ, vấn đề quyền của người lao động và quyền sở hữu trí tuệ.

            Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 18,004 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất 14,238 tỷ USD (tổng là 71,6 tỉ USD-18%), Việt Nam nhập 3,766 tỷ USD (tổng là 84 tỉ USD), tăng 25,38% so với năm 2009, trong đó hàng dệt may chiếm tỉ trọng lớn nhất 42,52%, đạt kim ngạch trên 6,05 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường lớn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam như hàng dệt may, thủy sản, giầy dép, vali, túi xách, mũ, ô dù, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, dầu thô, hải sản…

            Năm 2011, xét về thị trường, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thương mại 2 chiều tăng từ 14,8 tỉ USD kim ngạch 2 chiều của năm 2010 đã tăng lên 20 tỉ USD vào năm 2011. Hoa Kỳ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2011 với 16,7 tỷ USD (tổng là 96,3 tỉ USD), nhập khẩu đạt (tổng là 105,77 tỉ USD). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 11,3 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD, tăng 21,5%.

  1.1.2. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực

-         Hàng nội thất, đồ gỗ: Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã từ vị trí thứ 62 trở thành nước XK hàng nội thất lớn thứ 4 vào Mỹ, vượt qua các nước khác như Ý, Malaysia và Đài Loan. Nội thất chiếm 11% lượng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2009, và là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 sau máy điện tử kể từ năm 1998.

-         Giầy dép: Mặt hàng giầy dép chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào Mỹ.

-         Thiết bị điện tử: Trong 10 năm tăng hơn 1000 lần, đạt 630 triệu USD năm 2009 và chiếm 5% lượng xuất khẩu sang Mỹ.

-         Hàng dệt may: Phần lớn lượng tăng trong thương mại 2 chiều từ 2001 đến nay là tăng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam (khoảng 2,6 tỷ USD năm 2005). Dệt may là mặt hàng Mỹ nhập nhiều nhất từ Việt Nam. Năm 2006, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 vào Mỹ, chiếm khoảng 4% lượng nhập khẩu của nước này (năm 2001 con số này là 0,1%). Đây là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam năm 2006, (sau dầu thô) với giá trị 5,8 tỷ USD

  1.2. Trên lĩnh vực đầu tư

         Đến năm 2009, Hoa kỳ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký là 9,8 tỷ USD. Số vốn của công ty Hoa Kỳ chiếm 45,6 phần trăm tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp Mỹ dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhờ các dự án xây khu du lịch và khách sạn lớn.

Tính đến hết năm 2009 Hoa Kỳ đứng thứ 6/89 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với 495 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.5 tỷ USD.

Tính đến 20/12/2010 Hoa Kỳ đứng thứ 7/92 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với 556 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 13,075 tỷ USD.Tính đến ngày 20/7/2011, Hoa Kỳ có 579 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 13,251 tỷ USD và tổng vốn điều lệ là 3,209 tỷ USD.

Phân theo ngành, vốn đầu tư của Hoa Kỳ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ với 131 dự án có tổng vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD (chiếm khoảng 29% về số dự án và 66% tổng vốn đầu tư đăng ký). Riêng lĩnh vực khách sạn - du lịch mặc dù chỉ chiếm 3% về số dự án nhưng chiếm tới 52% tổng vốn đăng ký, do có nhiều dự án lớn nên quy mô trung bình một dự án lớn nhất (166 triệu USD /dự án). Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 254 dự án và tổng vốn đầu tư là 1,24 tỷ USD (chiếm khoảng 60% về số dự án và 30% về vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam).  Số còn lại đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

          Phân theo hình thức đầu tư, đa số các nhà đầu tư Hoa Kỳ lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài, chiếm 80% về số dự án và 78% về vốn đăng ký. Hình thức liên doanh chiếm 15% về số dự án và 17% về vốn đăng ký. Hình thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí có 14 dự án với tổng vốn đầu tư 80,4 triệu USD. Ngoài ra, Hoa Kỳ có 10 dự án hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Phân theo địa phương, trừ lĩnh vực dầu khí, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có mặt tại 35/64 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các địa phương thuộc trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa -Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Chỉ với 11 dự án, Bà Rịa -Vũng Tàu đã vượt lên trở thành địa phương có số vốn đầu tư của Hoa Kỳ cao nhất, đạt 1, 796 triệu USD chiếm 44% tổng vốn đầu tư; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 585 triệu USD, chiếm 13%, Đồng Nai đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 341 triệu USD, chiếm 9%; số còn lại là các địa phương khác.

Các dự án FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phát huy được những thế mạnh của nhà đầu tư cũng như đáp ứng được yêu cầu của hai nước, mang đến lợi ích cho cả hai bên. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và phát triển nguồn nhân lực.

          Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, hai nước đã chính thức khởi động việc đàm phán Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008. BIT bao gồm các quy định có phạm vi và mức độ cam kết cao hơn so với các cam kết có liên quan của Việt Nam trong WTO và Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA).

          Nhìn chung, quan hệ đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoa Kỳ đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

1.3. Các lĩnh vực dịch vụ khác

1.3.1.  Vận chuyển hàng hóa (đường biển và hàng không – giao thông vận tải)

          Dịch vụ vận chuyển container trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện trong năm 2009 với cảng nước sâu Cái Mép. Năm 2010, Việt Nam và Mĩ kí một hợp đồng vận tải hàng không mới sau hơn một năm đàm phán và chuẩn bị. Việc này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các hợp đồng vận tải hàng hoá của hai nước và đi xa hơn vào thị trường hành khách.Như vậy, hợp tác về giao thông vận tải chưa thực sự phát triển.

          1.3.2.  Du lịch

          Năm 2006, du khách Mĩ đến VN đạt khoảng 500 nghìn khách. Đầu tư vào VN là 46 triệu USD, chiếm gần 0,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch của Việt Nam. So với năm 2000, du khách Mĩ đến VN chỉ đứng thứ 9, nhưng đến 2006 thì đã lọt top 5.

          Ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2011 đạt 2.518.854 lượt khách, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm 2011, hầu hết các thị trường khách đều tăng, cụ thể: tăng nhiều nhất là thị trường khách Campuchia với 75,2%, tiếp đến là Trung Quốc 49,6%, Malaysia 18,1%, Nhật 12,8%, Pháp 9,4%, Úc 8,2%, Đài Loan 7,2%, Mỹ 4,0%, Hàn Quốc 2,5%, thị trường khách giảm là Thái Lan giảm 24,4%.

          Việt Nam cũng được xem là 1 trong 10 điểm đến ưa thích nhất của du khách Mĩ, tuy nhiên Việt Nam chưa có chính sách để thu hút tối đa lượng khách tiềm năng này.

          Mĩ cũng là điểm đến được ưa thích của rất nhiều người Việt, nhất là từ 2008 trở lại đây tăng gấp 5-8 lần (6 tháng đầu năm 2008 tăng gấp 8 lần). Tuy nhiên, tiềm năng du lịch còn chưa được khai thác hết ở cả hai phía, nhất là VN. Nguyên nhân là dịch vụ du lịch và chất lượng chưa tốt, chưa đa dạng, ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan chưa cao.

1.3.3.  Tài chính, ngân hàng, kinh tế

          Tháng 4 năm 2011, Mĩ sẵn sàng hỗ trợ kĩ thuật cho Việt Nam về giám sát tài chính và kiểm soát hệ thống ngân hàng.Mỹ đã  thực hiện một số công trình tổng kết về kinh tế Việt Nam cho chính phủ Việt Nam. Về đầu tư và kinh doanh bất động sản: tổ chức bất động sản lớn của Mĩ(Hiệp hội bất động sản châu Á của Mỹ-AREAA) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ phát triển với Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

          Các tổ chức tín dụng Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam: hai chi nhánh ngân hàng Citi Bank (tại Hà Nội) và JP Morgan Chase Bank (TP.HCM); 4 Văn phòng đại diện gồm American Express Bank (Hà Nội), JP Morgan Chase Bank (Hà Nội) và Continental Currency, Transfers (Hà Nội, TP.HCM), văn phòng đại diện ngân hàng Wachovia, N.A (TP.HCM).

1.4. Hợp tác trên các diễn đàn đa phương

          Trong tiến trình toàn cầu hóa, Đảng và nhà nước ta đã xác định việc tham gia vào các tổ chức kinh tế chính trị trên thế giới là một trong những mục tiêu quan trọng. Và trên thực tế, Việt Nam và Mỹ đã tham gia vào nhiều tổ chức đa phương như Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái bình dương APEC (1998) ; Liên Hợp Quốc (1977) Tổ chức thương mại Thế giới WTO (2007)

1.4.1.  Tổ chức chức thương mại Thế giới WTO (2007)

Vào ngày 11/1/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO và Mỹ dành Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam và ký kết thỏa thuận song phương cho WTO, hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ  trong quan hệ kinh tế.  Trong quá trình tham gia và hoạt động, Việt Nam và Mỹ đã có những bước hợp tác trong quan hệ nhưng  bên cạnh đó cũng ẩn chứa những bất đồng.

Việt Nam khởi kiện Mỹ ra WTO về vụ bán phá giá cá basa và kiện tôm 2010. Trong khuôn khổ WTO, Mỹ có thể nói Việt Nam làm thiệt hại đến thị trường của họ và tiếp tục đưa ra những biện pháp tự vệ đặc biệt như chống phá giá. Vào WTO, Việt Nam có thể đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế. Nhưng thường những nước hùng mạnh mới có thể sử dụng các biện pháp tự vệ. Không là thành viên WTO, Việt Nam không có bất cứ quyền lực gì trong thị trường thủy sản và dệt may, nhưng khi là thành viên thì Việt Nam vẫn có vị trí yếu. Đây đồng thời cũng là một trong những khó khăn đối với Việt Nam trong việc gia nhập WTO.

1.4.2.  Quan hệ Việt Mỹ trong khuôn khổ APEC

Về chính trị, Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình và có tiếng nói mạnh hơn trên trường quốc tế. Các hội nghị thường niên cấp bộ trưởng, đặc biệt là hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế là cơ hội quý báu cho Việt Nam tham gia vào các cuộc đàm phán song phương cấp cao và quyết định các vấn đề quan trọng của khu vực.

Về kinh tế, Việt Nam có điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại với các thành viên APEC trong đó có Mỹ.Tham gia vào APEC, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường và trong khuôn khổ APEC cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp. Do vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cơ hội. Thông qua mạng lưới của hiệp hội tài chính trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

1.4.3.  Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)

          Tháng 11/2010, Việt Nam tham gia đàm phán với Mỹ và 7 nước khác về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình (TPP), một hiệp định mậu dịch tự do toàn diện và quy mô nhất trong khu vực. Vòng 8 vừa kết thúc tại Chicago, Mỹ vào tháng 9/2011, vẫn còn một số khó khăn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các quy định minh bạch hóa, môi trường. Ta khó khăn về lĩnh vực lao động, công đoàn, mua sắm công, mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ... Khó có khả năng kết thúc đàm phán trong năm 2011.

2. Những thành tựu và hạn chế

  2.1.  Những thành tựu

  Về xuất khẩu, quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đã được mở rộng và tăng trưởng ở mức độ khá cao. Các chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng, đa dạng hoá và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp kinh tế trong nước. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ các hoạt động hợp tác kinh tế của Chính phủ và chương trình xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia.

Về nhập khẩu, cơ cấu hàng nhập khẩu có sự chuyển biến theo hướng tích cực: máy móc, thiết bị phụ tùng tăng khá; nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nhờ đó, nhập khẩu đã làm tốt nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất. Qua đó, cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu của nền kinh tế.

  Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp tốt với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực liên quan đến hội nhập quốc tế, từ WTO, ASEAN, hợp tác APEC - ASEM cũng như các hoạt động hợp tác song phương khác.

  b) Những hạn chế

  Về xuất khẩu, quy mô xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực.. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc và rất dễ bị tổn thương bởi những biến động của thị trường như khủng hoảng kinh tế, sự biến động giá cả, sự xuất hiện các rào cản thương mại mới.... Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý, về thực chất vẫn chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn. Khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh còn yếu kém ở cả 3 cấp độ (nền kinh tế, doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu). Trong đó, những hạn chế từ phía doanh nghiệp chuyển biến chậm do quy mô sản xuất nhỏ, yếu về năng lực, hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế. Hiệu quả hoạt động của mạng lưới cơ quan thương vụ ở nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu còn một số hạn chế, các chương trình xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Về nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt - may, giầy dép thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc đáng kể vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Thị trường Mỹ còn chiếm tỷ trọng chưa cao nên chưa tiếp cận được nhiều công nghệ nguồn, công nghệ cao.

  Trong giai đoạn 2006 - 2011, tình hình đầu tư trong nước cũng như thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ có những bước thăng trầm trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp. Chính phủ đã phải chỉ đạo dừng, hoãn, giãn tiến độ các dự án không thực sự cấp bách để góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2007-2008; từ cuối 2008-2009 trước tình trạng khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn tới suy giảm kinh tế, Chính phủ lại phải áp dụng các gói kích cầu kinh tế, trong đó có gói kích cầu về đầu tư. Ngoài ra, các cơ chế quản lý về đầu tư tiếp tục có những thay đổi, tuy theo hướng tích cực và tạo chủ động lớn hơn cho doanh nghiệp, nhưng cũng đã làm chậm lại quá trình thực hiện các dự án.

PHẦN THỨ HAI

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

5 NĂM 2011-2015

          I. Mục tiêu phấn đấu đến 2015: Căn cứ mục tiêu phát triển GDP bình quân 6,5-7,0%, ngành Công Thương đặt ra những mục tiêu như sau:

          - Về xuất nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 13%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 30, 78 tỉ tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến là 6,64 tỷ USD vào năm 2015.

  . - Nhu cầu vốn đầu tư: Nhu cầu vốn cho cả giai đoạn 5 năm khoảng 1.851,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ là 1.848,1 nghìn tỷ đồng; khối hành chính sự nghiệp là 3.753 tỷ đồng.

II.               Một số giải pháp thực hiện kế hoạch

1.     Nhóm giải pháp xuất nhập khẩu

  1.1. Về xuất khẩu

  - Thực hiện Chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2025, trên cơ sở đó hình thành mới những sản phẩm, nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của 5 năm 2011 - 2015. Nghiên cứu việc xây dựng Luật Quản lý ngoại thương.

  - Tăng cường năng lực thiết kế mẫu mốt, kiểu dáng sản phẩm xuất khẩu và có chính sách đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu một số loại nguyên, phụ liệu chủ yếu cho sản xuất.

  - Khai thác mọi nguồn lực để đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu để tăng năng lực sản xuất và chủ động nguồn hàng.

  - Xây dựng Chiến lược Xúc tiến thương mại theo hướng tập trung cho các chương trình lớn, mang tầm quốc gia tới các thị trường nhập khẩu lớn, có nhiều tiềm năng đối với hàng hoá của Việt Nam; kết hợp thông tin, quảng bá thông qua các kênh truyền thông lớn của quốc tế.

  - Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, đẩy nhanh các hoạt động thuận lợi hóa thương mại, thương mại phi giấy tờ, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí giao dịch.

  1.2. Về nhập khẩu

  - Đề ra các chính sách khuyến khích mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng các điều kiện thuận lợi từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế - thương mại quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn.

  - Đẩy nhanh quá trình xây dựng và sử dụng hợp lý, phù hợp cam kết quốc tế các hàng rào kỹ thuật.

  2.  Nhóm giải pháp về đầu tư

  - Nghiên cứu để có đề xuất điều chỉnh lại một số vấn đề về phân cấp đầu tư, quản lý đầu tư.

  - Đa dạng hoá các hình thức đầu tư và hình thức sở hữu, áp dụng linh hoạt các chính sách huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

  - Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý để bảo đảm các dự án được triển khai tuân thủ các quy định của pháp luật.

  3. Nhóm giải pháp về đẩy mạnh hội nhập quốc tế

- Sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể đàm phán FTA với Hoa Kỳ trong các năm tới.

        - Nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ, trong đó Bộ Công Thương đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban/.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: