chim cu gay

Chuyện tình chim cu gáy

Cúc cù cu cu, cúc cù cu cu... Hoài và Hạ mới dựng xe vào cắt thuốc bắc đã nghe tiếng chim rộn ràng. 'Tiếng chim gáy gù nghe ấm áp quá chú ạ', một bà cụ cũng đang chờ bắt mạch lên tiếng.

Lê Lê

(Truyện ngắn của tôi)

- Vâng, cụ ạ. Cứ khoảng một giờ chiều, khi xung quanh yên ắng, nghe tiếng chim cu thanh bình lắm ạ - anh thầy lang trẻ đáp lời.

- Ơ, đây là chim gáy hả cụ? Con đến đây bao nhiêu lần mà không biết. Con cứ thắc mắc tại sao bồ câu ở đây lại béo mầm như thế. Ôi, con ngố thế không biết. Hồi học cấp một cứ đọc ra rả về chim gáy và mùa gặt ấm no mà chẳng biết mặt mũi nó ra sao. - Hạ liến thoắng, không để ý đến nét mặt Hoài đang tái đi.

Bà cụ cao hứng kể:

- Hồi xưa ở quê bà, cũng tầm tháng ba này này, ngoài đồng chim gáy đã gù vang. Ngay đầu làng có cây hoa gạo to, hoa nở đỏ rực như lửa. Bà và bọn trẻ con hay ra đấy chơi, thích lắm. Rồi cứ thế, mãi đến tận mùa gặt, chim gáy sà vào cả sân phơi hợp tác ăn lúa. Bây giờ hết cả rồi. Con đẹp, gù hay thì bị bẫy đem bán. Còn con nào kem kém thì được cho vào nồi cháo tuốt.

Hạ tiếc rẻ nghe bà cụ chép miệng.

- Tiếng chim gáy làm ấm nhà lắm. Trước đây nhà nào hiếm muộn chỉ cần nuôi mấy lồng chim gáy là thế nào cũng đẻ được con mà lại con trai nữa.

Hạ chưa kịp nức nở bình luận theo thì đã thấy Hoài lả đi, phải dựa vào ghế thở. Hoài kiên quyết đòi đi về, mặc cho Hạ năn nỉ, mặc thầy lang giục bắt mạch để xem cô bị sao. Hoài bảo cô ra Hà Nội thăm Hạ và Thảo là chính. Chẳng có bệnh tật gì, ăn được, ngủ được, hà cớ gì phải đi cắt thuốc bổ.

- Hoài ơi, có chuyện gì nói cho em biết đi. Đừng giấu mà tội nghiệp cho em. - Hạ khẩn khoản.

Chợt nghĩ ra điều gì, Hạ sững người rồi òa khóc nức nở.

- Hoài ơi, tha lỗi cho em. Em vô tâm quá. Chị Thảo mà biết thì chửi em chết. Hoài ơi, chị nói gì đi. Đừng lặng lẽ mãi thế.

Hạ vòng tay ôm lưng Hoài và khóc, khóc mãi, lâu lắm. Rồi đến lượt Hoài khóc, khóc to, khóc nức nở. Nước mắt Hoài chảy ướt tay Hạ đang ôm cô, chảy tràn xuống ướt đẫm cả vạt áo phía trước.

Bố của Thảo, mẹ của Hùng và mẹ của Hạ là ba anh chị em ruột. Thảo bằng tuổi và học cùng lớp với Hùng. Hai chị em thân nhau và cùng chơi với cô bạn cùng lớp, Hoài. Cả ba không nhớ Hùng và Hoài bắt đầu yêu nhau từ bao giờ, chỉ nhớ chính thức là từ hồi cấp ba. Thảo tự hào về mối tình của em và bạn lắm vì đây đúng là một cặp trời sinh. Trai anh hùng, gài thuyền quyên mà lại. Thảo vẫn tự hào nói với mọi người như thế.

Thời đi học lớp nào chẳng có một bạn gái đẹp cả người lẫn nết, tâm hồn mơ mộng và một bạn trai giỏi toán, tốt bụng, được cả lớp nể phục. Nếu hai bạn này mà yêu nhau thì cuộc đời mới thật là đẹp đẽ. Thảo còn tự hào vì mình làm "gián điệp hai mang", góp phần làm cho đôi tình nhân thêm gắn bó keo sơn. Thảo cũng đủ rộng lượng để không tức tối khi đôi này tách ra đánh lẻ. May mà đã nắm bắt được hết tình hình chứ không thì chắc Thảo phải đi rình mò, tăm tia tin tức mất.

Thảo thừa biết hai đứa tối nào chẳng ra bãi Lặng chơi. Bãi Lặng tuy xa xóm hơn nhưng sóng biển nhẹ nhàng, lại sạch sẽ. Hoài kể hôm nào hai đứa cũng ngồi nhìn ra biển, vùi chân vào cát và nghe tiếng sóng vỗ bờ. Họ quy ước ngầm là chỉ đứng ôm nhau trước lúc về nhà vì cả hai đều sợ không kiềm chế được. Hôm nào xong bài sớm Thảo ra đợi cả hai ở rặng dừa đầu xóm. Vì Thảo không sáng láng bằng họ nên lấy cần cù bù thông minh vậy. Cả ba lại quấn quít dù sáng hôm sau đã gặp nhau ở lớp rồi.

Hùng đỗ vào Đại học Xây dựng. Hoài chỉ thi Cao đẳng Sư phạm vì nhà không đủ điều kiện cho cô ra Hà Nội học. Mà ở cái tỉnh miền Trung nắng gió này con gái Cao đẳng Sư phạm là đắt giá nhất rồi. Trầy trật mãi Thảo cũng đỗ Đại học Sư phạm I để ra thủ đô ở với bố. Ông đã trụ ở ngoài đó từ khi ra trường nhưng vẫn không đủ sức đưa cả gia đình đi theo. Chỉ nhà Hạ là đỡ vất nhất. Hai bố mẹ đã khăn đùm cơm nắm chạy các cửa để đoàn tụ gia đình giữa thủ đô từ khi em còn bé tí. Hồi Hạ bắt đầu học cấp ba thì Hùng và Thảo hay lui tới chơi. Cô em gái nhỏ nhí nhảnh lại tốt tính nên cả ba tập trung lại thành một hội.

- Chị Thảo ơi, hối lộ đi rồi em cho xem cái này.

- Trả lại anh mau...

- Khônggg...

Hạ vô duyên chạy ra xa rồi cầm tờ giấy poluya màu hồng đọc to ông ổng: "Em cứ bảo anh như cánh chim trời hay bay bổng nhưng anh đi rồi sẽ về. Lúc đó hai đứa mình sẽ như đôi cu gáy, suốt ngày rúc cổ vào nhau hạnh phúc em nhé..."

Mặt Hùng đỏ bừng hơn cả tờ giấy poluya. Anh đứng sững ngượng ngùng khi bị cô em quỷ quái tóm được lá thư đang viết dở.

Biệt hiệu "chuyện tình chim cu gáy" được lan truyền từ đó, lan cả về quê. Đôi cu gáy hạnh phúc một thời gian nữa thì Hùng bắt đầu ngãng ra, thư từ thưa thớt. Hùng ít về quê hẳn và mỗi lần về cũng chỉ gặp gỡ Hoài qua quít rồi đi, có lần còn cố tình không gặp Hoài nữa.

Có người bảo Hùng ngãng ra vì bố mẹ cấm. Hình như nhà Hoài có bệnh di truyền gì đó, không chữa được. Có người lại bảo cấm vì thầy bói bảo không hợp nhau. Riêng hội bạn bè cùng lớp cũ thì nghĩ Hùng muốn ở lại Hà Nội. Xin việc cho Hoài ngoài đó khó lắm, mà thời đó có ai dám thất nghiệp ra giữa thủ đô sống đâu. Giữa những lời bàn tán xì xào, Thảo câm lặng. Hùng không nói gì mà cô cũng không thèm hỏi. Yêu nhau đến thế mà chia tay vì lý do gì trong những lý do trên thì cô cũng xem thường. Chị em thì vẫn là chị em, một giọt máu đào hơn ao nước lã, cô vẫn thương Hùng nhưng về mặt tình cảm, yêu đương thì Hùng không đủ tư cách nói chuyện nữa rồi.

Hoài cũng không nói gì. Cô vẫn thân với Thảo như trước. Hình như hai người có một thỏa thuận ngầm là không bao giờ đả động đến "chuyện tình chim cu gáy" nữa.

Đêm cuối tháng, trăng lên muộn. Hoài lững thững men theo hàng dừa, tiến ra bãi Lặng. Trăng trông xa tít, gần chìm hẳn trong những đám mây đen tang tóc. Hoài đi ra xa. Bãi Lặng phẳng và thoải lắm nên cô cũng không biết bao lâu mới đi đến đích. Nước đã đến thắt lưng. Sóng biển chỉ ì oạp thôi nhưng cũng đủ xô cô nghiêng ngả. Người đã ngấm lạnh. Cô chợt nghĩ đến chuyện chị Tư Hậu mà hồi học trong trường thầy giáo dạy Văn bắt bọn cô phân tích rất kỹ. Chị Tư Hậu bị bọn giặc làm nhục nên định trẫm mình tự tử. Bố chồng của chị không biết can ngăn cách nào đã bấu cho cháu khóc ré lên để con dâu sực tỉnh, quay lại với con. Còn cô thì sao?

Cô chẳng có lý do nào ra hồn cả. Chẳng qua chỉ tại cái duyên của cô nó mỏng. Cũng sẽ chẳng ai làm gì để lôi kéo cô quay lại đâu. Hoài khóc ròng. Nước mắt hòa xuống nước biển. Cha mẹ vất vả chắt lọc nước biển mặn chát để sinh thành ra cô. Nước mắt của biển nay cô trả lại hết cho biển. Cô quệt tay lau mắt, quay lại và từ đó không bao giờ khóc nữa.

Hùng cưới vợ. Sau khi bỏ rơi Hoài anh không yêu ai ngay, cũng không phải lòng cô gái thủ đô sành điệu nào. Vài năm sau anh quyết định kết hôn với một cô gái ngoại thành bé nhỏ, ngoan ngoãn, không đòi hỏi gì nhiều. Ngày anh rước dâu về quê, Hoài ra Hà Nội với Thảo và Hạ. Thảo cũng vừa thất tình cho nên đang thất điên bát đảo. Hạ thì vẫn vô tư lắm nhưng thương các chị nên muốn chia sẻ nỗi lòng. Hạ bảo: Chúng mình là một tam giác hận tình nhé. "Hận tình" mà Hạ nói cứ trôi tuồn tuột như không, môi đỏ, má hồng, đương thì xuân sắc. Thảo bảo Hoài: "Mày độ lượng thật đấy. Tao mà là mày thì nó về tao đến chửi cho một trận". Hoài vô tư: "Không hiểu sao em chẳng thấy ghét anh Hùng mấy đâu hai chị ạ. Anh ấy hiền lành, dễ thương như con gái. Em cứ nghĩ là nếu chuyện của anh chị mà thành thì anh ấy cũng chẳng đủ sức bảo vệ chị".

Rồi đến ngày cả cái tam giác "hận tình" ấy cũng yên bề gia thất. Thảo bận rộn ngược xuôi cùng chồng kiếm tiền nuôi con, chẳng còn thời gian mà chua ngoa mới lại hơi tí là nhảy chồm chồm lên nữa. Hạ tuy xa quê từ bé nhưng có lẽ cái vẻ mặn mòi của con gái miền biển nơi mẹ cô quá đậm đà được bà chuyển hết cho cô. Chanh chách, nhí nhảnh vậy thôi chứ cô chịu khó, lam lũ lắm. Lúc thì lãng mạn viển vông, lúc yêu, ghét dữ dội làm anh chồng mê tít. Cô quyết định đổi tên "tam giác hận tình" thành "tam giác tình yêu" nhưng nghe chừng cái tên mới chưa đắt lắm.

Hoài lấy con của một giáo viên dạy cùng trường đã về hưu. Anh là con trưởng, vừa yêu vừa nể Hoài. Lúc Hoài và Hùng còn bên nhau, cô như chùm nho ở quá cao, ngoài tầm với của những anh chàng độc thân khác. Nhưng đến khi bị bỏ rơi cô lại rất khó lấy chồng vì "chuyện tình chim cu gáy" đã quá nổi tiếng. Chồng cô đã phải đấu tranh rất nhiều với gia đình để đến với cô. Ở cái xóm này không ít người xem chồng cô như người hứng của thừa của kẻ khác. Họ nghĩ tuy cô và Hùng hồi xưa chưa vượt quá giới hạn gì về thể xác nhưng hồn cô thì chắc đã tan nát nơi nao. Ai bảo mối tình của họ nổi tiếng quá.

Không biết có phải vì quá mệt mỏi mới lấy được nhau không mà vợ chồng cứ lành lạnh thế nào ấy, hơi thừa sự trân trọng, thương cảm mà lại hơi thiếu hơi ấm và sự chia sẻ gần gũi. Hoài mãi vẫn chưa chửa đẻ gì. Mẹ chồng bức bối, nín nhịn bao lâu nay không chịu nổi, ra giọng bóng gió, chì chiết con dâu. Chẳng gì thì người ta cũng đã đồn đại về bệnh di truyền gì đó của nhà cô đấy thôi. Chồng cô vốn ít nói nay càng kiệm lời hơn. Bà càng tức, ghét cô và ghét lây cả con mình. Bà đối xử tệ bạc với cả đứa con nuôi mà vợ chồng cô xin về nữa. May mà lâu rồi cô không biết khóc không thì nước mắt cũng chóng cạn khô. Cô vừa uất, vừa thương hại bà. Nỗi đau đã biến bà giáo thành một người tàn nhẫn.

Trên hết, cô thấy thương hại bản thân mình. Mỗi lần như vậy cô lại đứng lên, bước ra ngoài vườn, như muốn nuốt một cục gì to lắm qua cổ họng mà không trôi. Thôi thì vì kiếp trước mình vụng đường tu. "Kiếp trước vụng đường tu" - cái câu này hay ho lắm. Nó như đoạn băng dính cố dán lại hết những đau khổ, bẽ bàng, xui xẻo mà con người ta phải chịu. Rồi thỉnh thoảng nó lại bong ra từng mảng - đó là lúc cái lý do đó cũng không đủ mạnh để làm cho người ta bình yên, là lúc khổ đau kìm nén không nổi lại bung ra. Rồi người ta lại phải cố dính nó lại mà sống.

Hoài vẫn mơ mộng, yêu văn chương vì nó chính là cái nghề của cô, một cô giáo dạy văn. Cô vẫn chép tay những vần thơ yêu thích nhưng cái mộng mơ cũng như hạnh phúc cuộc đời cô chỉ dừng lại ở cái thời cắp sách đến trường.

Cơn gió nhỏ giữa chiều thu lơ lửng

Búp lá bên đường cũng thức dậy tình yêu

Và mùa hè đầy ắp tiếng ve kêu

Hoa sen thắm đưa hương mười tám tuổi

Và những cái nhìn rất vội

Suốt mùa trăng, mùa trăng, mùa trăng...

Những câu thơ trên của Bằng Việt trong bài Em đừng ghen là kiểu thơ cô say mê. Cô học đọc thuộc lòng nhiều những khổ thơ như vậy lắm. Nhưng rồi một hôm cô chợt nghĩ đó là thơ người ấy dành cho vợ chứ đâu phải cho mình. Những gì cô yêu thích đều không phải của cô. Từ đó cô không chép thơ nữa.

***

Thảo tất bật, chưa kịp dừng xe đã la toáng lên gọi Hoài và Hạ. Cô bực mình vì Hạ không đợi mình đến mà đã buôn chuyện thao thao bất tuyệt:

- Hôm vừa rồi em đi đến chỗ anh Hùng chơi. Anh ấy đội mũ bảo hộ lao động chỉ huy một đống công nhân. Lâu rồi không gặp, các chị có tưởng tượng được không, lùn và béo tròn nhé. Hồi xưa không uống được rượu, bây giờ đã là dân công trường, uống rượu bằng bát. Nhưng mà da mặt vẫn nhẵn nhụi, nuột nà như con gái. Em bảo hôm nào rỗi em sẽ mang tặng anh ấy một chuỗi hạt cườm. Anh ấy hỏi để làm gì? Em nói là để anh đeo vào cho giống con chim ngói béo nục. Anh ấy đuổi em suýt va vào đống gạch đấy.

- Vâng, thế cô tưởng khuôn mặt thư sinh của chồng cô thì trông xù xì, gai góc như khuôn mẫu của cô lắm đấy à? - Thảo chọc.

- Nhưng chồng em gai góc ở bên trong.

- Thế thì nó là quả cóc à?

- Bà ơi, quá lắm nhé. Ép em vừa thôi. Có muốn em gọi anh Phương, chồng chị là trái đào lộn hột không?

Thảo với tay định phát yêu cho Hạ một cái.

- Chị Hoài biết không? Lần đầu tiên gặp, em thấy anh ấy đội mũ len chùm hụp, mặc áo cổ lọ, vừa nói vừa lấy cổ áo che hết cả mồm, hở ra mỗi cãi mũi như cái hột dính vào cái quả - trông chẳng buồn cười như trái đào lộn hột là gì?

Hạ chuyển buồn. Bao nhiêu câu chuyện gây cười như vậy nhưng Hoài vẫn lặng thinh, dường như không phản ứng. Hạ nhìn Hoài, vừa có vẻ khích lệ, vừa có ý trách. Mặt Hoài hơi căng thẳng rồi đỏ dần. Rồi cô cười, cái cười như mếu, rồi cười to hơn, lanh lảnh như hồi còn đi học. Thảo tròn xoe mắt ngạc nhiên và lo lắng. Lâu lắm rồi mới nghe Hoài cười như vậy. Lúc mới vào thấy Hạ kể chuyện xưa cô đã giật mình.

Hạ gửi thư cho Hoài:

Chị yêu quý,

Sau hôm nghe bà cụ ở hiệu thuốc bắc kể về chim gáy và hoa gạo em háo hức quá nên đi tìm xem bằng được cây hoa gạo cho đỡ nhớ chị ạ. Hôm ấy em đi mua bánh mì, qua hồ gươm và để ý thấy một cây gạo to. Trước đây em đã nhìn thấy một cây hoa gạo ở quê bạn em ngày em đi đưa bạn ấy ra đồng. Tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp đi cậu bạn ấy của chúng em. Hoa gạo đỏ rực đầy cây, những bông hoa to thắm trên những cành cây khẳng khiu. Không hiểu sao em thấy nó đỏ như màu máu, như là bạn em về gặp chúng em lần cuối.

Cây gạo ở Hồ Gươm cao lắm. Một mảng hoa rộng, đỏ chói nằm ngay trên những tán lá sấu xanh. Hai màu xanh đỏ quyện vào nhau đẹp vô cùng chị ạ. Vừa đằm thắm, vừa rực rõ, vừa yên bình mà vừa rạo rực tình yêu. Đừng cười em ngẩn ngơ nhé. Chắc em cũng hay mộng tưởng hão huyền như chị thôi. Em đang mộng du thì mấy bác bảo vệ quát: "Sao lại để xe ở đây. Trông thì chẳng giống ai lại còn rởm đời, hoa với hoét. Bỏ cái khẩu trang che mặt ra xem nào". Em vội vàng nhặt vài bông hoa rụng rồi nổ máy đi. Thế là lúc nào em muốn nghe cu gáy gù thì đi cắt thuốc bắc, muốn xem hoa gạo thì đi mua bánh mì. Vâng, em rởm đời cũng được. Em thích thì tự đi xem, chẳng thích ngồi một chỗ rồi than thở bao giờ cho đến ngày xưa, chị nhỉ.

Trước khi chị rời Hà Nội hôm trước em cố tình kể chuyện về anh Hùng đấy chị ạ. Em trộm nghĩ thời gian cũng đã quá dài, chị đừng nghĩ đến quá khứ nữa. Anh ấy và vợ cũng ổn, rất chịu khó làm ăn và chắc chẳng bao giờ nghĩ ngợi đến chuyện tình cảm bâng quơ như chị em mình đâu chị ạ...

Hoài viết lại cho Hạ:

Em nói đúng đấy, em gái nhỏ ạ. Ngày xưa sẽ không bao giờ quay trở lại và cũng không nên quay lại vì những chuyện ngày xưa chỉ phù hợp cho thời đã qua. Em yên tâm. Chị đã khóc và đã cười được. Chị đã để đầu óc tự do nghĩ về anh Hùng, không cố cấm đoán và cũng không chết lặng đi nữa. Chị nghĩ mình đã vượt qua được quá khứ, điều mà đáng ra chị phải làm được sớm hơn nhiều.

Cháu Thương, con nuôi của anh chị đã làm cho chị bất ngờ em ạ. Cháu bảo là cháu không giận bà vì bà hay mắng cháu là vì bà yêu cháu. Một số người lớn muốn giấu chặt yêu thương trong lòng mình. Mới bảy tuổi mà cháu đã suy tư quá. Chị chỉ sợ cháu còn bé mà đã phải mang tâm tư hộ mẹ rồi.

Chị và chồng sẽ đi chữa vô sinh. Mọi người cứ tưởng nguyên nhân là do chị nhưng không phải. Bọn chị đã có cháu Hà nên việc chị có sinh đẻ được hay không không quá quan trọng. Nhưng bọn chị sẽ đi chữa vì muốn cố gắng hết sức vì tình yêu. Cho chị gửi lời hỏi thăm chị Thảo. Chúng mình hãy phấn đấu là một tam giác tình yêu thực sự em nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: