Vô Vàng 1


  1. Ý tưởng táo bạo và lãng mạn của nhà thơ trước cuộc đời tươi đẹp:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

* Đoạn thơ đầu hiện lên với hình ảnh Xuân Diệu đang lo âu trước sự phai tàn của cái đẹp,"sợ" sắc màu "nhạt mất", "sợ" hương thơm "bay đi" bởi ông vô cùng trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống.
* Điệp ngữ "Tôi muốn" xuất hiện hai lần với mục đích:
+ Thể hiện khao khát lưu giữ hương sắc cuộc đời đang nồng cháy và rạo rực trong tâm hồn thi sĩ.
+ Nó cũng khẳng định cái tôi trữ tình của nhà thơ, một cái tôi dám đứng lên bộc bạch ước muốn của bản thân, dù những ước muốn ấy hết sức phi lý và quá tầm với. Đây chính là một trong những cái "mới" của "Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới" (1), nó trái ngược hoàn toàn với tính phi ngã của văn học trung đại.
* Những động từ "tắt nắng", "buộc gió" cho thấy:
+ Khát khao đoạt quyền tạo hóa, ngăn lại dòng chảy của thời gian của Xuân Diệu không chỉ lãng mạn, mà còn ngông cuồng, táo bạo.
+ Những mong ước mãnh liệt của thi sĩ xuất phát từ tình yêu da diết với cuộc sống và cái tôi say mê trần thế.
* Giọng điệu trong bốn câu đầu bài mang âm điệu tình yêu tha thiết và mạnh mẽ. Cảm nhận sâu hơn, ta thấy trong lời thơ còn có cả sự tiếc nuối trong những chữ "đừng" đầy day dứt.

2. Bức tranh thiên đường trần thế qua cảm nhận tuyệt vời của Xuân Diệu:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần."

* Điệp ngữ "này đây" lặp lại trong năm câu thơ liên tiếp đã bộc lộ dụng ý nghệ thuật của tác giả:
+ Âm hưởng thơ vui tươi như bản hòa ca rộn ràng.
+ Tác giả trầm trồ ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuộc sống.
+ "Này đây" như lời giới thiệu, lời mở khi Xuân Diệu miêu tả về một loạt những hình ảnh thiên nhiên sinh động.
* Biện pháp liệt kê cùng trường từ vựng thiên nhiên với những từ "ong bướm", "hoa", "đồng nội", "lá", "cành tơ", "yến anh", "ánh sáng",... giúp người đọc hình dung ra bày tay kì diệu của tạo hóa reo rắc trên mảnh đất trần thế những gì tinh tú và tươi tốt, trong lành, đẹp đẽ nhất.
* Phải, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đang ở độ xuân sắc nhất. Chúng được đặt trong "tuần tháng mật" ngọt ngào và trọn vẹn, được thả trên những đồng cỏ mướt xanh, những chiếc lá tơ non mơn mởn, những chú chim hót bản tình ca da diết nhất. Mẹ thiên nhiên tạo ra cảnh vật, còn thơ Xuân Diệu tưới sức sống lên cảnh vật.
* Bức tranh thiên nhiên căng tràn nhựa sống ấy được vẽ nên bởi màu sắc, ánh sáng, thậm chí cả hương thơm và thanh âm. Điều này cho thấy để miêu tả sự sống động của thiên đường trần thế mà Xuân Diệu ngợi ca và yêu mến, ông đã vận dụng tất cả giác quan, từ thị giác để nhìn hình thái xinh đẹp đến thính giác để lắng nghe nhịp điệu thiên nhiên,...
* Tất nhiên, thiên nhiên của thi sĩ không chỉ đẹp, giàu sức sống mà còn vô cùng tình tứ. Mọi sự vật đều có đôi, có lứa, gắn bó, hòa quyện. Những cây cỏ, chim chóc cũng có linh hồn, cảm xúc, cũng nồng nhiệt yêu đương. Từ đó ta kết luận được Xuân Diệu đã dùng cả linh hồn tinh tế, sâu sắc của mình để hòa vào đắm chìm cùng thiên nhiên.
* Bức tranh của Xuân Diệu không chỉ có thiên nhiên, mà còn có cả con người. Tác giả dùng biện pháp so sánh để ví von tia nắng ban mai ấm áp với những ánh nhìn long lanh, lấp lánh từ sau rèm mi kiều diễm của người thiếu nữ xuân thì. Đây lại là một điểm mới nữa trong thơ Xuân Diệu: đặt con người làm chuẩn mực cái đẹp, rất khác với quan niệm thẩm mĩ của người xưa – thiên nhiên là thước đo của sự hoàn mĩ: "Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" (2).
* Một lần nữa tác giả đề cao vẻ đẹp của con người: "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần." Biện pháp tu từ so sánh kết hợp chuyển đổi cảm giác miêu tả cái đẹp của tháng Giêng hấp dẫn như đôi môi người con gái đỏ mọng và căng đầy sức sống. Tháng Giêng từ một khái niệm trừu tượng đã được hữu hình hóa khi ví với vẻ đẹp mong manh, quyến rũ của con người ở tuổi trẻ đẹp nhất, xuân sắc nhất. Qua đó, ta thấy bên cạnh các giác quan và tâm hồn, nhà thơ còn vận dụng trí tưởng tượng phong phú để vẽ nên bức họa thiên nhiên mùa xuân giàu sức gợi.
* Chính vì cảm thấu được cái đẹp đa dạng và muôn màu của cuộc đời, tác giả mới tận hưởng được trọn vẹn niềm hạnh phúc: "Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa". Vị thần nào đã ngày ngày đem niềm vui và hạnh phúc đến trước cửa nhà như món quà cho thi sĩ? Đó là kết tinh của trí tưởng tượng vô biên và lòng yêu cuộc sống hòa với cảm nhận có chiều sâu của Xuân Diệu.

3. Thi sĩ giật mình tiếc nuối:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."

* Dấu chấm câu không tùy tiện xuất hiện giữa hai vế "Tôi sung sướng" và "vội vàng một nửa". Cấu trúc câu đặc biệt này nhấn mạnh và tách biệt cảm xúc của nhà thơ. Ông càng sung sướng đón chào cái đẹp và niềm vui cuộc sống bao nhiêu thì càng nuối tiếc và mong muốn ghìm giữ nó bấy nhiêu.
* Câu thơ sau mang hình ảnh ẩn dụ: mùa hạ – tượng trưng cho những năm tháng sau này, mùa xuân – hiện tại, tuổi trẻ tươi đẹp. Nhà thơ không đợi những cơn mưa rào mùa hạ đến rồi mới nhớ mưa phùn lất phất bay của mùa xuân. Ông tiếc mùa xuân, tiếc những tháng ngày trẻ trung, căng tràn nhựa sống ngay khi nó còn đang diễn ra.
* Hai câu thơ chính là nỗi buồn, hụt hẫng của con người biết quý trọng thời gian, thấu sự trôi chảy của dòng đời. Đây cũng là con người đưa ra quan niệm sống "vội vàng" – sống quấn quít, chạy đua với thời gian, trân trọng và gìn giữ từng giây từng phút của cuộc đời quý giá này.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: