Chiều tối
A. Mở bài
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất mà Người còn là danh nhân văn hóa thế giới, là một nhà văn hóa, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bên cạnh sự nghiệp chính trị, sự nghiệp văn học của Người được coi là một tài sản quý giá của nền văn học nước nhà. Trong di sản văn nghệ, Người để lại cho chúng ta,”Nhật kí trong tù “ là một trong những thành tựu có giá trị nhất “ Tập thơ đã tỏa ra ánh sáng của một bậc nhân, đại trí, đại dung”. “Chiều tối” là một trong số những thi phẩm xuất sắc của tập thơ này. Về bài thơ này, có những nhận định cho rằng…
(Trích bài thơ)
B. Thân bài
1. Mở đầu tb
“ Chiều tối”, tên Hán là “Mộ”, là bài thơ thứ 31 trong tập thơ “ Nhật Kí trong tù “ gồm 135 bài kể cả 2 bản bổ sung. Bài thơ được Bác viết trong 1 cuộc chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Đây chính là một minh chứng tiêu biểu cho tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, lạc quan và nhân hậu của Người. Bài thơ cũng thể hiện vẻ đẹp phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh mà nổi bật là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.
2. Trọng tâm thân bài
LUẬN ĐIỂM 1. Mở đầu bài thơ, khơi dậy những nguồn cảm xúc, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên núi rừng Quảng Tây lúc chiều tối:
“ Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không “
Bằng bút pháp chấm phá, nhà thơ đã ghi lấy linh hồn của tạo vật. Chỉ với một cành chim, áng mây cũng đủ để khiến cảnh chiều, hồn chiều hiện lên vông cùng rõ nét. Và cứ thế, Người đã tạc vào trong không gian trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên với nền là bầu trời cao rộng. Người điểm xuyết lên đó 1 chòm mây cô lẻ đang trôi chầm chậm giữa miền sơn cước, một cánh chim chiều đơn lẻ đang về rừng tìm nơi trú ngụ:
Vốn dĩ trong thơ xưa, cánh chim là một thi liệu quen thuộc trong thơ ca. Những bậc tao nhân mặc khách xưa thường mượn h/a cánh chim để điểm xuyết bức họa ca của mình. Như Nguyễn Du đã từng viết trong tác phẩm “Truyện Kiều “ :
“Chim hôm thoi thót về rừng”
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”
Hay trong ánh mắt của người lữ thứ xa quê, bà Huyện Thanh Quan đã viết :
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Rặng liễu sương xa khách bước dồn”
Cổ điển là vậy, nhưng cánh chim trong thơ Người không chỉ đơn thuần là thế. Nếu như những bậc thơ ca, hiền triết xưa kia chỉ dùng cánh chim để chấm phá, để tô điểm cho bức họa chiều tối của họ, thêm đậm nỗi buồn, nỗi hiu quạnh thì Bác lại cảm nhận được trong đó, trong cánh chim ấy chính là sự mỏi mệt, niềm khát khao trở về tổ ấm sau một ngày lam lũ kiếm ăn. Cũng như người tù mỏi mệt sau một ngày lê bước trên đường xa cần chỗ nghỉ chân. Đây chính là nét tương đồng của hình ảnh “cánh chim “ với cảnh ngộ của Bác lúc bấy giờ. Bác đã đưa cánh chim từ thế giới siêu hình về với thế giới hiện thực. Trong chiều sâu tâm hồn Bác chính là lòng yêu thương sự sống, cảm quan của Bác chính là cảm quan nhân đạo.
Và hơn thế nữa, dường như phảng phất trong cánh chim kia lại là khát vọng được đoàn tụ, một tấm lòng nhớ nước thương dân của Bác. Bác khát vọng niềm tự do. Bác nhớ thương tới con dân Việt. Rồi lại nhìn lại bản thân, đang nơi đất khách quê người, Người biết đi đâu, về đâu khi phía trước chỉ là 1 nhà lao và điểm xuất phát cũng chỉ là một nhà lao mà thôi. Ấy vậy,tình yêu quê hương tổ quốc của Người luôn canh cánh thường trực trong lòng.
Nhà thơ Lí Bạch từng có câu:
" Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn.”
(Bầy chim bay đi hết,
Đám mây lẻ một mình lững lờ)
( Độc tọa Kính Đình Sơn)
Câu thơ thứ hai cũng mang đậm nét Đường thi. Tương tự như “cánh chim”, hình ảnh chòm mây cô độc trôi giữa bầu trời đã trở thành một mô típ quen thuộc trong thơ xưa , nó thường gợi lên cái cô độc thanh cao , sự phiêu diêu , thoát tục và nỗi khắc khoải của con người trước cõi hư không . Còn trong bài “ Chiều tối của Bác” , hình ảnh chòm mây cô độc trôi nhè nhẹ qua bầu trời không chỉ là một nét vẽ tạo nên cái không gian cao rộng của cảnh trời chiều nơi miền rừng núi mà còn là nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”. Một buổi chiều tà khi những tia nắng còn sót lại trên đỉnh nút, áng mây lẻ loi lững lờ trôi nhè nhẹ trên bầu trời bao la, một cánh chim nhỏ nhoi bay về tổ nổi bật trên cái nền trời đỏ rực. Mỗi một chi tiết của cảnh chiều đều nhuốm màu tâm trạng, phảng phất nỗi buồn hiu quạnh. Mà ở đó, người tù thì cô đơn giữa một buổi chiều nơi đất khách. Điều này được thể hiện rõ trong nguyên bản chữ Hán: “Cô vân mạn mạn độ thiên không” (Một chòm mây đơn lẻ chậm chạp trôi ngang qua bầu trời). Bản dịch không lột tả được hai chữ “mạn mạn”. Câu thơ dịch “chòm mây” có phần thanh thoát, không gợi được sự hiu quạnh của cảnh. Đây chính là sự khiếm khuyết của bản dịch thơ.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Hai câu thơ đạt đến mức vi diệu của lối tả cảnh ngụ tình, khắc họa nên bức tranh thiên nhiên núi rừng chiều tà mang đậm sắc cổ điển và hiện đại. Ở đó ta bắt gặp một tâm hồn giàu cảm xúc trước thiên nhiên và sự sống, một trái tim nhân đạo, một tấm lòng yêu nước thương dân. Từ đó ta thấy được một nghị lực phi thường và đó cũng chính là chất tình trong thơ của Bác. Thật đúng là phong thái của một thi sĩ tài ba, của bậc hiền triết Á Đông.
LUẬN ĐIỂM 2. Khép lại bức tranh thiên nhiên mang đậm tâm hồn của thi sĩ, hai câu thơ cuối đã mở ra bức tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi được cảm nhận dưới cái nhìn của người chiến sĩ Cách Mạng:
“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”
Bác - Một con người luôn hướng tới cuộc sống thì không chỉ cảm nhận cảnh núi rừng hiu quạnh mà còn nhận ra nơi xóm núi vẻ đẹp của cuộc sống con người. Chính vì vậy, hai câu thơ sau có sự chuyển hướng bất ngờ mà vẫn tự nhiên.Khi ánh nắng tàn phai, chim trời tắt bóng cũng là lúc bầu trời buông xuống theo đúng thời gian. Cái nhìn bao quát không gian “Độ thiện không” giờ đây lại thu vào để đặc tả 1 xóm núi đó là sơn thôn. Nổi lên trên xóm núi ấy là h/a người thiếu nữ đang ở độ đầu xuân của tuổi trẻ lại đang phải lao động vất vả trong công việc của nhà nông.
Trong thơ xưa, dưới cánh chim ngàn mây nổi thường xuất hiện hình ảnh những ẩn sĩ, những đạo sĩ. Trong thơ xưa, cảnh chiều tối vẫn thấp thoáng bóng người:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Qua đèo ngang- Bà Huyện Thanh Quan)
Hay trong thơ “Giang Tuyết “ của Liễu Tông Nguyên vẫn có một ông lão ngồi một mình câu cá:
“Độc điếu Hàn Giang tuyết”.
Rõ ràng, hình ảnh con người trong thơ xưa chỉ mang tính ước lệ tượng trưng. Điều đó khác hẳn với hình ảnh cô gái xay ngô trong thơ Bác. Đó là người thiếu nữ xay ngô bên lò than rực hồng, cuộc sống tuy vất vả nhưng vô cùng bình yên và ấm áp. Hình ảnh ấy đã mang đến cho bức tranh cuộc sống nơi xóm núi một nét vẽ hiện đại, đem đến cho bức tranh buổi chiều tối một vẻ đẹp khỏe khoắn lạc quan. Có thể khẳng định rằng, “Sơn thôn thiếu nữ” là điểm hội tụ toàn bộ của linh hồn thần thái của bức tranh.
Không chỉ dừng lại ở đó, bởi thơ hay ý tại ngôn ngoại, lời ít ý nhiều, câu thơ đã làm toát lên tình thương yêu, lòng nhân đạo của Bác. Khi viết bài thơ này, Bác, với tư cách là một người tù nhân cổ đeo gông chân vướng xiềng đang mỏi mệt sau 1 ngày đường với chỉ lưng bát cháo tù. Ấy nhưng Người lại quên đi những đau đớn về thể xác để thương cho người khác, thương cho người lao động phải làm lụng vất vả. Đó chính là tình nhân đạo của HCM. Như nhà thơ Tố Hữu từng nói :
“ Bác ơi, tim bác mênh mông thế
Ôm cả non sông trọn kiếp người”
Tuy nhiên, vốn trong nguyên tác là
“Sơn thôn thiếu nữ, ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Nghệ thuật điệp vòng “ma bao túc” - “bao túc ma” khiến người đọc liên tưởng đến những vòng xoay đều đặn của chiếc cối xay ngô. Nó đã tạo ra không gian sinh động, hài hòa, gợi lên sự luân chuyển của thời gian. Ngoài ra, bản dịch đã đưa thêm vào một chữ “ tối” làm mất đi khá nhiều vẻ đẹp của thơ Bác. Trong nguyên văn chữ Hán, Bác không dùng từ nào nói về tối nhưng vẫn gợi lên được bước đi thời gian một cách tự nhiên. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật “ dùng ánh sáng để gợi tả bóng tối” quen thuộc của thời Đường. Lò than rực hồng từ trước nhưng khi trời còn sáng nhìn chưa rõ, khi bóng đêm buông xuống thì ánh lửa lò than bỗng rực rỡ hẳn lên.
Đó cũng là hình ảnh nổi bật của bài thơ - “ lô dĩ hồng” .Chính hình ảnh này đã làm cho bức tranh cuộc sống không còn u tịch, tĩnh lặng như những bức họa về cuộc sống trong thơ cổ. Chữ “hồng” đã trở thành nhãn tự của bài thơ, trở thành ông thánh thứ 28 của cả bài. Chỉ một chữ “hồng” mà đem đến ánh sáng, hơi ấm, niềm vui để xua tan bóng đêm, không khí lạnh và nỗi buồn hiu quạnh.
Và ta cũng dễ dàng nhận thấy, một trong những đặc điểm của thơ Bác đó là thơ Người luôn luôn vận động, hướng vận động đi từ hiện tại tới tương lai, từ bóng tối để hướng đến AS. “Mộ” không nằm ngoại lệ. “Mộ” có nghĩa là chiều tối, ngỡ tưởng sẽ kết thúc bằng 1 màn đêm đen đặc. Nhưng không, với cái nhìn của người chiến sĩ, HCM đã kết thúc bài thơ của mình bằng màu hồng. Nó thể hiện cái tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng: Trong đêm tối mà vẫn luôn hướng về bình minh, về ánh sáng cách mạng lí tưởng. Phải chăng đây chính là vẻ đẹp trong tâm hồn HCM, chính là sự lạc quan, sự ung dung tự tại của Người ? Nếu một tâm hồn không hướng về ánh sáng thì liệu có thể ghi lại được hình ảnh ngọn lửa lò than rực hồng đẹp đến thế, sáng đến thế đưa vào thơ ?
Như vậy, Nếu như hai câu thơ đầu là chất tình, là sự hòa quyện lòng với thiên nhiên thì ở hai câu thơ cuối của bài đã cho ta thấy được chất thép trong từng câu chữ. Đó là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ, thi sĩ: tinh thần lạc quan, niềm tin vào ngày mai và tấm lòng bao la, nhân hậu.
3. Cuối thân bài
Kết lại, bài thơ thành công ở sự kết hợp hài hòa giữa chất thép và chất tình, sự nhuần nhuyễn khi giao thoa hai sắc thái cổ điển và hiện đại. Lời thơ ngắn gọn, súc tích cùng hình tượng thơ cổ điển và hiện đại. Có thể nói, bài thơ đã cho người đọc chiêm ngưỡng vẻ đẹp gợi cảm của bức tranh chiều tối Quảng Tây và dưới từng nét vẽ ấy là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách nghệ sĩ, chiến sĩ của Hồ Chí Minh.
C. Kết bài
Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai đã từng nhận định: “ Bài thơ Chiều Tối có thể coi là một viên ngọc quý mà tác giả của nó vô tình đánh rơi vào kho tàng văn học Việt Nam như một hành động ngẫu nhiên hay vạn bất đắc dĩ “ Đọc bài thơ, ta càng hiểu hơn về tài năng thi ca và tâm hồn đẹp đẽ của người nghệ sĩ, chiến sĩ, bậc danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh.
Chú ý: Đây là bài mình làm để tự học và làm theo dàn ý trên lớp nên sẽ có một số chỗ không ưng ý hoặc mình không làm vì mình đã làm trước đó rồi. Nhưng nếu các bạn thấy hay và phù hợp với nhu cầu học tập của bản thân hoặc cảm thâdy có nhiều chỗ thiếu sót thì hãy cmt hoặc add library nhé !
Cảm ơn các bạn !
Đừng quên vote nha !
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top