Chiến Tranh Tiền Tệ

1. Waterloo của Napoleon và Khải hoàn môn của Rothschild

Nathan là con trai thứ ba và cũng là người gan dạ, thông minh nhất trong số năm anh em trong gia tộc Rothschild.

Năm 1798, Nathan được cha mình điều chuyển từ Frankfurt đến Anh để khai phá lĩnh vực ngân hàng của dòng họ Rothschild. Nathan là một chuyên gia ngân hàng có lòng dạ thâm hiểm và cách hành xử quyết đoán, chưa từng có ai thực sự hiểu được thế giới nội tâm của ông ta. Do có tài năng thiên bẩm đáng kinh ngạc về tài chính cùng những thủ đoạn tinh vi, đến năm 1815, ông ta đã trở thành một trong những ông trùm ngân hàng nổi tiếng tại London.

Amschel - người anh trai của ông ta chuyên lo việc điều hành đại bản doanh (M.A Rothschild and Sons) của ngân hàng gia tộc Rothschild tại Frankfurt, trong khi Salomon người anh trai thứ hai - đã xây dựng được một chi nhánh ngân hàng khác của dòng họ này ở thành Vienna - Áo (S.M Rothschild and Sons), còn Calmann - người em thứ tư của Nathan - đã xây dựng một chi nhánh khác ở thành phố Napoli của Ý, và James - người em trai thứ năm - cũng có một ngân hàng ở Paris. Hệ thống ngân hàng do dòng họ Rothschild xây dựng là tập đoàn ngân hàng quốc tế đầu tiên trên thế giới. Lúc này, năm anh em nhà Rothschild đang tập trung chú ý vào tình hình chiến tranh châu Âu năm 1815.

Đây là một cuộc chiến tranh quan trọng liên quan đến số phận và tiền đồ của đại lục địa châu Âu. Nếu như Napoleon giành được thắng lợi chung cuộc thì nước Pháp sẽ ở vào vị thế bá chủ đại lục châu Âu. Còn nếu Công tước Wellington đánh bại được quân Pháp thì nước Anh sẽ ở vào thế cân bằng chiến lược của một nước lớn chủ đạo của châu lục này.

Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, với tầm nhìn xa rộng, dòng họ Rothschild đã xây dựng hệ thống thu thập và truyền tin tình báo chiến lược cho riêng mình. Họ đã xây dựng một mạng lưới những người đại diện bí mật, giống như những gián điệp tình báo chiến lược. Những người này được cử đi nằm vùng ở các thủ đô, các thành phố lớn, các trung tâm giao dịch và trung tâm thương mại quan trọng ở các quốc gia châu Âu. Tình báo thương mại, chính trị cũng như tình báo trong các lĩnh vực khác đi về như con thoi giữa các thành phố lớn như London, Paris, Frankfurt, Vienna và Napoli. Hiệu suất, tốc độ và độ chính xác của hệ thống tình báo này đều đạt đến trình độ khiến người ta phải thán phục, vượt rất xa so với tốc độ của bất kỳ mạng lưới tin tức của các cơ quan nhà nước nào, còn các đối thủ cạnh tranh thương mại khác càng khó mà đuổi kịp họ. Tất cả những điều này khiến cho ngân hàng Rothschild luôn chiếm được ưu thế vượt trội trong cạnh tranh quốc tế(3).

“Cỗ xe của ngân hàng Rothschild băng băng trên con đường quốc lộ của các vùng đất châu Âu, con thuyền ngân hàng Rothschild lao nhanh qua những eo biển hẹp, những tay gián điệp của ngân hàng Rothschild tràn ngập trên các đường phố châu Âu. Gia tộc này nắm giữ một lượng lớn hiện kim, công trái, thư tín và thông tin. Thông tin độc quyền nóng hổi nhất của họ được truyền đi với tốc độ cực nhanh trên 'trị trường cổ phiếu và thị trường hàng hoá. Nhưng những tin tức ấy đều không thể nào so sánh được với kết quả của chiến dịch Waterloo”(4).

Ngày 18 tháng 6 năm 1815, trận Waterloo được. triển khai ở ngoại ô Brussels - Bỉ. Đó không chỉ là cuộc quyết đấu sinh tử giữa hai đoàn hùng binh của Napoleon và Wellington mà còn là canh bạc lớn của hàng vạn nhà đầu tư, kẻ thắng sẽ giàu có vô biên, còn kẻ thua sẽ trắng tay, mất nghiệp. Không khí trên thị trường giao dịch cổ phiếu London căng thẳng đến cực điểm, tất cả mọi người đều chờ đợi kết quả cuối cùng của trận Waterloo trong lo âu. Nếu nước Anh thất bại thì giá trái phiếu của xứ sở sương mù sẽ rớt xuống đáy vực; còn nếu thắng, trái phiếu của quốc gia này sẽ tăng giá ngút trời xanh.

Khi hai đoàn hùng binh chạm trán nhau trong những trận chiến sống mái thì các gián điệp của Rothschild cũng khẩn trương cố gắng hết mức để thu thập các thông tin tình báo chính xác về tình hình chiến sự của hai bên. Nhiều điệp viên còn phụ trách việc chuyển các thông tin mới nhất liên quan đến tình hình chiến sự về trạm trung chuyển tin tình báo Rothschild gần chiến trường nhất. Đến chạng vạng tối, kết cục thất bại của Napoleon đã an bài. Một nhân viên chuyển thư nhanh của Rothschild tên là Rothworth đã tận mắt chứng kiến tình hình chiến sự và lập tức lao lên xe ngựa chạy với tốc độ phi mã về hướng Bruxelles, sau đó chuyển hướng về cảng Oostende. Khi Rothworth nhảy lên chuyến thuyền Rothschild tốc hành với giấy thông hành đặc biệt thì trời đã rất khuya. Eo biển Anh (English Channel) lúc này sóng to gió lớn, sau khi trả khoản phí 2.000 francs, Rothworth cũng đã tìm được một thuỷ thủ chịu giúp mình vượt được eo biển này ngay trong đêm(5). Đến sáng ngày 19 tháng 6, anh ta đã đến được bờ bên kia, tức là Folkestone của Anh. Đích thân Nathan Rothschild đã đứng đợi anh ta ở đó Nathan tức tốc xé thư ra xem, lướt nhanh qua dòng tít của bản tin chiến sự rồi giục ngựa lao thẳng về phía Sở Giao dịch chứng khoán London.

Khi Nathan vừa bước chân vào Sở Giao dịch chứng khoán, tất cả những người đang chờ đợi tin chiến tranh trong bầu không khí sốt ruột ở đó lập tức yên lặng. Mọi con mất đều đổ dồn vào gương mặt đầy bí ẩn không lộ chút cảm xúc của Nathan. Nathan bước chậm rãi về phía ghế chủ toạ vốn được xem là “trụ cột của Rothschild”. Lúc này, cơ mặt của ông ta gần như chẳng biến đổi chút nào, trông cứ như là tượng đá vậy. Đại sảnh của Sở Giao dịch khi đó hoàn toàn im phăng phắc chứ không huyên náo như mọi ngày. Mỗi người đều đem tất cả mọi sự giàu sang vinh nhục của mình ký thác vào ánh mắt của Nathan. Im lặng trong giây lát, Nathan liếc mắt ra hiệu cho các nhà đầu tư cổ phiếu của gia tộc Rothschild đang đứng chờ bên cạnh, mọi người ngay lập tức ùa về phía quầy giao dịch, bắt đầu bán đổ bán tháo công trái Anh. Đại sảnh thoáng chốc trở thành một khu hỗn loạn. Một số người bắt đầu to nhỏ với nhau, không ít người đờ đẫn đứng một chỗ. Khi đó, một lượng trái phiếu của Anh trị giá hàng mấy trăm nghìn đô-la Mỹ trong phút chốc bị đẩy thốc đẩy tháo ra thị trường. Giá công trái bất đầu tuột dốc, tạo nên một cơn sóng trượt giá, cơn sau mạnh hơn cơn trước, báo hiệu một sự sụp đổ hoàn toàn.

Lúc này, Nathan ngồi dựa mình vào ghế với vẻ mặt lạnh tanh. Cuối cùng, trong đại sảnh Sở Giao dịch có người đã thét lên rằng “Rothschild đã biết rồi!”, “Rothschild đã biết rồi!“, “Wellington đã thất bại?”. Tất cả mọi người có mặt ngay lập tức hoảng loạn như bị điện giật. Cuộc bán tháo trái phiếu cuối cùng đã trở nên hỗn loạn. Trong lúc mất hết lý trí, người này đã bắt chước người kia tạo nên một kiểu hành vi tự phát. Mỗi người đều muốn bán tống bán đổ những trái phiếu trong tay vốn đã không còn chút giá trị, cố vớt vát được gì hay nấy. Sau mấy giờ bán đổ bán tháo như vậy, trái phiếu của Anh đã chất đầy thành đống như đống rác, giá trị mệnh giá công trái chỉ còn lại 5%(6). Nathan lúc này vẫn thản nhiên ngồi quan sát tất cả những diễn biến xảy ra. Ông ta liếc nhẹ ánh mắt về phía các nhà đầu tư cổ phiếu - cái liếc mắt mà nếu không trải qua huấn luyện lâu dài thì không ai có thể hiểu được. Ngay lập tức, các nhà đầu tư cổ phiếu ập đến các quầy giao dịch, bắt đầu mua vào bằng hết những công trái Anh có trên sàn.

11 giờ đêm ngày 21 tháng 6, Henry Percy - người đưa tin của Công tước Wellington - cũng đã về đến London. Tin cho hay, đại quân của Napoleon đã thất bại hoàn toàn sau trận đánh suốt 8 giờ, tổn thất một phần ba số quân, nước Pháp đã tiêu rồi!

Tin tức này đã chậm hơn cả một ngày so với tin tình báo của Nathan! Và trong một ngày này, Nathan đã kiếm được một lượng tiền gấp 20 lần so với tổng số của cải mà Napoleon và Wellington có được từ mấy chục năm chiến tranh(7)! Trận Waterloo đã biến Nathan trở thành chủ nợ lớn nhất của chính phủ Anh để từ đó chi phối quyền phát hành công trái của nước này. Công trái Anh chính là chứng từ thu thuế của chính phủ trong tương lai, và nghĩa vụ nộp các khoản thuế của người dân Anh cho chính phủ đã biến tướng thành việc trưng thu thuế mà ngân hàng Rothschild đánh vào toàn dân. Các khoản chi tiêu của chính phủ Anh chủ yếu dựa vào việc phát hành công trái mà có, hay nói cách khác, chính phủ Anh cần phải đi vay tiền của các ngân hàng tư nhân để chi tiêu vì không có quyền phát hành tiền tệ trong khi còn phải chi trả lãi suất khoảng 8%, và toàn bộ đều được kết toán bằng tiền kim loại. Khi đã nắm giữ công trái Anh với số lượng áp đảo, trên thực tế Nathan là người đang quyết định giá trị của công trái, chi phối hoàn toàn lượng cung ứng tiền tệ của nước Anh, và như vậy, mạch máu kinh tế của nước Anh đã bị gia tộc Rothschild siết chặt.

Nathan đã không cần che đậy vẻ kiêu ngạo khi chinh phục được đế quốc Anh:

Tôi chẳng cần quan tâm con rối Anh nào đang thống trị đế quốc mặt trời không bao giờ lặn này. Ai khống chế được việc cung ứng tiền tệ của đế quốc Anh thì người đó khống chế được đế quốc Anh, mà người này chẳng ai khác ngoài tôi(8).

2. Bước khởi nghiệp của Rothschild.

Một số người có thể hiểu được hệ thống tiền tệ chi phiếu và tiền tệ tận dụng. Hoặc là họ cảm thấy vô cùng hứng thú với những khoán lợi nhuận mà hệ thống này tạo ra, hoặc là hết sức ỷ lại vào sự bố thí của các chinh trị gia. Mặt khác, đa số người dân không đủ trí lực để có thể hiểu được ưu thế to lớn được sinh ra tư hệ thống này. Họ thừa nhận sự áp bức mà không hề oán thán, thậm chí không chút nghi ngờ rằng hệ thống này sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ(9).

Anh em nhà Rothschild năm 1863.

Rothschild sinh trưởng trong thời đại khi mà cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ, ngành tài chính phồn vinh chưa từng thấy, thực tiễn và lý thuyết tài chính mới mẻ từ Hà Lan và Anh lan truyền ra khắp châu Âu. Cùng với sự ra đời của Ngân hàng Anh (Bank of England) vào năm 1694, một khái niệm và thực tiễn tiền tệ phức tạp hơn rất nhiều so với quá khứ đã được một loạt các ông chủ ngân hàng sáng tạo ra.

Trong 100 năm của thế kỷ 17, khái niệm và hình thức tiền tệ đều có những biến đổi sâu sắc. Từ năm 1694 đến 1776, khi tác phẩm “The Wealth of Nations” (Của cải của các quốc gia) của Adam Smith ra đời, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tổng lượng tiền giấy do các ngân hàng phát hành đã nhiều hơn tổng lượng tiền kim loại đang lưu thông(10). Mâu thuẫn giữa nhu cầu lưu thông tiền tệ tăng đến mức cực đại trong những ngành công nghiệp mới trỗi dậy như ngành đường sắt, khoáng sản, đóng tàu, cơ khí, dệt may, công nghiệp quốc phòng, năng lượng… và khả năng yếu kém trong lưu thông tiền tệ của các ngân hàng cũ đã ngày càng trở nên gay gắt. Ngân hàng mới nổi của dòng họ Rothschild đã nắm bất được cơ hội lịch sử này. Bằng việc áp dụng những phương thức có lợi nhất cho mình, họ đã làm chủ toàn diện hướng đi lịch sử của lĩnh vực tiền tệ hiện đại, mà những người khác thì không có chút cảm giác nào đối với việc số phận của họ đang bị chế độ này quyết định.

Hai lần nội chiến và xáo động trên chính trường từ năm 1625 đã khiến quốc khố của nước Anh trống rỗng. Khi lên ngôi ở nước Anh vào năm 1689, William đệ nhất đã phải đối mặt với một cục diện rối rắm, thêm vào đó là cuộc chiến tranh mà ông đang tiến hành với vua Louis 14 của Pháp đã khiến cho William đệ nhất phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền đến mức gần như không cần suy tính thiệt hơn. Lúc này, ngân hàng mà William Paterson làm thống đốc đã đề xuất với quốc vương của mình một ý tưởng mới xuất hiện từ Hà Lan: thành lập một ngân hàng trung ương tư nhân - Ngân hàng Anh, để tiến hành luân chuyển tiền tệ cho những khoản chi khổng lồ của quốc vương.

Ngân hàng tư nhân này đã cung cấp khoản hiện kim trị giá 1,2 triệu bảng Anh cho chính phủ và nó được xem như là “khoản vay vĩnh viễn” (Perpetual Loan) của chính phủ với mức lãi suất hàng năm là 8%, phí quản lý mỗi năm là 4.000 bảng Anh. Như vậy, mỗi năm chỉ cần tốn 100 nghìn bảng Anh, chính phủ đã có thể được hưởng khoản hiện kim 1,2 triệu bảng Anh ngay tức khắc, đồng thời có thể không cần hoàn trả tiền gốc vĩnh viễn? Đương nhiên, những “lợi ích” mà chính phủ phải cung cấp cho họ còn nhiều hơn nữa, đó chính là việc cho phép Ngân hàng Anh độc quyền phát hành chứng chỉ ngân hàng được quốc gia thửa nhận(11).

Lâu nay ai cũng biết cái lợi nhất của ông trùm ngân hàng Goldsmith chính là việc phát hành chứng chỉ ngân hàng. Những chứng chỉ này kỳ thực là sự biên nhận đối với tiền vàng được các khách hàng ký gửi tại ngân hàng Goldsmith. Bởi vì việc đem tiền mặt theo người là điều rất bất tiện cho nên phần lớn mọi người đã dùng chứng chỉ ngân hàng để giao dịch, sau đó thanh toán lại với nhau bằng tiền vàng tương ứng thông qua ngân hàng Goldsmith. Lâu dần, người ta cảm thấy chẳng cần thiết phải đến ngân hàng rút tiền vàng ra để thanh toán cho nhau làm gì, vì vậy, những biên nhận này sau đó dần biến thành tiền giấy. Các nhà hoạch địch chiến lược thông minh của Goldsmith phát hiện thấy rằng, hàng ngày có rất ít người đến rút tiền, cho nên họ bắt đầu ngấm ngầm dùng một số tiền nhàn rỗi của khách ký gửi để cho những người cần tiền vay lấy lời, sau khi người vay trả hết cả vốn lẫn lãi thì những chứng từ vay này cũng được các ngân hàng của Goldsmith bí mật tiêu huỷ mất như chưa từng có chuyện gì xảy ra, dù trên thực tế thì lợi nhuận vẫn cứ chảy vào túi họ đều đặn. Phạm vi lưu thông của các chứng chỉ ngân hàng Goldsmith càng rộng, mức độ chấp nhận càng cao thì lợi nhuận thu về càng lớn. Mà phạm vi lưu thông cũng như mức độ chấp nhận chứng chỉ ngân hàng do Ngân hàng Anh phát hành đều cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng khác, những chứng chỉ ngân hàng được quốc gia công nhận này chính là tiền tệ quốc gia.

Lượng tiền mặt của Ngân hàng Anh được thu hút từ các nguồn trong xã hội. Những ai đặt mua chứng chỉ từ 2.000 bảng Anh trở lên đều có thể trở thành uỷ viên Hội đồng quản trị. Tổng cộng đã có 1.330 người trở thành cổ đông của Ngân hàng Anh, 14 người trở thành thành viên thường trực của Hội đồng quản trị, bao gồm cả William Patersonl(12).

Năm 1694, William đệ nhất đã ban hành Hiến chương Hoàng gia (Royal Charter) của Ngân hàng Anh, và như vậy, ngân hàng hiện đại đầu tiên đã ra đời.

Ý tưởng chủ đạo của Ngân hàng Anh chính là biến khoản nợ của quốc vương và những khoản nợ riêng của các thành viên trong hoàng gia thành món nợ vĩnh cửu của quốc gia, lấy thuế của toàn dân làm thế chấp, và tiền tệ quốc gia được Ngân hàng Anh phát hành dựa trên cơ sở các khoản nợ.

Cứ như vậy, quốc vương có tiền để tham chiến hay hưởng thụ, còn chính phủ thì có tiền để làm những gì mình thích làm, ngân hàng giải phóng được những khoản tiền lớn của các khách hàng đang khiến họ ngày đêm lo lắng và thu được những khoản lợi tức khả quan. Tóm lại là tất cả đều vui vẻ, chỉ có điều, những khoản thuế của người dân đã trở thành vật thế chấp. Do có được một công cụ tài chính mới và lớn mạnh như vậy nên số tiền bội chi của chính phủ Anh tăng lên chóng mặt. Từ năm 1670 đến năm 1685, thu nhập của chính phủ Anh là 24,80 triệu bảng Anh, từ năm 1685 đến 1700, thu nhập của chính phủ đã tăng lên hơn gấp đôi, đạt đến con số 55,7 triệu bảng Anh, nhưng việc vay tiền của ngân hàng Anh từ ngân hàng chính phủ trong khoảng thời gian 1685-1700 đội lên hơn 17 lần, từ 800 nghìn bảng Anh lên đến 13,80 triệu bảng Anh(13).

Điều lạ lùng là, thiết kế này đã cắt đứt mối quan hệ giữa việc phát hành tiền tệ quốc gia với khoản nợ vĩnh cửu của quốc gia. Cho nên, nếu phát hành thêm lượng tiền tệ mới thì điều tất yếu là phải tăng thêm quốc nợ, còn muốn thanh toán hết quốc nợ thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc huỷ hoại cả đồng tiền quốc gia. Như vậy, trên thị trường sẽ không còn tiền tệ để lưu thông, cho nên chính phủ cũng mãi mãi không thể nào hoàn trả hết khoản nợ này. Do phải hoàn trả lợi tức và đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế, cho nên điều tất yếu là chính phủ cần phải có nhiều tiền hơn đổ vào lưu thông, và những khoản tiền này lại cần phải vay từ ngân hàng mà ra, cho nên quốc nợ cũng không ngừng tăng lên, và toàn bộ lợi tức của những khoản nợ này đều chảy vào túi ngân hàng, còn gánh nặng lãi suất thì được đổ dồn vào nghĩa vụ đóng thuế của người dân!

Quả thật là từ đó về sau, chính phủ Anh cũng chẳng thể nào hoàn trả hết các khoản nợ đã vay. Đến cuối năm 2005, khoản nợ của chính phủ Anh từ 1,2 triệu bảng năm 1694 đã tăng lên thành 525,9 tỉ bảng, chiếm đến 42,8% GDP của nước Anh(14).

3. Thùng vàng thứ nhất của Rothschild

Ngày 23 tháng 2 năm 1744, Mayer A. Bauer cất tiếng khóc chào đời trong một khu tập trung Do Thái ở Frankfurt.

Móse - cha của Mayer - là một thợ bạc chuyên cho vay lãi lưu động, sinh sống và làm việc ở vùng Đông Âu. Sau khi Mayer ra đời, Móse quyết định định cư tại Frankfurt. Ngay từ nhỏ, Mayer đã thể hiện tài trí bẩm sinh đáng kinh ngạc về kinh doanh. Cha của Mayer đã dồn rất nhiều tâm huyết để đầu tư cho con trai, dốc lòng giảng giải cho Mayer một cách hệ thống những kiến thức kinh doanh liên quan đến tiền tệ và cho vay. Mấy năm sau, Móse qua đời, lúc này Mayer mới 13 tuổi nhưng được sự khích lệ của những người thân thích trong gia đình nên đã quyết định theo nghề tài chính và làm việc trong ngân hàng của dòng họ Heimer gốc Âu ở Hannover(15).

Với sự mẫn cảm và tính cần cù phấn đấu hơn người, Mayer đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng chuyên môn trong ngành ngân hàng. Trong suốt 7 năm ròng rã, Mayer giống như một miếng bọt biển đã hấp thu và tiêu hoá những kỳ mưu diệu kế trong ngành tài chính được truyền từ Anh sang. Nhờ vào khả năng làm việc xuất sắc của mình, anh được đề bạt trở thành cổ đông sơ cấp. Trong những ngày tháng làm việc ở ngân hàng, anh đã làm quen được một số khách hàng rất có ảnh hưởng, bao gồm cả tướng Stauffer- người có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển sau này của anh. Chính ở đây Mayer đã ý thức được lợi nhuận và hệ số an toàn khi cho chính phủ và quốc vương vay tiền với mức cao hơn rất nhiều so với việc cho vay cá nhân, bởi vì đây không chỉ là khách hàng lớn mà còn được đảm bảo bởi khoản thuế của chính phủ. Những khái niệm tài chính hoàn toàn mới mẻ đến từ nước Anh này đã khiến cho đầu óc của Mayer bừng sáng hẳn lên.

Mấy năm sau, khi đã trở thành một chàng thanh niên khỏe mạnh, Mayer trở về Frankfurt tiếp tục công việc làm ăn là cho vay lãi của cha mình. Anh còn đổi họ của mình thành Rothschild (Roth trong tiếng Đức có nghĩa là màu đỏ, Schild có nghĩa là dấu mốc). Khi biết được tướng Stauffer cũng đã trở về Frankfurt và đang làm việc trong cung vua William, Mayer nghĩ ngay đến việc phải lợi dụng tốt mối quan hệ này. Tướng Stauffer cũng tỏ ra rất vui khi gặp lại Mayer. Bản thân tướng Stauffer là một nhà sưu tập tiền có tiếng, còn việc nghiên cứu lĩnh vực tiền tệ của Mayer cũng đã có mấy đời gia truyền, cho nên khi đàm đạo đến các loại tiền cổ thì chàng trai trẻ này tỏ ra vô cùng thành thạo khiến cho vị tướng rất hài lòng. Một việc khiến cho tướng Stauffer càng vui hơn - đó là Mayer đã tự nguyện bán cho vị tướng này mấy đồng tiền hiếm với giá chiết khấu rất cao, vì thế mà ông đã xem Meyer như người tri kỷ. Sự khéo léo này đã giúp cho Mayer nhanh chóng thân quen với rất nhiều nhân vật có máu mặt trong hoàng cung. Một hôm, thông qua sự giới thiệu của tướng Stauffer, Mayer được vua William tiếp kiến, và anh chàng nhận ra rằng, vị vua này cũng là một nhà sưu tầm tiền cổ, vậy là Mayer lại dùng cách tương tự để lấy lòng William.

Sau nhiều lần được Mayer bán cho những đồng tiền quý với giá rẻ, vua William tỏ ra áy náy trong lòng, bèn hỏi xem Mayer có muốn giúp gì không. Chớp lấy thời cơ này, Mayer đề xuất muốn trở thành người đại diện chính thức của hoàng cung, và ngay tức khắc, anh đã được William đồng ý Ngày 21 tháng 9 năm 1769, Mayer đã gần huy hiệu hoàng gia lên tấm bảng hiệu của mình, bên cạnh viết một dòng chữ vàng: “M.A. Rothschild, người đại diện do vua William chỉ định”(16). Một thời gian sau, uy tín của Mayer nổi như cồn, công việc làm ăn cũng theo đó mà ngày càng phát đạt.

Trong lịch sử, bản thân thái tử William được mệnh danh là người ham tiền hơn mạng sống, nổi tiếng là người cung cấp “quân đội đánh thuê” cho quốc gia khác để “gìn giữ hoà bình”. Ông có mối quan hệ mật thiết với các hoàng thất ở nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt rất thích làm ăn với hoàng gia Anh quốc. Nhờ có rất nhiều nguồn lợi hải ngoại nên nước Anh thường xuyên phải dùng đến quân đội để duy trì và bảo vệ lợi ích của mình, nhưng số lượng binh lính lại không đủ trong khi lượng tiền mà nước Anh xuất ra lại tương đối nhiều và rất ít khi khất nợ, cho nên, quốc gia này rất hợp rơ với thái tử William. Sau này, khi cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ nổ ra, số lượng quân Đức mà Washington phải đối phó còn nhiều hơn cả số quân của Anh quốc. Về sau, thái tử William đã tích luỹ được một khoản tài sản lớn nhất trong các hoàng thất châu Âu, ước khoảng 200 triệu đô-la Mỹ. Cũng vì thế mà người đời gọi ông là “con cá mập cho vay máu lạnh nhất châu Âu”(17). Sau khi trở thành một thành viên dưới trướng của thái tử William, Mayer tận tâm tận lực xử lý tốt tất cả mọi việc, vì vậy rất được William tin tưởng. Không lâu sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp bùng nổ (1789 - 1799), làn sóng cách mạng dần lan rộng sang các nước theo chế độ quân chủ lân cận.

Thái tử William bắt đầu nhấp nhổm không yên và lo rằng cuộc cách mạng đang ngày càng lan dần đến nước Đức, các phần tử phản loạn sẽ cướp sạch tài sản của ông. Ngược lại với cách nghĩ của thái tử, Mayer lại hết sức vui mừng với cuộc cách mạng Pháp, bởi vì cuộc khủng hoảng sẽ khiến cho lượng tiền bạc của ông tăng lên. Khi ngọn lửa cách mạng lan đến thành La Mã cổ kính, cắt đứt đường trung chuyển thương mại của Anh, giá hàng hoá nhập khẩu đã tăng vọt. Công việc vận chuyển hàng hoá từ Anh sang Đức đã giúp cho Mayer kiếm được bộn tiền.

Mayer luôn là nhân vật hết sức tích cực trong khu tập trung Do Thái. “Mỗi tối thứ sáu hàng tuần, sau khi kết thúc đợt hành lễ ở giáo đường của người Do Thái, Mayer luôn mời một số học giả Do Thái uyên bác nhất đến nhà mình tụ họp. Họ cùng nhau nhấm nháp rượu vang và thảo luận công việc một cách chi tiết tuần tự hoặc làm một số việc mãi cho đến khuya mới thôi”(18).

Mayer có câu nói nổi tiếng: “Gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ kết dính lại với nhau”(19) (người Do Thái thường cầu nguyện cùng nhau và xem đó như là sự biểu hiện của tình đoàn kết - ND). Người đời sau không thể hiểu được sức mạnh nào có thể khiến cho những người trong dòng họ Rothschild lại quyết tâm theo đuổi quyền lực đến như vậy.

Đến năm 1800, dòng họ Rothschild đã trở thành một trong những dòng họ Do Thái giàu có nhất ở đất Frankfurt.

Trong năm này, Mayer còn nhận được danh hiệu “đại diện hoàng gia đế chế” do quốc vương của xứ La Mã thần thánh trao cho. Danh hiệu này khiến cho ông có thể đi lại khắp nơi trong đất nước này, được miễn trừ các loại thuế đánh vào người Do Thái, thậm chí nhân viên công ty của ông còn có thể mang theo vũ khí.

Năm 1803, mối quan hệ giữa Mayer và thái tử William ngày càng mật thiết hơn khiến cho thế lực của Mayer mạnh hơn rất nhiều so với trước. Một người anh họ của thái tử William là quốc vương Đan Mạch ngỏ ý muốn vay của William một khoản tiền, nhưng sợ người khác biết được sự giàu có của mình nên thái tử đã không đồng ý. Sau khi biết được việc này, Mayer cho rằng đây là một cơ hội rất tốt, bèn đưa ra một phương án giải quyết cho thái tử: thái tử cứ xuất tiền, còn Mayer là người ra mặt thương lượng việc cho vay, lấy danh nghĩa Rothschild cho quốc vương Đan Mạch vay, và như vậy, Mayer có thể trích phần trăm lãi suất. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, cảm thấy đây là một phương án vẹn cả đôi đường, vừa có thể cho vay mà lại không để lộ sự giàu có của mình ra cho thiên hạ biết, thái tử bèn nói với Mayer rằng, việc cho quốc vương vay tiền quả là chuyện nằm mơ mà Mayer cũng khó có thể thấy được, và việc này không chỉ được báo đáp về sau, mà còn là cơ hội tuyệt vời để nâng cao danh dự. Kết quả là công việc này đã đem lại cho Mayer thành công rất lớn. Liền sau đó, sáu khoản vay của hoàng thất Đan Mạch được giao dịch thành công thông qua Mayer.

Thanh danh của Rothschild theo đó cũng nổi lên như cồn, đặc biệt là mối quan hệ mật thiết giữa ông và hoàng gia bất đầu được mọi người biết đến ở châu Âu.

Sau khi lên ngôi, Napoleon đã từng có ý đồ muốn lôi kéo William về phía mình, nhưng William lại chần chừ nửa muốn nửa không và không đưa ra được lựa chọn của mình.

Vì không lôi kéo được William, Napoleon đã không nén được bực tức và tuyên bố phải quét sạch dòng họ William ra khỏi bản đồ những “nhân vật có quyền lực thống trị ở châu Âu”, rồi liền đó đưa quân áp sát biên giới. Thái tử William hốt hoảng trốn sang Đan Mạch lưu vong, và trước khi chạy ra nước ngoài đã đem khoản hiện kim trị giá 3 triệu đô-la Mỹ giao cho Mayer cất giữ. Chính khoản hiện kim này đã đem lại cho Mayer quyền lực và sự giàu sang chưa từng có trong đời. Đó cũng chính là thùng vàng đầu tiên giúp Mayer khai thông con đường đến đế chế tài chính của ông trong tương lai.

Mayer còn có một ý chí mạnh mẽ hơn nhiều lần so với việc thành lập Ngân hàng Anh. Khi có được khoản tiền kếch xù từ tay thái tử William, ông lại bắt đầu có ý muốn điều binh khiển tướng. Năm người con của ông giống như năm mũi tên sắc bén nhằm vào năm khu vực trung tâm của châu Âu. Người con cả Amschel trấn giữ toàn vùng Frankfurt, con thứ Salomon được cử đến Vienna khai phá chiến trường mới, người thứ ba Nathan được phái đến Anh để nắm giữ đại cuộc, người thứ tư Calmann được cử đến Napoli của Ý để xây dựng căn cứ địa và đóng vai trò như con thoi truyền đạt thông tin giữa các anh em, và người con út là James thì nắm giữ nhiệm vụ tác nghiệp ở Paris.

Một đế quốc tài chính chưa từng có trong lịch sử loài người đã được hình thành.

4. Nathan - chúa tể thành phố tài chính London

Họ là chúa tể của thị trường tiền tệ thế giới, đương nhiên cũng chinh là chúa tể của tất cả những gì có trên thế giới này. Trên thực tế, họ có cả nguồn thu nhập tài chính của vùng đất nam Italy, còn vua và bộ trưởng của các quốc gia (châu Âu)đều phải lãng nghe họ(20).

Benjamin Disraeli - Thủ tướng Anh, năm 1844

Thành phố tài chính London là một khu đất chỉ chiếm diện tích 2,6 km2 thuộc trung tâm London. Từ thế kỷ 18, nơi đây đã là trung tâm tài chính của nước Anh và thậm chí là của toàn thế giới với hệ thống tư pháp độc lập giống như Vatican, tức là một quốc gia nhỏ trong một đất nước lớn.

Vùng đất nhỏ bé hình viên đạn này tập trung toàn bộ cơ cấu tài chính chủ yếu của thế giới, tạo ra đến 1/6 GDP của nước Anh lúc bấy giờ. Kẻ nào nắm được thành phố London này cũng sẽ trở thành chúa tể của nước Anh. Khi Nathan đến Anh, đúng thời điểm này, cuộc đối đầu giữa Anh và Pháp đang diễn ra gay gắt. Cả hai nước ban hành lệnh cấm vận lẫn nhau, vì thế hàng hoá của Anh rất có giá ở châu Âu. Nathan bắt đầu bắt tay với người em của mình đang ở Pháp - James - để vận chuyển hàng hoá theo kiểu trao tay từ Anh sang Pháp, và công việc này đã đem lại rất nhiều tiền cho họ. Sau này, Nathan làm quen với John Harris - một nhân vật quan trọng trong Bộ tài chính Anh, và thông qua người này biết được quân Anh đang gặp khốn ở Tây Ban Nha.

Lúc đó quân Anh do huân tước Wellington chỉ huy đã chuẩn bị xong việc tấn công Pháp, nhưng cái thiếu duy nhất lúc bấy giờ là lương thực. Huân tước Wellington tuy có sự đảm bảo của chính phủ Anh, nhưng cho dù có nói khô bọt mép cũng khó thuyết phục được các nhà ngân hàng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chấp nhận chứng chỉ ngân hàng do ông đưa ra. Đại quân của huân tước Wellington đòi hỏi phải có vàng khẩn cấp(21).

Nathan rất nhanh nhạy và quyết tâm phải kiếm một mẻ từ việc này. Ông đi khắp nơi để hỏi nguồn vàng nhàn rỗi. Cũng may lúc đó có một lô vàng mới về từ Ấn Độ do công ty Đông Ấn Độ vận chuyển đến và chuẩn bị đem ra tiêu thu. Đây là lô vàng mà chính phủ Anh muốn đặt mua, chỉ có điều họ còn chần chừ vì giá quá cao, và muốn chờ giá vàng giảm mới chịu mua vào. Sau khi nắm được tình hình, Nathan bèn lập tức dồn hết số tiền 3 triệu đô-la của thái tử William cùng số tiền mình buôn bán hàng hoá kiếm được ở Anh để đặt mua trước một lượng vàng trị giá 800 nghìn bảng Anh của công ty Đông Ấn Độ(22) và sau đó lập tức nâng giá vàng lên. Thấy giá vàng chỉ tăng mà không giảm trong khi tình hình quân đội ở tiền tuyến ngày càng nguy cấp nên chính phủ Anh chỉ còn cách là mua lại vàng từ tay của Nathan với giá cao hơn. Phi vụ này đã giúp Nathan kiếm được bộn tiền.

Nhưng kế liên hoàn của Nathan vẫn chưa hết. Ông ta lại đề xuất phương án hộ tống số vàng này đến cho huân tước Wellington. Khi đó Pháp đang tiến hành phong toả đường bộ hết sức nghiêm ngặt đối với Anh, cho nên nếu đi bằng đường này thì rủi ro rất lớn, vì thế chính phủ Anh đã đồng ý trả một khoản tiền rất lớn để vận chuyển lô vàng này. Sau khi thương thảo xong, Nathan liền bảo em trai mình là James chỉ mới 19 tuổi thông báo cho chính phủ Pháp biết ông muốn vận chuyển vàng đến Pháp. Chính phủ Anh có thể sẽ hết sức tức giận đối với việc này, bởi vì việc vàng chảy sang Pháp sẽ khiến cho khả năng tài chính của Anh suy yếu đi rất nhiều. Vì có lợi trong việc này nên nhà cầm quyền Pháp bèn lập tức lệnh cho cảnh sát bảo vệ dọc đường bật đèn xanh cho qua. Cá biệt, một số viên quan còn được hối lộ với những khoản tiền lớn để che tai bịt mắt vờ như không thấy.

Vậy là số vàng do nhóm Nathan vận chuyển trên thực tế là nhằm mục đích nhận được sự giúp sức của chính phủ cả hai nước Anh - Pháp. Vì vậy, số vàng này đã được nhập một cách chính thức vào ngân hàng Paris. Nathan một mặt tham dự yến tiệc chào đón của chính phủ nước Pháp, một mặt ngấm ngầm phái người đem đổi toàn bộ số vàng này thành tiền vàng mà công tước Wellington đang cần, rồi vận chuyển đến tay quân Anh ở Tây Ban Nha thông qua hệ thống bí mật của gia tộc Rothschild. Cách xử lý “cao tay ấn“ này của Nathan thật chẳng khác gì những tình tiết trong phim Hollywood thời hiện đại.

Một nhân vật ngoại giao của Bỉ thường trú ở Anh đã nói rằng: “Sự ảnh hưởng của Rothschild đối với nền tài chính ở đây (London) lớn đến mức đáng sợ. Họ hoàn toàn quyết định giá giao dịch ngoại hối của thành phố tài chính London. Với tư cách là ngân hàng, quyền lực của họ khiến người ta phải trố mất. Khi Nathan nổi giận thì Ngân hàng Anh cũng phải run rẩy”.

Một lần, Nathan cầm một tờ chi phiếu được mở bởi ngân hàng Rothschild do anh trai của mình là Amschel gửi đến từ Frankfurt với đề nghị ngân hàng Anh đổi thành hiện kim.

Nhưng lấy lý do là chỉ đổi chi phiếu do mình phát hành, ngân hàng này đã từ chối. Nathan tức giận vô cùng. Sáng hôm sau, ông ta đã dẫn theo chín nhân viên của mình, đem theo một xấp chi phiếu của ngân hàng Anh đến và yêu cầu đổi ra vàng, chỉ trong một ngày đã khiến lượng dự trữ vàng của ngân hàng Anh giảm xuống rõ rệt.

Ngày thứ hai, Nathan lại đem đến nhiều chi phiếu hơn. Một quản lý cao cấp của ngân hàng Anh lập bập hỏi Nathan còn muốn đổi trong mấy ngày nữa, Nathan lạnh lùng trả lời: “Ngân hàng Anh từ chối nhận chi phiếu của tôi, tội gì tôi cần đến nó?” Ngân hàng Anh lập tức triệu hồi cuộc họp khẩn cấp, sau đó quản lý cao cấp của ngân hàng Anh đã phải khách khí báo cho Nathan biết rằng, từ nay về sau, ngân hàng Anh sẽ rất hân hạnh được quy đổi tất cả những chi phiếu do Rothschild phát hành.

Trong trận chiến Waterloo, Nathan chỉ cần nhất cử đã đoạt được quyền kiểm soát thành phố tài chính London, từ đó nắm giữ mạch máu của nền kinh tế Anh. Và cũng từ đây, các quyết định quan trọng bao gồm quyền phát hành tiền tệ và giá vàng đều nằm trong tay chi phối của dòng họ Rothschild.

5. James chinh phục Pháp

Một khi chính phủ lại vào nguồn tiền vàng của một ngân hàng, các ngân hàng sẽ đóng vai trò nắm giữ cục diện của chính phủ, bởi vì kẻ trao tiền bao giờ cũng có thế hơn kẻ nhận tiền. Tiền bạc không có tổ quốc, các nhà hoạt động trong lĩnh vực tài chính không biết thế nào là yêu nước và sự cao thượng, mục đích duy nhất của họ đó là làm sao để nhanh chóng có được tiền lời(23).

Napoleon - năm 1815

Trong thời kỳ Napoleon chấp chính, James - người con thứ năm của Rothschild - đi lại như con thoi giữa London và Paris, xây dựng hệ thống mạng lưới vận chuyển hàng hoá của Anh. Sau khi giúp Wellington vận chuyển tiền vàng thành công và cuộc chiến thu mua trái phiếu chính phủ Anh quốc kết thúc, James trở nên nổi tiếng ở Pháp. Ông đã xây dựng được ngân hàng Paris Rothschild, đồng thời âm thầm giúp đỡ cuộc cách mạng ở Tây Ban Nha.

Năm 1817, sau chiến bại ở trận Waterloo, nước Pháp đã mất đi một lượng lớn lãnh thổ có được từ chiến tranh của Napoleon, đồng thời rơi vào cảnh bị bao vây chính trị, nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tiêu điều. Chính phủ của Louis 18 chạy vạy khắp nơi để vay tiền, hy vọng nền tài chính quốc gia có thể từng bước ổn định. Việc một ngân hàng của Pháp và Ngân hàng Barings của Anh nhận được những khoản xin vay khổng lồ trong khi Ngân hàng Rothschild với tiếng tăm lừng lẫy như vậy lại rơi vào thinh lặng đã khiến James cảm thấy rất sốt ruột.

Đến năm 1818, những công trái chính phủ phát hành một năm trước ở Paris và nhiều khu vực khác đều bắt đầu tăng giá. Chính phủ Pháp đã nếm được vị ngọt của lợi nhuận nên muốn vay tiếp của hai ngân hàng kia. Và cho dù có thử đủ mọi cách đi nữa thì anh em nhà Rothschild cũng chẳng kiếm được một chút lợi ích nào. Thì ra, tầng lớp quý tộc Pháp tự cho mình là những người có dòng máu cao quý, còn Rothschild chỉ là kẻ tầm thường nên không muốn làm ăn với Rothschild. Mặc dù giàu nứt đố đổ vách, hào hoa rất mực, nhưng James không phải là người có địa vị xã hội cao. Sự kiêu ngạo của đám quý tộc Pháp đã khiến James hết sức phẫn nộ.

Ông bèn bắt tay cùng các anh em của mình lập kế hoạch khống chế quý tộc Pháp. Còn đám quý tộc cao ngạo nhưng dốt nát của Pháp lại đánh giá thấp chiến lược chiến thuật nổi bật trong lĩnh vực tài chính của dòng họ Rothschild. Khả năng hoạch định chiến lược cũng như bản lĩnh kinh doanh của họ vốn được ví với tài chỉ huy trên chiến trường của Napoleon.

Ngày 15 tháng 11 năm 1818, công trái của Pháp trước đó vẫn đang tăng giá ổn định thì đùng một cái lại có những biến động thất thường. Rất nhanh sau đó, những công trái khác của chính phủ cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng, giá cả lần lượt trượt dốc với những mức độ khác nhau. Các nhà đầu tư trên thị trường bắt đầu bàn tán xôn xao. Cùng với thời gian, tình hình chẳng những không có chuyển biến tốt mà trái lại ngày càng có chiều hướng tệ hại(24). Sự bàn tán ở sở giao dịch ngày càng lan rộng đi khắp nơi, có người nói có thể Napoleon sẽ lên nắm quyền lại, cũng có người nói việc thu thuế tài chính của chính phủ không đủ để chi trả lợi tức cho các cổ đông, có người còn lo rằng sẽ xảy ra cuộc chiến mới.

Nội bộ hoàng cung của vua Louis 18 cũng hết sức căng thẳng. Nếu công trái vẫn tụt dốc với biên độ không phanh như vậy thì chính phủ sau này sẽ chẳng biết bấu víu vào đâu. Trên gương mặt của các nhà quý tộc cao ngạo lộ ra vẻ chán nản, ai ai cũng đều lo lắng cho tương lai của đất nước này. Chỉ có hai người đứng ngoài cuộc với vẻ mặt bàng quan lạnh lùng. Đó là James và Calmann.

Do rút ra bài học từ vết xe đổ của nước Anh, một số người đã bắt đầu nghi ngờ rằng gia tộc Rothschild đang thao túng thị trường công trái này. Tình hình thực tế chính là vậy. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1818, dòng họ Rothschild đã dùng tài lực hùng hậu của mình làm hậu thuẫn, ngấm ngầm mua vào các công trái Pháp trên tất cả các thị trường lớn ở châu Âu khiến cho công trái của nước này bắt đầu tăng giá. Sau đó bắt đầu từ ngày 5 tháng 11, họ lại đồng loạt bán các trái phiếu này với số lượng lớn ra tất cả các thị trường châu Âu, gây nên sự hoang mang cực độ cho thị trường.

Khi chứng kiến cảnh giá trị công trái của mình rơi tự do xuống đáy như vậy, vua Louis 18 cũng cảm thấy ngôi vị của mình đang lung lay dữ dội. Lúc này, người đại diện của dòng họ Rothschild đã nói với vua Louis 18 rằng, tại sao ông không thử nhờ Ngân hàng Rothschild cứu vãn tình thế.

Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, Louis đã quên cả địa vị cao sang của mình, đòi cho triệu anh em nhà James đến ngay lập tức. Bầu không khí của điện Elysee nhờ đó mà thay đổi ngay tức khắc, anh em James bị đối xử khinh rẻ trước đây giờ đi đến đâu cũng được tung hô chào đón. Và quả nhiên, chỉ với một cái búng tay của anh em James, thị trường trái phiếu đã bình ổn trở lại, còn họ thì trở thành trung tâm chú ý của nước Pháp. Sau chiến bại về quân sự của Pháp, họ đã cứu được nước Pháp từ cuộc khủng hoảng kinh tế? Những lời ca tụng và những tràng hoa tươi khiến anh em James sung sướng ngất ngây, ngay cả quần áo họ mặc cũng trở thành mốt thời thượng khi đó. Ngân hàng của họ trở thành nơi người ta vào ra giao dịch tấp nập.

Nhờ vậy, dòng họ Rothschild đã khống chế được hoàn toàn nền tài chính Pháp.

“Tài sản của James Rothschild đã đạt đến 600 triệu francs. Ở Pháp chỉ có tài sản của một người có thể sánh với ông ta, đó chính là quốc vương Pháp với khối tài sản trị giá 800 triệu francs. Tài sản của các ngân hàng khác tại Pháp cộng lại vẫn thấp hơn 150 triệu francs so với khối tài sản của James. Và nguồn tài sản này bỗng nhiên đem lại cho ông quyền lực cao siêu không thể tả được, thậm chí đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể khiến cho nội các chính phủ tan vỡ”(25).

6. Salomon thăm Áo

Trong mắt họ (gia tộc Rothschild) không có chiến tranh và hoà bình, không có khẩu hiệu và tuyên ngôn, cũng không có chết chóc và danh dự, họ xem thường những thứ mê hoặc đôi mắt của người đời này. Trong mắt họ chỉ có bàn đạp. Thám tử William là một còn người thứ hai chính là Metternich(26).

Fryderyk Merton.

Salomon là con trai thứ hai của Mayer. Hàng năm, ông đi lại như con thoi giữa các thành phố lớn của châu Âu, đảm nhận vai trò điều phối giữa các ngân hàng của dòng họ. Ông là người có tài ngoại giao vượt trội trong số các anh em, nói năng cẩn trọng, rất khéo léo trong việc lấy lòng người khác. Một nhân vật làm ăn trong lĩnh vực ngân hàng từng giao tiếp với Salomon đã nhận xét về ông rằng “Không ai không hài lòng khi chia tay ông ấy”. Chính bởi nguyên nhân này mà các anh em trong nhà đã cùng cử ông đến Vienna khai trương nghiệp vụ ngân hàng của vùng trung tâm châu Âu.

Lúc này, Vienna vẫn là trung tâm chính trị của châu Âu, hầu như các hoàng gia của các nước châu Âu đều có mối quan hệ dây mơ rễ má với vương triều Habsburg. Habsburg được xem là vương thất của đế quốc La Mã thần thánh (giải thể năm 1806), thống trị một vùng rộng lớn bao gồm Áo, Đức, bắc Ý, Thuỵ Sĩ, Biliti, Hà Lan, Luxembourg, Tiệp Khắc, Solvenia và cả miền đông nước Pháp trong suốt hơn 400 năm, là dòng máu vương thất chính tông và cổ nhất châu Âu.

Tuy đế quốc La Mã thần thánh đã bị đánh bại trong cuộc chiến Napoleon, nhưng người kế thừa của vương triều Áo lại tỏ ra kiêu ngạo với vai trò vương triều chính thống của mình. Thêm vào đó là giáo lý Thiên Chúa giáo chính thống của vương triều này không kém phần cứng rắn so với giáo lý mới đang thịnh hành ở các quốc gia như Anh, Pháp.

Việc giao lưu với một gia tộc cao quý như vậy so ra còn cao hơn một cấp so với mối quan hệ với Thái tử William. Tuy đã nhiều lần có ý muốn thiết lập quan hệ kinh doanh với Habsburg, nhưng dòng họ Rothschild luôn nhận được sự cự tuyệt của vương triều này và chẳng thể nào bước vào bậc cửa của đế chế đó.

Ngay sau khi chiến tranh Napoleon kết thúc, Salomon đến gõ cửa đại thành Vienna. Tuy nhiên, tình thế lúc này đã hoàn toàn đổi khác. Dòng họ Rothschild khi đó đã trở thành một dòng họ danh gia vọng tộc ở châu Âu, với nhuệ khí dũng mãnh đã chinh phục được cả hai nền tài chính Anh và Pháp.

Dù vậy song Salomon cũng không dám trực tiếp bàn chuyện làm ăn với người của Habsburg mà muốn tìm được một bàn đạp. Và bàn đạp này chính là Klemens von Metternich ngoại trưởng Áo, nhân vật nổi tiếng trên chính trường châu Âu thế kỷ 19.

Sau chiến bại của Napoleon, thành phố Vienna do Metternich xây dựng nên đã duy trì thời kỳ hoà bình dài nhất ở châu Âu thế kỷ 19. Trong tình thế nước Áo ngày càng suy vi còn kẻ thù mạnh đang bao vây tứ phía, Metternich đã phát huy sự tinh tuý của chế độ đến mức cao nhất. Ông đã lợi dụng sức mạnh hiệu triệu chính thống của hoàng gia Habsburg còn lại ở châu Âu để lôi kéo và xây dựng mối quan hệ đồng minh bền chặt với các nước láng giềng là Phổ và Nga, vừa ngăn chặn được sự khôi phục của Pháp, lại kiểm soát được sự bành trướng của Nga, đồng thời còn hình thành nên một cơ chế kiểm soát liên hoàn đối với làn sóng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do trong nước, đảm bảo không mất kiểm soát thế lực của các phần tử đa dân tộc trong nước.

Hội nghị Aix-la-Chapelle năm 1818 là một hội nghị quan trọng quyết định đến tương lai của châu Âu sau cuộc chiến tranh với Napoleon. Các đại biểu đến từ các nước như Anh, Nga, Áo, Phổ, Pháp đã quyết định khoản bồi thường chiến tranh của Pháp và vấn đề rút quân của các nước đồng minh. Cả Salomon và Calmann đều tham gia hội nghị này.

Chính tại hội nghị này, Salomon đã làm quen được với Metternich thông qua Gentz - một thủ hạ của Metternich, và rất nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Một mặt, sự tán dương thấu tình đạt lý của Salomon đã khiến Metternich mát lòng mát dạ, mặt khác, Metternich cũng muốn dựa vào thế lực tài chính hùng hậu của gia tộc Rothschild. Hai người tỏ ra rất hiểu nhau. Mối quan hệ giữa Salomon và Gentz cũng ngày càng khăng khít hơn.

Dựa vào Metternich và sự tiến cử của Gentz, thêm vào đó là mối quan hệ làm ăn mật thiết giữa Rothschild với thái tử William và hoàng thất Đan Mạch, bức tường cao ngất của Habsburg cuối cùng cũng bị Salomon vượt qua. Các khoản vay và đầu tư của hoàng thất cho ngân hàng của Salomon ngày càng ổn định và tăng lên, chẳng mấy chốc Salomon đã trở thành “tay trong” của hoàng thất. Năm 1822, hoàng gia Habsburg đã phong hiệu Nam tước cho bốn anh em nhà Rothschild (trừ Nathan).

Được sự giúp sức về tài chính của Salomon, Metternich bắt đầu mở rộng sức ảnh hưởng của Áo, đưa quân đi khắp nơi đến các điểm nóng để “bảo vệ hoà bình”, vì vậy tiềm lực vốn ngày càng suy kiệt của nước Áo lại bị các cuộc điều quân này làm cho thảm hại thêm, và lẽ dĩ nhiên là ngày càng rơi vào vòng xoáy tài chính của dòng họ Rothschild. Khoảng thời gian từ năm 1814 đến năm 1848 ở châu Âu được gọi là thời đại của “Metternich”, còn trên thực tế, người khống chế Metternich lại chính là ngân hàng Rothschild đứng sau lưng.

Năm 1822, Metternich, Gentz, Salomon, James và Calmann đã tham dự hội nghị Verona quan trọng. Sau hội nghị này, ngân hàng Rothschild nhận được một khoản đầu tư với lợi nhuận. rất lớn là công trình đường sắt Trung Âu.

Lúc này, người Áo đã ngày càng ý thức được sức ảnh hưởng của Rothschild, và họ bắt đầu nói đùa với nhau rằng “Nước Áo có một hoàng đế Ferdinand và một quốc vương Salomon”.

Năm 1843, Salomon đã mua Công ty liên hiệp khoáng sản Vitkovice và Công ty luyện kim Magyar - hai công ty nằm trong nhóm 10 công ty công nghiệp nặng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Năm 1848, Salomon đã trở thành ông trùm kinh tế và tài chính của Áo.

7. Ảnh hưởng của Rothschild đối với Đức và Ý

Kể từ khi người Đức rút quân sau chiến dịch Napoleon, Liên bang Đức đã được hình thành từ hơn 30 quốc gia phong kiến phân tán trong quá khứ. Amschel nắm giữ vùng Frankfurt và được bầu làm Bộ trưởng tài chính đầu tiên của nước Đức liên bang, năm 1822 được hoàng đế của Áo phong làm Nam tước. Ngân hàng Rothschild ở Frankfurt trở thành trung tâm tài chính của nước Đức. Nhưng vì không có con nối dõi, nên Amschel luôn nhiệt tình giúp đỡ các bậc anh tài mới xuất hiện. Trong số những nhân tài này có một chàng thanh niên mà ông đặc biệt mến mộ - đó chính là Ottovon Bismarck, vị tể tướng có ý chí kiên cường và giàu lòng hy sinh của nước Đức và là một nhân vật nổi tiếng thế giới trong lịch sử hiện đại sau này.

Tình cảm giữa Amschel và Bismarck có cái gì đó giống như tình cha con. Và sau khi Amschel qua đời, Bismarck vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với dòng họ Rothschild. Nhà ngân hàng Samuel Bleichroder đứng sau lưng Bismarck cũng là người đại diện của dòng họ Rothschild(27).

Calmann là người bình dị nhất trong số năm anh em nhà Rothschild, đảm nhận vai trò người đưa tin chủ yếu trong dòng họ, chuyển tin tức đến các vùng của châu Âu và hiệp đồng với các anh em khác. Sau khi giúp. người em thứ năm giành được thắng lợi vang dội trong chiến dịch công trái năm 1818 của Pháp, ông liền được Nathan cử đến Napoli của Ý để xây dựng ngân hàng. Chính ở đây ông đã thể hiện khả năng vượt trội đến khó tưởng tượng so với những người anh em của mình. Calmann không những giúp sức cho Klemens Wenzel von Metternich phái quân đội đến Ý đàn áp cách mạng mà còn dùng những mánh khóe chính trị xuất sắc buộc chính phủ địa phương của nước này phải thừa nhận đã sử dụng chi phí của quân đội. Ông còn giúp cho Medici lập kế hoạch và thu hồi lại chức vị Bộ trưởng tài chính của Napoli. Calmann dần dần trở thành trụ cột tài chính trong hoàng cung của nước ý, sức ảnh hưởng của ông lan toả khắp bán đảo nước này. Ông thiết lập mối quan hệ giao thương qua lại với với Vatican. Khi gặp ông, giáo hoàng Gregory 16 đã phá lệ giao tiếp của Toà thánh bằng cách đưa tay ra cho phép Calmann hôn lên, thay vì đưa chân ra cho hôn như lẽ thường.

8. Đế chế tài chính của Rothschild

Chỉ cần anh em các ngài tụ họp lại cùng nhau thì trên đời chẳng có một ngân hàng nào có thể cạnh tranh, làm tổn thương hoặc kiếm lợi ở các ngài. Một khi các ngài hợp sức với nhau thì uy lực của các ngài sẽ lớn hơn bất cứ ngân hàng nào trên thế giới này(28).

Lời của Davison nói với Nathan, ngày 24 tháng 6 năm 1814.

Trước khi qua đời vào năm 1812, Rothschild cha đã để lại di chúc cho năm người con:

1. Những chức vụ quan trọng trong các ngân hàng của dòng họ phải do các thành viên trong dòng họ nắm giữ, tuyệt đối không để người ngoài nắm những cương vị này. Chỉ cần là đàn ông trong dòng họ thì đều có thể tham gia vào hoạt động thương mại của dòng họ.

2. Việc kết hôn chỉ có thể được tiến hành giữa những người họ hàng với nhau trong dòng họ, để tránh tình trạng thất thoát tài sản ra ngoài. (Quy định này trước đây được thực hiện nghiêm túc, về sau đã được nới rộng với việc cho phép các thành viên trong gia tộc được kết hôn với các dòng họ khác gốc Do Thái trong lĩnh vực ngân hàng).

3. Tuyệt đối không cho phép công bố tình hình tài sản ra bên ngoài.

4. Trưởng nam trong mỗi gia đình được xem là các thủ lĩnh, trừ khi được dòng họ đồng ý mới có thể chọn con thứ để tiếp quản. Bất cứ ai vi phạm di chúc này, sẽ mất đi toàn bộ quyền thừa kế tài sản(29).

Tục ngữ có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, Rothschild đã thông qua hình thức kết hôn trong nội bộ dòng họ để triệt để đề phòng khả năng của cải thất thoát ra ngoài. Trong hơn 100 năm, việc kết hôn theo hình thức này đã diễn ra 18 lần, trong đó có 16 lần là giữa những người con cả vốn là các anh chị em họ với nhau.

Theo tính toán, khoảng năm 1850, dòng họ Rothschild đã tích luỹ tổng số tài sản lên đến 6 tỉ đô-la, và nếu tính tỉ lệ lãi suất 6% thì đến ngày nay, sau hơn 150 năm, tài sản của dòng họ này ít nhất cũng đã trên 50.000 tỉ đô-la.

Một quy chế gia tộc hà khắc, hoạt động hoàn toàn kín kẽ, sự phối hợp nhịp nhàng chính xác như một chiếc đồng hồ, nguồn thông tin sớm hơn thị trường, lý trí lạnh lùng sáng suất, tham vọng quyền lực và tiền tài vô hạn, sự hiểu biết thấu đáo về tiền bạc và của cải cũng như khả năng dự đoán thiên tài đã giúp cho dòng họ Rothschild xây dựng nên một đế chế tài chính lớn nhất trong lịch sử loài người, ngay cả khi đế chế này rơi vào vòng xoáy tàn bạo của tài chính, chiến tranh và chính trị.

Đến đầu thế kỷ 20, tổng số của cải mà dòng họ Rothschild khống chế đã bằng một nửa tổng của cải thế giới lúc bấy giờ(30).

Số lượng các ngân hàng của dòng họ Rothschild đã phủ khắp các thành phố quan trọng của châu Âu. Dòng họ này có một hệ thống thu thập thông tin tình báo và truyền tin nhanh chóng của riêng mình, thậm chí quý tộc và hoàng gia của các nước châu Âu khi muốn truyền những tin khẩn và bí mật đều phải thông qua hệ thống của họ. Họ còn là những người đầu tiên sáng lập nên hệ thống thanh toán tài chính quốc tế, lợi dụng sự khống chế của họ đối với thị trường vàng thế giới để xây dựng một hệ thống thanh toán sổ sách vận chuyển vàng mà không cần dùng đến hiện vật trong hệ thống ngân hàng của dòng họ.

Trên thế giới này, không ai có thể lý giải sâu sắc hơn ý nghĩa đích thực của vàng bằng dòng họ Rothschild. Vào năm 2004, khi tuyên bố rút lui khỏi hệ thống định giá vàng London, dòng họ Rothschild đang ngầm rời bỏ trung tâm bão táp tài chính chưa từng có của 'thế giới tương lai để định lại mối quan hệ giữa họ với giá trị của vàng. Nền kinh tế đô-la Mỹ chồng chất nợ nần và hệ thống tiền tệ pháp định của thế giới bốn phía rủi ro rình rập, cũng như hệ thống ngoại hối thế giới rất có thể sẽ đối mặt với một đợt thanh toán, chỉ có của cải nhiều năm tích luỹ của các quốc gia Đông Nam A có dự trữ vàng không đáng kể sẽ bị “phân phối lại cho những người thắng cuộc trong tương lai”. Quỹ đối xung sẽ phát động công kích một lần nữa, chỉ có điều, lần này đối tượng sẽ không phải là đồng bảng Anh hay tiền tệ của châu á, mà là trụ cột của nền kinh tế thế giới - đồng đô-la.

Đối với các ngân hàng, chiến tranh là một thông tin vô cùng tốt lành. Bởi các sản phẩm hay các thiết bị đắt tiền phải khấu hao dần dần trong thời bình sẽ tan thành mây khói trong tức khắc, các bên tham chiến sẽ không tiếc bất cứ giá nào để đạt được thắng lợi cuối cùng, đến khi chiến tranh kết thúc, chính phủ dù là của bên thắng hay thua đều bị lún sâu vào vòng nợ nần của các ngân hàng. Trong khoảng thời gian 121 năm kể từ khi ngân hàng Anh thành lập cho đến khi chiến tranh Napoleon kết thúc (1694 - 1815), nước Anh đã có 56 năm sống trong cảnh chiến tranh, một nửa thời gian còn lại được tiêu tốn cho việc chuẩn bị cuộc chiến kế tiếp sau đó.

Việc giật dây gây chiến và tài trợ cho chiến tranh phù hợp với lợi ích căn bản của ngân hàng, và ngân hàng của dòng họ Rothschild cũng không phải là ngoại lệ. Từ cuộc đại cách mạng Pháp (1789) đến chiến tranh thế giới lần thứ hai, hầu như đằng sau cuộc chiến tranh cận đại nào cũng đều thấp thoáng bóng dáng của họ. Dòng họ Rothschild hiện là chủ nợ lớn nhất của các quốc gia phát triển ở phương Tây.

Trước khi qua đời, phu nhân Gutle Schnaper của Rothschild cha còn nói rằng: “Nếu các con trai của ta không thích có chiến tranh, thì sẽ chẳng có ai còn nhiệt tình với chiến tranh nữa”.

Đến giữa thế kỷ 19, quyền phát hành tiền tệ của các quốc gia công nghiệp chủ yếu ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức Áo, Ý đều lọt vào tầm khống chế của Rothschild, “Quân quyền thần thánh đã bị kim quyền thần thánh thay thế”. Lúc bấy giờ, sự phồn vinh thịnh đạt của đại lục địa châu Mỹ nằm bên kia bờ Đại Tây Dương đã lọt vào tầm ngắm của gia tộc này.

CHÚ THÍCH

(1) G. Edward Griffm, Những kẻ đến từ đảo Jekyll (The Creature from Jekyll Island) - American Media, Westlake Village, CA 2002, tr.218.

(2) Morton (1962) chú thích rằng, tài sản của gia tộc Rothschild được ước tính vào khoảng trên 6 ở đô-la Mỹ vào năm 1850. Con số này có thể không có ý nghĩa gì trong thời đại bảy giờ, tuy nhiên, hãy thử nghĩ một chút về giá trị của sản nghiệp đó sau 156 năm (tính đến năm 2006). Nhưng, nếu thử tính 6 tỉ đô-la này trong mối quan hệ với tỉ suất ROI - tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư - và thường dao động từ 4% đến 8%) thì chúng ta có thể thấy được rằng, khối tài sản của gia tộc Rothschild lớn thế nào:

7 tỉ tỉ đô-la Mỹ (4%)

12.1 tỉ tỉ đô-la Mỹ (5%)

53.2 tỉ tỉ đô-la Mỹ (6%)

230.2 tỉ tỉ đô-la Mỹ (7%)

982.3 tỉ ti đô-la Mỹ (8%)

(3) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(4) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, tr. 94.

(5) Eustace Mullins, The Secrets of the Federal Reserve - The London Connection (Bankers Research Institute, 1985), Chương 5.

(6) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(7) Ignatius Balla, Chuyện tình của gia tộc Rothschilds (The Romance of the Rothschilds) - Everleigh Nash, London, 1913

Tờ New York Times, số 1/4/1915 đăng một báo cáo rằng, năm 1914, Baron Nathan Mayer de Rothschild yêu cầu toà án đình bản cuốn sách của Igatius Balla vì những gì mà tác giả viết về thân phụ ông trong cuốn sách này đều không đúng và bôi nhọ danh dự của gia đình ông. Toà án ra phán quyết rằng, cảu chuyện trong cuốn sách là đúng sự thật và bác đơn của Baron Nathan Mayer de Rothschild đồng thời ra lệnh cho ông ta phải chi trả toàn bộ chi phí toà án.

(8) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) - Bankers Research Institute, 1985, Chương 5.

(9) Anh em nhà Rothschild trong bức thư gửi vào năm 1863 đến các ông chủ ngân hàng New York để hỗ trợ cho Đạo luật Ngân hăng quốc gia.

(10) Glyn Davis. Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) - University of Wales Press 2002, tr.257, 258.

(11) Eustace Mullins, Bí mật của Cục Dự trữ liên bang ((The Secrets of the Federal Reserve) - Bankers Research Institute, 1985, Chương 5.

(12) Xem sách đã dẫn.

(13) Glyn Davis. Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) - University of Wales Press 2002, tr. 239.

(14) Cục Thống kê quốc gia Anh (http://www.statistics.uk/CCI/ nugget.asp?ID=277).

(15) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(16) Xem sách đã dẫn.

(17) Frederic Morton, Gia tộc Rothschilds (The Rothschilds) - Fawcett Books 1961), tr. 40.

(18) Xem sách đã dẫn, tr. 31.

(19) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(20) Benjamin Disraeli, Coningsby (New York: Alfred A. Knopf, xuất bản tại Anh năm 1844), tr. 224.

(21) G. Edward Griffm, Những kẻ đến từ đảo Jekyll (The Creature from Jekyll Island) - American Media, Westlake Village, CA 2002, tr. 224.

(22) Frederic Morton, Gia tộc Rothschilds (The Rothschilds) - Fawcett Books 1961), tr. 45.

(23) R. Mcnair Wilson, Quân chủ hay Quyền lực tiền tệ (Monarchy or Money Power) - London: Eyre and Spottiswoode, Ltd., 1933, tr. 68.

(24) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(25) David Druck, Baron Edmond de Rothschitd (Privately printcd), N.Y. 1850.

(26) Frederic Morton, Gia tộc Rothschilds (The Rothschilds) - Fawcett Books, 1961.

(27) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(28) Lord Rothschild, The Shadow of a Great Man. London: 1982, tr. 6.

(29) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) - Emissary Publications, 1980, Chương 5.

(30) Ted Flynn, Hy vọng của kẻ xấu xa (Hope of the Wicked) - Maxkol Communication, lnc, 2.000, tr. 38.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: