Chiến khu D (part 1/2) haley
Tác giả: Hồ Sĩ Thành
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh
Lời nhà xuất bản
Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng bạt ngàn nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận thành phố Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hoà (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi trú dấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước.
Ngoài việc giữ vị trí chiến lược nối nhiều chiến trường ở Nhật Bản và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, Chiến khu Đ còn là ưu thế của một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của địch ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trên một phương diện khác, với tầm vóc của mình, Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Qua biết bao gian khổ, thăng trầm, Chiến khu Đ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ gần một phần ba thế kỷ, nhưng những bài học quý giá về lòng yêu nuước, tinh thần xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, còn nguyên giá trị, đặc biệt là vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.
Về Chiến khu Đ, đã có những công trình nghiên cứu lịch sử, sách báo đăng tải. Lần này Thượng tá Hồ Sĩ Thanh (nhà thơ Lam Giang), cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự Quân khu 7, tiếp tục sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn dưới dạng hỏi đáp, một cách hàm súc và mang tính phổ cập, đưa đến bạn đọc những tư liệu và hình ảnh về Chiến khu Đ trong kháng chiến và hiện nay. Đây là tập thứ tư trong bộ sách “Việt Nam kỳ tích” của tác giả, sau 3 tập đã ấn hành: Địa đạo Củ Chi, Biệt động Sài Gòn, Đặc khu Rừng Sác, chắc chắn sẽ đem lại những điều bổ ích cho bạn đọc.
Nhà xuất bản Trẻ
Chiến khu Đ rất nổi tiếng, không những trong nước mà cả thế giới. Xin cho biết xuất xứ tên “Chiến khu Đ”?
Trong các thời kỳ kháng chiến, các căn cứ, khu chiến đấu lần lượt ra đời nhằm bảo tồn lực lượng và tiến công tiêu diệt kẻ thù. Nhiều căn cứ mang chính tên địa danh sở tại, hoặc tên các anh hùng, danh nhân, tên các đồng chí lãnh đạo kiệt xuất, nhưng cũng có nhiều khu căn cứ mang tên ký hiệu bằng các ký tự A, B, C, D… (còn gọi là mật danh) để nguỵ trang, che mắt địch. Chiến khu Đ cũng là một vùng căn cứu mang ký tự như vậy.
Ngày 20-3-1946 (năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống Pháp), Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An (thuộc tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Dương), tiến hành cải tổ lại cơ quan khu bộ, thảo luận những biện pháp xây dựng địa bàn đứng chân, qui định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ chiến đấu nhằm ngăn chặn, tiêu diệt giặc và bảo vệ an toàn căn cứ.
Sau hội nghị, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống. Các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực mang một mật danh A, B, C, D. Theo đồng chí Võ Bá Nhạc nguyên chánh văn phòng Khu bộ Khu 7 thì: A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội, Đ là tổng hành dinh Khu 7 đóng ở Ngãi Hoang. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển.
Khu bộ lập một trung đội “bộ đội danh dự gương mẫu” làm nhiệm vụ nghi thức và lưu động tác chiến bảo vệ cơ quan trung khu. Từ đây căn cứ Tổng hành dinh Khu 7 thường được gọi là Chiến khu Đ.
Về phía địch, thực hiện kế hoạch bình định, thực dân Pháp ra sức lôi kéo các phe nhóm tôn giáo phản động, lập các đảng phái và mặt trận quốc gia giả hiệu, các “khu quốc gia”, “khu an ninh” nhằm tạo thêm cơ sở xã hội cho chúng và chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta. Tướng NyÔ tổ chức bố trí lại chiến trường, chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Vùng Chiến khu Đ thuộc tiểu khu 3 gồm: Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức.
Tên Chiến khu Đ sinh ra như trên; tuy nhiên có nhiều người cho rằng chữ Đ ở đây mang ý nghĩa là “đỏ”, hàm ý là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng, một “địa chỉ đỏ” của cả nước. Hoặc chữ Đ là viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên, tập hợp lực lượng. Hoặc chữ Đ là viết tắt chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông… Ngoài ra do Chiến khu Đ là vùng rừng hoang nước độc rất gian khổ, bệnh tật, nên nhiều người còn gọi đùa là “chiến khu đói”, “chiến khu đau”…
Cũng cần nói thêm hai từ “chiến khu” ở đây, ta hiểu là có nhiều căn cứ hợp lại, trong đó có căn cứ lãnh đạo chỉ huy, nhưng cũng có nhiều căn cứ của các đơn vị chiến đấu hoặc chuyên môn phục vụ của các ngành quân, dân, chính, Đảng…
Chiến khu Đ đã hình thành như thế nào?
Như ta đã biết một chiến khu bao giờ cũng có điểm xuất phát, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Nhưng giai đoạn ra đời hình thành có những hoàn cảnh rất đặc thù.
Đối với Chiến khu Đ, giai đoạn ra đời kéo dài trong một bối cảnh đặc biệt của vùng đất là hậu phương của cuộc kháng chiến, nhưng lại là cửa ngõ của trung tâm bộ máy chiến tranh của bọn xâm lược và tay sai.
Ngay từ tháng 10-1945, trong những tháng mở đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân phá vòng vây của ta xung quanh Sài Gòn, muốn nống ra đánh chiếm các đô thị và vùng kinh tế, các đường giao thông… hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến.
Biên Hoà, Thủ Dầu Một là cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn trở thành một trong những hướng đánh chiếm đầu tiên của địch.
Do tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến dần dân rút ra vòng ngoài để bảo toàn, củng cố lực lượng. Tân Uyên (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một) với ưu thế địa hình quân sự, trở thành hướng rút quân thuận lợi cho nhiều đơn vị võ trang từ các nơi.
Đêm 22-10, một bộ phận gồm 40 người, trang bị 30 khẩu súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy, kéo về Tân Tịch, Đất Cuốc, dựa vào rừng làm căn cứ để xây dựng lực lượng chống Pháp. Nhiều lực lượng ở các nơi khác cũng lần lượt rút về Tân Uyên.
Đầu tháng 11, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng cử vào phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ. Trong khi đi khảo sát địa hình, nhận rõ vị trí địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên, đã chọn khu Lạc An lập căn cứ địa cho an toàn khu.
Ngày 10-2-1945, tại Đức Hoà (Chợ Lớn) hội nghị quân sự toàn Nam Bộ được triệu tập, quyết định chia Nam Bộ thành các chiến khu 7, 8, 9. Chiến khu 7, tổ chức hành chính quân sự được thành lập chính thức gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính trị uỷ viên khu.
Chấp hành nghị quyết của hội nghị Đức Hoà, ngày 17-12-1945, cơ quan khu bộ Khu 7 về đứng chân và xây dựng hệ thống phòng thủ Tân Uyên. Lạc An tên một xã trong vùng căn cứ thuộc Tân Uyên-nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hoà được chính thức xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của Chiến khu 7.
Như vậy, sau hai tháng kể từ khi thực dân Pháp đánh lên Biên Hoà, Thủ Dầu Một, cùng với quá trình phân hóa tan rã của các sư đoàn Cộng hoà vệ binh (thành lập sau Cách mạng tháng Tám) và sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng trong toàn khu, nhiều đơn vị vũ trang và cơ quan đầu não kháng chiến Khu 7 đã lần lượt rút về căn cứ Tân Uyên củng cố xây dựng lực lượng.
Đầu năm 1946, giặc Pháp đánh lan ra. Căn cứ Tân Uyên trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của chúng.
Trong năm 1946, cùng với cuộc kháng chiến của quân và dân cả nước, Chiến khu 7 phát triển nhiều mặt. Các lực lượng vũ trang ở đây đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt và đẩy lùi quân địch.
Chiến khu Đ đã hình thành trong điều kiện áp lực nặng nề của quân Pháp và đứng trước những thử thách mới của một cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ.
Xin cho biết vị trí của Chiến khu Đ qua các thời kỳ kháng chiến?
Nhìn tổng quan vùng miền Đông Nam Bộ, Chiến khu Đ có một hình thể tương đối đặc biệt. Nó tiếp cận được với trung tâm đầu não của kẻ thù từ một vòng cung không lớn, nhưng có một chiều sâu không bị gián đoạn và nằm trên triền đất thoải dần từ cao nguyên miền Trung chạy về phía nam, nối lền rừng núi bạt ngàn của nam Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ xuống giáp với các đô thị lớn như Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Sài Gòn.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở từng giai đoạn lịch sử, Chiến khu Đ có phạm vi rộng hẹp khác nhau.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Chiến khu Đ được hình thành từ 5 xã: Tân Hoà, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà). Từ năm 1948 trở đi, Chiến khu Đ được mở rộng ra, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để không ngừng mở mang lên phía bắc tới Phước Hoà về phía đông tới sông Bé; rồi vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Mặc dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hoà lên Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên.
Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do qui mô cuộc chiến tranh ở mức cao hơn, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), trung tâm chiến khu chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, sau khi giải phóng Phước Long, các khu căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vị phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ Chiến khu Đ nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước), phía bắc vương xa giáp biên giới Việt Nam-Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng), phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, diễn biến vùng căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ luôn gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng chiến khu như máu thịt. Đối với nhân dân cả nước ngày nay Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tuợng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.
Chiến khu Đ có những đặc trưng về địa lý và thiên nhiên?
Có thể nói Chiến khu Đ là “dấu nối” giữa rừng núi với đồng bằng, vì nó nằm trên bán bình nguyên. Địa hình cao dần từ tây nam lên đông bắc với độ cao trung bình 40m. Ở mạn bắc thuộc huyện Phước Long và Đồng Phù có các bậc thềm với độ dốc thoải dần theo hai hướng; Sông Bé về phía tây và Đồng Nai về phía nam. Được cấu tạo bởi đất phù sa cổ sinh thuộc hệ thống sông Đồng Nai, chất đất ở đây theo sự biến thien của độ cao mà chuyển dần từ màu xám sang màu nâu đỏ và đỏ bazan ở vùng cao. Núi đứng từng ngọn hoặc từng cụm nhỏ trên nền đá hoa cương, là những sơn địa cuối cùng của xương sống Trường Sơn ở phía nam. Hàng trăm đồi núi, cao nhất là ngọn Bà Rá 723m, tạo thành một dải rừng núi hùng vĩ trùng điệp, lợi hại về mặt quân sự.
Rừng Chiến khu Đ là rừng nguyên sinh, cây hỗn hợp và mọc nhiều tầng dày đặc. Trong đó, “rừng cấm” Cát Tiên là phần sót lại sau chếin tranh. Trong từng có nhiều loại “danh mộc” như cẩm lai, gõ, sao sến, trắc, căm xe, huệ mộc, huỳnh đường, ván hương; những rừng tre lồ ô bạt ngàn dọc triền bắc sông Bé và nhiều cây thuốc quý như bạch truật, cam thảo, đẳng sâm, mã tiền…
Các loại động vật nhiệt đới có đủ mặt trong rừng Chiến khu Đ như cọp, gấu, beo, trâu rừng, bò rừng, tê giác, hươu, nai, mễn, khỉ, chồn, heo… và hàng trăm loại chim muông. Dưới sông Đồng Nai (đoạn chảy qua Chiến khu Đ) có cá sấu…
Chiến khu Đ có hàng chục đồn điền cao su. Đây là một bộ phận rừng không nhỏ chiếm diện tích của hàng vạn ha rừng tự nhiên đầu thế kỷ XX cho đến nay như các sở cao su Đa Kia, Thuận Lợi, Phú Riềng và nhiều sở nhỏ như Phước Hoà, Bác Vật, Cô Mười…
Khí hậu thời tiết ở Chiến khu Đ chịu ảnh hưởng của vùng nhiệt đới đông Nam Bộ, nói chung ôn hoà theo hai mùa mưa nắng. Nhưng trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đây là vùng rừng núi hoang vu “Mã Đà sơn cước”, “lâm sơn chướng khí”; càng lên phía bắc và đông bắc càng khắc nghiệt, nhất là vùng Bà Rá như cái “nôi” của sốt rét, đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng cán bộ, chiến sĩ ta. Ở vùng cao hơn như Phước Long, ngày nóng, đêm lạnh buốt. sương mù bao ơhủ dày đặc. Mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10) với lượng mưa rất cao. Có tháng mưa dầm dã suốt ngày đêm, các sông suối nước chảy cuồn cuộn đục ngàu. Sông Bé trở nên hung dữ nước tung bờm ngựa như muốn cuốn đi tất cả.
Địa hình Chiến khu Đ phức tạp như vậy, xin cho biết hệ thống giao thông ở đây?
Quả là đi vào Chiến khu Đ như vào “mê hồn trận” của thiên nhiên. Tuy nhiên, trong vùng chiến khu này, giao thông vẫn thuận lợi do có cả đường bộ và đường thuỷ (sông suối).
Về đường thuỷ, sông Đồng Nai chảy qua chiến khu, chia làm hai đoạn. Đoạn thượng nguồn từ rừng Cát Tiên đến Vĩnh An dài khoảng 80km, lòng sông rộng trung bình từ 90-120m với độ sâu hàng chục mét. Bờ sông dựng đứng, có nhiều thác ghềnh và đá ngầm hiểm trở. Đoạn từ Vĩnh An xuôi về thị trấn Tân Uyên cũng dài khoảng 80km, chảy qua bậc thềm thác Trị An, lòng sông rộng dễ giao thông hơn. Một chỉ lưu quan trọng của sông Đồng Nai là sông Bé; bắt nguồn từ ngã ba Hiếu Liêm chạy ngoằn ngoèo lên phía bắc đến suối Brơlinh, dài khoảng 60km, rộng trung bình 30, sâu hàng chục mét. Ngoài ra trên địa bàn Chiến khu Đ còn có hàng trăm sông suối và nhiều thác khác nổi tiếng như Trị An, thác Mơ, thác Trời, Cần Đơn, Tóc Đồng… có tiềm lực thuỷ điện rất cao.
Tuy nhiên hệ thống giao thông đường bộ là chủ yếu đối với Chiến khu Đ. Xung quanh chiến khu có các trục lộ bao bọc như quốc lộ 20 và quốc lộ 13. Có 3 tuyến đường chính nối Chiến khu Đ với các tỉnh. Đó là đường 10 dài khoảng 80km nối đường 14A ở đông bắc thị trấn Bù Đốp xuyên dọc chiều dài bắc nam của chiến khu (phía tây) về thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Con đường này nối liền các thị trấn, các đồn điền cao su quan trọng: Phước Bình, Đa Kia, Thuận Lợi, Phú Riềng và các khu dân cư: Đồng Xoài, An Ninh, Phước Vĩnh. Đường 13 (đoạn từ Nha Bích đến Đồng Xoài) và đường 14B từ thị trấn Đồng Xoài chạy theo hướng đông-đông bắc là tuyến đường xuyên suốt từ cực tây sang cực đông của chiến khu, dài 85km.
Trong lòng Chiến khu Đ còn có các đường: tỉnh lộ 8 dài 32km nối thị trấn Tân Uyên với Hiếu Liêm chạy men theo bờ bắc sông Đồng Nai; đường 322 dài hơn 50km nối thị trấn Đồng Xoài với Cây gáo xuyên qua sân bay Rang Rang, Mã Đà, suối Bà Hào; đường 323 dài hơn 70km nối liền Cây Gáo với Vĩnh An và Tà Lài; đường liên xã nối thị trấn Bù Đăng với các xã Đồng Nai, Thống Nhất và vùng bắc Cát Tiên; đường (không số) nối lộ 16 tại Bình Cơ đi Sình, Bà Đã, Hiếu Liêm tới lộ 8 tại Lạc An.
Trong kháng chiến, ta lợi dụng sông suối, đường sá để đánh giặc, nhưng chính hệ thống giao thông đường bộ cũng gây cho ra những khó khăn. Có lúc địch đã lợi dụng những con đường này đẩy ta vào thế vô cùng khó khăn, do chúng có sức cơ động bằng cơ giới rất mạng; đặc biệt là trong thời kỳ đánh Mỹ.
Địa hình Chiến khu Đ có những lợi thế gì để xây dựng căn cứ địa cách mạng?
Mặc dù đã triệt để khai thác những nhược điểm của Chiến khu Đ để bao vây tiêu diệt lực lượng ta, nhưng Chiến khu Đ vẫn tồn tại và biến thành “Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp” và cả giặc Mỹ sau đó.
Những mặt thuận lợi, ưu điểm của Chiến khu Đ là ta đã lợi dụng được điều kiện tự nhiên của vùng đất này để xây dựng căn cứ chiến đấu trường kỳ cho đến toàn thắng.
Đất rừng ở đây gần sông suối dễ trồng tỉa cây lương thực, hoa màu ngắn ngày, lại có nguyên liệu cao lanh cho ngành gồm và nhiều ngành công nghệ khác. Rừng vừa “che bộ đội” và cung cấp cây thuốc chữa bệnh và nguồn thịt động vật, các loại cây, trái, củ, lá… nuôi sống con người, nhất là trong các thời kỳ ác liệt, do địch đánh phá, phong toả kinh tế.
Đồi núi, đất đai được phủ xanh bằng rừng cây tầng tầng lớp lớp, những tuếyn hào phòng thủ thiên nhiên do sông suối tạo nên và đường xá giao thông lớn nhỏ trong rừng tạo cho Chiến khu Đ một thế lợi hại về quân sự.
Đất rừng Chiến khu Đ có độ cao và rắn chắc thuận lợi cho việc cấu trúc công sự chiến hào và địa đạo để bám trụ chiến đấu lâu dài, nhất là những đợt địch gia tăng hoạt động bao vây đánh phá các khu căn cứ.
Hơn thế, phần lớn Chiến khu Đ nằm trong hệ thống rừng núi, địa hình hiểm trở là địa bàn lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ làm nơi trú đóng lực lượng, dự trữ kho tàng và phát triển mọi mặt của vùng căn cứ. Lưng dựa vào Trường Sơn và rừng núi miền nam Đông Dương, gắn với một phần đoạn cuối đường Hồ Chí Minh; phía trước lấn sát vùng đồng bằng dân cư và các đô thị lớn, Chiến khu Đ còn là vung án ngự chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là cầu nối “trung chuyển” quan trọng từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam Bộ.
Trong 30 năm ròng rã chống quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Chiến khu Đ đã khai thác triệt để tiềm năng của vùng chiến khu đặc biệt này để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đóng góp của Chiến khu Đ vào thắng lơi hai cuộc chiến tranh giải phóng đã qua, thể hiện rõ năng lực khắc phụ rất cao những mặt khó khăn, phát huy những ưu điểm thuận lợi của những yếu tố điều kiện tự nhiên, của quân và dân Chiến khu Đ, tạo nên một chiến khu nổi tiếng ngang tầm với lịch sử của nó.
Xin cho biết về con người và yếu tố đặc trưng văn hóa-xã hội ở Chiến khu Đ?
Qua các hiện vật khảo cổ khai quật được tại các di chỉ Vương Dũ, dốc Chùa, gò Đá, suối Linh, Hiếu Liêm, lòng hồ Trị An… các nhà khảo cổ đã xác định: Cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm (thời đại đồng thau phát triển) trên địa bàn Chiến khu Đ đã có con người cư trú. Cùng với nghề trồng lúa nước của một nền nông nghiệp phát triển, cư dân ở đây đã biết những nghề thủ công như khai thác đá, đồ gốm, dệt vải, đúc đồng…
Cư dân bản địa sống trên vùng Chiến khu Đ là các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Stiêng và Chơro thuộc ngữ hệ Môn Khơme chiếm đa số. Những dân tộc ít người hơn có: Mơnông, Mạ, Tàmưng, Khơme.
Từ xã xưa, xã hội chưa phân hóa giai cấp, hình thái kinh tế của đồng bào ở đây phổ biến là du canh du cư, phong tục tập quán còn rất lạc hậu.
Từ khoảng giữa thế kỷ XVII về sau, đồng bào người Kinh từ miền Bắc, miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp, đã đến định cư ở vùng chiến khu. Trước thế kỷ XIX, các đợt di cư ấy hầu hết là những nông dân cùng cực mong muốn thoát khỏi tai họa, đói khổ, tang tóc do cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn gây ra. Từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, thành phần chủ yếu trong các đợt di dân là các thế hệ nông dân bị bần cùng hóa, phải rời bỏ quê hương đi làm cho chủ Tây ở các đồn điền cao su.
Từ sau cách mạng Tháng 8-1945, trên vùng Chiến khu Đ đã khá đông đảo dân cư, chủ yếu vẫn là người Kinh sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào trong Chiến khu Đ thấp hơn đồng bào thành thị và đồng bằng rất nhiều; có 95% mù chữ, hàng năm chỉ đủ gạo ăn 6 thán, còn lại phải ăn rau, củ, trái rừng. Những người nông dân tha hương dám chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt, trui luyện thành những con người kiên gan, với sức chịu đựng phi phàm. Họ chính là nơi gieo trồng những mầm cây cách mạng cho chiến khu.
Nhìn bao quát ta thấy vùng đất này có một nền văn minh lâu đời, trước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai đã là nơi cư sống của hàng vạn người-một cộng đồng dân chúng chúng được kết cấu từ 3 thành phần cơ bản: đồng bào dân tộc ít người, nông dân và công nhân cao su.
Ngoài truyền thống chung của dân tộc, nhân dân ở vùng Chiến khu Đ còn có những truyền thống mang tính đặc thù của miền đất pha màu sơn cước: sẵn sàng xả thân cho lẽ phải, niềm tin; đề cao tình thần thượng võ, thích tự do, phóng khoáng, cư xử nghĩ hiệp và giàu lòng tương ái đùm bọc lẫn nhau; ham mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên không ngừng.
Chiến khu Đ bao hàm ý nghĩa của một vùng đất bất khuất. Vậy những phong trào đấu tranh ở đây đã ra đời như thế nào?
Như ta đã biết chiến khu là một điểm son của xứ sở Bến Nghé-Đồng Nai, tự thân đã có khi phách kiên cường. Vì thế ở đây cũng là nơi hội tự những trào lưu yêu nước.
Tính từ nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng làm cuộc “thập tự chinh” xâm lược Việt Nam, trên vùng đất Chiến khu Đ đã hình thành một phong trào chống xâm lăng sâu rộng và liên tục đến nửa đầu thế kỷ XX.
Ngay sau khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hoà, nhân dân Tây Nguyên cùng lực lượng bán võ trang đã tập kích vào tỉnh lỵ, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đó là trận đầu đánh Pháp của vùng đất mà về sau gọi là Chiến khu Đ.
Trong gần nửa thế kỷ sau, phong trào tiếp tục phát triển làm nên những sự kiên sôi động như: cuộc nổi dậy của hàng vạn nông dân Tân Uyên và dọc sông Thị Tính (một nhánh sông Sài Gòn) năm 1870, đốt phá nhiều công sở đồn bót và diệt nhiều binh lính địch; nhân dân và lực lượng nghĩa quân đồng loạt nổi dậy giết nhiều lính canh, đốt cháy trụ sở địch, chiếm đồn Kiểm Lâm…
Ở vùng đông bắc, đồng bào dân tộc đấu tranh quyết liệt chống lại bọn tư bản Pháp chiếm đất, đuổi dân, phá rừng lập các đồn điền cao su, bắt dân làm đường… suốt từ năm 1912 đến năm 1935. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Mơtranlơn lãnh đạo 170 nghĩa quân tiến công tiêu diệt đồn Fus dưới chân núi Namly. Ở vùng đông bắc và tây bắc, cuộc đấu tranh diễn ra liên tục trong 15 năm (1914-1929).
Gần 80 năm cai trị, thực dân Pháp không khuất phục nổi đồng bào các dân tộc ít người và không làm chủ được vùng rừng núi rộng lớn của Chiến khu Đ.
Năm 1929, chi bộ Đảng cộng sản ra đời tại Phú Riềng. Ngày 3-2-1930, đúng ngày khai sinh Đảng cộng sản Việt Nam, 5.000 công nhân Phú Riềng đã tiến hành cuộc đấu tranh qui mô chưa từng có. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện, Xích vệ đội ra đời. Đây là phát pháo hiệu mở đầu của phong trào công nhân trên vùng Chiến khu Đ và Nam Kỳ nói chung, dưới sự lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản. Sự kiện “Phú Riềng đỏ” có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ phong trào công nhân cả nước và trở thành truyền thống của công nhân cao su Việt Nam.
Lực lượng vũ trang Chiến khu Đ xuất hiện từ bao giờ?
Từ khi Đảng lãnh đạo, cùng với phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân trong vùng, lực lượng vũ trang ra đời như một sự tất yếu để làm nòng cốt cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Năm 1937, Tỉnh uỷ Biên Hoà được thành lập. Để chuẩn bị cho lực lượng khởi nghĩa sắp tới, thán 7-1940, tỉnh đã bí mật xây dựng lực lượng võ trang tại Châu Thành và Tân Uyên, do đồng chí Huỳnh Liễn chỉ huy. Đơn vị vũ trang gồm có 35 người được trang bị vài khẩu súng trường và giáo mác, gậy tầm vông, hoạt động chủ yếu trong vùng rừng Tân Uyên. Quận Tân Uyên được chọn làm nòng cốt cho phong trào trong toàn tỉnh. Các chi bộ ở Mỹ Lộc, Mỹ Quới, Tân Tịch, Tân Hoà đều tổ chức các nhóm quần chúng trung kiên rèn dao gắm, sắm ná, gậy tầm vông vạt nhọn…
Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ làm rung chuyển các vùng nông thôn sát các đô thị Nam Bộ. Cuộc khởi nghĩa bị lộ nên thất bại và bị giặc Pháp đàn áp đẫm máu. Tại Tân Uyên, các chi bộ Đảng bị vỡ. Đồng chí Huỳnh Liễn hy sinh. Các đồng chí Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.
Trước sự truy lùng gắt gao của địch, đồng chí Chín Quỳ tập hợp bộ phận vũ trang còn lại (khoảng 1 tiểu đội) rút vào ẩn náu trong rừng núi thuộc các xã Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Tại đây đơn vị đã tổ chức nhiều trận đánh cướp của nhà giàu chia tài sản, tiền bạc cho người nghèo, đồng thời tích cực tuyên truyền phát triển lực lượng.
Sau năm 1943, phong trào cách mạng ở Tân Uyên dần dần hồi phục. Rải rác ở các xã, nhân dân bí mật chuẩn bị vũ khí.
Tháng 7-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa. Xứ uỷ Nam Kỳ chủ trương xây dựng một số căn cứ làm nơi cất giấu vũ khí, huấn luyện cán bộ và các đơn vị võ trang, in ấn sách báo, truyền đơn… Từ 23-8-2945, nhân dân các xã vùng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Tiểu đội vũ trang Chín Quỳ và lực lượng thanh niên Tiền phong làm nòng cốt đổ về thị trấn giành thắng lợi ở quận lỵ Tân Uyên.
Sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà và tiểu đội vũ trang quận Tân Uyên tuy chưa mạnh mẽ và phát triển, nhưng đã góp phần vào thắng lợi cách mạng Tháng 8 ở những vùng quan trọng là những cái nôi cách mạng hình thành căn cứ địa Chiến khu Đ.
Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy cao nhất lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ từ năm 1945-1951. Xin cho biết sự chỉ đạo trực tiếp của ông ở vùng Chiến khu Đ?
Trung tướng Nguyễn Bình là một nhân vật nổi tiếng ở Nam Bộ. Ông sinh năm 1908, quê ở Hưng Yên, tham gia sinh hoạt xã hội từ khi còn rất trẻ và bị giặc Pháp cầm tù ở Côn Đảo (1930-1935). Sau khi ra tù, ông sang Quảng Châu-Trung Quốc học trường Hoàng Phố. Khi về nước ông tham gia cách mạng ở vùng Hưng Yên-Kiến An-Hải Phòng; năm 1945, là một trong số cán bộ lãnh đạo Chiến khu Đông Triều.
Sau cách mạng Tháng 8, ở Nam Bộ tình hình các lực lượng võ trang hết sức phức tạp. Ngoài 4 sư đoàn mang tên Đệ nhất sư đoàn, Đệ nhị sư đoàn, Đệ tam sư đoàn, Cộng hoà vệ binh (trong đó có những sư đoàn do các tên phản động cầm đầu) còn có các nhóm Bình Xuyên, Hoà Hảo, Cao Đài và lực lượng giang hồ hảo hớn. Các sư đoàn và các nhóm võ trang này cát cứ từng địa bàn với những mục đích khác nhau, trong đó có vùng Biên Hoà, Bà Rịa…
Trước tình hình đó, tháng 10-1945, Hồ Chủ tịch và Trung ương đã phái đồng chí Nguyễn Bình lúc đó là Tư lệnh Bộ chỉ huy liên tỉnh miền Duyên Hải-Đông Bắc Bắc Bộ, vào Nam Bộ với sứ mạng thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ dưới tôn chỉ mục đích chông thực dân Pháp.
Với khả năng tổ chức quân sự và uy tín cá nhân, ông đã lặn lội khắp chiến trường để thực hiện mệnh lệnh của Trung ương và Hồ Chủ tịch, thu phục được cả những phần tử ngang tàng bằng cốt cách anh hùng, hào hiệp, nghĩa cả của mình.
Đầu tháng 11-1945, trong khi đị thị sát tình hình chiến trường miền Đông, đồng chí Nguyễn Bình đã đến nghiên cứu thực địa Tân Uyên và thảo luận với Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà chọn khu vực Lạc An để lập căn cứ cho toàn khu.
Ngày 20-11, đồng chí Nguyễn Bình triệu tập hội nghị quân sự tại An Phú Xã (Thủ Dầu Một). Từ nhiều tỉnh của miền Đông Nam Bộ, 49 đại biểu đủ các thành phần quân dân chính đảng đã về dự. Hội nghị thảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế, và đặc biệt nhấn mạnh công tác quân sự nhằm thống nhất tổ chức, chỉ huy, hoặc định chương trình và phân chia địa bàn hoạt động cho các đơn vị vũ trang. Hội nghị An Phú Xã đã củng cố một bước về mặt tổ chức các đơn vị vũ trang trong kháng chiến trên chiến trường miền Đông.
Tháng 3-1946, khu Xứ uỷ Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ làm 3 khu: 7, 8 và 9, đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định giữ chức Trưởng khu Khu 7, phụ trách chiến trường trọng điểm gian khổ. Trong quá trình hoạt động, Khu trưởng Nguyễn Bình đã đóng góp nhiều công sức cho Chiến khu Đ. Ngày 25-8-2948, ông được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng.
Tiếc thay, con người mưu dũng và tài năng quân sự lỗi lạc đã sớm ra đi. Ngày 29-9-1951, trong chuyến công tác ra Bắc, ông bị bọn thổ phỉ phục kích và hi sinh tại một vùng rừng núi của tỉnh Strungcheng-Campuchia.
Với những công lao đặc sắc trong quãng đời hoạt động, nhất là ở chiến trường Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chếin chống Pháp đầy gian lao, ác liệt, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng và Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000. Cũng trong năm này, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ tổng tư lệnh quân đội Hoàng Gia Campuchia và đồng bào tại địa phương nơi ông hi sinh, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đã được đưa về Việt Nam và làm lễ truy điệu, an táng trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị Cù Lao Vịt có ý nghĩa như thế nào với việc xây dựng căn cứ và lực lượng vũ trang ở Chiến khu Đ?
Trong chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” Ban chấp hành Trung ương Đảng đã vạch cho Nam Bộ hướng cơ bản về việc chuẩn bị tinh thần và thực lực cho cuộc kháng chiến toàn diện và lâu dài. Trong đó vấn đề xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang đóng vai trò then chốt hàng đầu.
Để thực hiện chủ trương của trên, cuối tháng 4-1946, hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hoà được triệu tập tại Cù Lao Vịt do đồng chí Nguyễn Đức Thuận chủ trì. Sau khi phân tích tình âm mưu và hoạt động của thực dân Pháp sau Hiệp ước sơ bộ (6-3), kiểm điểm tình hình lực lượng kháng chiến, đồng chí Nguyễn Đức Thuận nêu rõ những nhiệm vụ của tỉnh và chỉ định đồng chí Trần Minh Trí làm Bí thư Tỉnh uỷ. Hội nghị đã thảo luận quyết nghị một số công tác quan trọng, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang và cử đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm uỷ viên quân sự tỉnh Biên Hoà…
Sau hội nghị Cù Lao Vịt, tháng 5-1946, tại Xóm Đèn (thuộc Tân Hoà), hội nghị quân sự tỉnh Biên Hoà đã nhất trí thông qua hai vấn đề chính:
-Nhập Vệ quốc đoàn huyện Châu Thành với Vệ quốc đoàn Biên Hoà (bộ đội Huỳnh Văn Nghệ) thành lực lượng vũ trang thống nhất của tỉnh, lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hoà.
-Xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hoà.
Hội nghị ở Cù Lao Vịt và sau đó là Xóm Đèn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khôi phục và khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà; tập hợp các lực lượng vũ trang nhỏ lẻ thành một lực lượng thống nhất. Hội nghị đã tạo tiền đề căn bản cho việc phát động cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp và xây dựng căn cứ địa của tỉnh, chuẩn bị thực lực để đảm bảo tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.
Tân Uyên là mục tiêu tiến công đầu tiên của giặc Pháp?
Tân Uyên là trọng điểm của Chiến khu Đ kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, do đó đã trở thành đối tượng nguy hiểm của địch.
Đầu năm 1946, quân Pháp được tăng viện lên 3 vạn. Chúng đánh lan ra vừa để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị vũ trang, vừa để đóng đồn bót chiếm đất giành dân. Căn cứ Tân Uyên trở thành mục tiêu tiến công trước tiên của giặc Pháp.
Để thực hiện âm mưu đánh vào vùng căn cứ đầu não kháng chiến, từ giữa tháng 1-1946, địch bắt đầu tổ chức các cuộc trinh sát và hành quan thăm dò lên Tân Uyên. Hàng ngày máy bay Pháp bay lượn trên chiến khu.
Sáng 20-1, các trạm gác dọc sông Đồng Nai báo về sở chỉ huy có một đoàn tàu địch theo sông Đồng Nai tiến về Tân Uyên. Các trung đội phục kích dọc bờ sông được lệnh sẵn sàng nổ súng. Quân ta chọn khúc sông gần Lò Ren cách thị trấn Tân Uyên 2km bố trí trận địa phục kích tiêu diệt địch. Một bè cây được địch đẩy ra néo chặn không cho tàu địch chạy sát bờ sông phía cù lao.
Hơn 6 giờ sáng, đoàn tàu giặc gồm 1 tàu chiến và 2 xuồng kéo tới, gặp bè cây buộc phải chạy sát bờ phải. Lập tức quân ta tung lựu đan tới tấp vào mục tiêu. Chiếc tàu chiến bị trúng lựu đạn hỏng máy không chạy được. Địch trên 2 xuồng nhỏ hoảng sợ bắn loạn xạ lên bờ và đón bọn Pháp nhảy trên tàu xuống xuồng, vội vã quay lui.
Ngày 22-1, địch lại tổ chức tân công thăm dò lần thứ hai. 9 giờ sáng, 2 tàu chiến từ Biên Hoà chém sóng lên Tân Uyên và lọt vào trận địa phục kích của quân ta bên bờ sông Cù Lao. Tên lái tàu bị bắn chết khiến chiếc tàu đâm vào bờ, 30 tên giặc trên tàu bị diệt. Chiếc tàu còn lại vãi đạn lên hai bờ sông, liều lĩnh tiến về Tân Uyên, bị các chiến sĩ đuổi theo bắn chặn. Núng thế, tàu địch buộc phải quay lui, khi cách thị trấn Tân Uyên còn 1km.
Thắng lợi hai trận đánh đầu tiên bảo vệ được căn cứ Tân Uyên gây phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cổ vũ vùng chiến khu chuẩn bị bước vào cuộc chến đấu mới.
Sau hai lần đánh thăm dò, ngày 24-1, quân Pháp tổ chức cuộc tiến công qui mô vào căn cứ Tân Uyên với lực lượng khá lớn gồm 4.000 tên có kết hợp máy bay, tàu chiến và xe cơ giới; chia thành 5 cánh. Do có sự chuẩn bị tốt, các đơn vị vũ trang đã chặn đánh địch quyết liệt trên các hướng. Tại Tân Long, địch bị tiêu diệt 120 tên, 6 xe cam nhông bị đốt cháy. Ở hướng Tân Phong, địch bị bắn chìm 2 xuồng. Ở hướng Tân Ba-thị trấn Tân Uyên, địch bị chặn đánh khắp các ngả, đội hình rối loạn, cố thoát khỏi vòng vây của ta. Bọn viện binh bị tiêu diệt 40 tên, ta thu 18 súng.
Buổi chiều cùng ngày, Pháp dùng cả thuỷ lục không quân ồ ạt đánh vào Tân Uyên. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, nhưng do bất lợi, quân ta rút ra vòng ngoài về căn cứ. Quân Pháp chiếm được thị trấn Tân Uyên. Mặc dù vậy, chúng không đạt được mục tiêu là diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang chiến khu, mà bị tổn thất nặng: 220 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 6 xe cam nhông và 2 xuồng bị phá huỷ.
Chiêm được thị trấn, quân Pháp lập chi khu Tân Uyên ở hữ ngạn và chi khu Cây Đào ở tả ngạn sông Đồng Nai, kiểm soát được từ Vĩnh Cửu sang Tân Uyên.
Trước tình hình đó, các phân đội vũ trang Khu 7 và Vệ quốc đoàn Biên Hoà rút sâu vào rừng 5 xã. Cơ quan khu bộ rời Mỹ Lộc vào đóng ở Giáp Lạc, Bưng Kè, Lạc An. Từ đây vấn đề củng cố lực lượng, xây dựng bố trí phòng thủ để ngặn chặn tiêu diệt địch, bảo vệ că cứ trở nên hết sức cần thiết.
Sau khi đánh chiếm được một địa bàn quan trọng của Chiến khu Đ, Pháp đã hành động ra sao? Ta đối phó lại chúng như thế nào?
Ngày 6-3-1946, thực hiện chủ trương “hoà để tiến”, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ. Theo Hiệp ước, quân đội của hai phe ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ đợi thực hiện các điều khoản được ký kết. Tuy ký, nhưng thực dân Pháp cố tình không thực hiện Hiệp ước. Tướng NyÔ lên thay Vanluy làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Nam ra lệnh tăng cường hành quân bình định…
Ngày 15-3, chưa đầy 10 ngày sau lễ ký kết, quân Pháp tổ chức cuộc càn lớn vào vùng rừng căn cứ 5 xã: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Hơn 5.000 quân có tàu chiến và máy bay yểm trợ hình thành nhiều mũi tiến công ào ạt vào chiến khu; thực hiện đốt sạch, phá sạch, giết sạch những nơi chúng đến. Các đơn vị vũ trang đã anh dũng chiến đấu nhưng không ngăn được bước chân quân giặc. Vùng chiến khu bị tàn phá nặng nề.
Thái độ lật lọng của thực dân Pháp bị dư luận lên án mạnh mẽ. Chúng thấy bất lợi nên cho tướng NyÔ ngỏ ý muốn tiếp xúc với Bộ chỉ huy Khu 7.
Biết rõ “tim đen” của giặc, nhưng cần tranh thủ thời cơ hoà hoãn để củng cố và phát triển lực lượng, đồng thời đánh một đòn chính trị, vạch mặt kẻ thù, ta đồng ý thương thuyết.
Ngày 10-4, tại miếu Bà Cô (Vĩnh Cửu-Biên Hoà)-một cửa ngõ quan trọng vào chiến khu bên bờ sông Đồng Nai, đại diện quân Pháp và Bộ chỉ huy Khu 7 tiến hành cuộc đàm phán. Phía Pháp do Pâylơ làm trưởng đoàn. Phái đoàn Khu 7 có các đồng chí Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Lê Đình Chi…
Do bất đồng quan điểm (phía Pháp trịnh thượng và đưa ra những yêu cầu vô lý ngang ngược), ngày 16-4, cuộc đàm phán chấm dứt trong tình trạng bế tắc.
Không khuất phục được ta trong đàm phán, Pháp tổ chức tiến công qui mô lần thứ ba vào Chiến khu Đ. Chúng huy động quân từ Buôn Mê Thuột và các vùng xung quanh về hợp với lực lượng tại chỗ thành một đội quân đông tới 8.000 tên, do tướng Lơ Cléc chỉ huy. Cuộc hành quân lớn này của địch nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ để giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị chúng đang tiến hành ở Nam Bộ.
Đoán được mưu đồ của quân Pháp, chiến khu đã tích cực triển khai đánh địch, sơ tán các cơ sở hậu cần vào các khu rừng hẻo lánh, bố trí các lực lượng bảo vệ các khu vực xung yếu như Lạc An, Giáp Lạc, Xóm Sình, Mỹ Lộc…
3 giờ sáng ngày 19-4, quân Pháp chia làm nhiều mũi ồ ạt tiến công vào vùng chiến khu. Các đơn vị vũ trang linh hoạt cơ động đánh tiêu hao địch ở khắp nơi, diệt hàng trăm tên, bắn bị thương 1 máy bay. Ở suối Voi, ta dùng cả trọng liên 12 ly 7 tập kích quân Pháp đang nghỉ ngơi ăn uống, diệt 80 tên, phá huỷ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Quân Pháp không tìm diệt được cơ quan đầu não và các đơn vị bộ đội tập trung của Khu 7, trong khi quân số ngày càng tiêu hao. Tuy vậy, lực lượng của chúng còn rất đông và hầu như đã làm chủ được toàn bộ vùng căn cứ đứng chân của ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Khu 7 và Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà quyết định phá vòng vây vượt ra ngoài. 9 giờ đêm 22-4, toàn cơ quan khu bộ, các đơn vị bộ đội, các cơ quan kháng chiến, cơ sở hậu cần ở chiến khu gần 2.000 người bí mật rời khỏi xóm Sình và các địa điểm ẩn náu trong khu căn cứ, rút ra ngoài vòng vây của địch an toàn.
Xin cho biết tình hình ở Chiến khu Đ trong vòng vây phong toả của địch?
Trong chiến tranh, có khi lực lượng ta phải lùi, nhưng “lùi để tiến”, đó là phương thức bảo toàn lực lượng phòng ngự để tiến công.
Do Chiến khu Đ bị địch tiến công bao vây thường xuyên, tháng 5-1946, cơ quan khu bộ Khu 7 rút về Vườn Thơm (Bình Chánh) sau đó về Đức Hoà (Long An) lập căn cứ mới gọi là Quân khu Đông Thành. Một số đơn vị hậu cần được phân công ở lại Chiến khu Đ, do Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà trực tiếp quản lý.
Mặc khác, chấp hành nghị quyết hội nghị Xóm Đèn (5-1946), các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh, huyện chuyển sâu vào Chiến khu Đ, tiếp tục xây dựng phát triển căn cứ, tạo nơi đứng chân vững chắc.
Trong hoàn cảnh rất khó khăn, Chiến khu Đ vẫn được tăng cường lực lượng. Vệ quốc đoàn Biên Hoà biên chế thành 5 phân đội. Công tác xây dựng lán trại, kho tàng được triển khai. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn thành lập ban sanh sản-địa hình, do đồng chí Chín Quỳ phụ trách làm nhiệm vụ sản xuất lương thực và đảm trách các khu vực theo từng phương án chiến đấu. Các đội trinh sát, tình báo, liên lạc được thành lập làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, liên lạc giữa Chiến khu Đ với Quân khu Đông Thành và các khu vực bên ngoài. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định tư tưởng trụ lại chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, nhưng vấn đề lương thực thực phẩm rất khó khăn. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn tổ chức ra 9 “quận quân sự” trong tỉnh, vừa làm nhiệm vụ dìu dắt dân quân du kích xã vừa làm nhiệm vụ thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ đóng góp tiếp tế cho bộ đội.
Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, tháng 6-1946, Bộ chỉ huy Khu 7 thống nhất các lực lượng vũ trang toàn khu, tổ chức bộ đội trên địa bàn từng tỉnh thành các chi đội.
Theo chủ trương trên, Vệ quốc đoàn Biên Hoà (gồm bộ đội Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội Châu Thanh) và Vệ quốc đoàn Long Thành được thống nhất lại, tổ chức thành chi đội, lấy phiên hiệu là Chi đội 10. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng. Lực lượng của chi đội có 1.100 người trang bị 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối; hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc quân Tân Uyên.
Sự thành lập Chi đội 10 đã đánh dấu một bước phát triển mới của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà nói riêng và Chiến khu Đ nói chung. Các đại đội Vệ quốc đoàn Chi đội 10 phân tán thành từng đơn vị nhỏ xuống đứng chân và hoạt động tại các xóm ấp, do dân tiếp tế nuôi dưỡng. Về tổ chức, tỉnh chuyển các “quận quân sự” thành các “Ban công tác liên thôn”; dưới ban công tác liên thôn là “Ban công tác xã”. Các cơ quan quân sự địa phương này giúp cho uỷ ban hành chính quận xã thực hiện nhiệm vụ quân sự trên địa bàn của mình do chi đội thống nhất chỉ huy.
Đến lúc này, trong chiến khu xuất hiện 3 hình thức tổ chức vũ trang: bội đội địa phương, du kích tập trung và du kích xã. Đây là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Chiến khu Đ.
Như vậy, trong vòng vây ráo riết của quân thù, Chiến khu Đ vẫn hoạt động và phát triển nhiều mặt, tự khẳng định khả năng phòng vệ của mình để vươn lên lập những kỳ tích chiến công trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Việc ký kết tạm ước 14-9-1946 ở Fontainnableaur (Pháp) có tác động đến Chiến khu Đ như thế nào?
Việc Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Việt Nam ký tạm ước với chính phủ Pháp là nhằm hoà để tiến, chứ không hề có sự thỏa hiệp với thực dân Pháp.
Được tin tạm ước ký kết, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ họp hội nghị chủ trương triệt để lợi dụng hình thức công khai để tuyên truyền mạnh mẽ cho kháng chiến và Chính phủ, tích cực củng cố và phát triển các đoàn thể cứu quốc và các tổ chức chính quyền, đẩy mạnh hoạt động quân sự kết hợp với binh vận làm hoang mang tinh thần nguỵ binh.
Lúc này, hoạt động của địch ở vùng chiến khu giảm thiểu. Địch chỉ còn giữ lại ở Tân Uyên chi khu và các bót Tân Uyên, Cổng Xanh, Phước Hoà. Bên tả ngạn sông Đồng Nai chỉ còn chi khu Cây Đào và bót Rạch Đông. Phạm vi kiểm soát của địch ở Chiến khu Đ hẹp lại. Từ Đất Cuốc, Lạc An, ta mở đường liên lạc vận tải dễ dàng lên đường 13 ở phía bắc và qua sông Đồng Nai về Long Thành, Bà Rịa phía Nam.
Các cơ quan kháng chiến của tỉnh, huyệntừ trong rừng sâu chuyển ra phía ngoài, đóng dọc Đất Cuốc, Tân Lợi, Mỹ Lộc, Tân Tịch, xây dựng lán trại khang trang.
Sở chỉ huy Chi đội 10 từ Bình Chánh chuyển về Tân Tịch. Các phân đội về bám ấp xóm hoạt động gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Bộ phận quân nhu do đồng chí Cao Văn Bổ phụ trách xây dựng mạng lưới bảo đảm hậu cần xung quanh căn cứ, tổ chức đường dây vận chuyển thuốc men, hóa chất từ nội thành về căn cứ.
Cơ sở quân giới do đồng chí Nguyễn Cao phụ trách được bổ sung thêm 2 đồng chí Bùi Cát Vũ, Đặng Sĩ Hùng và nhiều công nhân kỹ thuật giỏi, quân số lên tới hàng trăm người. Ngoài việc nhồi đạn (rờ sạc), sửa súng, làm lựu đạn, xưởng còn sáng chế được lựu đạn cầu, lựu đạn phóng, địa lôi bằng đầu đạn, bom lép của địch. Các công binh xưởng cũng chuyển dần phía ngoài, đời sống của cán bộ, công nhân được cải thiện một bước quan trọng.
Quân y viện do bác sĩ Võ Cương phụ trách được bổ sung dụng cụ y tế và một số y sĩ, y tá từ trong thành ra chiến khu. Quân y viện mở các lớp đào tạo y tá, cứu thương cung cấp cho các đơn vị; khắc phục mọi thiếu thốn tực hữa các bệnh sốt rét, ho, kiết lỵ, ghẻ lở… cho bộ đội và nhân dân trong chiến khu. Nhiều chiến sĩ bị thương, khu cưa cắt không có thuốc tê vẫn cố chịu đau và hát vang bài ca cách mạng.
Trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang đã trụ lại Tân Uyên với quyết tâm xây dựng căn cứ cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ trên vùng đất Chiến khu Đ.
Xin cho biết chính sách bình định của địch và những thất bại của chúng?
Nhằm thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắn nhanh”, đầu năm 1947, Bộ chỉ huy quân đội Pháp tập trung lực lượng bình định Nam Bộ.
Thực hiện kế hoạch thâm độc này, thực dân Pháp ra sức lôi kéo các phe nhóm tôn giáo phản động, lập các đảng phái và mặt trận quốc gia giả hiệu, các “khu quốc gia”, “khu an ninh” nhằm tạo thêm cơ sở xã hội cho chúng và chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta; củng cố các cơ sở kinh tế như cao su miền Đông, lúa gạo miền Tây và các đường giao thông chiến lược.
Về quân sự, NyÔ chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu ở vùng Chiến khu Đ gồm: Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một-Thủ Đức để tiến hành bình định, phát triển nguỵ binh, đặc biệt trong các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo. Biện pháp hoạt động quân sự của chúng là dùng lực lượng lớn hành quân sâu vào các vùng căn cứ kháng chiến, nhằm đánh cơ quan đầu não của ta, tìm diệt lực lượng vũ trang, triệt phá cơ sở hậu phương, đánh phá các vùng du kích, từng bước mở rộng vùng kiểm soát và vùng địch chiếm.
Chiến khu Đ trở thành mục tiêu càn quét chủ yếu của lữ đoàn Lê dương thứ 13 của Pháp.
Nhằm đối phó hữu hiệu những âm mưu của địch, Tư lệnh bộ Khu 7 mở hội nghị quân sự chấn chỉnh lại lực lượng vũ trang, tổ chức đánh các tuyến giao thông, chống càn quét và đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn khu.
Thực hiện kế hoạch bình định Chiến khu Đ, ngày 18-1-1947, quân Pháp ồ ạt càn vào Tân Tịch; một bộ phận nhảy dù xuống Mỹ Lộc nhằm đánh úp cơ quan kháng chiến tỉnh và Chi đội 10. Do có sự chuẩn bị, các phân đội bảo vệ căn cứ đã chặn đánh quyết liệt, diệt một tiểu đội địch, thu nhiều đạn dược, thuốc men và 100 chiếc dù. Tiếp theo, tháng 3-1947, Chi đội 10 đã tập kích diệt gọn 1 trung đội địch đóng giữ đồn Đất Cuốc, giải toả vùng trung tâm chiến khu. Từ đó, tình hình sinh hoạt trong chiến khu tương đối ổn định. Bọn giặc chủ yếu cố thủ trong các đồn bót lớn, các cuộc càn vào căn cứ giảm hẳn.
Ngày 19-5, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Chi đội 10 chiến đấu lập công, đánh đoàn xe lửa địch ở Bảo Chánh, thu nhiều súng. Tiếp theo, đơn vị lại đánh đoàn xe lửa ở Trảng Táo, thu 22 súng và 10 tấn gạo. Đồng chí Lê Duẩn phụ trách Nam Bộ đã đến Chi đội 10 biểu dương tinh thần vượt khó, dũng cảm chiến đấu của bộ đội Biên Hoà.
Trong những chiến công của Chi đội 10 trong thời gian này là trận phục kích đánh hai đoàn xe lửa của địch ở Bàu Cá ngày 14-7. Trong trận này, Chi đội đã tập trung lực lượng lớn gồm 400 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí mạnh, đã diệt 200 tên (có 1 đại uý Pháp), thu 60 súng và 3 máy thông tin vô tuyến.
Những trận thắng của Chi đội 10 và các lực lượng bảo vệ căn cứ đã góp phần bẻ gãy âm mưu bình định của giặc Pháp đối với Chiến khu Đ, mở ra tiền đề tươi sáng giành thắng lợi của quân và dân vùng chiến khu, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trận La Ngà đánh dấu một điểm son lịch sử của Chiến khu Đ. Xin cho biết cụ thể về trận đánh này?
Sau khi từ Chiến khu Đ tiến công lên Đồng Xoài và tổ chức trận đánh giao thông địch trên đường 14, phá huỷ 14 xe thiết giáp, 9 xe chở lính, diệt 60 tên địch, trên đường trở về căn cứ, Đảng uỷ và ban chỉ huy Chi đội 10 họp rút kinh nghiệm và đánh giá khả năng đơn vị có thể đánh lớn ở một địa bàn xa căn cứ, từ đó quyết định tổ chức một trận đánh giao thông lớn trên đường 20 (Dầu Giây đi Đà Lạt).
Tại Chiến khu Đ, đơn vị đắp sa bàn cát, lên phương án tác chiến trận đánh quan trọng. Đến cuối tháng 2-1948, công tác điều nghiên nắm địch, chuẩn bị hậu cần cho trận đánh được hoàn tất. Đảng uỷ và Ban chỉ huy Chi đội 10 thông qua quyết tâm chiến đấu, chủ yếu hai vấn đề then chốt:
-Tập trung lực lượng toàn Chi đội, có tăng cường Liên quân 17 tổ chức phục kích đoàn xe của địch từ Sài Gòn lên Đà Lạt (đoạn qua cầu La Ngà-Định Quán).
-Để lại một bộ phận đủ sức bảo vệ căn cứ, đề phòng địch phản ứng mạnh sau trận đánh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động vũ trang ở thị xã và sân bay Biên Hoà, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó.
Đêm 25 rạng ngày 26-2-1948, các trạm gác phía mặt sông Đồng Nai vẫn hoạt động bình thường để đánh lạc hướng phán đoán của địch. Trong lúc đó, toàn bộ lực lượng Chi đội 10 và Liên quân 17 bí mật rời khởi căn cứ theo hướng đông vượt sông Bé, băng rừng hơn 80 km về phía La Ngà. Trận đánh diễn ra đúng với dự kiến.
Ngày 1-3, một đoàn xe Pháp 70 chiếc (có xe thiết giáp hộ tống) vận chuyển hàng và sĩ quan cao cấp đi họp từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Đúng theo kế hoạch tác chiến, lực lượng du kích Long Khánh đã làm vật cản và đánh nhỏ làm hạn chế tốc độ đoàn xe. 15 giờ 15 phút, tốp xe đi đầu bị địa lôi nổ bốc cháy nằm chắn giữa đường. Bộ phận chặn đầu dùng hoả lực bắn mạnh vào đội hình rồi đồng loạt xung phong, diệt gọn toán địch và bắt nhiều tên. Phối hợp với bộ phận chặn đầu, bộ phận đánh chính diện dùng trung liên, tiểu liên, lựu đạn diệt nhiều tên và ném các chai xăng đốt cháy xe tải, nhanh chóng làm chủ trận địa, phá huỷ 16 xe.
Bộ phận khoá đuôi chờ tốp xe cuối cùng lọt vào trận địa mới nổ súng. Địch tháo chạy tranh nhau lên xe rút về phía đồn La Ngà. Ta diệt 31 tên.
Tại một đoạn đường khác, Liên quân 17 và công nhân quân giới đồng loạt xung phong tiến công áp đảo địch, diệt 26 xe và 56 tên.
Trận đánh kết thúc lúc 6 giờ. Các đơn vị nhanh chóng thu dọn chiến trường, rút về căn cứ, dẫn theo 200 tù binh. Riêng số lính Pháp bị thương không đi được, ta giải thích chính sách khoan hồng của chính phủ và thả tại chỗ.
Kết quả trận đánh: trên quãng đường dài hơn 9km, 59 xe bị phá huỷ; 150 tên bị diệt, trong đó có 25 sĩ quan. Đại tá De Sérigué chỉ huy bán lữ đoàn Lê dương số 13 và Đại tá Patơruýt Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp tại nam Đông Dương bị chết.
Chiến thắng La Ngà gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm chấn động dư luận nước Pháp.
Cay cú trước thất bại chưa hề có, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn điên cuồng mở cuộc phản kích phục thù.
Đoán được ý đồ của địch, bộ đội ta cấp tốc hành quân trở về chiến khu, mặt khác để một bộ phận kết hợp với lực lượng du kích hoạt động sát vào các vùng thị trấn, thị xã không cho địch tập trung lực lượng phản công.
Trong lúc ta đã về đến căn cứ chuẩn bị chiến đấu thì địch loay hoay mãi tới 5-3 mới triển khai được lực lượng trên các hướng, kể cả quân nhảy dù và tàu chiến từ sông Đồng Nai lên sông Bé. Quân giặc rất hùng hổ, nhưng không thấy lực lượng ta, quân Pháp điên cuồng bắn phs, thiêu đốt nhà cửa đồng bào trong các buôn, sóc Lý Lịch, Bù Cháp.
Cùng ngày, 5 máy bay vận tải thả quân xuống Đất Cuốc; 1.000 bộ binh và 50 xe cơ giới hình thành 2 gọng kìm vây kín khu vực cơ quan tỉnh ở Tân Hoà, Mỹ Lộc. Nhưng ta đã kịp thời sơ tán, chỉ để lại một phân đội cùng dân quân du kích đánh quấy rối quân địch, làm thương vong trên 60 tên.
Thua mưu trí, tổn thất lực lượng, giặc Pháp càng lồng lộn trả thù, đốt nhà của đồng bào các xã trong vùng chiến khu; giết chết 20 người dân, hơn 100 con trâu bò, thiêu cháy 500 giạ lúa. Tuy nhiên, tội ác của chúng đã bị trừng trị đích đáng trên 100 tên Lê dương bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương.
Chiến thắng La Ngà đánh dấu một bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang Biên Hoà, rút ra được nhiều bài học về tổ chức, chỉ huy, tác chiến; đặc biệt là tổ chức hành quân với cự ly xa gần 100km, xuất phát từ căn cứ để tiến công địch và trở về bảo vệ căn cứ an toàn.
Với chiến công xuất sắc trong trận đánh giao thông La Ngà, các đơn vị tham gia đều được Chính phủ tặng thưởng huân chương.
Sau trận đánh La Ngà có sự cải tổ và phát triển mới về lực lượng vũ trang?
Về qui luật chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang càng đánh càng phát triển lớn mạnh về thực lực và nghệ thuật chiến đấu.
Trong trường hợp này, Chiến khu Đ có cũng những bước chuyển quan trọng cho phù hợp với tính chất giai đoạn cuộc kháng chiến phát triển, tương xứng với tầm vóc của một chiến khu rộng lớn, có vị trí trung tâm và sát gần đầu não trung ương địch.
Đầu năm 1948, Tư lệnh Bộ được củng cố một buớc. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ từ chi đội trưởng Chi đội 10 được đề bạt lên Khu bộ phó, và sau đó lên Khu bộ trưởng. Và để tiện việc nắm tình hình chỉ đạo chung, cơ quan khu bộ Khu 7 từ chiến khu Đồng Tháp Mười trở về Chiến khu Đ. Văn phòng Tư lệnh đóng tại Nhà Nai. Lực lượng bảo vệ các cơ quan Khu va an toàn căn cứ có đại đội A thuộc Chi đội 10, tiểu đoàn lưu động khu vực và lực lượng dân quân du kích các xã căn cứ. Ngoài phương tiện giao liên chạy chân và chạy ngựa, từ Sở chỉ huy Tư lệnh đến một số cơ quan, đơn vị được trang bị máy thông tin vô tuyến điện (gọi tắt là VTĐ).
Tại Nhà Nai, ngày 27-3-1948, Tư lệnh khu bộ Khu 7 hội nghị quyết định thống nhất tổ chức bộ đội trong khu thành 10 trung đoàn và 1 tiểu đoàn lưu động (goi là bộ đội lưu động khu).
Chi đội 10 được xây dựng thành trung đoàn 310 do đồng chí Nguyễn Văn Lung làm trung đoàn trưởng. Biến chế của trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn và 1 đại đội trợ chiến, trang bị 800 súng trường, 40 tiểu liên, 16 trung liên, 6 đại liên, 3 súng cối, 1 súng chống tăng. Đảng bộ trung đoàn có tới 155 đảng viên. Đại đội A được xây dựng thành tiểu đoàn mang tên vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, do đồng chí Nguyễn Văn Lắm làm tiểu đoàn trưởng.
Ngoài Trung đoàn 310, trên địa bàn Chiến khu Đ còn có đơn vị bộ đội lưu động của khu do Hoàng Thọ làm chỉ huy trưởng. Đơn vị của Hoàng Thọ có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 310 bảo vệ cơ quan Khu 7, bảo vệ Chiến khu Đ và lưu động tác chếin trong và ngoài chiến khu.
Chi đội 1 Thủ Dầu Một xây dựng thành Trung đoàn 301 do đồng chí Nguyễn Văn Thi làm trung đoàn trưởng, hoạt động ở vùng phía tây Chiến khu Đ.
Sau hơn một năm kháng chiến, lực lượng vũ trang Biên Hoà và Khu 7 không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, đã tạo điều kiện bảo vệ an toàn các căn cứ ở Chiến khu Đ.
Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất đã có những quyết định quan trọng gì về Khu 7 và Chiến khu Đ?
Tháng 7-1948, đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất họp tại bờ kênh Năm Ngàn giữa chiến khu Đồng Tháp Mười. Đồng chí Lê Duẩn được uỷ nhiệm thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì hội nghị. Đại hội đề ra chủ trương nhằm chống chiến lược của giặc, bảo vệ hậu phương của ta.
Quán triệt nghị quyết của đại hội, Khu uỷ và Bộ chỉ huy Khu 7 đề ra các nhiệm vụ bức thiết:
- Đánh mạnh vào hậu phương địch, gây cơ sở địch hậu, thu hẹp vùng kiểm soát của chúng.
- Phá hoại trọng tâm kinh tế của địch (chủ yếu là cao su) làm cắt đứt đường giao thông quan trọng của ta.
- Mở rộng khu giải phóng, kiến thiết căn cứ địa bảo vệ lực lượng dự trữ, bảo vệ mùa màng của ta.
- Tích cực phòng gián điệp, tiến hành địch vận và nguỵ vận.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ, cuộc chiến đấu của quân và dân ta phát triển đều khắp trên cả 3 vùng: tạm chiếm, du kích và vùng tự do.
Các trung đoàn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh trên các tuyến đường giao thông của địch, như phục kích các đoàn xe, phá cầu, đào đường. Các tuyến đường bị ta phá hư hại nhiều như Thủ Dầu Một-Dầu Tiếng, Dầu Tiếng-Minh Thạnh, Thủ Dầu Một-Lộc Ninh.
Tính đến cuối năm 1948 sang năm 1949, chủ động đánh địch để bảo vệ căn cứ, lực lượng vũ trang Chiến khu Đ đã chiến đấu hàng chục trận, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng của địch.
Tác dụng của những đợt hoạt động với nhiều chiến thuật đã làm cho địch phải bị động đối phó liên miên trên các chiến trường, không tập trung được lực lượng lớn tấn công vào các vùng căn cứ của ta. Âm mưu khai thác, vơ vét, chuyên chở vật chất từ vùng chiến khu của địch gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Các huyện, xã tích cực xây dựng căn cứ du kích, căn cứ lõm như Bình Đa, Long Thành, Chứa Chan (Biên Hoà), Bình Chánh, Bình Thuận, An Hoà, An Điền, Long Nguyên… (Thủ Dầu Một), Long mỹ, Xuyên Mộc (Bà Rịa)… hình thành một hệ thống căn cứ ken dày xung quanh Chiến khu Đ, tạo nên thế xen kẽ và liên hoàn khắp các chiến trường, chống lại chủ trương chia cắt để dễ đánh phá, tảo thanh của địch.
Với những cố gắng cao nhất trong giai đoạn này, Chiến khu Đ đã thự chiện được những chủ trương quan trọng của Xú Đảng bộ Nam Bộ.
Trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, Chiến khu Đ đã làm gì để giữ vững căn cứ?
Chiến khu Đ ngày càng phát triển nhưng vẫn nằm trong sự kềm toả gắt gao của địch. Bởi chủ trương của chúng lúc này là đánh mạnh vào tiềm lực của chiến khu để thực hiện chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”.
Trước tình hình đó, Khu uỷ Khu 7 và Tỉnh uỷ Biên Hoà chỉ đạo các lực lượng kiên quyết giữ vững căn cứ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ dự trữ kháng chiến; đồng thời ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất mọi mặt… Khẩu hiệu lúc này của chiến khu là “giữ người giữ của, xây dựng người, xây dựng của, lấy của địch bồi dưỡng ta, không để một tấc đất hoang”.
Uỷ ban kháng chiến hành chánh tỉnh Biên Hoà đề ra nhiều biện pháp nhằm phát triển kinh tế, khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất như: nông dân được phép phá rừng làm rẫy, lập mỗi xã một hội đồng canh nông, lập quỹ nghĩa thương dự trữ lúa giống và nông cụ giúp đỡ các gia đình khó khăn, nâng giá thu mua thóc từ 12 đồng lên 20 đồng 1 giạ.
Các đơn vị bộ đội tổ chức bố phòng canh gác bảo vệ nhân dân sản xuất, mở lò rèn nông cụ đối lúa cho nông dân; bản thân vừa đẩy mạnh sản xuất tự cung tự cấp. Bộ chỉ huy Khu 7 thành lập 2 tiểu đoàn sản xuất. Các cơ quan, ban ngành của khu, tỉnh, trung đoàn đều cử người lập bộ phận sinh sản và xây dựng trại sản xuất cây lương thực, chăn nuôi heo, gà… gọi là các “nông trường”.
Trong chiến khu còn xây dựng các cơ sở, xí nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghệ phẩm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bộ đội và nhân dân. Ở Lạc An xây dựng được một số lò đường. Xưởng thuộc da Khu 7 sản xuất được các loại thắt lưng, bao đạn, dây dúng, giày da, xắc cốt, cặp đựng tài liệu. Xưởng giấy sử dụng nguyên liệu sẵn có ở rừng như tre, nứa, bông gòn, vỏ cây để sản xuất các loại giấy đánh máy, giấy bìa. Chỉ tíng riêng trong 2 năm1948-1949, trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất được 30.000 tờ giấy in báo. Công nhân còn chiết mủ cao su chế thành một loại dầu đỏ thắp sáng cung cấp cho nhân dân và bộ đội. Đặc biệt là gốm ở Đất Cuốc nơi có sẵn nguyên liệu cao lanh, đã sản xuất nhiều loại chén đĩa và dụng cụ sinh hoạt phục vụ rộng rãi trong chiến khu. Các sản phẩm gốm có in hình Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh hoặc có dòng chữ “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi” cùng nhiều loại hoa văn trang trí đẹp mắt… Do thiếu nguyên liệu sản xuất vũ khí, lò rèn còn kiêm việc sản xuất các loại vỏ lựu đạn, mìn bằng sành kịp thời cung cấp cho nhu cầu chiến đấu. Tại suối Sâu, từ năm 1947, đã xây dựng được một xa nước phát điện có công suất đủ cho Binh công xưởng khu sản xuất vũ khí và sinh hoạt. “Nhà máy thuỷ điện” này hoạt động đến năm 1951 mới thôi.
Cùng với việc sản xuất tại chỗ, Khu 7 và tỉnh Biên Hoà còn xây dựng được nhiều tuyến hàng lang tiếp tế từ các nơi về Chiến khu Đ. Các cơ quan, đơn vị đều có cơ sở ở nội thành Sài Gòn và các thị trấn, thị xã để vận động đồng bào đóng góp hoặc thu mua hàng hoá khan hiếm như vải vóc, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu cho quân giới. Nhiều chủ cơ sở cao su “đóng thuế” khá thường xuyên, tạo một nguồn cung cấp hậu cần đáng kể cho kháng chiến. Ngoài ra chiến khu còn một nguồn cung cấp vật chất qua các nhà buôn và lực lượng vũ trang vận tải từ Đồng Tháp Mười về Khu 7 trên con đường dài gần 300km, phần lớn phải vượt qua vùng địch kiểm soát. Nhiều chiến sĩ và dân công đã hi sinh vì nhiệm vụ gian khổ này.
Mạng lưới tổ chức hậu cần, tiếp tế của nhân dân và bộ đội đã góp phần nào phá thế bao vây kinh tế của địch đối với Chiến khu Đ.
Trong chiến khu, đơn vị quân giới đã tự túc vũ khí ra sao?
Vào những năm cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ cầm cự (1947-1951), Chiến khu Đ càng gay go gian khổ hơn nhiều. Trong những thiếu thốn, thì vũ khí và lương thực là bức xúc hơn cả.
Một số anh em từ Sài Gòn-Chợ Lớn ra Chiến khu Đ lập binh công xưởng để tự sản xuất vũ khí cung cấp cho bộ đội chiến đấu. Đồng chí Lê Công Tâm cán bộ của Phòng Quân giới Nam Bộ kể rằng: Vào năm 1950, xưởng hoá chất đóng ở Đất Cuốc, cách sông Đại An gần 3km. Anh em thanh niên nội thành chư hề biết tính năng của súng đạn, thậm chí chưa cầm nó bao giờ, những học vừa làm, anh em đã biết pha chế thuốc nổ cho viên đạn; nấu thuốc nổ cực mạnh (Fulminate de Hg) nhồi vào ống kíp, lắp ráp các loai tromlon, lựu đạn ném, lựu đạn gài, thuỷ lôi, mìn FT (phá tường).
Cuối năm 1950, huyện Hớn Quản thành lập “công xưởng” sản xuất vũ khí, pha chế, lắp ráp được một số vũ khí thô sơ cung cấp cho bộ đội địa phương hoạt động. Công trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy liên xưởng tỉnh Thủ Biên về chuyên môn; về tư tưởng, chính trị do Đảng bộ huyện lãnh đạo.
Tuy là đơn vị phục vụ chiến đấu nhưng những hoạt động hết sức khắt khe, gian khổ. Nếu người lính ở ngoài chiến trường trực tiếp đối mặt với quân giặc, sống chết kề bền, thì các chiến sĩ quân giới có thể hi sinh ngay nơi mình làm việc. Không ít trường hợp “sinh nghề tử nghiệp” chỉ do sơ xuất nhỏ nào đó như hai đồng chí Thái và Phẩm. Trái nổ làm 2 anh tan nát thị xương, không lượm được mảnh nào.
Chung quanh xưởng cũng phải gài trái tự động để bảo vệ, chỉ trừ một lối nhỏ ra vào. Đi đúng không cẩn trọg là xảy ra thương vong tổn thất khó lường.
Những ngày thiếu thức ăn, thiếu thuốc, bệnh đau phù thũng, phải ăn ăn bắp giã trừ cơm suốt mấy tháng trời, thỉnh thoảng mới bẫy được con nai, con mễn, con nhím… để cải thiện bữa ăn.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, các chiến sĩ quân giới vẫn khắc phục khó khăn, chèo xuồng qua sông Bé sản xuất ngô, khoai, đậu xanh, xắn mang, câu cá. Đặc biệt là bảo vệ an toàn công xưởng. Có lần trái gài tự động diệt được 3 tên lính biệt kích. Bọnlính Châu Thành, Bến Cát đi ruồng về nói với dân: “Mẹ kiếp cái xưởng gì mà chúng giăng trái tự động dày đặc như mồi trùm. Tới đây cấp trên có bảo đi vô đó thì chắc phải cáo bịnh thôi…”.
Địch tìm mọi cách lọt vào Chiến khu Đ hoạt động gián điệp. Xin cho biết những biện pháp đối phó của ta?
Với tính chất quan trọng như Chiến khu Đ, địch không thể không sử dụng chiến tranh gián điệp để tăng cường biện pháp đánh phá. Do đó chống chiến tranh gián điệp, biệt kích… là một mặt quan trọng của chiến khu.
Lợi dụng chính sách của cách mạng kêu gọi thu hút các thành phần trong đô thị thoát ly kháng chiến, các cơ quan phản gián của địch đã cho bọn mật thám, gián điệp chỉ điểm xâm nhập vào vùng chiến khu, chui sâu vào các cơ quan quan trọng của ta. Với nghiệp vụ được chuấn luyện, chúng bí mật thu thập tin tứ qua tài liệu, điều tra nắm cán bộ cao cấp, chỉ huy, làm ám hiệu chỉ điểm cho máy bay đến đánh phá căn cứ, dẫn bộ binh tập kích, ngấm ngầm phá hoại sản xuất bằng những biện pháp kinh tế.
Địch còn tổ chức bọn buôn lậu đưa hàng hoá xã xỉ và gái điếm vào chiến khu, khêu gợi lối sống ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, tung tin giả gây hoang mang dao động trong lực lượng ta.
Đề cao tinh thần cảnh giác phòng gia, các đơn vị quan trọng chiến khu, được trên chỉ đạo học tập, vạch rõ âm mưu thủ đoạn thâm độc của địch, nâng cao ý thức phòng chống chiến tranh tâm lý, gian điệp của địch, quyết tâm bảo vệ vững chắc căn cứ. Các đơn vị, cơ quan dân quân chính đảng đều rà soát, củng cố lại nhân sự, đề ra qui định, chế độ bảo mật phòng gian, tăng cường kiểm soát giao dịch, quan hệ với bên ngoài, kiểm tra chặt chẽ việc thu nhận người từ vùng địch chiếm, vào chiến khu. Bộ chỉ huy Khu 7 ra chỉ thị thẩm tra lý lịch, chọn lọc cán bộ, nhân viên làm việc ở các cơ quan quan trọng, các kho tàng công binh xưởng… Tổ chức di chuyển một số cơ quan quan trọng đến địa điểm bí mật; tập trung điều tra giải quyết dứt điểm các vụ gián điệp chui vào hàng ngũ kháng chiến. Khắp nơi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều thực hiện “ba không”: không biết, không nghe, không thấy để bảo đảm bí mật an toàn căn cứ.
Nhờ có cũng biện pháp mạnh mẽ, chiến khu đã phòng chống có hiệu quả các thủ đoạn hoạt động gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch, góp phần củng cố nội bộ, gây không khí an tâm phấn khởi trong chiến đấu và công tác.
Công tác bảo vệ an ninh trong chiến khu bao gồm cả việc chống thú dữ, nhất là nạn “cọp ba móng”, hoành hành giết hại nhiều người, gây tâm lý sợ hãi trong cán bộ và nhân dân.
Trong rừng Chiến khu Đ có “cọp ba móng” nổi tiếng. Xin cho biết đôi điều về con cọp này, những tác hại của nó và biện pháp đối phó của ta?
“Ở miền Đông gian lao mà anh dũng” không chỉ đói cơm, thiếu muối, khắc phục mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để chiến đấu với quân giặc có quân số đông và vũ khí mạnh, mà còn phải thường xuyên đối phó với thú dữ như heo rừng, chó sói, trăn, rắn độc và nhất là cọp. Nhưng nguy hiểm hơn cả là “cọp ba móng”.
Ai đã từng sống, chiến đấu ở Chiến khu Đ thì không thể không biết cọp ba móng. Nó xuất hiện và “tung hoành” mạnh nhất từ năm 1949 đến năm 1951. Theo dân trong vùng, nguồn gốc cọp ba móng là do chủ một đồn điền cao su nuôi một con cọp, chân chỉ có ba móng chứ không phải bốn móng như cọp thường. Về sau, con cọp này bị xổng chuồng, chạy vào rừng và sống hoang dã, lại rất hung dữ. Cũng có người cho rằng nó là cọp rừng, nhưng bị các tay thợ săn bắt đứt một móng.
Sau trận La Ngà ở đường 20 (đi Đà Lạt) năm 1947, xác giặc Pháp hàm trăm tên, chúng không lấy hết, số còn lại trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho cọp rừng. Cọp ba móng “tham gia” rất nhiều quen miệng nên luôn rình bắt người để ăn thịt. Chỉ trong vòng 3 năm, họ nhà cọp mà đứng đầu là cọp ba móng đã cướp đi hàng chục sinh mạng của dân, bộ đội, cán bộ, nhân viên các cơ quan Tỉnh.
Phạm vi hoạt động của cọp ba móng rất rộng, bao gồm Hàng Dài, Bà Đã, Lạc An, Đất Cuốc, Đất Đạo, Nhà Nai, Bưng Kè, Bàu Bếp… Nó bắt người bất kể thời gian: chập tối, nửa đêm, mờ sáng, thậm chí cả ban ngày. Để đối phó, đồng bào và các cơ quan làm nhà gác, hoặc chặt những cây cao lớn ken dày làm hàng rào… Thế nhưng cũng không thoát khỏi con vật hung dữ, Có đơn vị trú quan quyây quần, ở giữa đốt đống lửa chát rừng tực, vậy mà cọp ba móng vẫn nhảy vào chộp mất một người. Nhiều người dân cũng bị cọp ba móng xé xác một cách thương tâm.
Quả thật sự lộng hành của gã “chúa rừng” ba móng này đã gây hoang mang cho nhân dân Chiến khu Đ. Nhiều gia đình phải rời bỏ nơi cư ngụ ra vùng địch tạm chiếm để sinh sống. Lợi dụng tình thế đó, địch tung bọn cọp giả vào rừng (thực chất là bọn biệt kích mang lốt cọp) tiếp tục gieo rắc sợ hãi để đồng bào rời khỏi vùng chiến khu. Biết được âm mưu của chúng, bộ đội đã phục kích bắn chết nhiều “cọp biệt kích”. Làm sao loại trừ được cọp ba móng như một đại họa, là câu hỏi đau đầu của cán bộ, chiến sĩ và cả lãnh đạo. Không diệt được nó không chỉ hao tổn sinh mạng mà còn làm giảm sức mạnh của căn cứ kháng chiến. Qua nghiên cứu và nhiều người hiến kế, biện phát trừ cọp ba móng được triển khai thực hiện. Bộ phận công binh đã “lấy độc trị độc”, gài trái gần nạn nhân để bẫy “hung thủ”.
Một hôm, một người đi làm rẫy bị cọp ba móng vồ tha vào rừng. Lần theo dấu máu khoảng 1km, anh em phát hiện được thi thể nạn nhân, liền gài mìn tại chỗ rồi leo lên cây cao bí mật quan sát. Đến chiều “tên sát thủ” trở lại để ăn thịt tiếp, lập tức mìn nổ, con cọp to lớn quỵ xuống rồi lăn đùng ra chết. Thế là mối hiểm hoạ cọp ba móng ở Chiến khu Đ đã được thanh toán trong nỗi vui mừng phấn khởi của các lực lượng và nhân dân bám trụ trong vùng.
Tuy nhiên cọp ba móng đền tội, Chiến khu Đ vẫn chưa hết hậu hoạ. Một “chúa rừng” khác xuất hiện cướp đi mạng sống một số người nữa, chủ yếu là dân làm rẫy. Nhưng với quyết tâm tiêu diệt cọp, bảo vệ dân và cả tính mạng của mình, trung đội 5 đại đội 60 đã truy lùng chúng vào tận rừng già… Từ dó, ở Chiến khu Đ không còn thấy cọp nữa.
Chiến thuật tháp canh Đờ Latua ra đời đã gây nhiều khó khăn cho ta. Xin cho biết ta đã phá chiến thuật Đờ Latua bằng cách nào?
Cuối năm 1949, thực dân Pháp đẩy mạnh bình định trên chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt chúng triển khai thực hiện chiến thuật Đờ Latua, xây dựng hàng ngàn đòn bót tháp canh trên các trục lộ giao thông, các cửa khẩu và xung quanh căn cứ cách mạng.
Xung quanh Chiến khu Đ, địch dựng lên hàng loạt tháp canh nối nhau dày đặc, tạo thành vành đai vây bọc chiến khu từ 3 phía bắc, tây và nam. Các tháp canh này vừa làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông của chúng vừa khống chế lực lượng của ta, cô lập Chiến khu Đ, mở rộng phạm vi kiểm soát, lấn dần vào vùng căn cứ. Tháp canh hình vuông, mỗi cạnh từ 4-5m, xây bằng gạch, cao từ 8-10m. Xung quanh được bao bằng luỹ đất dày, có lỗ châu mai bốn bên để quan sát và bắn đối phương, bên ngoài có hào, chông, mìn, dây thép gai…
Chiến thuật tháp canh thật là nguy hiểm cho lực lượng ta. Yêu cầu bức bách lúc này của chiến khu là phải diệt được tháp canh, từ đó đánh mạnh vào giao thông địch, giải toả bớt áp lực của chúng để mở rộng vùng căn cứ.
Một cuộc hội nghị được triệu tập tại dốc Bà Nghiêm xã Tân Hoà vào tháng 11-1949 bàn cách đánh và sử dụng vũ khí diệt mục tiêu tháp canh. Bộ Tư lệnh Khu 7 giao nhiệm vụ cho tỉnh Biên Hoà tổ chức đánh tháp canh và chỉ thị cho ban quân giới khu sản xuất loại mìn “chuyên dụng” có khả năng phá sập tường tháp.
Chấp hành mệnh lệnh của Khu, tỉnh đội Biên Hoà mở lớp học đánh tháp canh. Tỉnh đội phó Bùi Cát Vũ cho dựng một tháp canh giả và chỉ huy 300 học viên luyện tập đánh tháp.
Sang đầu năm 1950, mọi công tác chuẩn bị đánh tháp canh đã hoàn tất. Tỉnh đội Biên Hoà quyết định tiến hành trận đánh. Đêm 21 rạng 22-3, 50 tổ du kích đồng loạt đánh 50 tháp canh dọc các lộ 24, 16, 15 và quốc lộ 1, kết quả các tháp canh đều bị thủng chứ không sập tháp nào.
Sau trận đánh, Bộ Tư lệnh Khu 7 cùng tỉnh đội Biên Hoà họp rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh cách đánh mới và sử dụng thêm mìn Peta. Đêm 18-4, một tổ du kích Tân Uyên do hai đồng chí Bùi Cát Vũ và Trần Công An (sau này được tuyên dương Anh hùng) chỉ huy đột nhập một tháp canh “mẹ” tại cầu Bà Kiên. Hai quả mìn FT và Peta đã phá sập tháp canh, diệt toàn bộ bọn lính trong tháp.
Sau trận cầu Bà Kiên, ta diệt tháp canh Vàm Giá và khẳng định khả năng đánh bại chiến thuật Đờ Latua của giặc Pháp.
Xung quanh Chiến khu Đ từ sau tháng 4-1950 trở đi, phong trào đánh tháp lan rộng ra toàn tỉnh, Khu 7 và nhiều chiến trường trên khắp nưpức. Kỹ thuật đánh tháp canh được bộ đội ứng dụng rộng rãi trong đánh lô cốt, đồn bót, cầu cống, kho tàng… hình thành một cách đánh đặc biệt gọi là ”chiến thuật đặc công”. Từ đó, đặc công ra đời trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp và nguỵ, là tiền thân của Binh chủng đặc công lớn mạnh trong chống Mỹ sau này. (Tuy nhiên Binh chủng đặc công chính thức thành lập ngày 19-3-1967, khi Bác Hồ đến thăm và biểu dương: “Đặc công là công tác đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt”). Đặc công còn được gọi là “Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ”.
Với cách đánh của lực lượng vũ trang Khu 7, chiến thuật Đờ Latua của Pháp bị giáng một đòn nặng. Chiến khu Đ-Biên Hoà trở thành nơi khởi đầu chiến thuật đặc công.
Chiến khu Đ đã đối phối hợp với chiến dịch Biên giới Việt-Trung như thế nào?
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng một phần đất đai, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Trong bối cảnh đó Chiến khu Đ có sự chuyển động lớn để tổ chức lại chiến trường chung trên cả nước. Theo quyết định của trên, Khu 7 và khu Sài Gòn-Chợ Lớn được mở rộng gồm các tỉnh: Bà Rịa, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Gia Định, Sài Gòn-Chợ Lớn, Tây Ninh. Đồng chí giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ Khu, đồng chí Tô Ký và đồng chí Huỳnh Văn Nghệ Phó tư lệnh, đồng chí Lê Đức Anh Tham mưu trưởng.
Để phối hợp với chiến dịch Biên giới và các chiến dịch khác trên cả nước, Bộ Tư lệnh Khu quyết định mở chiến dịch Bến Cát (Thủ Dầu Một) vào tháng 10-1950 nhằm giải phóng đường 7, mở thông hành lang tiếp vận từ đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn lên căn cứ miền Đông… Tại Chiến khu Đ, không khí rất sôi động, khẩn trương; bộ đội và nhân dân hăng hái tham gia chiến dịch. Từ 7-10 đến 5-11, trên mặt trận chính bao gồm đường 7, liên tỉnh lộ 14 và các mặt trận phụ… quân ta đã tiêu diệt 509 tên địch, đánh sập hàng chục tháp canh, đồn bót, cầu cống; phá huỷ 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 tàu thuyền, thu nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm và đồ dùng quân sự. Đây là chiến dịch qui mô lớn đầu tiên và duy nhất được tiến hành ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tuy nhiên, sau thất bại ở chiến dịch Biên giới, Bộ chỉ huy quân Pháp tại miền Nam đã huy động lực lượng đánh sâu vào một số vùng căn cứ của ta, tiếp hợp mở đường, đóng thêm tháp canh, tạo điều kiện bàn giao trách nhiệm bình định lãnh thổ cho quân nguỵ, để điều binh ra miền Bắc. Đối với Chiến khu Đ, chúng tăng cường phong toả, bao vây kinh tế, hành quân càn quét cấp tiểu đoàn kết hợp các đội Comando và dùng không quân ném bom. Chiến khu Đ phải đương đầu với những thách thức mới của cuộc chiến tranh giải phóng.
Bước sang giai đoạn cầm cự với giặc Pháp, Chiến khu Đ được phát triển mở rộng phạm vu, qui mô mới?
Đầu năm 1951, quân Pháp cố gắng giành lại quyền chủ động trên chiến trường Nam Bộ, mở các cuộc hành quân nhắm vào mục tiêu tiêu diệt lực lượng ta ở Đồng Tháp Mười và dọc theo sông Cửu Long, kiểm soát chặt chẽ Khu 8, cắt đứt Nam bộ ra vùng đông và tây.
Để phù hợp với chiến trường và tình hình chung, tháng 5-1951, Trung ương Cục miền Nam quyết định bố trí lại chiến trường, lấy sông Tiền làm ranh giới phân chia Nam Bộ thành 2 Phân liên khu miền Đông và miền Tây. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở Nam Bộ, Trung ương Cục chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa cho từng chiến trường và cả Nam Bộ.
Thực hiện chủ trương này, Ban căn cứ địa Nam Bộ được thành lập. Tại Chiến khu Đ, ban căn cứ địa hội nghị đề ra nội dung phương hướng xây dựng căn cứ trong tình hình mới và xác định những căn cứ địa chính của toàn Nam Bộ là Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười và Chiến khu U Minh.
Ban căn cứ địa Nam Bộ và Ban căn cứ tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một-Biên Hoà) dã xúc tiến việc xây dựng mở rộng và phát triển Chiến khu Đ từ căn cứ của Biên Hoà và Khu 7 lên thành một trong những căn cứ chính của miền Đông Nam Bộ; đồng thời xác định căn cứ không chỉ đơn thuần bảo đảm địa bàn đứng chân cho cơ quan cấp trên mà phải có chiều sâu và toàn diện, đảm bảo vị thế chiến lược và liên hoàn trong phạm vi toàn miền.
Tháng 7-1951, huyện căn cứ Đồng Nai thuộc tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở sát nhập một số xã căn cứ của huyện Tân Uyên với huyện Hớn Quản. Phạm vi Chiến khu Đ được nới rộng, với diện tích khoảng 3.700km vuông, dân số độ 10.000 người. Sự thành lập huyện căn cứ và sắp xếp lại các xã đã góp phần định lại căn cứ về mặt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của vùng căn cứ địa quan trọng này.
Đi đối với việc mở rộng và nâng cao chất lượng căn cứ, công tác bố phòng bảo vệ, trinh sát, thông tin, quân báo nắm địch cũng được tổ chức chặt chẽ. Các đội bảo vệ các tuyến giao thông từ Chiến khu Đ đi Bến Cát, Thủ Đức, Thuận An Hoà, Bà Rịa hoạt động khá tốt. Công tác tăng gian sản xuất lương thực thực phẩm, vũ khí trang bị cũng có những bước tiến mới đáp ứng với tình hình phát triển căn cứ.
Giờ đây Chiến khu Đ đã mang một tầm vóc mới như một căn cứ địa cơ bản của miền Đông và cả Nam Bộ, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam và cả nước.Xin cho biết một số trận đánh tiêu biểu ở Chiến khu Đ trong thời gian này?
Sau khi thiết lập được hệ thống đồn bót và củng cố các hành lang vận chuyển, tạo thành vành đại siết chặt Chiến khu Đ, tháng 6-1951, địch mở cuộc càn lớn vào vùng căn cứ của ta. Hàng trăm xe cơ giới, có pháo binh, tàu chiến và máy bay yểm trợ chia thành 3 mũi tiến công vào Tân Dân, Bà Đã và theo sông Đồng Nai lên Tân Hoà, Tân Tịch. Các Tiểu đoàn 295, 303, bộ đội địa phương huyện và du kích chặn đánh địch quyết liệt. Tại Tân Dân, một tiểu đoàn lính Âu-Phi ngủ đêm, bị Đại đội 55, Tiểu đoàn 303 tập kích gây thiệt hại nặng. Sáng ra, khi chúng vội vàg đưa thương binh lên trực thăng để rút quân, liền bị đại đội địa phương dùng súng cối bắn vào đội hình, làm tử thương tên Panren chỉ huy cuộc càn. Mũi tiến công vào Bà Đã bị tập kích vào lúc mờ sáng, 1 đại đội lính lê dương toi mạng. Trên đường 16, đội biệt động Thủ Biên diệt 3 xe cơ giới, buộc địch phải rút lui, bỏ lại 1 xe và hàng trăm xác chết. Chiến khu Đ được bảo vệ an toàn.
Đây là trận chống càn lớn đầu tiên sau kế hoạch Chiến khu Đ được củng cố và phát triển thành căn cứ của cả Nam Bộ. Thắng lợi của cả trận chống càn chứng minh việc chỉ đạo xây dựng có chiều sâu và hoàn chỉnh căn cứ, cũng như khả năng phối hợp chiến đấu giữa bộ đôi tập trung và bộ đội địa phương.
Sau hội nghị Ban căn cứ địa, tháng 10-1951, giặc Pháp lại càn vào Chiến khu Đ. Chúng huy động nhiều tàu chiến dàn trên sông Đồng Nai đánh lên vây mặt trước căn cứ. Tiểu đoàn 303 và đại đội địa phương Đồng Nai đã dùng súng SSA SSB (do Phòng Quân giới Nam Bộ chế tạo) bắn chặn địch, khiến 3 tàu bị hỏng, bẻ gãy cuộc hành quân của chúng.
Công tác an ninh được đặc biệt coi trọng. Xin cho biết Chiến khu Đ đã phá được vụ án nào?
Như ta đã biết Chiến khu Đ được bảo vệ cả vòng trong lẫn vòng ngoài, không những luôn làm trong sạch nội bộ mà còn chống sự xâm nhập của địch từ nhiều hướng vào căn cứ. Đặc biệt chú trọng đề phòng những phần tử “chui sâu leo cao” gây thiệt hại lớn cho cách mạng.
Để bảo đảm an ninh chính trị cho căn cứ, công tác phòng gian bảo mật được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả. Ty công an Thủ Biên của cán bộ về phối hợp với công an huyện căn cứ và các xã đội tổ chức đoàn thể các xã phát động quần chúng giữ gìn an ninh căn căn cứ, xây dựng ý thức cảnh giác phòng gian, tổ chức các tổ “ngũ gia liên bảo” để quản lý được chặt chẽ. Đặc biệt trong thời gian này, ngành công báo và công an tỉnh Thủ Biên điều tra phá án hàng loạt vụ gián điệp của địch cài vào nội bộ ta. Nhiều tên trong tổ chức Phòng Nhì của Pháp như Đường, Khôi, Điệp, Tòng, Kia… đã tìm cách chui được vào liên hiệp Công đoàn tỉnh, Phòng tham mưu và văn phòng tỉnh đội, Ty kinh tài…
Một trong những vụ án nghiêm trọng nhất trong thời gian này là điệp viên Mai Văn Hạo. Y vốn gốc là công chức của Pháp tại toà hành chánh tỉnh Biên Hoà. Lợi dụng chỉ thị 4/NV về thu hút viên chức từ vùng đô thị vào chiến khu của Uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, Hạo vào căn cứ Bình Đa và được nhận vào công tác tại cơ quan huyện Vĩnh Cửu, sau đó được điều lên cơ quan tỉnh đóng tại Chiến khu Đ. Y tỏ ra giác ngộ và hoạt động tích cực nên được tín nhiệm và cử làm Phó bí thu Tỉnh uỷ đảng Dân chủ tỉnh Biên Hoà, rồi Uỷ viên ban liên Việt tỉnh Thủ Biên. Trong thời gian làm việc trong các cơ quan của ta, Hạo đã bí mật cung cấp cho địch nhiều tin tức, tài liệu mật, vẽ bản đồ khu vực căn cứ, chỉ điểm cho máy bay đánh bom một số cơ quan làm nhiều người chết và bị thương. Trong lần Hạo mật báo cho Pháp ném bom, bắn phá vào khu vực tổ chức hội nghị cán bộ Thủ Biên lần thứ nhất ở Suối Sâu, gồm 100 đại biểu, có đồng chí Lê Duẩn tham dự, y bị ta theo dõi phát hiện và bị bắt. Rất may cuộc họp đã xong, các đại biểu vừa ra về nên đều an toàn, chủ hư hại nhà cửa, lán trại.
Trước toà, Mai Văn Hạo phải cúi đầu nhận tội và lãnh án tử hình. Một bản án đích đáng cho kẻ phản bội tổ quốc.
Ngoài ra, những cán bộ sa sút phẩm chất, anh hùng cá nhân, quan liêu quân phiệt gây nhiều khó khăn tổn thất cho cách mạng cũng bị xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Tình hình an ninh trong căn cứ nhờ thế được củng cố một bước quan trọng; cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng.
Chiến khu Đ là “vùng rốn” củ dịch bênh, ta đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
Chiến khu Đ là vùng rừng thiêng nước độc, nhất là các vùng phía bắc ắn sâu vào biên giới. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây không ai được “miễn trừ” sốt rét là con bệnh hoành hành dữ dội nhất. Do cuộc sống kham khổ, ăn uống thiếu chất bổ dưỡng, thuốc men lại rất thiếu nên dịch bệnh có cơ hội lan truyền.
Mặc dù như vậy, tinh thần tự lực tự cường đã khắc phục và đẩy lùi bệnh đau. Vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh đặt ra song song với các mặt bảo đảm hậu cần của chiến khu. Đến năm 1952, hệ thống quân dân y được sát nhập từ cấp xã lên đến cấp tỉnh, Phân liên khu. Các cơ sở bào chế thuốc và quân y xã học tập áp dụng kinh nghiệm y học tiến bộ, đồng thời thực hiện phương châm “địa phương hóa tây y, khoa học hóa đông y”.
Phong trào tận dụng nguyên liệu rừng để sản xuất thuốc nam bào chế thành thuốc viên hay thuốc ống theo hình thức tây y, đã giải quyết được một phần nhu cầu điều trị bệnh trong căn cứ; đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh sốt rét, kiết lỵ, ho, đau bao tử (dạ dày)… Các cuốn sách “Tánh dược đông y”, “Tủ thuốc nhân dân” hướng dẫn cách sử dụng các vị thuốc thông thường có sẵn trong vùng căn cứ được in ấn lưu hành rộng rãi và tái bản nhiều lần. Bộ đội và nhân dân khắp nơi tích cực sưu tầm gửi hàng ngàn toa thuốc gia truyền về Ban nghiên cứu đông y Nam Bộ.
Khẩu hiệu ngành y dược được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt lúc này là “Dùng thuốc nam là yêu nước, là đấu tranh kinh tế với địch”. Về tây y, các bác sĩ đã áp dụng có hiệu quả phương pháp cấy Filatop trong điều trị, gây thêm niềm tin, phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong và ngoài chiến khu. Đặc biệt, có cả gia đình nguỵ binh ở vùng địch tạm chiếm móc nối vào chiến khu xin được trị bệnh bằng phương pháp này.
Với nhiều biện pháp tích cực của ngành quân y trong chiến khu, bệnh đau bị đẩy lùi một bước. Sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ tăng dần, đảm bảo quân số chiến đấu, công tác ngày càng cao; nhất là các dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời.
Trong những gian lao cực khổ ở Chiến khu Đ, bộ đội ta còn phải chịu cảnh thiếu nước?
Có lẽ không riêng gì Chiến khu Đ mà cả miền Đông Nam Bộ vào mùa khô “nước” trở thành vấn nạn. Riêng ở Chiến khu Đ, nhiều nơi thiếu nước trầm trọng dưới cái nắng như thiêu đốt hút cạn các con sông nhỏ và toàn bộ các dòng suối luồn lách trong rừng. Có những ngày hành quân xuyên chiến khu không hề gặp một khe nước, ai nấy khát cháy khô cổ họng như muốn nổ yết hầu, người sắp lả đi.
Rút được kinh nghiệm, các chiến sĩ mang theo ống bương tre đựng nước để chống khát dọc đường và đến nơi trú quân có thể nấu cơm ăn. Nhưng nước đâu có đủ khi cơn khát dày vò khủng khiếp mọi người. Những lúc như thế, anh em có sáng kiến chặt dây rừng hứng nuốt từng giọt từ trong dây chảy ra để thấm cho đỡ khô cổ. Cũng có khi may mắn gặp được bãi nước, thôi thì “trong nhờ đục chịu” uống cho thỏa cơn khát, mặc dù thú rừng đã đến uống và lội xuống quậy khiến nước đục ngầu.
Đó là chuyện hành quân, những khi đóng quân mà không có nước mới thật cực khổ. Vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, để phối hợp với chiến trường miền Bắc và Nam Bộ, Tiểu đoàn 303 Thủ Biên đã đưa phần lớn lực lượng luồn sâu xuống vùng địch hậu để làm nòng cốt phát triển chiến tranh du kích và phối hợp với địa phương đẩy mạnh tác chiến diệt địch. Hai trung đội của Đại đội 60 được bố trí tại rừng gò Ông Mai, căn cứ Thuận An của huyện lái Thiêu. Do địa thế gò cao lại đồn bót địch bốn bề nên đơn vị buộc phải đào giếng để lấy nước ăn uống và sinh hoạt. Nhưng ác thay, các chiến sĩ đào sâu tới 20m mà vẫn không có nước, chỉ toàn là bùn. Đào sâu xuống nữa thiếu dưỡng khí có thẻ bị chết ngạt. Thế là phải bỏ phí hết bao công sức mồ hôi. Nhưng không thể bó tay chịu chết khát giữa rừng, đơn vị phải lần mò ra vùng địch kiểm soát xa hàng mấy kilomet để lấy nước. Mỗi chuyến đi như vậy phải vào buổi đêm và tổ chức chặt chẽ như hành quân chiến đấu: có bộ phận tiền vệ, trắc vệ (bảo vệ hai bên đội hình và hậu vệ. Đến nơi phải bố trí canh phòng chu đáo rồi mới thay nhau tắm giặt, xong lấy nước gùi về. Có lần bị địch phục kích, nước đổ lẫn máu, nhiều chiến sĩ hi sinh.
Những lúc giặc bao vây bố ráp, phong toả các điểm lấy nước, mọi người phải nhín từng ngụm để chia nhau trang trải cho qua những thời khắc khó khăn. Có lúc nước dự trữ hết sạch, anh em phải múc bùn nhão từ đáy giếng lên, để rất lâu mới lắng được một ít nước, dùng ống hút nhỏ chia nhau hút cho đỡ khát.
Chuyện nước muỳa khô ở Chiến khu Đ là nỗi ám ảnh với nhiều người và trở thành những kỷ niệm khó quên.Sự ra đời của đơn vị vận tải có ý nghĩa gì với Chiến khu Đ?
Chấp hành chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, ngày 1-5-1952, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông ra quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải 320, làm nhiệm vụ tiếp nhận hậu cần của Trung ương do Liên khu 5 chuyển giao từ Bình Thuận vào Chiến khu Đ, để phân phối cho các đơn vị trên khắp chiến trường; giữ vững đường liên lạc giữa Nam Bộ với Trung ương, đồng thời đưa đón các đoàn cán bộ qua lại trên tuyến đường này. Tiểu đoàn vận tải 320 do đồng chí Nguyễn Văn Lung phụ trách, gồm 3 đại đội vận tải và 1 đại đội làm nhiệm vụ “đầu cầu” tiếp nhận hàng, chuyển nhập kho, xây dựng kho tàng, bảo quản vật chất, bàn giao hàng, tăng gia sản xuất.
Tháng 6-1952, tại Bà Đã, những bộ phận đầu tiên đã tổ chức lễ thành lập tiểu đoàn. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các nơi, kể cả du kích dân tộc ít người như Châuro, Stiêng… cũng đến xin gia nhập đơn vị vận tải.
Hành lang vận tải dài từ 200-300km, từ Xóm Sình lên Lạc An vượt sông Đồng Nai qua Vĩnh Cửu xuống Rừng Lá, Xuyên Mộc đến Bình Châu, Bình Thuận. Thời gian mỗi lượt đi từ 7-8 ngày đêm; mỗi người tải từ 15-20kg hàng ngoài ba lô, súng đạn và lương thực ăn dọc đường. Hàng vận tải giai đoạn này chủ yếu là nguyên hóa liệu cho quân giới và một số súng lớn như đại liên, ĐKZ, đạn lõm…
Quá trình làm nhiệm vụ âm thầm của bộ đội vận tải 320 giữa rừng sâu là một cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt với kẻ thù, với đói rét và cả tư tưởng thoái chí trước gian khổ. Giặc Pháp nhanh chóng đánh hơi được tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta nên tăng cường đòn bót dọc theo hành lang và dùng bọn tay sai người dân tộc thiểu số luồn rừng dẫn đường gài mìn phục kích, tập kích… Địch còn cho pháp bắn cầm canh cả ngày lẫn đêm vào tuyến đường vận tải. Các chiến sĩ vận tải vừa phải mở đường vừa phải chiến đấu diệt địch. Có lần vừa chở hàng về đến Chiến khu Đ, gặp địch càn quét, tiểu đoàn đã phối hợp với đơn vị bạn chống càn, diệt được 20 tên.
Sự ra đời của tiểu đoàn vận tải 320 đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận kịp thời sự chi viện của Trung ương cho Nam Bộ trong giai đoạn đầy khó khăn, thiếu thốn vật chất. Từ đây, Chiến khu Đ giữ trọng trách làm “đầu cầu” cho con đường vận chuyển chiến lược từ Trung ương vào Nam Bộ.
Trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn (1952) đã gây hậu quả khôn lường cho Chiến khu Đ?
Đây là trận báo lụt được nhiều người nhắc tới trong mấy chục năm qua vì nó tàn phá hết sức dữ dội và rộng lớn, trong lúc cuộc kháng chiến của ta đang gặp muôn vàn khó khăn.
Cơn bão xảy ra đầu tháng 10-1952 tràn ngập các tỉnh miền Đông. Lương thực, hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hại nặng. Các đơn vị, cơ quan và nhân dân trong chiến khu chưa kịp khắc phục hậu quả thì đêm 18-10, một cơn bão khác lại bất ngờ ập đến với mức độ tàn phá chưa từng thấy. Cây rừng đổ ngổn ngang. Nước sông Đồng Nai dâng lên đột ngột, chảy ào ạt cuốn phăng cây cối, nhà cửa hai bên bờ và cả những thú rừng lớn như voi, cọp… Vùng căn cứ dọc sông thành biển nước mênh mông, kéo dài trên nửa tháng mới rút dần, gây úng lụt nghiêm trọng.
Vùng Chiến khu Đ bị tổn thất nặng nề. Một số ít người và tài sản bị cuốn trôi. Nhà cửa doanh trại bị đổ sập, tốc mái. Toàn bộ cây lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, sách báo… bị ẩm mốc, mục rữa. Vũ khí đạn dược bị sét rie, hư hỏng.
Lợi dụng lúc ta bị khó khăn nghiêm trọng do thiên tai, giặc Pháp âm mưu triệt phá căn cứ. Chúng liên tục hành quân càn quét, bao vây, ngăn chặn các đường vận chuyển lương thực, tuyên truyền chiêu dụ cán bộ, chiến sĩ ta ra đầu hàng.
Cuộc sống ở Chiến khu Đ gặp vô vàn gian khó. Mọi hoạt động sản xuất, huấn luyện bị gián đoạn. Hàng vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân thiếu ăn hàng ngày. Đến nỗi không còn đủ gạo để nấu cháo cho thương bệnh binh ăn. Những ai khỏe mạnh phải đi đào củ mì đã thối do ngập nước lâu ngày, hoặc đào củ mài, củ chụp, tìm các loại rau rừng, măng tre để ăn trừ bữa. Nạn thiếu muối xảy ra thường xuyên. Bị đói, thiếu quần áo, thuốc men, phải liên tục dời cứ và chống càn nên số người đau bệnh tăng vọt, có đơn vị chiếm tới 60% quân số. Khá đông nông dân dù gắn bó với kháng chiến cũng phải tạm lánh về dùng địch. Nhiều gia đình phải gửi cha mẹ già và con nhỏ về thành phố để “bớt miệng ăn”. Một số phần tử không chịu đựng được gian khổ đã bỏ cách mạng ra đầu hàng giặc và trở thành những tên phản bội dẫn đường cho chúng trở lại ruồng bố căn cứ.
Thiên tai địch họa đã làm cho phong trào cách mạng Chiến khu Đ đứng trước những thử thách to lớn, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Danh từ Chiến khu Đ bị gọi đùa là “chiến khu đói”, “chiến khu đâu” có lẽ xuất phát từ giai đoạn này.
Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam họp ra chỉ thị khắc phục khó khăn, phát động phong trào sản xuất cứu đói và kêu gọi đồng bào khắp nơi ủng hộ nhân dân vùng bão lụt.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Cục, nhân dân và bộ đội các miền không bị bão lụt đã tổ chức “tuần lễ ủng hộ miền Đông” vận động quyên góp hàng triệu đồng tiền Đông Dương, hàng chục vạn tấn gạo và thực phẩm gửi cứu trợ miền Đông và Chiến khu Đ. Các gia đình vùng địch tạm chiếm cũng tìm cách gửi vào chiến khu nhiều tiền, gạo, thuốc men, vải vóc…
Sự giúp đỡ đầy tình tương thân tương ái đã giải quyết được 50% nhu cầu về lương thực của quân và dân chiến khu trong 3 tháng sau bão lụt; biểu hiện sâu sắc, lòng tin yêu hướng về cách mạng của các tầng lớp nhân dân.
Sau trận “đại hồng thuỷ” khủng khiếp, Chiến khu Đ nhanh chóng khắc phục hậu quả: xây dựng lại lán trại, đẩy mạnh sản xuất tự túc. Nước rút đến đâu, cây lương thực, hoa màu được trồng đến đó. Đến cuối năm, khắp chiến khu, nhất là dọc sông Đồng Nai, sông Bé, Mã Đà, bà Hào… các loại cây lương thực ngắn ngày đã lên xanh tốt. Đơn vị nào cũng có gà, vịt, heo để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống khá dần lên.
Có phải bài ca nổi tiếng “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt ra đời từ trận bão lụt năm Thìn?
Đúng như thế, trận bão lụt tháng 10-1952 gây hậu quả lớn lao cho đồng bào và bộ đội ta, khiến nhạc sĩ Hoàng Việt xúc động viết thành công bài ca “Lên ngàn”. Lúc đó Hoàng Việt đang ở tại căn cứ Tha La chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Những tổn thất, đau xót của nhân dân và bộ đội dồn nén làm bật lên lời ca:
“Gió mưa sụp đổ mái nhà
bao nhiêu gia đình tan hoang
đau thương lệ rơi chứa chan…”
Bài ca đau thương bi tráng nhưng cũng đầy lãng mạn cách mạng, phản ánh những khó khăn gian khổ và sức vươn lên của một miền đất anh dũng kiên cường.
Lên ngàn
Nhạc và lời: Hoàng Việt
Hò… ơ… Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi.
Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng.
Nước ngược dòng.
Hò… ơ… Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng cắt lúa thay chồng thay chồng… nuôi con.
Nước ngập đồng xanh lúa chết, gió mưa sập đổ mái nhà, bao nhiêu gia đình tan hoang, đau thương lệ rơi chứa chan.
Em đi cắt lúa trên ngàn, rẫy trên ngàn nắng thiêu chang chang.
Đường đi nước ngập mênh mang bàn chân dẫm gai lòng không thở than.
Người dân dưới ruộng lên ngàn tìm lúa đổ bao mồ hôi.
Gánh về từng hạt lúa vàng cùng nhau chung sống căm thù giết Tây.
Em đi cắt lúa lên ngàn. Còn anh chiến đấu sa tràng.
Kháng chiến nhất quyết thành công!
Kháng chiến nhất quyết thành công!
Mai này kháng chiến thành công, anh về em thoả ước mong
Em… …mong
Trong lúc bộ đội và nhân dân lâm vào cảnh khó khăn do bão lụt gây nên, địch đã tăng cường đánh phá vùng chiến khu như thế nào?
Quả là họa vô đơn chí. Thiên tai địch hoạ đi liền với nhau như những thứ giặc đồng hành siết thòng lọng vào Chiến khu Đ.
Đang lúc nhân dân và bộ đội tích cực lao động sản xuất và chờ ngày thu hoạch thì địch điên cuồng phá hoại mùa màng. Chủ trương của giặc Pháp lúc này là phá sạch, đốt sạch. Muốn tiêu diệt kháng chiến trước hết phải triệt phá nguồn lương thực. Khẩu hiệu của chúng là “giết một con bò bằng giết 3 nông dân, giết một nông dân bằng giết 3 bộ đội”. Hàng ngày chúng cho máy bay quần đảo trên vùng căn cứ bắn chết trâu bò, người làm ruộng rẫy, tưới xăng và dùng bom napan đốt cháy cây cối, hoa màu. Trâu bò chết trương thối khắp nơi. Không những thế, chúng còn dùng xe lội nước càn qua ruộng lúa, hoa màu, cho bọn biệt kích đột nhập vào vùng căn cứ cắt lúa, nhổ khoai, mì và đốt phá nhà cửa. Trên đường 16, chúng đóng thêm một số đồn bót, thường xuyên tung các đội Commando vào càn phá vùng căn cứ, rồi nhanh chóng rút ra.
Sang đầu năm 1953, địch càng đẩy nhanh hơn các đợt càn quét, bắn phá Chiến khu Đ.
Để đối phó với hành động phá hoại của giặc, ta chuyển sang sản xuất ban đêm. Phong trào trồng khaoi mì thành rừng lan rộng khắp nơi. Phân liên khu miền Đông đề ra chủ trương nhiệm vụ: Ra sức phục hồi và bảo vệ sản xuất… Thực hành đấu tranh kinh tế với địch. Cán bộ, chiến sĩ đều tham gia hăng hái sản xuất. Đêm đêm quanh đống lửa trại, các chiến sĩ hát vang bài “Sinh sản tự túc”, “Lửa bốc cao”, ngâm thơ, ca dao, hò vè tự biên tự điển… Những câu ca dao, hò vè tự biên tự diễn… Những câu ca đầy khí thế lạc quan, coi thường gian khổ, đói rét vang lên: “chúng ta là chiến sĩ miền Đông, chiến đấu đã từng, thêm lòng kiên quyết, chiến đấu chống đói, chiến đấu chống rét, chống thú rừng, chống giặc ngoại xâm…”, “Lúa khoai ta gắng trồng sườn non đến bờ sông…”.
Các lực lượng vũ trang khắc phục để chống càn, bảo vệ mùa màng. Các đội võ trang tuyên truyền toả ra hoạt động mạnh ở cá vùng địch tạm chiếm nông thôn và thành thị. Tiểu đoàn 303 phối hợp với bộ đội địa phương và du kích các huyện diệt hàng loạt đồn bót ở Bến Tranh, Bến Thế, Trương Bình Hiệp, Trảng Bom… đốt kho xăng thị xã Biên Hoà. Các lực lượng vũ trang tại căn cứ đã chống trả quyết liệt cuộc càn kéo dài 52 ngày đêm của địch…
Những hoạt động vũ trang kết hợp với chính trị, binh vận của ta ở vòng ngoài đã buộc địch phải rút bớt lực lượng về để đối phó. Áp lực bao vây phong toả Chiến khu Đ của chúng giảm hẳn.
Phải thường xuyên đối phó với các thứ giặc, vậy đời sống chính trị tinh thần của chiến khu có được cải thiện không?
Như ta đã biết cuộc sống của các lực lượng và nhân dân bám trụ ở Chiến khu Đ luôn căng thẳng do địch tàn phá và thiếu đói nhưng cán bộ, chiến sĩ rất lạc quan tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Lại được sự lãnh đạo thường xuyên của trên nên công tác chính trị, văn hóa tinh thần lúc nào cũng được quan tâm. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh hơn bất cứ lúc nào từ chi bộ cấp xã, chi bộ công pháo, các đoàn vũ trang tuyên truyền, các liên chi huyện đội bộ, tỉnh đội bộ đến các Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 320, xưởng quân giới, nông trường sản xuất… Chi uỷ các xã Chánh Bình, Sông Lô, Cộng Hoà, Thanh Tâm được kiện toàn và phát triển thêm 20 đảng viên. Các tổ chứuc đoàn thể như nông hội, phụ nữ, thanh niên được chấn chỉnh một bước mới.
Đi đôi với công tác xây dựng Đảng, phong trào giáo dục văn hóa, văn nghệ cũng phát triển. Các căn cứ mở được 14 lớp bình dân học vụ. Đoàn văn công tỉnh Thủ Biên được thành lập, thường xuyên phục vụ các đơn vị bộ đội và sản xuất trong khu căn cứ. Hơn thế, còn tổ chức những đội xung kích đi phục bộ đội và đồng bào vùng tranh chấp. Những lời ca, điệu múa của văn công tuy mộc mạc đơn sơ, như “Mùa đông binh sĩ”, “Hành khúc Thăng Long”, “Nhớ chiến khu”… đã động viên khích lệ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần khắc phục khó khăn, xả thân vì cách mạng, gây niềm phấn chấn lạc quan trong cán bọ, chiến sĩ và nhân dân. Các vở cải lương “Cánh tay Vương Tá”, “Hưng Đạo bình Nguyên”… rất được mọi người ưa thích. Nghe tin có văn công chiến khu biểu diễn, nhiều bà con ở vùng du kích, vùng địch tạm chiếm cũng lặn lội tìm đường đến xem…
Trong khu, đơn vị, cơ quan nào cũng tổ chức các đội văn nghệ “cây nhà lá vườn”, các đội bóng đá, bóng chuyền. Ngoài ra, sách báo văn nghệ cũng được ấn hành rộng rãi trong khu và lan ra cả vùng tranh chấp. Trong đó, tập thơ “Chiến khu Đ” của Khu phó Huỳnh Văn Nghệ và các bài thơi của nhà thơ Xuân Miễn như “An Phú Đông”, “Nhớ miền Đông”… được cán bộ chiến sĩ yêu thích tìm đọc hoặc chép tay truyền cho nhau.
Nhìn chung cuộc sống tinh thầ là một nét văn hóa khá đặc trưng của Chiến khu Đ và nó được tiếp nối phát triển theo cuộc kháng chiến như một thứ vũ khí góp phần chiến thắng kẻ thù.Xin cho biết tình hình nhiệm vụ Chiến khu Đ khi cả nước chuẩn bị bước vào giai đoạn phản công quân Pháp?
Từ cuối năm 1953 trở đi, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đi dần vào ngõ cụt. Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng đã bị ta làm phá sản hoàn toàn. Thế nhưng chúng vẫn rất ngoan cố, tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm ra một “lối thoát danh dự” bằng thắng lợi quân sự.
Thực hiện kế hoạch Nava, địch ồ ạt bắt lính và xúc tiến âm mưu đánh chiếm vùng căn cứ của ta. Nhưng do bị động trên chiến trường toàn quốc, phải phân tán lực lượng đối phó nên chúng gặp hàng loạt khó khăn không thể khắc phục.
Xung quanh Chiến khu Đ, địch rút đi 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cơ giới và rút một số đồn bót, tháp canh nhỏ. Tinh thần binh lính sa sút. Lực lượng còn lại chỉ đủ sức giữ các đường giao thông, các cửa ngõ xung yếu và tổ chức phân đội thọc vào căn cứ nhằm phá hoại các cơ sở sản xuất, kho tàng, cơ quan của ta rồi nhanh chóng rút lui.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục về “chuẩn bị đón thời cơ”, khuếch trương những chiến thắng quân sự, chính trị, kết hợp với chiến dịch địch nguỵ vận để phố hợp với chiến trường miền Bắc, đầu mùa khô năm 1953, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông đề ra ba nhiệm vụ chính:
-Giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích.
-Củng cố và mở rộng căn cứ địa.
-Đẩy mạnh công tác địch nguỵ vận.
Riêng đối với căn cứ địa Đồng Nai (Chiến khu Đ) có 6 nhiệm vụ:
-Tích cực mở rộng về phía trước, kiểm soát tới bờ sông Đồng Nai, giữ vững vùng phì nhiêu dọc sông và bảo đảm an toàn để dân chúng trở về tăng gian sản xuất, nâng cao mức sống trong căn cứ.
-Bảo đảm việc nối liền căn cứ Châu Thành và Lái Thiêu; căn cứ của Vĩnh Cửu là phá thế bao vây của địch. Phải tiến về đằng trước, tích cực sửa chữa tình trạng lùi mãi lên rừng sâu.
-Tiếp tục củng cố vùng sông Bé là chính, Lộc Ninh là phụ, tiến dần lên qua khỏi đường 14 để đảm bảo phía hậu phương vững chắc cho căn cứ và tiến tới nối thông được với cao nguêyn Trung Bộ.
-Đặc biệt căn cứ này nghèo nàn, bị địch phong toả, cần phải nắm vững chính sách và nghị quyết kinh tài. Tăng gia sản xuất, tiết kiệm, biên chế giản chính gọn nhẹ, tăng thu giảm chi đúng mức và mở rộng mậu dịch với vùng du kích và tạm bị chiếm.
-Thi hành đúng chính sách dân tộc thiểu số của Đảng và Chính phủ. Căn cứ này có 70.000 đồng bào dân tộc thiểu số ở phía hậu cứ, là một lực lượng quan trọng cần phải tranh thủ. Công tác dân tộc thiểu số cần có kết quả là giữ vững và mở rộng được căn cứ, đồng thời uy hiếp hệ thống giao thông quan trọng của giặc.
-Sau cùng là phải đảm bảo việc giao thông với căn cứ Hớn Quản, Long Nguyên và Dương Minh Châu, dần dần nối liền các căn cứ này lại với nhau.
Những nhiệm vụ này là nội dung nghị quyết chuyên sâu đầu tiên về căn cứ địa ở Nam Bộ. Sự ra đời của nghị quyết đã kịp thời uốn nắn những quan niệm chưa đủ, chưa đúng về vị trí, nội dung, phương pháp xây dựng căn cứ trước đó, chỉ dẫn công tác củng cố và mở rộng căn cứ được tiến hành thuận lợi, đúng hướng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tạo thế tạo lực phối hợp với chiến trường chính tại Chiến khu Đ.
Chiến dịch địch nguỵ vận trong giai đoạn cuối ở Chiến khu Đ đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước?
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục, phối hợp nhị nhàng với chiến trường miền Bắc, miền Trung và Lào, bộ đội và nhân dân Chiến khu Đ đã tập trung mũi tấn công địch nguỵ vận đi đôi với tác chiến đánh địch hỗ trợ phong trào chính trị, binh vận trong vùng.
Bộ đội địa phương Đồng Nai cùng với các đội binh chủng chuyên mông trinh sát, quân báo tỏa ra hoạt động vùng ven căn cứ, hỗ trợ các xã ấp, góp phần biến các vùng du kích xung quanh căn cứ thành vùng độc lập, tạo ra một “vành đệm” bảo vệ Chiến khu Đ.
Trong khi đó, Tiểu đoàn tập trung 303 phối hợp với bộ đội địa phương các huyện Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, Thủ Đức sôi nổi hoạt động vũ trang với các trận chống càn ở Long Nguyên, Thanh An, Thanh Tuyền, Rừng Sác, Chiến khu Thuận An Hoà… phục kích địch trên các đường 13, 14, 16, quốc lộ 1; tập kích, pháo kích các đồn ở Lạc An, đồi Bà Cẩm, Uyên Hưng, Tân Ba, thị trấn Bến Cát, Rạch Bắp, Bến Súc, Rạch Kiến, Rinét, thị trấn Lái Thiêu, sân bay Biên Hoà.
Thắng lợi của đòn tiến công quân sự đã tạo điều kiện cho chiến dịch địch nguỵ vận thu nhiều kết quả. Tại chiến khu, bộ đội và nhân dân tham gia tuyên truyền vận động nguỵ binh bỏ hàng ngũ địch, về nhà làm ăn hoặc quay súng bắn giặc, trở về hàng ngũ kháng chiến; thực hiện 4 không: không cướp phá, không bắn giết, không bắt bớ, không hãm hiếp. Nhiều hình thức tuyên truyền vận động như treo khẩu hiệu, lập trạm thông tin ở các ngả đường có địch đi lại, cắm áp phích vào bè thả trôi trên sông, gửi thư tay, quà bán kèm theo truyền đơn… đã thức tỉnh được bọn địch trong cơn rệu rã, suy sụp tinh thần. Kết quả ở huyện căn cứ Đồng Nai, ta vận động được trên 500 lính nguỵ bỏ hàng ngũ về làm ăn, 17 tên mang 21 súng ra đầu hàng cách mạng.
Các đội võ trang tuyên truyền hoạt động ở các huyện xung quanh căn cứ thuyết phục được nhiều thanh niên không đi lính cho Pháp; phát triển cơ sở, vận động đồng bào trở về căn cứ. Hơn 300 người từ Chiến khu Đ trước đây lánh về vùng địch tạm chiếm, nay trở lại chiến khu sinh sống, tiếp tục ủng hộ kháng chiến.
Do tình hình thất bại trên chiến trường chung cả nước, nhất là ở mặt trận Điện Biên Phủ, tinh thần binh sĩ địch ở trong vùng suy giảm tệ hại. Đến mức nhiều vùng địch tạm chiếm trở thành vùng du kích, vùng du kích trở thành vùng tự do. Các hành lang từ Chiến khu Đ sang Long Nguyên, Dương Minh Châu về Vĩnh Cửu, Long Thành, Bà Rịa lên Đồng Xoài mở ra thông suốt.
Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin chiến thắng lan nhanh làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Chiến khu Đ.
Có phải chiến tranh kết thúc là lúc Chiến khu Đ chuẩn bị tư thế bước vào một giai đoạn mới?
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và cả Đông Dương. Sau 9 năm trường kỳ gian khổ kháng chiến, quân và dân ta đã đánh bại thực dân Pháp, giành được thắng lợi vô cùng vẻ vang. Theo hiệp định, miền Bắc giải phóng hoàn toàn; miền Nam (kể từ vĩ tuyến 17 trở vào) tạm thời đặt dưới sự kiểm soát của địch. Sau 2 năm sẽ hiệp thương tuyển cử thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, do phương tiện thông tin thô sơ, tin đình chiến đến Chiến khu Đ không đều khắp, nên mặc dù đã có lệnh ngừng bắn toàn bộ trên chiến trường, nhưng đây đó vẫn còn tiếng súng nổ. Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông và tỉnh uỷ Thủ Biên kịp thời truyền đạt những nội dung cơ bản của hiệp đinh xuống từng đơn vị cơ sở, phổ biến nhiệm vụ sắp tới, chỉ đạo kế hoạch thực hiện việc tập kết chuyển quân và cất dấu vũ khí, sắp xếp cán bộ ở lại tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva, tiến tới hiệp thương thống nhất đất nước.
Chiến khu Đ trở thành một địa điểm tập trung của lực lượng vũ trang tại chỗ tỉnh Thủ Biên để sắp xếp lực lượng, từ đó hành quân xuống khu vực Hàm Tân, Xuyên Mộc, tập kết ra miền Bắc.
Huyện căn cứ Đồng Nai được giao nhiệm vụ chuẩn bị trạm tiếp đón ăn nghỉ, học tập, chờ đợi và chuẩn bị khẩu phần lương thực, thực phẩm đi đường cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thương binh, bệnh binh tập kết. Vùng Bà Đã, Nhà Nai trở nên rộn rịp tấp nập. Tiểu đoàn 320 lo việc vận chuyển thương binh, đưa đường cho các đoàn từ Chiến khu Đ về kv tập kết an toàn.
Cùng lúc đó, hàng trăm cán bộ được học tập xác định tư tưởng ở lại bám trụ địa bàn để tiếp tục cuộc đấu tranh trong tình hình mới. Công tác bàn giao các kho tàng hậu cần, tài liệu, các trại sản xuất chưa thu hoạch… được tiến hành chu đáo. Riêng về vũ khí, do Chiến khu Đ là nơi tập trung chuyển quân trong thời hạn rất ngắn, nên nhiều người chọn vũ khí tốt mang đi; việc cất dấu bị trở ngại, về sau mới được hoàn tất.
Ngày 15-8-1954, tại Bà Đã đã diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng thắng lợi cuộc kháng chiến. Lần đầu tiên giữa lòng Chiến khu Đ, dưới bầu trời cao rộng, hàng ngàn con người từng gắn bó máu thịt với vùng căn cứ ác liệt này đã hát vang bài “Tiến quân ca”. Ai nấy bùi ngùi nhớ lại biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống cho thắng lợi hôm nay. Những tên đất tên người và 3 tiếng: “Chiến khu Đ” đã khắc ghi vào lòng người một biểu tượng rực rỡ tự hào, đánh dấu một giai đoạn lịch sử chống xâm lược trên miền đất anh hùng.
Sau những giờ phút chung vui đầy xúc động là cuộc chia tay vô cùng lưu luyến giữa người đi kẻ ở. Trước mắt họ còn bao nhiệm vụ nặng nề. Người ra đi hứa quyết tâm học tập để trở về xây dựng quê hương. Người ở lại xác định trách nhiệm chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, chắc chắn sẽ nhiều gay go gian khổ.
Ngày 2-9-1954, đoàn quân cuối cùng sau khu sự lễ quốc khánh đã rời Chiến khu Đ, xuống tàu ra miền Bắc.
Xin cho biết tình hình sau khi lực lượng ta rời khỏi Chiến khu Đ, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva?
Có thể nói sau ngày 2-9-1954, Chiến khu Đ trở nên vắng lặng, gần như trả lại cho thiên nhiên miền sơn cước. Một cuộc chia tay không tiền khoáng hậu.
Tại Chiến khu Đ, không còn lực lượng vũ trang cách mạng, không còn chính quyền và đoàn thể quần chúng. Số còn lại đa số là cán bộ dân, chính, đảng được bố trí ở lại đều bám vào dân, sống “hợp pháp” để xây dựng cơ sở và hoạt động. Hình ảnh những ngày sống và chiến đấu gian khổ, đậm đà tình đồng chí, tình quân dân thắm thiết in sâu và ký ức của những người dân vùng căn cứ.
Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và bắt đầu đánh phá phong trào cách mạng miền Nam.
Ngay từ khi thay chân thực dân Pháp, giặc Mỹ đã nhận thức Chiến khu Đ là một căn cứ cách mạng nguy hiểm uy hiếp trực tiếp các cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ-Nguỵ là triệt phá, chia cắt Chiến khu Đ và các căn cứ quan trọng khác của ta ở miền Đông.
Sau khi lực lượng ta vừa rút khỏi căn cứ, tập kết về Ham Tân, Xuyên Mộc chuẩn bị xuống tàu ra Bắc, địch lập tức tràn vào Chiến khu Đ. Chúng nhanh chóng xây dựng bộ máy tề nguỵ, xây dựng đồn bót, tổ chức các đội bảo an, dân vệ để khống chế, kềm kẹp nhân dân trong vùng.
Trong 2 năm 1954-1955, Mỹ-Nguỵ đã cưỡng bức hơn 150 ngàn đồng bào theo đạo Thiên Chúa bị chúng lừa gạt dụ dỗ từ miền Bắc vào, bố trí định cư dọc quốc lộ 1, đường 15, 20-cửa ngõ Sài Gòn và ngoại vi Chiến khu Đ. Ngay trong vùng căn cứ, chính quyền Diệm bố trí gần 1 vạn đồng bào Thiên Chúa giáo di cư (vốn là dân 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên), thành lập xã Thái Hưng (thuộc xã Lạc An, huyện Tân Uyên-vùng ruột Chiến khu Đ). Hàng loạt dinh điền được địch lập lên ở Khánh Vân, Xóm Sình, Bà Đã, Ván Hương, bàu Cá Trê, Nước Vàng… Ở phía nam Chiến khu Đ, địch cho bọn tư sản và công chức cao cấp lập nhiều trại Be (xe be chở gỗ) để khai thác lâm sản, nhưng mục đích chính là phá rừng, ủi mở đường. Nhiều lộ ủi mang tên Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu, em tổng thống bù nhìn Ngô Đình Diệm) cắt ngang xẻ dọc chiến khu nhằm phục vụ việc kiểm soát lực lượng của ta và phá huỷ vùng căn cứ kháng chiến.
Tháng 9-1959, địch thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận: Phú Giáo, Hiếu Liêm, Tân Uyên. Phước Thành cùng các chi khu, tiểu khu Châu Thành, Bình Long, Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh… tạo thành một hệ thống căn cứ quân sự liên hoàn bao vây, chia cắt Chiến khu Đ với nam Tây Nguyên, đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ ở hướng đông và đông bắc cho “thủ đô” Sài Gòn của chúng. Đây cũng là nơi xuất phát các cuộc hành quân để đánh phá Chiến khu Đ.
Nhìn chung hình thái Chiến khu Đ sau Hiệp đinh Geneva: ta chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản hiệp định với thiện chí đi đến thống nhất Tổ quốc, còn địch thì ra sức phá hoại hiệp định với âm mưu đen tối là chia cắt đất nước Việt Nam; do đó ngay từ đầu thực thi hiệp định chúng đã công khai việc đánh phá Chiến khu Đ nhằm trừ “hậu họa” cho chúng sau này. Quả đối thủ của ta rất gian manh, tàn bạo, mưu lược, chứ không tầm thường, báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt gấp nhiều lần sẽ xảy ra ở Chiến khu Đ.
Có phải khi địch ra tay, Chiến khu Đ một lần nữa trở thành nơi hội tụ lực lượng cách mạng?
Ở miền Nam, tháng 7-1956, thực hiện những âm mưu đen tối, chính quyền Diệm mở chiến dịch Trương Tấn Bửu nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước và kháng chiến trở về. Lúc này do ta tin tưởng vào Hiệp định Geneva, công khai hợp pháp trong dân nên bị địch khủng bố dã man mà không được chống lại do chưa có lệnh của trên. Hàng loạt cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước bị địch bắt và giết hại khắp nơi. Ở miền Đông Nam Bộ, số cán bộ, đảng viên được giao ở lại và những người yêu nước đã thoát ly gia đình thoát khỏi sự truy lùng của chiến dịch diệt cộng chạy bào chiến khu, dựa vào rừng núi để hoạt động. Ở Chiến khu Đ, nhiều đảng viên phải lánh vào các phum sóc của đồng bào dân tộc Stiêng, Châuro, Mạ… ở Lý Lịch, Bù Cháp, Boxompo tạo địa bàn hoạt động. Đồng chí Chín Quỳ, một cán bộ đảng viên được bố trí ở lại miền Nam, hiểu rành địa bàn rừng núi chiến khu, trước sự khủng bố trắng trợn của địch, đã quy tụ một số anh em kháng chiến cũ vào rừng chiến khu tổ chức sản xuất và tìm cách cướp súng địch, tái vũ trang, bí mật diệt ác ôn. Đồng chí Lê Thanh (sau này là Trung tướng Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng) và đồng chí Lâm quốc Đăng (sau này là đại tá Phó tư lệnh Phân khu 1) cũng vận động được một số thanh niên trốn lính vào rừng núi sản xuất, lánh né địch, manh nha xây dựng cơ sở cho lực lượng vũ trang cách mạng sau này.
Ngày 2-12-1956, đồng chí Bảy Tâm bí thư Đảng uỷ nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà) sau khi bắt được liên lạc với Tỉnh uỷ, đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước bị đích giam giữ, nổi dậy cướp súng, vượt ngục. Trong cuộc đào thoát dũng cảm này, 21 người đã hi sinh trước cửa trại giam. Khi đến rừng Tân Định (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu), Đảng uỷ quyết định phân tán đoàn, mỗi tỉnh sẽ lập một chi bộ 8 đồng chí ai về địa phương nấy, tiếp tục hoạt đông. Tỉnh uỷ Biên Hoà đã kịp thời cử nhiều cán bộ đón các đoàn dọc theo tả ngạn sông về Chiến khu Đ an toàn. Số cán bộ này được tăng cường cho các tổ chức Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng đang nhen nhóm trở lại ở Chiến khu Đ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chiến khu Đ là một trong những cái nôi của cách mạng miền Đông Nam Bộ; bước sang thời chống Mỹ, với địa hình lý tưởng rừng rậm điệp trùng và chỉ cách sào huyệt kẻ thù ở Sài Gòn 30km, Chiến khu Đ sẽ là nơi phát triển lực lượng cách mạng và là một bàn đạp tiến công ở các đô thị miền Đông, nhất là vị trí trung tâm đầu nào Sài Gòn.
Chiến khu Đ có ý nghĩa thế nào đối với việc tái xây dựng lực lượng vũ trang?
Trong hoàn cảnh hết sức bức xúc, tháng 12-1956, căn cứ vào “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo, Xứ uỷ Nam Bộ họp đánh giá tình hình cách mạng miền Nam, trong một chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ võ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mỹ-Diệm… Xứ uỷ quyết định: “… Tích cực xây dựng lực lượng võ trang tuyên truyền, lập các đơn vị vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ miền núi…”. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được Xứ uỷ cử về miền Đông để thực hiện nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang. Hai đồng chí Lê Thanh và Lâm Quốc Đăng phụ trách việc xây dựng căn cứ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Đến năm 1957, miền Đông Nam Bộ đã hình thành 2 vùng căn cứ lớn: căn cứ đông bắc gần Chiến khu Đ cũ được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, sau gọi là Chiến khu A. Vùng căn cứ tây bắc gồm căn cứ Dương Minh Châu và vùng rừng núi Tây Ninh, sau gọi là Khu B. Khu căn cứ Thị Tính, long Nguyên (Bến Cát) goi là khu C. Các căn cứ núi Mây Tàu, Hắc Dịch, Rừng Sác, Lạc An Ngà là khu E. Từ Chiến khu Đ (khu A), liên lạc đường bộ được nối thông với các căn cứ.
Để bảo đảm đời sống, lực lượng Bình Xuyên ly khai khoảng 200 quân đóng ở Mã Đà, Bàu Phụng (hợp tác với ta chống Diệm), ngay những ngày đầu được cán bộ, chiến sĩ ta hướng dẫn đã thực hiện nhiều biện pháp như săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản đổi lương thực… Trong năm 1956, lực lượng ta triển khai được 4 khu vực sản xuất ở vùng suối Linh và nhiều lần tổ chức tiến công một số mục tiêu của địch để giải quyết vấn đề tài chính, lương thực, vũ khí là những thứ rất bức thiết lúc này.
Mang danh nghĩa “bộ đội Bình Xuyên”, ngày 20-10-1956, lực lượng ta đánh sân bay Bến Củi, thu được 5 xe vận tải gạo, gần 2 triệu đồng (tiền nguỵ) và nhiều vũ khí…
Đầu năm 1957, Đảng uỷ trong lực lượng Bình Xuyên được thành lập. Đồng chí Phạm Văn Thhuận (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hoà) được cử làm bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lâm Quốc Đăng phó bí thư Đảng uỷ phụ trách quân sự. Lực lượng Bình Xuyên biên chế thành 3 đại đội, được trang bị khá mạnh gồm 2 đại liên Mácxim, 8 trung liên, 70 tiểu liên, 10 súng trường, 1 khẩu moócchê và 2 khẩu ĐKZ.
Đảng uỷ đơn vị đã liên lạc với các cấp uỷ địa phương tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một để vận động lương thực nuôi lực lượng, đồng thời tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng để từng bước chuyển hóa lực lượng này thành lực lượng vũ trang cách mạng. Bên cạnh đó, Đảng uỷ đã bí mật tổ chức một lực lượng vũ trang thành phần gồm những đảng viên, cốt cán cách mạng làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang ở căn cứ Đông Bắc.
Cũng trong thời gian này, một số cán bộ, đảng viên ở Biên Hoà bị địch khủng bố đã về Chiến khu Đ phối hợp với lực lượng vũ trang của đồng chí Chín Quỳ hình thành đội vũ trang lấy phiên hiệu C250. Đây là một trong những đơn vị tiền thân quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ sau này. Đội vũ trang C250 do đồng chí ba Viên làm đội trưởng, đồng chí Năm Hoà làm đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát) Tỉnh uỷ viên Biên Hoà làm chính trị viên.
Đến giữa năm 1957, Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một phối hợp với Đảng uỷ lực lượng vũ trang Bình Xuyên của các đồng chí Chín Quỳ, Năm Thành, Sáu Chắc, ba Tiền vào Vĩnh Lợi (phía tây Chiến khu Đ) thu phục được đảng cướp “Rừng Xanh” do Tám Liễu và Út Bời chỉ huy. Nhiều người trong đảng cướp này sau đó trở thành các chiến sĩ cách mạng.
Sự chỉ đạo của Đảng uỷ và thắng lợi của lực lượng vũ trang tấn công địch ở đồn điền cao su trại Be… đánh dấu một bước phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn chiến khu, bước đầu phá vỡ âm mưu của địch nhằm bao vây, chia cắt Chiến khu Đ, góp phần giải quyết một phần khó khăn lương thực cho lực lượng tại đây.
Tháng 10-1957, Xứ uỷ cử đồng chí Lê Thành Công tập hợp những đồng chí cốt cán kết hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh thành lập đại đội vũ trang ở Bàu Rã, lấy phiên hiệu C60. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông; lấy thành phần nòng cốt để xây dựng phát triển nhiều đơn vị sau này như C50, C80…
Cùng với việc tái lập và phát triển lực lượng vũ trang, Chiến khu Đ bước đầu được khôi phục, là địa bàn xs lực lượng vũ trang của Xứ, nơi đứng chân của nhiều đơn vị vũ trang tập trung như: C50, C70, C80, C250…
Xin cho biết trận đánh mở đầu cho thời kỳ tái lập Chiến khu Đ?
Để đáp ứng yêu cầu mở rộng căn cứ làm chỗ dựa cho việc phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, tháng 8-1958, Xứ uỷ thành lập Ban quân sự và Đảng uỷ lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến uỷ viên quân sự Xứ uỷ được phân công kiêm nhiệm vụ Trưởng ban quân sự miền Đông. Đảng uỷ lực lượng vũ trang gồm các đồng chí: Mai Chí Thọ, Nguyễn Việt Hồng, Mai Trọng Nhân.
Trước tình hình các đơn vị vũ trang phát triển, nhưng vũ khí, lương thực lại thiếu gat gắt, Ban quân sự và Đảng uỷ lực lượng miền Đông, được Xứ uỷ đồng ý, đã quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm gây thối động tinh thần địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, đồng thời giải quyết vấn đề tài chính, lương thực cho lực lượng trong căn cứ.
Chi khu quân sự Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một) được chọn làm mục tiêu trânh đánh.
Chi khu quân sự nằm trong sở cao su Dầu Tiếng cách Sài Gòn khoảng 70km còn gọi là chi khu Trị Tâm. Dầu Tiếng là quận được địch công nhận đã được bình định. Lực lượng địch tại đây có 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 43, 1 đại đội và 1 trung đội bảo an cùng với các đơn vị cảnh sát, bảo an, dân về, tề điệp… khoảng trên 900 tên.
Tham gia trận đánh gồm C60, C80, C90 và các đơn vị vũ trang tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hoà do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm chỉ huy trưởng. Chiến khu Đ là nơi tập kết quân, huấn luyện và chuẩn bị hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến đấu.
Theo phương án kế hoạch đã định, 24 giờ ngày 10-8-1958, lực lượng ta chia làm 3 mũi tập kích vào các mục tiêu trong chi khu. Sau 30 phút nổ súng, các đơn vị chiếm toàn bộ căn cứ tiểu đoàn của địch và nhà tên chủ cao su. Đến 2 giờ 30 phút sáng 11-8, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, kể cả khu vực hành chính quận, diệt 300 tên, bắt 200 tên giáo dục, thả tại chỗ, thu 650 súng các loại, 12 tấn đạn, 5 xe, nhiều quân trang quân dụng, 1,5 triệu tiền nguỵ và 500 đô la.
Chiến thắng Dầu Tiếng gây tiếng vang lớn trên toàn miền Nam. Lần đầu tiên sau năm 1954, lực lượng vũ trang miền Đông tiêu diệt một căn cứ quân sự cấp quận của địch. Chiến thắng Dầu Tiếng đã khai thông liên lạc giữa căn cứ Đông và Tây, đồng thời tạo điều kiện cho Xứ uỷ về đứng chân ở vùng căn cứ miền Đông để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Sau thắng lợi ở Dầu Tiếng, Ban quân sự và Đảng uỷ quân sự miền Đông thành lập một đơn vị vũ trang phát triển hoạt động về hướng đông căn cứ Chiến khu Đ với nhiệm vụ giữ đất, giữ dân, nhất là đồng bào dân tộc, tạo điều kiện đứng chân lâu dài cho cách mạng và cơ quan lãnh đạo miền Đông.
Đặc công Chiến khu Đ là đơn vị đầu tiên trừng trị bọn cố vấn Mỹ?
Mỹ-Nguỵ đẩy mạnh cuộc chiến tranh đơn phương đánh phá quyết liệt phòng trào cách mạng miền Nam. Tình hình miền Nam rất đen tối, cơ hồ lực lượng kháng chiến cũ và những người yêu nước bị dìm vào biển máu. Chính sách “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” của gia đình họ Ngô, mặc sức cho chúng lộng hành bắn giết, đốt phá. Cao điểm của sự đàn áp dã man là Luật 10/59 do chúng đặt ra. Máy chém được lê đi khắp nơi giết hại cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước, gây nên bao cảnh tham khốc đau thương. Tình hình vô cùng bức xúc ngột ngạt. Không thể ngồi yên nhìn bọn giặc hoành hành. Cần phải đánh một đòn trừng trị tội ác Mỹ-Nguỵ, động viên tinh thần ý chí quật khởi của nhân dân, Ban quân sự Miền quyết định tấn công vào bọn cố vấn quân sự Mỹ MAAG đang đóng trụ sở tại nhà máy cưa BIF (Biên Hoà).
Một phân đội đặc công do đồng chí Năm Hoà chỉ huy đứng chân tại Chiến khu Đ được giao nhiệm vụ này. Công tác điều nghiên mục tiêu và huấn luyện tác chiến được tiến hành khẩn trương. Thị uỷ Biên Hoà phối hợp chặt chẽ với phân đội đặc công, bố trí cho phân đội trú cứ trong nhà má Nguyễn Thị Xuân ở Gò Me để trinh sát nắm địch.
Thực hiện phương án chiến đấu, phân đội đặc công hoá trang thành lính đi tuần, từ Chiến khu Đ vượt sông Đồng Nai, bí mật đột nhập thị xã Biên Hoà.
Đêm 7-7-1959, khi toán lính bảo vệ vừa đi từ nhà máy cưa về hướng suối Sơn Máu, các chiến sĩ đặc công nhanh chóng tiếp cận và bất ngờ nổ súng vào trụ sở đoàn cố vấn Mỹ trong lúc chúng đang tập trung xem chiếu bóng. Địch không kịp chống trả, 2 cố vẫn Mỹ bị diệt và 11 tên khác bị thương.
Đây là trận tiêu diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam. Trận đánh thắng lợi trong lúc địch tiến hành khủng bố ác liệt phong trào cách mạng, có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân; cũng là đòn cảnh cáo đối với bọn cố vấn Mỹ đang âm mưu can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam.
Trận Tua 2 đã tác động mạnh mẽ đến vùng Chiến khu Đ?
Trong cơn ngột ngạt do sứap bức nặng nề của Mỹ-Nguỵ, Nghị quyết 15 (1-1959) của Trung ương đến với miền Nam như một luồng gió mới “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” và “cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có thể chuyển thành một cuộc đấu tranh võ trang trường kỳ…”.
Tháng 11-1959, sau khi họp quán triể Nghị quyết 15 của Trung ương, Xứ uỷ họp bàn về công tác vũ trang và quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm thúc đẩy phong trào kết hợp với vũ trang trong toàn Miền. Căn cứ Tua 2 của địch ở Tây Ninh được chọn làm mục tiêu trận đánh. Đại đội 59 và 80 của Chiến khu Đ được điều động phối hợp thực hiện trận tấn công quan trọng này.
Đêm 25 rạng ngày 26-1-1960, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến kết hợp với nội tuyến, các đơn vị dũng mãnh tiến công căn cứ Tua 2. Trận đánh diễn ra thuận lợi. Ta nhanh chóng diệt địch, thu nhiều vũ khí và rút lui an tòn. Cánh quân rút về Chiến khu Đ mang theo 1.500 khẩu súng lấy được trong Tua 2.
Chiến thắng Tua 2 như sấm sét mở đầu phá tan đêm tối ở miền Nam, là sự kiện nổi bật có ý nghĩa về quân sự và chính trị trong toàn Miền, làm dấy lên phong trào đồng khởi long trời lở đất ở miền Nam, mở đầu một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh chống Mỹ-Nguỵ.
Sau trận Tua 2, phong trào quần chúng nổi dậy kết hợp vũ trang diệt ác phá kềm ở Chiến khu Đ phát triển mạnh. Trên cả hai hướng tây và tây nam, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo, Tân Uyên phối hợp với nhân dân truy lùng trừng trị bọn ác ôn, tiến công các trụ sở tề xã, ấp, làm tan rã bộ máy tay sai của địch ở cơ sở. Dy kích xã Tân Phước Khánh dùng mìn đánh giao thông địch, diệt nhiều xe Jeép, giết chết quận trưởng Tân Uyên. Cán bộ và nhân dân trong căn cứ tổ chức nhiều hình thức phong phú trấn áp và hạ uy thế địch như cảnh cáo chúng bằng thư, mở toà án nhân dân xét xử bọn có tội với đồng bào.
Hàng trăm thanh niên yêu nước phần lớn từ Sài Gòn và các vùng nông thôn miền Đông thoát ly gia đình vào căn cứ xin gia nhập lực lượng vũ trang. Xứ uỷ điều tra hơn 500 tân binh từ miền Trung và miền Tây Nam Bộ tăng cường cho miền Đông để chuẩn bị thành lập bộ đội chủ lực tập trung. Để đảm bảo lương thực nuôi quân, Đảng uỷ và Ban quân sự miền Đông quyết định dùng lực lượng C200 làm chủ công đánh vào quận lỵ Đức Phong (Bù Đăng-Sa Ray) nằm trên đường 14 từ Đồng Xoài đi Tây Nguyên. Ở đây có một kho gạo lớn của địch.
Từ Chiến khu Đ, C200 xuất phát vượt dốc Tam Cấp, băng rừng tiến về mục tiêu. 4 giờ 30 phút ngày 29-6-1960, đơn vị nổ súng tấn công. Bị bất ngờ, bọn địch trong quận lỵ chống trả yếu ớt rồi rút chạy. Thừa cơ, lực lượng tân binh tiến vào dinh điền chiếm kho gạo và khu thực phẩm. Sau khi đánh lui cánh quân địch tiếp viện cho Đức Phong, lực lượng ta rút về căn cứ an toàn, mang theo gần 18 tấn gạo cùng 20 khẩu súng các loại, trong đó có 2 khẩu trung liên.
Tiếp theo, lực lượng vũ trang miền Đông và bộ đội địa phương tỉnh Phước Long tổ chức tiến công giải tán các dinh điền dọc đường 14, diệt các chốt của địch cắm sâu trong căn cứ. Các tuyến đường trong căn cứ được nối thông.
Trên cơ sở phát triển lực lượng vũ trang và đánh thắng liên tiếp nhiều trận, tháng 7-1960, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông (còn gọi là T1) được chính thức thành lập và đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tại suối Linh (goi là căn cứ 820) thuộc Chiến khu Đ. Khu uỷ miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ làm bí thư, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến giữ chức chỉ huy trưởng, đồng chí Lâm Quốc Đăng làm chỉ huy phó. Đây là một “cột mốc” quan trọng của Chiến khu Đ.
Sau đồng khởi ở miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh được nối vào miền Đông và Chiến khu Đ ở trở thành “ttrạm trung chuyển”?
Đường Trường Sơn còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh là “huyết mạch” vô cùng quan trọng đối với miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định mở tuyến đường xuêyn Trường Sơn vào Nam vào tháng 5-1959, nên còn gọi là “Đường dây 559”.
Để nhanh chóng chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ, ngoài việc tổ chức mở đường từ phía Bắc vào, Trung ương Đảng đã lần lượt cử các đoàn cán bộ gồm các đồng chí miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, nay”xoi đường” trở về Nam để liên lạc với Xứ uỷ Nam Bộ. Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ xoi đường đầu tiên gồm 25 người, do đồng chí Phạm Lạc làm trưởng đoàn, đồng chí Phùng Đình Ấm (Thiếu tướng-nhà văn Phùng Đình Cung) làm phó đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Phước bí thư chi bộ. Tháng 7-1960, khi vào đến Đắc Lắc, đoàn chia làm 2 đoàn nhỏ tiếp tục cắt rừng dò đường về miền Đông.
Nhận được điện của Trung ương, Xứ uỷ và Khu miền Đông đã cử 2 đại đội vũ trang từ Chiến khu Đ cắt rừng theo hai hướng bắc và đông bắc để đón các đồng chí xoi đường từ miền Bắc vào, đồng chí thời nối thông hành lang từ Chiến khu Đ ra nam Tây Nguyên. Đoàn mở đường ở hướng bắc do đồng chí Lâm Quốc Đăng và Phạm Văn Thuận chỉ huy, từ Mã Đà lên Bãi Bằng, Phước Sang, vượt đường 14 lên Phú Riềng, qua các sở cao su… lên Đa Kia, Bù Đốp. Một cánh khác của đoàn này mở đường lên sóc Bombo qua Bù Gia Mập, Bù Gia Phúc đến Bù Đăng. Vừa hành quân, đơn vị vừa làm tuyên truyền giáo dục, xây dựng cơ sở trong đồng bào dân tộc để tổ chức các trạm liên lạc vận chuyển sau này.
Ở hướng đông bắc, đoàn mở đường gồm có 18 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chỉ huy, Nguyễn Trọng Tâm uỷ viên. Trong đoàn có 1 tổ điện đài 2 người, 1 đồng chí cơ yếu (dịch mật mã điện) và 1 y sĩ. Đoàn xuất phát từ suối Nhung, đi cặp theo sông Đồng Nai thượng đến Bù Ta Go ra hướng Lâm Đồng. Đường đi vất vả gian nan, phải cắt rừng để bảo đảm bí mật, 2 tháng mới đến điểm hẹn, trong khi lương thực mang theo chỉ đủ 15 ngày ăn. Vì thế gạo để đành nấu cháo cho người bệnh, muối phải chia ra từng hạt cho mỗi người. Phải bẻ măng tre, kiếm rau rừng, đào củ… ăn thay cơm.
Cuối tháng 8-1960, đoàn tới được ngã ba vàm suối Đatơri nhưng không gặp đoàn xoi đường từ miền Bắc vào. Theo điện của Trung ương từ đài căn cứ chuyển đến, anh em biết đoàn xoi đường đã đến điểm hẹn, nhưng không gặp người đón, lại hết lương thực nên quay trở ra. Xứ uỷ chỉ đạo phải ở lại chờ đoàn vào. Và thật may mắn, lúc 16 giờ ngày 30-10, qua ám hiệu (được điện báo từ trước), hai đoàn cán bộ từ Trung ương và khu miền Đông đã gặp nhau tại vàm suối Đatơri (ngang với địa điểm Sania).
Trong lúc đó, vào tháng 12-1960, ở hướng bắc đội vũ trang tuyên truyền của Xứ uỷ đã bắt được liên lạc với đoàn xoi đường của Trung ương tại Km 5 đường 14B.
Con đường chiến lược Trung uơng-Nam Bộ từ Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ đã được khai thông. Chiến khu Đ trở thành “trạm trung chuyển” đón nhận cán bộ, bộ đội, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm… của hậu phương lớn miền Bắc gửi vào chiến trường Nam Bộ.
Có phải Chiến khu Đ là nơi thành lập Trung ương Cục-Trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam?
Sau đồng khởi, cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới, buộc địch phải bỏ chiến tranh đơn phương chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tháng 1-1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả hai mặt chính trị và quân sự… đấu tranh chính trị mãnh mẽ… tích cực tiêu diệt sinh lực địch… tạo điều kiện và nắm thời cơ thuận lợi để đánh đuổi chính quyền Mỹ-Diệm, giải phóng miền Nam”.
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ cũ. Lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức long trọng tại Mã Đà. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Căn cứ Trung ương Cục đóng tại suối Nhung. Cùng với suối Linh, suối Nhung ngày tháng âm thầm chảy dưới đại ngàn, nay bỗng trở thành những địa danh lịch sử. Từ đây những chủ trương đường lối của Trung ương, Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được toả đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.
Thời gian đầu, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo phát triển cách mạng từ khu 5 trở vào, do đó Trung ương Cục chọn Chiến khu Đ mở rộng (khu A)-căn cứ nối liền nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục.
Tháng 3-1961, Trung ương Cục giao cho T1 (Khu miền Đông) nhiệm vụ xây dựng khu A (gồm Chiến khu Đ cũ mở rộng đến đông đường 13, mang phiên hiệu C150). Đảng uỷ khu A chỉ đạo:
-Xây dựng khu A trở thành một căn cứ địa hoàn chỉnh.
-Mở rộng diện tích sản xuất trong căn cứ, dự trữ vật chất để đón cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương vào miền Nam chiến đấu.
-Xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cơ động từ 1 đến 2 tiểu đoàn.
-Tổ chức đường dây liên lạc, nối liền Trường Sơn với các tỉnh…
Từ đây Chiến khu Đ ngày càng phát triển nối liền hậu phương lớn miền Bắc qua đường Trường Sơn, cùng với căn cứ các tỉnh phía đông tạo thành thế liên hoàn, là hậu phương chiến lược ở miền Đông Nam Bộ.
.Tại Chiến khu Đ, tiểu đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ ra đời?
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với ý đồ giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng, trên địa bàn Chiến khu Đ (đã mở rộng ra phía đông và đông bắc), địch tăng cường lực lượng và đóng thêm đồn bót, mở rộng tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt căn cứ, tìm diệt lực lượng vũ trang ta.
Tháng 4-1961, địch thành lập khu chiến thuật 31 đặc trách đánh phá cách mạng ở miền Đông, trong đó có 2 tỉnh Phước Thành và Phước Long nằm trong Chiến khu Đ. Sư đoàn 5 nguỵ và các tiểu đoàn biệt động quân 35, 38 ở Biên Hoà làm lực lượng cơ động đánh phá và yểm trợ cho bọn bảo an, dân vệ đánh vào vùng chiến khu.
Trước những chuyển biến của chiến trường, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, tháng 2-1961, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông quyết định thành lập Tiểu đoàn 800 chủ lực tập trung ở Khu, quân số lấy từ các đơn vị vũ trang địa phương đóng ở vùng căn cứ đông bắc Chiến khu Đ, gồm 600 quân, biên chế thành 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo binh và 1 đại đội trinh sát. Đây là tiểu đoàn chủ lực tập trung đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. Tiểu đoàn do đồng chí Đặng Ngọc Sĩ làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Tâm chính trị viên.
Sau một thời gian huấn luyện, củng cố, dưới sự chỉ đạo của Khu, Tiểu đoàn 800 đã mở đợt hoạt động đầu tiên, mục tiêu là chi khu Hiêu Liêm đóng ở xã Lạc An, các đồn bót địch đóng trong vùng căn cứ và võ trang tuyên truyền hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm, làm chủ xã ấp.
Ngày 16-3, tiểu đoàn tổ chức 3 mũi tấn công chi khu Hiếu Liêm. Trong lúc đang triển khai đội hình thì địch phát hiện nổ súng. Ban chỉ huy tiểu đoàn lập tức cho tổ đặc côg dùng bộc phá đánh tung hàng rào, mở cửa cho đại đội 2 đột phá vào mục tiêu. Sau 30 phút chiến đấu, đơn vị diệt gọn chi khu Hiếu Liêm, thu 1 pháo 105 ly, 30 súng các loại, 3 máy thông tin VTĐ, phá hủy 1 kho đạn.
Thừa thắng, tiểu đoàn tiếp tục tấn công các bót Lạc An, uy hiếp các bót núi Bà Cẩm, Mã Đà, Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, phát động nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kềm. Toàn bộ tề xã nguỵ tan rã. Ta làm chủ một đoạn đường 16 và đường 8, giải phóng một mảng lớn ở phía tây nam chiến khu.
Ngày 15-4-1961, Quân khu tổ chức lễ mừng chiến thắng và chính thức ra mắt Tiểu đoàn 800 tại Suối Linh.
Trận đánh vào tỉnh lỵ Phước Thành là đòn phủ đầu “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Xin cho biết cụ thể về trận đánh này?
Có thể nói trong giai đoạn đầu đánh Mỹ, trận Phước Thành là trận đánh lịch sử của quân và dân Chiến khu Đ, gióng lên một đòn cảnh báo đối với quân Sài Gòn làm “bung xung” cho đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Tháng 6-1991, Tiểu đoàn 800 chuyển hướng hoạt động về hướng đường 20, quét sạch các dinh điền của địch ở Võ Đắc, Võ Su, hỗ trợ bộ đội địa phương Long Khánh, Bà Rịa đẩy mạnh hoạt động; đánh thông hành lang hoạt động; đánh thông hành lang từ Chiến khu Đ xuống Xuân Lộc qua đường 20 về Bà Rịa, Xuyên Mộc ra sát bờ biển phía Đông.
Trong lúc đó, tại tỉnh Phước Thành, địch tiếp tục ủi phá rừng, mở nhiều đường, chia cắt chiến khu thành từng mảnh. Chúng củng cố các khu dinh điền, khu trù mật, tạo thành lá chắn bảo vệ vòng ngoài thị xã Phước Bình. Địch tổ chức nhiều cuộc hành quân càn qui mô càn quét nhằm đánh bật lực lượng ta ra khỏi căn cứ. Ý đồ của Mỹ-Diệm là xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh, cùng với Châu Thành, Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Bình tạo nên một hệ thống phòng thủ liên hoàn, chia cắt vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ phía bắc và đông bắc Sài Gòn.
Trước tình hình đó, tháng 6-1961, Khu uỷ miền Đông quyết định giải thể tỉnh Thủ Biên và tổ chức lại 3 tỉnh: Biên Hoà, Thủ Dầu Một và Phước Thành. Phước Thành là một tỉnh rừng núi bao gồm trung tâm chiến khu phía đông bắc Sài Gòn. Tháng 9-1961, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh khu miền Đông quyết định tấn công tỉnh lỵ Phước Thành, nhằm phá tan ý đồ của địch chia cắt vùng căn cứ; mở rộng chiến khu, chuẩn bị đón các đoàn cán bộ của Trung ương tăng cường cho Nam Bộ. Chỉ huy trận đánh do các đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Nguyễn Việt Hồng, Đặng Ngọc Sĩ, Đặng Hữu Thuấn.
Mục tiêu trận đánh nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu và tỉnh lỵ, giải thoát tù chính trị. Lực lượng chính tham gia trận đánh gồm Tiểu đoàn 500 (mới thành lập), đại đội 26 trinh sát đặc công (Miền tăng cường) cùng lực lượng vũ trang địa phương.
20 giờ ngày 17-9-1961, 3 mũi tiến công của ta tiềm nhập mục tiêu. 23 giờ, quả bộc phá lệnh nổ vang tại dinh tỉnh trưởng. Các mũi xung phong đánh chiếm mục tiêu qui định. Trong 10 phút đầu, ta tiêu diệt gọn bọn địch trong dinh, giết chết tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, bắt tỉnh phó cùng một số nhân viên quan trọng trong toà hành chính. Sau đó, một cánh quân khác tiến công diệt đại đội bảo an và chi đội thiết giáp. Một cánh quân nữa đánh vào trại giam giải thoát các đồng chí, đồng bào yêu nước bị địch giam giữ. Trong 20 phút, lực lượng ta làm chủ hoàn toàn tiểu khu.
Trên các hướng nghi binh và chặn viện, bộ đội địa phương tỉnh Phước Thành và các huyện Tân Uyên, Phú Giáo đã đánh cắt đường giao thông của địch, đốt cháy cầu sắt của Tổng Bản trên đường 16, chặt cao su làm chướng ngại vật trên các trục đường…
Trận đánh kết thúc vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 18-9-1961. Ta tiêu diệt hoàn toàn bộ máy chỉ huy quân sự, hành chính của địch ở tỉnh lỵ Phước Thành; diệt 40 tên, làm bị thương 30 tên, bắt 11 tên, thu 322 súng các loại, phá huỷ 1 khẩu pháo 105 ly, 32 máy truyền tin, 12 xe cơ giới, giải thoát 272 tù binh.
Chiến thắng Phước Thành làm nức lòng quân, dân miền Nam và Chiến khu Đ; đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Quân khu và địa phương. Tướng Oétmolen-Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam trong hồi ký “Người lính tường trình” đã phải thú nhận: “Mùa thu nam 1961 đã chứng kiến một bước ngoặt rõ rệt trong cuộc tiến công của Việt cộng, lần đầu tiên họ tạm thời chiếm được tỉnh lỵ Phước Thành”. Tài liệu mật Lầu Năm Góc của Mỹ cũng xác nhận: “Trận tiến công lớn nhất đã có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn 55km”.
Địch đã thực huiện quốc sách “ấp chiến lược” để “tát nước bắt cá” như thế nào?
Nhằm thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ-Nguỵ tăng cường đẩy mạnh quốc sách “ấp chiến lược” thay thế “ấp dân sinh”, “ấp đời mới”, “khu dinh điền”, “khu trù mật” bị thất bại. Thực tế các “khu trù mật” này đều là những trại tập trung trá hình để tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân chúng. Đây là một âm mưu rất thâm độc của địch nhằm giành lại địa bàn nông thôn, nắm dân; cô lập cách mạng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta.
Chiến khu A và các tỉnh ven chiến khu, vành đai Sài Gòn như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Phước Tuy, Phước Thành là những vùng trọng điểm địch đánh phá để tiến hành bình định.
Từ giữa năm 1962, địch mở nhiều cuộc càn quét vào các vùng căn cứ của ta, hỗ trợ cho các đoàn bình định tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược. Chiến khu Đ và vùng ven chiến khu là một trọng điểm của địch trong việc thực hiện quốc sách ấp chiến lược, quyết tâm đẩy lực lượng ta ra xa. Ở phía nam căn cứ, kết hợp với các cuộc càn, địch gom dân ở các xã Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Hoà, Tân Tịch vào các ấp chiến lược lớn, đồng thời xây dựng các ấp chiến lược Xóm Sình, Bà Đã, Ván Hương… để chia cắt vùng căn cứ của ta. Các xã Thái Hoà, Thạnh Hội, Bình Chánh… dân bị xúc vào các ấp chiến lược dọc sông Đồng Nai.
Phía tây căn cứ (huyện Phú Giáo), địch lập các ấp chiến lược liên hoàn Anh Linh, An Long, Phước Sang… để ngăn chặn ta bung ta. Riêng ở tỉnh lỵ Phước Vĩnh, địch lập một hệ thống ấp chiến lược dài hơn 10km, tập trung vào đây hơn 17 ngàn dân. Chúng thiết lập thêm sân bay Nước Vàng để tăng cường việc đánh phá căn cứ. Dọc các đường 8, 13, 14, 16, nhiều đồn bót mọc thêm để giữ cầu, giữ đường, bao vây căn cứ và cắt đứt giao thông của ta.
Ở phía bắc căn cứ, địch dồn đồng bào Kinh, Stiêng, Châuro vào các ấp chiến lược dọc đường 14, tách dân ra khỏi lực lượng ta.
Nhằm tăng cường thêm lực lượng cơ động để đánh phá cách mạng ở Phước Thành, địch điều trung đoàn 48 sư đoàn 10 về đây. Mỗi ấp chiến lược, chúng còn bố trí một đại đội bảo an, không kể lực lượng “thanh niên chiến đấu” thường xuyên canh giữ ấp.
Tuy nhiên không một âm mưu nào của địch thực hiện được suôn sẻ. Quốc sách ấp chiến lược bị chống trả quyết liệt tại Chiến khu Đ. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ miền Đông và các cấp uỷ Đảng địa phương, cuộc đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp liên tục diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, kết hợp phong trào 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh vận. Nổi bật nhất là các xã Tân Khánh, Bình Mỹ, Phước Hoà, Rầy Gạch, Ván Hương…
Tại xã Tân Khánh, chi bộ xã lãnh đạo trên 700 đồng bào kéo lên đồn giặc đấu tranh chống bắn phá bừa bãi, đòi tự do đi lại làm ăn, bồi thường thiệt hại, chống gom dân vào ấp chiến lược. Tại xã Tân Bình, nhân dân đấu tranh kiên quyết không cho địch cướp lúa… Tháng 3-1962, giặc đốt hàng trăm nhà dân, đồng bào vẫn bám đất, không ra khu tập trung đồn bót. Không những thế, bà con còn cung cấp tình hình cho bộ đội đánh địch.
7 giờ 30 sáng 14-3, đoàn xe 11 chiếc của đại đội 5 tiểu đoàn 31 bảo an khu Phước Thành lọt vào trận địa phục kích của bộ đội Khu và bộ đội địa phương Phước Thành, trên đường 16 (đoàn từ Mỹ Đức đến bót suối Cầu). Mìn nổ khiến chiếc xe đi đầu lật nhào. Các đơn vị xung phong nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, làm chủ trận địa, diệt và bắt 33 tên (trong đó có tên đại uý quận trưởng Phú Giáo), thu 42 súng.
Tháng 9-1962, Trung đoàn mới thành lập tại Mã Đà, mang mật danh C58, đã tổ chức chống càn, bẻ gãy cuộc hành quân qui mô của sư đoàn 5 ngụy vào căn cứ Bàu Buông, diệt 50 tên. Sau đó, đơn vị tấn công diệt đồn Bù Đăng, mở rộng căn cứ về phía Bắc (đường 14).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top