Tâm trạng của Mị khi bị A Sử trói

Đề văn
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng,như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!" Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.
Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sửa xa xa. Mỵ lúc mê, lúc tình. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.
Mỵ bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết.Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt.
(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr 8,9)

BÀI LÀM

Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam.  Trước 1945 ông thường viết về đề tài loài vật, sau 1945 ông thường viết về đề tài miền núi. Ông có quan điểm sáng tác: viết văn là cả 1 qúa trình đấu tranh để nói ra sự thật. Ông là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng rất linh hoạt, đắc địa nên có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Một trong những thành công nhất của nhà văn khi viết về đề tài miền núi Tây Bắc là truyện Vợ chồng A Phủ. Đặc biệt khi khắc họa nhân vật Mị, nhà văn bộc lộ năng lực khám phá chiều sâu nội tâm con người sâu sắc và tinh tế, đồng thời thể hiện cái nhìn mới mẻ về người nông dân. Cụ thể ở đoạn trích: “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng […].Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt.”

Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.  Đó là kết quả của chuyến đi 8 tháng Tô Hoài vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi ấy để lại trong ông rất nhiều kỉ niệm. Ông nhứ mãi kỉ niệm VCAP tiễn chân ông dưới dốc Tà Xùa, họ cứ vẫy tay “Chéo Lù”, Chéo Lù”. Kỉ niệm đó cứ thôi thúc, giục giã ông sáng tác truyện ngắn này. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng. Đoạn trính trên nằm ở phần đầu của tác phẩm.
Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo. Không chỉ vậy cô còn hiếu thảo, chăm chỉ. Vì món nợ truyền kiếp cô phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cứ tưởng rằng ở chốn địa ngục trần gian ấy cô đã bị tê liệt sức phản kháng. Nhưng không tâm hồn Mị như 1 lò than âm ỉ cháy mà nhà thống lý Patra chỉ là đám tro phủ lên lò than ấy. chỉ cần 1 ngoại cảnh tác động, chỉ cần 1 làn gió mạnh thổi tung đi là sức sống đó lại bừng cháy trong cô. Và ngoại cảnh đó đã đến. Đó chính là đêm tình mùa xuân Khi mùa xuân về, như quy luật vạn vật hồi sinh, sức trẻ trong Mị bừng trỗi dậy. Mị khêu đèn lên cho bừng sáng căn buồng của mình, lén lấy hũ rượu uống ực từng bát. Mị bổi hổi nghe tiếng sáo. Và cô nhận thức mình vẫn còn trẻ và  muốn đi chơi. Trông thấy Mị, A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói Mị đứng vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa…Đoạn văn trên miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tối khi bị A Sử trói, không cho đi chơi xuân.
Mở đầu đoạn trích, TH miêu tả thời gian, không  gian, tâm trạng của Mị khi bị trói. Không gian là căn buồng của Mị, thời gian là ban đêm, bóng tối bao trùm lên tất cả. “Trong bóng tối. Vậy mà thật là kì lạ, bị trói mà  Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói”. Điều gì đã làm cho người con gái ấy quên đi thực tại? Phải chăng đó là men rượu và tiếng sáo “Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi...”. Men rượu và tiếng sáo trở đi trở lại trong tác phẩm vcap của Tô Hoài. Nếu đoạn trước tiếng sáo và men rượu đã đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nó như hạt mầm cảm xúc nảy nở trong tâm hồn người con gái ấy và bây giờ tiếng sáo và men rượu  đã làm cho Mị như quên hẳn mình đang bị trói, quên những đau đớn về thể xác. Mị  thả hồn theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết. Tiếng sáo không chỉ vang vọng trong không gian mà còn tồn tại trong chính tâm hồn Mị. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống. Tiếng sáo của những đôi lứa yêu nhau và  của cả những người lỡ duyên đã có sự tác động lớn lao tới tâm hồn Mị. Nó thôi thúc Mị, khiến Mị vùng bước đi, quên thực tại đau khổ trước mắt. Chi tiết Mị “vùng bước đi” đã minh chứng được sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Tâm hồn ấy đang đến với tự do, đang tràn trề nỗi yêu đương của tuổi trẻ. Nhưng cũng chính lúc này, khi “vùng bước đi” theo tiếng sáo, sợi dây trói thắt vào “tay chân đau không cựa được”. Mị mới trở lại với hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã. Lòng Mị đau đớn, thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.“Mị không nghe thấy tiếng sáo nữa”. “Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa”. Tiếng chân ngựa đạp vào vách, nhai cỏ, gãi chân là những âm thanh của thực tại, đưa Mị trở lại với sự liên tưởng đau đớn bởi kiếp sống “không bằng con ngựa” của mình. Sau bao nhiêu năm tháng, Mị đã tỉnh táo nhận ra thân phận trâu ngựa của mình, đã thổn thức khi thấy mình “không bằng con ngựa” nhà thống lí. Hình ảnh so sánh con người với con vật cứ day dứt, trở đi trở lại trong tác phẩm. Khi về làm vợ A Sử, nhiều lần Mị đã bị hắn đánh đập, hành hạ. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Mị thổn thức nghĩ không bằng con ngựa. Bởi những lần trước Mị nghĩ mình cũng là con trâu, con ngựa thì đó là ý nghĩ của con người cam chịu, quen khổ. Còn giờ đây, nó là cái thổn thức của tâm hồn bị vùi dập.
Dù đã trở lại với thực tại tàn nhẫn suốt đêm mùa xuân ấy nhưng quá khứ vẫn “nồng nàn tha thiết” trong nỗi nhớ của Mị với “hơi rượu toả, tiếng sáo dập dờn, tiếng chó sủa xa xa...”  Âm thanh tiếng chó sủa làm Mị nghĩ đến  lúc trai đến bên vách làm hiệu rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Men rượu làm cho tâm hồn Mị ngất ngây cùng kỉ niệm và tiếng sáo làm Mị nghĩ lại năm xưa biết bao chàng trai đi theo tiếng sáo của Mị hết đồi này sang núi khác Mị phải sống trong sự giằng xé giữa khao khát cháy bỏng, hiện tại tàn nhẫn. Tâm trạng Mị đồng hiện giữa quá khứ, hiện tại, chập chờn giữa tỉnh và mê. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. Trong đêm tình mùa xuân này, Mị đã thức tỉnh để nhận ra những bất hạnh, những cay đắng trong thân phận trâu ngựa của mình.  Từ nay, có lẽ Mị sẽ không thể yên ổn với những suy nghĩ buông xuôi, cam chịu của mình. Khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc, khát vọng tuổi trẻ đã hồi sinh nhưng cũng đã bị vùi dập. Và nó đang chờ ngọn gió để thổi bùng lên. Cứ như thế suốt đêm Mị nửa mê,  nửa tỉnh cho đến tảng sáng “Mị bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động . Nhà văn Tô Hoài thật tài tình khi khăc hoạ không gian mang đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.  Mị không chỉ thương mình mà còn thương những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết. Cô Mị của ngày xưa - một người sống như đang chết, sống trong cảm giác chờ đợi sự giải thoát từ cái chết, giờ đây lại biết xót thương cho người khác, biết sợ hãi trước cái chết. Mị thấy sợ khi nhớ tới từng có người đàn bà cũng bị đánh, bị trói đã chết đứng chính căn buồng này. đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nghĩ đến đó thì  “Mị sợ quá, Mị cựa quậy” như để chứng minh mình vẫn còn sống. Mị sợ chết vì ám ảnh bởi bóng ma của thần quyền. Mị sợ chết cũng chứng tỏ Mị khao khát sống. Chết lúc này là chết oan uổng. Chính tiếng sáo, tiếng gọi tình yêu đã giúp Mị nhận ra sự sống đáng quý: phải sống để được yêu, được đón nhận hạnh phúc tuổi trẻ… Một khi biết sợ chết thì người ta càng thêm yêu cuộc sống. Mị cũng vậy.
           Ngôn ngữ kể chuyện  mang đậm màu sắc miền núi. Nhà văn có cách dẫn dắt tình tiết khéo léo, tự nhiên, lối kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn.  Bút pháp miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế. Giọng trần thuật của tác giả hòa vào những độc thoại nội tâm của nhân vật tạo nên ngôn ngữ nửa trực tiếp đặc sắc. Qua đó nhà văn đã khắc  hoạ thành công diễn biến tâm trạng của  Mị sau khi bị A Sử  trói. Như vậy,  rõ ràng là cường quyền và thần quyền tàn bạo không thể dập tắt nổi khát vọng hạnh phúc, tình yêu nơi Mị. Cuộc nổi loạn tuy không thành công nhưng nó đã cho người đọc thấy sức sống mãnh liệt tiềm tàng trong những người nông dân tưởng chừng như nhỏ bé, khốn khổ nhất.  Qua đó ta thấy sự xót thương, đồng cảm  của nhà văn đối với người nông dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi. Họ đã  bị chà đạp tàn nhẫn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng nhà văn vẫn phát hiện ra  sức sống tiềm tàng mãnh liệt của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và khát vọng tự do. Tuy sống trong thân phận trâu ngựa, bị đoạ đày giữa địa ngục trần gian nhưng họ không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà vẫn tìm cách vượt ngục tinh thần, tâm hồn được hồi sinh. Đó còn là cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân trong tư tưởng tiến bộ của nhà văn cách mạng Tô Hoài.
Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay. Bằng lối văn kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn, bằng ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, mang phong vị của núi rừng Tây bắc, đặc biệt là bằng nghệ thuật  miêu tả tâm lý sắc sảo, nhà văn Tô Hoài không chỉ khắc hoạ cuộc sống khốn cùng của người dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất mà tác phẩm còn là bài ca về khát vọng sống, khát vọng tự do của con người nơi đây. Chính điều đó đã tạo cho tác phẩm  không chỉ có trị hiện thực mà còn có giá trị nhân đạo. Dù tác phẩm đã đi vào dĩ vãng hơn nửa thế kỉ nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, sống mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Với tác tác phẩm này ông giúp cho người đọc hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân Tây Bắc trước cách mạng tháng 8/ 1945. Tô Hoài xứng đáng là nhà nhà văn của  mảnh đất và con người nơi đây.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ctnx#vcap