Người đàn bà...

Câu 2 (5.0 điểm)
"Trong phút chốc ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà đầy lúng túng, đầy sợ sệt nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể: Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu xí, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi. Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối...
Lão ta hồi bảy lăm có đi lính ngụy không? Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính-bỗng mụ đỏ mặt - nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
Vậy sao không lên bờ mà ở - Đẩu hỏi.
Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có được cái nghề lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không ?- Tôi hỏi.
Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão lôi tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu...Giá mà lão uống rượu...thì tôi còn đỡ khổ...Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão...đưa tôi lên bờ mà đánh...
Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! Đẩu và tôi cùng lúc thốt lên."...
( Trích Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu- Ngữ Văn, tập hai, NXBGD 2017).
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn trích trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

BÀI LÀM
Nguyễn Minh Châu là nhà văn quân đội. Hành trình sáng tác có 2 giai đoạn chính: trước 1975, tác phẩm NMC viết về đề tài chiến tranh, người lính, mang khuynh hướng sử thi có chất trữ tình lẵng mạn. Sau 1975, NMC chuyển sang đề tài thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh. Ông được coi là một trong những cây bút tiên phong của VHVN trong thời kỳ đổi mới. NMC có nhiều sáng tác độc đáo luôn có ý thức đi tìm "cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người". Chiếc thuyền ngoài xa tiêu biểu cho phong cách văn của Nguyễn Minh Châu. Trong tác phẩm này ông đã khắc hoạ thành công nhân vật người đàn bà hàng chài. Từ đó người đọc thấy được quan điểm nghệ thuật của nhà văn "Trong phút chốc ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà đầy lúng túng, đầy sợ sệt... Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! Đẩu và tôi cùng lúc thốt lên."...
Truyện ngắn được viết năm 1983, lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).Chuyện kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm sâu sắc của ông về nghệ thuật & cuộc đời. Theo lời của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung (cũng là nơi anh từng chiến đấu) để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Sau nhiều ngày "phục kích", anh đã phát hiện và chụp được cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh đã kinh ngạc hết mức khi chứng kiến cảnh từ trong thuyền - bước ra một gã chồng vũ phu đánh đập người vợ dã man, đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh trả lại cha mình.Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn và lần này anh phải can thiệp...Theo lời mời của chánh án Đẩu (đồng đội cũ của anh), người đàn bà hàng chài đã đến toà án huyện. Tại đây, người đàn bà đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu. Chị đã kể câu chuyện về cuộc đời mình và đó cũng là lí do cho sự từ chối trên. Đoạn văn trên miêu tả cuộc trò chuyện của người đàn bà hàng chài với Phùng và Đẩu nằm ở phần giữa tác phẩm.
Mở đầu đoạn trích, tác giả khắc hoạ hình ảnh người đàn bà hàng chài, chị ta thật quê mùa, dốt nát. Người đàn bà hàng chài xuất hiện ở toà án huyện theo lời mời của chánh án Đẩu. Mặc dù không phải lần đầu ở chốn công đường nhưng chị tỏ ra sợ sệt, rụt rè, tìm 1 góc tường ngồi, cách xưng hô đầy nhún nhường: gọi quí tòa, xưng con... Đẩu mời bà ta lên tòa án để khuyên bảo, thậm chí đề nghị người đàn bà nghèo khổ ấy từ bỏ lão chồng vũ phu. " ba ngày 1 trận nhẹ, năm ngày 1 trận nặng. Cả nước không có người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: chị không sống nổi vói lão đàn ông vũ phu ấy đâu". Thế nhưng thật bất ngờ và oái ăm thay người đàn bà phản ứng mãnh liệt trước sự giúp đỡ của chánh án Đẩu và Phùng. Chị đau đớn đánh đổi bằng mọi giá để không phải bỏ chồng " Con lạy quý toà...quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được đừng bắt con phải bỏ nó". Sau phút giây bình tĩnh chị đã nhìn Phùng và Đẩu có vẻ thông cảm hơn. Và chị kể cho 2 người nghe về cuộc đời mình. Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Cũng vì xấu xí, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Và rồi chị theo chồng xuống thuyền sống, cuộc sống đông con nghèo khổ " ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối...". Chị còn bị đoạ đày cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu bà cụ Tứ trong truyện ngắn vợ nhặt của Kim Lân dù bị đói khổ nhưng bà sống vui vẻ bên các con, còn người đàn bà hành chài bị chồng đánh đập tàn bạo. Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão lôi tôi ra đánh. Lão đánh vợ như sự giải toả những uất ức ở trong lòng cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu. Chị ước ao thật xót xa Giá mà lão uống rượu...thì tôi còn đỡ khổ. Qua đó người đọc thấy được cuộc sống khốn khổ, bất hạnh, không có ai che chở yêu thương của chị.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ quê mùa thất học, nhếch nhác kia là là 1 người phụ nữ sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, bao dung độ lượng vị tha, giàu đức hi sinh, giàu lòng thương con " Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình".Chi tiết đó cho thấy người phụ nữ có vốn sống, hiểu biết cuộc đời sâu sắc. Chị thấu hiểu được cuộc đời của ngư dân là bám biển " Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có được cái nghề lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được". Người đàn bà quê mùa, thất học đã chỉ cho Phùng và Đẩu thấy bất cập trong chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhà nước chia đất cho dân nhưng không hiểu rằng ngư dân cần thuyền, lưới hơn cần đất. Cũng vì sâu sắc nên chị hiểu vai trò của người đàn ông trên con thuyền đi ra biển. Đó là lý do chị cam chiu sự đòn roi của người chồng " đám đàn bà chúng tôi cần người đàn ông để chèo chống khi phong ba bão táp đặng làm ăn nuôi 1 sắp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa".
Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hi sinh của bà là tình thương vô bờ đối với những đứa con. Nếu hiểu sự việc 1 cách đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà ấy bỏ chồng là xong. Nhưng nếu nhìn vấn đề 1 cách thấu suốt sẽ thấy cách xử sự của chị là không thể nào khác đuợc. Chị thầm lặng chịu mọi đau đớn trước người chồng dã man tàn bạo với một lí do đơn giản mà cao đẹp. " đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải cho mình". Đó là sự hy sinh thầm lặng, bà chỉ muốn chịu đựng đau đớn riêng mình và nếu có 1 sự van xin nào đó cho mình thì cũng chỉ là những lời đáng thương " xin lão đưa tôi lên bờ để đánh". Người mẹ ấy không chỉ lo miếng cơm manh áo , sự no đói cho con mà chị còn sợ các con bị tổn thương về mặt tâm hồn. Vì thương và hiểu được tính nết của thằng Phác nên chị đã gửi nó lên bờ cho ông ngoại nuôi, chị sợ rằng nếu cứ ở dưới thuyền 1 ngày nào đó con chị sẽ lỗi đạo với bố. Tình thương cao cả của người đàn bà hàng chài ấy làm ta liên tưởng đến tình thương con của bà cụ Tứ trong truyện ngắn " Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân: dù trong tận cùng của cái đói nhưng bà cụ vẫn sẵn sàng sẻ chia miếng cơm của mình cho người đàn bà xa lạ, nén đau, tủi nhục vào trong để con trai mình được hạnh phúc.
Không chỉ vậy chị còn có cái nhìn toàn diện và bao dung . Với Phùng - Đẩu- thằng Phác, người đàn ông là kẻ vũ phu, độc ác, thủ phạm gây đau khổ cho người vợ . Nhưng với người đàn bà hàng chài thì hiểu và thông cảm cho chồng, bà đã lên tiếng bảo vệ chồng . Chi kể Ngày xưa lão chồng tôi là anh con trai cục tính, nhưng hiền lành . Qua cách nói ta thấy chị ta nghiêng về khen hiền lành hơn cục tính, chẳng qua là vì đông con, cuộc sống khốn khổ, quẩn quanh bế tắc lại thất học mà trở nên độc dữ . Chị hiểu những trận đòn kia chính là cách thức giải tỏa nỗi uất ức, bực bội, bế tắc của người chồng trong hành trình mưu sinh vất vả. Chị không những không đổ lỗi cho người chồng độc ác mà còn tự nhận lỗi về mình, " lỗi là ở đám đàn bà hàng chài chúng tôi đẻ nhiều quá","Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn...". Sự đồng cảm và thấu hiểu của người đàn bà toát lên vẻ đẹp khuất lấp. Nó hiện lên qua sự cam chịu , nhẫn nhịn, bao dung nhưng vẫn đằm thắm , thủy chung với người chồng. Đằng sau sự nhẫn nhục ấy là bản năng sinh tồn mãnh liệt, người đàn bà hàng chài vừa lam lũ, chất phác, có tình thương con vô bờ bến, vừa luôn mang nỗi đau, vừa có cái thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Nhân vật người đàn bà hàng chài hiện lên qua lối kể chuyện theo ngôi thứ nhất làm cho câu chuyện hiện lên chân thực. Nhân vật đặt trong cuộc đối thoại giữa Phùng, Đẩu. Ngôn ngữ đối thoại sinh động. Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa....Nghệ thuật tạo tình huống độc đáo.
Qua nhân vật người đàn bà ở toà án huyện, NMC bộc lộ quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời : nghệ thuật không thể thoát li cuộc đời. Cuộc đời phải đặt trên nghệ thuật. NT phải vì con người. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, 1 khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo còn hiện thực cuộc sống thì ở rất gần. Người nghệ sĩ đừng vì mải mê săn tìm cái đẹp của ngoại cảnh mà quên đi hiện thực đời sống con người. Quan niệm ấy là sự tiếp nối văn học truyền thống: NC cũng đã từng viết: nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. NT chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than"...Hay VTP cũng nói " các ông muốn tiểu thuyết là tiểu thuyết nhưng tôi và những người cùng chí hướng với tôi lại muốn tiểu thuyết vì con người"... Tuy nhiên, NMC lại rất mới mẻ trong quan điểm về cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống. Không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng của cuộc sống, không thể có cái nhìn một chiều, phiến diện với con người và cuộc sống mà phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phổ quát thì mới hiểu được những sắc cạnh của cuộc đời. Vì "con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự. Đây cũng là nét mới trong văn xuôi sau năm 1975 mà NMC chính là vị "khai quốc công thần của triều đại văn học mới".
Chiếc thuyền ngoài xa là 1 tác phẩm hay. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật đầy đau đớn của con người trong cuộc đời đằng sau bức ảnh hoàn hào ấy, tác phẩm đem đến cho người đọc một bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người. Ta cần nhìn đời, nhìn người một cách toàn diện, đa chiều để phát hiện ra bản chất thực sự. Tác phẩm thể hiện cái nhìn hiện thực về đời sống con người đầy âu lo, trăn trở, trĩu nặng tình thương, tinh thần trách nhiệm của nhà văn. Tác phẩm tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn trong thời kỳ đổi mới văn học sau 1975. Với tác phẩm này NMC xứng đáng là cây bút mở đường tài năng và tinh anh nhất của VHVN thời kì đổi mới và ông luôn khát khao đi tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người.Tác phẩm gióng lên 1 hồi chông cảnh tỉnh về nạn bạo lực gia đình và cuộc sống đói nghèo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ctnx#vcap