Đêm tình mùa Xuân
Câu 2. (5,0 điểm)
Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy. Nhưng Mị không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi...
Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trằng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ông mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. A Sử nhìn quanh thấy Mị rút thêm cái áo.
A Sử hỏi:
- Mày muốn đi chơi à?
Mỵ không nói. A Sử cũng không hỏi thêm. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột. Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong. A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!".”Mị vùng bước đi. Nhưng chân tay đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
(Trích, Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa xuân qua đoạn trích trên.
-------- Hết --------
BÀI LÀM
Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Trước 1945 ông thường viết về đề tài loài vật, sau 1945 ông thường viết về đề tài miền núi. Ông có quan điểm sáng tác: viết văn là cả 1 qúa trình đấu tranh để nói ra sự thật. Ông là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng rất linh hoạt, đắc địa nên có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Một trong những thành công nhất của nhà văn khi viết về đề tài miền núi Tây Bắc là truyện Vợ chồng A Phủ. Trong tác phẩm này ông khăc hoạ thành công diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa xuân qua đoạn trích Điều đó thể hiện trong đoạn trích “Ngày tết, Mị cũng uống rượu …Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Đó là kết quả của chuyến đi 8 tháng Tô Hoài vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi ấy để lại trong ông rất nhiều kỉ niệm. Ông nhứ mãi kỉ niệm VCAP tiễn chân ông dưới dốc Tà Xùa, họ cứ vẫy tay “Chéo Lù”, Chéo Lù”. Kỉ niệm đó cứ thôi thúc, giục giã ông sáng tác truyện ngắn này. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng.Đoạn trính trên nằm ở cuối phần đầu của tác phẩm.
Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo “thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê”, Mị đã từng yêu, từng được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu. Không chỉ vậy cô còn hiếu thảo, chăm chỉ. Vì món nợ truyền kiếp cô phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cứ tưởng rằng ở chốn địa ngục trần gian ấy cô đã bị tê liệt sức phản kháng. Nhưng không tâm hồn Mị như 1 lò than âm ỉ cháy mà nhà thống lý Patra chỉ là đám tro phủ lên lò than ấy. chỉ cần 1 ngoại cảnh tác động, chỉ cần 1 làn gió mạnh thổi tung đi là sức sống đó lại bừng cháy trong cô. Và ngoại cảnh đó đã đến. Đó chính là đêm tình mùa xuân. Mùa xuân về trên đất Hồng Ngài thật đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt âm thanh của tiếng sáo đã làm cho tâm hồn người con gái ấy hồi sinh. Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ với hành động nổi loạn là uống rượu
Mở đầu đoạn trích là hành động và tâm trạng của Mị khi uống rượu “Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát”. Cách uống khiến người đọc cảm nhận dường như không phải Mị đang uống rượu mà là uống từng bát cay đắng, uất hận vào lòng. Những cay đắng, uất hận đó chất chồng và cứ bị dồn đẩy, nghẹn đắng trong lòng Mị. Mị như uống đi cái đau khổ của phần đời đã qua, uống cả những khát khao những tháng ngày sắp tới. Nhưng cũng giống như Chí Phèo trong truyên ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, dù say lịm mặt ngồi đấy nhưng trong 1 góc khuất nào đó thì Mị rất tỉnh, lòng Mị sống về ngày trước. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi và có bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị. Mùa xuân này Mị cũng uống rượu cũng thổi sáo nhưng 2 hoàn cảnh khác nhau. Ngày trước Mị tự do, còn bây giờ cô sống cuộc đời nô lệ. Dường như lúc này Mị chập chờn giữa quá khứ và hiện tại. Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Người con gái đó như đang sống trong hoài niệm. Mãi rồi cô như tỉnh mộng vào trong buồng. Căn buồng của Mị như cái nhà tù giam hãm cuộc đời của Mị. Nếu như trước đây Mị cam chịu, chấp nhận bị giam hãm thì hôm nay cô cứ nhìn ra cái ô cửa sổ trăng trắng kia. Đó là ranh giới giữa tự do và nô lệ. Còn hôm nay Mị ngồi trong buồng mà nhìn ra đường như với 1 khát khao cháy bỏng muốn thoát hỏi kiếp đời nô lệ đẻ tìm đến tự do. Tất cả tâm trạng đó của Mị diễn ra trong âm thanh tiếng sáo của văng vẳng ngoài đường. Tiếng sáo mỗi lúc gần hơn. Như vậy men rượu và tiếng sáo như 1 tác nhân tác động làm tâm hồn người con gái ấy hồi sinh. Mị đã ý thức được tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và cô đã bứt phá, không sợ cường quyền và thần quyền nữa, cô quyết định đi chơi để được sống trong tự do, hạnh phúc Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi .. Điệp từ Mị, nhịp văn nhanh dồn dập, nghệ thuật tăng tiến: trẻ lắm, vẫn còn, muốn… đã diễn tả những khát vọng cháy bỏng trong tâm hồn Mị. Nếu trước đây, Mị cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa thì bây giờ cô đã phản kháng “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Dù cô có phản kháng, dù cô đã thức tỉnh, dù có khát khao mãnh liệt nhưng Mị vẫn chỉ là người con gái bé nhỏ, nạn nhân của cường quyền và thần quyền, cô không thể nào thay đổi số phận. chính vì vậy, lại 1 lần nữa Mị muốn chết “ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Muốn chết là biểu hiện của lòng ham sống, Mị không muốn sống 1 cuộc đời nô lệ mà cô chỉ khát khao tự do hạnh phúc. Nghĩ đến cái chết tức là Mị phản kháng lại hoàn cảnh và không chấp nhận cuộc sống ê chề, tủi nhục. Tuy nhiên lá ngón thì không có chỉ có tiếng sáo gọi bạn yêu cứ lủng lơ bay ngoài đường Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi... Tiếng sáo ấy như thúc giục Mị vượt qua nỗi sợ cường quyền, nỗi sợ thần quyền. Từ đó Mị đi đến quyết định táo bạo: bỏ nhà đi theo những cuộc chơi. Mặc dù ASử về nhưng Mị không sợ nữa. Nhà văn có sở trường phân tích tâm lí nhân vật. Dưới ngòi bút tài hoa, t/giả đã phát hiện nét đẹp trong tính cách của nhân vật Mị dẫn đến hành động: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn 1 miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách. Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh, gấp gáp “ xắn 1 miếng, quấn lại tóc, với cái váy hoa” cho thấy Mị hành động dứt khoát “ chuẩn bị đi chơi”. Đây là hành động thức tỉnh, hành động phản kháng, 1 sự vượt ngục về tinh thần của Mị để đi theo tiếng gọi của tự do và hạnh phúc. Nhưng ngọn lửa ham sống vừa rực sáng trong cô đã bị Asử như 1 gáo nước lạnh tạt vào, đã bị A Sử dập tắt .Hắn thẳng tay vùi dập sự trỗi dậy ấy. Chỉ với câu hỏi cộc lốc “mày muốn đi chơi à” không cần trả lời hắn “ bước lại lấy thắt lưng trói 2 tay Mị , nó xách cả 1 thúng đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống ,A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho Mỵ không cúi không nghiêng đầu được nữa” . ASử trói được thể xác nhưng tâm hồn Mị rất tự do. Bị trói mà Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói”. Điều gì đã làm cho người con gái ấy quên đi thực tại? Phải chăng đó là men rượu và tiếng sáo “Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi...”. Men rượu và tiếng sáo trở đi trở lại trong tác phẩm vcap của Tô Hoài. Tiếng sáo và men rượu đã làm cho Mị như quên hẳn mình đang bị trói, quên những đau đớn về thể xác. Mị thả hồn theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết. Tiếng sáo không chỉ vang vọng trong không gian mà còn tồn tại trong chính tâm hồn Mị. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống. Tiếng sáo của những đôi lứa yêu nhau và của cả những người lỡ duyên đã có sự tác động lớn lao tới tâm hồn Mị. Nó thôi thúc Mị, khiến Mị vùng bước đi, quên thực tại đau khổ trước mắt. Chi tiết Mị “vùng bước đi” đã minh chứng được sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Tâm hồn ấy đang đến với tự do, đang tràn trề nỗi yêu đương của tuổi trẻ. Nhưng cũng chính lúc này, khi “vùng bước đi” theo tiếng sáo, sợi dây trói thắt vào “tay chân đau không cựa được”. Mị mới trở lại với hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã. Lòng Mị đau đớn, thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.“Mị không nghe thấy tiếng sáo nữa”. “Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa”. Tiếng chân ngựa đạp vào vách, nhai cỏ, gãi chân là những âm thanh của thực tại, đưa Mị trở lại với sự liên tưởng đau đớn bởi kiếp sống “không bằng con ngựa” của mình. Sau bao nhiêu năm tháng, Mị đã tỉnh táo nhận ra thân phận trâu ngựa của mình, đã thổn thức khi thấy mình “không bằng con ngựa” nhà thống lí. Hình ảnh so sánh con người với con vật cứ day dứt, trở đi trở lại trong tác phẩm. Khi về làm vợ A Sử, nhiều lần Mị đã bị hắn đánh đập, hành hạ. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Mị thổn thức nghĩ không bằng con ngựa. Bởi những lần trước Mị nghĩ mình cũng là con trâu, con ngựa thì đó là ý nghĩ của con người cam chịu, quen khổ. Còn giờ đây, nó là cái thổn thức của tâm hồn bị vùi dập.
Đoạn văn được viết bằng nghệ thuật trần thuật linh hoạt. Ngôn ngữ sinh động, giàu tính biểu cảm. Âm điệu câu văn êm ả, ngắn và đậm phong vị Tây Bắc. Nhà văn đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lí nhân vật Mị rất tự nhiên, chân thực và sâu sắc thông qua hành động và tâm trạng, chủ yếu thể hiện nội tâm tinh tế, xúc độngQua đó,nhà văn đồng cảm với số phận bất hạnh của người lao động. Đồng thời lên án sự tàn bạo của bọn phong kiến chúa đất miền núi. Bên cạnh đó, nhà văn nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng của người lao động miền núi.
Bằng lối văn kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn, bằng ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, mang phong vị của núi rừng Tây bắc, đặc biệt là bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý sắc sảo, nhà văn Tô Hoài không chỉ khắc hoạ cuộc sống khốn cùng của người dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất mà tác phẩm còn là bài ca về khát vọng sống, khát vọng tự do của con người nơi đây. Chính điều đó đã tạo cho tác phẩm không chỉ có trị hiện thực mà còn có giá trị nhân đạo. Dù tác phẩm đã đi vào dĩ vãng hơn nửa thế kỉ nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, sống mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Với tác tác phẩm này ông giúp cho người đọc hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân Tây Bắc trước cách mạng tháng 8/ 1945. Tô Hoài xứng đáng là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại VN.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top