Đêm tình mùa Đông

Đề bài:
Cảm nhận của anh/ chị về diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn trích sau.
“Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.
Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng,  mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.
Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hóm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước A Sử trói Mị , Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Ðám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...
Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Ði ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
- A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
- Ở đây thì chết mất”.
(“Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài, Ngữ văn 12 tập hai, NXB giáo dục, 2008, tr13, 14).
Bài làm
Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông phần lớn thiên về diễn tả sự thật của đời thường: Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Ông cũng là nhà văn hấp dẫn độc giả ở lối trần thuật sinh động, hóm hỉnh, vốn từ vựng giàu có. Đồng thời, Tô Hoài có sự hiểu biết về phong tục, tập quán ở nhiều vùng khác nhau. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm xuất sắc của nhà văn. Trong tác phẩm này ông đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp trong tâm hồn con người lao động.  Trong đó có nhân vật Mị với sức sống mãnh liệt, khát vọng hạnh phúc. Điều đó thể hiện qua diễn biến tâm trạng của Mị  trong đoạn trích Những đêm mùa đông (…)Mị phảng phất nghĩ như vậy .

Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.  Đó là kết quả của chuyến đi 8 tháng Tô Hoài vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi ấy để lại trong ông rất nhiều kỉ niệm. Ông nhứ mãi kỉ niệm VCAP tiễn chân ông dưới dốc Tà Xùa, họ cứ vẫy tay “Chéo Lù”, Chéo Lù”. Kỉ niệm đó cứ thôi thúc, giục giã ông sáng tác truyện ngắn này. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng.  Đoạn trích thuộc phần cuối trong phần 1 của truyện Vợ chồng A Phủ , kể về diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ.
           Trước  khi vào nhà thống lý Patra, Mị là  một cô gái xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình và sự tàn ác của bọn chúa đất miền núi Tây Bắc mà Mị trở thành  con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra. Trong đêm tình mùa xuân, Mị trỗi dậy sức sống tiềm tàng, khao khát hạnh phúc, tình yêu. Tuy nhiên cô đã bị  A Sử trói.  Đoạn  trích trên miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm mùa đông khi cởi trói cho A Phủ. Sau sự nổi loạn ở đêm tình mùa xuân không thành, Mị đã bị cường quyền, thần quyền nhà thống lý Pá tra vùi dập, chà đạp, để bị rơi vào trạng thái tê liệt còn đáng sợ hơn cả trước đây.
      Mở đầu đoạn trích nhà văn miêu tả không gian và tâm trạng của Mị “đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Nếu không có bếp lửa kia thì Mị đến chết héo. Mỗi đêm, Mị dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần: Từ chỉ thời gian mỗi đêm, không biết bao nhiêu lần gợi thói quen lặp đi lặp lại như một bản năng, ăn vào vô thức. Đó là bản năng tìm tới hơi ấm, ánh sáng. Mị chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Điệp từ “chỉ” diễn tả nét nghĩa tồn tại ít ỏi. Trong văn hóa nhân loại, ngọn lửa thường là vật biểu trưng cho ánh sáng, sự sống. Điều đó cho thấy sức  vọng sống tuy ít ỏi nhưng dai dẳng  trong Mị.. Bếp lửa của Mị cạnh nơi A Phu bị trói. Nếu Mị là con dâu gạt nợ thì A Phủ là người ở trừ nợ. Vì để con hổ ăn mất con bò nên anh bị trói cho đến khi nhà Patra tìm được bò mới thôi. Lúc đầu, Mị nhìn A Phủ bị trói đứng cô có trạng thái thản nhiên đáng sợ  “vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Ba chữ cũng thế thôi tách riêng thành một nhịp kết hợp với lời văn nửa trực tiếp đã tái hiện chính xác thái độ lạnh lùng của nhân vật. Nghĩa là cô không chỉ khước từ quyền sống của chính mình mà còn không quan tâm đến cả sự sống của đồng loại. Vì sao Mị lại vô cảm đến như vậy? Phải chăng  cảnh người bị trói đến chết quá quen thuộc ở nhà thống lí. Hơn nữa nỗi đau của Mị quá lớn nên cô không quan tâm đến nỗi đau của ai khác. Và còn cuộc sống bao năm làm con rùa lùi lũi trong xó cửa đã tạo cho Mị một sức ì, một quán tính cam chịu, nhẫn nhục,  chai sần, vô cảm,  mất khả năng cảm thông, chia sẻ với cảnh ngộ khốn cùng của người khác ở Mị gần như bị tê liệt. Mị chẳng khác gì “tảng đá”.  Thế nhưng người con gái đó đã thay đổi thái độ, cô không còn  vô cảm  mà đã sống dậy những cảm xúc mãnh liệt, đã bừng dậy khát vọng tự do Điều gì đã tạo ra sự thay đổi đó? Đó chính là dòng nước mắt của A Phủ Một hôm Mị dậy sớm thổi lửa, lé mắt trông sang Mị thấy “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen của A Phủ” . Dòng nước mắt của chàng trai Mèo quả cảm đó đã tác động mạnh đến tâm lý của Mị, đưa cô từ cõi quên trở về với cõi nhớ. Mị nhớ lại đêm năm trước mình cũng bị A Sử trói đứng như vậy, nước mắt chảy xuống mà không thể lau đi được.  Như vậy, từ nỗi đau của người làm cho Mị liên tưởng đến nỗi đau của mình .Từ lòng thương mình dẫn đến việc cô đã thương người và căm giậm sự tàn ác của giai cấp thống trị. Tô Hoài đã khéo léo dùng cách trần thuật nửa trực tiếp để cho người đọc thấy rõ cảm xúc của Mị “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt trói mình đến chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này” . Cùng với lòng thương người, Mị đã nhận ra bản chất tàn ác, vô nhân đạo của cha con nhà thống lý: chúng nó thật độc ác. Từ chỗ Mị cúi đầu chấp nhận tất cả những đau đớn đọa đày ở nhà thống lý đến chỗ  cô cảm nhận được điều này là một bước tiến trong nhận thức và tình cảm của nhân vật. Mị. Cô đã thể hiện thái độ phản kháng, không còn chấp nhận sự áp chế của thần quyền và cường quyền nữa. Bên cạnh đó cô xót thương cho cuộc đời của A Phủ “ Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia phải chết, chết đau,   chết đói, chết rết, phải chết. Câu văn viết bằng  nghệ thuật tăng tiến, liệt kê càng khắc sâu thêm tâm trạng xót thương và phẫn uất của Mị.. Mị nhận thấy sự khác biệt giữa mình và A Phủ “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ”...Vốn là  người con gái ít học lại sống ở rẻo cao tổ quốc nên cô mang nặng  tư tưởng mê tín.  Vì tin là mình đã bị ma nhà thống lý Pá Tra nhận mặt nên cô ý thức được sự ràng buộc của đời mình. Còn với A Phủ, Mị nhận rõ sự bất công “ Người kia việc gì mà phải chết ?  Và trong đầu của Mị hiện lên ý định muốn cởi trói cho A Phủ. Cô chấp nhận cái chết về phía mình để tìm cách cho A Phủ được sống. Đến đây có thể thấy lòng thương người đã lớn tới mức Mị quên đi sự sống của bản thân đế đối lấy sự sống cho người khác.Tâm lý này đã ánh lên vẻ đẹp cao thượng vị tha trong tâm hồn Mị. Suy nghĩ chủ quan được  sự tác động bởi điều kiện khách quan cũng rất thuận lơi: “Đám than đã vạc hẳn lửa”, “Lúc ấy trong nhà đã tối bưng”. Tất cả những điều đó đã thúc đẩy hành động của Mị tiến về phía A Phủ, cởi trói cho A Phủ. Trong Mị có 1 sự đối lập giữa sự sợ hãi và tình thương .Lúc đầu Mị cũng nghĩ đến cái cảnh phải bị trói đứng thay chỗ Aphủ . Tuy nhiên tình thương yêu con người đã mạnh hơn nỗi sợ hãi, thúc đẩy Mị cởi trói cho A Phủ.  Cô dùng một con dao nhỏ cắt nút dây mây cứu A Phủ cũng là cắt đứt sợi dây vô hình đã trói buộc cô với cha con nhà thống lý. Hành động cứu A Phủ là đỉnh điểm sự vùng dậy của Mị. Cắt dây trói cho Aphủ tức là Mị chấp nhận chết thay cho anh . Tuy nhiên, khi cắt dây trói cho A Phủ rồi, Mị hốt hoảng, chỉ thì thào một tiếng “ Đi ngay”.Tâm trạng đó rất phù hợp với tâm lý của con người khi đứng trước cái chết.  Khi A Phủ đi rồi “Mị đứng lặng trong bóng tối”.   Câu văn ngắn, tách riêng ra đã diễn tả xúc động sự giằng co trong Mị: ở lại hay trốn đi, sự sống hay cái chết, tự do hay nô lệ ? Ý nghĩ và  và hành động của Mị táo bạo và đột ngột mang tính tự phát nhưng phản ánh đúng quy luật tự nhiên của sự sống . Bởi lẽ trong tình thế ấy , Mị sẽ phải bị trói cho đến chết thay Aphủ thì không có lí do nào mà Mị phải ở lại chờ chết khi còn có thể tìm thấy sự sống .Chính vì vậy cô vụt chạy theo APhủ “Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt. “ Aphủ, cho tôi đi … Ở đây thì chết mất”.  Hàng loạt những động từ mạnh như chạy, băng, đuổi, lăn…đã diễn tả khát vọng tự do cháy bỏng của Mị. Bước chân của Mị  băng đi trong bóng tối, băng đi trong cái giá lạnh của đất trời, băng đi qua những con đường rừng núi lởm chởm. Bước chân ấy đã đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn phong kiến, chúa núi để tìm đến cuộc sống tự do và hạnh phúc . Như vậy Mị cởi trói cho A Phủ chính là cởi trói cho cuộc đời của mình.  Nhà văn đã miêu tả thành công tâm trạng phức tạp của Mị: từ lạnh lùng đến xúc động, thương cảm, đồng cảm, cởi trói. Hành động này vừa là tự phát vừa là tự giác.   Đó là kết quả tất yếu của một c/sống vốn tiềm tàng sức sống mãnh liệt . Đó là cách duy nhất để đồng bào dân tộc miền núi thoát khỏi ách thống trị của phong kiến, điều đó cũng thể hiện nỗi khát khao được sống tự do của họ. Rõ ràng trong đêm mùa đông này, sức sống tiềm tàng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính nó đã giúp Mị vượt lên trên số phận đen tối của mình. Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa Mị tự cứu lấy bản thân mình.
              Đoạn văn cho thấy khả năng miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc, ngôn từ giàu ý nghĩa, giọng văn đầy chất thơ, cách miêu tả rất cụ thể, thủ pháp tăng tiến, nhịp văn thúc bách, nhanh, gấp; lời văn nửa trực tiếp…Nhà văn  khắc hoạ biến  diễn  tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm mùa đông khi cởi trói cho Aphu.  Đồng thời, Tô Hoài cũng đã đồng cảm, xót thương sâu sắc trước những nỗi đau tê buốt, xé lòng; đặc biệt là ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp, sức sống diệu kì của những kiếp nông nô lầm than, tủi nhục - trong mọi cảnh ngộ, họ luôn luôn tìm cách vươn lên bằng khát vọng tự do, hạnh phúc, bằng sức mạnh yêu thương .Qua diễn biến tâm lí của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài muốn khẳng định: bạo lực không thể đè bẹp, hủy diệt khát vọng sống, khát vọng tự do, hạnh phúc. Chỉ có điều là để có được sự sống, tự do, hạnh phúc, con người đã phải trải qua nhiều tủi nhục, đắng cay, Xét đến cùng đó chính là tấm lòng nhân đạo của người nghệ sĩ dành cho đất và người Tây Bắc.

    Bằng lối văn kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn, bằng ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, mang phong vị của núi rừng Tây bắc, đặc biệt là bằng nghệ thuật  miêu tả tâm lý sắc sảo, nhà văn Tô Hoài không chỉ khắc hoạ cuộc sống khốn cùng của người dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất mà tác phẩm còn là bài ca về khát vọng sống, khát vọng tự do của con người nơi đây. Chính điều đó đã tạo cho tác phẩm  không chỉ có trị hiện thực mà còn có giá trị nhân đạo. Dù tác phẩm đã đi vào dĩ vãng hơn nửa thế kỉ nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, sống mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Với tác tác phẩm này ông giúp cho người đọc hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân Tây Bắc trước cách mạng tháng 8/ 1945. Tô Hoài xứng đáng là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại VN.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ctnx#vcap