Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là nhà văn được mệnh danh là vị khai quốc công thần của triều đại văn học mới, “Người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc). Ông quan niệm rằng “thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Nếu trước năm 1975, nhà văn đi tìm hạt ngọc ấy trong chất sử thi anh hùng với những tác phẩm tên tuổi như: Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính, Cửa sông…thì sau năm 1975, nhà văn khám phá vẻ đẹp của hạt ngọc ấy trong những con người đời thường lam lũ nhọc nhằn. Người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy.

Bạn đọc chắc không quên Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, là một thiên sử diễm tình trong chiến tranh ác liệt nơi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đó là vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt với tình yêu thủy chung, trong sáng như một sợi chỉ đỏ óng ánh và một đức hi sinh cao thượng hết lòng vì đồng đội, hết mình vì lý tưởng. Đó là vẻ đẹp chinh phục biết bao trái tim bạn đọc nhưng đó lại là một vẻ đẹp được lý tưởng hóa, tôn lên chỉ để ngắm nhìn và ngưỡng mộ, là viên ngọc lấp lánh trong thời chiến. Nhưng Chiếc thuyền ngoài xa cùng với sự đổi mới về cách nhìn, cách viết đã đưa người đọc về với những gì trần trụi đời thường nhất, diễn ra trong đời sống thường nhật của con người sau chiến tranh. Đó là câu chuyện về người đàn bà hàng chài nghèo khổ, sống trong cảnh đông con, thuyền chật. Vì nghèo khổ nên chồng chị lấy việc đánh đập hành hạ chị để giải tỏa những buồn bực trong cuộc sống nhưng chị vẫn dứt khoát không chịu bỏ chồng chỉ vì chị muốn bảo vệ hạnh phúc ấy cùng một sắp con nhỏ trên dưới mười đứa. Sự thật cuộc đời trần trụi như thế nếu chỉ nhìn từ xa thì không bao giờ ta thấy được.

Trước hết người đọc phải cảm ơn Phùng vì từ cái đơn đặt hàng của trưởng phòng về một bức tranh cảnh biển mù sương để bổ sung cho tờ lịch tháng bảy năm sau. Phùng đã trở về với chiến trường xưa của mình – một vùng biển miền Trung cách Hà Nội 600 km. Cũng tại đây, việc tìm một bức tranh cảnh biển mù sương rất khó, bởi bây giờ là tháng bảy. Mặt khác, để tìm được một bức ảnh đẹp quả là khó bởi nơi đây vẫn còn in đậm những tàn tích của chiếc tranh, đó chính là hình ảnh bãi xe tăng hỏng, những chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ để lại làm cho vùng biển trở nên nhếch nhác. Nhưng bằng tâm hồn người nghệ sĩ và lòng yêu nghề, Phùng đã thu vào ống kính của mình một bức tranh đẹp. Đó là bức tranh cảnh biển mù sương với chiếc thuyền lưới vó “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lờ nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ”. Đây là một bức tranh đúng như yêu cầu của trưởng phòng, rất tĩnh vật. Một bức tranh nghệ thuật mang vẻ đẹp hư ảo, huyền hoặc. Bức tranh đẹp đã làm cho trái tim người nghệ sĩ rung động “Trái tim tôi như có gì bóp thắt vào”, tâm hồn người nghệ sĩ phút chốc thăng hoa, vẻ đẹp khiến người nghệ sĩ nhìn thấy cả sự toàn bích, giúp người nghệ sĩ thanh lọc tâm hồn. Bức tranh khiến Phùng ngây ngất và có thể sẽ kéo dài mãi cảm giác sung sướng đó nếu như chiếc thuyền ấy mãi ở  ngoài xa. Nhưng sự nghiệt ngã lại bắt đầu khi “Chiếc thuyền đâm sầm vào chỗ tôi đứng”. Cảm xúc Phùng bị dập tắt, bức tranh Phùng vừa thấy cũng bị đập vỡ bởi sự thật cuộc đời trần trụi, đó chính là sự thật về một gia đình làng chài với người đàn bà cam chịu, một lão chồng cay nghiệt cùng đàn con trên chiếc thuyền lênh đênh giữa đại dương sóng gió.

Và cũng từ đây người đàn bà đã đến với người đọc bằng xương bằng thịt, bằng nghiệt ngã cay đắng và bằng nhân hậu bao dung. Chị ấn tượng với người đọc bởi ngoại hình khó coi “Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Ở chị còn phơi lộ sự nghèo đói, nhếch nhác “Tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng”. Mới nhìn thoáng qua, người đọc nhận thấy điều gì đó bất ổn ở chị, dường như đó là vẻ cam chịu ở con người quen với nhọc nhằn lam lũ cho nên chị chẳng còn quan tâm gì đến bản thân nữa, ngay cả ý định “Đưa cánh tay lên có lẽ định gãi hay xõa lại mái tóc” cũng xao xác tan mau “chị lại buông thõng xuống”.

Điều khiến Phùng và người đọc hết sức ngạc nhiên là ở thái độ của chị. Đó là một thái độ cam chịu đầy nhẫn nhục. Chồng chị - một gã đàn ông vũ phu “đầu tổ quạ”, “đôi mắt độc dữ dấu dưới đôi lông mày cháy nắng”. Lão đã hành hạ chị như trút hết tất cả hận thù, cay đắng, nghiệt ngã lên lưng chị bằng một trận mưa dây thắt lưng của lính Ngụy ngày xưa. Nhưng người đàn bà lại gồng mình gánh chịu mà không hề trốn chạy, kêu la, không tìm cách chống trả, làm cho trái tim Phùng và người đọc thắt lại vì căm phẫn và xót thương.

Đi suốt chiều dài thiên truyện, người đọc không hề biết đến tên của chị, khi thì nhà văn gọi bằng “chị ta”, lúc thì gọi bằng “Mụ”, “người đàn bà hàng chài”. Vì sao Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho người đàn bà này ?  Bởi chị cũng như bao người đàn bà ở vùng biển nghèo khổ này, chị là người vô danh. “Đây chính là một lối viết rất quen thuộc của Nguyễn Minh Châu sau 1975, nhà văn không hề tô vẽ cho nhân vật của mình. Người phụ nữ hiện lên không phải tấm gương lung linh thể hiện phẩm chất lý tưởng của con người. Nhân vật xuất hiện với sự nhẫn nhục câm lặng trước trận đòn tàn bạo của chồng, gợi cảm giác bức bối. Nhưng kiên trì theo dõi cuộc đời nhân vật, người đọc khám phá ra những vẻ đẹp rất người, lặng lẽ nhưng đáng trân trọng ở bà” (Đinh Hà Triều).

 Ở tòa án huyện, lúc đầu thì chị xuất hiện bằng hình ảnh rụt rè. Chị tìm đến góc công đường để ngồi. Chị ngồi trong thế ngồi bị động, như một con thú xù lông để tự vệ mặc dù đã được Phùng và Đẩu cảm thông, chia sẻ. Lúc đầu chị xưng hô “Con - quý tòa”, sau khi lấy lại được sự thăng bằng thì chị đột ngột chuyển đổi cách xưng hô: “Chị - các chú”. Nguyễn Minh Châu đã nhấn mạnh sự thay đổi ngôn ngữ và thân thế người đàn bà với ý nghĩa : Giờ đây chính chị là quan tòa đang phán xét Phùng và Đẩu, dạy cho Phùng và Đẩu một bài học về cách nhìn đời, nhìn cuộc sống. Thật thế chăng ?

Sở dĩ người đàn bà chấp nhận chuyện bị chồng đánh đập như việc những người đàn bà trên thuyền vẫn chấp nhận chuyện người đàn ông uống rượu là bởi vì chị là  một người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, vị tha, chấp nhận tất cả thua thiệt về mình. Khi người đàn bà nói  “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”, đây là câu nói khiến Phùng và Đẩu ngạc nhiên và vỡ lẽ đằng sau câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Lão chồng vũ phu ấy đối với chị có hai cái “Ân” : ân huệ và ân nhân. Chị tự nhận thức: vì mình xấu, bị cái xấu đeo đuổi như định mệnh từ lúc còn nhỏ, trận đậu mùa để lại di chứng trên mặt chị là những nốt rỗ chằng chịt, theo năm tháng càng lớn lại càng xấu, càng già đi lại càng khó coi. Và vì xấu nên việc có mang với anh hàng chài là một ân huệ. Còn việc hắn đưa chị lên thuyền để chung sống đã đem hắn trở thành ân nhân. Vì là ân nhân cho nên chị không thể bỏ.

Chị cũng nhận phần thua thiệt về mình “Cũng tại đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá”. Và vì thuyền chật con đông nên cuộc sống khốn khó, có lúc phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Trong suốt câu chuyện dài dằng dặc của đời mình, tuy khó khăn nhưng người đàn bà không tỏ ra oán giận chồng, ngược lại còn bênh vực chồng bởi chị cho rằng lão chồng chị không xấu, “trước kia là một anh con trai hiền lành nhưng cục tính”, từ ngày lấy chị thì cuộc sống khốn khó, vất vả cho nên lão chồng đã xem việc đánh vợ là một phương thức giải tỏa những bức bí của cuộc đời. Như vậy, chị là người rất hiểu chồng, thương chồng, chồng chị là nạn nhân của sự đói nghèo thất học, hắn vừa đáng thương lại vừa đáng tội, đáng tội vì hắn gây ra biết bao đau thương cho người thân, đáng thương vì hắn là nạn nhân.

Ẩn đằng sau lớp vỏ tưởng chừng vô cảm, thất học kia, chị rất thấu hiểu lẽ đời, chị hiểu thế nào là “nổi vất vả cơ cực trên một chiếc thuyền không có người đàn ông”, chị và sắp nhỏ sẽ sống như thế nào khi không có “người đàn ông chèo chống lúc phong ba bão tố”. Giả sử Phùng và Đẩu bắt được người đàn bà bỏ chồng thì hóa ra lòng tốt của các anh lại biến các anh thành tội đồ bởi các anh đã đẩy người đàn bà và những đứa con chị đến chỗ thê thảm của cuộc sống. Ở gần cuối câu chuyện, khi Phùng đi lang thang dọc biển rồi quay trở lại vùng đầm phá trong cơn giông gió nổi lên, Phùng đã nhìn thấy giữa mặt phá mênh mông, giữa lúc tất cả con thuyền khác vào nơi trú ẩn an toàn thì vẫn còn chiếc thuyền lưới vó dập dềnh chao đảo trong bão gió và sóng dữ. Thử hỏi nếu không có người đàn ông trên chiếc thuyền ấy thì số phận chiếc thuyền sẽ ra sao?

Vượt lên trên sự cay đắng và cơ cực ấy, tình mẫu tử của chị tỏa sáng, đó chính là đức hi sinh cao thượng của một con người mang thiên chức làm mẹ. Chị gồng mình gánh chịu đòn roi của chồng là bởi vì những đứa con “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.Chị hiểu rằng bất kỳ một cuộc hôn nhân tan vỡ nào thì người buồn đau nhất chính là những đứa con, đứa có bố thì mất mẹ, có mẹ thì mất bố, chia đàn xẻ nghé. Chị quan niệm rằng một gia đình hạnh phúc là gia đình đầy đủ các thành viên dù đâu đó trong gia đình còn nhiều khiếm khuyết. Vì thương con mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại nó. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho những tâm hồn thơ bé nên chị đã bảo lão chồng “có đánh thì đưa chị lên bờ mà đánh”. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Chính tình mẫu tử thiêng liêng  cao thượng đã chấp cánh cho chị, đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực, đói kém, nhọc nhằn và lam lũ. Chị chắt chiu dành dụm từ những niềm vui nhỏ nhất “Vui nhất là thấy đàn con chúng tôi được ăn no” để khỏa lấp những nỗi đau, để xoa dịu nỗi đời cay cực.

“Chị cũng là người đàn bà giàu lòng tự trọng. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của tên chồng bị thằng Phác và người lạ chứng kiến, chị mới thấy “Đau đớn – vừa đau đớn vừa xấu hổ, nhục nhã”. Chắc chắn đây không chỉ là sự đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà trào ra, chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác (đứa con yêu của chị) và nhất là một người lạ. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm nhưng người đàn bà ấy không hề bận tâm – một sự nhẫn nhục của con người có nhân cách, có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời, có một tình thương con vô bờ bến” (Nguyễn Duy Kha).

Như vậy, qua hình tượng người đàn bà hàng chài cùng tình huống truyện mang tính nhận thức và khám phá, nhà văn muốn gửi người đọc một thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phổ quát để phát hiện ra vẻ đẹp ẩn sau vẻ ngoài hiện tượng. Phùng chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa dập dềnh trong sương sớm nhưng nó chỉ thực sự đẹp khi nó ở ngoài xa – một khoảng cách đủ để tạo một vẻ đẹp huyền ảo nhưng sự thật cuộc đời rất gần. Bức tranh đẹp làm hài lòng trưởng phòng và các gia đình sành nghệ thuật nhưng chủ nhân của nó là Phùng lại không hài lòng bởi nó chưa vươn tới được bản chất của cuộc đời, chưa cất lên được tiếng nói của những con người lam lũ nhọc nhằn, nó chỉ thỏa mãn nhu cầu thị hiếu và là sản phẩm của cái nhìn dễ dãi trong cuộc sống. Từ đó nhà văn đặt ra trách nhiệm người nghệ sĩ: người nghệ sĩ trước khi biết rung động trước cái đẹp hãy là con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ thường, biết hành động để có được cuộc sống tốt đẹp, bởi nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời, nghệ thuật phải vì cuộc đời, đó chính là nghệ thuật “Vị nhân sinh”.

Một điều nữa nhà văn muốn gửi gắm đó chính là vấn đề tiếp cận cuộc sống: cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Con người luôn có những quan hệ chằng chịt phức tạp. Bởi vậy nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng cuộc sống và con người không được dễ dãi, đơn giản, phiến diện, công thức. Chính vì có cái nhìn phiến diện mà Phùng và Đẩu mới bắt người đàn bà kia bỏ chồng. Khi và chỉ khi thấu hiểu tấm lòng người đàn bà hàng chài thì Phùng và Đẩu mới vỡ lẽ ra. Chính người đàn bà hàng chài đã dạy cho các anh bài học về cách nhìn nhận cuộc sống: Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc, phiến diện.  Vậy cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.

Làm nên thành công của hình tượng người đàn bà nói riêng và tác phẩm nói chung, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo ra một tình huống truyện mang tính khám phá, nhận thức, phát hiện đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện khách quan, giàu sức thuyết phục mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị và thương cảm lẫn cảm phục.

Người đàn bà hàng chài là hiện thân của vẻ đẹp về đức hi sinh, lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Qua hình tượng này tác giả chia sẻ cảm thông của mình với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Đồng thời đặt ra trách nhiệm cho đông đảo tầng lớp văn nghệ sĩ phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều bởi nói như nhà văn “Con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự”.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kile