1.

  Từ khi Lò A Thuận biết theo đám trẻ loi choi trong bản cầm lao và chạy nhồng lên núi để săn thỏ và bẫy nhím, nó đã hiểu lờ mờ về sự khác biệt giữa mình và chúng bạn, rằng nó không có cả cha lẫn mẹ. Mẹ A Thuận là người phụ nữ đẹp nhất bản Rắp, nó vẫn hay nghe các già và các "pả"*, các "ào"* trong bản tỉ tê kể về bà sau mỗi lần cúng xong lễ Cơm mới, hay những đêm lạnh căm trên nhà sàn lửa cháy bừng bừng, rằng bà Hí, mẹ Thuận khi xưa là bông hoa mận tinh khôi, trắng rỡ và sáng bừng nhất mùa xuân Tây Bắc. (*pả, ào : chú, bác trong tiếng dân tộc Thái). Tóc mượt mà như suối chảy, da trắng nõn nà, má đỏ như sắc hoa ban, mũi thanh thanh, môi chúm chím, gương mặt sáng tựa trăng rằm. Hí thạo việc nương rẫy, làm hết từ cấy lúa đến bẻ ngô, đốt nương đến hái thuốc, lại giỏi nghề chuốt sợi bông dệt thổ cẩm, thứ vải Hí làm ra nức tiếng cả một vùng, người ta kháo nhau rằng, đến cả Vua Mèo và quan Tây dưới xuôi mỗi lần lên bản thu thuế đều đem về độ mấy mươi súc vải đen nhánh, chất đầy cả các xe ngựa. Thời còn son rỗi, người làng đếm chẳng xuể những trai làng đem đường phên và mật mía đến nhà dạm hỏi Hí, nhưng ông bà nhà chẳng ưng lấy một người. Ấy thế rồi, Hí có mang. Họ bảo rằng Hí chửa hoang, khiến cha mẹ xấu hổ mà đuổi Hí lên ở một căn chòi tồi tàn tít trên nương ngô. Ngày Hí sinh ra A Thuận, trời đổ mưa sầm sập, cuốn trôi cả mấy bồ thóc phơi trong sân chòi, khiến A Thuận còn đỏ hỏn bị bỏ mặc trong chòi, còn Hí mới đẻ xong còn yếu đã phải gượng dậy mà đi thu thóc, chẳng may trượt chân ngã chết. Thế là A Thuận hóa ra mồ côi. May làm sao, có người em dâu bên họ ngoại nhà Hí, tên là Mây, con một nhà giàu nhất nhì trong bản, mới trạc mười hai tuổi, thương tình đã lén đem A Thuận bị bọc kín trong tã lót đặt vào chiếc gùi đựng lá thuốc, mang về nhà giấu vào phòng củi. Từ ấy, Mây lén chồng và mẹ chồng nuôi Thuận, bé thì cho uống nước vo gạo, lớn thêm một chút thì mớm cơm nát, bột ngô hòa nước suối cho ăn. Cứ thế, cậu bé A Thuận dưới bàn tay chăm sóc của Mây đã lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc, thân mình cậu bé đã to như thú dữ, sức đã khỏe như sức vâm, hai mắt sáng quắc tựa chim bằng, lông mày rậm, tóc dày và tua tủa như rễ tre. Để trả ơn Mây, đến năm mười lăm tuổi, vào lễ Lồng tông*, Thuận đã xuống nương thay con trâu kéo hết một thửa ruộng rộng đến nửa mẫu ta, rồi lên rừng bắt về một con hổ dữ để khao làng, nhận anh chị. Từ ấy, Thuận được coi như con cháu trong nhà Mây, ngày ngày cùng anh lên rừng đốn cây làm nhà, săn bắt chim thú, lâu lâu lại được theo mấy "pả" mấy "ào" đem vải vóc và rượu cần xuống chợ phiên bán, đem về các thứ của lạ và vài thứ trang sức bằng bạc. Có lần, Thuận đã đổi một tấm da gấu để lấy một sợi xà tích dài ngoẵng, vốn là đồ của một cô tiểu thơ nào đó ở dưới xuôi lên vùng này thưởng ngoạn rồi bị thổ phỉ cướp mất, đem ra chợ bán. Người làng nhìn Thuận cũng mấy bận xì xào, nhưng anh chị cứ gạt đi, bảo nó rằng tội quái gì phải để ý, bởi nó có anh chị, có cháu, có các già trong bản thương yêu, Thuận điển trai, khỏe mạnh, sống lại rất có nghĩa, nên lâu dần cũng chẳng ai buồn nhớ đến việc Thuận là đứa con mà Hí đẻ rơi, dẫu chẳng mấy ai quên được bông hoa mận tinh khôi của núi rừng.

  Mùa xuân đã về trên núi rừng, nhưng trời vẫn rét đến cắt da cắt thịt, hoa ban nở trắng xóa khắp núi rừng, sương móc treo đong đưa trên cành cây như những hạt ngọc, trên ruộng bậc thang, lúa non đã trổ đòng. Năm ấy Thuận tròn hai mươi tuổi, trong bản có cô con gái nhà Thống lý tên là Lả, hội mùa năm ấy đã ném cho Thuận một quả còn mười hai múi rõ đẹp, làm ai cũng trầm trồ rằng nó tốt phước, lại được gái nhà giàu để mắt đến. Ấy thế mà Thuận đã vội đỏ lựng cả mặt như say rượu, đem quả còn trả lại cho Lả, đoạn ba chân bốn cẳng chạy tuốt lên rừng, mãi đến đêm, khi trăng đã treo ngang đỉnh núi mới thấy bóng Thuận lần mò trèo lên nhà sàn, trên lưng đang còn vác một người trai mặc áo xanh quần dài, cổ đeo vòng bạc, mắt nhắm nghiền. Thuận tìm thấy người ấy khi đang thơ thẩn đi tìm một ống tre để làm đàn môi trong rừng, nó thấy y nằm gục bên bờ suối, áo ngoài ướt sũng những máu tươi, bàn tay ngâm dưới dòng nước chảy xiết, mặt tái nhợt. Thấy thế, nó vội vã giắt con dao nhỏ vào thắt lưng, tiến lại nâng người ấy dậy, đặt tay ngang mũi y xem có còn sống không. Hơi thở y run run yếu ớt, tựa có tựa không như muốn ngừng lại bất cứ khi nào. Thuận rút trong túi ra một nắm lá thuốc, nhai nát, rịt vào vết thương hở bên mạn sườn người nọ, đoạn dùng khăn lau sạch sẽ vết máu, rồi khẽ khàng cõng y lên lưng, chạy băng rừng về bản ngay trong đêm. Thấy bóng em lấp ló sau bức vách, Mây lập tức ngồi dậy, nhấc thanh chắn cửa nhà sàn lên, thò đầu ra hỏi :

    - Sao bây giờ mới quay về, ban nãy anh Quỳ suýt nữa đã sai người đốt đuốc đi tìm em rồi đấy... - vừa nói, Mây vừa chừa chỗ cho nó bước vào, mắt nhìn chằm chằm vào người đang nằm trên lưng em mình, chị thắc mắc :

    - Ai thế này, trông chẳng giống người bản ta ?

    - Em tìm thấy nó bên bờ suối Dềnh, máu chảy ướt cả áo, xem chừng bị thương nặng lắm, mặt đã trắng bệch cả. - Thuận đáp, - Mây đi gọi anh Quỳ đi, hỏi xem ông lang Rấm có còn ở bản không, sang xem cho nó, kẻo để lâu nó chết thì già lại quở cho xem.

  Mây do dự chốc lát, rồi cũng chạy vào trong, thắp đèn, đoạn lay chồng dậy. Quỳ lầu bầu mấy tiếng, nhưng cũng nghe vợ mà đứng lên khoác thêm áo, cầm đèn chạy ra ngoài. Mây đốt lửa, giúp Thuận đem người đặt xuống một tấm thảm sạch trong gian phòng của nó, kê cao cổ và tay chân để cầm máu. Mây dặn em đôi ba câu, rồi nhanh chóng bỏ xuống nhà dưới, để Thuận và người kia lại với nhau. Ánh lửa soi lên gương mặt người trai, mái tóc dài bết vào vầng trán bóng nhẫy mồ hôi và thái dương, cả người run lên lẩy bẩy, đôi lông mày đậm nhíu chặt vẻ đau đớn, môi mấp máy chút hơi tàn. Lát sau, Mây lật đật bước lên, khệ nệ bưng theo một chậu sành đựng nước nóng, đoạn, chị cúi xuống giúp Thuận lau lại vệt lá thuốc cho sạch sẽ, rồi dùng khăn đắp tạm lên. Đúng lúc ấy, Quỳ vội vàng xô cửa bước vào, tay kéo ông lang Rấm với mái đầu rối xù, chỉ kịp khoác cái áo ngoài và đeo hòm thuốc vẫn đang sắp dở. Thuận vội vàng tránh sang bên, cúi đầu chào người thầy thuốc già, đoạn đặt tay lên vầng trán đầm đìa mồ hôi của người nọ, nói :

    - May mà cụ vẫn còn ở bản, lỡ cụ xuống bản người Thái trắng trong đêm nay mà không về kịp thì không khéo nó chết mất.

    - Mồm chỉ nói cái gở, cái Mây với thằng Quỳ tránh ra ngoài đi, đông người yếm khí, tao cũng khó mà chữa cho nó được. - cụ Rấm vuốt mặt, phẩy phẩy tay xua hai vợ chồng ra ngoài tấm vải ngăn giữa nhà phụ và phòng của Thuận, đoạn vén áo người trai lên, săm soi đôi chút, lầm rầm :

    - Mày tìm được nó ở đâu thế, cái vết này là do bị lưỡi lê của lũ quan Tây dưới xuôi xọc cho vài nhát đây mà... Bị thương nặng lắm, đã thế còn ngâm nước lạnh, sốt rõ cao, đợi thêm vài tiếng nữa chảy hết máu cho nó đi gặp Phạ then là vừa. Thằng này ắt cũng là người dưới xuôi, trông lạ lắm. - vừa nói, cụ vừa đổ thuốc ra băng vải, lại lấy rượu đổ lên miệng vết thương để sát trùng. A Thuận thấy người kia run lên nhè nhẹ, nó liền vô thức đan lấy bàn tay đang lạnh ngắt của y, siết chặt.

(*Phạ then : ông trời trong tiếng dân tộc Thái )

    - Nếu nhanh thì sáng mai nó tỉnh, mày nhờ cái Mây sắc cho một siêu thuốc cảm như thường, uống nửa thang mỗi buổi, nếu nó ăn được thì uống thêm, nhớ hằng ngày phải để nó tắm rửa sạch sẽ, thay thuốc bốn lần, không được tắm bằng nước mưa, mà phải tắm bằng nước ở thượng nguồn suối Dềnh đun nóng, đêm phải ấp kín bằng chăn, giữ cho người nó càng ấm càng tốt, đốt lửa không được để nó nằm sát bên cạnh, bốn ngày đầu chỉ được húp cháo trắng. Mày cứ giữ nó lại chăm cho cẩn thận, để tao về báo già làng cho, cứ yên chí.

    - Nhà cháu đội ơn cụ, mấy hôm nữa phiền cụ đến xem lại, nhà cháu xin hậu tạ. - A Thuận gật gù, tay xoa xoa vai người thanh niên đang nằm trong chăn, vẫy tay chào cụ Rấm. Quỳ ngáp ngắn ngáp dài ngoài cửa, nhưng vẫn đích thân tiễn cụ Rấm ra tận cổng, trong khi Mây đang dọn dẹp mấy thứ đồ băng bó và thuốc cao ông lang già để lại. Thuận nghiêng nghiêng đầu, nói với Mây :

    - Chị này, ngày mai em sẽ lên núi gánh nước, chị gói cho em một nắm cơm với muối vừng, khi nào nó tỉnh, chị nhớ cho nó uống thuốc nhé.

  Mây tròn mắt lạ lùng, nhưng cũng không hỏi gì thêm. Chị thổi lửa cho to thêm, đoạn vén mành bước vào nhà trong đi nghỉ, Thuận cũng khẽ khàng ngả lưng, chui vào cùng một chiếc chăn với người thanh niên nọ, không quên tiện tay vuốt vuốt gò má y, xem chừng muốn xoa dịu cơn sốt. Bàn tay mát lạnh áp lên mặt, khiến y vô thức dụi vào đó, rồi thôi run rẩy. Củi lửa nổ lách tách, mây đêm la đà trên những đỉnh núi xanh đen mờ mịt, sương đọng dày trên những cành hoa ban trắng lóng lánh như ngọc, một đêm yên lặng trôi qua.

  Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng, Thuận đã khoác thêm một tấm áo dày có hoa văn trên cổ hình vuông ngũ sắc, quảy đôi thùng ra khỏi bản lên thượng nguồn. Suối Dềnh là một con suối không quá lớn, nhưng chảy khá xiết cách bản Rấp đến hơn ba trăm thước đường mòn, muốn lên thượng nguồn gánh nước thì phải đi thêm hai ngọn đồi, tuy không cao lắm nhưng gánh hai thùng nước về, xem chừng cũng khá mất sức. A Thuận nghĩ thế, nhưng nhớ đến người thanh niên đang nằm ở nhà, nó lại lúc lắc đẩu, tự nhủ : " Thôi thì cố một tẹo, cụ lang đã dặn, người ấy phải tắm bằng nước trên thượng nguồn, ắt là do người dưới xuôi không quen khí núi, tắm nước mưa dễ mắc bệnh.'' Thế là, nó lại mắm môi, chống gậy mà leo tiếp. Khi Thuận đến nơi thì mặt trời đã gần đứng bóng, nó vứt cây gậy chống, đặt hai cái thùng không lên mặt cỏ, lấy tay quệt mồ hôi rồi cởi bỏ áo ngoài. Nắng lấp lóa trên tán lá rừng lúp xúp, vạt mây trắng trải lờ mờ bên triền đồi xanh, Thuận loáng thoáng nghe hương lúa non thơm mát. Thượng nguồn suối Dềnh núp sau một vách đá dựng thẳng, thứ đá xám xịt bám lởm chởm trên sườn núi, tia nước trong vắt phun ra từ một khe nứt nho nhỏ, mặt trời rọi vào hóa ra một tia sáng bảy màu lóng lánh. A Thuận thở một hơi dài, hứng nước đầy hai thùng lớn, buộc tấm áo dày vào ngang lưng rồi bẻ lấy hai cành cây non, ném vào miệng thùng, đoạn quảy thùng ra về. Đường đồi gập ghềnh, Thuận về đến nơi thì mặt trời đã xuống dần sau núi. Hôm nay Quỳ và Mây không ở nhà, đã đi xuống bản người Thái trắng dưới chân núi để lấy đồ đạc cùng ngựa thồ. Đang đổ nước vào cái ang lớn để để dành cho ngày hôm sau, chợt Thuận nghe tiếng Lả cất lên lảnh lót :

    - Anh Thuận ơi !

  Thuận giật thót mình, đặt thùng nước xuống, ngượng ngùng :

    - Chào Lả, tôi, tôi xin lỗi Lả vì hôm qua đã trả lại quả còn, nhưng mà tôi...

    - Không sao, hôm nay Lả lén cha đem cho anh Thuận cái vòng vía mà anh Luông mới mang từ dưới xuôi về, nghe nói là phải đổi đến mười con hoẵng và hai thúng gạo người ta mới chịu bán, nghe đâu là vòng của người Mông, quý lắm đấy. - Lả hí hửng đáp, đoạn dúi nó vào tay Thuận, rồi đỏ mặt xoay người chạy đi mất. Nó chưng hửng, bóng Lả cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất hẳn sau gốc hoa ban lớn đầu làng, bàn tay Thuận ướt đẫm nắm hờ cái vòng, bối rối chẳng biết phải làm sao. Đúng lúc ấy, nó chợt nghe tiếng người cười khúc khích trên đầu, người thanh niên đêm qua đã tỉnh, y đang dựa cả người lên cửa sổ, bàn tay hôm qua vẫn còn tím tái giờ đang cầm một đóa hoa lê nho nhỏ, mái đầu đen nhánh tựa lên khung gỗ, phủ lòa xòa trên gương mặt đã hồng hào lại đôi phần.

    - Tỉnh rồi đấy à ? - Thuận cười toe, hỏi to, tay vẫy vẫy xem chừng vui vẻ lắm. Người thanh tròn mắt vẻ ngạc nhiên, hỏi :

    - Anh nói tiếng Kinh giỏi thế ?

    - Thế thấy đỡ chưa, tôi gánh nước về rồi, đợi tôi một lát, nước đun nóng xong tôi sẽ gọi. Tối nay để tôi thay thuốc cho, chị Mây là con gái, không tiện. - Thuận không trả lời, hồ hởi xách một thùng nước ra giữa sân, bắt đầu nhóm lửa đun nước, vừa đun, nó vừa hỏi :

    - Đêm qua tôi tìm thấy ấy bên bờ suối, bị thương nặng lắm, không có tôi thì chắc ấy lên gặp Phạ then rồi. Sao mà ấy lại bị thương nặng đến thế, mà lại còn ở giữa rừng kia ?

    - Anh đun nước cho nóng rồi đem lên đây đã, đoạn tôi mới nói cho anh hay. - người thanh niên cười tủm tỉm, đoạn thả đóa hoa lê bay xuống từ trên cửa sổ, vừa vặn sao lại rơi đúng vào lòng bàn tay Thuận. Nó thấy thế thì chỉ gãi gãi đầu, đem đóa hoa lê đặt lên đống củi. Ánh lửa bập bùng một hồi rõ lâu, nước cũng bắt đầu sôi, A Thuận lấy từ trong giắt lưng ra một nắm lá, thả vào trong nồi, mùi hương bốc lên ngào ngạt. Nó nhanh chóng bắc nồi nước xuống, lại khệ nệ ôm một cái bồn gỗ rất to lên nhà sàn rồi mới bưng nồi lá thuốc lên, đoạn đổ cả vào cái bồn nọ. Người thanh niên vẫn cứ cười tủm tỉm nhìn nó, hỏi một câu :

    - Thế, anh cứ đứng mà trông tôi à ?

    - Phải vậy chứ, ấy bị thương nặng, lại còn bị nhiễm lạnh, không trông lỡ ấy xảy ra chuyện gì anh chị và già làng quở tôi thì sao. - Thuận khoắng khoắng nước tắm, nghiêng đầu đáp, - tôi đi lấy cho ấy bộ quần áo, ấy vào ngâm trước đi, tắm nhanh kẻo bệnh càng thêm nặng. - Nói rồi quay lưng đi thẳng. Người thanh niên cũng ngoan ngoãn trút bỏ bộ quần áo bẩn, leo vào trong bồn gỗ, y kín đáo thở pháo một hơi, bàn tay khẽ khàng chạm lên vết thương đã được băng bó rất cẩn thận, đến giờ đã không còn chảy máu. A Thuận nhanh chóng quay lại, đem theo một bộ áo quần bằng lụa và một chiếc khăn vải thô, nó nhanh chóng quỳ xuống bên thành bồn, nhanh nhảu hỏi :

    - Thế là làm sao ? - vừa nói, A Thuận vừa nâng cánh tay y lên, dấp nước rồi lau nhẹ nhàng như sợ người kia bị đau. Y nghiêng đầu, hỏi :

    - Không sợ tôi là người của quan Tây dưới xuôi à ?

    - Ấy bị thương nặng lắm, bị lưỡi lê xâu cho mấy nhát, dù máu không chảy nữa thì cũng khó mà làm gì được tôi, tội gì phải sợ. - nó đáp, bàn tay cầm khăn đã lần lên đến cổ và vai người thanh niên, thật chậm rãi. Y nín thinh, tay chống cằm đầy tư lự, đoạn thở một hơi dài, lẩm bẩm :

    - Tôi trốn lũ chúng nó từ dưới đồn Phay Khắt, đi mấy ngày đường thì bị bắt được, tên cai lệ dùng lưỡi lê đâm, tôi liền nín thở, hắn tưởng tôi đã chết nên mới vứt lại bên bờ suối. May sao lại gặp được anh.

    - Thế ấy là...

    - Anh thử đoán xem. - Người thanh niên cười tủm tỉm, đầu ngả vào tay nó vẻ mỏi mệt. A Thuận cũng không lấy làm bài xích, nó xoa gò má đỏ ửng lên vì hơi nóng, đoạn thì thầm :

    - Hẳn là ấy giống như bố của tôi rồi.

    - Bố anh là người Kinh sao ? - y hỏi.

    - Bố tôi là một cán bộ Cách mạng người Kinh, - nó nói, giọng đều đều, vẻ mặt trầm ngâm như hồi tưởng lại một ký ức xa xôi lắm, - tôi nghe già làng kể lại, năm ấy bố tôi theo đoàn lên Tây Bắc để sang nước bạn thì bị đánh đuổi, nên trốn tạm vào trong nhà của ông bà ngoại. Nhà ngoại tôi hồi ấy thấy người lạ thì cũng lấy làm hốt, nhưng mẹ tôi thấy bố đẹp, nên tỏ ra ưng bụng, thế là ông bà chiều con, loan tin rằng mẹ tôi chửa hoang rồi sắp xếp cho bố mẹ lên ở một căn chòi trên rẫy, lúc tôi ra đời thì bố đã bắt được thông tin của đồng đội, nên bị gọi đi ngay tức khắc, còn mẹ tôi mất sớm vì ngã khi đang thu thóc ngoài sân. Tôi được Mây đem về nuôi, ắt cũng do già làng gửi gắm. Đến nay tôi cũng chẳng biết bố ở đâu mà tìm, ấy hẳn cũng là cán bộ, ấy có gặp bố tôi không ?

    - Ô hay, làm sao tôi biết được ? - y tròn mắt, phì cười, - nhưng khi nào có thể về đơn vị tôi sẽ hỏi thăm xem, xem bố anh hiện đang ở đâu.

  Thuận cười toe, tấm khăn nóng lại áp lên mặt y, kĩ càng và tỉ mẩn như thể nó đang lau bình rượu quý của Quỳ, chậm đến mức khiến người thanh niên rùng mình. Y khe khẽ hỏi :

    - Anh tên là gì ?

    - Thuận, tên ấy bố đặt cho tôi, tôi nghe già bảo thế. Đã hơn hai mươi rồi. Còn ấy ?

    - Em là Sơn, em kém anh vài tuổi. Cảm phiền anh Thuận chịu khó đi gánh nước cho em tắm thêm ít hôm, khi nào về xuôi em sẽ đem lễ vật lên hậu tạ. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top