CHƯƠNG 1. Ngược dòng về lại thanh xuân.
Đã có một thời gian, tôi nghĩ thanh xuân của mình chỉ toàn những sự mất mát.
Năm lớp mười một, người con trai tôi thầm mến đột ngột ra đi mãi mãi.
Điều ấy khiến cho tôi có cảm giác như thời mà người ta hay nói một cách văn hoa là "tuổi thần tiên" ấy của mình vừa trải qua được một nửa, vừa bị bứt mất một nửa, làm cách nào cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong lồng ngực.
Tôi đã từng rất thích hoa lưu ly xanh, vì khi tôi lén trồng những bông hoa lưu ly trước cửa nhà cậu bạn ấy, cậu đã đứng trên tầng ba nhìn tôi lúi húi, cặm cụi suốt cả một buổi sáng. Tôi nói với cậu ấy, hoa lưu ly có ý nghĩa là "Xin đừng quên tôi". Ngày cậu ấy mất, tôi thấy trước cửa nhà cậu có một bông lưu ly nhỏ nở xòe những cánh hoa xanh biếc.
Tôi luôn có cảm giác cậu ấy ở bên mình. Mùi hương trên áo cậu ấy cứ vương vấn mãi, chẳng thể tan biến được. Có những đêm, tôi loáng thoáng nghe những tiếng thì thầm trong giấc mơ: "Chẳng có chuyện gì đâu, ngày mai phải sống tốt".
Có lẽ cậu ấy muốn tôi cố gắng bước tiếp trên quãng đường tương lai rộng thênh. Tôi nắm chặt tay, mỉm cười tự nhủ mình sẽ vượt qua tất cả. Để rồi sau năm năm dài, tôi ngoảnh nhìn lại, vẫn thấy gương mặt cậu ấy năm mười bảy tuổi khắc sâu trong trí nhớ. Tôi không thể quên được cậu!
Năm lớp mười một ấy, tôi đã từng nhìn đâu cũng thấy bóng dáng cậu! Từ bảng đen, lớp học, con đường đến trường, từ những áng mây trắng xốp, từ cơn mưa đầu mùa,... Chẳng có thứ gì không gợi cho tôi về cậu. Hè đó, tôi quyết định về quê. Giống như kiểu tôi đang cố thoát ra khỏi một chiếc hộp ngột ngạt chỉ toàn nỗi nhớ vậy.
Một tháng về quê, tuy ngắn nhưng lại thật vui. Dường như ở đó, điều duy nhất nhắc nhớ tôi về cậu ấy chỉ có chính tôi mà thôi. Nhưng kì lạ thật, tôi vẫn có cảm giác cậu luôn ở bên tôi, cùng tôi cười, cùng tôi khóc, cùng tôi tạo nên bao kỉ niệm đẹp.
Giữa lúc tôi còn dè dặt bước những bước đầu tiên khỏi nỗi đau âm ỉ, tôi bắt gặp một cô bé nhỏ. Cô bé ấy coi tôi như người mẹ thứ hai. Tôi tự nhủ, tôi không thể một lần nữa khiến một mảnh cuộc sống của mình nứt vỡ.
"Cô, cô đoán tên con đi!"
Cô bé nhỏ xíu níu váy tôi, khuôn miệng xinh xắn vẽ lên một nụ cười trong trẻo. Cô bé ngẩng mặt lên, háo hức chờ câu trả lời, hai bím tóc tôi vừa tết cho lúc lắc trông thật ngộ.
Tôi cười. Làm sao tôi lại không biết tên cô bé chứ. Nhưng tôi vẫn giả vờ:
"Để cô đoán nào... Con hát rất hay, thế tên con có phải Họa Mi không?"
Cô bé cười khanh khách.
"Cô đoán sai rồi. Con không phải Họa Mi!"
"Thế... Sơn Ca?"
"Cũng không phải ạ."
"Ừm... Hay là con tên... Đồ Bỏ Xó (*)?"
Cô bé nghe thấy cái tên này khẽ nhăn mặt, phụng phịu giận dỗi:
"Cô lại trêu con!"
Tôi bật cười, khẽ khàng ngồi hẳn xuống, nắm lấy hai tay của em.
"Cô xin lỗi con, cô đùa thôi. À, cô biết rồi nhé, tên con là..."
Tôi thì thầm vào tai cô bé một cái tên. Dù không nhìn nhưng tôi cũng hình dung được cô bé đang cười rạng rỡ.
"Đúng rồi! Sao cô đoán được tên con hay quá vậy?"
Tôi xoa đầu cô bé:
"Cô và mọi người đều biết về những đứa trẻ ngoan mà!"
Tôi cứ ngỡ mình vừa đi qua mùa đông dài. Mùa xuân rồi sẽ đến! Trăm hoa rồi sẽ đua nở. Nhưng tôi lại không nhận ra bên ngoài khung cửa sổ, gió vẫn lạnh căm và nụ non chưa thể đâm chồi. Tôi vẫn chỉ là một nữ sinh cấp ba, tôi vẫn chưa đủ sức để bảo vệ tia nắng của mình.
Guồng quay của cuộc sống chẳng từ bỏ một ai. Trở về thành phố, tôi lại quay cuồng trong vòng xoay của nó. Tôi tốt nghiệp cấp ba, rồi trở thành một sinh viên trường Sư Phạm. Tôi rời xa nhà lên Thủ đô trọ học. Ở đó, tôi phải rất cố gắng mới có thể ổn định được cuộc sống của mình. Năm năm liền tôi không về quê. Có những đêm tôi lên sân thượng của tòa chung cư tôi sống, cứ đứng lặng đó mà nhìn về phía xa. Nhìn về nơi có người tôi từng yêu tha thiết, nhìn về nơi có người tôi hết lòng muốn bảo vệ khỏi những điều tăm tối bủa vây. Nhưng kết quả chỉ có mình tôi ở đây, trên sân thượng này, và một khoảng trời rộng đến vô cùng.
Tôi lại nhớ lời một người giáo viên từng nói với mình:
- Lúc đó, các thầy cô muốn nói với em rằng, em hãy viết về điều gì đó tốt đẹp hơn đi, tin tưởng vào tương lai hơn đi, nhưng nếu nói vậy thì khác nào gượng ép em. Nhưng đọc được những dòng này của em, các thầy cô hạnh phúc lắm. Cuộc đời còn biết bao gian nan phía trước, để đứng vững được phải biết mạnh mẽ và lạc quan, cô học trò bé nhỏ ạ!
Cũng phải ha, con người ta sinh ra có đôi mắt hướng về phía trước để luôn nhìn thấy tương lai. Dòng chảy của thời gian tuy vô tận nhưng cũng chỉ chảy xuôi về phía trước chứ không chảy ngược về sau bao giờ.
Nhưng tôi không đủ can đảm để chỉ bước tiếp mà không ngoái lại nhìn quá khứ. Năm học thứ ba vừa kết thúc, tôi bắt xe về nhà ngay hôm ấy. Từ lúc lên đại học, chỉ có bố mẹ lên Hà Nội thăm tôi chứ chưa lần nào tôi về quê. Việc học các khóa học ngoại ngữ, kĩ năng, việc làm thêm,... khiến tôi chẳng có thời gian mà về nữa. Nhưng năm nay, tôi quyết tâm gạt hết những công việc part-time dù lương quá ổn đối với sinh viên như tôi, cũng không tham gia một cuộc vi vu tứ xứ nào của lũ bạn. Tôi cảm thấy trốn tránh từng ấy năm là đủ rồi. Có lẽ tôi đã đủ trưởng thành để đối mặt với nhiều điều mà trước đây khi nghĩ đến, tôi chỉ thấy nước mắt lăn dài hai bên má.
Mất hơn một tiếng ngồi xe khách ê ẩm cả người, tôi cũng xuống tới bến xe. Ngày tôi lên đại học, bố tôi dành hẳn một buổi sáng lái xe đưa tôi ra Hà Nội, không để tôi phải chịu cái nắng nôi chen chúc. Nhưng lần này về, tôi chẳng báo ai ra đón, tự túc bắt xe khách rồi xe ôm về nhà.
Cửa xe vừa mở, một loạt các lái xe ôm ào đến mời gọi. Tôi lách qua dòng người ra thẳng cổng bến xe. Tụi bạn tôi có dặn, cứ ra cổng mà bắt xe ôm chứ đừng lên đại xe một người nào, coi chừng bị chặt chém cũng nên. Tôi nghe lời tụi nó ra đến cổng, quả là thấy có mấy bác đang dựng con xe cà tàng dưới tán cây tránh nắng. Tôi rảo bước đến chỗ một bác đi con Wave màu xanh có lớp sơn xước xát hết cả. Tụi nó dặn thêm, cứ chọn những tài xế già già, mặt phúc hậu một chút, ấy là những người có "thâm niên trong nghề giao thông vận tải". Bác mặc chiếc áo sơ mi cộc tay kẻ khá cũ. Thấy tôi, bác niềm nở:
- Về đâu hả cháu?
Tôi đọc cho bác địa chỉ rồi lên xe. Bác đưa tôi chiếc mũ bảo hiểm đỏ cũng cũ mèm. Đợi tôi yên vị, bác vặn ga, con xe cũ kĩ gồng lên phát ra những tiếng bình bịch. Xe chạy không mấy êm, băng qua những con đường ô bàn cờ nắng như đổ lửa.
- Cháu học đại học xa nhà phải không? – Bác lái xe lên tiếng hỏi. Bác có vẻ đã đứng tuổi, nước da bánh mật do phơi nắng phơi sương nhiều mà giọng nói vẫn khỏe khoắn và vang lắm.
- Vâng ạ, cháu học Sư Phạm Hà Nội. – Tôi đáp, ánh mắt dán vào những tòa nhà hai bên đường.
- Học xa thế chắc vất vả lắm nhỉ? Mấy năm về thăm nhà một lần cháu?
- Dạ, ba năm rồi cháu mới ghé về nhà!
Chúng tôi đi qua những con phố ồn ã tấp nập, dòng người, xe đi lại đông như mắc cửi. Tôi không nhớ mấy con đường này, khi còn ở đây tôi cũng ít khi đi qua.
- Mấy năm trước con trai bác cũng học Hà Nội, Bách Khoa cơ đấy! – Bác kể, giọng đầy tự hào - Thằng bé cũng thế, hai ba năm mới về nhà một lần. Bây giờ thì xin việc ở luôn trên Hà Nội.
Tôi nín lặng, cũng chẳng rõ trong đầu đang hiện lên những suy nghĩ gì.
- Cháu ạ, ráng mà về thăm nhà thường xuyên. Bố mẹ ở nhà, nhớ con nhớ cái lắm!
Khóe mắt tôi chợt cay cay. Phải ha, ba năm qua căn nhà rộng chỉ có bố mẹ tôi ở. Chị tôi đi du học từ năm tôi cấp hai kia, giờ lấy chồng và định cư luôn bên đó. Thi thoảng, hai chị em tôi vẫn gọi về nhà. Những lần ấy, bố mẹ mừng lắm, cuộc gọi video kéo dài có khi đến cả tiếng đồng hồ. Qua màn hình điện thoại, tôi cũng thấy mái tóc bố bạc đi nhiều. Và trên gương mặt mẹ có vẻ đã hằn lên nhiều nếp nhăn hơn.
Chiếc xe wave dừng xịch trước cổng trường cấp ba. Tôi đưa lại bác chiếc mũ, gửi tiền cẩn thận. Bác còn ân cần hỏi:
- Sao không về thẳng nhà hả cháu?
Tôi gãi đầu, thành thật đáp:
- Tầm này bố mẹ cháu đi làm hết, cháu cũng không có chìa khóa nhà!
Bác nhìn tôi ái ngại:
- Trời nắng thế này đi giữa đường coi chừng ốm đó. Mà nhà có xa không?
Tôi lục balo đeo sau lưng, lấy ra chiếc mũ vành:
- Không sao đâu bác, cháu có mũ mà. Nhà cháu cũng gần đây thôi, hồi còn đi học, cháu đi bộ suốt!
Bác nghe vậy rồi mới yên tâm, lại bon bon chạy xe đi. Tôi chào bác rõ lớn, bác không quay đầu lại nhưng giơ tay trái ra hiệu tạm biệt. Tôi mỉm cười, thật may mắn khi gặp được một người nhiệt tình và tốt bụng như bác.
Cổng trường cấp ba vẫn mở như chào đón. Các em học sinh, chắc là học sinh lớp mười hai đang chăm chú vào bài học trên lớp. Thi thoảng, tôi cũng bắt gặp một cái nhìn hiếu kì của một em học sinh nhìn qua khung cửa sổ. Ngày trước tôi cũng chẳng khác gì các em ấy, luôn để tâm hồn treo ngược cành cây, chẳng hiểu sao mà đỗ được đại học.
Tôi ghé qua phòng bảo vệ, báo cáo với bác bảo vệ và thầy trực ban rằng mình là học sinh cũ về thăm trường. Nghe oai thiệt chứ, mới ngày nào vẫn còn sợ thầy một phép mà giờ đã tốt nghiệp rồi. Thầy trực ban hôm nay là thầy Dũng, Bí thư Đoàn trường. Trông thầy vẫn chẳng khác khi xưa là mấy. Vẫn dáng người chắc nịch, gương mặt hiền hòa và bảy ngày là bảy màu áo phông (hôm nay là màu vàng). Thầy nhận ra tôi ngay:
- Bí thư 12A1 ngày nào về thăm trường đấy hả?
Tôi cười:
- Em còn tưởng thầy quên em rồi cơ!
Thầy nâng gọng kính, đáp:
- Quên làm sao được cô bé thích nhảy múa và học giỏi Văn này! Thầy đang bận ghi chép sổ trực ban, em cứ đi thăm trường đi nhé!
Tôi khẽ đáp "Vâng ạ" rồi rảo bước trên sân trường. Quả thật, ngày trước, khi còn là một nữ sinh nghịch ngợm, tôi chưa từng có những cảm xúc như khi tôi đang bước đi bây giờ đây. Có một chút vấn vương, chút yêu thương, chút nhung nhớ, cả một chút xót xa không nói thành lời. Ngôi trường vẫn vậy, chẳng đổi khác gì, vẫn tường vàng, ngói đỏ, vẫn những tán phượng nở hoa đỏ rực một góc trời. Cảnh vẫn vậy, chẳng khác xưa, nhưng những người năm xưa đã đi xa lắm rồi.
Lớp tôi học khi trước giờ đang có một lớp khác học. Trong lớp học ấy, đã từng có một người ngồi cạnh tôi. Sân trường vắng tanh, đã từng có một người đứng đợi tôi. Ghế đá bên gốc phượng kia, đã có người từng giảng bài cho tôi,...
"Hoa phượng chỉ nở đúng một lần trong năm, rực rỡ nhất rồi tàn lụi. Thời học sinh ai cũng chỉ trải qua đúng một lần trong đời, vô tư rồi nhớ mãi. Khoảng thời gian đẹp đẽ ấy của tớ được viết bằng tên cậu, trong veo đúng một lần. Rồi nhạt nhòa mãi mãi..."
Tôi đặt tay lên ngực. Tuổi mười bảy của chúng ta sống mãi ở nơi này.
Chỉ vậy thôi, rồi tôi lại quay về chỗ phòng bảo vệ để chào thầy ra về. Thầy hơi ngạc nhiên khi tôi ra về sớm như vậy. Tôi không trở về nhà ngay mà đi theo hướng ngược lại. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi hiện ra một ngôi nhà xây theo lối kiến trúc Âu cổ kính. Điều đặc biệt là phía trước nhà trồng đầy hoa phong lữ thảo. Và cả lưu ly nữa.
Chẳng biết có phải là những cây ngày xưa tôi trồng không. Nhưng vẫn là những loài hoa ấy.
Tôi ngồi thụp xuống, vuốt ve những cánh hoa xanh lam. Tôi chợt có suy nghĩ mãnh liệt rằng nếu tôi gọi tên cậu ấy, cậu ấy nhất định sẽ xuống mở cổng cho tôi, hoặc cùng lắm là đứng từ trên cao nhìn xuống. Nhưng không, tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi...
Tôi chợt nhớ đến một câu thơ trong bài "Vũ Lăng Xuân" của Lý Thanh Chiếu:
"Vật thị nhân phi sự sự hưu
Dục ngữ lệ tiên lưu"
(Vật như xưa, người đã khác, mọi sự đều thôi rồi
Muốn nói, nước mắt đã tuôn trào)
Tôi ở nhà hai tuần liền. Khỏi nói cũng biết bố mẹ tôi mừng đến độ nào. Hồi tôi còn chưa lên đại học, mẹ luôn miệng giục tôi đi dọn nhà, nấu cơm mà tôi cứ kì kèo mãi, giờ lại không để tôi động chân động tay vào cái gì. Bố tôi ngày trước mặt hay cau có, thích nói triết lí nhưng giờ cũng vui vẻ xởi lởi hơn nhiều. Nhưng tất nhiên về nhà đâu phải để chơi, tôi cũng ra dáng một cô con gái lớn lắm, cáng đáng mọi việc trong nhà làm mẹ tôi xúc động đến độ không biết nói gì luôn.
Trong những ngày đó, tôi cũng có gặp lại bạn cũ, hẹn tụi nó đến những quán quen ngày trước từng ngồi làm bài, tám chuyện. Chẳng có gì vui bằng việc ôn lại kỉ niệm. Chỉ toàn kể chuyện cũ mà lũ chúng tôi cũng có thể ngồi từ sáng đến tận chiều được. Và có lẽ nếu dành cả mấy tuần nghỉ hè để kể thì chưa chắc đã hết chuyện.
Sang đến một sáng nào đấy, mẹ tôi chợt gợi ý:
- Đang hè, hay là con về quê chơi với bà đi.
Tôi đang ngồi gọt khoai tây, thấy mẹ nói vậy liền giở giọng nũng nịu:
- Mẹ đuổi con đấy à?
- Bố cô! – Mẹ tôi mắng yêu – Cũng lâu rồi bố mẹ chưa có thời gian về thăm quê. Con cũng vậy nữa. Lần này về quê cho bà đỡ nhớ con, nhớ cháu, nghe con.
Về quê! Đó cũng là một điểm đến trong lịch trình tôi đã vạch sẵn, là một miền nhớ mà tôi luôn ấp ủ. Ấy vậy mà lời gợi ý của mẹ lại khiến tôi nằm nghĩ nguyên một đêm khiến sáng sớm ra hai mắt thâm như gấu trúc. Nơi đó... Tôi đã để một lời hứa chơi vơi. Nơi đó... Liệu đã khác xưa thế nào? Và liệu còn có ai đợi tôi ở nơi đó nữa hay không?
Mấy ngày sau, tôi tạm biệt bố mẹ, chối đây đẩy việc bố muốn lái xe đưa tôi đi, khẳng định chắc nịch rằng mình có thể tự bắt xe khách được. Tôi xua tay:
- Con là sinh viên năm ba rồi đó, bé bỏng gì nữa đâu mà bố mẹ phải đưa rước mãi thế!
Nói hoài, bố mẹ cũng xuôi. Nhưng ngày tôi về quê, ánh mắt mẹ nhìn theo tôi vẫn lo lắng như thể tôi vẫn chỉ là một cô nhóc chạy lon ton quanh sân ngày nào.
(*) Đồ bỏ xó: Tên một truyện cổ tích dành cho thiếu nhi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top