TẬP 7 NGƯỜI CHÁU CỐ CỦA VUA QUANG TRUNG
Buổi trưa hôm đó, phòng ăn chung của Nhà nghỉ Thiên Nhiên rộn rã tiếng cười. Họ có thêm một nhân viên phục vụ mới, nhưng chẳng phải ai khác, chính là cô bạn Sông Hương của Phan, Châu và Thùy.
Sau nhiều ngày thuyết phục, Sông Hương mới chịu "xuất đầu lộ diện" trước đám đông. Cô gái rất sợ gặp người tương lai, cô làm như họ có thể nuốt trọng cô vào bụng không bằng. Sau gần ba tuần lễ quen biết Phan, Châu và Thùy, cô gái thấy người tương lai không còn đáng sợ nữa và cô đồng ý phụ giúp ba người bạn của cô làm công việc bồi bàn.
Đoàn khách du lịch do ông Đặng hướng dẫn đi vào rừng tham quan sắp sửa về tới nơi. Mà theo kinh nghiệm, sau chuyến lội bộ trong rừng, khách du lịch rất đói bụng và họ ăn rất dữ. Hầu như các bạn trẻ bưng thức ăn lên không kịp với tốc độ nhai nuốt của họ!
Thực đơn chính tại Nhà nghỉ Thiên Nhiên thường là cơm. Dưới đôi tay tài hoa của cô Hằng và bả Phương, những món ăn không chỉ thơm ngon về hương vị, đa dạng về chủng loại, mà còn đẹp đẽ như một tác phẩm nghệ thuật. Về món thịt, cô Hằng có thể chế biến trên trăm món. Về món cá, thôi, coi như dưới trăm món đi. Về hải sản thì khỏi phải bàn tán cho mệt, nào tôm, nào cua, nào mực, nào nghêu, sò, ốc, hến... cứ một lần dọn lên cả chục món là bình thường!
Sông Hương như bị choáng ngợp trước thực đơn của bữa trưa hôm đó. Mười lăm vị khách du lịch sẽ được ăn cơm nóng với món cá lóc kho tộ, thịt gà kho xả, sườn heo xào chua ngọt, mực ống xào thơm, canh chua cá bông lau. Tráng miệng thì có bánh Flan ướp lạnh. Đợi khách ăn cơm vừa xong là bà Phương sẽ trút bánh ra dĩa nhỏ, để các bạn trẻ bưng lên.
Sông Hương nói với bà Phương:
- Người thời nay khéo tay quả. Ở thời cháu, cũng có cá lóc, cũng có thịt gà, cũng có thịt heo, cũng có mực ống... nhưng họ không nấu ngon như ri mô. Cách trình bày cũng không đẹp như ri mô.
Bà Phương mỉm cười:
- Bác coi mấy bộ phim Tàu, thấy vua chúa ăn ngon lắm. Toàn là sơn hào hải vị. Tức là cũng có sản vật trên rừng lần dưới biển.
Sông Hương gật đầu:
- Dạ, đúng rồi. Vua chúa ăn ngon mặc đẹp là đúng rồi. Nhưng nhà bếp của vua, khi bới thức ăn vô dĩa, họ gắp từng xí một, từng xí một. Bởi rứa nhìn đĩa thức ăn không đá con mắt như ri.
Thùy phì cười. Sông Hương nói phải. Ai mà thấy mấy dĩa thức ăn do Thùy bới chắc là sợ hết hồn. Dĩa nào đĩa nấy cao có ngọn. Nhưng khách du lịch họ thích vậy. Khi ngồi vào bàn ăn, họ muốn nhìn là phải đã mát, gắp là phải đã tay. Có như vậy tiếng lành mới đồn xa được.
Chợt có tiếng cười nói râm ran từ phía trước sân vọng vào. À, ông Đặng dẫn đoàn du khách về rồi kìa! Giờ giải lao đã chấm dứt! Chuẩn bị thôi anh em ơi! Bắt tay vào phục vụ đi!
Suốt một tiếng rưỡi sau đó, hầu như Châu, Thùy và Sông Hương thay nhau chạy như con thoi từ bếp ra phòng ăn chung, và từ phòng ăn chung vào trong bếp. Còn Phan thì hết đứng nơi đầu bàn này, lại chạy sang đầu bàn kia, để khui nắp chai bia hoặc cung cấp những loại thức uống mà khách yêu cầu. Công việc phục vụ mệt bở hơi tai, nhưng mà vui. Trừ Phan vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị nhưng đẹp trai không thể tả, còn Châu, Thùy và Sông Hương thì cứ nhìn nhau tủm tỉm cười hoài.
Cuối cùng thì những dĩa bánh Flan lạnh cũng được thanh toán hết. Khách du lịch hài lòng, họ ngồi khểnh ra ghế thở dốc, phơi những cái bụng no nệ, tròn quay và căng cứng.
Lúc này, bốn bạn trẻ nhanh tay nhanh chân dọn chén dĩa dơ đem vô trong bếp, rồi Thùy lau thật sạch mặt bàn để khách du lịch có thể ngồi trò chuyện thêm dăm ba câu trước khi họ lên lầu nghỉ trưa.
Mười phút sau, đợi cho những cánh cửa phòng ở trên lầu đóng lại, Sông Hương cáo từ ra về mặc cho Phan, Châu và Thùy nài nỉ muốn gãy lưỡi. Sông Hương nói, ở thời cô, con gái không được phép vắng mặt trong bữa cơm gia định. May là hôm nay cha cô về trễ, nếu không cô sẽ bị la mắng một trận trước khi được bưng chén cơm lên ăn. Nghe vậy, ba bạn trẻ không nài ép nữa.
Chợt Sông Hương nhớ ra một chuyện, cô hớn hở nói:
- À, nì, túi ni nhà mình có khách đặc biệt lắm. Các bạn có biết ai sắp tới chơi không? Một người dòng dõi của vua Quang Trung đó tề.
Châu "ô" lên một tiếng, giọng trầm trồ:
- Một người dòng dõi của vua Quang Trung?
Phan hỏi ngay:
-Ông ấy tới vì thanh kiếm Bảo Long phải không? Nghe nhắc tới thanh kiếm Bảo Long, dì Ngọc đang lúi húi lấy đồ nơi tủ lạnh vội vàng ngoảnh đầu lại:
- Cái gì? Thanh kiếm Bảo Long là cái gì? Đồ cổ hả?
Châu nhấn giọng với vẻ khẳng định: -Một báu vật, rất cổ và rất giá trị.
Sông Hương nhìn vào mắt bốn bạn trẻ:
- Ông ấy không nhắc chỉ tới thanh kiếm Bảo Long hết. Ông ấy chỉ tới nhà tui và dùng bữa cơm chiều với thầy me tui thôi. Khoảng bảy giờ túi, khi mô các bạn rảnh chưn rảnh tay rồi, các bạn qua chơi hỉ? :
Thùy nói nhanh:
- Chắc chắn rồi. Gặp gỡ con cháu vua Quang Trung là một dịp may hiếm có. Sức mấy tụi này bỏ qua. Hổng chừng anh Châu còn mang theo máy chụp hình nữa đó. Phải không anh Châu?
Châu không thêm trả lời, cậu ta mắc bận đưa Sông Hương lên trên gác xép, tiễn cô gái quay trở về thời đại một trăm năm trước. Phan đứng nhìn theo cậu ta, khẽ gãi cằm và cười ruồi một mình. Trong bữa cơm gia đình, câu chuyện rôm rả hôm đó chỉ xoay quanh "con người bí ấn" là cháu chắt của vua Quang Trung. Nghe Thùy thắc mắc, không biết ông ấy ra sao, ông Đặng chọc ghẹo:
- Ổng có hai con mắt, hai lỗ mũi, hai cái tai và một cái miệng.
Thùy phụng phịu với cha:
- Con biết rồi, nhưng ổng có oai phong lẫm liệt như vua Quang Trung không? Ông biết cưỡi ngựa không? Ông biết đánh kiếm không?
Dì Ngọc xen vô một câu:
- Cây kiếm Bảo Long đó hả? Nó đáng giá bao nhiêu tiền? Chà, chắc từ nãy tới giờ trong đầu dì Ngọc chỉ nghĩ tới mỗi một điều đó thôi. Ông Đặng phớt lờ câu nói của dì Ngọc, chậm rãi giải thích:
- Con đừng hy vọng quá vào một người mà con chưa biết mặt. Dù là con cháu của vua Quang Trung, chắc gì ổng có được tính chất như vua Quang Trung? Biết đâu ổng là con người hèn nhát? Một kẻ bất lương? Biết đâu ổng là kẻ chán đời? Một thầy chùa? Một nhà buôn? Nhưng cũng có thể ổng đang nung nấu một ý định cao quý nào đó trong đầu.
Thùy thở dài:
- Ba làm con mất hứng. Nhưng thôi, tối nay qua bên đó chơi là tui con hết thắc mắc liền .
Dì Ngọc chen vô lần nữa:
- Cho tao đi với. Tao cũng muốn ngó coi thanh kiếm Bảo Long quý giá ra làm sao? Vậy mà mấy tuần nay tụi bây giấu tao nghen.
Châu ngạc nhiên:
- Tụi cháu giấu cái gì hả dì Ngọc? Ba tuần nay, dì chui qua bển rồi chui về ngày một như đi chợ. Có ai giấu dì chuyện gì đâu?
Dì Ngọc lườm Châu một cái sắc như đao:
- Chuyện thanh kiếm Bảo Long chớ chuyện gì !
Bà Phương bênh vực con trai:
- Ơ cái chị này mới là vô duyên. Thanh kiếm đó là báu vật của gia đình Sông Hương. Nó không khoe với chị thì thôi, mắc mớ gì thằng Châu phải đi khoe với chị?
Châu bực bội nói thêm:
- Không thèm khoe, không có nghĩa là giấu giếm.
Di Ngọc lầm rầm:
- Biết rồi, mấy má con mày hay quá mà.
Thùy làm như không nghe câu nói chua ngoắt đó, cô tranh thủ xin phép liền:
- Tối nay ba mẹ cho tụi con qua bển chơi nghen.
Có thể tụi con về khuya đó.
Nhiều khi câu chuyện đang gay cấn, chẳng lẽ cắt ngang nửa chừng?
Bà Phương gật đầu:
- Miễn tụi con hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Thùy giao hẹn:
- Nhưng tụi con chỉ dọn thức ăn lên bàn thôi nha? Chớ chờ họ ăn xong, dọn chén đĩa dơ xuống bếp là tám chín giờ khuya rồi. Còn đi chơi gì nữa?
Ông Đặng xua xua tay:
- Được rồi. Được rồi. Thôi ăn nhanh rồi lo dọn đẹp, đừng nói nữa.
Tối hôm đó, giữ đúng lời hứa, bà Phương cho phép ba bạn trẻ đi lên gác xép sau khi họ bưng thức ăn dọn lên đầy bàn. Phan vội vàng đặt bốn cái đồ khui nắp chai ở bốn chỗ thuận tiện nhất, và cậu rút lui thật nhanh theo sau Châu với Thùy.
Ba bạn trẻ chưng hửng khi thấy dì Ngọc đứng chờ trên gác xép từ lúc nào. Dì ta toét miệng cười lấy lòng:
- Đáng lẽ tao qua bển trước rồi, nhưng thấy tội nghiệp tụi bây nên chờ tụi bây đi luôn một thể.
Ba bạn trẻ im lặng, họ chỉ đưa mắt nhìn nhau rồi Thùy chúi đầu qua mặt gương trước, tới Châu, tới Phan và dì Ngọc cam phận đi cuối cùng. Khi cả bốn xuất hiện ở bên kia mặt gương, trên gác xép của cô bạn Sông Hương, Châu chỉ dặn dò ngắn gọn với dì Ngọc:
- Xuống dưới đó, dì làm ơn im lặng giùm cháu. Đừng mở miệng nói gì hết.
Dì Ngọc xụ mặt, nhưng đuối lý nên đành làm thinh.
Phan, Châu, Thùy và dì Ngọc khẽ khàng đi xuống cầu thang. Rất may là gia đình Sông Hương đang tụ tập nơi căn phòng trong nên cả bốn lén ra cửa sau thật êm, để rồi họ đàng hoàng xuất hiện nơi sân trước.
Thùy hắng giọng và gọi to:
- Chị Sông Hương ơi!
Sông Hương trả lời ngay. Cô gái vui vẻ đi ra mời bốn dì cháu vào nhà rồi dẫn họ đi vào căn phòng trong. Cô gái cúi đầu, nói năng thật nhỏ nhẹ:
- Thưa ôn, thưa thầy me, đây là các bạn con. Họ muốn được gặp ôn và nói chuyện với ôn.
Một khung cảnh lạ thường đập vào mắt bốn dì cháu.
Người khách lạ ngồi trên chiếc ghế cao. Cha Sông Hương ngồi trên chiếc ghế thấp hơn, đặt bên phải ông. Những người phụ nữ thì đứng bên trái - ông. Cảnh tượng như trong một triều đình thu nhỏ. Cha Sông Hương đứng lên, giọng nói thân tình:
- Vô trong ni đi. Vô đi. Thưa ôn, mấy cháu ni là bạn thân với con tui, thân thiết lắm, tui coi tụi nó như người nhà. Còn người đàn bà ni là ai?
Thùy nhanh miệng:
- Dạ, là dì của cháu. Dì
cũng muốn được mặt ông.
Người khách lạ đứng dậy chào. Mọi người dán mắt vào ông. Đó là một người đản ông trung niên, tuổi xấp xỉ năm mươi nhưng vóc dáng còn gân guốc và khỏe mạnh lắm. Mặt mũi ông trơn tru, không để râu lòa xòa như những ông già thời xưa khác Ông mặc áo dài đen, loại vải danh cho những người tương đối khá giả vì nó bóng lên dưới ánh đèn dầu. Đôi mắt ông nheo nheo để nhìn cho rõ, có lẽ ông tới tuổi đeo kính lão, nhưng hồi đó ở nhà quê làm gì có kính lão mà đeo?
Cha Sông Hương vội vàng mời ông ngồi xuống ghế trở lại. Ông cười rộng miệng, nét cười của những người nông dân thẳng tính. Ông nói:
- Chà, cứ làm như tui là nhân vật nổi tiếng lắm hay sao mà ai cũng đòi tới gặp mặt tui Nhưng nói thiệt, tui cũng vinh hạnh lắm.
Ông nói giọng Bình Định rặt luôn Nếu nghe không quen, hoặc nghe không kỹ, người đối điện có thể không hiểu ý ông muốn nói gì.
Phan cung kính hỏi:
- Thưa ông, ông là dòng dõi của vua Quang Trung. Vậy ông gọi vua Quang Trung là gì?
Ông cười hà hà:
- Tui là chắt của vua Quang Trung, ngài là ông cố. Trong cuốn gia pha nhà Nguyễn ớ Bình Định có ghi rõ ràng hết thảy. Khi nào rảnh, các cháu cứ hỏi chuyện ông Trầm này. Mấy năm nay, ổng cất công nhờ người nọ người kia dò la tin tức mới tìm được tui. Tui cảm phục ổng lắm.
Tới lượt Châu, cậu ta cũng rất nghiêm trang:
- Thưa ông, ông biết chuyện thanh kiếm Bảo Long của phó tướng Phạm Hào không? Ông có biết chuyện con cháu của phó tướng Phạm Hào phải cắp kiếm lặn lội đi tìm con cháu vua Quang Trung không?
Nét mặt người khách lạ dịu đi, nụ cười ông khép lại:
- Tui không biết... Sở dĩ tui không biết vì từ nhỏ tới lớn, tui chẳng hề nghe ai nhắc tới điều này. Trong gia phả cũng chẳng nhắc tới chuyện người phó tướng họ Phạm. Hình như người viết gia phả không muốn có thêm nhiều mất mát cho dòng họ Nguyễn. Ông chú Quang Toản của tui bị quân Gia Long giết lúc mới mười chín tuổi. Đó là nỗi đau mà cả dòng họ không hề nguôi ngoai.
Thùy từ tốn khác với ngày thường:
- Nhưng thưa ông, chuyện con cháu của phó tướng Phạm Hào đi tìm dòng dõi của vua Quang Trung để phò tá thì dân gian ai cũng biết.
Ông khách hơi mỉm cười:
- Vùng nông thôn, quanh đi quấn lại cũng chỉ hàng tre xanh, ao cá lặng. Chuyện thế sự, tui ít khi màng tới lắm. Hơn nữa, chuyện xảy ra cả trăm năm nay rồi, mà đời người thì như bóng câu cửa số. Ham mê danh vọng mà làm gì. Tui là nhà nông mà, chỉ lo làm lụng để có đủ miếng cơm manh áo cho ngày hôm nay, đâu cần gì một người phò tá. Bởi vậy, chuyện quá khứ và tương lai...
Ông bỏ lửng câu nói, nhìn cha Sông Hương để tìm sự đồng cảm.
Cha Sông Hương vội vàng chấp tay đỡ lời:
- Dạ, ôn nói chí phải. Nhưng thưa ôn, là con cháu của Phạm phó tướng, mang nặng trong lòng lời thề với tổ tiên, tui ước mong được hầu hạ ôn suốt đời. Có làm được như vậy, tổ tiên tui mới thỏa nguyện nơi suối vàng.
Người khách lạ nhìn cha Sông Hương, cảm kích:
- Ông làm tui cảm động lắm, nhưng tui muốn nhắc lại, chuyện xảy ra cả trăm năm rồi, giữa ông và tui không có ai mắc nợ ai hết. Bởi vậy, khi có người tới tìm tui ở Bình Định, kể lể mọi sự, rồi họ nói nay mai đây sẽ có con cháu của Phạm phó tướng tới bái lạy tui. Tui thấy phiền phức quá, chỉ bằng tui tới tìm ông trước để chúng ta giải quyết cho xong!
Thùy mở to mắt, giọng ngây thơ:
- Sao ông biết nhà của ông Trầm mà đi tìm?
Người khách lạ cười tủm tỉm:
- Nhân tiện mùa màng xong rồi, trong bụng tui cũng đang muốn đi chơi một chuyến, nên tui lưu sứ giả lại một ngày, rồi hôm sau tui theo sứ giả trở về đây.
Rồi khách lạ quay sang cha Sông Hương nói tiếp:
- Tui sẽ giải đi lời thề của tổ tiên ông để cả hai chúng ta cùng nhẹ gánh tang bồng, không ai vướng vít ai hết. Ông đồng ý không?
Cha Sông Hương cung kính chấp tay:
- Thưa ôn, đó là tùy ôn.
Người khách lạ ra hiệu cho Sông Hương:
- Cháu đem thanh kiếm Bảo Long lại đây cho tui.
Sóng Hương vâng lời.
Mọi người im lặng, háo hức chờ đợi cảnh tượng mả họ đoán rằng sẽ rất trang trọng. Một lát sau, cô gái cầm thanh kiếm tới, hơi nhún người xuống và hai tay dâng cao thanh kiếm trước mặt khách lạ.. Ông đỡ lấy nó, ngắm nghía giây lát rồi rút mạnh lưỡi kiếm ra khởi bao bằng một thái độ dứt khoát. Ông chỉ ngọn kiếm lên trời, bàn tay run run, cặp mắt ôn nhìn xa xăm như xuất thần. Đúng là chân tướng của dòng dõi đế vương.
Ông nói to và dõng dạc:
- Tui là Nguyễn Quang Học, bốn mươi bảy tuổi. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở Binh Định, tui là chắt gọi vua Quang Trung bằng cố, là cháu gọi vua Quang Toản bằng ông chú. Tui không có tham vọng tranh giành ngôi báu với vua nhà Nguyễn. Tui chỉ muốn sống cuộc đời bình dị của người nông dân. Hôm nay tui bãi miễn lời thề xin theo phò tá của ông Phạm Trầm, là cháu cố của phó tướng Phạm Hào. Kể từ bây giờ, ông Phạm Trầm với tui hoàn toàn bình đảng trước trời đất. Những người đứng chung quanh làm chứng cho việc bãi miễn lời thể của tui.
Ông cung kính cầm gươm bái lạy giữa thỉnh không ba cái, rồi đút kiếm vào trong bao và trả cho Sông Hương:
- Cháu đem cất đi. Từ nay, thanh kiếm là một báu vật của gia đình cháu. Chớ nó không còn là một lời thề của tổ tiên nữa.
Mọi người đứng xem đều thở phào. Giây phút làm chứng đối với họ thật thiêng liêng và khó quên.
Ông Quang Học xoa xoa hai tay vào nhau theo một thói quen cố hữu của người nông dân, nói với cha Sông Hương:
- Bây giờ chúng ta bình đẳng với nhau rồi, mà chúng ta cũng ngang tuổi với nhau nữa, vậy chúng ta gọi nhau bằng "anh" cho thân mật. Anh cho tui mượn cái ghế khác đi. Cái ghế này cao quá, tui ngồi không quen.
Cha Sông Hương vội vàng đổi ghế cho khách.
Sau đó, Phan hỏi cha Sông Hương:
- Bác kể cho tụi cháu nghe hành trình đi tìm con cháu của vua Quang Trung đi. Làm sao bác biết ông Quang Học sống ở Bình Định mà nhờ người tới gặp?
Thùy ủng hộ anh trai:
- Đúng rồi đó bác. Cuộc tìm kiếm của bác chắc là ly kỳ lắm. Kể cho tụi cháu nghe đi bác.
Ông Quang Học nói:
- Tui cũng muốn nghe anh kể chuyện làm sao mà anh kiếm ra tui. Giỏi thật là giỏi. Chung quanh đây toàn là con cháu cả. Anh cứ kể đi.
Cha Sông Hương thân tình mời các bạn trẻ:
- Các cháu ngồi xuống ghế cho đỡ mỏi chân. Tui sẽ kể câu chuyện đi tìm con cháu của vua Quang Trung. Cũng gian khổ lắm đó các cháu.
-------
Vài hôm trước đọc báo thấy thông tin mũ của quan triều Nguyễn được đem đấu giá tận 16 tỷ đồng, trùng hợp là cũng vừa đăng phần truyện này. Mình nghĩ giả sử mà những tình tiết trong bộ truyện này có thật, thì thanh kiếm Bảo Long bây giờ chắc là vô giá 🤣🤣🤣
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top