Chương 39

Bốn bạn trẻ ngồi trên khúc cây to, gần bên gốc thiên bách xòe bóng râm mát rượi. Họ thay phiên nhau kể cho Sông Hương nghe hết mọi chuyện, từ đầu tới cuối. Tới đoạn Thùy đồng ý kết bạn với Hiếu, Sông Hương ngạc nhiên nhìn Thùy. Cô nhướng hàng lông mày lên như có ý hỏi. Thùy nói:

- Hiếu không phải là người xấu. Chỉ vì trình độ dân trí của nước ta bây giờ còn thấp kém lắm. Họ chỉ biết phản ứng theo bản năng, chớ chưa quen phân tích bằng lý trí. Hiếu là kẻ đáng thương hơn đáng trách.

Phan nối lời:

- Tuy ganh ghét với người có hoa tay, Hiếu vẫn ngưỡng mộ người đó, vẫn muốn bái lạy người đó làm sư phụ, để người đó truyền tay nghề cho. Đó là một tính cách muốn vươn tới nghệ thuật.

Châu kết luận:

- Từ bấy lâu nay, quán ông Mười Tân không cướp khách hàng của mẹ bạn, và quán mẹ bạn cũng không cướp khách hàng của ông Mười Tân. Chúng ta hãy duy trì sự cạnh tranh lành mạnh đó. Để chứng tỏ sự cao thượng của mình, Sông Hương sẽ kết bạn với Hiếu. Được không? Chiều nay, khoảng hai giờ, Hiếu sẽ tới đây chơi đó.

Sông Hương nhìn vào bên trong nhà:

- Vì các bạn “chơi” với Hiếu, tui cũng “chơi” với Hiếu luôn. Với tui, không can chi mô. Nhưng tui không biết ý me tui ra răng. Hôm qua, anh họ của Hiếu làm dữ quá. Anh ta phá nát cái quán của me tui. Anh ta chém muốn gãy cái bàn của me tui.

Thùy đặt tay lên tay Sông Hương:

- Chỉ cần chị đồng ý kết bạn với Hiếu là được rồi.

Phần mẹ chị, tụi em sẽ cố gắng thuyết phục cho.

Sông Hương gật đầu:

- Ừ.

Bốn bạn trẻ kéo nhau vào trong. Tài ăn nói của Phan, Châu, Thùy quả là siêu hạng. Bà mẹ của Sông Hương vốn tính rộng lượng, nghe ba anh em giải thích một hồi, bà xiêu lòng và sau đó thì mủi lòng.

Bà thở dài:

- Các cháu nhỏ như rứa mà còn có lòng vị tha, không lẽ tui lớn như ri lại không bằng các cháu. Cho con Sông Hương kết bạn với hắn, biết đâu tâm tính hắn sẽ được hóa cải tốt hơn? Cũng tội nghiệp hắn.

Thùy ve vuốt bàn tay khô ráp nhăn nheo của bà:

- Bác tốt quá. Tụi cháu cảm ơn bác nhiều.

Và đột nhiên trong đầu Thùy nảy ra ý nghĩ sẽ tặng cho bà một ống kem dưỡng da tay hiệu LANA. Chắc bà sẽ vui hơn khi thấy bàn tay mịn màng hơn, mềm mại hơn. Thùy biết được hiệu LANA là do các gian hàng bán mỹ phẩm ở chợ Bình Dương thường xuyên giới thiệu mặt hàng này cho các bà nội trợ. Cô hy vọng sẽ mua được nó dễ dàng trong chuyến đi chợ sắp tới.

Trong bữa ăn trưa, ông Đặng nhìn Phan, Châu, Thùy với vẻ dò hỏi:

- Chiều nay ba đứa giúp ba một việc được không?

Châu hỏi, với một bụm cơm trong miệng:

- Việc gì vậy ba?

Ông Đặng nghiêng đầu nhìn xuống cái chân đau:

- Ba mới bị vấp chân vô cái chống xe Honda. Toác hết nửa móng chân cái. Máu chảy cũng khá nhiều. Có thể chiều nay ba không dẫn đoàn khách vô rừng được. Họ muốn được xem cây cầu dây ngang qua suối.

Phan nói ngay:

- Để tụi con đi cho ba. Ba cứ nghỉ ở nhà cho cái chân đỡ bị nhiễm trùng. Toác móng chân cái đau lắm. Con biết mà. Bữa hổm mẹ con cũng bị...

Phan lỡ lời. Cậu im bặt và cúi mặt nhìn xuống chén cơm.

Bà Phương cũng im lặng, không nói gì, hoặc ra vẻ không nghe.

Thùy vội vàng cất giọng liến thoắng cứu vãn không khí:

- Ba đừng lo. Con sẽ giới thiệu với họ rằng, cây cầu dây này do ông Đặng, chủ Nhà nghỉ Thiên Nhiên, bỏ tiền túi ra xây dựng lại, sau khi cây cầu cũ bị đứt. Con chắc chắn tên ba sẽ được đăng trên báo Tuổi Trẻ, trong mục “người tốt việc tốt”.

Bà Phương tủm tỉm cười, nói theo Thùy:

- Chớ hổng phải sẽ được đăng trong mục “những gương mặt đen” hả? Vì trọng lượng của ông Đặng làm đứt mấy sợi dây mục của cây cầu chớ ai?

Ông Đặng xoa xoa cái bụng:

- Quái thiệt. Sao ba ăn kiêng dữ lắm mà cái bụng “xì thẩu” càng ngày càng phình to. Chắc ba phải ra sông bơi thường xuyên quá.

Thùy nhăn mặt:

- Thôi ba ơi. Sông dơ lắm. Con đề nghị mình xây hồ bơi đi ba. Có hồ bơi, Nhà nghỉ Thiên Nhiên sẽ được xếp hạng bốn sao cho coi.

Thế là câu chuyện về cái hồ bơi làm không khí bữa ăn vui vẻ trở lại. Trước khi trở về phòng nằm nghỉ, ông Đặng nhắc một lần nữa:

- Nè. Làm gì thì làm, nhớ ba giờ chiều là tụi con phải có mặt đó.

Ba bạn trẻ đồng loạt “dạ” ran.

Buổi trưa, trước hai giờ một chút, ba người bạn trẻ đã có mặt tại gian quán tạp hóa của Sông Hương.

Họ không muốn Hiếu nhìn thấy họ từ cầu thang gỗ bước xuống. Họ chuẩn bị kỹ. Nào giấy bóng thủ công đủ màu. Nào kéo nhọn. Nào hồ dán. Và tất nhiên họ không thể thiếu tập sách mỏng ORIGAMI của Thùy.

Thùy cân nhắc thiệt kỹ trước khi quyết định chọn tập sách số hai.

Trong tập này, tác giả hướng dẫn xếp rất nhiều con vật quen thuộc mà chắc chắn người sống ở thế kỷ trước đều biết: Con bướm, con ốc sên, Con thỏ, con chó, con cá, con cá voi, con cáo... Thùy hy vọng Hiếu sẽ không “thần tượng” cô quá đáng nếu cậu ta thấy tận mắt cảnh Thùy rị mọ với từng nếp gấp.

Thùy cũng chỉ là một con người bình thường như cậu ta mà thôi.

Hiếu canh giờ rất chính xác.

Cậu ta xuất hiện trên hiên nhà Sông Hương vào lúc hai giờ năm phút. Phan, Châu, Thùy kín đáo ra hiệu cho Sông Hương. Cô bước ra, nhã nhặn nói với Hiếu:

- Chào bạn. Tui là Sông Hương.

Hiếu đã quen cách giới thiệu về mình rồi:

- Tui là Hiếu.

Sông Hương chỉ vào trong nhà:

- Bạn vô trong nớ đi. Mọi người đã tới đủ rồi.

Hiếu chà chà hai chiếc dép cao su trên nền đất rồi mới dám bước qua bậc cửa. Cậu ta tròn mắt kinh ngạc trước những tờ giấy bóng thủ công khổ lớn được bày la liệt trên tấm phản bằng ván dầu. Cậu ta lào thào không ra tiếng:

- Trời. Giấy đẹp quá. Lần đầu tiên tui nhìn thấy.

Thùy mời mọc:

- Lại đây ngồi đi. Tui sẽ chỉ cho anh và chị Sông Hương cách xếp những con vật mà thiên hạ ưa thích. Nè, nhìn đây. Trước tiên. mình xếp con bướm nghen.

Cô liến thoắng nói với Phan và Châu:

- Hai anh xé giấy ra giùm em đi. Xé thành những hình vuông nhỏ, có cạnh mười phân. Nhanh tay lên. Nhanh lên.

Mỗi một tờ thủ công khổ lớn được chia thành hai mươi hình vuông nhỏ. Thùy phân công cụ thể:

- Hôm nay tụi mình xài bốn màu: xanh dương, xanh lá cây, đỏ và tím. Mỗi người phụ trách xếp một màu. Còn phần em là kiểm tra chung. Nếu ai chậm tay em sẽ trợ giúp. Bắt đầu được chưa? Trước hết, gấp đôi hình vuông lại theo đường chéo như thế này...

Ai nấy chăm chú theo dõi bàn tay Thùy, lắng nghe từng hướng dẫn rất chi tiết của cô. Những ngón tay vụng về đồng loạt lật tờ giấy lên, đồng loạt bẻ tờ giấy xuống. Không gian im lắng như tờ. Hình như chỉ còn tiếng ve kêu râm ran ngoài kia là sống động. Chỉ sau mười bốn thao tác, con bướm xòe cánh được hình thành.

Hiếu run run, tay nâng con bướm giấy lên cao, giọng đứt quãng vì xúc động:

- Tui xếp được rồi nè. Tui không còn phải thức tới tận nửa đêm để mày mò như hồi lúc tui mò ra được cách xếp con cò giấy. Tui xếp thêm một cái được không?

Thùy hào phóng:

- Được. Số giấy này tui tặng chị Sông Hương một nửa, tặng anh một nửa. Tức là mỗi người được mười con bướm cho mỗi màu. Bây giờ tụi mình cứ xếp hết đi. Lát nữa chia ra.

Hiếu ngần ngừ một lát rồi đề nghị:

- Chỉ cần năm con bướm cho mỗi màu thôi. Được không? Số giấy còn lại tui muốn học xếp con khác. Được không?

Thùy bật cười vui vẻ:

- Được chớ. Tiếp theo đây, tụi mình sẽ xếp con cá nghen.

Thùy lật mấy trang sách, tìm chủ đề hướng dẫn xếp con cá. Cô chỉ vào trang giấy, nói:

- Dễ thôi. Những thao tác cơ bản không có gì khác nhau. Trước hết mình xếp hình vuông theo đường chéo ngang dẫn đường chéo dọc để tạo nếp gấp...

Chỉ với mười hai thao tác đơn giản, Con cá được hoàn tất. Nhưng cái đuôi của nó cần dùng tới cây kéo. Thùy cầm mũi kéo nhọn bấm nhẹ ba nhát. Thế là cái đuôi chẽ tư của con cá phất phơ như đang vùng vẫy trong làn nước. Cô chuyền cây kéo cho Sông Hương. Rồi Sông Hương chuyền cho Hiếu. Và những con cá xinh xắn dịu dàng được trang trọng để sang một bên.

Thùy nhìn Hiếu hỏi:

- Hôm nay chỉ học cách xếp hai con vật thôi. Anh thấy được không?

Hiếu phấn khởi:

- Được. Tui rất biết ơn . Bây giờ cho tui xếp xen kẽ con bướm với con cá để tụi ôn bài nghen?

Sông Hương gật đầu:

- Tui cũng vậy. Không ôn bài là tui quên hết.

Đồng hồ chỉ ba giờ, Phan huých nhẹ Châu:

- Tụi mình về thôi. Còn nhiều bài phải học ở nhà lắm.

Thùy hưởng ứng:

- Đúng rồi. Em không muốn thay cho em zê-rô điểm đâu. Nhưng trước khi ra về, em chia lại số giấy kẻo hai người uýnh nhau chí chóe, thì chẳng có ai can đâu. Nè, chị Sông Hương phần bên này. Anh Hiếu phần bên này. Sau khi xếp xong, mỗi người sẽ có tổng cộng là hai mươi con bướm và hai mươi con cá. Công bằng rồi hén?

Hiếu toét miệng cười với vẻ mãn nguyện:

- Công bằng. Các bạn bận thì cứ dzìa đi. Tui sẽ ở lại đây với Sông Hương. Hai đứa tui cùng làm với nhau. Đứa này quên bài sẽ có đứa kia nhắc.

Ba người bạn trẻ đứng lên. Sông Hương tế nhị đi tới đóng chặt cánh cửa bằng phên ăn thông với phòng trong, để lát nữa Hiếu không nhìn thấy ba bạn rón rén bước lên cầu thang gỗ để lên gác xép.

Ra tới ngoài, Thùy còn ngoái đầu nhìn lại. Hình ảnh Sông Hương và Hiếu ngồi bên nhau, xếp những con vật bằng giấy, làm Thùy cảm động. Cô ước mình có thể giúp đỡ các bạn trẻ sống ở thế kỷ trước nhiều hơn nữa, mong có thể xóa đi những mặc cảm người dân nhược tiểu da vàng của họ.

Trở về nhà, Châu chỉ vào nguyên bộ ORIGAMI sáu tập của Thùy và nói:

- Làm sao em có thể chỉ cho họ xếp hết những con vật này? Nhiều quá trời. Mà tụi mình đâu có rảnh rang hoài, còn phải giúp đỡ ba mẹ nữa. Thí dụ như chiều nay tụi mình dẫn khách đi tham quan chắc tới tối quá.

Thùy lắc đầu:

- Em đâu có ý định ngồi chỉ cho họ xếp từng con vật. Em sẽ đem nó đi phô-tô ra hai bộ khác. Cho mỗi người một bộ. Châu chìa những dòng chữ in nhỏ ở trang cuối cho Thùy thấy:

- Nè, nộp lưu chiểu tháng bảy năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu đó nghe cô nương.

Phan xòe bàn tay che lên những dòng chữ đó:

- Mình biểu thợ phô-tô che một chút xíu là xong. Ba mươi giây thôi. Hiếu là người thông minh, khéo tay và có óc sáng tạo. Mình hy vọng khi có bộ sách của Thùy trong tay, cậu ta sẽ có dịp phát huy tài năng của cậu ta. Cậu ta xứng đáng được hưởng nền giáo dục tiến bộ như tụi mình, chớ không chỉ ngồi tập viết trên những trang giấy đen thui, xù xì, với cây bút chì phải ngậm nước miếng mới viết ra nét chữ.

Châu chống chế:

- Thì mình có nói gì đâu. Nói chung là mình ủng hộ.

Thùy đua nguyên bộ ORIGAMI sáu tập cho Châu, cười tươi tắn:

- Anh ủng hộ hén? Vậy sáng sớm mai anh xách xe đạp đi phô-tô giùm em nghe? Phô hai bộ. Bằng tiền của anh, được không?

Chầu ngước mặt lên trần nhà, đảo tròng mắt, tỏ vẻ hoàn toàn bại trận trước chiến thuật “mật ngọt chết ruồi” của cô em gái lém lỉnh. Phan cười hà hà rồi hối thúc:

- Ba chờ tụi mình kìa. Sẵn sàng hết chưa?

Châu và Thùy cùng trả lời:

- Sẵn sàng.

Tất nhiên Châu mang theo máy chụp hình và Thùy mang theo cái mũ rơm rộng vành. Sự ám ảnh của Thùy về việc cứt chim rớt xuống đầu cho thấy Thùy đã từng trải qua một kinh nghiệm nào đó. Phan nghĩ thầm trong đầu vậy thôi, chớ cậu không hỏi thẳng đứa em gái. Cậu sợ những cái nhéo đau điếng vào hông lắm.

Cây cầu dây bắc qua con suối mới được làm xong vài ngày nay. Đó là một loại hình sáng tạo độc đáo, toàn bộ cây cầu đều bằng dây thừng bện lại.

Không có một chút tre gỗ, hay xi măng cốt thép gì hết.

Thiệt ra, đó là ý kiến của ủy ban xã, họ muốn Nhà nghỉ Thiên Nhiên đóng góp một phần vào công cuộc tái tạo những cảnh đẹp của địa phương. Ngay từ đầu, khi ông Đặng trình giấy phép đăng ký kinh doanh nhà nghỉ và du lịch cho xã, ông chủ tịch đã nói khéo về chuyện xây dựng lại cây cầu dây. Ông ta hứa hẹn, nếu ông Đặng bỏ tiền ra xây dựng cây cầu dây thì nhân dân của xã sẽ biết ơn ông Đặng lắm lắm. Ông ta còn hứa họ sẽ đổi tên cũ thành tên mới: cầu dây ông Đặng...

Nhưng suy nghĩ của ông Đặng có phần “kinh tế thị trường” hơn. Nó sẽ là một điểm tham quan độc quyền của Nhà nghỉ Thiên Nhiên. Chỉ sau vài năm khai thác kinh doanh, chắc chắn ông Đặng sẽ lấy lại được số vốn đã bỏ ra. Làm chuyện công ích cho xã không hề lỗ một chút nào. Chính vì lý do đó mà cây “cầu dây ông Đặng” hình thành.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top