Chương 35
Một lần nữa, những con rái cá giấy đủ màu khuấy động cuộc sống yên tĩnh của dân làng. Người có nhu cầu tới mua đồ đã đành, người không có nhu cầu cũng tới đúng lóng nhóng ngoài cửa, để ráng nhìn cho bằng được.
Rái cá là loài vật gần gũi với cuộc sống người dân ở đây, bởi vậy, ai cũng muốn có một món đồ chơi hình rái cá để ẵm bồng, ôm ấp. Nhưng vì chỉ có tám con rái cá thôi, bà mẹ Sông Hương bèn thông báo:
- Người mô mua trên mười lăm xu sẽ được tặng một con rái cá.
Chưa tới kỳ lãnh lương nên người dân đành chịu nhịn thèm. Họ chỉ mua dăm ba xu đồ, tay nhận con cò giấy mà mắt nhìn chăm chăm những con rái cá treo trên cao. Sông Hương nghĩ tội cho họ quá. Cô bèn lẽn chui qua chiếc gương thời gian, cặm cụi ngôi một mình trong hai tiếng đồng hồ, xếp thêm mười hai con rái cá. Và chỉ nội trong ngày, tổng số hai mươi con rái cá giấy đã được đem tặng hết.
Bà mẹ Sông Hương bắt đầu thắc mắc, kêu cô con gái vô phòng trong hỏi nhỏ:
- Mấy cái thứ nớ ở mô ra vậy con? Ai cho con rứa? Loại đồ chơi bằng giấy rất mắc tiền, mà giấy nớ là giấy của Tây, vì người Việt mình làm chi mà có được loại giấy đẹp như ri? Con cứ nói thiệt cho me biết.
Sông Hương trả lời khéo léo:
- Ba người bạn của con học trên trường huyện, nhà họ giàu có lắm me ơi. Giấy ni là nhà trường phát không cho họ, để họ thực hành môn học thủ công. Học đi đôi với hành mà me. Thực hành xong là họ bỏ. Nhưng thay vì bỏ thì họ cho con.
Bà mẹ Sông Hương yên tâm trong bụng, nhưng hơi nuối tiếc:
- Rứa là các bạn còn thực hành môn thủ công, tập xếp hình con cò với con rái cá. Khi mô họ học xong môn thủ công thì họ hết cho con luôn, phải không?
Sông Hương gật đầu. Bà mẹ thở dài:
- Uổng hỉ. Phải chi me có nhiều tiền, cho con lên học trên trường huyện thì con cũng biết xếp giấy như họ.
Sông Hương cười tủm tỉm một mình. Cô nghĩ bụng: cần chỉ học trường huyện cho tốn tiền hả me? Con không học trường huyện mà cũng biết xếp giấy
rồi. Mấy con rái cá nỉ là do tay con xếp đó mẹ ơi...
Nét mặt bà mẹ Sông Hương vui vẻ, tươi tắn hẳn hơn khi trò chuyện với khách hàng. Nhìn bà, trong lòng cô gái rộn lên một niềm cảm kích. Cô khẽ nói thầm:
- Phan ơi, tui cảm ơn Phan nhiều lắm hỉ. Lúc nào tui cũng nghĩ tới Phan...
Mặt Sông Hương chợt ửng hồng. Ấy chết, tại sao cô chỉ nghĩ tới Phan thôi? Bất công rứa? Còn Châu và Thùy nữa chi? Châu và Thùy cũng giúp cô rất nhiều. Giúp nhiều nhiều lắm. Cô biết ơn họ lắm. Nhưng... nỗi mong đợi, niềm nhớ nhung, cô chỉ dành cho riêng Phan mà thôi, người bạn trai đầu tiên của cô.
Sông Hương cầm một con cò giấy lên, ngắm nghía và đầu óc mơ màng. Phải rồi, tình cảm của cô đã dành trọn vẹn cho Phan. Vậy cô có sai không?
Cho tới chiều thì Hiếu - Con trai ông Mười Tân - chẳng biết xoay xở làm sao mà cậu ta mượn được một con rái cá giấy của Sông Hương. Cầm nó trong tay, cậu ta xoay đi xoay lại, xem xét nhiều lần, trong bụng thầm cảm phục. Dù người xếp con rái cá này là ai, hẳn họ rất thông minh, tinh tế và hết sức khéo tay. Lòng cậu ta dấy lên ý muốn được kết bạn với người đó.
Con rái cá được xếp bằng loại giấy bóng, nâu - y hệt loại giấy xếp con cò đợt rồi. Hai cái vây
trước của nó nhu nhú, chia ra, như một đứa bé nhõng nhẽo đòi mẹ nó ẵm. Cái đầu thì giống như thiệt. Không thể nhìn lẫn nó với bất cứ con vật nào. Hai cái vây sau của nó như đang lết lết bên bờ suối. Đẹp quá! Đẹp không thể tả nổi!
Sau gần một buổi chiều đánh vật với con rái cá mẫu, hết gỡ giấy ra, rồi xếp giấy lại, cuối cùng tự tay Hiếu đã xếp được một con rái cá đầu tiên. Cậu ta đem hình mẫu đi trả và trưng dụng tất cả loại giấy đẹp trong nhà để "sản xuất" hàng loạt loại thành phẩm mới.
Khách hàng của ông Mười Tân hân hoan đón nhận quà tặng này, nhưng còn vài ý kiến chê bai lọt vào tai Hiếu, rằng giấy xấu xí quá, lem luốc quá,rằng không có màu sắc nào khác, chỉ toàn ba cái chữ viết ngoằng loèo ngoèo.
Mười Tân cười xuề xòa với họ:
-Cây nhà lá vườn mà. Thằng Hiếu tự nó mày mà xếp được món đồ chơi của Tây thì khá gắt đi. Còn ở quán mụ Huế, mụ ta xài giấy Tây quá sang. Tui không có khả năng chơi sang như mụ ta được.
Nhung Hiếu tức lắm. Tại sao lại không chơi sang như bà người Huế được? Bà ta đâu phải là dân sang? Cậu ta nghe nói là người Huế buôn bán rất tình cảm không ham lời nhiều. Bán được bán một món đồ, bà ta chỉ lời từ nữa xu đến một xu. Một số người than phiền nếu cổ phiếu ăn lời nhiều quá. Mà Hiếu cũng phải công nhận điều đó.
Nếu vậy thì bà người Huế không phải là dân sang rồi. Nhưng nếu bà ta dám xài giấy đẹp, thì ta thằng Hiếu cũng dám xài giấy đẹp. Có điều là... mua loại giấy này ở đâu? Ở chợ nào? Hoặc ai cung cấp hàng cho bà ta? Hiếu chịu thua. Đành phải hỏi thẳng bà ta thôi. Mà muốn gặp bà ta, chỉ có một cách là phải tới đó để giả bộ mua một món hàng nào đó.
Hiếu lội bộ qua làng bên, tới nhà Sông Hương, thong thả bước vào quán như một khách hàng thiệt sự. Trong lúc mẹ Sông Hương tiếp chuyện với vài người khác tới trước, cậu ta đứng nấn ná cách vài thước để quan sát.
Gian quán bày biện đơn sơ. Hàng hóa lèo tèo vài chục món, không thể nào quy mô bằng gian quán của tía thằng Hiếu được. Nghe loáng thoáng câu chuyện, Hiếu so sánh thấy bà ta bán món gì cũng rẻ hơn tía cậu ta thiệt. Một xâu khô rái cá, ở đây chỉ có mười sáu xu, tia cậu ta bán tám hoặc mười chín xu. Một cân gạo, ở đây bán mười xu, tía cậu ta bán mười hai xu.
Nhung thu hút sự chú ý của Hiếu chính là những con vật được xếp bằng giấy. Bầy cò giấy và bầy rái cá giấy được treo thật trang trọng trên mấy sợi dây thép giăng chéo qua căn phòng. Loại giấy bóng loáng, đủ màu sắc đẹp cực kỳ, sang trọng cực kỳ. Có thể nói Hiếu chưa từng thấy tận mắt loại giấy này bao giờ.
Khách hàng về hết rồi mà Hiếu chẳng hề để ý. Cậu ta mải mê ngắm nghía từng con thú một. Phải công nhận nghệ thuật xếp giấy của người này đáng bậc sư phụ. Một lần nữa, Hiếu khao khát muốn làm quen với người này, để được làm quen với người này, để được học nghề tới nơi tới chốn. Vì cậu ta biết nay mai thôi, người đó sẽ tung ra một kiểu xếp giấy mới.
Giọng Huế của mẹ Sông Hương êm ái vang lên:
- Nì, con muốn mua chi rứa con?
Hiếu giật mình, tiến lại gần bà mẹ, chìa mấy xu tiền ra:
- Bán cho tui hai cây viết chì loại tốt với một tệp giấy để tập viết cùng loại tốt.
Mẹ Sông Hương nhận ra Hiếu. Bà hỏi ngay:
-Răng con phải qua bên ni mua đồ? Ở quán nhà chỉ con không có à?
Hiếu ngượng nghịu vì bị nhận mặt. Cậu ta lí nhí:
- Quán tía tui hết rồi. Mà tui cần rất gấp.
Mẹ Sông Hương để xuống bàn hai cây viết chì và một tệp giấy. Bà nói:
- Tất cả năm xu. Chừ con muốn được tặng con cò, hay con rái cá?
Hiếu hơi rụt rè:
- Tui thích con rái cá. Được không bà?
Mẹ Sông Hương mỉm cười:
- Được chớ. Con thích màu chi? Hiếu đưa mắt nhìn một lượt bầy rái cá trên sợi dây thép. Màu nào cũng đẹp. Màu nào cậu ta cũng muốn lấy. Cuối cùng cậu ta thở dài sau khi quyết định:
- Dạ, màu xanh dương.
Với năm xu, nếu mua tại quán của ông Mười Tân thì chỉ được một tệp giấy và một cây viết chì thôi nha. Nhưng mua ở đây thì Hiếu được hai cây viết chì. Cậu ta không hiểu sao người dân ở làng cậu ta hằng ngày vẫn trung thành với ông Mười Tân. Hay là vì họ làm biếng lội bộ gần một cây số? Sang năm, nếu tía cậu ta cất một cái quán chạp phô khác
cho cậu ta ra riêng, thì Hiếu sẽ ăn lời vừa phải thôi.
Cầm tệp giấy để tập viết trên tay, Hiếu săm soi rồi ngập ngừng:
- Bà bán cho con loại giấy tốt nhứt phải không bà?
Mẹ Sông Hương cam đoan:
- Loại giấy tốt nhất đó con.
Hiếu đặt con rái cá nằm trên tệp giấy vàng ngàn ngà, chìa ra cho bà mẹ coi:
- Bà coi nè, so với loại giấy mà bà xếp con rái cá này, thì giấy để tập viết xấu ỉn hà. Tui muốn mua này nè! Bà có bán loại giấy bóng nhiều màu sắc giống như dzầy hông?
Mẹ Sông Hương bối rối:
- Bác không có bán loại giấy ni.
Hiếu hỏi tới:
- Vậy bà mua giấy này ở đâu, bà chỉ tui biết để tui mua với. Tui thích xài loại giấy này. Giấy tốt thì mắc tiền mấy tui cũng mua được.
Mẹ Sông Hương cười trừ:
- Sao con không hỏi cha con? Ông ấy rành lắm mà. Bác không đi mua bán loại giấy ni, nên bác
không biết ở chỗ mô có bán. Của con gái bác đem về nhà thôi.
Hiếu hỏi dò:
- Vậy con gái bà làm việc cho... Tây hả? Chỉ có Tây mới xài loại giấy này.
Bà mẹ lắc đầu:
- Con gái bác mới trạc tuổi con, răng nó làm việc cho Tây được?
Hiếu vẫn cố gắng mọi thông tin cho bằng được:
- Chẳng lẽ con gái bà có cái đũa thần? Mỗi muốn có giấy xếp hình con cò, con gái bà vung đũa thần lên, thế là giấy đẹp hiện ra?
Bà mẹ Sông Hương cảm thấy khó chịu:
- Răng con hỏi cắc cớ rứa? Mua xong rồi thì con tránh ra cho bác bán hàng với.
Hiếu lằng nhằng không chịu thua:
- Tui nhất định muốn mua loại giấy này, nên tui phải hỏi cho ra chỗ bán để tui đi mua. Bà có giấy đẹp trong nhà mà bà không chịu chỉ cho tui nghĩa là sao? Có phải bà xấu bụng, muốn cạnh tranh với tía tui không?
Mẹ Sông Hương đành giải thích:
-Bác không chỉ cho con vì bác không biết. Nì, nghe bác nói nì. Bác không xấu bụng, bác không cạnh tranh với ba con. Con gái bác hắn có ba người bạn thân. Hai trai một gái. Họ học trên trường huyện. Họ thường mua giấy đẹp trên huyện để tập xếp giấy cho môn thủ công. Xếp xong, họ cho con gái bác treo chơi, cho đẹp nhà đẹp cửa. Vì nhiều quá, congái bác muốn tặng lại cho khách hàng, chớ hắn không có ý chi hết.
Hiếu hài lòng. Ít ra thì cậu ta đã biết xuất xứ của loại giấy đẹp này.
Thì ra họ mua loại giấy mắc tiền này trên huyện. Nhưng có chắc là họ mua không? Chẳng ai ngu bỏ hàng đống tiền ra mua giấy đẹp để rồi đem cho không kẻ khác. Chắc chắc trong vụ này có chuyện gì đó không được minh bạch lắm.
Mà nếu nó thiệt sự không minh bạch, thì bàn tay Hiếu sẽ đưa nó ra trước thanh thiên bạch nhật.
--------------------------------------------
Mới đó mà từ lúc mình bắt đầu đăng truyện tới đã hơn 3 năm rồi!
Lâu quá rồi phải không mọi người? Không biết các bạn còn theo dõi bộ truyện này không nữa?
Trưa nay mình mới nhận được trọn bộ truyện, lúc đó mình vui lắm, đắn đo mãi mới dám đọc tập cuối, đọc xong rồi cảm xúc khó tả lắm. Mình sẽ cố gắng để đăng hết bộ truyện này. Lúc trước mình có đăng thiếu chương 32 và đã bổ sung, bạn nào chưa đọc thì đọc nhé. Hy vọng các bạn sẽ đồng hành cùng mình đến tập cuối của truyện!
Các bạn vẫn còn đọc truyện đến đây nhớ bấm bình chọn ( nút ngôi sao) hoặc bình luận cho mình biết hỉ! Mong nhận được phản hồi từ các bạn ❤
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top