Chương 28
Dì Ngọc ẩn mình sau một thân cây, rình rập căn lều rách mướp nằm chơ vơ giữa một bãi đất trống. Hồi mới tới, từ xa, dì Ngọc đã thấy thần tượng lực sĩ của mình xách giỏ đệm đi khỏi. Không biết ổng đi đâu và đi trong bao lâu thì về. Không biết ổng đi bắt lũ rái cá hay đi bán những tấm da rái cá.
Nghĩ tới da rái cá, dì Ngọc bĩu môi bất cần. Tưởng ổng đòi "tiền Cụ Hồ" thì mấy tờ xanh dì cũng có, đằng này ổng đòi tiền xu. Trời đất chịu nổi không? Xu ở đâu ra mà trả cho ổng? Mà cái tật của dì là vầy nè: ăn cắp đồ của người khác thì chịu, còn ăn cắp tiền của người khác thì dứt khoát không! Không là không! Thà ăn cắp đồ, lương tâm hổng có bị cắn rứt miếnh nhỏ nào.
Bởi vậy dì Ngọc đứng rình ở đây, để lát nữa chui vô lều của ổng, ăn cắp hết mấy tấm da rái cá, không chừa lại một tấm cho đáng đời ổng.
- Nhưng nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại, ăn cắp đồ đạc của thần tượng liệu có được không? ỔNG đâu có lỗi gì trong vụ này? Sống trong thời đại mà người ta xài tiền xu thì ổng phải xài tiền xu theo. Vả lại, đột nhiên dì Ngọc không còn ham muốn mấy tấm da rái cá vô tri nữa, mục tiêu của dì là phải chinh phục thần tượng lực sĩ. Phải đốn gục ổng bằng tình yêu nóng hổi của dì. Phải chiến thắng cho được con tim chau đá của ổng. Phải chiến thắng! Chiến thắng! Chiến thắng!
Thế là dì Ngọc ngồi chồm hổm thu lu sau gốc cây, chờ đợi. Và thần tượng đã trở về kìa. Cái giỏ đệm phồng phồng, và trên miệng giỏ thò ra ... vài cọng rau xanh xanh. À, ổng đi chợ chớ không phải đi săn rái cá. Cha, mua có một bó rau mà tướng đi dũng mãnh dữ.
Dì Ngọc muốn dành cho ổng một bất ngờ. Khi ổng còn cách căn lều khoảng mười thước, dì rời khỏi chỗ núp và xông ra chặn đường ổng. Dì đứng nghiêng nghiêng, bẹo người và bẻ ngón tay dựa theo kịch bản cải lương của đoàn Trần Hữu Trang. Dì chớp chớp mắt nhìn ổng và cất giọng thanh tao:
- Anh Hãi Hùng, mới đi chợ dzề đó hả?
Thần tượng giựt mình, đứng im như trời trồng. Dì Ngọc tưởng ổng sẽ mừng rỡ, mau mau mời dì vô trong nhà và rót nước cho dì uống. Nào ngờ, ổng thả phịch cái giỏ đệm xuống đất, lùi lại mấy bước và lắp bắp:
- Không... đừng ám tui nữa... tha cho tui đi...
Và thần tượng quay đầu bỏ chạy một mạch!
Nét mặt dì Ngọc quạu đeo. Dở cái chiêu bỏ chạy ra một lần nữa là hổng xong với tui nghen. Tối hôm trước tui tha, không dám rượt theo vì tui... sợ ma. Còn bây giờ tui rượt theo tới cùng. Coi thử dám chạy tới đâu.
Dì Ngọc gân cổ, rống lên một tiếng sát thủ rồi lịch bịch chạy theo thần tượng. Tiếng rống của dì Ngọc xé rách một bầu trời yên tĩnh của khu rừng vắng. Bầy chim nháo nhác bay lên cao, chúng liệng tròn từng vòng trong tâm trạng hoảng hốt, không biết quái vật nào vừa mới xuất hiện nơi đây.
Ông Hãi Hùng tăng tốc lên khi nghe tiếng chân người lịch bịch chạy theo. Ông tự hỏi mụ điên này muốn gì nơi mình? Hỏi mua bốn tấm da rái cá rồi hổng chịu mua, hổng chịu trả một xu nào hết. Mỗi lần gặp mình, mụ điên cứ nhe hai hàm răng đòi cắn mình, nhe móng tay nhọn hoắt đòi cấu xé mình. Bây giờ mụ điên quyết bám theo mình không rời, quyết sống mái với mình. Chết cha thiệt!
Một sáng kiến nảy ra trong đầu ông Hãi Hùng. Nghe thầy lang nào đó nói, người điên rất sợ nước, cả đời họ không bao giờ tắm rửa. Vậy thì mình sẽ áp dụng mưu mẹo này, biến nhược điểm của mụ điên thành ưu điểm của mình.
Ông Hãi Hùng chạy quành qua tới một bụi cây um tùm, mọc thâm thấp để hướng tới bờ suối. Dì Ngọc muốn cắt ngang đường tắt để chặn đầy ổng, nhưng chỉ sợ bụi cây um tùm che khuất ổng, làm dì mất dấu ổng. Thế là dì vừa thở hồng hộc vừa ráng chạy theo lối ổng, quành qua bụi cây rậm rạp đó.
Ngay trước mặt dì, thần tượng lực sĩ phăm phăm lao tới bờ suối và phóng mình nhào xuống. Dì Ngọc la to lên:
- Đừng. Tui không muốn anh chết! Đừng bỏ tui! Hãy sống với tui!
Nhưng thần tượng vẫn còn sống sờ sờ trước mắt dì Ngọc. Hai tay ổng quạt nước ầm ầm và chỉ vài phút sau, ổng lội lên bờ rồi tiếp tục chạy thẳng. Ổng không thèm quay đầu lại nhìn, mặc kệ dì Ngọc đứng bên kia bờ suối tru tréo chửi bới.
Chửi thì chửi, cặp mắt dì Ngọc nhìn không chớp vào thân hình su-mô bự bành ki loang loáng những giọt nước của thần tượng. Dì thôi chửi để há miệng thở dốc cho đã, không hiểu thần tượng có bất bình thường không, có bị "ô môi" không. Dì nghe nói dân "ô môi" chỉ thích kẻ cùng phái chớ không thích kẻ khác phái. Chẳng lẽ một trăm năm trước mà cũng có loại người này hay sao? Dì nhất định phải tìm hiểu điều này, và chỉ còn mỗi một cách là hỏi thẳng con bé Sông Hương cho tiện!
Lên gác xép của Sông Hương, không thấy cô gái đâu hết, dì Ngọc bèn chui qua mặt gương thời gian để quay trở về hiện tại. Ngồi phịch xuống cái ghế xoay êm ái của mình, dì Ngọc thở phào nhẹ nhõm. Nãy giờ dì trốn đi dã ngoại có chạy ma ra tông. Cũng xứng đáng với bốn mươi phút vàng ngọc của dì đó chớ.
Nhu cầu cần tâm tình với người nào đó đột ngột trỗi dậy trong lòng dì Ngọc, và dì cầm cái điện thoại lên...
Trong thời gian dì Ngọc trốn đi chơi, Sông Hương cùng ba anh em Phan, Châu, Thùy đi thăm quan bến sông và cuối cùng họ quay trở về chăm sóc con Suối Đá. Nó cảm thấy đói bụng nên bắt đầu kêu the thé trong nhà kho. Vừa kịp lúc Thùy cầm hộp sữa đậu nành chạy tới. Theo sau là Phan, Châu và Sông Hương.
Con Suối Đá đã quen với cách uống sữa mới mẻ này. Nó hả miệng đợi Thùy đổ sữa vô là nuốt ừng ực. Sáng nay nó làm sạch hai phần hộp, cái bụng nó tròn ủm lên như một trái banh ten-nít. Thùy giơ hộp giấy lên cao, soi qua ánh nắng để tìm mực sữa còn lại. Cô mừng rỡ nói như khoe:
- Hôm nay nó uống nhiều hơn hôm trước nè. Chứng tỏ nó đang lớn và sức ăn của nó tăng lên. Chà, vài tuần nữa thôi, nó sẽ trở thành một thanh niên rái cá cường tráng. Nó sẽ lớn bằng một con rái cá thiệt sự trong lòng suối.
Phan thấy con rái cá có lớn lên gì đâu, hình như nó cũng nhỏ xíu giống hệt hôm trước mà thôi. Cậu thắc mắc:
- Tới lúc đó nó sẽ ở đâu? Chẳng lẽ nó ở mãi trong cái thùng sắt này? Hay em sẽ nhờ ba xây cho nó một hòn non bộ ở sân sau?
Thùy vẫn còn tâm trạng phấn khởi:
- Nó ở đâu cũng được. Người ta nói ăn thì nhiều, chớ ở đâu có bao nhiêu!
Châu vin vô câu nói của cô em gái:
- Đúng, con Suối đá ở chỗ nào cũng được, miễn chỗ đó có nước mát. Bây giờ chúng ta đem nó phơi nắng được chưa? Phơi nắng ở đâu đây?
Thùy chỉ ra cái sân trước lót gạch tàu đầy ánh nắng mai:
- Ở trên gạch cho sạch, kẻo nó bò lết dưới đất bụi một hồi dơ hết trơn bộ lông của nó.
Châu cười khà khà:
- Cũng được, nhưng em chẳng biết gì về bộ lông của nó cả. Khi lông khô ráo, nó chỉ cần lắc người vài cái là sạnh bóng ngay.
Cậu ta bợ con Suối Đá ra khỏi cái thùng sắt, đi về phía sân trước và thả nó xuống nền gạch tàu. Cảm nhận được ánh nắng ấm áp dưới bụng và trên lưng, con rái cá nhỏ khoái chí quá kêu the thé lên năm bảy tiếng chói tai.
Dì Ngọc từ bên trong lật đật chạy ra, tới chỗ bốn bạn trẻ:
- Chời, chời! Cái gì dzậy? Tiếng gì kinh khủng dzậy? Thì ra là "con ma râu ria" hôm trước! Bộ đồ da "ảo" của tao! Ban ngày nhìn nó cũng không tới nỗi xấu xí lắm, nhưng ban đêm sao nó ghê gớm quá hén.
Nhìn thấy Sông Hương ngồi bó gối trên hàng hiên, dì Ngọc bắn liên thanh liền:
- Ê, Sông Hương nè, thời của mày, người ta có mắc bệnh "ô môi" không dzậy? Tức là bệnh đồng tình luyến ái đó? Có hay không? Ông Hãi Hùng của mày, kẻ đồ tể của bọn mày, thần tượng của tao, ổng có mắc bệnh "ô môi" không?
Sông Hương ngớ người ra nghe dì Ngọc nói, cô không hiểu mô tê chi hết. Cô quay sang Phan, Châu, Thùy để cầu cứu. Châu nhăn nhó:
- Dì Ngọc có bị sao hông dzậy? Dì hỏi bạn cháu mấy câu mà cháu nghe không lọt lỗ tai chút nào. Ở đây ra chuyện "ô môi" vậy? Lại còn chuyện đồng tính luyến ái nữa. Thời đó, người ta còn chưa biết tới bịnh bạch cầu, uốn ván, ho gà... Nói gì tới mấy cái vụ này?
Dì Ngọc phân bua:
- Tao có bị sao đâu. Tao tỉnh mà. Nhưng tao tức ông Hãi Hùng của nó, là kẻ đồ tể của mày, là thần tượng lực sĩ của tao kìa. Mỗi lần thấy tao, gặp mặt tao, nghe tao nói... là ổng bỏ chạy thục mạng. Ổng là con người hết sức bất thường. Bởi vậy tao mới hỏi nó coi có phải ổng bị " ô môi" không.
Phan nhe răng cười hì hì, quay sang Sông Hương thông dịch lại:
- Như vầy nè, dì Ngọc của tụi mình rất ái mộ chú Hãi Hùng của bạn, như ai hình như tần số của ổng khác tần số của dì cho nên ổng bắt không trúng đài dì. Bạn sẽ giúp dì tìm hiểu xem lý do tại sao.
Sông Hương ngơ ngẩn:
- Tần số là cái chi? Đài là cái chi? Tui không hiểu.
Thùy cười nắc nẻ, giải thích lại lần nữa cho Sông Hương nghe:
- Dì Ngọc của em "tình thương mến thương" với kẻ đồ tể. Nhưng hình như ổng rất sợ dì, mỗi lần thấy dì là ổng bỏ chạy như thằng khùng. Chị Sông Hương hỏi giùm xem lý do tại sao ổng làm như vậy. Bây giờ thì chị hiểu chưa?
Sông Hương gật đầu:
- Tui hiểu rồi.
Cô gái nói với dì Ngọc:
- Khi mô con hỏi xong, con sẽ trả lời cho dì biết. Chú Hãi Hùng nhìn rứa mà hiền lắm, chú không hề làm hại ai.
Châu nói nhỏ nhưng nghe rõ mồm một:
- Chỉ tàn sát những con vật nhỏ bé đáng thương thôi.
Dì Ngọc quay qua rầy cậu ta:
- Mày khó chịu quá. Nghề nghiệp của người ta, mày cản làm sao được? Nông dân trồng khoai trồng lúa thì ngư dân bắt tôm đánh cá. Thiên nhiên chỉ có một nhiệm vụ là phục vụ cho loài người. Nếu có một loài thú nào đó chuyên môn ăn "thịt người", mày có cấm cản được chúng khi bao tử chúng đói sôi lên không?
Châu không cãi, mặt mũi cậu ta xụ xuống nặng chình chịch nhìn rất xấu xí. Dì Ngọc đặt nhẹ tay lên vai Sông Hương ra chiều tha thiết:
- Hỏi xong rồi trả lời cho tao biết nghe, để con tim tao đỡ thổn thức.
Nói xong dì Ngọc quày quả đi vô trong. Châu lầu bầu:
- Người dzậy mà cũng biết "yêu" nửa hả. Tưởng đâu trong trái tim thịt của bả chỉ có mỗi chữ "ăn" chớ đâu có chữ "yêu".
Phan nín cười, nhìn Châu lắc đầu:
- Cậu cực đoan quá Châu ơi. Có người nào mà không biết yêu không? Tình yêu có từ thời ông Ađam và bà Êva. Rồi sau đó ... Lạc Long Quân yêu Âu Cơ từ cái nhìn đầu tiên. Và Mỵ Châu yêu Trọng Thủy. Gì nữa hè... Sơn Tinh yêu Mỵ Nương. Còn bây giờ thì... dì Ngọc yêu kẻ đồ tể - dù đó là tình yêu chớp nhoáng thời kinh tế thị trường da rái cá.
Sông Hương nhăn mặt:
- Phan ơi, bạn nói mấy câu đầu tui còn hiểu, tới câu cuối, tui không hiểu chi hết, chi mà kinh tế thị trường?
Thùy huých vào hông Sông Hương:
- Kệ mấy ổng đi, ông nào ông nấy đều khoái nói năng linh tinh như vậy đó. Thôi chúng ta cho con Suối Đá phơi nắng đủ rồi há. Em ẵm nó vô nhà kho đây, nó buồn ngủ rồi kìa. Coi nó nằm lim dim cặp mắt thấy thương ghê hông!
Đóng cửa nhà kho, ba anh em tiễn Sông Hương về nhà. Cô gái nhoẻn miệng cười thật tươi, vẫy tay từ giã và chui qua bên kia chiếc gương thời gian. Mặt gương lung linh nhòe nhoẹt khoảng mười lăm giây rồi trong sáng rực rỡ trở lại như cũ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top