Chương 14
Khi ba bạn trẻ lẻn lẻn xuống cầu thang, dì Ngọc đi chợ Bình Dương vẫn chưa về. Quầy tiếp tân vắng tanh. Mấy cuốn tạp chí thời trang nhiều hình ảnh của dì Ngọc nằm lăn lóc trên bàn.
Thùy chạy vô bếp tìm bà Phương:
- Mẹ ơi, dì Ngọc đâu mất rồi?
Bà Phương nhìn cô con gái rượu, quở trách bằng giọng mắng yêu:
- Chà, con gái con đứa, đi chơi sao không đội nón? Coi kìa, mặt mũi đỏ lơ đỏ lững. Tới ngày nhập học là mẹ không cho đi chơi nữa đó!
Thùy nhõng nhẽo:
- Hết hè thì anh Phan cũng quay về thành phố, tụi con biết đi chơi với ai? Nhưng con hỏi mẹ là dì Ngọc đi đâu?
Bà Phương đưa cái khăn trắng tinh cho Thùy:
- Dì Ngọc đi chợ mua bánh bao và thịt heo quay cho mẹ. Sáng mai đoàn khách đòi ăn điểm tâm theo kiểu Đài Loan đó mà. Con lau dùm mẹ mớ dĩa trên bàn đi.
Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, dì Ngọc từ ngoài sân lơn tơn bước vào trong nhà. Hai tay dì xách mấy cái túi căng phồng.
Dì Ngọc làm mọi người bất ngờ với mái tóc đen nhánh giấu dưới vành nón lá Huế. Móng chân móng tay của dì bôi sạch hết nước sơn, để lộ nguyên hình là những nải chuối với mấy trái chuối hột mập mạp ngắn ngủn.
Ba bạn trẻ kéo nhau tới ngắm nghía dì Ngọc. Thùy ngỡ ngàng nói:
- A, cái vụ này mới à nghen.
Dì Ngọc mở ngăn kéo, lấy ra chiếc gương để săm soi "dung nhan" hoàn toàn đổi mới của mình:
- Được hông? Tụi bây thấy tao được hông? Mái tóc màu đen của tao giống ... người "nguyên thủy" chưa?
Châu nhăn mặt:
- Người "nguyên thủy" nào mà bận áo hở rốn, quần thun lửng giống dì? Nếu dì đã thay màu tóc, con đề nghị dì thay luôn bộ đồ kinh khủng đó!
Dì Ngọc trề môi:
- Mày quê chưa từng thấy. Hàng hiệu thời thượng đó mày. Con gái thành phố ăn mặc y hệt như tao. Họ gọi là mốt Brist- ni Spia! Nhưng mà thôi ... Kể từ giờ, tao quyết tâm thay đổi cuộc sống, tao sẽ ăn mặc đơn sơ hơn, cho phù hợp vỡi cuộc sống của người "nguyên thủy".
Bà Phương từ tốn nói:
- Chị Ngọc, chị có bị mất bình thường không vậy? Nãy giờ tui nghe chị nhắc tới chữ "người "nguyên thủy"" hơi bị nhiều. Sao khi không bị mấy người đó ám ảnh vậy?
Dì Ngọc phẩy tay:
- Úi, mày không biết đâu. Tao đang có một kế hoạch rất "vĩ đại" . Khi nào mọi chuyện thành công, tao sẽ "bật mí" cho mày biết.
Nói xong, dì Ngọc mang cái túi xách căng phồng của dì về phòng riêng.
Bà Phương bật cười một tiếng rồi cầm bao xốp đựng bánh bao và thịt heo quay đem vô bếp.
Ba bạn trẻ im lặng nhìn về phía cửa phòng dì Ngọc, rồi nhìn nhau. Giọng Phan đầy vẻ nghi ngờ:
- Mình có cảm giác là...
Châu nói tiếp:
- Dì Ngọc biết được bí mật của chiếc gương thời gian ...
Thùy kết luận:
- Và dì Ngọc đang có một âm mưu gì đó.
Châu nóng nảy hỏi:
- Âm mưa gì? Lấy chiếc gương đem đi bán một lần nữa hả?
Phan lắc đầu:
- Không đâu. Chiếc gương chỉ có tác dụng khi nó được đặt ngay tại vị trí đó, tức là nó phải khớp với vị trí chiếc gương của Sông Hương. Nếu không khớp, cánh cửa thời gian sẽ không mở ra đâu.
Châu nhìn Phan và Thùy:
- Giờ thì sao? Chúng ta có cần canh chừng như lần trước không?
Thùy lại nhìn Phan:
- Ý anh Phan thế nào?
Phan gật đầu:
- Chúng ta sẽ chia phiên trực giống như lần trước. Biết đâu, chỉ cần một phút sơ suất mà chúng ta ân hận hoài.
Ba bạn trẻ đập tay vào nhau rồi tản ra. Họ bắt đầu chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Suốt đêm hôm đó, tình hình rất yên tĩnh. Coi tivi xong là dì Ngọc về phòng ngủ luôn, không thấy dì rình mò lấy một lần. Khoảng ba giờ sáng, Châu giật mình tỉnh giấc, cậu lò mò đi lên gác xép và thấy chiếc gương kỳ diệu vẫn bình an nơi chỗ cũ. Châu yên tâm trở xuống dưới nhà và dỗ giấc ngủ trở lại thật dễ dàng ...
Hôm sau, ông Đặng chở ba bạn trẻ đi chợ Bình Dương bằng xe Jeep để mua thêm đồ hộp. Đợi chiếc xe khuất bóng, dì Ngọc nhanh chân về phòng riêng thay đồ. Dì tròng cái áo dài cũ màu trắng - mua ở chợ - bên ngoài cái áo thun, xỏ chân vô đôi dép nhựa màu đen, và đội lên đầu cái nón lá Huế. Dì đeo lên vai một túi vải. Nó sẽ dùng để đựng "chiến lợi phẩm".
Kiểm tra một lần cuối cho chắc ăn, dì Ngọc nhẹ chân đi lên cầu thang. Đứng trước mặt gương, dì hăm hở chui qua bên kia để bước vào thời đại của "người nguyên thủy". Giống như lần trước, dì thoát ra khỏi tiệp chạp phô - nhà Sông Hương - bằng cửa sau.
Dì Ngọc nghiên cứu địa hình. Hướng bên phải coi bộ nhà cửa nghèo nàn quá. Lần này dì sẽ thử vận may ở hướng bên trái. Biết đâu dì sẽ vớ bở toàn là trống đồng, nồi đồng, chum đồng... Đồ đồng thời nguyên thủy là hàng quý hiếm đấy!
Dì Ngọc kéo vành nón lá xuống sùm sụp để che bớt khuôn mặt. Dì vừa đi vừa suy nghĩ, có lẽ mình nên chọn nhà nào xa xôi hàng quán một chút, nhà nào nằm ở nơi khuất vắng một chút để trách kẻ dòm người ngó, nhà nào khá giả một chút thì mới khấm khá được.
Ngôi nhà lý tưởng của dì Ngọc kia rồi! Một ngôi nhà mái lợp ngói đàng hoàng! Trước sân nhà là hai cây mít, trái mọc bu cành chi chít. À, nhà ngói cây mít. Ông bà mình có nói tới câu này. Đó là nhà của những người có của ăn, của để, của cất giấu trong kho. Ra quân lần đầu mà hên quá xá!
Dì Ngọc nhìn quanh nhìn quất. Thiên thời địa lợi đều tốt cả. Chung quanh không một bóng người. Ờ, khung cảnh vắng vẻ một cách lạ lùng, chẳng lẽ thiên hạ ... chết hết rồi hay sao? Tứ bề quạnh quẽ quá cũng làm cho dì Ngọc thấy căng thẳng và hồi hộp.
Giống như một hiệp khách đội cái nón lá sùm sụp, dì Ngọc len lỏi sau những thân cây nhỏ trồng ở bên hông nhà. Cái áo dài trắng của dì di động một cách thận trọng từng chút một. Dì tiến sát tới cánh cửa sau hơn. Cánh cửa sau sơn được màu vàng, viền vach đỏ, hứa hẹn rằng dì sẽ có những món đồ cổ độc nhất vô nhị.
Dì Ngọc lọt vào trong bếp. Dì lóa cả mắt trước những chồng chén kiểu, trắng muốt màu men sứ, xếp đầy trên bàn. Rồi mâm gỗ sơn son dựa tường la liệt. Trên tường treo một dãy nồi đồng lớn, đúng như dì tưởng tượng.
Chưa hết, một căn phòng nhỏ với cánh cửa mở hé thôi thúc sự tò mò của dì Ngọc. Dì lò dò đi tới trước cửa, lấy tay đẩy nó mở toang để nhìn vào. Dì chưa kịp nhìn thấy bên trong nó có cái gì, thì "bên trong" đã thấy dì trước. Một phụ nữ trẻ đang ngồi đong gạo - đây là kho chứa gạo của nhà ông Lý - hét toáng lên:
-Ối, bớ phú-lít! Bớ mã-tà! Có đạo chích!
Dì Ngọc thối lui.
Người phụ nữ trẻ bật đứng dậy. Cô ta mặc nguyên bộ bà ba đen, tóc kẹp, đuôi tóc dài chấm khoeo đầu gối. Cô ta chạy theo dì Ngọc, tay nhoài ra muốn chộp lấy vạt áo dài của dì, miệng hô hoán om sòm lên:
- Bớ ông đội! Ông cai ơi! Cớ đạo chích đờn bà!
Rầm rập! Từ nhà trên chạy xuống một tên lính. Rầm rập! Từ bên ngoài chạy vào một tên lính. Rập rập! Rập rập! Hai tên lính cầm theo hai cây mã tấu thiệt là bự! Mới thoáng nhìn là dì Ngọc đã thấy cảnh mình nằm kê đầu trên cái thớt.
Không thể để bị bắt oan được. Dì Ngọc vùng chạy về hướng không có lính chặn đường. Dì quăng cái nón lá Huế xuống một bụi cỏ lác cao tới đầu gối để chạy cho nhanh hơn. Một lát sau, dì bỏ luôn đôi dép nhựa đen lại giữa đường.
Rập rập! Rập rập! Hai tên lính chạy cái kiểu gì mà cứ ạch đụi ở phía sau. Một tên dừng lại, lượm hai chiếc dép nhựa lên xem xét, rồi một tay cầm mã tấu, một tay cầm đôi dép nhựa, rượt tiếp. Một tên cất tiếng chửi sa sả:
- Uớ con mụ kia! Đờn bà mà cắt tóc ngắn là sao? Đờn bà mà đi làm đạo chích là sao? Hay mụ là yêu quái chằn tinh xuất hiện, quấy nhiễu dương gian? Nếu mụ là yêu quái thì gặp phải ta đây là Thạch Sanh chém chằn!
Dì Ngọc không nói không rằng, cứ mím môi chạy thục mạng. Dì không cần biết mình chạy đi đâu, miễn là thoát hai thằng cha này.
Tên lính thứ hai không ăn nói văn hoa bằng bạn hắn. Hắn chỉ chửi ngắn gọn. Hắn chỉ chửi ngắn gọn:
- Đồ đờn bà to gan lớn mật! Dám đạo chích nhà ông Lý ! Hai ông mà bắt được thì mụ bị trói cọc, bị phơi nắng phơi sương bảy ngày bảy đêm!
Càng nghe chửi, dì Ngọc càng chạy rút lên. Khủng khiếp quá. Bị trói cọc. Bị phơi nắng bảy ngày bảy đêm. Trời ơi, hôm Tết, dì phơi một rổ củ cải để làm dưa món. Mới phơi từ sáng tới chiều là củ cải héo khô hết ráo. Bây giờ chúng nó đem dì đi phơi tới bảy ngày, chắc dì biến thành cái bong bóng xẹp hơi.
Dì Ngọc chạy vòng qua một bụi cỏ lác thật rậm rạp, rồi kiệt sức quá, dì ngồi thụp xuống. Dì ngồi úp miệng vào đàu gối, há miệng thở hồng hộc như ngựa chạy đua đường dài.
Từ xa, hai tên lính chạy tới, chậm dần rồi dừng lại, cách chỗ dì Ngọc khoảng vài trăm thước. Cả hai đứng ngó quanh quất một hồi rồi quay về.
Đợi thêm vài phút nữa cho tuyệt đối an toàn, dì Ngọc lóp ngóp chui ra từ bụi cỏ lác. Vừa đi vừa phủi bụi vừa thì thầm chửi, dì Ngọc bước hụt chân và té nhào xuống một mương nước cạn. Đúng là "họa đơn vô chí" mà! Mương nước sình đen thui biến dì Ngọc thành một con cá trê biết đi!
Trốn tránh mãi, dì Ngọc mới thoát khỏi những con mắt tò mò của đám người "nguyên thủy" lạc hậu. Dì Ngọc không dám đi đường đất đỏ trước mặt tiền của nhà người ta, mà chui rúc rúc, băng qua những khoảng vườn ở phía sau. Hai bàn chân dì đau nhói, chẳng biết dì đạp trúng miểng chai hay vỏ nghêu vỏ sò...
A, cái sân sau của tiệm chạp phô đây rồi. Nhưng không được. Một phụ nữ trẻ mặt áo dài trắng đang lui cui nấu cơm nấu nước nơi dãy nhà ngang. Thôi đành chờ vậy. Dì Ngọc ngồi nép vào bức vách bên hông nhà và thở dài thườn thượt. Cái số con rệp. Số dì không thể nào làm giàu bằng sự bất lương được. Nhưng biết đâu ... người ta nói "quá tam ba bận", mà dì mới thử thời có hai bận hè. Hy vọng lần thứ ba sẽ trót lọt hơn.
Dì Ngọc giơ lòng bàn chân lên xem xét. Không có miểng chai, cũng không có vỏ sò. Chắc tại dì không quen đi chân không, nhất là đi chân không trên con đường chỉ toàn đá với sỏi. Nghĩ mà tiếc đôi dép nhựa mới mua ghê. Mất toi bốn ngàn.
Cuối cùng, người phụ nữ trẻ trong bếp đội lên đầu cái nón lá và đi thẳng ra đường. Chà, hên thiệt! Còn đợi gì nữa mà không lẻn vô? Dì Ngọc men theo bức vách, lọt vào trong cánh cửa sau. Tiếng đàn ông đàn bà, người mua kẻ bán rộn ràng ở phòng bên ngoài. Dì Ngọc yên tâm vọt lên chiếc cầu thang gỗ, băng qua gác xép, nhẹ nhõm chúi đầu vào trong mặt gương.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top