Chương 13

Vào lúc một giờ trưa, Phan và Châu nhờ tài "điệu hổ ly sơn" của Thùy mà hai cậu chạy vọt lên cầu thang một cách bình an. Hai cậu đứng bên cạnh cửa sổ trên căn gác xép, nhìn ra khu vườn điều xa xa, đếm từng cánh chim bay qua trong khi chờ đợi Thùy. Châu tròng máy chụp hình tự động của cậu ta vào cổ, nhìn đồng hồ:

- Chẳng biết chừng nào Thùy mới lên đây được. Dễ gì qua mặt được dì Ngọc. Bả giống hệt cán bộ trật tự của trại Bố Lá. Đố phạm nhân nào dám lẻn ra cổng.

Phan quay hẳn người lại, đứng dựa lưng vào bậu cửa sổ, mặt hướng ra khung cửa nơi cầu thang gỗ:

- Ờ, đúng rồi, cùng đi chuyến xe với mình có nhiều người tay xách nách mang, đi thăm nuôi phạm nhân ở trại Bố Lá. Những người đó là cha, là mẹ, là vợ, là anh em của phạm nhân. Nhiều lắm. Sao một người lại để khổ cho nhiều người vậy?

Châu gãi gãi đầu:

- Cậu hỏi mình câu đó cũng giống như thầy giáo hỏi một học sinh lớp hai rằng: tại sao trái táo rơi xuống đất?  Nhưng mình vẫn có thể trả lời được cho câu hỏi của cậu: tại vì họ chỉ là những con người ích kỷ. Họ chỉ biết sống cho chính bản thân họ. Họ không yêu thương ai, trừ "cái tôi" của chính mình.

Phan nhìn Châu, nét mặt cậu ngạc nhiên thấy rõ:

- Ái chà, khá thiệt. Cậu làm mình bất ngờ đấy.

Châu làm bộ khiêm tốn:

- Thì mình đâu có dám thua cậu nhiều. Cậu biết rồi đó, trong môi trường của gia đình mình, không ai có thể ích kỷ được. Ngay từ nhỏ, ba mình - à quên, ba cậu - đã dạy mình và Thùy phải biết sống chan hòa và vị tha. Mình vì mọi người trước. Rồi mọi người sẽ vì mình sau. Còn mẹ mình thì nhồi nhét vào đầu tụi mình một ý tưởng bất di bất dịch:"Hãy giúp mọi người chung quanh khi con có thể."

Phan quay nhìn Châu, đặt tay lên vai cậu:

- Mẹ mình cũng vậy. Nói chung, nhờ các bậc sinh thành, hy vọng chúng ta không tới nỗi là những con người ích kỷ.

Giọng nói trong trẻo của Thùy vang lên cắt lời Phan:

- Nội cái việc hai anh đứng chờ em cũng đủ thấy hai anh không ích kỷ rồi.

Hai cậu trai đồng loạt quay ra nhìn Thùy:

- Ủa, sao mà chớp nhoáng vậy?

Thùy lại gần chiếc gương kỳ diệu, giải thích:

- Đúng là cái số hên. Tự nhiên bà già ở phòng số 3 đòi quầy tiếp tân mang lên một chai nước suối cho ba. Thế là dì Ngọc sai em liền. Em vui vẻ OK ngay. Đưa chai nước cho bà già xong, em bay vọt lên đây vì biết hai anh đây vì biết hai anh đang chờ. Thôi chúng ta qua bển, kẻo cha chị Sông Hương sốt ruột.

Phan và Châu cùng nói:

- Đồng ý. Let's go! Chúng ta đi thôi!

Ba bạn trẻ luôn luôn được Sông Hương đón tiếp với nụ cười tươi thắm. Cô gái đưa áo dài cho từng người:

- Các bạn khoác áo dài vô hỉ. Thầy tui và vài người bạn vẫn còn ngồi uống nước trà ở dưới nớ.

Phan, Châu và Thùy tròng áo dài bên ngoài áo thun. Châu thận trọng cởi sợi dây đeo máy chụp hình ra trước khi tròng áo dài, xong xuôi, mới đeo sợi dây vô cổ trở lại. Sau đó, bốn bạn trẻ nhẹ chân đi xuống cầu thang, lẻn ra ngoài bằng cửa sau để rồi đàng hoàng xuất hiện nơi cửa trước. Sông Hương nói to:

- Thầy ơi, các bạn của con tới rồi nì. Chúng ta đi liền nghe thầy?

Cha Sông Hương và hai người bạn đồng niên đặt tách trà xuống bàn, rủ nhau đứng lên hết. Họ bước ra ngoài. Mang tiếng là đi rừng như chỉ có một ông chịu mặt bà ba đen, còn hai ông kia đều mặc áo dài the đen cả. Cha Sông Hương nhìn Phan và Châu nói:

- Hai cháu trai làm ơn mở cửa chuồng bò ra giùm tui hỉ. Một cháu đẩy cổ xe ra ngoài ni. Một cháu cầm dây thừng dắt con bò đực ra. Bọn mình hôm nay chơi sang, đi xe bò một chuyến.

Sông Hương và Thùy xăng xái bước theo hai cậu trai.Sông Hương chỉ Phan cách tháo gióng để mở cửa chuồng bò. Hai cậu chờn chợn trước con bò đực to lớn, khỏe mạnh và có nét hơi hung dữ. Châu nói nhỏ với Phan:

- Red Bull(*) thứ thiệt đây.

(*) Bò Húc

Sông Hương và Thùy cười rúc rích với nhau. Sông Hương nói:

- Ui choa, con trai răng mà nhát rứa? Cứ túm lấy sợi dây thừng rồi lôi hắn ra ngoài. Coi vậy mà hắn hiền khô. Không nhai thịt ai mô. 

Phan quay sang Châu hỏi:

- Cậu lo cỗ xe hay lo con bò?

Châu nhún vai, chỉ cỗ xe có hai cái bánh gỗ to tướng:

- Mình khoái làm quen với những vật vô tri vô giác hơn.

Thế là Phan đi tới con bò đực đang đứng lù lù một đống, miệng nó đang trệu trạo nhai lại. Tiếng Sông Hương "nhắc tuồng" từ phía sau:

- Đừng sợ chi hết, cứ tới gần hắn. Đúng rồi. Tháo sợi dây đang đứng nơi xây cột ra. Đúng rồi. Vẫn cầm sợi dây nớ trongtay, giựt giựt nhẹ va kéo hắn đo từ từ.

Phan làm theo lời Sông Hương hướng dẫn. Nhưng cậu còn "chế" thêm kịch bản bằng cách nói nho nhỏ với nó:

- Đi nào. Đi theo tao.Giỏi lắm. Ngoan lắm. Đi theo tao nè.

Thùy lại toe toét cười:

- Anh Phan có khiếu "giao lưu" với... bò quá hén.

Con bò đực và cỗ xe đã sẵn sàng, cha Sông Hương đặt ách lên cổ con bò và thế là chuyến đi rừng bắt đầu. Cha Sông Hương ngồi trước để điều khiển bò. Hai ông bạn đồng niên ngồi hai bên. Bốn bạn trẻ vén vạt áo dài, nhảy tót lên, và an tọa trong thùng xe phía sau. Cha Sông Hương kêu to một tiếng. Con bò hiểu ý, cất bước tiến tới . Cỗ xe bò lọc cọc lọc cạch phấn khởi lên đường.

Hôm nay đoàn người sẽ đi săn hổ phách ở mé rừng xa nhất. Mé rừng này khoảng bảy, tám.mươi tuổi. Cây cối không lớn lắm, nhưng toàn là cây quý. Chỉ có nhựa của những loại cây quý  khi chảy khỏi thân mới cho ra hổ phách.

Sông Hương hỏi nhỏ ba bạn trẻ:

- Hiện chừ, trong thời các bạn, khu rừng này còn không?

Phan nhìn Châu. Cậu ta phổng mũi trả lời với vẻ am hiểu:

- Vẫn còn, nhưng chắc chắn một số loại cây quý đã biến mất hết. Suốt một trăm năm qua sự phá hoại của con người đã tàn bao tới mức cần phải có hai trăm năm khác để trồng trọt thì mới có thể đền bù lại được.

Sông Hương ngạc nhiên, cô kêu lên:

- Phá hoại? Tại sao con nguời lại phá hoại rừng? Chặt rừng?

Trúng "đài" của Châu rồi, cậu ta giảng giải:

- Vì nhu cầu của cuộc sống. Diện tích rừng không tăng, nhưng dân số vẫn tăng từng ngày một. Không đủ đất để cất nhà và trồng trọt, con người phải chặt phá rừng. Không đủ lương thực để ăn, con người giết muông thú. Không đủ tiền để xài, con người đốn hạ cây quý, đem bán, kiếm tiền xài!

Rồi Châu chỉ máy chụp hình mà cậu đeo giơ cổ mãy giờ:

- Đây là máy chụp hình, nó sẽ chụp lại những hình ảnh mà chúng ta muốn. Lát nữa mình sẽ chụp hình những con thú rừng, mà trong thời bọn mình, nó đã bị tuyệt chủng hoàn toàn.

Giọng Sông Hương run run:

- Tuyệt chủng nghĩa là chi?

Châu im lặng một lát, cậu nhìn về phía mé rừng trước mặt, đôi mắt xa xăm:

- Tuyệt chủng nghĩa là hiện nay nòi giống nó không còn nữa. Như loài cọp, loài tê giác, loài heo rừng, loài hươu sao...

Sông Hương kêu lên:

- Ở thời tui, những loài thú nớ nhiều biết mấy! Thầy tui chộ(*) cọp hoài.
(*) Gặp

Thùy đỡ lời cho anh trai:

- Nhưng ở thời em, các loài đó bị tuyệt chủng rồi. Chúng biến mất rồi.

Một nỗi buồn mênh mang ùa tới đầy kín trong lòng chiếc xe bò đang rùng rình trên con đường đất đỏ. Bốn bạn trẻ im lặng. Phía trước, cha Sông Hương và hai người bạn vẫn rì rầm trò chuyện. Ông Giảng là người địa phương, nói tiếng Nam. Ông Tú Quyền là người Bắc. Âm điệu giọng Huế lẫn với giọng Nam và giọng Bắc hòa quyện vào mhau, trầm bổng, lên xuống, nghe thật êm ái và du dương.

Chiếc xe bò theo con đường mòn đi vào sâu thiệt sâu trong rừng rồi dừng lại. Cha Sông Huơng quay về phía bốn bạn trẻ đang ngồi xệp trên sàn xe:

- Tới rồi. Các cháu xuống đi. Nhưng phải luôn luôn đi chung với nhau, không được đi lẻ tẻ

. Mé rừng ni không có cọp, nhưng đề phòng vẫn hơn.
Bốn bạn trẻ cùng "dạ". Phan và Châu nhảy xuống đất trước, rồi Châu đỡ Thùy và Phan đỡ Sông Hương.

Cha Sông Hương loay hoay cột con bò vào một nhánh cây thấp, trong khi sáu người kia khoan khoái đi tới đi lui cho đỡ mỏi đôi chân. Cha Sông Hương dặn dò tiếp:
- Các cháu ,đi theo  sát bọn tui, quan sát kỹ thân cây nào có thẻ choa ra hổ phách. Cục hổ phách nào hái được, cục hổ phách nào nên để dành thêm vài tháng giữa hãy hái. Nếu cháu nào gặp cục hổ phách, nhớ kêu to cho bọn tui biết với.

Bốn bạn trẻ lại "dạ" thêm một lần nữa.

Đòan bảy người dàn hàng ngang tiến về phía trước. Không khí trong rừng thơm thoang thoảng một mùi khó tả. Mùi lá cây, mùi nhựa cây, mùi phấn hoa, mùi đất, mùi nuớc... Mà bao trùm cả không gian là một mùi tinh khiết, mùi hoang sơ của một khu rừng chưa có bàn chân tham lam của con người đặt xuống!

Bốn bạn trẻ im lặng đi theo ba người lớn. Châu cầm lăm lăm máy chụp hình trong tay. Cậu ta quay đầu nhìn tứ phía như cái chong chóng, mong phát hiện ra những con thú hoang dã quý hiếm.

Chợt, cha Sông Hương chỉ một thân cây cách đây vài thước ... nói tiếp:

- Các cháu quan sát cây ni hỉ. Đố đứa mô tìm ra cục hổ phách trước.

Bốn bạn trẻ tới gần thân cây được chỉ định. Chẳng ai biết nó tên gì. Thân cây mọc cao, suông, màu nâu đạm, vỏ ít sần sùi. Bốn bạn trẻ xoay giáp vòng thân cây mà vẫn không phát hiện được vật lạ. Phan di chuyển cặp mắt của mình lên cao hơn. A, kia rồi! Ở độ cao khoảng ba mét, một cục hổ phách nhỏ bằng trái cau đang dính cứng vào khong một khe nứt!

Phan vui mừng chỉ tay lên đó, nói to:

- Cháu tìm ra rồi! Nó có hình dáng một trái cau!

Ba người lớn gật gù. Một ông tên là Tú Quyền nói:

- Giỏi lắm. Mắt cháu tinh lắm. Thường, muốn theo nghề săn hổ phách, các cháu phải tinh mắt, có đôi khi cục hổ phách chỉ lớn bằng ngón tay cái thôi. Cục hổ phách này giống trái cau, nhưng chưa hái được đâu. Các cháu nhìn kìa, nơi gốc của trái cau - nơi dính vào thân cây - màu vàng sậm, còn trên đầu của trái cau hãy còn vàng nhạt. Phải mươi ngày nữa, trái cau có màu vàng sậm đều. Các cháu mới hái được.

Phan hỏi:

- Nếu chúng ta không hái, người khác thấy, họ hái trước thì sao?

Ba người lớn bật cười hà hà. Ông Tú Quyền trả lời:

- Làm sao mà họ hái của mình được? Cháu  nào đi tới đằng kia, hái cho tôi một sợi dây leo xanh. Hái một sợi dài dài, khoảng hai thước nhé?

Vì Châu mắc cầm máy chụp hình nên Phan chạy tới một lùm dây leo dại ở cách đó năm thước, bức sợi dây dài dài theo ý muốn của ông Tú Quyền. Cậu chạy về đưa cho ông. Ông cầm lấy, vén vạt áo dài trước nhét trong lưng quần, rồi leo thót lên cây. Ông cột sợi dây leo quanh thân cây, thắt nút thật chắc, ngay bên dưới cục hổ phách hình trái cau. Xong, ông tụt xuống đất.

Trong lúc ông Tú Quyền vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau để phủi đất bụi, cha Sông Hương giải thích:

- Làm như rứa, tức là chúng ta đã đánh dấu sở hữu cục hổ phách ni rồi. Những người đi sau sẽ hiểu ý nghĩa nớ mà không đụng chạm tới nó.

Rồi ba người lớn tiếp tục đi trước. Bốn bạn trẻ lẽo đẽo theo sau. Châu quay sang hỏi Sông Hương:

- Hồi nãy mình muốn hỏi cha bạn câu này, nhưng mình không dám. Có khi nào người đi sau cố ý không hiểu ý nghĩa đó và họ vẫn leo lên hái không?

Sông Hương trố mắt nhìn Châu:

- Răng mà cố ý chi lạ rứa? Không có mô. Thời của tui, những người đi rừng rất tôn trọng luật lệ đã giao ước.

Châu chép miệng, ngẫu hứng triết lý một câu:

- Như vậy, con người ở thời bạn còn văn minh hơn con người ở thời chúng tôi.

Đi thêm một đoạn ngắn, Châu phát hiện ra một con hươu lạ, có bộ lông màu hung hung, đang nằm khoanh người nép mình dưới một bụi cây thâm thấp. Cái đầu nó vươn cao cảnh giác. Mắt nó mở to. Hai tai nó vểnh lên. Nó nằm im không động đậy. Những đốm nhỏ màu nâu nâu trên bộ lông hung đỏ của nó như đang trộn lẫn với đám lá ua úa khắp chung quanh. Một nghệ thuật hóa trang thật tuyệt vời!

 Châu giơ tay, ra hiệu cho các bạn mình dừng chân lại. Cậu ta thì thầm: 

- Con gì vậy? Trong thời mình, mình chưa bao giờ nhìn thấy nó. 

Sông Hương thì thầm đáp lại: 

- Đây là con hươu đỏ. Trong thời mình, loài này có nhiều vô kể.  

Châu lắc đầu buồn bã:

- Vậy là loài hươu đỏ bị tuyệt chủng rồi. Tiếc thật...Suỵt. Nói nhỏ thôi. Nó đang cho con nó bú đấy.

Thì ra con hươu đỏ nằm im thin thít vì có một chú hươu đỏ bé xíu đang cuộn tròn dưới bụng mẹ vừa mút sữa vừa nhắm tịt mắt ngủ. Châu đưa máy chụp hình lên, cậu bấm nút. Ánh đèn Flash nhá lên chói cả mắt. Con hươu đỏ giật mình, nhưng nó vẫn nằm im. Hình như ở mé rừng này chưa hề có thú dữ xuất hiện hay sao ...

Ba người lớn bị ánh sáng giật mình, họ hoảng hốt quay lại. Cả ba cùng hỏi bằng giọng thất thanh:

- Cái chi rứa, mấy cháu? Sét đánh xuống rừng hả?

Không muốn người lớn tra hỏi lôi thôi về cái máy chụp hình, bốn bạn trẻ đồng loạt trả lời:

- Dạ, không có chi. Các bác đừng lo.

Thấy Phan, Châu, Thùy và Sông Hương vẫn bình yên, ba người lớn thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục đi trước. Phan liếc nhìn cái máy chụp hình của Châu, nói:

- Đề nghị cậu sắm một cái máy khác hiện đại hơn, không cần đèn flash.

Châu dang hai tay ra với vẻ bất lực:

- Chịu thua. Mình không có tiền. Mình cần phải gom góp nhuận bút của vài trăm tấm hình mới hy vọng đủ tiền "chơi" một cái máy chụp hình bằng tia hồng ngoại, có thể chụp hình trong bóng tối.

Thùy nối lời:

- Còn bây giờ thì đành để sấm sét tiếp tục giáng xuống.

Lần này Sông Hương hiểu được câu nói đùa dí dỏm của Thùy nên cô cũng vui vẻ cười theo các bạn.

Một lát sau, người đàn ông thứ ba là ông Giảng tìm thấy một cục hổ phách tượng hình một bông hoa khá đẹp. Ông Giảng nhờ Phan leo lên hái. Cậu hóp bụng thót lên cây và leo cây cũng khá giống... khỉ. Theo chỉ dẫn của ông Giảng, bàn tay cậu nhẹ nhàng đỡ cục hổ phách lên và giật thật nhẹ. Cục hổ phách rời ra khỏi thân cây. Cậu thả nó xuống, trúng phóc vào hai bàn tay xòe rộng, hứng ở dưới của ông Giảng.

Rồi nhóm bảy người tiếp tục đi tiếp. Khi thấy một con thú hoang dã tuyệt đẹp. Bốn bạn trẻ đi chậm dần, giữ một khoảng cách với ba người lớn, để ánh đèn flash không làm họ khiếp sợ.

Sau khi chụp được mười sáu tấm hình ưng ý, tới tấm thứ mười bảy, bốn bạn trẻ đụng độ một con tê giác. Chẳng biết từ đâu lù lù xuất hiện con tê giác một sừng. Châu hí hửng giơ máy chụp hình  lên. Của quý đây. Tiền nhuận bút chắc chắn gấp đôi bình thường rồi. Tiếng Sông Hương hét to ngăn cản:

- Đừng, Châu! Dừng lại đi! Con thú ni hung dữ lắm!

Nhưng đã trễ. Tách. Ánh đèn flash làm chói lòe đôi mắt con tê giác một sừng. Nó khựng lại. Chỉ ba mươi giây đó cũng đủ khiến đôi mắt nó sôi lên. Mắt nó trợn ngược. Đầu nó chúi xuống. Cái sừng nhọn chìa ra. Hấp, nó điên cuồng phóng tới!
Phan nhanh trí la to:

- Chạy đi! Tản ra! Tản ra!

Nhờ sự nhanh trí của Phan mà Châu, Thùy và Sông Hương không sao hết. Chỉ có một mình Phan bị con tê giác rượt mà thôi! Cậu cắm đầu cắm cổ chạy trước. Con tê giác huỳnh huỵch đuổi theo. Khoảng cách giữa hai đối thủ càng lúc càng ngắn dần.

Phan cảm thấy hụt hơi. Miệng cậu khô khốc. Tai cậu ù đi. Thái dương cậu giựt bùng bùng như điên. Giữa lúc đó cậu nghe tiếng cha Sông Hương vút lên:

- Chạy vòng ra sau gốc cây! Chạy vòng ra sau gốc cây! 

May quá, có một gốc cây ở trước mặt kìa. Phan lách người, chạy vòng ra phía sau gốc cây. Còn con tê giác vẫn rầm rập lao thẳng tới phía trước và biệt dạng. Hú hồn hú vía!

Một phút sau, những người kia chạy tới bao vây chung quanh Phan. Cậu đứng dựa lưng vào thân cây "cứu mạng", thở hồng hộc, mắt lờ đờ nhìn mọi người với vẻ mệt lả. Ba người lớn thay phiên nhau hỏi han cậu:

- Có răng không cháu? Cháu đi bộ ra chỗ xe bò nổi không? Có cần tui cổng không? Một phen thất kinh hồn vía hả? Thấy tê giác một sừng thì đừng chạy mà núp đằng sau gốc cây, nhớ không cháu?

Phan gật đầu lia lịa. Cha Sông Hương nói với hai người bạn:

- Mình hái được bao nhiêu cục hổ phách rồi hè?

Ông Tú Quyền mở bọc vải ra đếm:

- Chín cục. Chưa kể bốn cục còn non.

Ông Giảng phẩy tay:

- Dzậy là được rồi. Chín cục chia ba. Còn bốn cục kia tuần sau chúng ta đi tiếp. Bây giờ chúng ta dìa, cho thằng cháu nhỏ nghỉ ngơi, uống nước.

Trên đường đi trở ra nơi đậu xe bò, nhóm bảy người nhìn thấy một con suối khá rộng, khá sâu. Sông Hương gọi cha:

- Thầy ơi, dừng lại một tí. Cho bạn con uống nước suối với.

Ông Tú Quyền ủng hộ ngay:

- Phải rồi. Sau màn rượt đuổi theo con tê giác, tôi cũng thấy khát nữa.

Họ rẽ vào con đường mòn dẫn ra suối. Tới nơi. Thùy chợt kêu lên:

- Con gì ngộ quá vậy? Đó có phải là con hải cẩu không?

Trên những phiến đá to dọc theo bờ suối, có những con vật ngộ nghĩnh nằm phơi nắng. Hình dáng của nó giống con hải cẩu, nhưng nhỏ bé chỉ bằng một nửa thôi. Chúng nằm chịu không yên, lăn qua rồi lăn lại, cái đuôi núc ních đầy thịt của chúng cứ rục rịch miết.

Sông Hương mỉm cười:

- Hải cẩu là con chi chi? Tui không biết con hải cẩu. Còn con ni là con rái cá.

Ba bạn trẻ nhìn nhau ngơ ngác. Con rái cá? Hình như ba bạn trẻ từng nghe nhắc đến con rái cá, nhưng tưởng là ở nước ngoài mới có.

Sông Hương tiếp tục giới thiệu:

- Con rái cá rất có ích cho cuộc sống hằng ngày của tụi tui. Da rái cá thì họ lột, phơi khô, đem ra chợ bán được nhiều tiền lắm. Mỡ rái cá dùng để đốt đèn. Thịt rái cá không thơm ngon như thịt bò, nhưng rất rẻ nên họ phơi khô ăn dần, gọi là "khô rái cá".

Châu rùng mình:

- Trời ơi, họ nỡ ăn thịt một con vật dễ thương như thế này!

Ông Tú Quyền xen vào câu chuyện:

- Không ăn khô rái cá thì ăn cái gì? Nhai cơm với muối sống hả cháu?

Thùy hỏi:

- Nhưng loài rái cá có nhiều không mà họ giết rái cá dữ vậy?

Cha Sông Hương chỉ mỉm cười. Ông Giảng trả lời:

- Nhiều biết mấy các cháu ơi! Dọc theo con suối Bàu Cỏ này, rồi hết con suối ra tới con sông Bé, chỗ nào cũng toàn rái cá là rái cá!  Loài rái cá sinh đẻ mắn lắm. Các cháu cứ yên tâm mà ăn món khô rái cá mỗi ngày.

Giây phút nghỉ ngơi đã hết. Nhóm bảy người thả bộ ra nơi đậu xe bò, lần này họ rảo chân hơn vì nắng đã bắt đầu chiếu xiên rồi.

Ngồi trong lòng xe bò, Phan chìa vạt áo dài rách cho Sông Hương thấy. Cậu nói với giọng ân hận:

- Mình làm rách áo dài của bạn rồi. Mình xin lỗi.

Sông Hương cầm lấy vạt áo dài của Phan, xem xét rồi nói:

- Không can chi mô. Túi nay tui sẽ lấy kim chỉ ra, nhíp vài đường là vạt áo lành lặn như cũ. Bạn không cần phải xin lỗi.

Chiếc xe lắc lư lắc lư đều đặn trên con đường quay trở về nhà. Tiếng Sông Hương êm ái phá tan bầu không khí im lặng:

- Tui rất muốn qua chơi bên thời của các bạn, nhưng tui sợ quá. Thời các bạn có nhiều thứ, có nhiều chuyện mà tui không tài mô hiểu nổi.

Thùy trấn an cô bạn gái:

- Có chi đâu mà chị sợ? Trong thời của tụi em, cuộc sống có phần tiến bộ hơn, tiện nghi hơn. Chị cứ qua chơi làm quen, tới khi quen rồi, chị sẽ không còn thấy sợ nữa. Thiệt đó.

Sông Hương chỉ mỉm cười, không nói gì.

Chiếc xe vẫn đều đều lắc lư trên con đường gập ghềnh...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top