Chí Phèo đổi vận - Trần Lân
Tôi là ông Giáo Thứ, quê tôi là làng Vũ Đại - Nơi nhà văn Nam Cao đã lấy cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm văn chương xuất sắc, tiêu biểu cho dòng văn học Việt Nam trước những năm 1945.
Nhưng đã lâu lắm rồi, tôi chửa có dịp nào về thăm quê, không biết quê tôi - Làng Vũ Đại nay có gì đổi thay không nữa?
Mấy hôm trước, thằng Chí Phèo nó bắn tin nhắn vào Zalo cho tôi, nó trịnh trọng mời ông Giáo về làng để cắt băng khai trương cái quán cháo lòng mà hắn vừa xây cất lên ở chân đê đầu làng. Cũng nhờ thế mà tôi mới có cái cớ để về thăm làng, thăm quê đấy bà con ạ!
*
* *
Đặt một cuốc xe ôm Grap, chưa đầy 30 phút, tôi đã về đến làng Vũ Đại rồi. Bến đò xưa không còn nữa, nay được cover lại bằng một cây cầu dây văng hết sức hoành tá tràng. Từ trên cầu, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh làng Vũ Đại. Vẫn con đê dài uốn lượn ấy nay được trải thêm một lớp bê tông trắng xóa, nhìn từ xa trông nó chẳng khác gì cái khăn vấn tóc đang vắt ngang qua ngôi làng vậy.
Rặng tre Ngà xanh mướt đang đung đưa theo gió, ngả nghiêng vẫy chào tôi về làng. Lớp nhà, lớp ngói đỏ tươi đang thi nhau mọc lên san sát. Chắc bây giờ đi khắp làng, tôi chẳng tài nào kiếm ra nổi một cái cái lò gạch hay một ngôi nhà tranh vách đất mất thôi.
Không kìm được cảm xúc, hai hàng lệ cứ thế chảy ứa ra, lăn dài trên khuôn mặt gầy gộc, xanh xao của tôi.
Làng Vũ Đại bây giờ vẫn thế, vẫn còn lưu giữ được trọn vẹn nét cổ kính của một miền quê đồng bằng Bắc Bộ chính hiệu. Vẫn cây Đa, giếng nước, sân Đình, họa chăng bây giờ chỉ điểm tô thêm một vài cái cái biệt phủ to tổ bố hay vài cái nhà lầu cao ngất nghểu nữa mà thôi.
Dừng xe tại bến đò xưa, tôi ngước mắt trông xa, ngắm nhìn những gợn sóng lăn tăn, lấp lánh ánh bạc của dòng sông Châu Giang trong trẻo, mát lành như dòng sữa mẹ đã nuôi tôi nên người.
Dọc hai bên bờ đê là những bụi chuối ngự non xanh. Những cây chuối nơi đây được nuôi dưỡng bởi chất đất phù sa phì nhiêu, màu mỡ của dòng sông Châu Giang ấy, cũng vì thế mà nó đã đẻ ra những chiếc tàu lá to hự như những cái quạt mo khổng lồ đang đung đưa theo gió, quạt mát chào đón tôi về làng.
Ngồi trên xe, đôi mắt tôi nhắm lim dim, đầu hơi ngước ra đằng sau, hai cánh mũi mở to. Tôi đang tranh thủ hít hà, đắm mình trong mùi hương quê vừa lạ, vừa quen này.
Sắp về đến cổng làng, tôi khe khẽ vỗ nhẹ vào vai anh xe ôm, nói thỏ thẻ:
- Trên dọc đường đi, tôi quên chưa hỏi chú tên gì?
- Dạ, em tên Hoàng ạ!
- Tên chú hay quá! Còn tôi người ta hay gọi bằng cái tên ông Giáo Thứ. Thế ở nhà ông bà vẫn còn khỏe chứ hử?
- Dạ, vẫn khỏe ạ! Các cụ ở quê hết thảy, chỉ có em bon chen lên tỉnh, làm cái chân xe ôm công nghệ này thôi!
- Thế vụ mùa vừa rồi có năng suất không hở chú?
- Chán lắm ông Giáo ạ! Nhà em có hơn mẫu ruộng, trồng cả vụ chẳng đủ tiền thuốc thang, cày cấy! Vừa rồi nhà em có nuôi được đàn lợn lái cũng đi tong rồi ông Giáo ạ!
- Sao lại thế?
- Chẳng hiểu sao? Tự yên, tự lành đang khỏe mạnh mà chúng nó sùi bọt mép, nằm năn ra chết hết cả. Thấy người ta bảo là bị dịch tả lợn Châu Phi. Buồn lắm ông Giáo ạ!
- Rõ khổ!
- Thế đấy! Thời nào cũng vậy! Kiếp dân đen như chúng em vẫn khổ như thường. Bây giờ em phải nai lưng ra làm, kiếm ít tiền để trả lãi cho bọn chủ hụi đấy ạ!
- Không có tiền còn vay làm gì cho khổ?
- Biết làm sao được! Ở quê không bốc họ lấy đâu ra vốn mà làm ăn cơ chứ, cùng cực lắm ông Giáo ạ!
Thấy đôi mắt chú xe ôm đườm đượm buồn, tôi nhanh ý, nói chuyện khác để đánh trống lảng:
- Ơ kìa... Chú nhìn kìa! Làng tôi đó! Đẹp không hở chú?
- Ôi... Đẹp quá ông Giáo ạ!
Trong lòng tôi đang thầm vui sướng và xốn xang như vớ được cục vàng vậy!
Đang đê mê sung sướng là thế, bỗng có một tiếng: Két!!!, kêu vang trời. Chiếc xe máy Dream đứng khựng lại, phanh cháy cả đường, hằn rõ một vệt dài, đen thùi lùi như một con rắn Hổ Mang Bành đang nằm trườn ươn, phơi mình trên mặt đường. Quả là đột ngột, tôi không kịp phản xạ được gì, hai hàm răng của tôi va vào cái mũ bảo hiểm của chú xe ôm, vệt răng còn in rõ mồn một cả lên mũ, ấy thế mà chẳng mẻ, chẳng xứt xẹo một miếng răng nào. Đúng là ở hiền thì gặp lành.
Tôi hốt hoảng hỏi lấy, hỏi để:
- Có chuyện gì thế hở chú?
- Ông nhìn kia kìa!
- Đâu đâu...?
Ánh mắt tôi mở to, nhìn chằm chằm vào hai cây tre dài thoằng loằng, đang nằm vắt vẻo chắn ngang đường đi. Ở giữa là cái biển hiệu được treo lủng lẳng, trên mặt biển còn ghi nguệch ngoạc dòng chữ to đùng: "BOT Vũ Đại".
Tôi không khỏi ngạc nhiên, khuôn mặt tôi đang thất thần, ngơ ngác thì hai anh lính tiến lại gần hỏi:
- Các người đi đâu đấy? Muốn vào làng hở? Xuống xe mua vé!
- Ơ kìa... Tôi đây mà... Ông Giáo đây!
- Hừm!!! Chẳng biết giáo mác gì xức! Muốn vào làng thì phải mua vé!
- Chẳng có cái lý nào quái đảng như thế cả! Các anh đừng có mà cậy quyền, cậy thế bắt nạt dân nhé! Đường đê này nó vốn có từ khi các chú còn chưa cắt rốn đâu! Giờ bày đặt, định cướp ngày hả?
- Chúng tôi chỉ biết nghe theo lệnh ông Lý! 50 coins 1 vé! Nếu không ông vào mạng, tải cái app Vudai ID về mà dùng! Mua vé trên đó còn được safe off 50% đấy!
- Hóa ra là thế! Trên tỉnh tôi đã nghe người ta kháo nhau về cái app gì gì đó rồi! App gì mà vừa vào đặt mua đã hết vé rồi! Xàm hết chấy! Bây giờ các anh có cho chúng tôi vào làng không thì bảo?
- Theo lệnh ông Lý! Chưa mua vé thì không được vào làng!
- Được rồi! Để tôi gọi thằng Chí Phèo ra đón vậy! Hôm nay nó mời tôi về mừng khai trương cửa hàng, thế mà giờ không được vào làng, tức như bò đá!
- Ấy chết... Em có mắt mà không nhìn thấy núi Thái Sơn! Sao ông anh không bảo sớm là về mừng khai trương nhà anh Chí! Tối qua anh Chí sang thưa chuyện với Cụ Bá rồi! Mời ông vào làng ạ!
- Hừm... Tưởng thế nào! Định cân ông mày hở?
Trong lòng tôi vẫn còn ấm ức lắm! Nhưng vì công việc tôi nhún nhường cho qua. Tiến lại gần xe, tôi vội đưa chân, đá xoáy một vòng rồi đặt nhẹ cái mông xuống yên xe.
- Đi thôi chú! Đi nhanh kẻo muộn giờ!
- Vâng ạ!
Ấy thế mà cũng gần tới cổng làng rồi. Từ trên đê nhìn xuống, cái cổng làng được xây mới khang trang, rộng rãi hẳn ra, phía trên còn được lợp thêm lớp mái ngói đỏ tươi nữa chứ!
Nhưng khoan đã:
"Nhà ai thế kia nhỉ?" - Tôi thầm nghĩ.
Trước mặt tôi là một cái dinh cơ to đềnh, to đoàng nằm vắt vẻo ngay dưới chân đê. Căn nhà gồm 5 tầng khang trang được phủ thêm một lớp sơn xanh rì, xung quanh nhà được điểm tô bởi những cái cửa sổ panorama đang mở to, hướng thẳng vào làng.
- Chú cho tôi xuống đây đi! Làng tôi đây rồi!
- Vâng ạ!
- Của tôi hết bao nhiêu tiền vậy?
- 100 đồng ông Giáo ạ!
- Tôi típ thêm cho chú này! Cảm ơn chú nhé!
- Dạ! Cảm ơn ông Giáo.
Hiếm khi thấy ông Giáo về làng, mọi người ai ai đều mừng rỡ, chào hỏi tôi từ xa. Gặp lại bà con, tôi mừng khôn xiết, nét mặt tôi đã căng trở lại, khóe miệng tôi được dịp mở to, cười hết cỡ. Đối với tôi, làng Vũ Đại không chỉ là một cái nôi đã nuôi dưỡng tôi mà nó còn là cái rương lưu giữ bao kỷ niệm của thời hàn vi cùng cực ấy!
Thấy có cụ Mão tiến lại gần, tôi khơi miệng hỏi:
- Chào Cụ ạ!
- Ông Giáo về thăm quê đấy à?
- Dạ vâng! Cụ cho con hỏi: "Nhà anh Chí ở đâu vậy ạ?"
- Còn ở đâu nữa, kia kìa!
Vừa nói cụ Mão vừa vặn người quay lại, chỉ tay về ngôi nhà xanh xanh, mới cứng cựa nằm ở chân đê.
- Ơ... Kia hở cụ?
- Nhà nó đấy! To nhất làng Vũ Đại ông Giáo ạ!
Trong đầu không khỏi hoài nghi, tôi lê nhẹ đôi chân về phía ngôi nhà mới, đôi giầy tây mới mua hôm qua được dịp quệt xuống nền đường, kêu lên từng hồi: "Cành cạch... Cành cạch".
Tôi đứng ngây người, ngô nghê, lạ lẫm, nhìn chẳng khác gì một con nai vàng đang ngơ ngác đạp lên lá vàng khô vậy! Bỗng:
- Ông Giáo đã về... Ông Giáo đã về! Mọi người ơi!
"Tiếng ai mà quen quá!" - Tôi nghĩ thầm.
Từ xa có một bóng người phốp pháp đi dặt dẹo tiền lại gần.
- Ông Giáo về mà không gọi thằng này ra đón?
- Ơ... cái nhà anh này hay chửa! Tôi có quen anh đâu!
- Ơ kìa... Ông Giáo! Mới có mấy năm không về mà đã quên mặt thằng Chí Phèo này rồi sao! Ha ha ha
Tiếng cười sang sảng, vang vọng cất lên đã xé toạch cả một vùng không gian quê yên tĩnh.
- Đúng... Đúng tiếng cười này rồi! Sảng khoái quá! Nhưng sao nhìn anh Chí khác quá!
- Ha ha ha... Khác là khác thế nào! Thấy ông Giáo vẫn gọi tôi là anh Chí là tôi mừng rồi!
- Thế không gọi bằng anh Chí thì gọi là gì hở?
- Ha ha ha... Bây giờ đi khắp cái làng Vũ Đại này người người, nhà nhà đều gọi cái thằng này là Chí Phèo Vlog, nghe có sang miệng không ông Giáo?
- Sao lại gọi như thế?
- Ông Giáo không biết đấy thôi! Cuộc đời thằng Chí này được cover lại rồi!
- Cover như thế nào?
- Thằng Chí này hoàn lương rồi ông Giáo ạ! Rạch mặt ăn vạ ư? Trò đấy xưa rồi! Từ khi thằng năm Thọ nó truyền cho cái nghề cháo lòng tiết canh nên sáng sáng tôi đều làm một nồi cháo khổng lồ, to hự như cái nia rồi quay phim, upto lên kênh youtube. Cá kiếm phết ông Giáo ạ!
- Anh Chí giỏi thế cơ đấy!
- Chứ không à!
- Thế mấy vết sẹo đâu hết rồi?
Hai tay hắn đưa lên, ve vuốt nhẹ nhàng khuôn mặt đang đỏ ưng ửng vì hơi men, hắn đáp lại:
- Thằng này giờ là người của công chúng rồi, phải chăm chút mặt tiền chứ lạy! Thằng này đi spa mất mấy nghìn coins đấy ông Giáo ạ! Ha ha ha
- Tài phết nhể?
- Thôi... Kệ mẹ đời! Mời ông Giáo vào tệ xá để livestream... Đứng ngoài này nóng bỏ mẹ!
- Ừ thì vào...
Hắn lôi xềnh xệch tôi vào nhà, đến cửa hắn giơ tay, chỉ thẳng lên cái biển đỏ chói, được treo ngay ngắn trước cửa nhà, hắn buông lời:
- Ông Giáo nhìn xem cái biển hiệu này có hoành tráng không? Thằng này phải đặt tít ở trên huyện đó! Oách không ông Giáo!
- Tên quán hay quá: "Cháo lòng panorama"! Tên quán gì mà độc và lạ thế hở anh Chí?
- Ấy... Ông Giáo đừng đùa! Để tôi cho ông Giáo xem!
Vừa đi, vừa nói hắn lại kéo ông Giáo đi vào nhà. Trong nhà hắn có 3 hàng bàn ghế được sắp xếp đâu ra đấy, mùi món ăn thơm nức múi, bốc lên nghi ngút phả thẳng vào hai hốc mũi của tôi. Cái miệng tôi thèm chảy dãi không cưỡng lại được.
- Ôi... Món gì mà ngon quá xá!
- Hề hề... Món cháo lòng tiết canh đấy! Thơm không ông Giáo?
- Thơm quá anh Chí ạ! Chắc chị Nợ trong bếp hở?
- Nở ơi! Nở ơi! Ông Giáo về rồi này!
Gọi mãi mà chẳng thấy Nở ra, hắn tức nổ đom đóm mắt.
- Mẹ cha con Nở! Chắc nó lại đi buôn ở đâu rồi! Mời ông Giáo ngồi xơi nước.
Nói rồi hắn cầm tách trà, rót nhẹ vào cái cốc sứ trắng muốt, ngọc ngà.
- Mời ông xơi nước!
- Nhà đẹp và khang trang quá! Anh lấy tiền đâu ra mà xây được cái nhà to thế? Lão Bá Kiến cho tiền anh à?
- Mẹ cha cái thằng Bá Kiến... Mẹ cha cái thằng Lý Cường! Chờ chúng nó ấy à, có mà đợi đến tết Công Gô! Chúng nó chẳng cho 1 đinh, 1 cắc nào đâu. Ấy thế, chúng nó còn cho người đến định đập nát cái nhà này đấy! Mẹ cha chúng nó!
- Sao lại thế được! Đập là đập thế nào?
- Chúng nó bảo: "Khu vực này là nơi bảo tồn văn hóa... Không được xây!"
- Ơ... ở đây cách đình làng phải đến mấy trăm mét chả chơi! Làm sao mà vào được!
- Mẹ cha chúng nó... thấy thằng này không cho tiền, chúng nó đến mày nheo ấy mà!
- Thế rồi... sao lại xây được?
- Thằng Chí này chơi chiêu, lột sạch quần áo, chụp ảnh đăng lên mạng ăn vạ. Cũng may sao quan trên biết được về đo đạc khảo sát mấy tháng liền. Cuối cùng cũng phải cho thằng này xây tiếp đấy! Ha ha ha
Chuyện nọ nối tiếp chuyện kia, giọng xăng pha nhớt của hắn nghe oang oang, cuốn hút làm sao. Tôi chỉ còn biết ngồi ngẩn tò te, vểnh tai lên để nghe hắn kể.
Hắn đang thao thao bất tuyệt thì từ ngoài cửa có tiếng nói sang sảng hắt vọng vào:
- Chào ông Giáo!
Trước mặt tôi là một người phụ nữ đã ngoài tứ tuần, ả ta mặc một bộ quần áo pijama màu hồng nhạt, cái quần được xắn cao qua đầu gối. Trên đầu ả đội một cái nón lá, mái tóc thả suông che bớt đi một phần khuôn mặt bầu bĩnh. Hai má phinh phính, hửng đỏ. Cái miệng cười toe cười toét, để lộ rõ hai hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp. Tôi sựng người không khỏi ngạc nhiên:
- Ơ... Chị đây là?
- Thị Nở đây mà!
Chưa nói dứt câu, ả ta đã hất tung cái nón ra, đưa hai tay lên lau bớt mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt. Khệnh khạng đặt nhẹ hai thùng nước xuống nền nhà, vất vội cái đòn gánh vào một góc, ả đi ra tiếp chuyện với tôi.
- Nhìn ông Giáo vẫn như xưa nhỉ?
- Tôi vẫn thế mà! Trông chị nhìn khác quá!
- Hì... có khác gì đâu!
Chí Phèo ngồi cạnh bên cũng chõ cái mồm vào nói khinh khỉnh:
- Con Nở bây giờ kinh rồi! Nó vừa lấy hết tiền, đú đởn đi spa và thay cả hai hàm răng ở trên huyện cơ đấy! Mẹ cha nó... Nhìn là ông muốn nựng rồi!
Quả thực, Thị Nở ngày nào nay hoàn toàn lột xác thành một người khác. Tôi chẹp chẹp cái miệng, không ngớt lời khen ả.
- Chị khác nhiều quá! À mà sao chị lại phải đi xách nước thế kia? Làng mình có nước sạch rồi mà!
- Đúng ra là thế! Mấy hôm trước bố con thằng Bà Kiến đòi tăng giá nước, bà con trong làng phản đối, không nghe theo... Nên chúng nó đổ sạch cả thùng dầu ma rút xuống giếng nước sạch đấy! Mẹ cha nhà chúng nó!
- Thật là một lũ mọt dân hại nước! Chỉ khổ dân mình thôi!
Đôi mắt tôi trùng xuống, đườm đượm buồn. Thấy thế Chí Phèo quát:
- Con mẹ này! Mau mau vào làm một bát lòng trần cho ông Giáo nhắm rượu.
Thị Nở thả hai cái ống quần xuống, đon đả xách hai thùng nước vào bếp. Trong lúc chờ đợi, Chí Phèo dẫn tôi lên thăm quan các tầng, các phòng. Leo đến tầng 4 là tôi mệt, thở hắt ra rồi. Nhìn thấy thế, Chí Phèo lại được dịp cười khanh khách.
- Ha ha ha... Người nhà nước có khác! Leo yếu thế, thế này phục vụ làm sao được bà Giáo chứ nhẩy?
Nói chưa dứt câu, hắn lôi tôi ra sát cái cửa sổ tầng 4.
- Ông Giáo nhìn xem, từ đây tha hồ mà ngắm cảnh làng Vũ Đại, tha hồ mà chech in, livestream ông Giáo nhẩy?
Tôi tiến lại gần cửa sổ, thò đầu ra ngoài. Tự nhiên, đầu tôi quay cuồng lại thêm cảm giác như có ai đó ở đằng sau muốn đẩy tôi ra ngoài. Tôi sợ quá vội thụt đầu vào. Thấy thế, Chí Phèo lại được đà càng đẩy tôi ra.
- Hừm... Ông xem sướng không? Có đếch gì mà sợ!
- Ấy ấy... Chú không biết đấy thôi! Trên tỉnh khối người tự nhiên ngã lăn xuống đất rồi đấy! Tôi đây cũng sợ chứ bộ!
- Ai bảo ông quyền cao chức trọng để làm gì! Làm dân đen như thằng này... Thì đứa nào dám đẩy! Ha ha ha
Quả thực, hôm nay về thăm quê đã làm cho tôi sáng mắt, sáng lòng. Làm thân ông Giáo bao nhiêu năm nay được thằng Chí Phèo nó khai phá, mở mang đầu óc! Đứng trên cao, tôi đã hét lên đầy sung sướng:
- Ông trời ơi! Thằng Chí Phèo nó đổi vận rồi! Ha ha ha
- HẾT -
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top