chi mai
Chị Mai
1.
Đầu năm 1957, tạp chí Văn nghệ quân đội được dọn ra ở ngoài phố, tức là nhà số 4 phố Lý Nam Đế bây giờ. Cái mặt hè rất rộng góc đường Phùng Hưng - Phan Đình Phùng năm ấy có một dãy quán hàng bán nước giải khát. Quán ngoài trời nhưng có căng bạt che, bàn ghế tươm tất, bán cũng rẻ nên đã thành một thứ câu lạc bộ của đám văn nghệ sĩ quân đội sống dọc phố Lý Nam Đế. Các bà chị bán hàng là dân tiểu thương chính cống của đất Hà nội, răng đen, khăn vấn, áo cánh trắng, cư xử với khách hàng bộ đội thật thà, thân thiết như chị em trong nhà chứ không ra kẻ mua người bán. Có nghĩa là tình cảm quân dân trên hết, lỗ lãi tính sau, có vẻ như là thế nhưng chúng tôi đâu dễ tin là thế. Với cặp mắt ngờ vực, dò xét tôi đã quan sát chị Mai, một bà chủ quán, không chỉ vài tháng mà suốt cả nhiều năm dài, cả chục năm chứ không ít. Chị Mai là vợ một cán bộ hoạt động bí mật ở Hà nội trong những năm ta đánh Pháp. Anh là y tá của nhà máy điện Yên Phụ, bị mật thám Pháp bắt khoảng tháng 5 năm 54, bị tra tấn rất dã man nên anh chỉ sống thêm được có vài tháng sau ngày bộ đội ta vào tiếp quản Hà nội. Họ lấy nhau sớm nên anh chị mới ở tuổi ngoài ba mươi đã có bốn mặt con, hai trai đầu, hai gái sau, thằng con lớn năm tôi biết đã lên mười. Chị có cái nhan sắc đặc tiểu thương Hà nội, người hơi mập, mặt tròn, mắt dài, hàm răng nhuộm đen nhỏ và đều, cười nói dịu dàng, duyên dáng, trò chuyện với chị lần đầu đã muốn thân, đã muốn tin. Chính là anh Thanh Tịnh đã dẫn bọn tôi ra quán hàng của chị. Cũng chỉ một mình anh được chị gọi khi là bác khi là anh, còn lũ chúng tôi hăm lăm hăm sáu tuổi đều được chị gọi là cậu tuốt. Năm ấy tôi chưa biết hút thuốc lá, chưa biết uống cà phê, ngồi vào quán chỉ gọi có bột đậu xanh, thạch trắng hoặc chè sen, chè đỗ đãi, loại giải khát của trẻ con chứ chưa dám nếm các vị đắng cay của mấy ông anh lớn tuổi. Tôi tuy là người Hà nội nhưng đi kháng chiến từ nhỏ, trong tám năm lúc ở rừng lúc ở làng, bao nhiêu thói quen của người thành phố hầu như đã quên hết. Chỉ được cái mặt, cái dáng thì vẫn là người của thành phố. Tuy tôi đã trở lại đất kinh kỳ được hơn một năm nhưng sống với đồng đội là chính, sống trong Thành, ra đụng vào chạm chỉ có lính với lính, nói ngôn ngữ của lính, vui đùa lính, tối tối và các ngày nghỉ kéo nhau đi bộ khắp các phố phường ngắm cảnh, ngắm người, biết được cái bên ngoài còn phía trong những căn nhà, những toà nhà người Hà nội bây giờ sống ra sao, vui buồn ra sao thì tuyệt nhiên không được biết một chút gì. Đi mua hàng thì không biết mặc cả, thăm hỏi họ hàng và bạn bè thuở nhỏ vừa nói vừa dò dẫm, mình nói thế họ có vui không, có lo không, có buồn không? Hoan hô cách mạng từ xa thì dễ nhưng giáp mặt với cách mạng mỗi ngày xem chừng khó. Bởi phải thay đổi nhiều thứ quá, ngày nào cũng có một cái gì đó vừa thay đổi hoặc sẽ thay đổi, những thay đổi lớn ngoài xã hội và cả những thay đổi nhỏ trong các mối quan hệ vốn bất di bất dịch từ nhiều đời người. Trong những thay đổi lớn và nhỏ ấy chị Mai vẫn sống tự nhiên, chân thành, không che đậy, gắng gượng chút nào cả. Có buổi trưa tôi ra ngồi ở hàng của chị chỉ để được uống một tách trà ngon thôi, được ngồi nhìn và nghe mọi hoạt động của chung quanh thôi vì tôi vẫn còn lạ lắm, còn ham được biết lắm, nhìn vào cái cà mèn cơm trưa của chị chỉ thấy có mấy gắp rau muống xào và mấy quả cà pháo. Tôi nói:
- Người thành phố mà ăn uống cũng khem khổ nhỉ?
Chị cười:
- Ngày anh còn sống cả nhà cũng chỉ ăn có thế. Đông con là túng lắm cậu ơi! Các cậu thì sao?
Tôi cũng cười:
- Chị không nên ví với cái khổ của anh bộ đội. Chúng tôi là vô địch.
2.
Tôi đã sống ở Hà nội gần hai năm, đã ra khỏi rừng mà vẫn chưa dứt được bệnh sốt rét. Thỉnh thoảng lại có một cơn sốt kéo dài vài ngày rồi khỏi. Sốt rét nhẹ, nằm ở Hà nội, trong toà nhà lớn phố Lý Nam Đế, thuốc men đủ, quả thật là sướng. Đầu hơi váng vất một chút, người hơi gây gấy một chút, nằm uốn éo trong tấm chăn mỏng, lúc ngủ lúc thức xem chừng còn khoái hơn lúc hoàn toàn khỏe. Dứt cơn sốt, miệng nhạt thếch, nhìn ra ngoài trời vừa tối, khoác áo ra đầu đường Phan Đình Phùng làm bát phở bò gánh, lại uống một ly cà phê sữa nóng, cũng là cà phê gánh, loại cà phê ô - lê (café au lait) nổi tiếng ở các góc phố Hà nội thuở ấy, nghĩ lại những trận sốt rét ở Chi Nê, ở Đầm Đa, sau này là ở Thung Voi mà kinh. Cò lần tôi bị sốt rét phải nằm bẹp đã mấy ngày, không ăn uống được gì thì chị Mai đột ngột bước vào phòng tôi, tay xách một cạp lồng lớn, bảo:
- Bữa nay tôi nấu bún bung, chua chua, ngọt ngọt, dễ ăn lắm!
Tôi hỏi:
- Chị nấu cho riêng em à?
Chị cười:
- Nấu cho cả nhà. Phần của cậu có hậu hĩ hơn.
Nhìn thì thèm nhưng cũng chỉ ăn được hai lưng bát nhỏ vì miệng còn nhạt quá. Chị giũ tung đống quần áo đẫm mồ hôi vứt ở đầu giường đã thay nhưng chưa kịp giặt, buộc thành một bọc cầm về, ngăn không được. Tôi không phải là người duy nhất của cơ quan được chị nuông chiều. Nhiều anh khác cũng thế vì chúng tôi đều chưa có gia đình riêng, chưa có người đàn bà nào chăm sóc những việc vặt vãnh của cuộc sống thời bình, cuộc sống giữa một thành phố lớn. Những việc ấy chúng tôi đều nhờ chị Mai cả, chị nhận giúp rất dễ dàng, rất vui vẻ. Tôi chỉ thắc mắc chị làm giúp chúng tôi vào những lúc nào nhỉ, vì có thấy chị vắng mặt ở quán hàng giờ nào đâu? Khi tôi hỏi, chị nói:
- Các cậu nhờ tôi, tôi lại nhờ người khác, ở Hà nội tôi thiếu gì bạn.
Chị rất ít nhắc tới công việc của chồng thời Hà nội bị tạm chiếm. Chỉ có một lần chị buột nói:
- Một nửa số công việc của tổ chức giao cho anh ấy đều do tôi làm cả, vì tôi đi đâu cũng lọt, không bị chúng nó nghi. Việc nào khó quá lại nhờ bạn bè.
Việc sống chết mà vẫn có nhiều người giúp thì chị cũng tốt bạn thật, tôi đồ chừng, cho tới lúc này chị vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, họ giúp nhau ra sao trong cái giới buôn bán nhỏ thì tôi không thể biết, nếu không làm sao chị nuôi nổi bốn đứa con vào lúc thời thế đang đổi thay.
3.
Trong số bạn bè ở phố Lý Nam Đế hay ra quán chị Mai có anh Tiến, một cán bộ làm công tác quản lý của một cơ quan văn hoá. Anh hơn tôi gần mười tuổi, khoảng băm lăm băm sáu gì đó, người thấp, da ngăm đen, nói chuyện rất có duyên, lại hay nói hài. Chúng tôi thích nghe anh nói chuyện đã đành mà bà chủ quán cũng có ý thắc thỏm chờ cái giờ anh ra ngồi quán. Anh mới ngoài ba mươi mà đã có con trai đầu mười chín, hai mươi tuổi, đã đi bộ đội hải quân được một năm, vậy anh lấy vợ năm nào, sinh con năm nào? Anh kể, vợ anh hơn anh năm tuổi, anh mới mười hai vợ đã mười bảy. Anh đi chăn trâu mải chơi để trâu xổng mất. Vợ tìm được trâu, gọi chồng lại lấy thừng trâu quất vào mông chồng một trận nên thân. Chồng ôm đít, vừa khóc vừa chạy về nhà mách mẹ. Con dâu dắt trâu về đến ngõ, mẹ chồng chạy ra mắng:
- Nó có điều gì không hay không phải thì mày lấy lời bảo nó sao lại đánh nó đau thế?
Con dâu cãi:
- Phải đánh cho nó chừa cái tính ham chơi!
Anh bảo, vợ chồng anh chỉ có ba cách xưng hô với nhau, thoạt đầu là mày tao, lớn lên một chút là ấy ơi, khi có con thì gọi theo con: mẹ mày, bố mày, chưa từng biết có cách gọi nào khác. Anh nói tiếp:
- Chưa biết làm chồng đã nhảy lên làm cha rồi. Với tôi, cái hạnh phúc gia đình như người ta hay nói bây giờ, chỉ có mùi nước đái trẻ con, mùi ngải cứu với cái mặt bà đẻ xoa nghệ vàng khè.
Trong đám chúng tôi chỉ có Tiến là biết cách nói chuyện với phụ nữ. Chúng tôi chỉ là những thằng con trai ích kỷ và vụ lợi, bụng dạ thì tốt nhưng đã cất lời là hết sức vô duyên vì thiếu sự từng trải. Tiến thường kiểm tra bài vở học ở trường của hai đứa con lớn chị Mai, rồi gọi từng đứa lại thì thầm dặn bảo cả giờ. Lúc cười lúc gắt thành thử bọn chúng cũng quấn quít với anh hơn bọn tôi. Ngày chủ nhật anh đi họp phụ huynh học sinh thay cho mẹ chúng nó. Thằng lớn bị xe đụng trật khớp chân, đứa nhỏ bị bệnh quai bị, con bé út lên sởi anh đều đưa chúng về căn buồng riêng của anh trong cơ quan, ăn ở với anh cả mấy tuần để anh tiện chăm sóc cho mẹ chúng khỏi phải bỏ hàng. Mỗi lần đi công tác các quân khu khi về anh đều có quà, những món quà rất thiết thực, vài cân cá khô, tôm khô, vải may quần cho con, lụa may áo cho mẹ, thậm chí còn ôm được cả một vò mắm tôm của đất Hải Hậu để mấy mẹ con ăn dần. Chu đáo, âu yếm như người chồng như người cha của cái gia đình đã từ lâu vắng bóng đàn ông. Nếu anh Tiến còn sống độc thân chắc chắn anh sẽ về ở hẳn với mấy mẹ con chị Mai. Họ gặp nhau cũng muộn nhưng sẽ đối đãi với nhau như người tình như người bạn đến mãn đời, tôi tin thế.
4.
Những năm đầu của thập niên 60 đối với tôi ngày nào cũng vui. Tôi đã lấy vợ, đã có một con rồi hai con, lại có tiền nhuận bút in sách, mỗi năm một cuốn. Tiền lương tiêu cũng không hết nên tiền in sách là tiền để dành. Hàng xóm hỏi vay một đồng, hai đồng nài nỉ nhau tới kỳ lương sẽ trả. Còn một cuốn sách in tiền nhuận bút được từ tám trăm đến một ngàn đồng là nhiều lắm, là rất nhiều. Tôi trở thành người giàu có trong khu tập thể. Nhưng vẫn ăn ở như mọi người vì mua sắm cái gì cũng khó. Vào mậu dịch hàng bày thì đẹp, hàng bán thì xấu hoặc thiếu, có sao mua vậy, không được chê, không được chọn, ăn cũng thế. Các hàng ăn ngon cứ thưa dần, tiều tuỵ, nhem nhuốc dần. Mấy quán cà phê nổi tiếng còn tồn tại được là nhờ cái vẻ tiều tuỵ, nhem nhuốc của nó. Lại thêm cái tâm lý, bạn bè, hàng xóm đều sống vất vả, thiếu thốn, mình sống dư đủ quá cũng khó coi. Người ta không nói nhưng cái nhìn của họ cũng đủ làm mình áy náy, ngượng nghịu. Nên ăn cơm hàng ngày vẫn rau dưa là chính, cái mặc hàng ngày vẫn là dép nhựa, dép cao su, quần đen áo cộc. Chỉ hơn người là có nhiều tiền dư vì chả biết dùng nó để làm gì. Dẫu sao chúng tôi cũng vẫn là những người đang được sống rất sung sướng. Cái khổ của dân đi đây đi đó vẫn có biết nhưng kẻ đứng ngoài với người trong cuộc là khác nhau lắm. Thông cảm nhau hoàn toàn thế nào được. Mấy cái quán giải khát quen thuộc của chúng tôi qua mỗi năm lại tàn lụi đi một chút. Hàng bán ít đi, khách đến thưa dần, rồi thuế má, rồi dư luận xã hội, đại để là một cái nghề không được tôn trọng, không được khuyến khích, lại thêm nhiều thứ phiền nhiễu lặt vặt. Nên chị Tân nghỉ bán hàng, rồi chị Phượng cũng nghỉ. Chỉ còn cái quán của chị Mai, buổi sáng ra hàng cũng giống như buổi chiều sắp dọn, cứ lẻ loi, lạc lõng thế nào. Chị cũng đã chớm già, da mặt như khô đi, có những chấm xám nhỏ như lên mồi mà mới ngoài bốn mươi chứ mấy. Anh Tiến vẫn ra chơi nhưng mối quan hệ giữa họ cứ lửng lơ, chả ra đâu vào đâu cả. vì không thể thay đổi được. Có lần tôi ra quán chị Mai mua mấy điếu thuốc, tình cờ gặp anh Tiến cũng ngồi đó. Cả hai người nhìn tôi rất lúng túng vì mắt họ đều đỏ hoe. Tôi cầm vội thuốc đi ngay, cũng thấy tội nghiệp nhưng vẫn thầm mong họ chớ có phá luật. Phá luật thì rắc rối to. Rồi chị Mai cũng phải dẹp quán, đi làm nhân viên của một cửa hàng ăn của mậu dịch. Các con chị, đứa đi làm công nhân, đứa đi làm phụ lái xe, con gái lớn cũng vào ngành thương nghiệp, chỉ có con út là được đi học. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu thì anh Tiến dọn về khu văn công Mai Dịch. Ở đó anh có một căn hộ, anh đã đón đứa con gái út lên học đại học ở Hà nội. Rồi cơ quan chúng tôi phải sơ tán về vùng quê Hà Tây. Các con tôi đứa đi theo trại trẻ của quân đội, đứa theo cơ quan của mẹ. Bọn tôi lúc đi công tác, lúc ở Hà nội, lúc về nơi sơ tán. Mười năm được sống yên vui giữa đất kinh kỳ đã có bao nhiêu ràng buộc và kỷ niệm và dãy quán bán giải khát đầu đường Phùng Hưng của các bà chị tiểu thương thấp thoáng trong nỗi nhớ như một vệt nắng rất dịu dàng.
5.
Đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, cơ quan và gia đình tôi trở lại Hà nội sống đoàn tụ dưới một mái nhà sau tám năm sống phân tán. Lại những vất vả mới để thu xếp cho cuộc sống tạm gọi là thời bình. Tìm nơi học cho con lớn và con nhỏ, mua sắm thứ này và thứ kia. Việc nào cũng cần phải có người quen và tiền. Nên phải chạy đôn chạy đáo, không viết được một dòng nào nhưng rất vui, tất nhiên cái vui không hoàn toàn như những năm đầu mới về Hà nội. Chính trong những ngày ấy tôi đã gặp lại chị Mai, gặp giữa đường và chị mời tôi lại nhà chơi. Biết chị mười mấy năm nhưng tôi chưa lại nhà thăm chị và các cháu bao giờ, kể cả ngày Tết. Còn chị thì năm nào cũng đến với vợ con tôi vài lần. Nhà chị vẫn ở một căn gác phố Hàng Bún. Nhà rất dễ tìm vì căn gác chỉ có một cửa sổ trông ra đường. Chị đã già nhiều, tóc hai bên thái dương đã bạc, vào tuổi năm mươi rồi còn gì. Nhưng chị vẫn đẹp, cái đẹp hiền hậu, trang nghiêm của tuổi về già. Khi tôi hỏi chị về anh Tiến, chị kể rất thật thà, rất tự nhiên xem như một chuyện đã qua hẳn của một thời đã qua hẳn. Những năm có chiến tranh phá hoại các con chị đứa đi công tác xa, đứa theo trường đi sơ tán, chị thường ở nhà một mình. Cũng trong dịp ấy anh Tiến hay lại chơi, họ cùng nấu cơm ăn bữa tối và anh ở lại qua đêm. Chị nói:
- Mấy năm ấy chúng tôi sống với nhau như vợ chồng. Tôi cũng không giấu giếm chuyện đó với các cháu. Chúng thương cả hai người, chỉ hiềm người ta đã có vợ cái con cột rồi.
Chị thú nhận với tôi, vì chị đã coi tôi như em, rằng chị đã phải nạo thai hai lần. Người đưa chị đi bệnh viện và làm mọi thủ tục là cậu em rể, làm nghề đạp xích lô. Không một ai biết chuyện này ngoài vợ chồng người em gái. Tôi hỏi:
- Ông Tiến có biết không?
Chị cười:
- Tôi không nói gì vì anh ấy đang vui. Nói thật người ta sợ.
Tôi lại hỏi:
- Hiện nay thì thế nào?
Chị lại cười nhỏ, cái cười thật buồn nhưng đã tha thứ:
- Mấy đứa con anh ấy có lại đây gặp tôi. Chúng nó lễ phép lắm, là người có học cả. Tôi biết anh ấy có ý muốn chia tay với tôi nhưng không dám nói trước, sợ mang tiếng là kẻ bội nghĩa bạc tình. Nên tôi phải chủ động nói trước cái chuyện khó nói ấy. dẫu sao thì chúng ta cũng đã có được mấy năm sống rất hạnh phúc, tôi có nói với anh ấy như thế.
6.
Nhiều năm tháng đã trôi qua. Anh Tiến đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Chị Mai theo vợ chồng thằng con lớn vào sống ở Đà Nẵng trông con cho chúng nó. Tôi đã nghỉ hưu, không còn ở Hà nội, thỉnh thoảng có việc ra thủ đô lại đến nằm nhờ cơ quan cũ ở phố Lý Nam Đế. Sáng tối tha thẩn ra góc đường Phùng Hưng - Phan Đình Phùng, uống một chút, ăn một chút, sống lại với cái thời đã qua trong giây lát. Góc đường có dãy quán giải khát bốn chục năm về trước nay là một khách sạn ba sao, bốn sao gì đó, thảm đỏ trải ra tận vỉa hè và những cậu thanh niên đội mũ đỏ, mặc quần áo đỏ khom mình mở cửa xe, xách va ly cho đám khách trọ già có trẻ có từ Châu Âu, từ Bắc Mỹ tới. Chị Phượng, một bà chủ quán năm xưa, đã ngoài bảy mươi, vẫn ngồi bán trà chén ở ngách nhà bên khách sạn. Tủ kính bày thuốc lá, chai lọ đựng kẹo tây kẹo tầu, cả bia lon, rượu ngoại, ly tách sáng choang. Bà lão chỉ ngồi bán có buổi sáng, trưa chiều con gái bán. Các cô con gái áo len áo lông, môi son má phấn, vòng nhẫn hoa hột, trả lời khách hàng uốn éo, nhõng nhẽo:
- Yét, sơ, ô kê.
Chị Tân cũng là một bà chủ quán của ngày xưa, mỗi sáng ngồi bán xôi lạc cũng liền đó. Tóc bà lão bạc phơ, răng chưa rụng cái nào, nói năng vẫn nhẹ nhàng, lịch thiệp như năm còn trẻ. Không ai thổi xôi rang vừng ngon bằng bà, cũng chỉ bán một thoáng vào lúc sáng sớm trước giờ mọi người đi làm, rồi nghỉ. Con trai con gái cưỡi xe Dream lướt qua, người gửi chìa khoá, người lấy nắm xôi rồi lại vọt đi. Bà Tân bán xôi cũng là bán cho vui, cho đỡ nhớ cái nghề bán hàng từ thời con gái, bán một ngày nghỉ vài ngày cùng bạn bè đi lễ, đi hầu bóng đền này phủ kia, tiền tiêu bạc trăm, bạc triệu.
Bên gốc cây sấu cổ thụ, cây sấu của bốn chục năm trước, của trăm năm trước, có một cái bàn nhỏ xíu bày bán trà chén và thuốc lá. Người bán là một chị trạc tuổi chị Mai ngày xưa, to béo, tóc uốn, răng trắng, mặc áo giắc két đỏ, quần len đen may chẽn, đi giày cao gót. Người bán nói cười luôn miệng, nói rất to, nói rất tục, câu nào cũng văng tục, văng tục bất chấp, văng tục đến vô lý, tục tĩu còn hơn đàn ông, mặt mũi thì dễ coi mà ăn nói quá quân trộm cướp. Chị ta kể với tôi rằng, từ ngày mai chị sẽ dẹp bán nước, đi buôn hoa vì cũng giáp tết rồi. Một vụ hoa năm ngoái chị kiếm lời khoảng mười triệu. Mua ở Nghi Tàm một cây đào hai trăm ngàn, xe chở đến đầu vườn hoa Hàng Đậu đã bán được năm trăm ngàn. Đi một ngày về vứt đống tiền lên bàn rồi lăn ra ngủ, chồng hỏi con hỏi chỉ gật với lắc vì cổ đã khản đặc. Chị nói:
- Đ.m, cái nghề này phải biết ăn nói có nghệ thuật, có tâm lý thì mới kiếm được. Người bán đầy đường mà người ta chỉ mua của mình, lại dám mua đắt là mình phải tâm lý thế nào chứ!
Tôi hỏi:
- Sao bảo dầu là đi buôn vẫn cứ phải thật thà thì làm ăn mới bền?
Chị ta trừng mắt nhìn tôi, má môi thây lẩy, nói ráo hoảnh:
- Nói vô phép bác, đ.m chúng nó, mình thật thà thì thiên hạ nó nhét cứt vào mồm ngay. Nói như rồng như phượng còn chả ăn ai nữa là thật thà!
Tôi thích cái thời này lắm, tôi khoan khoái được sống với cái thời này, chỉ hơi kinh, chỉ không thích cái lối sống bặm trợn, gian trá, tục tằn của hôm nay thôi.
Tháng 3 năm 1997
mr Quy!
nguon: vnthuquan.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top