NGƯỜI MẸ ĐĨ

Tên truyện: Người mẹ đĩ
Tác giả: Thạch Thảo
***

Người đàn bà ấy thua kiện, xóm làng xung quanh chỉ trỏ vào, bàn tán rôm rả. Phận làm gái còn dám đâm đơn kiện đòi quyền nuôi đứa con do người khác dứt ruột đẻ ra. Không nghĩ đến cái đời mình ô nhục ra sao, thì cũng phải nghĩ đến tương lai đứa nhỏ chứ. Thua kiện là đáng. Nếu là họ, họ còn tống mụ vào tù nữa cơ... Người ta nói dài, nói mãi, càng nói càng hả hê như thể người đàn bà kia phạm phải tội gì tày đình lắm.

Người đàn bà kia tên Huệ, không biết quê ở đâu, nhưng đã sống ở xóm này ngót nghét hai chục năm. Huệ năm nay đã gần bốn mươi, nhưng vẫn trẻ và đẹp, ăn đứt mấy cô gái mới lớn. Cái đẹp của người phụ nữ đứng tuổi, mặn mà lại quyến rũ. Đối với những người phụ nữ khác, Huệ đẹp chính là một cái tội. Làm sao vui vẻ nổi khi trong xóm có một ả đà bà đã ngoài bốn mươi mà vẫn còn trẻ, còn phơi phới, chỉ cần liếc mắt một cái là hớp được hết hồn cánh đàn ông xóm này. Huống hồ, Huệ còn là gái làng chơi, người có thừa thủ đoạn để làm một anh chồng nào đó chết mê chết mệt. Thành thử, xóm làng nhìn Huệ như một thứ gì bẩn thỉu mà ghê tởm lắm. Họ chỉ chờ có dịp để xoi mói, để chửi rủa, để nhấn chìm người đàn bà kia xuống, sao cho không ngóc đầu lên được.

Cứ như vậy đã 20 năm, Huệ sống trong căn nhà bé như cái chòi ở cuối xóm. Chị hiểu xóm làng này ghét mình, nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi. Chị cười khẩy, tự an ủi mình bằng bằng cách giễu cợt đám phụ nữ "lo bò trắng răng". Huệ làm gái thật, nhưng cũng là một người làm gái có lương tâm. Chẳng bao giờ chị nghĩ đến việc sẽ dùng nhan sắc của mình để quyến rũ người đàn ông nào đã có vợ. Ít nhiều lần Huệ nói vậy, song xóm làng không bao giờ tin. "Đừng nghe đĩ kể chuyện", người ta rỉ róc như thế đấy. Dường như đối với những người trong xóm này, Huệ chỉ thở thôi cũng tỏa ra thứ mùi vị của những âm mưu bẩn tưởi, đê tiện.

Thời ấu thơ của Huệ đã lùi về rất xa, ẩn trong con số 40 năm dài đằng đẵng kia. Thi thoảng, chị chỉ còn nhớ được những hình ảnh mơ hồ. Cô bé tết tóc đuôi sam, mặc váy hồng, được bố mẹ chở đi chơi trong phiên chợ Tết. Ký ức ấy nhăn nhúm lại, vỡ ra trong một buổi chiều muộn. Bố cờ bạc, bị người ta xiết nợ. Mẹ không chịu nổi tình cảnh khốn khó bỏ nhà đi, chỉ để lại Huệ. Người bố rượu chè liên miên, người đòi nợ cũng liên miên. Thế rồi, bố dắt một người đàn bà béo với khuôn mặt núng nính mỡ đến.

- Từ nay đây sẽ là mẹ con.

- Ơ bố... Đây đâu phải mẹ con đâu ạ?

- Thế mẹ mày là ai? Mẹ mày là cái con đàn bà bỏ mày đi ấy hả? Mày chạy theo nó đi xem nó có nuôi mày không? Hay bây giờ nó đang tít mắt với thằng đàn ông khác rồi?

Bố nói rồi vò đầu bứt tai như người bị điên, kế đến đấm thẳng tay vào tường. Ông run run bờ vai, không nhìn vào mắt Huệ:

- Mày đi theo mẹ nuôi đi. Sau này có ăn có mặc, không phải khổ như theo tao nữa.

Bất chấp Huệ khóc muốn ở lại như thế nào, hôm ấy cô bé vẫn bị kéo đi. Mẹ nuôi Huệ là Tính, một người đàn bà giàu có ở trên thành phố, đã bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có con. Bà Tính đi xem bói. Thầy bảo số bà vốn không thể có con, nhưng để cầu may thì nên làm chuyện tích đức, nhận một đứa con nuôi xem quan trên có thương tình ban lộc hay không. Y lời thầy dặn, xem tuổi mấy mươi lần, bà mới vừa mắt Huệ, rồi bỏ ra mười đồng bạc, mua đứt Huệ về làm con nuôi.

Thời gian đầu làm con nuôi, tính Huệ ngoan ngoãn, nhà lại thiếu tiếng cười trẻ nhỏ, nên bà Tính cũng thương con bé lắm. Huệ được mặc váy đẹp, được đưa đi chơi công viên vào những ngày cuối tuần. Thật ra sống thế này cũng không tệ lắm. Huệ thầm nghĩ khi nhìn về phía mặt trời lặn, đó là hướng của ngôi làng cũ mà con bé từng sinh sống. Nỗi nhớ nhung mẹ ruột cũng vì thế mà vơi dần. Giờ mẹ nó đã có gia đình mới rồi, có khi đã quên mất sự tồn tại của nó. Nó cũng nên quên đi, để sống cho vui vẻ, hạnh phúc.

Năm ấy, Bà Tính bỗng nhiên có con, đứa con trai đầu lòng đến vào tuổi bốn mươi hai làm người mẹ hiếm muộn vỡ òa. Bà ôm Huệ quay vòng vòng, hôn con bé tới tấp, dặn dò:

- Đấy là em con đấy! Con là chị, con phải thương em đấy nhé!

Huệ không nói ra, nhưng vui lắm. Nó biết mẹ mình đợi đứa con này lâu lắm rồi. Con của mẹ nuôi, cũng là em của mình. Hôm em bé sinh, nó chờ mọi người ra ngoài hết, lén lút đứng bên nôi, lấy tay chọc chọc vào má em. Nó nghiêm mặt lại ra vẻ nguy hiểm, hắng giọng:

- Sau này em phải nghe lời chị biết chưa. Phải ngoan ngoãn, không được để mẹ Tính buồn.

- Ối giời ơi! Mày định làm gì cháu tao?

Tiếng kinh hô làm mọi người ập đến, Huệ thì hoang mang. Em chồng bà Tính, cũng là cô của Huệ đang đứng chống nạnh ngoài cửa, hớt hải gọi mọi người. Nó không hiểu tại sao bà lại cứ khăng khăng kết tội mình như thế.

- Cháu, cháu có làm gì đâu ạ...

- Tận mắt tao nhìn thấy mày cấu nó, lườm nó. Chẳng lẽ tao lại nói điêu cho mày hay gì? Anh chị để ý xem, mấy đứa khác máu tanh lòng không tin nổi đâu. Con cháu mình mà bị làm sao... ối giời ơi em chỉ nghĩ thôi đã thấy lạnh hết cả người.

Huệ cúi đầu im lặng, con bé mới có mười tuổi nhưng đã nhận ra ánh mắt bố mẹ nuôi nhìn mình có điều khác lạ.

Mấy hôm sau, bà Tính chợt dịu dàng gọi Huệ dậy từ sáng sớm, mặc cho con bé một bộ quần áo đẹp, tết cho nó bộ tóc đuôi sam. Con bé dụi đầu vào người mẹ nuôi, ngái ngủ hỏi:

- Sao hôm nay mình dậy sớm thế mẹ?

- Có có muốn đi chơi công viên không?

- Có chứ ạ! - Huệ sáng mắt lên. - Nhưng hôm nay đâu phải cuối tuần đâu. Mẹ không phải đi làm ạ?

- Đi làm thì hôm nào mà chẳng đi. Thôi được rồi, con dậy đi, hai mẹ con mình đi chơi. Nay không cho em bé đi, một mình con đi thôi.

Huệ nghe vậy thì cười tít mắt, lật đật bò dậy theo bà Tính lên xe ô tô. Trời hôm ấy rất lạnh, Huệ ngồi trong xe, mắt lim dim nghĩ về chiếc kẹo ngọt bên cạnh cây thông Giáng Sinh. Con bé không hề hay biết, đó là ngày cuối cùng nó có mẹ.

Phải vậy, Huệ bị bỏ rơi trước cổng chùa vào năm thứ hai sau khi nó được nhận nuôi. Nó đã đứng đợi rất lâu, đủ lâu để biết rằng mẹ nuôi của mình sẽ không bao giờ trở lại.

- Thế rồi, tôi làm gái. Chẳng biết nhờ ai. Tôi không nhớ nữa.

Huệ vẫn thường rít một điếu thuốc khi nhắc về quá khứ của mình. Giọng chị rất nhẹ, tưởng chừng như gần bốn mươi năm phiêu bạt kia chỉ giống như một làn khói mỏng, không đáng nhắc đến. Chính vì thái độ bất cần đó, nên những người nghe được chuyện của Huệ đều cảm thấy đó là chuyện tầm phào, do chị bày ra để lấy sự thông cảm của người đời.

Làm gái thì nhận là làm gái đi, còn đổ thừa cho hoàn cảnh. Người ta cười khinh khỉnh trước mặt, chế giễu sau lưng. Dần dà, chẳng còn ai được nghe Huệ kể về cuộc đời mình nữa.

***

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #jjj