GIỌT NƯỚC LÃ - THẠCH THẢO
Tên truyện: Giọt nước lã
Tác giả: Thạch Thảo
Thể loại: Tâm lý xã hội
***
Lần đầu tiên gặp mặt em trai, Út đã mười tám tuổi. Thằng nhóc mặc một chiếc áo bông cũ mèm, đứng lấp ló ngoài đầu hiên chờ người lớn nói chuyện. Dì hai cúi đầu, vài sợi tóc bạc thưa rủ xuống đôi chăn mày khắc khổ. Người đàn ông trung niên cúi đầu lặp lại đi lặp lại mấy câu "Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi" rồi quay đầu đi thẳng. Thằng bé kia vẫn ngẩn ngơ trong sân, tròng mắt hoang mang như con bê lạc đàn. Trong một khoảnh khắc đó, Út chỉ kịp nhận ra mình có một người em trai, chung nhau nửa dòng máu, kém cô đến mười tuổi.
1.
Ký ức về mẹ đã lùi xa vào trong con số mười tám năm đằng đẵng của cuộc đời Út, như bọt biển vỡ tan trên sóng. Hiếm có đứa trẻ nào khi nói về tuổi thơ lại dùng từ "đằng đẵng" một cách khắc khoải và mệt mỏi đến vậy. Trong ít kỉ niệm vụn vặt còn sót lại, mẹ lúc nào cũng hiện lên với những lời đàm tiếu, bỉ bôi. Út không có cha, lại là con của một người đàn bà "chuyên phá hoại gia cang" nhà người khác. Xóm làng đã nói về Út như thế trong suốt những năm mà cô lớn lên cùng bà ngoại. Không có cha đã khổ, riêng Út, có mẹ mà hóa như không. Cô vẫn còn nhớ những chiều đi học về, mẹ ngồi bên cái cửa sổ đã sụp một nửa xuống, dưới chân lăn lóc mấy chai rượu nặng và mẩu tàn thuốc lá. Bà nhìn thấy cô, nghiến răng lại, tiếng nguyền rủa rít ra từ trong cổ họng khàn khàn bao năm do bị rượu hủy hoại:
- Mày càng lớn càng giống cái thứ đó! Sao mày không chết đi cho tao đỡ chướng mắt!
Út không biết mình giống ai, nhưng chắc chắn rằng mẹ hận người được nhắc đến trong câu rít kia đến tận xương tủy. Làng xóm bảo, mẹ bị người đàn ông có vợ lừa tình. Sinh ra Út, bà lạy lục đến xin người đàn ông đó cho mình một danh phận. Vợ của ông ta nghe được câu chuyện lao đến đánh chồng, rồi dí đầu mẹ xuống cắt phăng mái tóc dài của bà. Bên ngoài cửa bao nhiêu người chỉ trỏ, từng lớp áo của mẹ bị xé ra, bị giày xéo cho thiên hạ chê cười.
Không chồng mà chửa, làng xóm có thương thì vẫn thương, song đều thở dài trách mẹ ngu dại.
- Thì đó, nó tranh chồng người ta trước. Giờ phải chịu quả báo thôi, trách móc gì?
- Cô vợ làm thế là còn hiền. Là tôi chắc tôi đánh cho không lết nổi.
Mỗi lúc bị mẹ mắng, Út chỉ biết lẳng lặng ra sau nhà. Cô trèo lên cái ghế mà bà ngoại thường dùng để hái cau, chống cằm ngắm lũ trẻ vui đùa ngoài kia qua bờ rào. Tụi nó phát hiện liền chỉ trỏ nhau ném viên sỏi về phía cô, tiếng cười giòn tan của lũ trẻ y hệt như lời nguyền:
- Ha ha con hoang nó kìa tụi mày ơi!
- Nè con hoang. Mày có thấy con dê nhà bà Năm hông? Mày khát sữa không? Ra bú nó đi!
Con dê đực nhà bà Năm be be mấy tiếng, vểnh tai lên rồi lại vùi đầu vào tàu cỏ úa, chỉ còn mình Út ngẩn ngơ. Bà ngoại nhéo nhẹ tai cô, dúi cho một củ khoai nóng hổi. Ở ngoài kia, nhà bà Năm đang chửi đổng lũ nít ranh:
- Tụi mày có cha có mẹ mà không ai dạy hả? Lần sau tao mà còn thấy tụi mày trêu con bé, tao cho tụi mày biết tay!
Lũ trẻ ré lên rồi chạy thục mạng.
Út lại cười khanh khách, gần như những chuyện vừa rồi chẳng hề hấn gì. Ít nhất cô vẫn còn bà ngoại thương mình hết mực, vẫn còn hạnh phúc hơn chán những đứa trẻ khác.
Thế rồi mẹ Út cũng bỏ đi, sau khi cuỗm sạch gia tài của bà ngoại, chỉ chừa lại có vài đồng bạc để đi đóng sản ruộng. Út đang bệnh nặng, những cơn ho thắt ruột thắt gan làm đứa trẻ xám ngoét mặt lại, tiều tụy hẳn đi. Hôm ấy bà ngoại ôm cháu gái khóc, hết khóc lại cười, mếu máo chửi đứa con do mình rứt ruột đẻ ra sao mà tàn nhẫn, bội bạc. Bà lại lật đật đi xin làng xóm ít mật ong và lá hẹ cho cháu uống. Cơn ho húng hắng đệm nhạc cho cơn gió bấc cắt da cắt thịt, Út nhìn ra ngoài, nước mắt chẳng biết ứa ra từ lúc nào. Kể từ khi ấy, Út đã chẳng còn mẹ.
Bẵng đi mấy tháng trời, Út và bà ngoại nhận được tin rằng mẹ cô đã lấy chồng mới trên thành phố. Nghe nói người đàn ông này hơn mẹ tận mười tuổi, vừa mới bỏ vợ xong. Người vợ này còn từng đến chỗ mẹ làm đánh ghen mấy bận, gà bay chó sủa, ai cũng cười chê. Người kể chuyện vừa lấy tay che miệng cười vừa híp mắt lại, không che giấu sự khinh bỉ:
- Con nhà bà Tư tốt phước ghê nhe. Lấy chồng ở trên thành phố, được chồng giàu yêu chiều, người khác làm gì có ai có phước phần như thế đâu.
Miếng chè hạt sen trong miệng bà ngoại đắng ngắt buông xuống. Những tưởng hình ảnh của người đàn bà kia đã mờ đi trong những tháng ngày bà cháu mắm muối nuôi nhau. Nào ngờ đâu, mẹ vẫn mang đến cho ngôi nhà này bao nhiêu khổ sở và tủi nhục.
- Nó chết trôi chết lủi ở đâu cũng được. Đừng có về nhà.
Suốt mười năm trôi qua, mẹ Út không về nhà thật. Bà ngoại cũng mất, Út được dì ruột nuôi. Số dì Hiền lận đận, lấy chồng được ba năm thì bị bỏ, mà cả đời dì chẳng có ý định muốn tái giá. Hai dì cháu lại nương tựa vào nhau trên mảnh vườn của bà ngoại.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Mẹ Út chỉ thi thoảng được nhắc tên đến trong mỗi dịp Tết. Nhưng hôm nay, con trai của mẹ và người chồng kia lại bị người ta mang đến, vứt ở trong sân. Cả dì Hiền lẫn Út đều bàng hoàng khi biết mình có cháu ruột, có em ruột. Nó tên Hà Sơn, một cái tên nghe thôi đã thấy ấp ủ bao nhiêu mong mỏi của bố mẹ. Tuy vậy, cái tên này cũng chẳng mang lại may mắn cho thằng nhỏ.
Sơn được một người đàn ông mang đến, là bạn của mẹ Út. Ông ấy đượm buồn kể về hoàn cảnh của mẹ khi mới lấy chồng. Vợ cũ nhiều lần làm khó, nhà chồng không ưa, ngay cả con trai sinh ra bao nhiêu năm rồi vẫn bị mẹ chồng nghi ngờ không phải cháu ruột. Mẹ Út cắn răng nuôi con khôn lớn, nhưng số phận trớ trêu thay, người duy nhất chấp nhận bà vừa mới qua đời tháng trước. Ngay khi con trai vừa mất, điều đầu tiên nhà chồng làm là tống cổ đứa con dâu trắc nết và thằng cháu hờ ra khỏi nhà.
Út nghe đến đây, trong lòng chẳng thấy một chút xót xa nào. Có lẽ tình cảm mà cô dành cho mẹ đã bị vắt cạn trong tiếng vỏ chai lăn rầm rầm trên sàn vôi.
- Chuyện đó thì liên quan gì nhà cháu chứ? Mẹ bỏ nhà đi chục năm rồi, chú làm bạn mẹ cháu cũng phải biết.
Người đàn ông thở dài:
- Nhưng mà cũng không thể để thằng bé ở chỗ chú đúng không? Mẹ cháu đó, mang gửi thằng bé ở chỗ chú kêu về ngay, đến giờ cũng gần một tháng rồi. Chú lục cặp sách của thằng bé mới thấy dòng địa chỉ này. Mẹ cháu còn gửi lá thư đây này.
Lá thư mẹ Út viết như gà bới mà khốn nạn đến cùng cực. Trong thư, mẹ xin lỗi bà ngoại vì không báo hiếu bao nhiêu năm, còn ủy quyền nuôi thằng Sơn cho Út.
Bà ta có biết bà ngoại đã mất rồi hay không?
Suýt chút nữa Út đã phát điên ngay đấy. Dì Hiền ho sặc sụa, ho dữ dội, nước mắt khô cạn rỉ ra. Năm nay dì cũng đã già.
- Giống gì chứ không phải giống người. Làm chị, làm mẹ, làm con, mà làm như thế được hay sao?
Người đàn ông cúi đầu "Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi" rồi quyết tuyệt quay người đi. Để lại thằng nhỏ Sơn ngẩn ngơ giữa sân, giữa con gió bấc, trước những người ruột thịt xa lạ. Út nhìn đôi mắt ngây thơ của thằng nhỏ, bất lực hét lên:
- Bà ta muốn con chết mới vừa lòng hay gì đây? Bao nhiêu năm qua bà ấy làm khổ con chưa đủ sao? Có ai lại vứt bỏ con mình từ khi nó bé tí để đi lấy chồng? Bỏ con rồi thì thôi. Giờ còn bắt con nuôi con trai hộ bà ta hay gì?
Út vừa khóc vừa chạy đi, va cả vào thằng Sơn. Người trong xóm trên đường cô đi qua đều ngoái đầu lại hỏi, song cô không quan tâm. Gió đồng nội rét mướt, sượt qua hai gò má cao như lưỡi dao sắc lẻm cứa vào. Đến khi dừng lại trước bờ đê, Út mới phát hiện ra nước mặt đã khô thành vệt trên mặt mình từ bao giờ.
Bên dưới triền đê, lũ trẻ đang chơi trò tập trận giả, những bông lau màu xám phất lên, tiếng cười tíu tít làm sáng loáng cả một khúc sông buồn. Một đứa trẻ ngước lên hỏi:
- Chị Út chưa lên thành phố ạ?
Đứa khác cũng tò mò:
- Chị lên trên thành phố nhớ mua quà về cho tụi em nha.
- Mày cứ làm như chị Út đi chơi á. Chị đi học, nghe chưa. Bố tao bảo đi học đại học trên đó là nghiêm lắm, người ta không cho về đâu.
- Trường mà mày nói như cái nhà tù vậy mày.
- Thì tao có biết đâu. Từ xưa đến nay làng làm gì có ai học đại học đâu mà tao biết.
Út nghe tụi nhỏ hỏi vậy, nỗi uất ức càng dâng lên, nghèn nghẹn bóp chẹt nơi cổ họng. Thành phố nằm ở hướng Bắc, nơi con gió hun hút thổi về. Út vừa đỗ đại học ở trên đó, ngành Sư phạm. Dì Hiền vì muốn cô có tiền lên trên đó học đại học, đã cắm cố mấy sào ruộng lấy ít tiền. Út đã tính sẵn rồi, cô sẽ ăn kham khổ, ở kham khổ trong hai tháng đầu, rồi kiếm việc trên thành phố, nuôi dì, chuộc lại mảnh ruộng của bà ngoại.
Rồi tương lai của hai dì cháu sẽ tốt hơn rất nhiều.
Vậy mà giờ đây, một đứa em cùng mẹ khác xa lại xuất hiện trong cuộc đời Út, phá tan hết dự định của cô.
2. Út chẳng ở lại triền đê lâu. Khi cô về nhà đã đến giờ cơm trưa. Cô định vào bếp thì thấy trong nhà nức lên mùi thơm. Bàn cơm dọn sẵn ngoài đầu hiên, dì Hiền khom người bưng một chiếc nồi đất ra. Thằng Sơn ngồi bắc chân trên chiếc ghế gỗ, tuy dè dặt nhưng vẫn hào hứng ngước lên nhìn.
- Lâu rồi dì không xuống bếp. Cháu ăn thử xem có quen không.
Thằng nhỏ Sơn chun mũi khi ngửi mùi cá kho, miệng cứ làu bàu "cái gì đen" thế này nhưng vẫn khoắng thẳng vào trong nồi.
- Cái gì thế này. - Nó nhăn mặt lại khi nếm thử miếng cá. - Mặn thế này sao mà ăn được?
Dì kiên trì giải thích:
- Cái này phải ăn với cơm, ăn cùng cơm vừa phải vị, ngon lắm.
- Không ăn! Không ăn! Cháu muốn ăn bánh kem! Cái đồ của đám nghèo rớt mồng tơi này ai thèm ăn!
Dì rất hiền, luống cuống:
- Ở đây thì lấy đâu ra bánh kem cho cháu chứ. Cháu ăn tạm đi không đói, khi nào có dịp dì mua cho cháu, được không?
Thằng bé quẳng ngay bát cơm xuống dưới đất, đồng thời giẫm lên mấy hạt cơm trắng tinh. Cái bát sứ vỡ tan. Nó khóc lớn:
- Cháu không thèm! Cháu muốn về với mẹ! Mẹ ơi, con không muốn ở đây đâu, mẹ về với con đi.
Út mở cố ý mở khóa cổng thật mạnh, đến cạch một tiếng. Dì Hiền nhìn mãi mới ra cháu gái, chấm nước mắt:
- Con về rồi hả con? Con đi đâu thế?
Út lướt qua người bà đến trước mặt thằng Sơn:
- Nhặt cơm lên. Xin lỗi dì!
Nó vẫn ngang bướng hét lên:
- Em muốn về với mẹ!
- Im mồm! - Út lớn tiếng nạt lại, dì sợ thằng Sơn khóc khuyên cô nhịn nó tí. Út không nghe. Cô ép thằng nhỏ gập lưng xuống, rồi cầm cổ tay của nó, ép nó phải xòe bàn tay ra, nhặt hết cơm rơi vào bát.
- Cơm không phải trên trời rơi xuống. Mỗi hạt là một giọt nước mắt. Mày không sợ trời phạt nhưng mà tao sợ.
Thằng nhóc la lên oai oái như bị ai đánh đau lắm, Út chẳng phiền hà, còn mạnh tay hơn.
- Buông em ra! Buông em ra! Sau này em lớn em sẽ đuổi chị ra khỏi nhà, nhà này là của ngoại, của em.
Chỉ lúc này Út mới ngừng tay:
- Mẹ mày dạy mày như thế à?
Nó thút thít:
- Em là con trai. Chị chỉ là con gái thôi, chị phải nhờ vả vào em. Không có em thì chị còn lâu mới lấy được chồng. Sau này chị bị đuổi khỏi nhà thì đừng có trách em.
- À thế hả?
Út rút lá thư mà mẹ viết cho mình ra:
- Mày biết đọc không? Mày nhìn từng chữ đi! Mẹ mày bỏ mày rồi, mày không có bố, không có mẹ! Không có ai thương mày hết, người ta vứt mày cho tao rồi. Nhà này là bà ngoại cho tao! Giờ tao là người cho mày cơm ăn, áo mặc. Tao mới là người có quyền đuổi mày ra khỏi nhà!
- Út! Ai cho con nói thế hả?
Thằng Sơn đỏ ửng cả hai mắt, lần này nó không ăn vạ, mà khóc thật. Nó nức nở gọi tên mẹ, dì Hiền đau lòng dỗ dành, không quên lườm Út một trận. Út nhìn thằng bé mà như thấy cảnh bà ngoại ôm mình hơn mười năm trước. Dì Hiền trách:
- Nó chỉ là một đứa nhỏ thôi. Con không bao dung nó được hay sao? Nó bị vậy đã khổ rồi.
Út thõng vai xuống mệt mỏi:
- Nó khổ, con không khổ hay gì? Còn tương lai của con phải làm thế nào?
- Con không nuôi được em thì để dì nuôi. Đó là máu mủ nhà mình, con ơi.
Út đối với hai từ máu mủ cực kỳ xa lạ. Máu mủ của cô, là người bố quất ngựa truy phong, là người mẹ cầm tiền chữa bệnh của con gái bỏ nhà theo trai. Máu mủ của cô là đứa em phải đèo bòng như gánh nợ.
Thằng Sơn vẫn khóc ra rả:
- Con muốn về với mẹ! Con muốn về với mẹ! Con không muốn ở chỗ này đâu. Con muốn ăn bánh kem.
- Được rồi được rồi. Lát nữa dì đi mua bánh kem cho con, con nghe lời đi được không?
Út chán chường khi nhìn thấy cảnh này, bỏ vào trong phòng. Cô nhìn dì, nói một câu khiến bà cứng người:
- Giờ dì còn sức để nuôi nó sao? Đời người có mấy cái mười năm?
Năm nay dì bốn mươi lăm. Chân đã chậm, mắt bắt đầu lòa do thời con trẻ khóc thương đứa con sinh non sau khi bị chồng bỏ. Mười năm trước, một tay dì phụ bà ngoại nuôi Út nên người. Mười năm sau... Thời gian tàn phá người ta quá.
Út ngủ liền một mạch cho đến chiều. Đang ngủ, bên tai cô bị nhéo lên, rồi một loạt tiếng hét dội vào tai:
- Chị! Chị! Em đói! Em muốn ăn bánh kem!
Cô mở mắt, nắng trưa lên hanh hao, hơi chói. Thằng nhỏ quấn lấy một bên tay Út, véo tai cô cứ hét thẳng vào trong. Đầu Út ong ong, mà nó vẫn lèo nhèo đòi ăn bánh kem.
Bánh kem là thứ gì?
Cả đời Út chỉ được ăn có hai lần trong sinh nhật của mấy đứa bạn nhà giàu trong xóm.
- Đủ chưa? - Cô nạt thằng nhỏ? - Nhà không có bánh kem, cơm mày đổ đi rồi. Mày vào trong nồi cơm, xem có củ khoai thì lấy ăn tạm!
- Không chịu! Dì đã hứa là mua bánh kem cho em! Đồ nghèo lừa đảo!
Bốn chữ "đồ nghèo lừa đảo" làm Út giận tím cả mặt. Cô vung tay, trước khi giận quá mất khôn tát vào mặt thằng nhỏ, cô lại túm tóc mình giật mạnh.
Út đặt mạnh nó xuống đất, lừ mắt:
- Tao nói cho mày biết. Lần sau mày còn nói dì như thế, tao mang mày cho con dê ở nhà bên cạnh ăn.
Mấy năm trước nhà bà Năm có mua một con dê cái, tụi nó sinh được mấy lứa. Lứa nào cũng khỏe mạnh, kêu be be inh cả tai mỗi buổi trưa. Thằng Sơn chắc chưa từng gặp dê bao giờ, nghe nói mình sẽ bị vứt cho dê ăn thì im bặt, chỉ khóc thút thít.
Dì Hiền đã đi thăm vườn rau rồi.
Út đành ngồi dậy lấy một ít khoai lang mật cho thằng nhỏ. Trẻ con đều thích ngọt, nó chỉ ỉ ôi chê xấu một lúc thôi rồi cũng gặm lấy gặm để. Có lẽ đã đói lắm rồi.
Út nhìn nó, lại nhìn giấy nhập học của mình, nhẩm tính thời gian, chỉ còn ba ngày nữa là cô sẽ phải lên trên đó thuê nhà cửa, nộp hồ sơ. Giờ thì thêm một gánh nợ.
Chính xác, thằng Sơn đối với Út chỉ là một gánh nợ. Hơn nữa gánh nợ này còn gợi cho nhớ đến quá khứ cơ cực của mình. Nó được mẹ chăm sóc rất tốt, trắng hồng, được ăn bánh kem, được đưa đi chơi công viên vào cuối tuần. Trong lúc đó, ở dưới quê, Út và bà ngoại phải chắt chiu từng đồng, mót từng hạt lạc để ăn chống đói những ngày mưa rào tầm tã. Số tiền mà bà ta mang đi để sung sướng bên người mới, nuôi con trai mới, từng là đồng tiền cứu mạng của Út.
Làm sao mà cô nguôi ngoai cho được.
Dì Hiền hôm ấy đi thăm đồng về sớm, Út đã rang mắm một bát lạc và nấu một nồi bí ngô hầm xương. Quê nghèo những năm 2000, ăn thế này là sang. Dì Hiền ngạc nhiên song cũng không hỏi. Thằng Sơn bám víu lấy dì xin bánh kem. Bánh kem thì không có, chỉ có một gói kẹo mạch nha và một cái con quay.
Thằng bé xì cái mỏ rõ dài, đấm lên người dì Hiền chê cái kẹo xấu thế này làm sao bằng bánh kem. "Dì nói dối, dì lừa dối", Út nghe mà ong cả đầu. Cô cốc lên trán nó, mở gói kẹo rồi nhét viên kẹo vào mồm nó.
- Không ăn thì nín.
Chẳng rõ do kẹo ngon hay sợ Út mà nó im bặt, không dám hó hé câu nào nữa.
Dì Hiền vẫn quở:
- Lần sau nhẹ nhàng thôi, em nó còn bé.
- Còn bé càng phải dạy. Nuông nó sau này nó làm ông trời.
- Con cứ nói thế, hồi nhỏ con cũng bướng, giờ hiểu chuyện thế này còn gì. Đứa nhỏ nào lớn lên cũng sẽ ngoan thôi.
Út thôi cãi dì. Hai dì cháu ngồi xuống mâm cơm. Út lừ mắt bảo thằng Sơn cất kẹo để ăn cơm trước. Nó tiếc nuối giấu trong túi áo, mon men lại gần. Út chia cho dì Hiền mấy miếng xương ngon nhất, dì lại chia cho thằng nhỏ. Cuối cùng, chỉ có bát của Út là vẫn chẳng động đến một hạt cơm nào.
- Dì vừa mới đi nghe ngóng tin tức của mẹ con. Bà Lài bảo trước thấy mẹ con, ở đâu nhỉ, ở..., ở ga Nhổn.
Út im lặng, bà Lài cũng chính là người mang tin tức mẹ cô đi lấy chồng mới về kể cho bà ngoại.
- Nhưng mà cả tháng nay không thấy nữa.
Dì Hiền thổn thức, buông bát cơm xuống. Út cũng chẳng còn lòng dạ nào mà ăn. Cô chan vội một chén canh, rồi bảo:
- Mai con lên Hà Nội sớm.
- Sao thế? Sao bảo sang tuần sau mới đi. Giờ sắp cuối tuần rồi. Ai cho con nhập học?
- Con mang cả nó đi nữa.
Út chỉ vào thằng bé háu đói đang quét sạch mâm cơm. Dì Hiền ngay lập tức cau mặt lại:
- Con mang nó theo làm gì. Út, dì không đồng ý.
- Dì không đồng ý con cũng mang nó đi. Trong giấy ủy quyền đã ghi rõ, thằng bé do con nuôi. Dì nói bà Lài thấy mẹ nó ở trên Nhổn mà đúng không? Trường con cũng ở trên đó, con đưa nó đi tìm mẹ.
Dì Hiền vẫn khăng khăng:
- Nếu không tìm thấy thì sao?
- Không tìm thấy cũng phải tìm. Dì ơi, coi như dì thương con có được không? Con sợ, con sợ nhìn thấy nó.
Lần đầu tiên Út khóc, từ ngày mẹ bỏ đi, cô đã không khóc. Làm gì phải khóc thương cho một người thương mình. Thế nhưng giờ đây, Út không kìm nổi, nước mắt cứ tự động rơi xuống.
- Nuôi nó... Mười năm, mười lăm năm. Sau này đời con...
Dì Hiền cúi đầu im lặng. Cả cuộc đời của bà đã nghe bà ngoại dạy rất nhiều về đức hi sinh. Bà hi sinh để tất toàn mọi việc trong gia đình chồng. Bà hi sinh nuôi con của chị, để rồi đến khi già, lại bị người chị kia buộc thêm cho một đứa con khác.
Dì nhìn thằng Sơn, thở dài:
- Thôi được rồi, đưa nó đi tìm mẹ đi. Không tìm được thì mang nó về với dì.
Út không đáp, chỉ nhìn ra ngoài rặng rào. Cô không muốn lừa dì Hiền, không muốn để dì nuôi hi vọng.
Sáng sớm hơm sau, Út lên đường.
3.
Thằng Sơn là đứa bướng bỉnh. Nhưng lại dễ dỗ, vì trong thế giới của nó chỉ có bánh kem và mẹ, hứa đưa nó đi tìm mẹ, nó sáng mắt lên, thu gọn đồ đạc từ sáng sớm, hấp háy nhìn Út. Nó sợ chỉ cần chậm trễ một xíu thôi, cái cô chị ghê gớm này sẽ bỏ nó lại ngay tức khắc. Đến lúc ấy thì nó đi tìm mẹ với ai.
Út nhìn thằng nhỏ mà nẫu cả ruột. Ở trên xe, nó cứ líu ríu chê cái chòi của nhà ông này bé, cái con chó trước cổng ông trưởng làng vừa xấu vừa ghẻ. Rồi nó bắt đầu khoe về đồ chơi của mình trên thành phố, đẹp, đắt tiền, chẳng quên chốt hạ một câu:
- Chị có được chơi mấy thứ đồ đó đâu mà biết. Đồ nhà quê, lêu lêu. Bao giờ gặp mẹ em sẽ bảo mẹ mua cho chị một cái.
Út tựa đầu vào cửa kính xe khách, hỏi nó:
- Mẹ thương mày lắm hả?
- Mẹ thương em nhất! Tuần nào mẹ cũng chở em đi chơi, mua quần áo mới cho em. Tối thì hát ru em ngủ.
Nó hắng giọng rồi bắt chước giọng người lớn:
- Cục cưng của mẹ phải nhanh lớn đi nha. Cục cưng muốn mua gì nè?
Út nhắm mắt lại nghe thằng bé kể rồi tưởng tượng. À, hóa ra người đàn bà kia khi dịu dàng thương con sẽ có dáng vẻ như thế.
Lên thành phố, Út thuê một nhà trọ xa trung tâm, gần với Nhổn. Nhổn của hai mươi năm trước chưa nhiều nhà cao tầng và cũng chưa nhiều người ngoại quốc như bây giờ. Song vẫn đông người, tấp nập và huyên náo. Đáng ra cô có thể ở ghép với hai ba người khác, giờ vướng nhóc Sơn, chỉ có thể thuê một mình một phòng. Tiền ăn ở độn lên gấp rưỡi.
Út nhẩm tính. Cô xin một chân phát tờ rơi, kế đến kéo thằng Sơn theo mình, cứ đứng ở ga Nhổn để phát. Lương đứng nửa ngày chỉ đủ mua 2 cân gạo. Vậy là ổn nếu sau này Út phải học nửa buổi. Mỗi giờ nghỉ trưa, cô sẽ lấy tấm ảnh mẹ mà thằng Sơn giữ, hỏi mấy người xung quanh có từng thấy người phụ nữ giống thế này không.
Thằng Sơn nào có chịu khó chịu khổ bao giờ, bị chị bắt đi phát tờ rơi, la oai oái lên giữa ga.
- Em muốn về nhà, em muốn mẹ, muốn ăn bánh kem.
Những người hảo tâm thấy nó kêu khóc như vậy, bèn nổi lòng tốt, cho nó một cái kẹo, không quên trách mắng Út:
- Sao cháu không để em ở nhà mà bắt nó ra đây? Nó khóc thế cũng không dỗ. Cháu làm chị kiểu gì đấy?
Một người, rồi hai người xúm lại rỉ róc. Thằng Sơn cầm cái kẹo vẫn hít hít cái mũi không thôi:
- Chị toàn đánh cháu. Chị không cho cháu ăn.
Thằng bé nói dối không ngại miệng, càng làm các bà, các cô ở ga thêm thương cảm. Người ta càng dòm vào Út mà nghị luận xì xào.
- Cháu con cái nhà ai? Sao bắt em chịu khổ thế? Làm chị mà làm như thế là không được!
Út cướp lấy chiếc kẹo cà phê trong tay thằng Sơn, trả lại cho người đàn bà:
- Bố mẹ nó chết rồi! Nó do cháu nuôi, cơm của nó do cháu cho ăn. Bao giờ các cô nuôi được nó thì hãy xen vào chuyện của người khác.
- Ơ cái con này! Ăn nói gì mà mất dạy thế hả?
Cô kéo thằng bé đang ăn vạ đi, mặc cho nó khóc mếu. Tiếng khóc của nó chói tai vô cùng, dội vào lòng Út, khiến cho ngực cô bị đè nặng, như có tảng đá chẹt ở đó. Khó thở, bức bối, cô hét lên:
- Đủ chưa? Mày khóc đủ chưa? Mày không thích ở với tao thì mày cút đi. Tao không nuôi mày nữa.
Thằng bé nín bặt, mở to mắt rưng rưng. Nó cũng biết sợ, chẳng qua hôm nay có nhiều người bênh vực quá nó mới dám nói dối. Giờ thì chỉ biết cun cút rụt cổ lại:
- Mẹ bảo chị sẽ phải nuôi em. Chị không nghe lời mẹ hả?
Út bật cười, mà trái tim nhói lên, đau quá thể:
- Mẹ mày bị điên rồi. Mày nhìn tao đi, tao có ăn hạt gạo nào của mẹ mày đâu mà tao phải nuôi mày? Thấy mấy đứa nhỏ ăn xin ngoài kia không? Mày còn cãi tao một câu nữa thôi, tao mang mày ra đó.
Thấy mặt thằng nhỏ xám ngoét lại, Út mới hài lòng. Sự hài lòng khi đã hành hạ và thắng thế được cái thứ đèo bòng mà cô ghét cay ghét đắng. Trong lúc nói ra câu ấy, thằng Sơn đối với cô chỉ là giọt nước lã, là gánh nặng, là tấm gương phản chiếu quá khứ tủi nhục của cô. Bản thân cô còn phải đau khổ lo từng bữa cơm, tại sao cội nguồn của những khó nhọc ấy lại được sống sung sướng?
Út cứ thế quay người đi trước, để thằng nhỏ ríu cả chân chạy theo mình. Nó ngã mấy lần, cô chỉ hơi chậm lại bước chân, chứ chẳng buồn đỡ.
Hôm ấy, Út bị quỵt tiền. Người ta bảo cô chưa phát đủ giờ, còn cãi nhau với người qua đường. Cứ thế, họ mắng xa xả:
- Còn đòi tiền hả? Phát tờ rơi là để tăng độ nhận diện của công ty. Cháu nhìn xem mày làm cái gì? Biến biến! Trước khi ông đây điên lên.
Suốt hai ngày phát tờ rơi, nắng xám cả hai gò má mà Út chẳng nhận được một đồng nào. Tiền trong túi chẳng còn bao nhiêu, do đã đặt cọc tận 2 tháng tiền phòng. Học phí không phải lo, nhưng sách vở, chi phí ăn uống đâu phải chuyện nhỏ. Út nằm xuống cái giường ọt ẹt. Căn phòng ở tầng ba, ban công bị khóa lại như chiếc chuồng cọp. Cô càng khó chịu, tự hỏi sao người ta có thể sống trong cái không gian chật chội và tù túng đến nhường này.
Thằng Sơn thì đang nằm trên võng, nhìn về phía Út. Suốt từ lúc về đến giờ chị chưa nói chuyện với nó, cơm cũng chẳng buồn nấu. Bụng nó đói meo rồi mà không dám nói.
Út nghe tiếng ọt ọt rõ ràng, quay sang hỏi:
- Đói hả?
Sơn gật đầu.
- Tao cũng đói. Nhưng nay nhịn đi. Tại mày hôm nay tao không kiếm được một đồng nào. Không có ăn đâu.
Thằng Sơn òa lên khóc, rồi lại nhớ ra chị mình không thích nó khóc, bèn ngậm miệng lại. Tiếng khóc biến thành tiếng nấc càng làm Út đau đầu.
- Em... Sai rồi... Chị ơi... em xin lỗi.
- Xin lỗi thì có ích gì? Có cơm ăn được sao? Mày có biết tiền mày ăn là tiền dì Hiền cắm ruộng cho người ta không? Mày có biết không có ruộng là cả nhà sẽ phải chết đói hay không? Nếu tao không mang tiền về chuộc lại ruộng, mày biết sẽ thế nào không?
Mày làm gì biết. Út nghĩ thầm rồi mệt mỏi trở người dậy, đi nấu một nồi cơm rang. Thằng Sơn vẫn ngồi rất lâu, không biết nó nghĩ cái gì mà thơ thẩn mãi. Cho đến khi Út mang hai bát cơm rang ra, nó vẫn còn đang nghĩ ngợi.
- Ăn đi.
Thấy chị cho mình ăn, nó mới lao đến như hổ đói, chẳng dám chê bôi gì như mọi lần mà vét sạch bát cơm.
Út bắt đầu tính về những tháng ngày rất dài của mình. Cô tiếp tục xin việc, sáng đi làm đủ thứ việc, từ dọn bàn quán ăn, làm tượng sống trong công viên buổi tối, cho đến nhặt ve chai. Mỗi lúc rảnh sau giờ học, cô sẽ đi in ảnh của mẹ ra để dán ở những nơi đông người, ghi địa chỉ của mình lên. Chỉ mong có ai đó thấy bà ta có thể liên lạc với mình. Suốt hai tháng trời, người mẹ vô tâm vẫn bặt vô âm tín, mà Út đã mệt rã rời.
Thằng Sơn từ hôm bị mắng đã bắt đầu chăm chỉ hơn. Út đi dọn bàn nó cũng theo nhặt rác, Út nhặt ve chai nó mang bao hộ. Thằng bé thay đổi một trăm tám mươi độ. Tối đến, nó lại rúc vào lòng chị đòi hát ru.
Út không biết hát ru, chất giọng khàn khàn do bệnh ho mãn tính của cô cất lên, cực kỳ khó nghe. Thế mà nó vẫn mỉm cười và đi vào giấc ngủ rất nhanh. Gần một tháng nay, nó đã ít nhắc đến mẹ hơn, không còn đòi Út mua bánh kem nữa. Cô đưa tay lên vuốt mái tóc lâu ngày chưa cắt của nó, rồi lại rụt về.
Nó tỉnh, hỏi một câu:
- Chị ơi! Chị không thích em sao?
Út thấy miệng mình đắng ngắt. Nói "Tao không thích mày" thì có tàn nhẫn quá chăng? Còn nói dối thì Út không sao mở miệng thốt ra được ba chữ "Tao thích mày".
Cô gục xuống gối, giả vờ ngủ thật say. Nhóc Sơn thấy chị không trả lời, mặt xị xuống rồi ngoan ngoãn ngủ theo.
Nó lẩm bẩm:
- Em sẽ ngoan mà. Chị đừng ghét em...
4.
Những ngày tháng học hành, làm việc điên cuồng làm cho Út kiệt sức. Đến khi cơn gió Đông Bắc thổi đến, cô bắt đầu đổ bệnh. Bệnh, một mình, giữa thành phố xa lạ... Út không nhấc nổi mình lên.
Thằng Sơn khóc thút thít vì chị mình ngủ li bì. May mà bà chủ trọ tốt bụng, tự mình xuống bếp nấu cho cô một bát cháo. Nhóc Sơn lăng xăng đi thái lá tía tô, quét nhà, giặt quần áo. Tiếng nước trong nhà tắm bì bõm. Chắc là nó đã xả hết số nước được dùng trong nửa tháng ra để giặt quần áo mất. Bà chủ trọ tên Liên, đưa bát cháo cho Út, bà thở dài:
- Con định sống thế này mãi hả?
Ngay khi đưa theo em trai đến đây, Út đã kể về hoàn cảnh của mình. Bà Liên biết hết, nên luôn thiên vị Út tính tiền trọ rẻ hơn một chút.
- Chứ giờ con biết làm thế nào ạ?
- Cứ thế này không được đâu! Còn học hành, còn tương lai. Không đáng giá để con phải hi sinh đâu.
Bà Liên là người nhìn thấy sự đời, thực dụng, hoàn toàn khác hẳn với dáng vẻ chịu đựng của dì Hiền. Nếu là dì Hiền, dì sẽ khuyên cô phải gắng sức, chờ đợi, "Rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi!"
Nhưng bao giờ mọi chuyện mới tốt hơn?
Bà Liên đắp cái khăn ớt lên trán Út:
- Ta có quen một đôi vợ chồng giàu, ông giáo viên, bà bác sĩ. Nhà họ chăm lo sự nghiệp nên hiếm muộn. Nhà họ tốt tính lắm, cháu xem. Tìm mẹ nó đã 2 tháng rồi. Tìm không được thì nên tính con đường tốt nhất cho cả nó lẫn cháu.
Bà ngập ngừng:
- Hơn nữa ông bà ấy nghe được hoàn cảnh của cháu thì thương lắm. Họ muốn trao học bổng cho cháu. Có học bổng cháu sẽ đỡ vất vả hơn.
Thằng Sơn rón rén ra ngoài, bà Liên thôi không nói. Thấy nó cứ khúm núm, Út hỏi:
- Có chuyện gì?
- Em đánh đổ hết xà phòng rồi. Chị ơi, chị có còn...?
- Biến ra chỗ khác! - Cô nghiến răng. - Mày có thể bớt phá hoại cho tao nhờ không?
Mãi sau này, Út vẫn còn hối hận về câu nói hôm ấy của mình. Cô đem sự tổn thương của mình, trút lên trên một đứa trẻ vô tội. Rồi chính bản thân cô lại đau lòng.
Mấy hôm sau, Út khỏi bệnh, lại lao vào công việc. Số tiền tích góp bao lâu nay của cô đã bị một trận ốm ngốn sạch. Sắp hết học kỳ rồi, bao nhiêu bài thi giữa kỳ phải làm, không một phút giây nào cô cho phép mình nghỉ ngơi. Giữa tháng mười hai, cặp vợ chồng mà bà Liên giới thiệu cũng đến.
Hai ông bà đều tầm năm mươi tuổi, trông qua đều trí thức. Út đã dặn thằng Sơn hôm nay phải ăn mặc thật chỉnh tề, ngoan ngoãn, có người lớn phải chào hỏi tử tế. Thằng bé vui vẻ làm theo, khiến cặp vợ chồng vô cùng yêu thích, cứ bế nựng mãi.
- Để bác ôm con đi chơi nha.
Người vợ tên Loan ôm Sơn ra ngoài, để lại chú Hùng nói chuyện với Út. Ông hỏi cô bao nhiêu tuổi, quê ở đâu, sao lại phải nuôi em một mình thế này.
Cô chỉ trả lời đơn giản:
- Bố mẹ cháu đều mất rồi, chỉ còn lại mỗi mình cháu với em thôi. Thằng bé là con của cùng mẹ khác cha với cháu.
- Vậy à... Ra là vậy.
Chú Hùng đưa mắt nhìn quanh nhà một lượt, chợt dừng lại trên tấm ảnh ở góc phòng. Giờ Út mới nhớ, nhóc Sơn vẫn giữ ảnh của mẹ, thi thoảng còn mang ra nhìn, khóc rấm rứt.
Nó bị làm sao ấy nhỉ? Nó không biết mình bị người đàn bà gọi là mẹ ấy bỏ rơi hay sao?
Ánh mắt của chú Hùng nhìn tấm ảnh rất lâu. Giọng ông chợt khàn khàn:
- Đây là... Đây là ai?
- Mẹ cháu. Mất rồi ạ.
- Chết từ bao giờ?
Người đàn ông hoảng hốt.
Út kiếm đại một ngày tháng:
- Đưa thằng nhỏ cho cháu xong thì mất. Cũng mấy tháng rồi.
Thái độ của người đàn ông khác lạ, cứ dán mắt lên người Út:
- Cháu năm nay... mười tám tuổi hả? Cháu sinh tháng mấy?
- Cháu sinh tháng 9, sao vậy chú?
Út nhíu mày hỏi lại, người đàn ông tìm cớ chống chế:
- À không có gì? Chú chỉ hỏi vậy thôi. Còn nhỏ thế này mà đã nuôi em. Cháu có vất vả không?
Cô mỉm cười:
- Chắc cháu quen rồi, không còn thấy khổ nữa.
- Quen rồi... quen rồi...
Ông lặp đi lặp lại rất lâu.
- Thế giờ cháu tính thế nào? Chú thấy, cháu cứ đồng ý cho thằng bé đi làm con nuôi nhà chú đi. Chú có thể lo học hành, lo cái ăn cái mặc con nó. Còn cháu, chú có thể giúp cháu có một quỹ học bổng, từ nay chỉ chăm chỉ học hành thôi, không cần phải đi làm kiếm tiền nữa. Cháu gầy thế này, bố mẹ mà còn sống chắc đau lòng lắm.
Út nhìn nhóc Sơn đang chơi ngoài sân của khu tập thể. Lý trí nói cho cô biết nên để thằng nhỏ đi, để sau này nó có một tương lai tương sáng. Còn về mặt khác, ở trong lòng, Út cảm thấy như có gì đang chuẩn bị rời đi, trống vắng.
Chẳng phải đâu, mình ghét nó còn chẳng kịp.
- Để cháu nói với nó đã.
Quyết định của Út là đưa nhóc Sơn đi làm con nuôi. Cô còn rất cẩn thận, xin đến nhà chú Hùng cô Loan mấy lần. Nhà khang trang và sạch sẽ, nếp sống giản dị, trong nhà chứa đầy đồ chơi và sách vở. Chắc hẳn họ đã chuẩn bị những thứ đó để đón đứa con đầu lòng, song mãi mà nó chẳng xuất hiện.
Út dắt nhóc Sơn theo, thằng bé cứ ồ òa lên khi thấy bao nhiêu đồ chơi đẹp. Nó giật giật tay chị:
- Em có được sờ không?
Cu cậu thay đổi nhanh quá, nếu là tháng trước, nó sẽ nhảy bổ vào giành giật nhanh, chứ đời nào lại cẩn thận hỏi Út thế này.
- Hỏi hai bác đi.
- Hai bác ơi, cháu có thể sờ đồ chơi được không ạ?
- Cháu cứ chơi thoải mái đi. Cháu thích cái nào là của cháu hết.
- Dạ thôi, nhà cháu không có chỗ để. Cháu chỉ mượn chơi một lúc thôi ạ.
Cô Loan cứ cười tít mắt:
- Cháu nuôi dạy được đứa em ngoan quá.
Út gượng cười nhớ lại hồi mới gặp Sơn, rồi lén hỏi thằng nhỏ:
- Mày có thích nhà này không?
- Thích ạ. - Nó vẫn đang nghịch.
- Có muốn ở lại đây không?
- Có chứ ạ! Chị có thích không ạ? Sau này em mua căn nhà giống thế này cho chị nhá.
Thằng Sơn lúc này mới ngẩng đầu lên. Nó nhìn quanh, chị Út đã quay sang nói chuyện với cô Loan, chẳng hay có nghe thấy nó nói hay không.
Tất nhiên Út nghe được, song cô chỉ nghe thấy nó thích ở lại trong ngôi nhà này. Nếu nó thích, vậy cô sẽ chiều theo ý thằng nhỏ.
Cô Loan đưa cho Út một tờ giấy:
- Con kí vào đi. Sau đấy cô chú sẽ lo thủ tục các thứ, con yên tâm.
Út cắn răng ngước lên, nhóc Sơn đang nhìn chị, huơ tay cười hì hì.
- Con yên tâm đi mà. Cô sẽ nuôi dạy bé Sơn thật tốt, như là con của mình ấy.
Chú Hùng cũng xen vào:
- Còn con nữa. Học bổng của con, chú cũng chuẩn bị xong rồi. Con chỉ cần ký vào, người ta sẽ trao.
Út cắt ngang:
- Học bổng thì không cần đâu ạ. Cũng không cần đưa tiền gì cho con. Con chỉ là người giám hộ của nó thôi.
Người giám hộ, Út tự an ủi mình. Cô với thằng Sơn chỉ là người dưng, tìm cho nó một gia đình tốt để nhận nuôi, cho nó một tương lai sáng sủa. Thế đã là hết phận sự của một người giám hộ bất đắc dĩ rồi.
Út ký tên vào tờ giấy, cô Loan cười vui vẻ cất đi thật cẩn trọng. Rồi bà dọn một bàn cơm thật ngon, mời Út ở lại. Nhóc Sơn lại len lén hỏi ý kiến chị.
- Ngồi xuống ăn đi.
Một bàn thức ăn toàn đồ ngon, Út chỉ gắp một miếng cá bống kho mặn chát.
- Có ngon không con?
Cô Loan gắp cho thằng Sơn một bát đầy ú ụ.
- Ngon lắm ạ. Bác nấu được nhiều món hơn chị cháu nấu.
Nó đang nói dở thì im bặt liếc sang Út, gắp cho cô một miếng thịt.
- Nhưng mà chị cháu kho cá bống ngon lắm, không bị mặn đâu.
Chú Hùng cười khà khà:
- Nhìn chị cháu hai bác đã biết rồi. Tốt bụng, đảm đang. Không biết sau này ai mới có phước lấy được con bé. Đến lúc lấy chồng, nhất định phải đến tìm chú làm chủ hôn cho đấy nhá.
Cô Loan lừ mắt:
- Mình cứ vớ vẩn. Nhà con bé còn dì, mà mình đòi làm chủ hôn.
- Giờ coi như người một nhà rồi, tôi chủ hôn cho con bé thì có làm sao?
Bữa cơm kết thúc sớm, cô Loan lại rủ Sơn đi chơi cùng. Thằng bé bịn rịn bám Út không muốn đi. Cô lườm nó:
- Đi theo bác đi. Chị có việc một xíu.
Đây là lần đầu tiên mà Út xưng "chị" với mình. Sơn sáng mắt lên, vâng dạ liến thoắng:
- Lúc nào chị nói chuyện xong, chị nhớ gọi em về nha!
- Ừ đi đi.
Đợi cho thằng nhỏ khuất đằng sau cầu thang rồi, Út mới lấy tay xoa mắt. Cô không khóc, mà khóe mắt cứ cay xè, có thứ gì đó cứ trực trào chảy ra.
- Cháu về đây. Cô chú chăm sóc nó thật tốt giúp cháu.
Chú Hùng từ tốn bảo:
- Út, cháu nghe chú đi. Cháu cứ nhận lấy suất học bổng này như tấm lòng của cô chú. Đừng đi làm vất vả nữa.
- Cháu không bán nó. - Út thẳng thừng từ chối. - Cháu có thể chịu khổ, chịu khó. Bao năm nay không có nó cháu vẫn sống bình thường mà. Chú giữ lại để sau này nuôi thằng nhỏ đi ạ. Cháu xin phép, cháu về.
Út nói rồi để lại chiếc ba lô, trong đó có ít đồ lặt vặt mà thằng Sơn thích. Cô không nhìn thêm một giây, tông cửa chạy ra ngoài.
Trời bên ngoài xám xịt, nền trời mùa đông, lại sắp mưa. Chỉ còn có hơn một tháng nữa là nghỉ Tết. Nhịp sống bên ngoài hối hả mà xen vào chút gì đó buồn buồn.
5. Kể từ ngày thằng Sơn làm con nuôi, Út trở về với cuộc sống thường nhật, không vướng bận đứa nhóc lúc nào cũng lẽo đẽo theo mình, cô tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Song làm việc cũng bận rộn hơn, làm như bán mạng. Út lại nghe người ta bảo, trên này sẽ có quán không nghỉ Tết, làm thêm vào những ngày 30, mồng 1 mồng 2 có khi còn được gấp 3 - 4 lần lương. Vậy thì chỉ có ba ngày làm là đã bằng nửa tháng rồi.
Cô đã mở một tài khoản ngân hàng. Thời đó chẳng có app chuyển tiền bằng điện thoại như bây giờ, các nhà còn dùng điện thoại bàn là chính. Út phải đến ngân hàng để gửi tiết kiệm, đồng thời tính chuyển ít tiền cho dì Hiền tiêu tết. Cô chưa dám nói với dì về việc đưa thằng Sơn đi làm con nuôi người ta. Trốn tránh ngày nào hay ngày ấy. Có thể Tết năm nay cô sẽ không về, sẽ kiếm tạm một quán ăn nào đó làm việc xuyên năm mới, lấy sự bận rộn để mình được thanh thản.
Nhân viên ngân hàng giúp Út làm thủ tục, rồi kiểm tra số dư trong tài khoản. Đến khi nghe thấy người ta bảo trong tài khoản của cô có 15 triệu, Út mới giật nảy.
15 triệu, đấy là số tiền mà Út chưa từng nhìn thấy chứ đừng nói là được cầm.
- Ở đâu mà nhiều thế chị? Chị có nhầm lẫn không?
- Nhầm là nhầm thế nào! Trong thẻ của em mà em không biết sao?
Tài khoản của Út chỉ dùng để gửi tiết kiệm, chẳng bao giờ cô dùng đến thẻ.
- Có kiểm tra được là ai gửi không chị?
- Gửi ngày 18 tháng 1, người gửi là Nguyễn Đức Hùng.
Út thiểu não rời khỏi ngân hàng, với 15 triệu tiền mặt cầm tay. Một số tiền quá lớn đối với cô. Về đến nhà, cô nằm vật xuống. Trên bàn, con quay mà thằng Sơn hay chơi nằm ngả nghiêng. Gần một tháng nay, Út cố không nhớ đến thằng nhỏ bằng cách vùi đầu vào công việc. Chẳng biết cô có quên được không mà trong lòng cứ thấy buồn bực, lần nào ngủ dậy cũng thấy thấy một bên gối đã ướt đẫm.
Chợt cánh cửa phòng bị đầm rầm rập, kèm với tiếng trẻ con khóc. Đầu Út ong ong như búa bổ, cô lắng tai nghe thật kỹ:
- Chị! Chị! Mở cửa.
Ngoài trời đang mưa, Út vội vàng ngồi dậy mở cửa. Thằng Sơn ướt như chuột lội nhào thẳng vào lòng cô khóc rấm rứt. Cô chẳng còn bình tĩnh để hỏi tại sao nó về phòng vào giờ này, làm thế nào để về. Cô lấy khăn mặt, lau tóc cho thằng nhỏ, răng rít lại quở trách:
- Làm gì mà tắm mưa ướt hết thế này? Bị bệnh thì tao lại tốn tiền thuốc!
Nó khóc hu hu:
- Tại sao chị lại bỏ em?
Sống mũi Út cay nồng:
- Tao không bỏ mày. Nhà người ta giàu, nuôi mày béo tốt như ngày xưa. Theo tao thì mày chỉ có khổ mà thôi.
- Nhưng mà cô chú không có thương em. Em chỉ muốn theo chị thôi!
Thằng bé quay đầu lại, mặt nó đượm buồn, ở một góc nào đó, nó trông nhang nhác cô. Một đôi mắt buồn, hàng mi rủ xuống khóe mắt hơi cụp tạo thành bóng chiếc lá rẻ quạt.
- Chị không thích em, có phải không?
Út nghẹn ngào:
- Không phải đâu. Thực ra là...
- Chị không thích em mà. Em biết. Em là gánh nặng của chị. Không có em chị sẽ không khổ.
Thằng Sơn chợt tan biến đi, Út khẽ gọi một tiếng "ĐỪNG ĐI" rồi giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi lạnh bám trên người cô dính dớp, ngoài trời, mưa đổ rầm rầm vào đêm khuya. Mưa rào vào mùa đông, thời tiết ngày càng thay đổi một cách quái lạ. Út ngồi trên giường ôm ngực, vẫn nhớ về giấc mơ vừa nãy. Giấc mơ chân thực quá, đến nỗi cô có thể cảm nhận được giọt nước mắt của thằng Sơn tí tách rơi trên tay mình.
- Nó là máu mủ của nhà mình. Con ơi!
Câu nói của dì Hiền làm Út khóc rưng rức. Nó là máu mủ của cô, nhưng đã bị cô bán rồi. Bán lấy 15 triệu. Giờ cô còn mặt mũi nào để gặp nó, gặp dì, gặp cả bà ngoại nữa.
Đó là một đêm rất sâu, Út không ngủ được. Sáng sớm cô đã dậy để đến chỗ làm rồi xin về sớm. Theo đường cũ, Út tìm đến nhà chú Hùng. Giờ là 5 giờ chiều, cánh cửa nhà mở toang, tiếng cãi vã từ bên trong vọng ra:
- Ông biết hết đúng không? Ông cố ý dắt cái thằng nghiệt chủng này về đây cho tôi nuôi đúng không? Á à, hay lắm. Bố và con gái, bắt tay lừa tôi.
Út không định vào vội vì đây là chuyện nhà của người ta, hơn nữa cô không cảm thấy cái từ "thằng nghiệt chủng và con gái" kia liên quan đến mình. Song len giữa những cuộc cãi vã đó, Út nghe thấy tiếng em Sơn khóc. Nó khóc một cách kìm nén và sợ hãi:
- Bác ơi, cho con về với chị! Con muốn về với chị!
- Mày câm mồm! Tụi mày bé nít ranh mà khôn ngoan, em thì vào nhà tao ăn hết của nải, con chị thì nghèo khổ vét từng đồng. Ối giời đất ơi! Tôi làm cái gì mà giờ khổ thế này đây!
Chú Hùng can:
- Bà ăn nói cho hẳn noi, tôi cho con bé tiền, nó không biết!
- Ông tưởng tôi ngu hay gì? Tự nhiên nó nghĩ đến đưa em đến nhà này làm con nuôi sao? Ông nói đi, ông liên lạc với cái đứa con hoang kia, ông liên lạc với con khốn kia từ bao giờ hả?
Út nghe họ tranh cãi mà bàng hoàng cả người. Câu cô hiểu, cô lại không. Sơn vẫn đang khóc, cô ấn chuông cửa, đồng thời đập mạnh vào cánh cửa xếp.
- Ai đó, đến sau đi nhà tôi đang bận.
- Là cháu. Cháu Út.
Bên trong im lặng, cánh cửa xếp ngay lập tức bị mở tung ra. Chú Hùng len qua cửa, kéo tay Út ra ngoài:
- Cháu đến đây làm gì hả? Về đi!
Thằng Sơn nghe tiếng chị, chỉ dám đưa mắt nhìn với vẻ mặt cảnh giác. Ánh mắt nó cụp xuống, long lanh y như ngày đầu tiên Út gặp. Cô hiểu, nó sợ mình sẽ bị chị đẩy ra, rồi lại bị vứt lại ở chỗ này. Đột nhiên, có cái đau cứ cào cắn trong ngực, chèn lên đường thở của Út. Cô vẫy tay gọi nó:
- Em lại đây.
- Chị!
Thằng bé chạy vội đến, trước khi nó nhảy vào lòng Út, cô Loan sấn đến trước. Người phụ nữ đẩy mạnh cả hai chị em:
- Con khốn con đến rồi đấy hả?
- Tôi cấm bà đánh con bé! - Chú Hùng gào lên!
Cô Loan khóc hu hu:
- Giỏi lắm. Một tay tôi nuôi ông ăn học, làm đến chức giáo sư. Giờ ông... Giờ ông bênh thứ nghiệt chủng này, chửi tôi có phải không? Ông vẫn nhớ con Thịnh chứ gì? Tôi nguyền rủa mẹ con nhà nó chết đường chết chợ, chết không có chỗ chôn.
Phải đến mấy năm rồi, Út mới nghe thấy tên người phụ nữ kia trong miệng của người khác. Ở làng, khi người ta bàn tán, toàn gọi là con gái lớn bà Tư. Cái tên Thịnh dường như đã bị phủ bụi trong trí nhớ của Út, giờ được gióng lên, vẫn có thể hủy hoại cô một cách tàn nhẫn nhất.
Cuộc cãi vã của chú Hùng cô Loan cứ vụn vặt, chẳng rõ nghĩa, song Út không phải người dốt nát. Cô ôm lấy Sơn, lùi lại phía sau. Chú Hùng mặc kệ người đàn bà đi cùng mình nửa đường đời, dang tay ra với Út:
- Con... Con... Con đừng nghe bà ấy nói. Chắc con đã biết hết rồi, bố xin lỗi vì không nhận con sớm hơn.
- Bố ấy hả?
Út lặp lại, rồi "a ha" trong đầu một tiếng. À, hóa ra đây là người đàn ông đã lừa gạt mẹ cô rồi quất ngựa truy phong. Giờ mới để ý, cô giống ông ta đến ghê gớm. Chẳng trách mẹ cô vẫn ngồi bên cửa sổ mà rít lên qua kẽ răng:
- Mày càng ngày càng giống cái thằng chó đó.
Mười lăm triệu trong chiếc túi xách trên tay Út lúc này nặng trịch.
- Bố là bố của con đây. Bố xin lỗi vì hèn nhát quá, để con sống khổ bao năm rồi. - Rồi ông quay lại chỉ vào vợ. - Tất cả là tại bà, người đàn bà độc ác. Bà không sinh được con, còn chia rẽ máu mủ nhà tôi. Bao năm nay cái gì tôi chẳng chiều bà, còn bà, có gì ngoài mấy lời chì chiết chửi rủa hay không?
Cô Loan căm thù nhìn chồng, vậy mà lại trút giận hết lên mẹ con Út:
- Mày thích rồi đúng không quân ác độc? Mày phá nát gia đình của tao rồi! Cái thứ khốn nạn.
Nghe họ cãi nhau chán rồi, Út mới lên tiếng:
- Cô chú đừng nói như thế. Bố mẹ cháu đã chết hết rồi, từ nhỏ đến giờ, cháu chỉ có bà ngoại với dì là người thân. Cháu không có bố, làng xóm bảo, bố cháu là con dê của nhà ông trưởng làng. Hì...
Cô nói về số phận của mình một cách bình thản, tựa như một giấc mơ, lại bỏ túi tiền lên bàn:
- Số tiền này cháu gửi lại cô chú nhé. Cháu đã nói rồi, cháu không bán em trai, chỉ muốn tìm cho nó một ngôi nhà. Nhưng giờ cháu hối hận mất rồi, chị em cháu có thể nuôi nhau được. Chỉ cần cháu còn ở đây, nó vẫn có thể có cơm ăn, không cần cô chú phải nhọc lòng.
Chú Hùng giậm chân:
- Út! Con nghe bố nói...
- Chú không phải là bố cháu. Chú là người sống, phải sống cho vui vẻ. Quên hết những người làm chú phiền muộn đi chú nhé. Cháu cũng không muốn nhớ về những người đã chết làm cái gì cả.
- Con... - người đàn ông cứng họng. - Có ai lại rủa bố mình chết bao giờ? Bố biết bố có lỗi với con, nhưng mà tất cả là do số phận, do hoàn cảnh không cho phép.
Út nhìn người đàn ông biện minh, một cách bình tĩnh và tỉnh táo. Cô đang mường tượng cảnh mẹ mình đến trước nhà người yêu, cầu xin ông ta thương xót cho một đứa trẻ sắp chào đời. Người vợ môi ấp má kề đang nấu mâm cơm cho gia đình, nghe được tin dữ chạy ra. Hai người đàn bà, chung nhau một chữ yêu, chung nhau một chữ cả tin. Người đánh rơi cả cuộc đời, người phí hoài bấy nhiêu năm thanh xuân. Giờ người đàn ông đó vẫn đứng đây giải thích về sự khổ sở và bất đắc dĩ của mình một cách quang minh và chính đại. Cái dáng vẻ yêu thương đó của ông ta, làm cho Út nổi hết cả gai ốc.
- Ông cũng xứng nói những lời đó sao? - Người đàn ông định sờ vào người Út, tuy nhiên cô tránh được. - Sống thì phải cho ra dáng con người đi, đừng làm vậy nữa. Tôi tin nhầm người như ông có thể nuôi được em tôi, hóa ra... Giờ tôi mang thằng bé đi. Các người muốn tranh cãi chửi bới thế nào cũng được, đừng nhắc đến chúng tôi nữa. Chưa bao giờ ba mẹ con tôi tham một đồng của các người!
Út nói rồi cứ thế ôm thằng Sơn chạy thẳng ra ngoài. Thằng bé nặng, sóc nảy trên bờ vai gầy của Út. Nó tựa đầu vào vai chị, hỏi khẽ:
- Chị ơi, cô chú quen mẹ ạ?
Cô không kịp dừng lại:
- Ừ, nhưng họ không liên quan đến mình.
- Chị ơi... Em nhớ chị. Em ngoan mà, chị đừng có cho em đi làm con nuôi có được không? Giờ chị nuôi em, sau này em có thể kiếm tiền mà. Em sẽ mua cho chị ngôi nhà to giống như nhà chú Hùng ấy.
Chạy xa khỏi ngôi nhà tràn ngập tiếng chửi bới kia, Út mới dừng chân. Cô vẫn ôm khư khư thằng Sơn, vỗ đều đều lên lưng nó.
- Sau này mày nuôi tao thật hả?
Nó gật đầu như bổ củi:
- Dạ! Em sẽ nuôi chị mà! Chị đừng bỏ em có được không? Chị ơi, em sợ lắm.
- Thế mày không sợ tao hay gì?
- Không sợ! - Nó lắc đầu nguầy nguậy. - Sợ! Em sợ mà em biết chị vẫn thương em. Hôm em ốm, chị vẫn mua bánh kem cho em, vẫn sờ trán em. Hồi bố còn sống, chỉ có bố mẹ là sờ trán em thôi.
Út ngẩn ra khi hoàng hôn ụp xuống vai mình, ánh chiều tà làm cô hấp hay hai mắt. Thì ra, chỉ một hành động nhỏ như vậy của cô lại làm thằng nhỏ an tâm, ỷ lại.
Cô thở dài một tiếng, đặt nó xuống đất:
- Thôi được rồi, về nhà thôi.
Hôm ấy là hai mươi ba tháng Chạp.
6.
Một năm ngược xuôi mưu sinh, khi Tết đến là đến rất mau. Người dân xóm Trại Ngỗng đang chuẩn bị đón tết, đào quýt bắt đầu đầy trong các sân. Dì Hiền tập tễnh tưới lại vườn rau cải cúc, bà Năm dắt con dê đi ăn cỏ ghé qua, nán lại hỏi thăm:
- Cái Út nó không về hả Hiền?
- Nó bảo ở trên đó làm thêm gì đó chưa về được. Nó còn gửi cho cháu ít tiền tiêu tết. Mà sao ăn nổi hả bà. Con cháu mình ở nơi đất khách quê người.
Bà Năm chép miệng:
- Của đến tội. Tội con bé quá. Sao trên đời lại có thứ mẹ dở hơi như cái con Thịnh chứ. Hai chị em nó, chị chưa kịp lớn đã phải nuôi em. Mà thằng em cũng hỗn hào chứ ngoan ngoãn gì. Mong là gặp được mẹ.
Dì Hiền lại sụt sùi tựa vào bờ rào. Con dê hí lên hai tiếng, rồi giậm chân liên tục nhìn về phía trước. Nó chỉ có hành động này khi nhìn thấy người quen lâu ngày không gặp. Cả dì Hiền lẫn bà Năm đều nhìn lên. Từ trong ánh chiều, hai bóng người một bé một lớn dắt tay nhau về làng. Út cười hì hì:
- Bà Năm nay ăn Tết to không? Trông bà vẫn trẻ quá. Dì cháu đâu hả bà!
Dì Hiền đứng thẳng người hỏi:
- Sao giờ mới về?
- Hì hì. Định cho dì tí bất ngờ.
Thằng Sơn lễ phép chào bà Năm, rồi chào dì Hiền. Nó cầm một cành hoa đào nhỏ vừa mua, đưa cho dì:
- Con mua đó dì, để cắm bàn thờ ngoại.
- Ôi đây là nhóc Sơn hả? Điển trai quá đi. Cháu mấy tuổi rồi?
- Cháu chín tuổi bà ơi. Để con lấy ghế bà ngồi nha.
Dì Hiền nhìn Út, có lẽ vì thấy thằng nhỏ thay đổi lạ quá. Cô chỉ cười cười mời bà Năm vào trong sân. Bà gạt đi:
- Thôi, mấy dì cháu lâu rồi không gặp cứ nói chuyện đi. Bà già này phải đi sắm Tết đã đây...
Năm ấy, Tết của Út ăn lớn hơn mọi năm nhiều. Mấy tháng ở trên thành phố, làm việc nhiều như thế, tiền kiếm được cũng dư dả cho hai chị em ăn. Cô còn được tiền học bổng của trường Sư phạm cho, số tiền rất lớn, tính ra thì hai chị em ăn tiêu dè sẻn cũng đủ trong một năm. Tay mình làm ra, Út cầm đồng tiền mới tinh mà cảm thấy bao mệt mỏi xua tan hết cả. Rau, gà, lá dong, gạo nếp là của nhà trồng, còn thiếu mỗi thịt lợn, chân giò nấu măng. Dì Hiền nghe Út kể chuyện trên thành phố, biết cháu mình khổ nên cũng hào phóng hẳn lên.
Đêm ba mươi, mọi người tụ tập trong sân. Thằng Sơn bé nhất, được giao cho việc rửa lá, rồi ngồi xếp đếm thịt, bao giờ đủ 30 miếng cho 15 cái bánh chưng thì ngừng. Út phụ trách quét dọn, trang hoàng nhà cửa, còn dì Hiền thì gói bánh chưng như mọi năm. Cả căn nhà ấm cúng hẳn lên nhờ hơi tỏa ra từ chiếc nồi bánh chưng. Có nhà nào đó ở đầu xóm bắn pháo hoa giấy, nghe nổ lép bép vui tai.
Năm mới đang đến rất gần rồi.
Út chợt hỏi Sơn:
- Năm mới rồi, có còn nhớ mẹ không?
- Nhớ...
Nó sụt sùi:
- Nhưng mà em biết mẹ không về đâu. Muốn về thì mẹ đã về rồi.
Đúng vậy, hồi mà bà mới ra đi, năm Giao thừa đầu tiên, Út cũng ngồi trông nồi bánh chưng như thế này mà thầm hỏi. Liệu người đàn bà ấy có về nữa không? Sau này, nhiều năm trôi qua, cô cũng không trông bánh chưng thế này, cười chê chính mình hồi nhỏ:
- Ngốc quá, nếu người ta muốn về thì đã về rồi. Người ta đã có gia đình mới rồi, nơi này bé xíu như thế, không chứa nổi tham vọng lớn ngần kia đâu.
Giờ thằng Sơn bé hơn Út hồi ấy nhiều, tuy vậy, nó lại rất sáng suốt.
- Aaa chị! Nồi bánh kìa.
Thằng Sơn gọi một tiếng làm Út bừng tỉnh.
- Chết rồi, bánh chín rồi!
Út rút củi dưới đáy nồi, rồi lấy một chậu nước lạnh vớt từng cái bánh thả vào, rửa mặt lá thật sạch. Hai chị em khệ nệ bưng bánh lên cái bàn nhựa, xếp 6 cái một hàng, rồi đè cái mâm với mấy hòn gạch lên, thế này, nước sẽ bị ép ra ngoài, để lại cái bánh mềm và không bị nhão nước. Làm xong hết thảy đã mệt bở hơi tai, Út lau mồ hôi trên trán, nhìn ra ngoài ngõ. Có bóng một người đang thập thò ngoài đó.
- Ai thế?
Thằng Sơn quay ngoắt lại theo. Cả hai chị em cũng chạy ra, người kia chạy bạt mạng, chỉ để lại một cái túi màu vôi. Út mở ra xem, bên trong có 2 cây giò lụa, một sấp tiền phải có đến ba bốn triệu, cả một cái khăn quàng cổ cho con gái.
- Tiền cả nhà ăn Tết, giò lụa cho em Hiền, khăn cho Út.
Tay Út hơi run khi lần theo hàng chữ nguệch ngoạc, bóng người phụ nữ kia đã lẫn khỏi màn đêm. Cô hét lên, tiếng vọng cứ lan ra, đau đáu:
- Bà còn hèn nhát đến bao giờ nữa hả? Bà ngoại mất rồi, dì đã già rồi. Bà muốn đi đến bao giờ?
Không có ai đáp lại, thằng Sơn không biết sao chị mình lại xúc động đến thế, bèn giật giật tay áo Út.
- Chị... Chị ơi.
Cô đưa cái túi cho nó, chỉ giữ lại mảnh khăn quàng cổ:
- Mang vào cho dì. Cứ đưa cho dì là dì hiểu. Chị vớt nốt nồi bánh chưng.
Thằng Sơn vâng dạ nghe lời, Út lại cặm cụi một mình trong sân. Bỗng nhiên, cô cầm theo hai cái bánh chứng, chạy vút về phía trước, dồn một cái bóng đen xì vào trong góc tường.
Khuôn mặt của người phụ nữ xóa tóc bên cửa sổ hiện dưới ánh đèn đường lờ nhờ. Bà hoảng hốt, lấy tay che đi nửa khuôn mặt với vết sẹo to tướng trên gò má.
Giây phút gặp lại sẽ nói gì đây? Sẽ hỏi bao nhiêu điều? Tại sao bà lại bỏ tôi? Bao năm qua sống thế nào? Tại sao lại bỏ cả thằng Sơn, nó mới bé như thế? Đẻ ra không thương thì đẻ làm cái gì? Bao nhiêu từ ngữ nghẹn ứ nơi cổ họng Út, cuối cùng, cô chỉ đưa hai cái bánh chưng cho người đàn bà kia.
- Cầm lấy đi, năm mới. - Rồi thấy cụt ngủn quá, cô nói thêm. - Chúc mừng năm mới.
Giọng dì Hiền vọng từ trong nhà:
- Út ơi Út, vào đây dì bảo!
- Chờ con một chút, con đang ép cái bánh. - Cô đáp lại, rồi nhìn người phụ nữ thêm một cái mới quay người đi vào sân.
Đằng sau lưng Út, người phụ nữ cũng cất giọng, tiếng nói vẫn hơi khàn như ngày xưa:
- Con... chúc mừng năm mới.
Lúc ấy là giao thừa, các nhà bắt đầu lầm rầm khấn vái trong sân. Pháo hoa nổ tung ở phương xa, hướng thị trấn. Còn thôn xóm vẫn chìm trong niềm vui năm mới giản dị mà ấm áp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top