Tần Thủy Hoàng
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/giac-mo-truong-sinh-va-cai-chet-bi-an-cua-tan-thuy-hoang-20220808233002999.htm
Luôn ám ảnh về cái chết, Tần Thủy Hoàng luôn khao khát tìm kiếm một phương thuốc trường sinh. Tuy nhiên, khao khát này dường như lại khiến vị hoàng đế Trung Quốc sớm trở về thế giới bên kia.
NỖI ÁM ẢNH CÁI CHẾT
Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 TCN. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và là người đầu tiên chấm dứt thời kỳ Chiến quốc, thống nhất Trung Quốc. Kế vị cha, ông lên ngôi vua từ năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế ở tuổi 38.
Sau khi chinh phục 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng tự đặt cho mình danh xưng Thủy hoàng đế với mục đích chứng minh rằng nhà Tần vĩ đại hơn các triều đại khác.
Tần Thủy Hoàng là người bị ám ảnh bởi cái chết. Ông đã cho xây dựng một hệ thống đường hầm với nhiều lối đi ngầm trong cung điện của mình và chỉ di chuyển trong thành qua hệ thống này. Tần đế được cho là đã xây dựng một cung điện dưới lòng đất, với kết cấu kiến trúc tương tự và diện tích bằng 1/3 hoàng cung thật trên mặt đất để tránh nguy cơ bị ám sát.
Sự ám ảnh cái chết thậm chí khiến Tần Thủy Hoàng khi mới lên ngôi ở tuổi 13 đã ra lệnh xây dựng lăng mộ khổng lồ dưới lòng đất tại núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia.
Sau 38 năm xây dựng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành. Theo số liệu thăm dò khảo cổ mới nhất, lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có chiều dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Với tổng diện tích 41.600 m2, tương đương diện tích 5 sân bóng đá quốc tế, đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán.
Theo Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên, khu lăng mộ chứa nhiều cung điện và đồ tạo tác, châu báu quý hiếm. Hai con sông Trường Giang và Hoàng Hà chảy vào biển lớn cũng được mô phỏng trong ngôi mộ bằng cách sử dụng thủy ngân.
Phần sàn lăng mộ miêu tả các con sông và đặc điểm đất liền, phần trần phía trên là hình trang trí các chòm sao trên trời. Ý tưởng này được cho là để Tần Thủy Hoàng tiếp tục cai trị vương quốc ngay cả khi sang thế giới bên kia.
Mặc dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc sống ở bên kia thế giới, nhưng về những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng lại đột ngột thay đổi ý định, muốn trở thành bất tử cùng với triều đại và cơ đồ mà ông gây dựng nên.
Theo Sử ký, sự thay đổi này chủ yếu do tác động từ những sự kiện và cả giấc mơ mà Tần đế tin là điềm báo "lành ít, dữ nhiều" về vận mệnh của mình cũng như của nhà Tần. Đó cũng là lúc khao khát trường sinh bất tử trỗi dậy mạnh mẽ trong vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, thôi thúc Tần đế bằng mọi giá tìm ra "thuốc trường sinh".
CUỘC TÌM KIẾM "THUỐC TRƯỜNG SINH"
Các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện các bản chiếu chỉ chứng minh hoàng đế Tần Thủy Hoàng luôn khao khát tìm kiếm thuốc "trường sinh bất tử". Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khảo cổ tiến hành nghiên cứu 36.000 thẻ gỗ tìm thấy năm 2002 ở đáy một giếng nước tại Hồ Nam, Trung Quốc, được xem là chiếu chỉ của Tần Thủy Hoàng. Trong đó, ông yêu cầu các quan chức địa phương ra sức tìm kiếm một phương thuốc trường sinh bất tử.
"Mệnh lệnh này của Tần Thủy Hoàng đã được ban bố rộng rãi, đến cả những ngôi làng ở biên giới hoặc các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất", Zhang Chunlong, nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu tỉnh Hồ Nam, cho biết.
Thông tin trên thẻ gỗ cũng cho biết, quan lại địa phương và dân chúng từng rất lo sợ vì không thể tìm được phương thuốc quý nào như vậy để dâng hoàng đế. Trong số hàng nghìn thẻ gỗ, một thẻ cho thấy một ngôi làng tên Duxiang đã thành thật thừa nhận chưa tìm ra phương thuốc dù đã nỗ lực tìm kiếm. Một ngôi làng khác tên Langya trình báo có một loại thảo mộc từ ngọn núi ở địa phương có thể đáp ứng nguyện vọng của Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng đã tìm đến hàng trăm phương sĩ (hay pháp sư) từ các nước chư hầu cũ, trong đó có pháp sư tên Từ Phúc của nước Tề, để lập một nhóm phụ trách việc tìm kiếm thuốc trường sinh. Sau chuyến vượt biển tìm thuốc trường sinh đầu tiên không có kết quả, Từ Phúc trở về và tâu rằng đã tìm thấy đảo Bồng Lai, nơi đây có thần tiên nắm giữ thuốc trường sinh, nhưng muốn lấy được thần dược phải có lễ vật gồm 3.000 đồng nam, đồng nữ.
Ở lần tiếp theo, Từ Phúc yêu cầu phải có cung lớn và vũ khí để đuổi cá kình cản đường trên biển. Tần đế đã nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu này mà không mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, ở chuyến đi cuối cùng, do không tìm thấy thuốc trường sinh, Từ Phúc và đoàn tùy tùng không quay trở lại và được cho là lưu lạc đến Nhật Bản.
Thủy Hoàng vẫn chờ tin Từ Phúc trong vô vọng. Năm 211 TCN, khoảng 8 năm sau khi Từ Phúc "một đi không trở lại", một thiên thạch đã rơi xuống vị trí Đông Quận, một phần của lãnh thổ nước Tần tiếp giáp giữa 2 nước Tần - Tề, nay thuộc thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Trên thiên thạch này có khắc 7 chữ nói rằng hoàng đế sẽ chết và giang sơn sẽ phân chia lại. "Điềm báo" này khiến Tần đế tức giận và càng nôn nóng tìm kiếm thuốc trường sinh.
NGỘ ĐỘC "THUỐC TRƯỜNG SINH"?
Cuộc tìm kiếm phương thuốc bất tử của Tần Thủy Hoàng thất bại. Ông chết vào năm 210 trước Công nguyên sau 11 năm trị vì. Các nhà khoa học tin rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tần vương là do vị vua này đã uống thủy ngân mỗi ngày.
Theo các ghi chép Sử ký, trong một lần vô tình Tần Thủy Hoàng tìm thấy một cuốn sách cổ về y học trong đó đề cập đến một loại chất có thể mang lại bất tử cho con người, chính là thủy ngân. Tần đế đã cho người đi khắp nơi thu thập thủy ngân để các pháp sư tinh luyện thành "thuốc trường sinh" dùng dần và cũng để tạo ra dòng sông thủy ngân bên trong lăng mộ đồ sộ mà ông bí mật cho xây dựng trong hàng chục năm.
Người Trung Quốc cổ đại quan niệm, sông thủy ngân có thể ban cho ai đó một sự sống bất tử. Có lẽ chính niềm tin này khiến Tần Thủy Hoàng nuốt thủy ngân để được trường sinh.
Tuy nhiên, năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đã đổ bệnh nặng trong lúc đi tuần du ở phía Đông. Ông uống thuốc của một trong những pháp sư đã luyện thuốc trường sinh, bị nhiễm độc thủy ngân quá liều và qua đời ngay lập tức.
Các cận thần cố gắng che giấu hoàng đế đã băng hà càng lâu càng tốt. Ông được đưa về kinh thành bằng kiệu che kín và ngụy trang bằng cá ươn để giấu mùi tử thi. Thậm chí, hoàng đế vẫn được dựng ngồi trong kiệu với thức ăn như thể đang ăn. Chỉ khi về đến kinh thành Hàm Dương, triều đình mới thông báo hoàng đế đã băng hà.
Theo các ghi chép, Tần Thủy Hoàng có thể đã qua đời vì ngộ độc chính loại "thuốc trường sinh". Trong khi đó, dù không có tư liệu lịch sử cụ thể, nhưng các nhà sử học tin rằng hoàng đế nhà Tần mắc nhiều loại bệnh cũng phần nào khiến ông đoản mệnh.
Một nguyên nhân khác được cho là Tần đế làm việc quá sức, cơ thể suy nhược. Theo "Sử ký", Tần Thủy Hoàng thường xuyên thức đêm để lo việc triều chính. Hơn nữa, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ông còn tiến hành 5 chuyến du ngoạn quy mô lớn, dấu chân của ông đã đặt đến hầu khắp các ngõ ngách của Trung Quốc. Khối lượng công việc lớn cộng với chuyến đi thuyền dài ngày có thể khiến vị hoàng đế này lao lực.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những suy luận của các chuyên gia thông qua tư liệu và sử sách. Suốt hơn 2000 năm qua, các nhà khoa học và khảo cổ không thể khẳng định nguyên nhân thực sự khiến Tần đế băng hà. Điều này là bởi họ vẫn chưa thể khám phá phía sâu trong lăng mộ và chưa thể tiếp cận được nơi đặt thi hài Tần Thủy Hoàng.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào mùa xuân năm 1974 sau khi một số nông dân đang đào giếng gần Tây An phát hiện hàng loạt tượng binh sĩ làm bằng đất nung với kích thước tương đương người thật. Sau nhiều thập niên khảo sát, các nhà khảo cổ nhận định, đó là một phần trong đội quân gồm 8.000 binh sĩ đất nung bảo vệ vòng ngoài cho lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Họ cũng xác định sự tồn tại của một cung điện nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất.
Tuy nhiên, đến nay, khu lăng mộ này vẫn là một nơi được coi là gần như "bất khả xâm phạm" vì nhiều lý do bao gồm cả về khoa học và yếu tố tâm linh.
Sau khi Tần đế qua đời, đất nước sớm rơi vào hỗn loạn vì tranh giành ngôi báu giữa các thế lực. Trong cuộc đời mình, Tần Thủy Hoàng từng cho rằng triều đại của mình sẽ cai trị Trung Quốc 10.000 thế hệ nhưng sự thực, sau cái chết của ông, triều đại nhà Tần kéo dài không đến 3 năm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top