CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ, TRỢ CẤP BHXH 01 LẦN

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ,  TRỢ CẤP BHXH 01 LẦN

       Người lao động khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả. Cụ thể như sau:

          1- Lương hưu hàng tháng:

          1.1. Điều kiện hưởng: Người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có một trong các điều kiện sau:

          - Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

          - Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.

          - Người lao động đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

- Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi do nghề nghiệp.

         Hưởng lương hưu với mức thấp hơn : Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% lao động trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

          - Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

          - Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên.

          1.2. Mức hưởng: Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ % lương hưu được hưởng nhân với mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó:

          -  Tỷ lệ % lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng cho 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

- Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được xác định như sau:

          + Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu được tính bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước tháng 01 năm 1995; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ tháng 01 năm 1995 đến tháng 12 năm 2000; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian từ tháng 01 năm 2001 đến tháng 12 năm 2006; bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội  từ tháng 01 năm 2007 trở đi;

          + Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian;

          + Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

          Tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội theo các chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh tăng tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

          - Trường hợp lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được quỹ bảo hiểm xã hội bù bằng mức lương tối thiểu chung.

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.

          - Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

  2- Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:

          2.1. Điều kiện hưởng: Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng mức trợ cấp một lần.

          2.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3- Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần:

          3.1. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần: Người lao động được hưởng trợ cấp một lần do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi có một trong các điều kiện sau:

          + Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

          + Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

          + Sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

          + Ra nước ngoài định cư.

          3.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

4- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Người lao động khi nghỉ việc chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cộng nối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau này (nếu có) hoặc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện.

5- Hồ sơ hưởng :

          5.1- Chế độ hưu trí :  quy định tại Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội :

1- Đối với người đang đóng BHXH, hồ sơ gồm :

a) Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến tháng nghỉ việc;

b) Quyết định nghỉ việc của người sử dụng lao động hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (đối với người nghỉ việc hưởng lương hưu quy định tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội);

d) Người bị nhiễm HIV thuộc đối tượng quy định tại Điều 26 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí thì hồ sơ có thêm giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định;

2- Người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm :

a) Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến tháng nghỉ việc;

b) Đơn đề nghị của người lao động có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (mẫu số 12-HSB); Nếu là người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trở về nước hợp pháp, người được toà án tuyên bồ mất tích trở về thì đơn đề nghị theo mẫu số 13A-HSB, kèm theo bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc bản sao quyết định trở về nước định cư hợp pháp hoặc bản sao quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích trở về.

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (nếu có);

Ngoài hồ sơ hưởng lương hưu nêu trên, nếu là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc công ty Nhà nước thí có bản sao quyết định xếp hạng doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần; Công ty TNHH một thành viên; Công ty TNHH Nhà nước hai thành viên trở lên.

3- Đối với người đã hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, hồ sơ gồm :

a) Đơn đề nghị hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc xuất cảnh trở về nước định cư hợp pháp hoặc tòa án tuyên bố mất tích trở về (mẫu số 13B-HSB);

b) Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc bản sao quyết định trở về nước định cư hợp pháp hoặc bản sao quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích trở về.

          Thời hạn giải quyết : Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

          Trình tự thực hiện : 

Bước 1 :  Lập hồ sơ : Tổ chức đơn vị lập hồ sơ đối với người lao động đang đóng BHXH hoặc người lao động lập hồ sơ theo quy định được hướng dẫn trên, nếu chưa rõ thì đến BHXH huyện, thị hoặc Phòng Tiếp nhận - Quản lý hồ sơ BHXH tỉnh Bình Dương để được hướng dẫn cụ thể.

Bước 2 : Nộp hồ sơ : Tổ chức đơn vị sử dụng lao động nộp đầy đủ hồ sơ đến BHXH huyện, thị nếu người lao động đang đóng BHXH do BHXH huyện, thị quản lý. Trường hợp người lao động đang đóng BHXH tại đơn vị do BHXH tỉnh quản lý thì tổ chức đơn vị nộp hồ sơ đầy đủ đến Phòng Tiếp nhận - Quản lý hồ sơ BHXH tỉnh Bình Dương.

- Trường hợp người lao động đã được bảo lưu thời gian đóng BHXH thì người lao động nộp hồ sơ trực tiếp đến BHXH huyện, thị nơi người lao động thường trú.

- Nếu hồ sơ đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận sẽ viết phiếu hẹn thời gian giải quyết.

Bước 3 : Nhận kết quả giải quyết : Đến ngày hẹn ghi trong phiếu hẹn, tổ chức đơn vị hoặc người lao động đến nơi đã nộp hồ sơ nhận kết quả giải quyết. Nếu tổ chức nộp hồ sơ thì sau khi nhận kết quả giao lại cho người lao động hưởng chế độ hưu trí.

          Cách thức thực hiện :

Đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ nếu người lao động đang đóng BHXH hoặc người lao động lập hồ sơ nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Cơ quan BHXH giải quyết trong thời hạn quy định của Luật BHXH, người lao động đến BHXH huyện, thị hoặc BHXH huyện, thị nhận kết quả giải quyết.

5.2- Bảo hiểm xã hội một lần : (dưới 20 năm đóng BHXH)

a) Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lầnmẫu 14-HSB

- Sổ bảo hiểm xã hội đã được bảo lưu thời gian đóng từ 3 tháng trở lên

- Quyết định nghỉ việc hoặc hợp đồng lao động hết thời hạn, nếu mất phải có đơn cớ mất có xác nhận theo quy định.

- Bản sao giấy tờ định cư nước ngoài, trong trường hợp ra nước ngoài định cư, Visa dịch sang tiếng việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật.

- Biên bản của Hội đồng giám định Y khoa chứng nhận suy giảm khả năng lao động 61 % trở l ên ( nếu có )

- Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù

b) Số lượng hồ sơ: 01(bộ)

           Trình tự thực hiện :

Bước 1 (lập hồ sơ) : Người lao động đã được bảo lưu sổ BHXH tải mẫu 14-HSB hoặc mẫu số 15 - HSB)  hoặc đến BHXH các huyện, thị để lấy mẫu, ghi đầy đủ thông tin theo yêu cầu và lập hồ sơ  theo quy định.

Bước 2 (nộp hồ sơ): Người lao động nộp đầy đủ hồ sơ tại BHXH các huyện, thị nơi cư trú.

Bước 3 : Đến ngày hẹn trong phiếu, đến BHXH huyện, thị nhận tiền (mang theo giấy tờ tùy thân có dán ảnh hoặc giấy ủy quyền nhận thay trợ cấp BHXH 01 lần nếu nhờ người khác nhận tiền thay.

               Cách thức thực hiện :

- Người lao động lập hồ sơ theo quy định nộp hồ sơ trực tiếp tại BHXH các huyện, thị nơi có hộ  khẫu thường trú hoặc tạm trú. Nếu hồ sơ đầy đủ, cán bộ tiếp nhận viết phiếu hẹn thời gian giải quyết.

- BHXH huyện, thị giải quyết trong thời gian hẹn quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

- Đến ngày hẹn, người lao động đến nhận kết quả.

              Hồ sơ :

a). Thành phần hồ sơ gồm :

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH 1 lần.

- Sổ bảo hiểm xã hội đã được bảo lưu thời gian đóng từ 03 tháng trở lên.

- Quyết định nghỉ việc hoặc hợp đồng lao động hết thời hạn, nếu mất phải có đơn cớ mất, có xác nhận theo quy định.

- Bản sao giấy tờ định cư nước ngoài trong trường hợp ra nước ngoài định cư, Visa dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật.

- Biên bản của Hội đồng giám định y khoa chứng nhận suy giãm khả năng lao động 61% trở lên (nếu có).

- Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù.

b). Số lượng hồ sơ : 01 bộ.

           Thời hạn giải quyết : Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: