Chấp niệm mình anh 5

Chương 5. Năm cuối cấp.

Thời gian thấm thoát trôi đi. Vừa qua một cái tết đến giờ đã là giữa tháng 4.

Huệ Châu biết được khái niệm thời gian quan trọng thế nào, nên nó đã sớm chuẩn bị học hành tốt cho những kỳ thi.
Một huyện nơi Huệ Châu sinh sống có 5 xã. Xã của Huệ Châu gọi là xã Hoàng, lại nhỏ nhất huyện nên mỗi kỳ thi cuối năm của học sinh cấp 2 đều phải hợp với xã Văn bên cạnh cùng tiến hành thi.
Kiếp trước do thành tích học tập không được gọi là “khả quan” nên mỗi kỳ thi Huệ Châu không khỏi lo lắng, hay có những ý định như “quay cóp”. Bây giờ Huệ Châu tin rằng với sự chăm chỉ rèn luyện của mình cũng không đến mức cuối kỳ phải dùng “phao trợ giúp”.
Thi qua kỳ thi năm nay, sang năm là bước vào lớp 9, năm học cuối cấp của cấp hai. Ngày ấy có cả chuyện rắc rối, có cả sự rung động tình cảm đầu đời, có sự nuối tiếc nếu bước vào cổng trường cấp 3 thì bạn bè cùng làng sẽ bị chia tách ra phân lớp khác nhau.

Hôm nay vừa đi học về Huệ Châu thấy anh Trung đã có ở nhà. Anh ấy ra nghĩa vụ giờ đang đi học nghề đóng tàu ở Thái Bình. Hiện tại ngành đóng tàu đang phát triển, nhiều thanh niên học xong cũng đi học lấy bằng rồi vào những công ty đóng tàu làm việc.
Vì gia đình Huệ Châu không có “vây cánh”, nên anh Trung chọn nghề này thì có thể xin việc dễ hơn, công việc lại đều. Cũng từ đây mà anh “cưới được” chị dâu của nó sau này.
-Gái út của anh học về rồi à?
Anh Trung đang gõ gõ cái chân bàn đạp xe cho mẹ. Chắc mẹ nhờ anh xem hộ, vì bà cứ kêu cái bàn đạp xe kêu két két. Con ngựa sắt theo mẹ suốt nhiều năm buôn bán rau chợ, có hỏng lại mất một khoản tiền để sửa chữa, mẹ Huệ Châu cứ tiếc tiền nên cố đi.
-Anh được nghỉ về chơi à?
Qua nhiều năm sống lại, Huệ Châu đã tự nhiên hơn mỗi lần tiếp xúc với mọi người.
-Anh sắp học xong rồi nên về chơi, cuối tuần vào Thái Bình chơi với anh không?
Anh Trung nháy nháy mắt với Huệ Châu, điệu bộ rất cưng chiều em gái út. Các anh chị nó, dù có đánh mắng nhưng khi yêu thương thì vẫn là vô bờ bến với nó.
Kiếp trước có lẽ nó đã rất hào hứng, thậm chí năn nỉ bố mẹ để có thể đi chơi. Nhưng....
-Em chuẩn bị thi cuối năm rồi, em không bỏ học được.
Huệ Châu để cặp vào bàn học, vừa đi ra giếng múc nước rửa tay vừa nói.
Anh Trung có lẽ đã xem xong xe đạp cho mẹ cũng ra giếng rửa tay. Anh Trung nhìn nó cười rồi nói:
-Ôi gái út bé bỏng của tôi, học thành bà cụ non mất thôi.
Nghe có vẻ sến súa nhưng Huệ Châu đã quen nên chỉ cười cười.
Kiếp này nó thường từ chối những lần mọi người rủ đi chơi đâu đó, vì nó “đã biết” nên không còn hứng thú nữa. Nhưng đôi khi cũng phải tham gia để mọi người không đánh giá nó là người “kỳ quặc”.

Sống trong môi trường mình đã biết đôi lúc không dễ như nó tưởng tượng.

Anh Trung đi học giao tiếp với người nhiều nơi đến học tập thành ra học được nhiều điều có cả xấu và tốt. Nhưng đặc biệt là thời gian anh đi học anh thường xuyên xin bố mẹ nhiều tiền tiêu. Cũng vì điều đó mỗi lần nhắc đến anh Trung là bố mẹ Huệ Châu lại cãi nhau om tỏi.
Mẹ Huệ Châu thì thiên vị con trai, bố Huệ Châu thì khắt khe nên hai người lúc nào cũng loảng xoảng. Huệ Châu ước gì kiếp này không phải chứng kiến cảnh bố mẹ lục đục mắng nhiếc nhau.

Có điều Huệ Châu nhận ra là kiếp này nó “ngoan” hơn, học hành chăm chỉ, không bỏ đi chơi, không yêu đương sớm nên bố mẹ anh chị cũng không có lý do để đánh mắng như kiếp trước. Con người lúc nào cũng thế “không ai đánh kẻ đang cười”, không ai ác độc mà vô căn cứ đánh mắng một đứa con gái hiền lành, ngoan ngoãn như Huệ Châu bây giờ.

Hình ảnh thay đổi, cuộc sống cũng dễ chịu hơn rất nhiều, Huệ Châu thấy mình sống lại, cố gắng xây dựng hình tượng “con ngoan trò giỏi” quả không sai lầm.

Ngày thi cuối năm tại xã Văn. Huệ Châu nhìn thấy mấy người “quen” ở kiếp trước, những người đã tán tỉnh nó, rồi cả bạn bè của những người đó nữa.
Kiếp này Huệ Châu “không quen” ai trong số họ. Chắc có lẽ mấy bạn trai này đã hoặc đang có “cô bạn gái” nào đó thay thế vị trí cho Huệ Châu.

Thật tốt. Huệ Châu cười thầm trong lòng. Thật thảnh thơi.

Thi xáo trộn cũng kèm theo việc danh sách phòng thi xếp theo tên sẽ có sự thay đổi. Kiếp trước hay kiếp này Huệ Châu không thể ngồi cùng phòng thi với Hải Phong. C và P còn cách nhau một đoạn khá dài. Nó đã từng luôn theo dõi xem Hải Phong ngồi phòng nào, số dự thi bao nhiêu.
Bây giờ cũng thế, dù biết đó là điều vô vị nhưng con mắt không tự chủ vẫn nhìn hết những bảng tên bên cạnh, đến khi nhìn được tên... Hải Phong...thì rời đi.

Nực cười. Huệ Châu tự chửi thầm bản thân vô phương cứu chữa.

Hai ngày thi, Huệ Châu luôn đi cùng xe với Thùy Linh. Sáng nay Linh nói buổi chiều thi xong sẽ sang nhà ngoại luôn, nhà ngoại Linh ở xã Văn. Nên Huệ Châu hỏi đi cùng xe với Trang về.
Trang tay lái yếu nên Huệ Châu cầm lái đạp xe về.
Trên đường về hai đứa không nói nhiều mà chủ yếu nghe những người bên cạnh bàn luận về bài thi.
-Cô làm được bài không? Chắc không khó với cô nhỉ?
Trang ngồi sau hỏi.
Huệ Châu nói rằng thi cũng tốt, giải thích một chút những chỗ Trang hỏi.
Kiếp trước, Huệ Châu chưa từng là đối thủ học tập của Trang hay Dung hay bất cứ đứa nào trong lớp, nhưng bây giờ Huệ Châu là một trong số những học sinh xuất sắc của lớp rồi nên mọi người khiêm nhường nhiều.

Trang cũng đã từng là con ngoan trò giỏi trong mắt bố mẹ, hàng xóm, bạn bè. Bởi bố mẹ Trang không cho phép đi chơi mà chỉ yêu cầu Trang học. Mẹ làm trạm trưởng trạm y tế xã, bố bán thuốc tại nhà. Trang có một anh trai bảnh bao học giỏi. Trang đã từng rất nghe lời, ngồi trong nhà nhìn chúng bạn hàng ngày đi chơi qua cửa sổ.
Trang cũng từng ngoan hiền như thế.

Mùa hè năm nay nhà Huệ Châu đón chị Châu Mỹ đi lao động Đài Loan hết hạn trở về. Bố mẹ mừng khôn xiết. Chị về mang theo quà cáp cho gia đình, hàng xóm, đặc biệt mang theo “hy vọng tương lai” của gia đình Huệ Châu.
-Huệ Châu nhà mình xinh xắn học giỏi, lại ngoan hiền thế này...bố mẹ và anh chị có vất vả cũng sẽ cố cho em học tập thật tốt.
Chị Châu Mỹ xoa xoa mái tóc mượt mà của Huệ Châu. Chị Mỹ mua quà cho nó một bộ lược gương nói rằng con gái thì phải trải chuốt khi ra đường. Lúc nào chị cũng khen tóc của Huệ Châu mềm như mây.

Có lẽ như ở kiếp trước chị Mỹ ít khi dịu dàng với nó như thế, Huệ Châu có chút không quen.
-Nó học giỏi lắm, thi cuối cấp vừa rồi thiếu chút nữa là học sinh giỏi rồi.
Bố Huệ Châu với giọng điệu tự hào nói bắn cả nước bọt.
Mẹ nó thì mỉm cười khắc khổ, bà không biết cách thể hiện tình cảm với các con, cuộc sống mưu sinh khiến bà chai sạn trở thành người khô khan.
-Cố gắng học nhé. Tiền học hành chị sẽ cố kiếm rồi giúp bố mẹ cho em.
-Vâng, em sẽ cố gắng học.
Huệ Châu nhìn chị Mỹ cảm kích, kiếp trước hay kiếp này chị cũng là cứu tinh của gia đình cũng như là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của nó rất lớn.

Một buổi tối ngày hè, cơm nước xong, đã rất lâu cả gia đình Huệ Châu mới ngồi cùng nhau đông đủ. Bố Huệ Châu ngồi bàn nước lơ đãng xem thời sự, mẹ Huệ Châu vẫn đang nhẩm tính sổ sách gì đó bên giường. Bốn chị em ngồi dưới chiếu xem điện thoại của chị Mỹ và anh Trung. Hai người khi này đã có điện thoại cầm tay dù là “cùi bắp”.

Huệ Châu không lạ, nhưng vẫn ngồi cạnh góp vui. Chị Ngọc thì phấn khích lần đầu được thấy điện thoại di động, hết nghịch game lại bấm tách tách rồi hứng thú hỏi anh Trung chị Mỹ: “đây là cái gì? Dùng như nào thế?”

Được một lúc, chị Mỹ ngẩng lên nói:
-Con đăng ký đi Đài Loan lần hai.
Cả nhà dừng lại nhìn chị. Đặc biệt mẹ đang tính sổ hàng cũng trợn mắt lên hướng chị ý ngạc nhiên.
Chị Mỹ thấy vậy cũng không quá bàng hoàng, có lẽ chị liệu trước được phản ứng của mọi người.
-Công ty hỗ trợ cho những người đi lao động đợt một được đăng ký đi lần hai, tiền cọc không có mà chỉ cần trả tiền thủ tục giấy tờ và vé máy bay là 20 triệu thôi.
-Có đủ tiền để lo không?
Bố nó nhìn chị Mỹ hỏi vẻ lo lắng.

Chị đi lao động Đài Loan lần một trong khi nhà không có một đồng vốn, toàn bộ đều phải vay ngân hàng. Khó khăn lắm chị làm mấy năm giờ trả được nợ, nhà cửa cũng chưa kịp mua sắm gì. Chị nói lại đi lần nữa thì chẳng khác nào số tiền dư làm được lại dùng vào việc trả tiền giấy tờ hay sao.

-Cố gắng làm thêm vài năm nữa mới có tiền sửa cái nhà cũ này, hay là sắm sửa gì chứ. Chỉ với vài đồng dư vừa đi về thì làm được gì. Công việc bên đấy dễ kiếm ra tiền hơn Việt Nam mình nhiều.

Huệ Châu biết điều đó khi “mai này” sống ở Hàn Quốc. Chỉ cần làm vài năm ở nước ngoài là gần như ai cũng có tiền mua nhà mua đất tại Việt Nam, còn cứ đơn thuần làm ở Việt Nam thì đến đủ ăn đủ tiêu còn khó.

Đúng theo tuần hoàn thì chị Mỹ đi Đài Loan lao động hai lần.

Chơi ở nhà thêm vài ngày chị Mỹ lại đi Hà Nội để làm thủ tục xuất khẩu lao động lần hai.
Tiền chị Mỹ đi làm được lo vào giấy tờ, cho tiền mẹ mua chiếc xe đạp mới đi chợ, xe đạp cũ của mẹ để bố đi lại quanh làng.
Chị Ngọc học hết cấp ba, học lực trung bình lại do nhà nghèo nên cũng không học đại học mà lên thành phố đi làm công ty.
Chị cũng mua cho chị Ngọc chiếc xe đạp để đi làm vì hiện giờ lương công ty ba cọc ba đồng của chị Ngọc chỉ đủ miệng ăn không phải xin của nhà.

Khi ấy cả nhà vẫn ước ao ‘bao giờ nhà mình mới có tiền mua xe máy’.

Trước khi Huệ Châu nhập học vào lớp 9 thì chị Mỹ bay đi Đài Loan lần hai.
Huệ Châu đâu xa lạ gì sân bay, nhưng dù sao cũng mấy năm nữa mới có thể gặp chị nên nó với cả nhà thuê một xe tiễn chị đi.
Nhìn chị xách va ly vào trong cửa hải quan, mẹ Huệ Châu không kìm được nước mắt. Bố nó thì lặng lẽ đứng nhìn đến khi đứa con gái lớn khuất hẳn sau nhiều bóng người vào ra.

Huệ Châu cũng đã từng khóc như mưa ngày bước chân lên máy bay “sang nhà chồng”.

-Chỉ mong cho nó khỏe mạnh, công việc xuôn xẻ.
Ngồi xe mẹ Huệ Châu nói rồi cả nhà rơi vào im lặng.

Huệ Châu còn quá nhỏ, chưa thể làm gì giúp đỡ gia đình ngoài việc học thật giỏi.

Nhiều người vì quá khứ quá vất vả họ không muốn quay lại thời gian. Đôi khi Huệ Châu cũng không muốn quay lại quãng thời gian nghèo khó vất vả như bây giờ.
Số phận trêu đùa khiến nó sống lại lần nữa, đôi lúc nghĩ cũng chán ngán. Cuộc sống sống qua một lần giờ lại một lần nữa trải qua.
Thế nhưng nó nghĩ rằng, phải có lý do thì số mệnh mới cho nó sống lại thêm một lần. Lần này nó không để cuộc đời trôi theo sự sắp đặt của bất cứ ai, hay phải phụ thuộc vào điều gì.

Kiếp này nó sẽ đi bằng đôi chân và dựa vào sự lựa chọn của bản thân.

Năm học lớp 9 bắt đầu, hơn bao giờ hết Huệ Châu càng cắm đầu vào học tập. Nó chăm chỉ học thêm nhiều tiếng Anh vì trong trường phổ thông hiện chưa có khái niệm tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc.
Kiếp trước nó đã từng tiếc giá như học tiếng Anh chăm chỉ hơn. Cũng không biết nó có thể làm gì nhưng biết được gì thì có lợi thêm điều đó.

-Bà bao che cho nó bao nhiêu tiền tiêu pha, giờ còn mượn xe của người ta đi cắm để chơi bời.
Vừa học về vào tới sân đã nghe tiếng bố Huệ Châu đang chất vấn mẹ nó. Mẹ nó nói gì nó nghe không rõ.
Anh Trung đã từng như thế, xin tiền bố mẹ đi học xong chơi bời trác táng mất nhiều tiền, lại cứ thi thoảng mượn xe của bạn bè rồi cắm của người ta lấy tiền tiêu sài.
Mẹ Huệ Châu nhiều lần phải trả nợ đậy, thế nhưng bà vẫn dung túng cho con trai.
-Con có phải của một mình tôi đâu, giờ nó như vậy thì không trả tiền cho người ta thì làm thế nào.
Vào đến nhà nghe bố mẹ cãi nhau càng to hơn. Huệ Châu ngán ngẩm bỏ cặp sách rồi xuống bếp sửa soạn cơm trưa.
Giờ nhà chỉ còn nó nên nhiều khi đi học về nó mới nấu cơm.
Cơm trưa trôi đi nặng nề bởi cuộc cãi vã của bố mẹ. Huệ Châu đã từng ước mơ mình được sinh ra là con của gia đình nào đó bố mẹ hòa thuận, cuộc sống thanh thản hơn.

Vừa nghịch nghịch chậu bát đang rửa, Huệ Châu đắm chìm trong suy nghĩ mông lung.

Đúng lúc đó tiếng ai nói nói ngoài đường đi, rồi Linh chạy vào nhà gọi Huệ Châu.
Huệ Châu lên tiếng đáp thì Linh chạy lại phía giếng gương mặt có vẻ sợ hãi.
Huệ Châu ngước mắt lên chờ đợi Linh thở xong một hơi, sẽ thông báo gì đó.
-Bố cái Tuyến chết rồi.
-Bao giờ?
-Vừa xong.
Huệ Châu chợt nhớ ra, bây giờ đã là đầu năm học lớp 9.
Đúng như kiếp trước, đầu năm học bố Tuyến mất, học xong cấp hai do hoàn cảnh khó khăn Tuyến được xét duyệt đi học ở Sơn Tây. Học không mất tiền trong ba năm cấp 3. Từ đó Tuyến đổi khác.
Nói qua với mẹ. Mẹ Huệ Châu nói:
-Chúng mày đi thì giúp được gì cho nhà đám mà đi?
Thế rồi thấy Huệ Châu và Linh đứng chờ đợi, nghĩ đi nghĩ lại thế nào bà cất lời.
-Đi đi, ở bên ngoài thôi đừng vào nhà người ta nhé, chúng mày con gái còn bé không tốt khi nhìn người chết đâu.
Được mẹ đồng ý, Huệ Châu với Linh hướng nhà Tuyến chạy đi.

Hết chương 5.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top