Hồi 1
Thuở ấy, ở cái vùng Miệt Thứ, có gia đình ông Hai Đinh thuộc dõng dõi thư hương từ nhiều đời. Tiếp nối truyền thống hiếu học của tổ tiên, ông trở thành thầy giáo làng được người đời kính trọng. Người trong làng thương kính thầy vì tính tình hiền lành, lại thêm cái học cao hiểu rộng. Thầy Đinh dạy học trò không lấy tiền, chỉ nhận chút gạo hay ít rau cải tươi mà cha mẹ chúng đem tới. Người ta vẫn hay nói, chính cái tài đức của thầy đã làm giàu thêm cho cái vùng đất quê hương này.
Thầy Đinh nên duyên với bà Lan khi hai người đương tuổi đôi mươi. Bà Lan ngày ấy là người con gái xinh đẹp, duyên dáng nhất làng, ai ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Hai người thành đôi, cả làng ai nấy đều mừng rỡ, vui lung lắm.
Từ ngày về chung một nhà, thầy Đinh và bà Lan sống hạnh phước, hòa thuận. Họ sanh được ba người con, hai trai một gái. Cậu Tâm và cô Bình là hai người con cả, đều đã thành gia lập thất từ vài năm trước, mỗi người đã có mái ấm riêng. Ở nhà chỉ còn lại đứa con trai út của ông bà, Bá An, tuổi trạc đôi mươi.
Niềm tự hào lớn nhất của ông bà chính là cậu con trai tên Bá An này, một chàng trai vừa xinh đẹp lại học thức hơn người. Trong trí nhớ của người đời, cậu có tướng mạo như được khắc họa từ đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, vầng trán thì cao đầy, lông mày như vẽ, nước da trắng mịn tựa nhung. Khi cậu cười lên, hai bên má có đồng điếu, nhìn trông rất duyên dáng. Ai gặp qua cũng phải tấm tắc khen ngợi, chẳng những đờn bà mà ngay cả đờn ông cũng vì cậu mà động tâm. Nhan sắc thật sự làm say đắm lòng người. Nhưng tuyệt nhiên không phải là vẻ đẹp liễu yếu đào tơ của đờn bà con gái. Gia đình cậu vốn thuộc dòng dõi thư hương, tổ tiên nhiều đời trước từng làm quan văn trong triều đình. Ông bà nội ngoại đều là những người có học thức cao. Ông Đinh, cha của cậu là thầy giáo làng nổi tiếng khắp vùng còn mẹ cậu ngày trẻ có vẻ đẹp kinh diễm động lòng người. Bà xứng danh được thiên hạ ca tụng gọi "Giai Nhân Nam Chí". Tuy tuổi còn trẻ nhưng đã thừa hưởng hết cái tinh hoa của gia đình, thông thạo chữ nghĩa, lại biết tiếng Tây nên được mọi người trong làng nể phục lung lắm.
Ở cái xứ Nam Chí lúc bấy giờ, người ta không khỏi bàn tán mỗi khi gặp nhau ở chợ, ở đình làng hay trong những buổi họp mặt. Ai nấy đều xuýt xoa, tán thưởng cái tài, cái sắc của cậu: "Nhà thầy Đinh thật có phước lớn, Bá An con trai của họ, quả là tài sắc vẹn toàn."
Tiếng lành đồn xa, chuyện về Bá An nhanh chóng đến tai bà Cả nhà ông Hội đồng Vĩnh. Bà Cả vốn là một người phụ nữ khôn ngoan, sắc sảo, biết nhìn xa trông rộng. Nghe nói Bá An chỉ 16 tuổi đã nói sỏi thứ tiếng Tây, cái thứ tiếng mà con trai bà - cậu Hai Thiện chỉ nói được bập bẹ đôi câu. Bà Cả tin tưởng An sẽ giúp con trai bà học sỏi cái mặt chữ khó nhằn ấy.
Vậy là, bà Cả nhà ông Hội đồng Vĩnh tự mình lặn lội từ Tân Phú xuống để tìm gặp cậu. Bà muốn tận mắt xem, xem Bá An là người như thế nào mà nổi danh khắp cả vùng Nam Chí, xứng đáng được thiên hạ gọi bốn tiếng "tài sắc vẹn toàn".
Bà Cả đi đến trước Làng Sen, ở đây được gọi là Làng Sen, bởi lẽ ngay khi đứng trước cổng làng, đã có thể nhìn thấy một hồ sen rộng lớn trải dài. Mang một vẻ đẹp thanh bình và tĩnh lặng. Bà Cả, sau nữa ngày trời rong ruổi trên con đường làng, cuối cùng cũng tìm đến được nhà của thầy Đinh.
Nhà của thầy Đinh không giàu có nhưng cũng chẳng phải loại bần cùng. Ngôi nhà nằm sâu trong một khu vườn rợp bóng cây, yên tĩnh và thanh bình. Thầy Đinh, một người đàn ông ngoài năm mươi với gương mặt phúc hậu và đôi mắt sáng ngời minh mẫn.
Bà Cả chậm rãi tiến lại gần, cẩn thận chỉnh lại tà áo dài để trông thật đoan chính. Thầy Đinh đang ngồi dưới hiên, tay cầm cuốn sách, mắt chăm chú đọc từng dòng. Thấy bà Cả đến, thầy liền đứng dậy, nở nụ cười hiền từ, ánh mắt không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy bà, cúi đầu chào: "Bà Cả, sao hôm nay có dịp ghé thăm tôi vậy?"
Bà Cả cười hiền từ: "Thầy chớ có gọi con là bà Cả, nghe sao xa lạ quá. Con nhớ hồi nào thầy vẫn gọi con là Hà." Bà nhẹ nhàng nói, giọng dịu dàng như những ngày tháng xưa cũ.
Thầy Đinh ngồi bên cạnh, mắt nheo lại cười, bàn tay nâng tách trà lên môi: "Ừ, phải. Nhưng Hà ngày xưa giờ đã là bà Cả rồi."
Bà Cả khẽ gật đầu: "Dạ, thầy. Ngày đó, con nào dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay. Nhờ thầy chỉ dạy, con mới nên người."
Thầy Đinh gật đầu, lòng cũng xúc động: "Con giờ đã là bà Cả, quyền cao chức trọng. Nhưng nhớ giữ gìn cái tâm, cái đức, con nhé."
Bà Cả cầm tay thầy Đinh, ánh mắt đầy cảm kích: "Dạ, thầy. Con luôn khắc ghi lời thầy dạy."
Thầy Đinh cười hiền từ: "Không luận đến chuyện này nữa, hôm nay ghé thăm thầy có chuyện chi?"
Bà Cả thở dài nhẹ một hơi: "Dạ thưa thầy, con ghé thăm thầy, nhờ thầy chỉ bảo dùm chuyện học của thằng Hai Thiện nhà con. Dạo này nó lơ là học hành quá thầy ơi".
Thầy Đinh gật gù, vẻ mặt trầm tư: "Ừ, chuyện học của con cái là quan trọng. Mà Hai Thiện nhà con vốn sáng dạ, có lẽ do thời gian qua chưa tìm được
thầy giỏi."
Bà Cả cúi đầu, giọng trầm buồn: "Dạ, thầy nói đúng. Con cũng lo lắm, nên hôm nay con đến nhờ thầy một chuyện."
Thầy Đinh tiếp lời: "Con cứ nói, thầy nghe đây."
Bà Cả ngập ngừng một chút, rồi thẳng thắn bày tỏ: "Con nghe người ta cứ nói về con trai của thầy miết, thông minh hơn người lại hiền lương nhân nghĩa. Con mong Bá An có thể đến nhà dạy kèm cho Hai Thiện, chắc chắn nó sẽ học hỏi được nhiều điều."
Thầy Đinh suy nghĩ một lát: "An nhà thầy từ nhỏ đã ham học, cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Nhưng mà con biết đó, nó cũng bận rộn với việc học của mình."
Bà Cả nài nỉ hết lòng: "Thầy ơi, con biết thầy thương con như con ruột, xin thầy giúp đỡ. Con không biết trông cậy vào ai khác."
Thầy Đinh gật đầu chậm rãi: "Thôi được, để thầy nói chuyện với An xem sao. Nếu nó đồng ý, thì thầy sẽ cho nó qua nhà con dạy kèm cậu hai Thiện."
Bà Cả mỉm cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng: "Con cám ơn thầy. Nếu Bá An có thể giúp đỡ Hai Thiện, thì con yên tâm lắm."
Bà Cả đứng dậy, cúi đầu chào thầy Đinh một cách kính cẩn: "Con cảm ơn thầy nhiều lắm. Con xin phép về trước, khi nào thầy sắp xếp được thì cho con hay."
Thầy Đinh đưa bà Cả ra tới cổng: "Hôm nay con ghé nhưng không có bà nhà với thằng An ra tiếp, hai người sang làng bên thăm con Bình từ sáng sớm rồi."
Bà Cả dạ thưa rồi nhẹ nhàng bước lên xe rời làng.
Chiều hôm ấy, ánh nắng vàng nhẹ nhàng trải dài trên con đường đất đỏ, chiếc xe của bà Cả dần khuất xa giữa những tán cây rợp bóng. Thầy Đinh đứng yên lặng nơi đó, ánh mắt vẫn dõi theo hướng đi của chiếc xe dù chỉ còn là một chấm nhỏ nơi chân trời. Gió nhẹ thổi qua, mang theo hương sen đầu mùa, nhưng lòng ông lại chẳng cảm nhận được chút an yên nào. Thầy vừa gặp lại người học trò cũ, người mà thầy đã từng dành biết bao tâm huyết để dạy dỗ, giờ đây đã trở thành bà Cả quyền uy của nhà ông Hội đồng Vĩnh.
Trong khoảnh khắc ấy, một niềm vui nhẹ nhàng dâng lên trong lòng Thầy Đinh, nhưng đồng thời, một nỗi lo cũng len lỏi vào tâm trí ông. Thầy nhớ lại lời hứa với bà Cả, lời hứa sẽ để Bá An theo chân bà về Tân Phú để dạy tiếng Pháp cho cậu Dương Thiện, cậu Hai của nhà họ Vĩnh. Thầy biết rằng lời hứa ấy đã được thốt ra, nhưng cũng không thể ngăn cản được sự lo lắng đang gặm nhấm tâm can.
Bá An, đứa con trai duy nhất mà Thầy Đinh đã dồn hết tình thương yêu và sự chăm sóc. Bá An lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, nhưng nay lại phải rời xa mái nhà thân quen, rời xa những gì đã trở thành máu thịt của cậu. Một dự cảm chẳng lành thoáng qua, như một cơn gió lạnh lùa vào trong lòng ông. Thầy Đinh biết rằng dinh thự của ông Hội đồng là một nơi không đơn giản, nơi đó không chỉ có sự hào nhoáng, mà còn đầy rẫy những toan tính và mưu mô. Ông sợ rằng Bá An, với tâm hồn trong sáng và lương thiện, sẽ không thể chống chọi được với những cạm bẫy nơi ấy.
Thầy đứng đó, nhìn theo bóng xe đã xa khuất, trái tim lẫn lộn giữa niềm vui khi thấy đứa con trai mình trưởng thành, nhưng đồng thời cũng đầy bất an. Thầy chỉ biết cầu mong sao cho Bá An, đứa con mà ông hết mực yêu thương, có thể sống một đời bình an và hạnh phúc, dù phải rời xa mái ấm quen thuộc, bước vào một cuộc sống mới đầy phức tạp và khó lường. Trong ánh chiều tàn dần, Thầy Đinh lặng lẽ quay lưng, lòng nặng trĩu những suy tư về tương lai của đứa con trai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top