Nhất.

Bắc Kinh, tháng 3 năm 1911.

Biên Thế Khải chào đón tôi bằng một cái bắt tay đầy lịch thiệp. Bộ mặt trầm tĩnh và đạo mạo đó, ông ta đã đeo đến hơn chục năm, có lẽ là đã đeo đến nghiện rồi. Trừ bỏ lớp mặt nạ đó ra, ông ta là Tổng lý nội các (*) trăm mưu ngàn kế của Long Dụ thái hậu. Đôi bàn tay này, có gì là ông ta chưa từng làm?

"Phác Đại soái, đã lâu không gặp."

"Đã lâu không gặp, Biên Tổng thống."

Biên Thế Khải cười lớn, vỗ vai tôi ra chiều vô cùng hài lòng.

Ngoài thân phận là một quân cờ dưới bàn tay của Biên Thế Khải, tôi còn sắm vai một kẻ đào hoa có số có má. Con đường từ trong thư phòng ra đến cổng phủ còn phải băng qua một hoa viên, quả thật có chút khoa trương. Bất quá, hoa viên của Biên đại nhân phải nói vô cùng rộng lớn, đúng là khiến người ta mở mang tầm mắt. Trong đầu tôi bất chợt loé lên một ý nghĩ to gan lớn mật, hoa viên này so với ngự hoa viên trong Tử Cấm Thành, có lẽ cũng một chín một mười.

Tháng 3 mùa xuân, hoa đào ở Bắc Kinh đương mùa nở rộ, lấp lánh và tuyệt trần.

Tôi thích ngắm nhìn em như vậy.

Em mỏng manh như sương sớm và ngọt ngào như nắng mai. Một tạo vật tuyệt đẹp đến vô thực. Đôi lúc, tôi còn có ảo giác em được tạo nên từ bàn tay điêu luyện của Chúa, bằng thứ pha lê tinh xảo khó mà chạm tới được. Em cao cao tại thượng, và phải chăng em nhìn cuộc đời này cũng bằng một cách kiêu ngạo như thế?

Ngày ấy, tôi thường nhìn thấy em dịu dàng và nhỏ bé, khoác trên mình bộ trường bào trắng tinh, ngồi lặng im trong viên trang, trên đùi là một quyển sách dày cộp. Con mèo béo xù màu xám xanh quanh quẩn bên chân em, thấy vậy, em khẽ khàng bỏ quyển sách xuống và bế nó lên lòng, dịu dàng vuốt ve cho đến khi con vật lim dim đôi mắt màu hổ phách và chìm vào giấc ngủ. Em chẳng mấy khi nói, cũng chẳng mấy khi cười, nhưng tôi lại thấy em đáng yêu đến kì lạ.

"Lan Nhi, đuổi gã quân nhân đó đi."

Ồ, có vẻ em không thích sự hiện diện của tôi mất rồi.

* * *

Bắc Kinh, tháng 10 năm 1911.

Tiết trời vào thu. Lá phong đỏ rực nhuộm kín cả một dãy phố. Bấy giờ đã là xế chiều, trời chạng vạng tối. Tôi vẫn đóng một bộ quân trang màu xám đậm như thường lệ, trên tay là quả táo mới mua lúc tạt qua sạp hoa quả của chú Lý. Tiếng xe ngựa lạch cạch hoà cùng tiếng người xôn xao và hỗn tạp, ánh đèn điện của Tây Dương treo lủng lẳng sáng trưng như mặt trời lỡ bỏ quên một tia nắng.

Khởi nghĩa Vũ Xương thành công rực rỡ, trở thành bàn đạp cho giai cấp tư sản trong quá trình lật đổ triều đình Mãn Thanh. Biên Thế Khải đương là Tổng lý nội các nhưng cũng không vội. Ông ta ngồi trên chiếc ghế chạm trổ long phụng truyền thống, nhẹ nhàng nhấp một tách trà, nói rằng Tôn Trung Sơn sắp nổi dậy, thời khắc của ta cũng sắp đến rồi.

Lúc tôi vừa bước ra đến cửa, trời đất liền nổi cơn giông, một tia sét đánh rạch ngang bầu trời, tiếp theo đó là sấm, và rồi là mưa.

Mưa dữ dội và nặng hạt, giống như đáy lòng ai đang nổi sóng. Biên Thế Khải đặt tách trà sang một bên, gọi người hầu, bảo họ sắp xếp chỗ nghỉ cho Phác đại nhân.

Phòng ngủ cách thư phòng một quãng khá dài. A hoàn một tay cầm chiếc đèn bão, một tay cầm ô dẫn tôi đi. Thế nhưng ngay vừa lúc mời tôi vào trong, cô ta bỗng hớt hải chạy ra ngoài trời mưa tầm tã.

"Thiếu gia, xin hãy về nghỉ đi. Mưa rất to, thiếu gia!"

Bóng người nhỏ bé chật vật dưới cơn mưa. Em ướt đẫm, chiếc trường bào mỏng tang như dính vào da thịt, ôm lấy dáng vẻ gầy yếu của em. Vẻ mặt em biểu lộ sự hốt hoảng đến cực độ, lao vào những lùm cây như muốn kiếm tìm cái gì.

"Thiếu gia, đừng tìm nữa, Lan Nhi sẽ cho người đi tìm A Viên. Mưa rất to, có lẽ nó đã trốn vào một góc nào đó rồi."

"Cút!"

Em hét lên, lạc cả giọng. Ngón tay thon dài của em chỉ vào mặt a hoàn một cách vô cùng giận dữ. Rồi lại điên cuồng chạy khắp các ngóc ngách.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy em mất bình tĩnh đến như vậy. Với lấy cái ô rồi mở ra, tôi từ từ bước đến chỗ a hoàn đang lúng túng.

"Lui đi, chỗ này để ta được rồi."

Tôi cầm ô che cho em. Em ngồi thụp xuống đất, run run cả bờ vai gầy, vẻ mặt đầy bất lực thấm đẫm nước, không biết là mưa hay là nước mắt. Tôi lẳng lặng bế em về phòng ngủ của mình, thay cho em một bộ quần áo mới, tinh tươm và sạch sẽ. Em ngoan ngoãn đến kì lạ.

Đêm hôm ấy, tôi chẳng thể nào ngủ được. Tôi tìm thấy A Viên. Nó nằm ở tít sâu trong một khóm hồng nhỏ, đã sớm không còn hơi thở nữa rồi. Con mèo ấy đã già, muốn tìm một nơi để ra đi thanh thản không vướng bận. Em có lẽ cũng biết trước điều ấy, chẳng trách lại cuống lên như thế.

Tôi ngắm nhìn lồng ngực em phập phồng từng tiếng thở đều đều, thanh thản và dịu ngoan. Mái tóc được tôi lau khô nhưng vẫn còn vương chút nước, dính lên vầng trán sáng sủa. Tôi chợt nghĩ, chà, có phải chúa đã gửi xuống cuộc đời tôi một thiên thần hay không?

Sau một đêm mưa như trút nước, mặt trời đã kịp lên cao từ sớm, trời quang mây tạnh. Em vùng tỉnh dậy, câu đầu tiên khi em nhìn thấy tôi lại là một câu hỏi như thế này:

"A Viên đâu?"

Tôi không nói gì, dẫn em ra chỗ lùm đất sau vườn. Em ngồi xuống, mân mê mảnh đất tơi xốp được nước mưa thấm đẫm. Tôi vuốt nhẹ bờ vai em, sửa soạn quần áo chuẩn bị hồi phủ.

"Đợi đã."

Ồ, đó chẳng phải là giọng nói trong trẻo của em sao?

Dường như cơn mưa ngày hôm qua đã gột rửa đi phần nào những bụi bặm của phố phường. Bách tính vẫn tiếp tục cuộc sống buôn bán thường ngày, khuôn mặt ai nấy đều hân hoan, ngập tràn niềm hy vọng thoát khỏi xiềng xích của chế độ phong kiến. Trẻ con chạy đùa vui nghịch ngợm, áo quần rách rưới, khác hẳn với bộ trường bào trắng tinh vị Biên công tử khoác trên mình. Tôi nắm lấy bàn tay em, một bàn tay thon dài và đẹp đẽ, có lẽ được di truyền từ người mẹ quý tộc Mãn quá cố. Bỗng chợt, em khựng lại trước gian hồ lô của dì Mẫn, đôi mắt chăm chăm nhìn vào từng xiên hồ lô đỏ mọng.

Tôi mỉm cười, Biên công tử cao cao tại thượng đây  cũng thích kẹo hồ lô. Thì ra trẻ con đứa nào cũng như nhau.

Tôi dắt em về trước phủ Biên gia, trên tay em vẫn còn xiên hồ lô đang ăn dở. Có lẽ em đang mải mê với thứ quà chua chua ngọt ngọt ấy hơn là tôi.

"Biên công tử đã hồi phủ bình an, Phác mỗ xin cáo lui."

"Biên Bá Hiền. Gọi tôi là Biên Bá Hiền."

Em nhìn thẳng vào mắt tôi. Đôi mắt hẹp dài hơi rủ xuống, trông thật hiền lành và khả ái. Em ngập ngừng một lúc, sau đó lí nhí một câu rồi bỏ vào.

Tôi nghe thấy Biên Bá Hiền nói, "Hồ lô rất ngon."

* * *

Nam Kinh tháng 12 năm 1911, Quốc dân đại hội tuyên bố thành lập Trung Hoa dân quốc, Tôn Trung Sơn đứng đầu Chính phủ lâm thời. Biên Thế Khải được tin, lợi dụng việc các nước đế quốc không công nhận chính phủ của tân Đại Tổng thống, huy động toàn bộ thế lực của mình tấn công vào chính quyền mới.

Ông ta tạo nên một cuộc nội chiến hỗn loạn, quyết tâm đoạt lấy chiếc ngai vàng này.

Những ngày đó, tôi thấy mái đầu ông bạc trắng đến hơn nửa, rất dễ nổi cáu, rất dễ nóng giận. Tính nết vốn giấu kĩ dưới lớp mặt nạ đạo mạo bao năm qua dần dần lộ rõ. Trong một lần tiệc rượu, tôi nghe Biên Thế Khải nói đùa như thế này.

"Biên gia xưa nay đều là những bậc đại trượng phu. Bản quan đây cũng đã từng thao túng cả Thanh triều, con cháu nhà họ Biên ắt hẳn phải kế thừa chút ít."

Ông ta cười cười nói nói, ra chiều tự hào lắm. Chợt như nhớ ra điều gì đó, Thế Khải cười phá lên, vỗ vai tôi một cách xuề xoà thô tục.

"Bá Hiền da tề thịt nộn, Phác Đại soái có ưng ý không?"

"Mẹ kiếp. Lão già thối." Trong đầu tôi phải thốt ra một câu chửi thề như thế.

Đêm muộn hôm ấy lúc ra về, tôi lại bắt gặp em ngoài đình viện. Tuyết rơi phủ trắng cả lối đi, rét mướt đến cắt da cắt thịt, thế nhưng trên người em chỉ mặc độc một chiếc áo mỏng. Làn da trắng tinh của em như trở nên trong suốt hoà vào làm một với tuyết, chỉ có chóp mũi là đỏ au. Tôi vội cởi áo định choàng thêm cho em, nhưng Bá Hiền có vẻ giật mình, có ý muốn trốn tránh. Tôi cho rằng sau lần dắt em trốn ra ngoài chơi ấy, chúng tôi vốn đã có thể thân thiết thêm một chút, thế nhưng dáng vẻ em bây giờ chẳng khác nào con mèo sợ hãi trước kẻ xa lạ.

"Muộn rồi, sao em còn chưa ngủ?"

Bá Hiền không đáp lại câu hỏi của tôi, chỉ cúi gằm mặt xuống định bỏ đi. Tôi nắm lấy cổ tay em kéo lại, tay em lạnh ngắt như người chết. Nâng cằm em nhìn cho rõ, lại thấy má trái em đỏ bừng, vẫn còn ịn lên dấu bàn tay của người lớn. Đáy lòng tôi nổi lên một cơn giận dữ, trong giọng nói không biết là chứa bao nhiêu phần lo lắng, bao nhiêu phần uy nạt.

"Ai?"

Em im thin thít, sợ hãi và run rẩy. Tôi ôm chầm lấy Bá Hiền vào lòng, vỗ về từng tiếng lên tấm lưng trơ xương của em. Ngay lúc đấy tôi chỉ ước, giá như tôi có thể ban cho em một đôi cánh, để em có thể cao chạy xa bay, thoát khỏi bốn bức tường lạnh lẽo này.

Mấy tháng sau, Biên Thế Khải phái tôi đi chỉ huy, cùng mấy chục võ tướng tiến vào Tử Cấm Thành, ép Ái Tân Giác La Phổ Nghi phải thoái vị. Ngày 12 tháng 2 năm 1912, triều đình Mãn Thanh chính thức sụp đổ. Tôn Trung Sơn theo thoả thuận buộc phải từ chức, mọi quyền lực thuộc về tay Biên Thế Khải.

Hoa đào lại nở bung những cánh hoa lấp lánh và tuyệt trần, ngày hôm ấy, cả Biên phủ đều rộn rã nói cười, trong nhà ngoài sân tấp nập. Y phục Tây Tàu lẫn lộn và lố lăng. Kẻ để đuôi sam, kẻ lại cắt tỉa gọn gàng. Tiếng người bàn tán, tiếng người xôn xao. Tiếng những ly vang đỏ lâu năm đắt tiền của Tây Dương cụng vào nhau lảnh lót.

Nhưng vẫn như mọi ngày thôi, Biên Bá Hiền chẳng nói cũng chẳng cười, cố gắng lảng tránh cái nơi ồn ào huyên náo đó càng xa càng tốt. Em cô độc và nhỏ bé, gợi cho người ta cái cảm giác rằng em chỉ là một đứa nhỏ chẳng may lạc đường vào phủ Biên gia, rằng nơi đây chỉ là một nơi xa lạ nào đó, chứ đâu phải là nhà em vậy.

Tôi khoác lên vai em chiếc áo măng tô màu xám đậm. Trời tuy đã vào xuân, nhưng gió vẫn thổi từng cơn rét lạnh, còn em thì mặc mỏng quá. Mẹ kiếp, lũ hạ nhân ở đây không coi em ra cái gì hay sao.

"Đứng dậy nào, tôi đưa em đi."

Bá Hiền nhìn tôi, đôi mắt trong veo mang vẻ hoang mang và khó hiểu. Tôi cũng chẳng nói gì thêm, đưa cho em một xiên hồ lô, dắt tay em lên chiếc ô tô màu đen đỗ trước cổng. Chúng tôi cứ thế đi, nhẹ nhàng và thản nhiên, giống như tôi chỉ đang đưa em đi chơi thôi vậy. Thậm chí, ngay cả chính em cũng không biết được rằng đó là lần cuối em từ biệt căn nhà đó.

Nhưng có lẽ, em cũng chẳng bận tâm.

Ngày 10 tháng 3 năm 1912, Biên Thế Khải nhậm chức Đại Tổng thống của Trung Hoa Dân quốc. Trời mưa to. Hoa đào ở Bắc Kinh vẫn nở.

* * *

Tôi lái xe một mạch xuống Giang Tô, dừng chân ở Dương Châu. Đưa em đi thật xa, thật xa khỏi lão già thối tha đó, kẻ mà lâu nay em vẫn cung kính gọi một tiếng cha. Hoa đào ở đây đẹp hơn bao giờ hết, Biên Bá Hiền nâng niu một cánh hoa trên tay, thích chí nở nụ cười. Đôi mắt nhỏ cong cong đầy vui vẻ, so với hoa còn ngọt ngào hơn rất nhiều.

Bá Hiền vẫn thích ăn kẹo hồ lô. Mỗi buổi chiều sau khi tan trường, tôi đều đón Biên Bá Hiền, trên tay vẫn là một cây hồ lô đỏ mọng, sau bao năm luôn thuỷ chung và son sắt như thế. Dần dần, tôi để ý em rất khéo tay, đồ ăn trong nhà đa phần đều do tự tay em làm, dì giúp việc cũng đỡ đi được phần nào. Đến tối, tôi ở thư phòng đọc sách, Bá Hiền lặng im học bài, mỗi người một việc, không vướng bận.

Có một lần trong lúc ăn cơm, Bá Hiền hỏi tôi:

"Phác Đại soái không phải thích tôi đó chứ?"

Tôi dừng đũa, ngẩng mặt lên nhìn em, sau đó chỉ trầm giọng.

"Trẻ con, biết gì mà nói."

"Đại soái tại sao ngày ấy lại đưa tôi đi vậy? Là... động lòng trước nhan sắc của tôi sao?"

Bá Hiền hỏi, đôi mắt tràn ngập ý cười. Thấy tôi không có ý đáp lại, em tiếp tục kể.

"Mẹ tôi đoản mệnh, lại không phải đứa con yêu thích của ông ta. Sống trong cả một đại gia tộc lại bị người ta hắt hủi, huynh đệ khi dễ, chỉ có ngài là sẵn lòng đưa một bàn tay về phía tôi."

Em đứng dậy, cầm lấy cặp sách chuẩn bị đi học. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đổ mưa to, liền nhắc em mau cầm ô. Bá Hiền thích chí cười hì hì như một con hồ ly nhỏ, bỗng lại gần thì thầm vào tai tôi một câu rồi chạy biến.

"Ngài đẹp trai thật đấy."

4 giờ chiều , tôi vẫn như cũ, đều đặn đón Bá Hiền đi học về. Trời vẫn mưa không ngớt, dai dẳng chẳng chịu dừng. Em vừa đi vừa gặm táo, trong họng ngân nga một bài hát trầm bổng mà tôi chẳng biết tên. Bỗng chợt, em đứng lại, nhón chân đặt lên má tôi một nụ hôn.

Rồi em lại ung dung đi tiếp, chẳng mảy may nghĩ ngợi mình đã vô tình chạm đến góc khuất trong trái tim tôi.

Năm ấy, Bá Hiền vừa tròn 15.

———————————————————————————————————————————————
(*) Tổng lý nội các: một chức quan to dưới thời nhà Thanh, tương đương với chức thủ tướng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top