1
Gia đình đối với mọi người là gì? Là một tổ ấm, là niềm từ hào, là chỗ nương náu hay là những kí ức buồn...
Năm đó, tôi 12 tuổi và Haechan 6 tuổi. Trên con đường trắng xóa những hạt nước và mờ mịt mây đen. Mới độ năm, sáu giờ mà trời đã tắt nắng. Bóng đêm theo chân những người đi đường len lỏi vào từng con ngõ. Trời mưa rầm mưa rề và không khí cũng trở lạnh. Không phải loại cảm giác buốt ngắt như giữa đông, nó se se và khiến người ta khó chịu bởi cái lạnh ẩm ướt, mơn chớn nơi ra thịt.
Hai anh em tôi, hai ô hai áo. Hai chỏm vàng sáng chói lật đật đi vào trong ngõ phố của những khu dân cư. Haechan đi được vài bước lại lấy chân lùa nước dưới đường. Từng gợn sóng nhè nhẹ làm rung rinh ánh đèn vàng leo lắt, nhập nhoạng hòa vào trong bóng nước mờ mịt.
Hễ cứ thấy vũng nước nào, em lại nghịch ngợm dẫm thật mạnh vào chúng. Nước và bùn bắn tứ tung, phủ kín cả viền áo mưa bằng những đốm tròn lấm chấm nâu.
Tôi vội kéo em ra khỏi vũng nước và bắt đầu nghĩ về khuôn mặt của baba khi nhìn thấy bộ dạng lấm lem này của Haechan.
Còn em thì vô tư lắm, thấy trò hay là làm, tìm được đồ lạ là nghịch. Nhưng baba chẳng bao giờ quát mắng Haechan vì sự năng động quá mức này của em cả. Baba luôn nhẹ nhàng và yêu thương hai anh em chúng tôi hết mực. Không chỉ có baba, mà daddy cũng vậy. Họ đối với tôi là tượng đài vĩnh cửu, là chỗ dựa vững chắc và mãi mãi là niềm tự hào của tôi.
Tôi thường hay kể về gia đình của mình với bạn bè. Chúng nó vì vậy cũng bắt đầu thấy nhàm và kêu ca về việc tôi hay nói dài nói dai về chủ đề gia đình, cái chủ đề mà mấy đứa nhỏ 12 tuổi như tôi chẳng bao giờ có hứng thú. Daddy yêu baba như thế nào này, mỗi sáng baba thường nấu gì cho tôi ăn, daddy cùng với nụ hôn chúc ngủ ngon mỗi tối, hay baba và những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi tôi đạt điểm cao. Tôi kể hết.
Đôi khi mấy đứa cũng ganh đua nói ba mẹ tụi nó còn làm nhiều hơn thế nữa và yêu thương tụi nó nhiều hơn thế nữa. Tôi có cãi lại chứ. Chúng nó đã đụng đến niềm tự hào mà tôi luôn tôn thờ bấy lâu nay cơ mà. Cho đến giờ, khi nghĩ lại vẫn thấy thật đáng xấu hổ. Nhớ lại những lý lẽ mà mấy đứa con nít dùng để tranh luận với nhau nghe đến ngộ, nhưng thực ra cũng khá đúng.
Tôi nhớ có một câu được nói ra từ một đứa trẻ mà bố mẹ cậu ta đã ly dị trong nhiều năm:
_ Rồi một trong hai người họ sẽ rời khỏi nhà thôi.
Tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu nôm na được câu nói đó, nhưng đủ nhận thức để chú ý tới nét mặt của các giáo viên xung quanh. Họ nhìn nhau một cách đầy gượng gạo, ai cũng chết lặng trước câu nói của cậu bé đó. Một người trong số họ chạy tới phía cậu mà thảng thốt
_ Sao em lại nói như vậy?
Những người còn lại, người lẳng lặng rời đi, người lại dùng ánh mắt thương cảm nhìn cậu bé kia. Tôi khi đó không hiểu tại sao họ lại phản ứng như vậy. Và cho đến tận vài năm sau đó tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Tại sao ba hoặc mẹ phải rời khỏi nhà? Họ không thể sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi hay sao? Và ngày hôm đó, tôi đã biết không có thứ gì gọi là mãi mãi. Và gia đình hạnh phúc của tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi và Haechan lững thững đi trên con ngõ nhỏ lập lòe ánh sáng đèn đường. Trời mưa ngày một dày nên hai anh em tôi cũng nhanh chân hơn để mau về tới nhà. Haechan sợ sấm lắm, nhưng em ấy lại rất cứng đầu. Sợ đến mấy cũng không run không khóc, im thin thít mà đi thẳng một mạch. Tôi liền bật cười, vừa thương lại vừa thấy đáng yêu.
Cái tính ương ngạnh này của em cũng là lý do dẫn tới vô vàn những rắc rối trong trường mà baba không kịp trở tay. Tuy mới vào lớp một nhưng có khi danh tiếng của Haechan đã vang xa toàn trường rồi cũng nên. Hội nào băng nào em nó cũng biết. Chính vì vậy mà mới đầu cấp nhưng baba đã phải lên trường uống trà với thầy hiệu trường ba, bốn lần. Đánh nhau có, làm hỏng đồ có, cái gì cũng có mặt của Haechan, chiến tích đủ cả.
Baba cũng bực lắm, mà daddy ngăn mãi nên baba không dám đánh. Hai má Haechan những lúc như vậy luôn chảy xuống sát đến tận cằm, trông không khác gì một chiếc bánh bao úng nước. Và bây giờ cũng vậy.
Trời đã bắt đầu nổi giông. Mưa ngày càng nặng hạt. Và thật may thay chúng tôi vừa kịp về tới nhà. Tôi đã chuẩn bị sẵn trong đầu rất nhiều câu hỏi để trách móc baba rằng tại sao không đón hai anh em tôi trước ngõ như mọi ngày.
Mỗi khi chúng tôi tan học, baba sẽ đứng chờ sẵn ở bến xe trước ngõ và đưa chúng tôi về đến tận nhà. Vậy mà hôm nay dù trời có mưa to gió lớn đến mấy, baba không những không lo lắng mà còn không đến đón chúng tôi.
Hôm nay tôi còn định khoe với baba về việc tôi đạt hạng nhất trong cuộc thi văn nghệ ở trường. Tôi đã hí hửng từ chiều đến giờ và chưa dám khoe với ai. Tôi muốn baba là người biét đầu tiên. Vậy mà...
Khoảnh khắc mà tôi bước vào cổng là khi cơn giận dữ của một đứa trẻ mười hai tuổi vừa hay có nhận thức chín chắn bắt đầu trỗi dậy.
Sao hôm nay lạ thế nhỉ? Daddy hôm nay về sớm quá! Xe của daddy đã ở trong sân, nhưng điện xung quanh nhà vẫn tắt ngấm. Sân vườn tối om, chỉ có duy nhất phòng khách sáng đèn.
Rapuchan đột nhiên bị nhốt bên ngoài. Nó đi cứ loanh quanh trước cửa rồi sủa lên inh ỏi. Sấm nổ đùng đoàng, thêm tiếng kêu của Rapuchan làm cho khung cảnh trước nhà vô cùng hỗn loạn.
Khi ấy, dường như tôi không còn cảm thấy tức giận gì nữa mà thay vào đó là có chút lo lắng, bất an. Tôi dắt Haechan vào trong nhà, em cũng thấy điều gì đó là lạ mà nhanh nhảu lên tiếng
_ Sao baba không bật điện sân lên nhỉ?
Tôi không đáp lại, chỉ lẳng lặng giúp em cởi áo mưa rồi cụp ô để gọn trong một góc hiên nhà.
Haechan vẫn loay hoay cởi đôi ủng quá khổ ra khỏi chân, còn tôi đã xong xuôi mà đi tới trước cửa.
Rapuchan nhìn thấy liền vẫy đuôi mà luống cuống chạy quanh chân tôi. Nhưng sau đó, nó lại hướng vào trong nhà mà tiếp tục sủa to hơn.
Tôi xoa đầu nó rồi mới tiến lại gần. Đến lúc này, tôi mới nghe loáng thoáng được âm thanh ở bên trong.
Có lẽ... daddy và baba đang cãi nhau. Họ khá to tiếng, nhiều khi còn át cả tiếng sấm bên ngoài. Và điều khiến tôi đau lòng hơn nữa, đó chính là nội dung của cuộc cãi vã này chính là tôi.
Tôi không nghe rõ lắm, chỉ mập mờ hiểu được rằng baba ủng hộ tôi theo nghệ thuật, còn daddy lại muốn hướng tôi học kinh tế. Daddy muốn tôi có nghề nghiệp ổn định và đồng thời tiếp quản công việc của công ty gia đình. Còn baba tôi lại muốn tôi được thoải mái, tự do đi theo sở thích của mình, đi sâu vào mảng nghệ thuật.
Nhưng những chuyện này không to tát đến nỗi khiến tôi phải buồn bã. Vấn đề con cái chẳng phải gia đình nào cũng từng gặp qua rồi hay sao? Nhưng khi câu nói ấy của baba thốt ra, tôi đã biết đây không còn đơn thuần là một cuộc tranh luận, nó là dấu hiệu cho một sự đổ vỡ.
_ Anh không quan tâm ba con tôi và cũng không bao giờ hiểu chúng tôi.
Tôi còn nhớ giọng baba lúc đó đáng sợ như thế nào. Chưa khi nào tôi thấy baba giận dữ đến vậy. Baba đã gằn lên từng tiếng, từng câu từng chữ rất rõ ràng và trầm đục. Câu nói đó như xé toạc tâm trí tôi. Tôi không còn nghĩ gì thêm được nữa. Hai khóe mắt bắt đầu nóng ran và đôi bàn tay đã run lên lẩy bẩy.
_ Em nói cái gì? Tôi không quan tâm tới gia đình này sao? Tất cả những gì tôi làm đều vì ba con em.
_ Một tuần chỉ gặp mặt con một lần dù ở chung dưới một mái nhà. Hẹn đi chơi với con rồi lại hủy. Họp phụ hyunh hay các ngày lễ hội ở trường của hai đứa nhỏ luôn không có ba nó đến cùng. Ngay cả sinh nhật của con mình anh cũng quên. Anh có thể quan tâm tụi nhỏ một chút được không? Lạnh nhạt với tôi là đủ rồi.
_ Nhưng đó là tính chất công việc của anh.
_ Tính chất công việc? Vậy do tính chất công việc nên anh không đến bệnh viện khi Haechan bị sốt sao? Do tính chất công việc mà anh bỏ mặc Mark trong trường đến tối mờ tối mịt sao? Ngay cả việc... thôi khỏi. Dù sao anh cũng không quan tâm đến tôi.
Không hiểu sao lúc này tôi lại nghe rõ ràng, rành mạch đến vậy. Trong đầu tôi không còn tiếng mưa, không còn tiếng sấm, chỉ ong ong những lời cãi vã lạnh lùng, cay đắng của hai người họ.
Tức khắc, tôi liền nhớ về Haechan. Tôi vội quay về phía sau. Thật may, em vẫn đang ngồi trên thềm mà nghịch những chiếc lá phong bị gió cuốn vào trong sân. Em xếp chúng thành một hàng gồm bốn lá, miệng nhỏ ngân nga một giai điệu nào đó mà em đã biến tấu lời.
_ Đây là baba Yuta, đây là daddy Johnny, đây là anh Mark và đây là Haechan đáng yêu. Chúng ta là một gia đình hạnh phúc. Một ngôi nhà có hai gấu ba, gấu nhỏ và gấu lớn.
Em còn gọi Rapuchan đến chơi cùng, hồn nhiên kể cho nó nghe về câu chuyện gia đình nhà gấu mà em vừa nghe được ở trường, lấy từng chiếc lá ra làm nhân vật và làm cho chúng chuyển động như một con người thực sự.
_ Gấu ba rất yêu gấu mẹ nhé! Gấu lớn cũng rất yêu gấu nhỏ. Cả nhà gấu đều thương nhau. Biết gì không Rapuchan? Tuy nhà mình không có gấu mẹ, nhưng lại có hai gấu ba. Vẫn vui mà đúng không?
Em vẫn bi bô kể, vô tư và ngây thơ như những đứa trẻ lên sáu khác. Tiếng sấm vẫn gầm gừ bao trọn lấy không gian. Sau cánh cửa kia daddy và baba vẫn tiếp tục cãi vã. Trong mắt tôi khi ấy, chỉ còn duy nhất một đốm sáng nhỏ giữa thế giới toàn đêm đen và sương lạnh này, là Haechan. Chỉ còn duy nhất một người cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn trong ngôi nhà này, là Haechan.
Từ đó, tôi dần nhận ra: có khi, tất cả những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ tôi chỉ là vỏ bọc bao lấy hiện thực đau khổ của một cuộc hôn nhân đã tan vỡ từ lâu, của một mái ấm đã sụp đổ từ khi nào mà hai người họ đang cố gắng chống đỡ.
Tôi muốn khóc lắm, nhưng không hiểu sao lại không thể khóc nổi. Bao nhiêu nỗi tủi hờn nghẹn ứ trong cổ họng. Tôi định đẩy cửa mà xông vào bên trong ngay lập tức. Tôi muốn nhìn rõ cái cốt cái lõi của gia đình này, cuối cùng nó đã mục ruỗng đến mức nào, hư hỏng ra sao. Hay có thể chỉ còn một cái vỏ rỗng tuếch, tôi vẫn muốn thấy.
Nhưng rồi tôi nhớ đến Haechan, em còn đang vui vẻ, em còn đang hạnh phúc. Daddy và baba đã cố gắng giữ, tại sao mình lại phá bỏ? Vậy là tôi đã gõ cửa, từng đợt, từng đợt thật chậm rãi, sau đó cố nén lại những tiếng nấc mà nghẹn ngào nói vọng vào trong:
_ Daddy, baba chúng con về rồi nè!
Quả nhiên, bên trong nhà bỗng im lặng mất vài phút. Tôi không còn nghe thấy ai nói gì nữa. Hai cái bóng phản chiếu trên cửa sổ cũng không còn cử động. Tôi biết họ đang rất bất ngờ và đang thu xếp mọi thứ sao cho ổn thỏa trong mắt chúng tôi. Lại một cái bao hoàn hảo khác được trùm lên. Người lớn luôn vậy. Họ nghĩ trẻ em ngây thơ, và chỉ cần may ẩu vá vội một miếng vải tạm bợ lên lỗ thủng trên áo thì chúng sẽ nghĩ đó là chiếc áo lành lặn. Nhưng người lớn đâu biết rằng họ cũng rất vụng, mảnh vải không đủ lớn để che kín vết rách ấy.
Baba mở cửa và bước ra. Hai khóe mắt ba đỏ lựng và long lanh toàn nước. Có lẽ ba chưa lau kĩ thì phải? Trên gò má kia vẫn còn chằng chịt những vệt nước khô, loang loáng kéo dài xuống tới cằm. Baba cũng thật biết cách diễn, vẫn nở một nụ cười thật tươi và dùng giọng điệu ấm áp mà ân cần hỏi han
_ Hai con về rồi hả? Có ướt nhiều lắm không?
Baba xoa đầu tôi và phủi hết những giọt nước mưa còn lấm tấm đọng lại trên áo. Tiện tay lấy chiếc khăn vắc trên chiếc giá gần đó, rồi dùng hai tay áp vào má tôi, baba mỉm cười.
_ Con có lạnh không? Mình vào trong nhà nhé!
Thực sự khi ấy tôi rất muốn khóc. Hơi ấm từ lòng bàn tay baba khiến hai má tôi ấm dần lên và khóe mắt tôi cũng vậy. Tôi cảm tưởng như màng nước trong mắt tôi sắp vỡ ra rồi. Tôi không muốn baba nhìn thấy tôi khóc, càng không muốn baba biết tôi đã nghe hết những gì hai người đã to tiếng với nhau vài phút trước.
Baba vẫn nhìn tôi, nhưng hàng mi chợt rũ xuống. Tôi đã nhìn thoáng qua đâu đó nét buồn trong con mắt đỏ ngàu nổi đầy mạch máu kia. Chỉ vài giây thôi.
_ Mình vào trong thôi!
Rồi baba hướng ra thềm mà gọi tới Haechan
_ Haechan à! Vào nhà thôi con. Ngoài đó lạnh lắm đấy! Con không sợ sấm sao?
Và baba quay sang tôi, nhẹ nhàng nói tiếp:
_ Con ngồi cạnh máy sưởi một chút rồi hẵng đi tắm nhé! Baba phải thay quần áo cho em con cái đã.
Tôi cũng chỉ biết nghe lời mà lững thững ngồi vào chiếc ghế gỗ ở đó. Haechan từ ngoài thềm cũng hớt hải chạy vào trong nhà. Em ôm chầm lấy baba, dùng hay cánh tay ngắn tũn của mình mà choàng vào cổ người đối diện. Baba ngồi thụp xuống, rồi để em ngồi lên đùi mình và cởi bỏ chiếc ba lô đã ướt đẫm cái nắp phía trên. Baba vừa làm vừa trách yêu
_ Con che ô kiểu gì mà để ướt hết cặp thế này?
_ Tại nước mưa từ ô của anh Mark chảy xuống cặp con ấy chứ.
_ Con nhìn xem, gấu áo khoắc lại bị bẩn rồi. Baba bảo con không được nghịch nước mưa trên đường rồi mà.
_ Xe mấy bạn đi tạt qua đó baba
_ Cái miệng nhỏ của con đó. Chỉ biết nói dóc thôi.
_ Baba không tin con sao?
_ Ba sao dám tin.
Rồi Haechan cứ thế mà vác cái mặt phụng phịu đi vào trong nhà tắm. Baba sau khi xếp gọn đôi ủng của hai anh em chúng tôi gọn lại một góc cũng vội vàng chạy theo.
_ Giận baba rồi hả?
Cảnh tượng trước mắt là hiện thực, nhưng sao khi ấy tôi thấy nó giả tạo quá. Tất cả mọi thứ đều mung lung, hệt như vừa choàng tỉnh giấc sau một giấc mơ đẹp và não bộ của tôi đang tua lại toàn bộ giấc mơ ấy một cách chân thực nhất. Đồ vật là thật, hành động là thật, nhưng cảm xúc là giả.
Đến lúc này tôi mới kịp để ý đến daddy. Ông ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế sô pha giữa phòng, quay lưng về phía tôi và không nhìn tôi lấy một lần. Khi ấy tôi nghĩ ông vô tâm, nhưng giờ nhớ lại mới hiểu có lẽ ông không dám đối diện với tôi. Ông đang né tránh chứ không phải không để tâm tới. Tôi đã nghe thấy tiếng daddy thở dài. Có lẽ ông đã bất lực, bất lực với chính bản thân mình.
_ Lại đây với daddy nào Mark!
Và ngay sau đó, daddy liền gọi tôi lại ngồi cạnh ông. Trong mắt tôi lúc ấy, daddy xấu xa lắm. Ông đã làm cho baba phải khóc, và với trí thông minh của một đứa trẻ 12 tuổi cũng đủ nhận thức được rằng qua cuộc cãi vã vừa rồi thì ai đúng ai sai, ai là người có lỗi. Nhưng tôi vẫn ngồi đó, chủ động tiến lại gần daddy và cùng ông xem hết một bộ phim hoạt hình. Tôi không nhớ nội dung nó là gì, chỉ thấy không khí ngột ngạt và ảm đạm đến đánh sợ đang siết lấy căn nhà này. Vẫn có âm thanh nhưng sao yên tĩnh quá!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top