LÊN THÀNH PHỐ

Ánh nắng dần ngả sang mái nhà, chiếu vào ô cửa sổ, căn phòng trở nên gọn gàng hơn, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, trông không khác ở nhà mấy, có điều chỉ 12m2, bé như này thì không thoải mái lắm, ở quê nhà nó nhỏ nhưng nó có hẳn một cái giường, nhưng vì sợ ma nên nó mới rủ rê nhỏ em ngủ chung, cũng may là hai chiếc xe đạp để ngoài cửa, nếu phải mang vào thì chẳng biết thẳng chân ra sao.

- Thôi, mẹ về, kẻo trễ xe cuối

- Dạ

- Mẹ bảo tụi bây chị em sống cho hòa thuận, giúp nhau, ở nhà hai ông bà già này tự chăm nhau được, đừng lo, khi nào cuối tuần thì về.

Phía bên đối diện, cô chú cũng lục đục ra cửa, chân xỏ dép, tay cô vịn mép tường nói vào

- Ở đây có mấy đứa mẹ cũng an tâm, mày con trai không biết nấu thì sang ăn ké tụi nó, nhớ dọn rửa phụ, hôm nào đi chợ rồi tập tành mà nấu, con trai sau này có vợ biết chút bếp núc, đừng có mì gói trứng chiên rau luộc.

Buổi chiều đó nó thấy mọi thứ dường như trôi chậm lắm, gió thổi nhẹ, từng cơn từng cơn, qua vạt áo mẹ nó, dáng lầm lũi đi ra cổng, không hề ngoái đầu, như chính nó, chỉ nhìn theo chứ không đưa thêm một đoạn, chia ly người đi kẻ ở lúc nào không nhuốm màu buồn bã, có đi thêm đoạn nữa cũng chỉ là kéo dài thêm nỗi buồn, là phải nhìn nhau rồi mỗi người kéo áo lau nước mắt người kia, nó dặn mình không bao giờ được khóc, nước mắt chỉ dành cho ngày vinh quang, như nước mắt của ngày cầm tờ giấy nhập học vậy - hình như bị đi xa quá rồi.

Chỉ phút trước ở đây rộn rã, nào là tiếng chân người rộn rịp, tiếng cọ xát, tiếng nước, tiếng nồi bát cọ nhau loảng xoảng, tiếng cười nói của nó và mọi người, tiếng anh chủ trọ chào hỏi người mới đến

- Hôm nay dọn vào hả cô, nào em nó mới nhập học?

- Ừ đi sớm một vài hôm con ạ, cho tụi nhỏ qua trường, mua thêm vài thứ cần thiết

- Phòng mới trả nên còn sạch sẽ lắm, bọn nhỏ ra trường rồi, nghĩ bốn năm mà như cơn gió!

Nó cũng mong nhanh như lời anh nói, giờ với nó đồng hồ quay càng nhanh càng tốt. Chỉ cần nhắm mắt lại và mở ra là năm năm, nó sẽ đi làm được một năm, cũng tự kiếm tiền nuôi thân được rồi, không chờ mẹ nữa, chắc bảo mẹ nghỉ làm đi, cơ mà còn hai đứa nữa, chắc không nghỉ ngay được, vậy thêm một năm là sáu năm, mọi thứ ổn rồi, mẹ cứ ở nhà, trồng vài luống rau trước sân, nhờ bác Năm đào thêm cái ao cạnh nhà nuôi cá, thế là có rau có cá qua ngày. Nó cứ miên man nghĩ, các phụ huynh bàn chuyện xôn xao, ai cũng vui vẻ, người bảo thế này, người bảo thế khác, nhưng rồi đều vui vẻ chọn được một vị trí ưng ý đôi bên.

- Phòng này anh cũng dọn sẵn rồi, nay nó không lên với tụi em à? Anh gõ gõ cửa vừa nhìn lại bạn Anh

- Dạ, nay tụi nó chưa lên, nhưng chắc mai lên á. Nó bảo xe đạp hư, đợi sửa rồi mai chạy lên.

- Cái thằng, ở đây không có chỗ sửa cơ à? Đi chung xe tải lên đây rồi ra đầu đường này sửa, chứ nữa gửi xe bus mắc lắm, chứ không lẽ chạy từ quê qua đây?

Thì ra toàn người quen không hà, cả dãy này là bạn của nó rồi. Lúc đăng kí tụi kia bảo lên thi ở Sài Gòn, trường lớn ra trường không lo việc, từ lúc thực tập trường cũng có danh sách công ty chọn rồi đi thực tập như đi học việc vậy, thể hiện cho tốt vào, người ta thấy ô kê là ký hợp đồng luôn, rồi có hẳn công việc ngon khi chưa nhận bằng nữa. Nó cũng nghe mà ham, nhưng trường đó toàn học phí cao, lại xa nhà, nó thèm đi xa cho biết nhưng mẹ nó ngăn, bảo con gái có cái nghề là được, mẹ không dám mơ mày làm ra đô hàng tháng, có việc ổn định là được rồi con, sau đó lấy chồng sinh mấy đứa cháu cho vui nhà vui cửa, bà cũng mừng khi lúc còn khỏe trông giữ cháu cho tụi mày, mấy ai sướng mà biết con à, giàu có mần chi, có khi cả ngày quần quật, rồi đêm tới chẳng yên giấc, vừa lo của, vừa lo người, như vậy giàu có còn khổ hơn thằng công nhân ba cọc ba đồng.

Nó cũng ậm ừ cho qua chuyện, chứ kỳ thực lòng nó rối. Chẳng phải nhà nó nghèo xơ nghèo xác, cái mái tôn mười năm mục rồi, dột mưa sáu tháng, cái cột cái kèo chi chít lỗ bù xè đục, rồi cả cái võng cũng không dám mắc lên cột nhà, nhỡ đung đưa nặng quá thì sập mất. Chẳng phải mẹ nó quần quật từ năm giờ sáng để gói cơm đi làm. Rồi đêm ngủ có ngon giấc, ừ cái này chắc mẹ nói đúng, ngủ ngon thật. Ngày nào tám giờ tối về tới nhà là hai đứa nhỏ đi tắm trước, mẹ và nó nấu cơm, rồi đổi ca, khi hai mẹ con tắm xong thì nồi cơm vừa bật nút, cơm nóng canh nóng xì xụp cho vào bốn cái bụng rỗng, rồi mẹ con chui vào mùng đánh giấc đến ba giờ sáng. Cái lưng nó đặt tới cái giường là con mắt hiếp mí ngay, bù cho một ngày ngồi cong lưng nhức mỏi. Nó từng hứa với cha rằng nó làm cây cột cái cho mẹ nhẹ phần nào, nó phải có học bổng, đậu đại học và quan trọng hơn là có việc lương cao để nhà nó thoát nghèo trong vài năm tới.

Nhưng cũng khá tò mò về người bạn chưa nhận phòng, không biết là ai nữa, ở lớp nó thân không nhiều, tính nó hướng nội nên ít bạn, ai ngồi gần thì nó bắt chuyện chứ cả lớp thì có khi ba năm nó chưa nói chuyện lần nào, nhưng giờ sinh viên rồi phải năng động, là sinh viên phải hoạt bát hòa đồng, phải bỏ cái tính khép nép e dè khi xưa, vậy mới mong tiến bộ, kết giao bạn bè mở rộng quan hệ, sau này đi làm cũng dễ hơn.

Chào người bạn mới, thật là mong chờ cậu biết bao!

Tối đó hai đứa hâm nồi thịt kho trứng và xắt cà chua là có bữa tối ngon lành. Nó và nhỏ bạn thảnh thơi lắm, 7h đã xong, ngồi ở cửa nhìn ra ngoài, đèn thành phố khác ở tỉnh, sáng lắm không mờ mờ như con đường đất xóm nó, nhưng có điều không thấy trăng cũng chẳng có sao, ở quê nó cứ đợi đêm là ra ngó ngoài trời, có ông sao hôm to sáng lấp lánh và chi chít nghìn ngôi sao nhỏ, thỉnh thoảng có ông sao chạy lung tung. Mẹ nó nói đó không phải sao mà là máy bay, em nó bảo đó là thiết bị đo đạc thời tiết, nó cũng chẳng biết ngôi sao đó là gì, chỉ thấy nó chạy chạy rồi mất hút.

- Ở đây buồn hé

- Ừ, buồn thiệt, thấy nhớ nhà rồi, giờ này nhà tui bốn người đang rất bận, thường tầm này mới xong việc, về nấu cơm, ăn cơm đi ngủ.

- Giờ ngoại và mẹ đang xem thời sự, con Ti quấn chân tớ đòi gãi lưng.

- Nhưng từ từ rồi quen, nghe nói mấy năm cuối bận lắm.

Nho vừa nói vừa lấy tép hồ sơ xem lại giấy tờ nhập học, bỗng bạn chép miệng

- Cái chứng minh nhân dân

- Sao vậy?

- Lúc nảy lên xe người ta xét rồi đưa mẹ, bỏ túi xách mẹ, quên lấy lại rồi sao giờ? Chắc mai về lấy

- Còn nhớ đường không?

- Nhớ, có đi lần là nhớ, có gì tớ hỏi lơ xe.

- Ừ vậy ngủ đi mai về sớm, may là lên sớm mấy ngày không là nguy rồi.

- Mai tui về cùng Nho, mai tui cũng về lấy thêm ít đồ.

Quang Anh đẩy nhẹ cửa bước vào. Nho và Quang Anh nhà ở gần nhau, Nho hay mệt vì bệnh thiếu máu nên ba mẹ Nho gửi gắm thằng cháu hàng xóm giúp đỡ từ hôm nhận tin nhập học.

- Vậy mai hai bạn về đi, có hai người cho dễ

- Không cần đâu, Nho tự đi được rồi. À mai Nam lên nhận phòng đúng không? Mai có dang lên là được.

Gì cơ? Người bạn mới nó mong chờ là Nam sao? Nghe mà choáng. Người đó thì không lạ, nghe nói đậu trường thành phố rồi, giờ qua đây làm gì, lại còn cùng trọ, phòng gần kế nữa. Nó lộn xộn mọi thứ quá, lung tung như ngôi sao nhỏ trên bầu trời đêm tỉnh.

- Nhưng Nam lên bằng xe đạp mà

- Thì hai đứa chia nhau đạp có sao

- Không được, đã bệnh còn cố, biết hơn 60km không? Đi gì mà đi. Tao méc bác tư

- Thách mấy người méc

- Mai thì biết.

Rồi cánh cửa đóng rầm lại, bên kia phòng cũng vang lại âm thanh tương tự.

- Đi ngủ, mệt

Nó bất giác choáng lần nữa, vì bạn cạch cửa quá nhanh, chốt cửa, bấm khóa tách tách, kéo nệm, mắc mùng, tắt đèn. Phòng tối đen.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nang