ChagVag1-3

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Chương 1

Cái nhìn đầu tiên

Mẹ lái xe chở tôi ra phi trường, các ô cửa xe của chúng tôi đều được hạ kính xuống hết. Hiện giờ, ở Phoenix(1) đang là 240C, bầu trời xanh ngắt không có lấy một gợn mây.

Tôi đang mặc trên người chiếc áo sơmi yêu thích - không tay và có đăngten; tôi mặc nó để chào tạm biệt nơi này. Vật "oách" nhất của tôi hiện giờ là chiếc áo paca, một loại áo da có mũ trùm đầu của người Etskimô.

Ở bán đảo Olympic - thuộc miền tây bắc tiểu bang Washington - có một thị trấn nhỏ tên là Forks, dường như lúc nào cũng nằm trong sự bao phủ của mây. Mưa ở thị trấn này lúc nào cũng nhiều hơn ở bất cứ vùng nào khác thuộc nước Mỹ. Từ cái thị trấn lạ lùng với những đám mây ảm đạm có mặt ở khắp nơi ấy, mẹ đã ra đi mang theo tôi lúc đó mới có vài tháng tuổi. Cũng chính cái thị trấn ấy, cứ mỗi mùa hè là tôi bị buộc phải về thăm và ở lại cả tháng trời; việc ấy cứ tiếp diễn cho mãi đến năm tôi mười bốn tuổi. Đó là năm cuối cùng tôi còn đặt chân đến Forks. Trong ba mùa hè vừa qua, hè nào, tôi và bố Charlie cũng đều đi nghỉ mát ở California hai tuần.

Chính là Forks đấy, mà giờ đây tôi phải tự đày đọa mình - một hành động mà tôi phải thực hiện trong sự chán nản. Tôi ghét Forks vô cùng.

Tôi yêu Phoenix. Tôi yêu mặt trời cùng cái nóng rát bỏng của nó. Tôi yêu cái thành phố sôi nổi đang ngày một mở rộng này.

- Bella - Mẹ nói với tôi lần cuối cùng sau một ngàn lần lặp đi lặp lại trước khi tôi lên máy bay - Chẳng có việc gì con phải làm như thế.

Mẹ trông giống tôi, ngoại trừ mái tóc cắt ngắn và các nếp nhăn hằn sâu mỗi khi cười. Tôi nhận ra nỗi đau quyện trong sự hốt hoảng khi nhìn sâu vào đôi mắt to, ngây thơ như trẻ con của mẹ. Làm sao tôi có thể để lại người mẹ có tính tình nông nổi, thất thường - nhưng tôi vô cùng thương yêu - mà ra đi cho được bây giờ? Dĩ nhiên là mẹ đã có dượng Phil chăm sóc, các loại hóa đơn đều được thanh toán đầy đủ, tủ lạnh luôn luôn đầy ắp thực phẩm, xe hơi của mẹ lúc nào cũng được đổ đầy xăng, và có một người thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi mỗi khi mẹ cảm thấy hụt hẫng, nhưng sao...

- Con muốn đi - Tôi nói dối. Tôi luôn luôn là kẻ nói dối rất dở, nhưng mấy lúc gần đây, câu nói dối này được tôi thốt ra thường xuyên đến độ mẹ đã gần như tin chắc chắn rằng nó là thật.

- Gửi lời chào của mẹ đến Charlie nhé.

- Vâng.

- Mẹ sẽ sớm gặp lại con thôi - Mẹ khăng khăng như vậy - Con có thể trở về nhà bất cứ khi nào con muốn. Mẹ cũng sẽ quay về nhà bất cứ khi nào con cần mẹ.

Đằng sau lời hứa ấy là cả một sự hi sinh, tôi có thể dễ dàng nhận ra điều ấy qua ánh mắt của mẹ.

- Đừng lo cho con - Tôi đáp lời mẹ một cách chắc nịch - Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Con yêu mẹ lắm, mẹ ạ.

Mẹ ôm ghì lấy tôi trong vòng tay cả phút đồng hồ, rồi sau đó, tôi bước lên máy bay, còn mẹ thì ra về.

Chuyến bay từ Phoenix đi Seattle mất bốn tiếng, tôi mất thêm một tiếng đồng hồ nữa để đáp chuyến bay lên Port Angeles(2), rồi lại thêm một tiếng đồng hồ nữa để đi xe xuống thị trấn Forks. Bay mãi như vậy, với tôi, chẳng nhằm nhò gì, thế mà một giờ đồng hồ đi xe với bố lại khiến lòng tôi nao nao.

Bố tôi là người khá dễ tính. Ông có vẻ vui mừng thật sự khi tôi đến thăm ông lần đầu tiên. Ông đã ghi danh cho tôi vào một trường trung học và hứa sẽ giúp tôi mua một chiếc xe hơi.

Trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn một điều là bố đang ngượng nghịu. Cả hai bố con tôi đều không thích nhiều lời, nhưng thật lòng mà nói, tôi cũng không biết là có phải bố con chúng tôi thuộc týp người thờ ơ với mọi thứ xung quanh không nữa. Tôi hiểu bố đã lúng túng trước quyết định của tôi - cũng giống như mẹ tôi lúc ấy, bởi vì tôi chưa khi nào che giấu sự chán ghét của mình đối với thị trấn Forks cả.

Khi máy bay của tôi đáp xuống Port Angeles, trời đang mưa. Tôi không cho rằng đó là điềm báo, mà chỉ coi là "chuyện thường ngày ở huyện". Dù sao, tôi cũng đã nói lời chào tạm biệt với mặt trời của tôi rồi.

Bố đang chờ tôi bên cạnh chiếc xe tuần tra. Đó cũng là điều tôi đang mong đợi. Bố tôi là cảnh sát trưởng Swan, được phân công công tác ở thị trấn Forks. Và cái lý do hàng đầu thúc đẩy tôi mua một chiếc xe hơi, dù đang bị "viêm màng túi" nặng, là khỏi phải "bị chở" đi lòng vòng quanh thị trấn trong cái xe hơi có gắn hệ thống đèn hai màu xanh, đỏ trên mui. Chẳng có điều gì có thể khiến cho các xe chạy chậm lại ngoài cảnh sát cả.

Sau khi rời khỏi máy bay, bước chân của tôi có phần lảo đảo, bố vội đưa một tay ra ôm lấy tôi - một cái ôm vụng về và lóng ngóng.

- Bells, bố rất vui được gặp con - Ông lên tiếng, khẽ mỉm cười khi đã đỡ được tôi - Con chẳng thay đổi gì mấy. Renée thế nào?

- Mẹ vẫn khỏe. Con cũng rất vui được gặp bố - Trước mặt bố, tôi không được phép gọi ông là Charlie.

Tôi chỉ đem theo vài chiếc túi xách. Hầu hết các bộ quần áo của bang Arizona, tôi đã nhét vào trong đó. Trước cái thời tiết giá lạnh ở bang Washington này, chúng được xếp vào hàng "tép riu". Mẹ và tôi đã chắt chiu từng thứ để bổ sung vào tủ quần áo mùa đông của tôi, thế mà giờ đây, nó vẫn không đủ. Hiện thời, tất cả quần áo, vật dụng của tôi đều đang nằm lọt thỏm trong cốp xe.

- Bố đã tìm được một chiếc xe tốt đối với con, giá cũng rẻ - Bố thông báo khi chúng tôi đã thắt dây an toàn.

- Là loại xe gì hả bố? - Tôi bỗng thấy nghi nghi cái cách nói của bố: "một chiếc xe tốt đối với con", chứ không phải là "một chiếc xe tốt cho con".

- À, ừ, thật ra thì nó là một chiếc xe tải, một chiếc Chevy.

- Bố tìm ra nó ở đâu vậy ạ?

- Con có nhớ ông Billy Black ở La Push không? - La Push là vùng đất bé tẹo, dành riêng cho người da đỏ ở bãi biển.

- Dạ không.

- Ông ấy vẫn hay đi câu cá với bố con mình suốt mùa hè ấy - Bố gợi lại cho tôi nhớ.

Vậy là tôi đã biết vì sao tôi không nhớ ra ông ta rồi. Gì chứ mấy cái chuyện vớ vẩn, buồn bực, là tôi quên hay lắm.

- Hiện giờ, ông ấy đang phải ngồi xe lăn - Thấy tôi không nói gì, bố lại tiếp tục kể - thế nên chẳng còn lái xe được nữa, và ông ấy đã chào mời bố mua lại chiếc xe tải với giá rẻ.

- Thế nó được sản xuất vào năm nào hả bố? - Hỏi xong, tôi nhận ra ngay sự thay đổi về cách trả lời trước câu hỏi mà bố không mong tôi thốt ra.

- À, ừ, ba cái chuyện máy móc thì ông Billy sửa chữa giỏi lắm, cái xe chỉ mới cách đây vài năm thôi, con ạ, thật đấy.

Tôi mong bố không nghĩ này nọ về tôi khi biết rằng tôi không chịu đầu hàng một cách dễ dàng như thế.

- Ông ấy mua xe khi nào vậy bố?

- Bố nghĩ là ông ấy đã mua chiếc xe vào năm 1984.

- Thế ông ấy có mua mới không?

- Ờ, không. Bố nghĩ là vào đầu những năm 1960 thì nó mới, mà lâu nhất thì cũng là cuối những năm 1950 thôi, con ạ - Bố bẽn lẽn thú thật.

- Ra là thế... Bố à, con thật sự không biết gì về xe cộ. Nó mà có hư hỏng gì thì con cũng đến chịu thôi, và con thì không có khả năng trả tiền cho thợ sửa chữa...

- Thật mà, Bella, thứ này chạy tốt lắm. Người ta chẳng còn sản xuất kiểu này nữa.

Thứ này, tôi thầm nghĩ... thì chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra, nhẹ nhất thì cũng là bị người ta chế giễu.

- Vậy còn rẻ là rẻ thế nào hả bố? - Cuối cùng, đây là vấn đề tôi không thể bỏ qua.

- À, ờ, con gái, bố mua nó là để tặng cho con, như một món quà mừng con trở về - Vừa nói, bố vừa liếc mắt, lén nhìn tôi, hy vọng.

Ái chà chà. Không tốn tiền.

- Bố không cần phải làm thế đâu, bố ạ. Con sẽ tự mua xe cho mình mà.

- Có gì đâu con. Bố muốn con được hạnh phúc khi ở đây - Vừa nói, bố vừa nhìn thẳng con đường ở đằng trước mặt. Chẳng bao giờ bố cảm thấy thoải mái khi phải bộc bạch cảm xúc của mình. Và tôi thừa hưởng điều đó từ bố. Tôi cũng vừa nhìn thẳng phía trước mặt, vừa trả lời.

- Thật tuyệt, bố ạ. Con cảm ơn bố. Con rất cảm động - Tất nhiên tôi chẳng thể nói thêm được rằng mình đang cảm thấy hạnh phúc khi ở thị trấn Forks này. Bố không cần phải chịu đựng như tôi. Và tôi cũng cố không biểu lộ cảm xúc gì về cái xe - hay cái động cơ miễn phí ấy.

- Ừm, giờ thì... con cứ tự nhiên - Bố lầm bầm, lúng túng trước lời cảm ơn của tôi.

Hai bố con tôi trao đổi với nhau thêm một chút nữa về thời tiết ẩm ướt, xem ra, chúng tôi cũng chỉ còn biết nói về điều đó mà thôi. Rồi cả hai bố con tôi cùng nhìn ra ngoài ô cửa trong yên lặng.

Đẹp quá, thật là đẹp, tôi không thể phủ nhận điều đó. Mọi thứ xung quanh đều xanh ngắt một màu: cây cối với những thân cây phủ đầy rêu, nhánh cành của chúng tạo thành những tán lá rậm rạp, mặt đất mọc đầy dương xỉ. Ngay cả không khí cũng lóng lánh màu xanh của lá cây.

Tất cả đều thấm đẫm một màu xanh ngắt - một hành tinh xa lạ.

Cuối cùng, chúng tôi đã tới nơi. Bố Charlie của tôi vẫn sống trong căn nhà nhỏ có hai phòng ngủ, căn nhà mà bố và mẹ đã cùng mua trong những ngày đầu mới cưới. Đó là những ngày ăm ắp những điều mới mẻ trong cuộc sống lứa đôi của hai người. Và kia, đậu bên lề đường, ngay trước căn nhà chẳng bao giờ thay đổi, là cái - ôi trời, là cái xe tải mới của tôi. Nó có màu đỏ xỉn với những cái chắn bùn tròn tròn to đùng và một cái cabin phình phình hình củ hành. Càng nhìn càng bất ngờ, tôi thật sự thích cái xe này. Tôi không biết nó có chạy được hay không, nhưng tôi đang mường tượng ra cảnh mình ngồi ở trong đó. Còn nữa, nó là một trong những chiếc xe rắn chắc không bao giờ phải chịu nguy hại - kiểu xe hay thấy ở mấy chỗ xảy ra tai nạn: lớp sơn chẳng bị bong tróc lấy một miếng, thay vì như thế, xung quanh lại dính mấy mảng sơn của chiếc xe bị tông vào.

- Chà, bố ơi, con thích nó lắm! Cảm ơn bố nhé! - Giờ thì cái ngày mai khủng khiếp sẽ không còn đáng sợ nữa. Tôi sẽ không phải chọn lựa giữa việc đội mưa đi bộ hai dặm liền đến trường với việc ngồi trên xe của cảnh sát trưởng.

- Bố mừng là con thích nó - Bố đáp lại lời cảm ơn của tôi một cách ngượng nghịu.

Chỉ cần đi một lần thôi là tôi đã đem được tất tần tật hành lý của mình lên lầu. Tôi dọn vào phòng ngủ phía tây, căn phòng trông xuống sân trước. Gì chứ, phòng này thì tôi đã quá quen thuộc rồi; chẳng gì thì khi tôi vừa chào đời, nó đã thuộc về tôi mà. Sàn gỗ, tường xanh lơ, trần có chóp nhọn, các dải buộc màn cửa sổ đã nhuốm vàng - một phần thời thơ ấu của tôi đấy. Những thay đổi có chăng là bố đã thay cái giường cũi của trẻ con bằng một cái giường thực thụ, và kê thêm một cái bàn học, vì tôi đã lớn. Trên bàn hiện giờ là chiếc máy vi tính cũ, đi kèm theo nó là một sợi dây điện thoại đang lòng thòng trên sàn nhà, một đầu dùng để kết nối bộ biến hoàn và một đầu đang gắn vào khe cắm điện thoại gần nhất. Đây là yêu cầu của mẹ tôi, để mẹ con tôi có thể liên lạc với nhau dễ dàng. Chiếc ghế bập bênh thuở nhỏ của tôi vẫn còn nằm ở một góc phòng.

Trên lầu, chỉ có một phòng tắm nhỏ, mà tôi lại phải dùng chung nó với bố Charlie. Tôi cố gắng không để tâm quá nhiều vào chuyện này.

Một trong những tính cách dễ thương của bố tôi là ông không hay quẩn quanh bên ai cả. Bố để tôi một mình mở hành lý và sắp xếp đồ đạc riêng, một "hiện tượng kỳ lạ" không bao giờ xảy ra ở mẹ tôi. Được tự do một mình thật thoải mái, không phải mỉm cười và lúc nào trông cũng tươi vui; tôi có thể tự nhiên hướng mắt ra ngoài cửa sổ trong màn mưa, hay để vài giọt nước mắt tuôn rơi mỗi khi phiền muộn. Hiện thời, tôi chưa muốn khóc. Tôi sẽ để dành điều đó vào giờ đi ngủ, khi bắt đầu nghĩ đến buổi sáng hôm sau.

Trường trung học Forks "sở hữu" một sĩ số học sinh lạ thường, trước kia là ba trăm năm mươi bảy học sinh - bây giờ thành ba trăm năm mươi tám học sinh; trong khi đó, chỉ cần nói tới khối lớp học gần cuối cấp của tôi ở trường cũ thôi, số học sinh đã có đến hơn bảy trăm người rồi. Ở đây, trẻ con cùng lớn lên bên nhau - bố mẹ chúng cũng đã chơi với nhau từ hồi còn chập chững tập đi, bập bẹ học nói. Vậy là tôi sẽ trở thành một cô gái đến từ thành phố lớn, một "sinh vật hiếm", một "người ngoài hành tinh".

Có thể, nếu tôi mang dáng vẻ là người Phoenix, thì việc tôi kết bạn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng oái oăm thay, xét về dáng vẻ mà nói, tôi chẳng giống dân Phoenix tí nào. Đáng lẽ ra tôi phải có một làn da rám nắng, phải giỏi chơi thể thao, phải có mái tóc vàng - phải là một tay bóng chuyền, hay một người chỉ huy trận đấu tài giỏi chẳng hạn - tức là làm sao cho người ta thấy rằng mình đã sống ở một nơi ngập tràn ánh nắng mặt trời mới đúng.

Thế mà nước da của tôi lại có màu ngà ngà, chẳng có cả mắt xanh lẫn mái tóc đỏ quạch, mặc cho mặt trời luôn rọi nắng chói chang. Bấy lâu nay, thân người tôi vẫn mảnh khảnh, lại còn mềm nhão nữa, rõ ràng chẳng phải là một vận động viên rồi; tôi không hề biết kết hợp giữa tay và mắt sao cho tốt để có thể chơi thể thao mà không bị bẽ mặt - và "gây tai nạn" cho chính bản thân lẫn người xem đứng quá gần mình.

Khi đã cất xong tất cả quần áo vào cái tủ làm bằng gỗ thông cũ kỹ, tôi mang túi đựng đồ dùng cá nhân vào nhà tắm để kỳ cọ thân thể cho sạch sẽ sau một ngày dài đi đường. Tôi ngắm nhìn gương mặt mình trong gương, bắt đầu chải mái tóc rối bời, ẩm ướt. Chắc do ánh sáng nên trông tôi có vẻ tái nhợt, ốm yếu. Làn da của tôi chắc cũng không đến nỗi nào - hiện thời, nó rất sạch và gần như trong suốt - tuy nhiên, còn tùy thuộc vào màu da nữa. Ở thị trấn này, làn da của tôi thuộc loại không có màu.

Nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương, tôi buộc phải thừa nhận rằng mình đang tự lừa dối bản thân mình. Tôi không chỉ không giống người Phoenix ở dáng vẻ bề ngoài thôi đâu. Nếu tôi không thể hòa đồng được trong một ngôi trường chỉ có hơn ba trăm học sinh thì tôi còn có thể làm gì được ở nơi này nữa?

Tôi không có duyên với những bạn đồng trang lứa. Hình như tôi không có khiếu giao thiệp với mọi người thì đúng hơn. Ngay cả với mẹ, người thân thiết nhất với tôi trong cuộc đời này, cũng chưa bao giờ hòa hợp với tôi - chưa bao giờ có cùng một quan điểm như tôi. Đôi khi tôi tự hỏi mình rằng liệu tôi có đang nhìn nhận thế giới này giống như tất cả mọi người không. Chắc não bộ của tôi hoạt động không đồng đều thì phải.

Nhưng điều này cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cái quan trọng là kết quả. Và ngày mai chỉ mới là ngày bắt đầu.

Đêm đó, tôi không ngủ được, dù cho sau đó, tôi có òa khóc nức nở. Thanh âm của mưa quyện cùng tiếng gió ào ào thổi qua mái cứ ào ạt dồn tới. Tôi kéo tấm chăn bông cũ kỹ lên khỏi đầu, rồi trùm qua khỏi gối. Thế mà tôi vẫn không sao chợp mắt được, cho mãi đến tận nửa đêm, khi cuối cùng, mưa cũng thưa dần, chỉ còn là những hạt mưa bụi yên ả.

Sáng hôm ấy, qua ô cửa sổ phòng mình, tôi nhìn thấy một màn sương mù dày đặc, trong lòng bỗng dậy lên một nỗi lo sợ bị giam giữ. Không thể nhìn thấy bầu trời đâu nữa, tất cả chẳng khác chi một cái lồng.

Bữa ăn sáng với bố Charlie diễn ra trong im lặng. Bố chúc tôi đi học gặp nhiều may mắn. Miệng thì cảm ơn bố, nhưng trong lòng tôi thì biết chắc rằng hy vọng của bố đã đặt không đúng chỗ. Thần may mắn lúc nào cũng tìm cách tránh né tôi. Bố rời khỏi nhà trước. Còn lại tôi ngồi một mình giữa một trong ba chiếc ghế, bên chiếc bàn vuông làm bằng gỗ sồi, mắt nhìn quanh gian bếp nhỏ nhắn của bố: những bức tường có đóng ván ô sẫm màu, mấy chiếc tủ màu vàng tươi và tấm thảm phủ sàn nhà trắng toát. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Cách đây tám năm, chính mẹ đã tự tay sơn lại mấy chiếc tủ nhằm đem lại chút vui tươi cho căn nhà. Cạnh gian bếp là phòng sinh hoạt gia đình chỉ nhỏ như chiếc khăn tay, trong phòng vẫn là chiếc lò sưởi cũ, bên trên nó cũng vẫn là một hàng các bức ảnh. Tấm ảnh đầu tiên là ảnh cưới của bố Charlie và mẹ chụp ở Las Vegas, tấm thứ hai là cả ba chúng tôi đang ở bệnh viện, sau khi tôi ra đời, ảnh do bà đỡ chụp, tiếp theo là các tấm ảnh chụp tôi ở trường theo từng năm, kết thúc là tấm ảnh chụp ở trường năm ngoái. Xem lại tất cả mà lòng nao nao - tôi sẽ phải lựa lời nói với bố để bố cất tất cả các tấm ảnh ấy đi, ít nhất thì cũng là trong khoảng thời gian tôi có mặt ở Forks.

Sống trong căn nhà này, thật không có gì khó khăn để nhận ra rằng bố đã chẳng bao giờ quên mẹ. Điều đó làm cho tôi cảm thấy không thoải mái.

Tôi không muốn đến trường quá sớm, cũng không muốn ở nhà thêm chút nào nữa. Khoác chiếc áo lạnh lên người, mà có cảm giác cứ như là đang mặc áo phòng chống hơi độc, tôi bước ra ngoài màn mưa.

Vẫn là cơn mưa phùn, chưa đủ lớn để có thể làm tôi ướt sũng trong lúc lần tay lấy chiếc chìa khóa nhà luôn được giấu dưới mái hiên gie ra chỗ cửa trước và khóa cửa lại. Tiếng giày ống lội nước bì bõm nghe thật chán. Tôi thèm làm sao được nghe thấy tiếng lạo xạo khi bước đi trên sỏi. Tôi không thể dừng lại mà ngắm nghía chiếc xe tải, dù rất muốn; tôi đang vội vã thoát khỏi màn sương mù ẩm ướt đang lượn lờ trên đầu tôi, luồn vào mái tóc của tôi dưới chiếc mũ trùm đầu.

Trong xe tải thật khô ráo và dễ chịu. Có thể hiểu là ông Billy hoặc là bố đã lau chùi nó một cách cẩn thận, sạch sẽ; tuy nhiên, lớp da bọc ghế màu nâu vẫn còn phảng phất mùi thuốc lá, mùi xăng và mùi bạc hà. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì động cơ của chiếc xe khởi động rất nhanh, thế nhưng nó lại kêu rất to, vang lên ầm ầm trong không gian và từ từ lăn bánh ở âm lượng to nhất. Trời ơi, cái xe tải cổ lỗ sĩ này sắp "vào viện bảo tàng" rồi. Còn cái radio xưa lơ xưa lắc đang hoạt động này nữa, lại thêm một thứ mà tôi chẳng trông đợi gì được.

Trường học không khó tìm lắm, dù rằng tôi chưa lần nào đặt chân tới đó. Ngôi trường này, cũng giống như mọi ngôi trường khác, nằm cách xa đường quốc lộ. Ban đầu, tôi cũng không thể đoán ra đó là trường học, chỉ tới khi nhìn thấy cái bảng hiệu ghi Trường trung học Forks, tôi mới dừng lại. Toàn bộ ngôi trường tựa như một tập hợp của những ngôi nhà hình hộp diêm, được xây bằng loại gạch có màu nâu sẫm. Xung quanh trường, đầy những cây xanh, cao có, lúp xúp có. Cây cối nhiều đến độ thoạt nhìn, tôi không biết được ngôi trường có quy mô lớn, nhỏ ra sao. Đâu rồi cái cảm giác bồi hồi quen thuộc? Tôi tự hỏi lòng mình một cách luyến tiếc. Hàng rào ở đâu, các máy dò kim loại đặt ở chỗ nào?

Tôi dừng xe ngay trước cửa tòa nhà thứ nhất, ở đây có một bảng hiệu nhỏ ghi dòng chữ: VĂN PHÒNG TRƯỚC - treo bên trên cửa ra vào. Chẳng thấy bóng dáng một ai, tôi chắc mẩm đây là nơi không được lui tới, tuy vậy, tôi vẫn quyết định ghé vào, thay vì phải lái xe lòng vòng quanh trường như một đứa dở hơi. Một cách miễn cưỡng, tôi bước ra khỏi buồng lái, đặt chân xuống một bậc đá nhỏ nằm cùng hàng với những bụi cây xanh thẫm. Tôi hít một hơi thật sâu trước khi mở cửa.

Trong phòng sáng hơn và ấm hơn tôi tưởng. Văn phòng khá nhỏ, khu vực ngồi chờ thì chỉ bé như cái mắt muỗi, có kê mấy cái ghế xếp, bảng quảng cáo thì lấm tấm những vệt màu cam, các thông báo cùng những bằng khen treo lộn xộn trên tường, một cái đồng hồ to kêu tích tắc thật lớn. Trong phòng để đầy những chậu cây, tựa hồ như bên ngoài chẳng có đủ cây xanh vậy. Văn phòng bị ngăn ra làm hai bởi một kệ tủ dài, để bừa bãi các sọt lưới chứa đầy giấy cùng mô hình mẫu những côn trùng biết bay gắn phía trước sọt. Phía sau kệ tủ là ba cái bàn làm việc, một phụ nữ có vóc người to lớn, tóc đỏ, đeo kính, đang ngồi ở đằng sau một trong ba cái bàn ấy. Bà ta mặc một chiếc áo sơmi ngắn tay màu đỏ tía, khiến cho tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp.

Người phụ nữ tóc đỏ ngước mặt lên.

- Tôi có thể giúp gì cho em?

- Em là Isabella Swan - Tôi giới thiệu tên của mình, và nhận ra ngay lập tức vẻ sáng rỡ trong mắt người phụ nữ. Người ta đang chờ tôi đến, vẫn là những chuyện ngồi lê đôi mách muôn thuở. Cuối cùng thì cô con gái của ngài cảnh sát trưởng với bà vợ cũ bỏ nhà ra đi, nay, đã trở về.

- Tất nhiên rồi - Người phụ nữ đáp lời tôi rồi đưa tay lật lật giở giở chồng tài liệu trên bàn, cuối cùng, bà ta cũng đã tìm ra - Tôi có lịch học của em đây, cả sơ đồ trường mình nữa - Người phụ nữ tóc đỏ để mấy tờ giấy đó lên kệ tủ, chỉ cho tôi xem.

Bà ta giở bản đồ, hướng dẫn tôi đường đến các lớp học sao cho nhanh nhất và đưa cho tôi một tờ giấy để lấy chữ ký của giáo viên vào cuối mỗi buổi học. Người phụ nữ tóc đỏ mỉm cười, hy vọng, giống như ông bố Charlie của tôi, rằng tôi sẽ yêu Forks. Và tôi cũng mỉm cười đáp lại thật tươi.

Khi tôi quay trở lại chiếc xe tải, các học sinh đã bắt đầu ùa vào trường. Tôi cho xe chạy quanh trường, theo tuyến đường dành cho giao thông. Lòng tôi chợt cảm thấy vui sướng khi nhận ra rằng hầu hết các xe ở đây đều thuộc hàng "đại thụ" như xe tôi, chẳng có chiếc nào thuộc loại "chói cả mắt". Ở nơi tôi sống trước kia, một trong những vùng có nhiều người thu nhập thấp, trong đó có cả quận Thung lũng Thiên đường, người ta thường nhìn thấy những chiếc Mercedes hay chiếc Porsche mới cáu của đám học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ở đây, chiếc xe hơi tốt nhất là chiếc Volvo sáng bóng, đang nằm lạc lõng trong bãi. Ngay khi vừa đậu xe vào đúng nơi quy định xong, tôi tắt máy ngay, kẻo cái tiếng máy nổ ầm ầm như sấm ấy lại khiến người ta chú ý tới mình.

Ngồi trong buồng lái xe tải, coi lại sơ đồ đường đi, tôi cố gắng ghi nhớ mọi chi tiết, hy vọng sẽ không phải vừa đi lòng vòng quanh trường, vừa phải chúi mũi vào cái bản đồ đó cả ngày. Tôi cho mọi thứ vào túi rồi vác lên vai, hít vào một hơi thật sâu. Mình có thể làm được, tôi tự động viên bản thân một cách yếu ớt. Sẽ chẳng có ai bắt nạt đâu. Tôi trấn an mình lần cuối, rồi bước xuống xe.

Vẫn đội cái mũ trùm trên đầu, tôi bước đi trên vỉa hè, hòa mình cùng đám đông các thanh thiếu niên khác. May thay, cái áo lạnh màu đen tuyền của tôi không hề nổi bật chút nào, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tôi đi ngang qua quán ăn tự phục vụ và dễ dàng nhận ra tòa nhà số Ba. Con số "3" rất to màu đen, nằm vuông vức trên tấm bảng trắng, được đặt ở góc tường phía đông. Mỗi bước tiến đến gần hơn cánh cửa lớp học, hơi thở của tôi lại càng trở nên dồn dập, tôi không khó khăn gì để nhận ra điều ấy. Cố gắng nín thở, tôi bước theo sau hai người mặc áo mưa đang đi vào cửa lớp.

Phòng học khá chật. Hai người đi trước tôi vừa bước qua khỏi ngưỡng cửa, dừng lại, treo áo mưa lên móc. Tôi cũng bắt chước làm y như thế. Đó là hai nữ sinh, một người có mái tóc vàng, làn da trắng muốt, người kia cũng có nước da trắng trẻo như vậy, nhưng mái tóc thì hơi nâu. Ít ra, ở đây, màu da của tôi cũng không thuộc loại "cá biệt".

Bất chợt, tôi trượt chân, vấp ngã, va ngay vào thầy giáo. Trước mặt tôi là một người đàn ông có thân hình cao ráo, hói đầu; trên bàn của thầy có một tấm biển đề tên, ghi dòng chữ: Ông Mason. Thầy giáo trố mắt nhìn tôi, rồi trông vào tên tôi một cách ngớ ngẩn - đó không phải là sự chào đón nhiệt tâm - và dĩ nhiên là mặt tôi đã đỏ lựng lên như một trái cà chua chín mọng. Dù sao thì chí ít, thầy cũng đã dẫn tôi đến một cái bàn trống ở cuối lớp, không hề giới thiệu tôi với cả lớp. Các "con ma cũ" ngoái đầu lại nhìn theo lưng tôi, rồi sau đó, họ cũng kiềm chế được nỗi tò mò của mình. Tôi lướt mắt lướt dọc theo bảng danh sách tên các tác giả sẽ phải học mà thầy giáo vừa đưa cho. Toàn những cái tên quen thuộc: Bront, Shakespeare, Chaucer, Faulkner. Tôi đã đọc hết cả rồi. Thật nhàn hạ... đến phát chán. Tôi đang tự hỏi không biết mẹ có sẽ gửi cho mình mấy bài luận văn cũ về các tác giả này không, hay mẹ lại cho rằng tôi đang đùa. Rồi cứ thế, trong đầu tôi miên man suy nghĩ đến việc sẽ phải nói sao cho mẹ hiểu, trong lúc thầy giáo ở trên kia cứ thao thao bất tuyệt với bài giảng của mình.

Chuông reo - một thứ âm thanh lanh lảnh, giọng mũi - có một anh chàng lênh khênh, ốm nhom, tóc đen nhánh, nhoài người sang bắt chuyện với tôi.

- Cậu là Isabella Swan, phải không? - Có vẻ như anh bạn này rất hay nhiệt tình giúp đỡ người khác, giống như những thành viên trong hội cờ vua.

- Bella - Tôi sửa lại. Những người ngồi trong phạm vi ba chiếc ghế quanh đấy bắt đầu quay lại nhìn tôi.

- Lớp học tiếp theo của cậu ở đâu? - Anh ta hỏi.

Tôi vội mở túi xách của mình ra kiểm tra.

- Ừm, môn Nhà nước, với ông Jefferson(3), tòa nhà số Sáu.

Giờ thì tất cả mọi người đang hiện diện trong lớp đều đổ dồn cặp mắt tò mò về phía tôi.

- Mình thì đến tòa nhà số Bốn, mình sẽ chỉ đường cho cậu... - Đích thị là người thích giúp đỡ người khác rồi - Mình là Eric - Anh ta nói thêm.

- Cảm ơn - Tôi mỉm cười gượng gạo.

Chúng tôi lấy áo khoác và bước ra ngoài, mưa lúc này đã nặng hạt hơn. Tôi dám đánh cược rằng ngay lúc này đây, có một số người đi ở phía sau tôi đang muốn rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa chúng tôi với họ, với hy vọng nghe lỏm được vài điều gì đó. Mong rằng tôi không bị mắc chứng hoang tưởng.

- Ở đây khác Phoenix lắm, phải không? - Eric gợi chuyện, hỏi.

- Khác lắm.

- Ở đó không có nhiều mưa à?

- Khoảng ba hay bốn lần một năm.

- Chà, thế thì sẽ thế nào nhỉ? - Anh bạn đi bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Ngập tràn ánh nắng - Tôi trả lời.

- Trông cậu có rám nắng lắm đâu.

- Mẹ mình bị bạch tạng.

Eric nhìn tôi áy náy, còn tôi thì không ngăn được tiếng thở dài. Có vẻ như sự nghiêm túc và tính hài hước chẳng thể nào đi chung với nhau được vậy. Mấy tháng rồi, hình như tôi đã quên, không còn dùng đến câu nói châm biếm này. Chúng tôi đi vòng trở lại quán ăn tự phục vụ, hướng đến các tòa nhà ở phía nam, chỗ gần phòng tập thể dục. Eric đưa tôi đến tận cửa ra vào, cứ như thể anh ta sợ tôi không tìm thấy, cho dù cái cửa này có ghi chú rõ ràng.

- Ừm, chúc cậu may mắn nhé - Anh ta chào tạm biệt khi tôi vừa chạm tay đến cái nắm cửa - Chắc tụi mình sẽ còn học chung ở một số lớp khác - Trong câu nói của Eric có ẩn chứa sự hy vọng.

Tôi mỉm cười một cách lơ đãng rồi bước vào trong.

Khoảng thời gian còn lại của buổi sáng hôm ấy lặng lờ trôi đi. Thầy giáo dạy môn lượng giác của lớp tôi tên là Varner - tôi không tài nào ưa nổi thầy bởi cái môn học mà thầy phụ trách - đó là người duy nhất đã bắt tôi đứng ra trước lớp để tự giới thiệu về mình. Tôi đã ấp a ấp úng, mặt mũi đỏ lựng; sau màn chào hỏi đó, tôi bước về chỗ ngồi của mình trong tình trạng chân nọ đá vào chân kia.

Sau khi đã trải qua những giờ học trong hai lớp, ở mỗi lớp, tôi bắt đầu nhớ được vài gương mặt. Chẳng qua cũng là bởi có một số người đã tỏ ra bạo dạn, chủ động đến với tôi, họ tự giới thiệu về mình rồi hỏi xem tôi có thích Forks không. Tôi cố gắng tỏ ra "xã giao" một chút, nhưng chung qui cũng chỉ là xã giao mà thôi. Ít ra, nhờ vậy mà tôi không còn phải dùng đến bản đồ nữa.

Một cô bạn ngồi cạnh tôi trong cả hai lớp lượng giác và tiếng Tây Ban Nha cùng đi ăn trưa với tôi ở quán ăn tự phục vụ. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, thấp hơn chiều cao một mét sáu mươi ba của tôi chừng bảy, tám xăngtimét, nhưng điểm khác biệt lớn giữa chúng tôi không phải là chiều cao, mà chính là cái mái tóc quăn tít, bù xù của cô. Tôi không nhớ nổi tên cô bạn tóc xù, thế nên tôi chỉ khẽ mỉm cười và gật đầu với cô ta mỗi khi nghe cô kể chuyện này chuyện nọ về các thầy, cô giáo hay về lớp học. Thật lòng mà nói, tôi cũng chẳng muốn lưu tất cả những điều ấy vào bộ nhớ của mình làm gì.

Chúng tôi ngồi vào mấy cái ghế còn trống trong quán ăn, cùng bàn với mấy "chiến hữu" của cô bạn tóc xù, tôi được giới thiệu với họ; và tôi đã quên tên họ ngay sau khi cô bạn tóc xù vừa giới thiệu xong. Xem ra, những người bạn mới này có vẻ ấn tượng về sự bạo dạn của cô bạn tóc xù khi thấy cô ta nói chuyện với tôi. Bất chợt tôi nhìn thấy ở phía bàn bên kia, anh chàng người Anh - Eric - đang vẫy tay lia lịa ra ý chào tôi.

Và lần đầu tiên tôi được trông thấy họ chính là vào lúc ấy, khi tôi đang ngồi ăn trưa và cố gắng tỏ ra hòa nhập vào cuộc tán gẫu với bảy người hiếu kỳ.

Họ ngồi ở một góc, chỗ xa tôi nhất, trong quán ăn tự phục vụ. Tất cả gồm năm người. Họ chẳng chuyện trò, mà cũng chẳng hề đụng tay tới cái khay đựng khẩu phần, trước mặt mỗi người, khay thức ăn vẫn đầy y nguyên như lúc mới mang ra. Chẳng có ai trong số họ lại trố mắt ra nhìn tôi một cách ngớ ngẩn như hầu hết học sinh ở đây, vì thế, tôi có thể tự do quan sát họ mà không phải e ngại những cặp mắt kia sẽ nhìn đáp trả lại mình. Không, không hề có một ai biết đến điều đang thu hút sự chú ý của tôi lúc này cả.

Cứ nhìn năm người họ mà xét thì chẳng thấy ai có nét gì khả dĩ giống nhau. Ba người trong số ấy, có một người to con, lực lưỡng, y như một vận động viên cử tạ hạng nặng, tóc đen, quăn. Người kia cao hơn, ốm hơn, nhưng cũng vạm vỡ, có mái tóc màu vàng mật ong. Người thứ ba thì gầy và cao lêu đêu, tóc anh ta màu đồng, bù xù. Anh ta trông trẻ hơn rất nhiều so với những người kia - những người có thể đã vào đại học, hoặc thậm chí đang là giáo viên cũng nên, khó có thể nói họ đang còn là học sinh trung học.

Hai người còn lại trong số ấy là hai cô gái đang ngồi ở phía đối diện. Một trong số hai cô gái ấy có vẻ đẹp như tượng. Cô ta sở hữu một thân hình có chiều cao và đường nét không khác những người mẫu trong các ảnh chụp in trên trang bìa của Tạp chí thể thao, số có chuyên đề về quần áo tắm một mảnh của phụ nữ. Nếu có ai đó cùng phái mà ngồi cạnh cô ta, hẳn sẽ phải ghen tỵ hoặc tủi thân tủi phận trước vẻ đẹp đáng mơ ước ấy. Tóc cô gái màu vàng, ngọn tóc chấm ngang lưng hơi uốn dợn thành làn sóng. Cô gái ngồi bên thì có vóc người thấp bé, mảnh khảnh, gương mặt nhỏ nhắn, trông như một nàng tiên bước ra từ truyện cổ tích. Cô gái này có mái tóc đen nhánh, cắt ngắn, lỉa chỉa ra mọi hướng.

Tuy nhiên, năm người họ lại rất giống nhau, nếu có thể nói như vậy. Tất cả bọn họ đều có làn da trắng như thoa phấn, trắng hơn bất kỳ một học sinh nào khác trong thị trấn không có ánh nắng mặt trời này. Họ trắng hơn cả tôi, một kẻ có làn da không bao giờ bị bắt nắng. Cả năm người đều có đôi mắt rất đen, bất kể màu tóc của họ màu gì. Và... bên dưới mỗi đôi mắt ấy là những vết quầng - màu đỏ tím, giống những quầng thâm thường thấy ở dưới mắt. Trông họ cứ như những kẻ vừa mới trải qua một đêm mất ngủ hay là mới bị "nện" cho vỡ mũi xong. Ngoại trừ chiếc mũi ra, gương mặt của họ rất cân đối, xương xương và hoàn hảo.

Dù sao đi nữa, tất cả những chi tiết trên cũng chưa phải là nguyên nhân chính khiến tôi cứ dán mắt vào họ.

Sở dĩ tôi không thể rời mắt khỏi năm học sinh nọ là bởi gương mặt của họ quá khác biệt nhau, nhưng đồng thời lại rất giống nhau, tất cả đều mang một vẻ hoang dại đến ấn tượng. Đó là những gương mặt mà trong cuộc sống đời thường, ta chẳng bao giờ nhìn thấy, ngoại trừ khi xem các ảnh chụp người mẫu phun sơn hóa trang của một tạp chí thời trang nào đó, hay khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tạo hình gương mặt thiên sứ của một chuyên gia trang điểm. Nhìn họ, khó có thể xác định được ai là người đẹp nhất - có thể là cô gái tóc vàng không có lấy một nét khiếm khuyết, cũng có thể là anh chàng có mái tóc màu đồng kia.

Ánh mắt của năm người dõi theo các hướng khác nhau - không ai nhìn ai, cũng chẳng nhìn vào học sinh nào, hay chú mục vào một cái gì cụ thể. Trong lúc tôi đang quan sát như vậy thì cô gái nhỏ nhắn đứng lên, bưng theo khay thức ăn - gồm có nước soda chưa khui, một trái táo còn nguyên vẹn - bỏ đi; bước đi của cô ta nhanh thoăn thoắt như thể đang bước xuống đồi. Tôi cứ nhìn theo, thầm ngạc nhiên về đôi chân uyển chuyển như một diễn viên múa ấy mãi cho đến khi cô ta cất cái khay rồi lẻn ra ngoài theo lối cửa sau, nhanh như cắt. Cô gái hoàn toàn mất hút, không để lại một dấu vết nào; tôi phóng tầm mắt đến những học sinh còn lại, bốn người họ vẫn đang ngồi yên, bất động.

- Mấy người đó là ai vậy? - Tôi hỏi cô bạn cùng học chung lớp tiếng Tây Ban Nha mà tên của cô ta thì tôi đã không tài nào nhớ nổi.

Cô bạn tóc xù ngước mắt lên nhìn nhóm người vừa được tôi đề cập đến - hình như qua giọng nói của tôi, cô ta đã hiểu ngay lập tức là tôi muốn nói về những ai. Bất thình lình, anh chàng ốm nhất, người trông có vẻ trẻ nhất, cũng có lẽ là ít tuổi nhất, nhìn sang phía bạn tôi. Anh ta chỉ thoáng nhìn lướt qua cô bạn của tôi trong một giây, rồi đôi mắt đen lay láy ấy chuyển liền sang phía tôi.

Đột nhiên, anh ta lại chuyển hướng nhìn sang chỗ khác, toàn bộ sự việc này diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức tôi không kịp có phản ứng nào, mà chỉ vừa mới chớp mắt vì bối rối, ngượng ngùng mà thôi. Sau cái nhìn chớp nhoáng đó, gương mặt anh ta chẳng biểu lộ cảm xúc gì - như thể cô bạn tôi vừa gọi tên anh ta, anh ta đã ngước mắt lên theo phản ứng, nhưng rồi quyết định không lên tiếng trả lời vậy.

Cô bạn tóc xù của tôi cũng có vẻ bẽn lẽn, nhưng rồi lại phá lên cười khúc khích và nhìn sang một bàn khác như tôi.

- Đó là Edward và Emmett Cullen, Rosalie và Jasper Hale. Người vừa mới đi khỏi là Alice Cullen; mấy người đó sống chung với bác sĩ Cullen và vợ ông ta - Cô bạn khẽ khàng giải thích.

Tôi liếc mắt nhìn sang người bảnh trai nhất trong nhóm, lúc này đây, anh ta đang nhìn xuống khay thức ăn của mình, những ngón tay dài, trắng muốt nhặt các chiếc bánh vòng nhỏ lên. Anh ta nhai rất nhanh, đôi môi hoàn hảo chỉ hơi mở ra. Ba người còn lại vẫn nhìn sang hướng khác, tuy vậy, tôi vẫn có cảm giác là anh ta đang nói chuyện gì đó với họ.

Thật lạ, tôi chợt nghĩ, những cái tên không phổ biến chút nào. Đấy là kiểu tên chỉ có trong thời ông bà tôi mà thôi. Chẳng lẽ đấy là "mốt" ở đây - những cái tên tỉnh lẻ? Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra được tên cô bạn ngồi cạnh mình là Jessica, một cái tên rất thông thường. Trong lớp lịch sử của tôi ở trường cũ, có tới hai người cùng mang tên Jessica.

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Dịch giả: Tịnh Thủy

Chương 1 (B)

- Họ... cũng khá xinh - Tôi buông lời nhận xét.

- Ừ! - Jessica đồng ý với tôi bằng một tràng cười khúc khích khác - Bọn họ theo cặp đấy... Ý mình là Emmett và Rosalie, Jasper và Alice. Họ sống chung - Giọng nói của cô bạn tóc xù tràn đầy cảm xúc, mang hàm ý chỉ trích thường thấy ở tỉnh lẻ. Trong bụng, tôi đánh giá hơi thấp điều ấy. Nhưng công tâm mà nói, ngay cả ở Phoenix, người ta cũng thường hay bàn tán xôn xao những chuyện như vậy lắm.

- Ai là Cullen? - Tôi hỏi - Không thấy họ có nét gì giống...

- Ừ, đúng vậy. Bác sĩ Cullen còn rất trẻ, khoảng hai mươi mấy, ba mươi tuổi thôi. Tất cả họ đều được nhận về nuôi. Hale là anh em sinh đôi, một trai, một gái, là cặp tóc vàng ấy. Họ là con nuôi.

- Mình thấy họ đã quá lớn để làm con nuôi rồi.

- Hiện thời thì Jasper và Rosalie đều đã mười tám tuổi, nhưng họ đã ở với bà Cullen từ năm lên tám. Bà ta là cô hoặc dì gì đấy của họ thì phải.

- Ông bà bác sĩ quả là những người tốt khi quyết định chăm nom cho từng ấy đứa trẻ, nhất là khi họ còn quá trẻ, trẻ về mọi thứ.

- Có lẽ là vậy - Jessica thừa nhận một cách miễn cưỡng, khiến tôi có cảm giác rằng hình như cô ta không thích vợ chồng bác sĩ vì một lý do nào đó. Trước cái nhìn mà cô bạn tóc xù đang dành cho những học sinh được nhận làm con nuôi kia, tôi đoán lý do đó là lòng đố kỵ - Mình nghĩ, bà Cullen không thể sinh con - Jessica nói thêm, như để hạ thấp lòng tốt của ông bà bác sĩ.

Trong suốt cuộc nói chuyện đó, mắt tôi vẫn không rời chiếc bàn của gia đình người lạ nọ. Họ vẫn nhìn đăm đăm vào mấy bức tường, không hề ăn uống gì.

- Họ vẫn luôn ở Forks hả bồ? - Tôi lại hỏi. Lẽ ra tôi đã phải trông thấy họ trong mấy mùa hè tôi ở đây rồi mới phải.

- Không - Jessica trả lời một cách chắc nịch, như thể cô ta muốn nhấn mạnh rằng họ cũng là "ma mới" như tôi - Bọn họ chỉ mới chuyển xuống vùng này đâu được hai năm, từ một vùng nào đó ở Alaska.

Trong lòng tôi bỗng dậy lên một niềm trắc ẩn, xót xa. Trắc ẩn là bởi họ xinh đẹp, gây ấn tượng như vậy mà vẫn bị xem là những người ngoài và rõ ràng là không được chào đón. Xót xa là bởi ở đây, không phải chỉ có tôi mới là "lính mới", song, riêng tôi thì lại chẳng có được lấy một "tiêu chuẩn" nào để gọi là có tí chút cuốn hút cả.

Trong lúc tôi đang mải ngắm nhìn nhóm học sinh nọ như vậy, người trẻ nhất bọn, một trong những người mang họ Cullen, đã ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt của tôi, lần này thì anh ta ngạc nhiên thấy rõ. Khi tôi vội vã chuyển hướng nhìn sang chỗ khác thì hình như trong đôi mắt của anh ta có lộ ra một điều gì đó giống như nỗi thất vọng.

- Cái anh chàng có mái tóc nâu đỏ kia là ai vậy? - Vừa hỏi Jessica, tôi vừa đưa mắt liếc trộm anh ta và nhận ra rằng anh ta vẫn đang đăm đăm nhìn mình, nhưng không phải là bằng đôi mắt trố ra một cách ngớ ngẩn như những học sinh khác, mà là bằng đôi mắt đang phảng phất một nỗi trông chờ tuyệt vọng. Tôi lại cụp mắt xuống.

- Đó là Edward. Anh ta quá đẹp trai, tất nhiên rồi, nhưng đừng có phí thời gian. Anh ta sẽ không hẹn hò đâu. Hình như chẳng có bạn gái nào xứng đôi với anh ta cả - Jessica tặc lưỡi như ăn phải nho chua. Có lẽ cô ta đã từng bị Edward từ chối.

Tôi mím môi để không phải bật cười, rồi nhìn lại Edward lần nữa. Lúc này, anh ta đã quay mặt đi, nhưng gò má thì hơi nhô lên như thể anh ta cũng đang mỉm cười.

Vài phút sau, bốn người còn lại bỏ đi. Bốn người họ thật sự quá cuốn hút - ngay cả cái anh chàng to lớn, vạm vỡ cũng vậy. Giờ thì không còn gì để quan sát nữa. Anh chàng có cái tên Edward cũng không hề ngoái lại nhìn tôi thêm một lần nào.

Tôi vẫn phải ngồi với Jessica và đám bạn của cô ta, nếu chỉ ngồi một mình thôi thì tôi đã không ngồi lâu đến thế. Tôi đang lo, không muốn mình phải vào lớp trễ trong ngày đầu tiên đi học. May sao, một cô bạn khác tôi mới quen tên là Angela đã đến nhắc tôi rằng tiết học tới, chúng tôi sẽ học chung ở lớp sinh học II. Thế là tôi rời bàn, cùng đi với Angela đến phòng học, chằng ai nói với ai lời nào. Angela cũng rụt rè, nhút nhát như tôi.

Vào đến lớp học, Angela chọn chỗ ngồi ở bàn thí nghiệm có trải nhựa, giống như tôi ngày trước. Angela đã có bạn ngồi cạnh. Thật ra, tất cả các bàn đều đã có người ngồi, chỉ duy nhất còn có một chỗ trống ở cái bàn giữa lớp, ngay sát bên cạnh lối đi. Tôi nhận ra Edward Cullen, nhờ mái tóc đặc biệt của anh ta, và bên cạnh Edward chính là cái chỗ trống duy nhất đó.

Trong lúc đi xuống phía cuối lớp để giới thiệu mình với giáo viên phụ trách lớp và để thầy giáo ký tên vào tờ giấy lấy chữ ký giáo viên của mình, tôi đã lén nhìn Edward. Khi tôi đi qua, anh ta đột nhiên như bị ghim chặt xuống ghế. Edward chằm chằm nhìn tôi bằng một vẻ mặt vô cùng kỳ lạ - đó là một vẻ mặt thù địch và giận dữ, tôi vội vã quay đi, sửng sốt, mặt lại đỏ lựng lên. Tôi vấp phải một quyển sách nằm chình ình trên lối đi, rồi va đầu vào cạnh bàn. Một cô gái ngồi ở ngay đấy bật cười khúc khích.

Tôi nhận ra đôi mắt của Edward rất đen - đen như than.

Thầy Banner ký tên vào tờ giấy của tôi rồi đưa cho tôi một quyển sách, thầy không đả động gì đến việc tôi phải giới thiệu này nọ. Tôi chỉ có thể nói là rồi đây chúng ta sẽ hợp tác tốt. Và dĩ nhiên, thầy giáo không còn sự chọn lựa nào khác hơn là dẫn tôi đến chỗ ngồi còn trống ở ngay giữa lớp. Tôi cúi gằm mặt xuống khi đi đến cái chỗ ngồi bên cạnh Edward, bối rối trước cái nhìn chòng chọc thiếu thiện cảm mà anh ta đang dành cho tôi.

Đặt quyển sách lên bàn, bước vào chỗ ngồi rồi, mà tôi vẫn chưa dám ngước mặt lên, nhưng khi liếc nhìn trộm Edward, tôi thấy anh ta đã thay đổi tư thế. Edward né người ra xa khỏi tôi, xích ra tới tận cạnh ghế và ngoảnh mặt đi như vừa ngửi thấy một mùi gì đó khó chịu. Một cách kín đáo, tôi kiểm tra lại mái tóc của mình. Quả thật, tôi chỉ nhận ra mỗi một mùi dâu, mùi thơm của loại dầu gội tôi yêu thích mà thôi. Đó là một mùi hương dễ chịu cơ mà. Tôi cứ để tóc rũ qua bờ vai phải, tạo thành một vạch ngăn cách đen tuyền giữa hai chúng tôi, và tôi hết sức cố gắng chú ý vào bài giảng của thầy giáo.

Không may cho tôi, bài học hôm nay có chủ đề về cấu tạo tế bào, bài này, tôi đã học rồi. Dù sao thì tôi vẫn phải ghi chép cẩn thận, tôi cúi đầu xuống.

Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn không sao ngăn mình thỉnh thoảng lại nhìn trộm gã con trai đang ngồi bên cạnh qua làn tóc rũ bên bờ vai phải của mình. Trong suốt giờ học, dáng ngồi đáng ghét của hắn không hề thay đổi, vẫn giữ nguyên cái kiểu ngồi kịch bờ ghế, càng xa tôi càng tốt. Tôi nhìn thấy bàn tay của hắn đặt trên đùi bên trái đang siết chặt lại, những đường gân bên dưới lớp da trắng muốt nổi hết cả lên. Và hắn cứ giữ cái thế căng cứng như vậy, chẳng có dấu hiệu nào của sự thư giãn. Edward mặc áo sơ-mi trắng dài tay, tay áo xắn lên đến tận khuỷu, để lộ cánh tay rắn chắc và vạm vỡ đến lạ thường. Trông hắn chẳng còn một chút nào cái vẻ mảnh khảnh như khi hắn ngồi ở bên cạnh người anh trai vai u thịt bắp lúc nãy nữa.

Dường như giờ học này kéo dài hơn những giờ học khác. Phải chăng vì bởi đây là giờ học cuối cùng phải ngồi trong lớp hay bởi tôi đang trông chờ cái nắm tay kia thả lỏng ra? Edward vẫn ngồi yên lặng như không hề hít thở. Hắn ta đang có điều gì bất ổn chăng? Có lẽ nào đây lại là lối cư xử thông thường của Edward? Tôi bắt đầu nghiền ngẫm lại câu nói của Jessica trong buổi ăn trưa. Hình như cô bạn tóc xù không hề có ác cảm với Edward như tôi từng nghĩ.

Không biết cách cư xử như thế nào cho phải với tôi, rõ ràng là Edward không hề biết tí gì về con gái.

Tôi lén nhìn Edward thêm lần nữa và cảm thấy ân hận. Hắn ta đang nhìn tôi, đôi mắt đen chứa đầy vẻ sợ hãi. Tôi cảm thấy nao lòng, bắt đầu thu người lại trên ghế, bất chợt câu nói "nếu nhìn, sẽ giết" vang lên trong đầu tôi.

Ngay lúc ấy, tiếng chuông hết giờ vang lên thật lớn, khiến tôi muốn nhảy dựng lên, còn Edward Cullen thì vội vàng nhao ra khỏi ghế. Khi đứng dậy, trông Edward cao hơn tôi tưởng, hắn ta quay lưng về phía tôi rồi lao nhanh ra khỏi cửa, trước tất cả những người khác cũng vừa mới bước ra khỏi chỗ ngồi.

Tôi ngồi như trời trồng trên ghế, ngây người nhìn Edward. Hắn ta thật xấu, thật không công bằng. Tôi bắt đầu thu dọn tất cả các dụng cụ làm thí nghiệm một cách chậm rãi, cố gắng kìm nén cơn tức giận đang dâng lên, chỉ chực trào ra thành nước mắt. Chuyện gì cũng vậy, tâm trạng của tôi luôn luôn được nối với tuyến lệ thì phải. Mỗi khi tức giận là tôi lại khóc, thật xấu hổ.

- Cậu là Isabella Swan phải không? - Có một giọng nam sinh cất tiếng hỏi.

Tôi ngước mặt lên và nhận ra một chàng trai có gương mặt trẻ con, rất đáng yêu với mái tóc vàng nhạt được vuốt keo một cách cẩn thận, tạo thành hình những gai nhọn, đang nhìn tôi, mỉm cười thân thiện. Rõ ràng là anh ta không hề phát hiện ở nơi tôi có mùi hương gì lạ.

- Bella - Tôi mỉm cười sửa lại.

- Mình là Mike.

- Chào Mike.

- Cậu có cần mình giúp đến lớp học giờ tiếp theo không?

- Bây giờ mình còn phải đến phòng tập thể dục. Mình nghĩ là tự mình có thể tìm được.

- Mình cũng phải đến đấy đấy - Hình như anh chàng có vẻ run lên vì phấn chấn, dù rằng sự trùng hợp này chẳng có gì là đặc biệt trong một ngôi trường bé tí tẹo như thế này.

Chúng tôi cùng nhau đến lớp mới; Mike nói rất nhiều - mà hầu như chỉ có anh ta là độc thoại mà thôi, như vậy càng dễ cho tôi. Mike đã từng sống ở California đến năm lên mười tuổi, vì thế, anh ta hiểu như thế nào là một người đã sống dưới ánh nắng mặt trời. Hóa ra Mike cũng học chung với tôi ở lớp quốc văn. Hôm nay, anh ta chính là người tốt nhất mà tôi gặp.

- Bộ cậu dùng bút chì hay cái gì đâm Edward Cullen hả? Mình chưa bao giờ thấy hắn ta cư xử như vậy.

Tôi rùng mình. Thì ra không chỉ có tôi mới chú ý thấy điều đó. Vậy ra đó không phải là lối cư xử thông thường của Edward Cullen. Tôi quyết định hỏi thẳng.

- Có phải là người ngồi cạnh mình trong lớp sinh học không? - Tôi thật thà hỏi.

- Ừ - Mike trả lời - Nhìn hắn ta cứ như đang bị đau hay là đang có gì không ổn ấy.

- Mình không biết - Tôi trả lời - Mình chưa khi nào nói chuyện với hắn ta.

- Hắn ta cổ quái lắm - Mike cứ nấn ná nói chuyện với tôi chứ không bước đến phòng thay quần áo - Nếu mình có được may mắn ngồi cạnh cậu, nhất định mình đã trò chuyện với cậu rồi.

Tôi mỉm cười với Mike trước khi bước đến phía phòng thay quần áo dành cho nữ. Anh chàng thật thân thiện và rõ ràng là đang để ý đến tôi. Tuy nhiên, điều đó chẳng làm cho tôi quên được chuyện bực bội vừa rồi.

Thầy giáo dạy môn thể dục của tôi, thầy Coach Clapp, tìm cho tôi một bộ đồng phục nhưng không bắt tôi phải chơi hôm nay. Ở trường cũ của tôi, người ta chỉ bắt học thể dục có hai năm. Thế mà ở đây, thể dục là môn bắt buộc phải học những bốn năm. Forks đúng là địa ngục trần gian của tôi.

Tôi dõi mắt nhìn theo bốn trận đấu bóng chuyền diễn ra cùng một lúc. Chợt nhớ lại những lần bị thương khi cứu bóng và đánh bóng - trong lúc chơi bóng chuyền - mà tôi muốn phát bệnh.

Tiếng chuông cuối cùng rồi cũng vang lên. Tôi chậm rãi lê bước về phía văn phòng để giải quyết cho nốt mấy cái vụ giấy tờ. Mưa đã tạnh nhưng gió vẫn còn mạnh và lạnh hơn trước. Tôi co người lại, tự vòng tay ôm lấy mình.

Vừa dợm bước vào căn phòng ấm áp, tôi đã phải quay ngay người lại, bước ngược ra ngoài.

Edward đang đứng ở bàn làm việc ngay trước mặt tôi. Một lần nữa, tôi nhận ra hắn ta qua mái tóc màu đồng rối bù. Hình như Edward không nghe thấy tiếng bước chân của tôi. Tôi đứng áp lưng vào tường, chờ đợi đến lượt mình.

Edward đang trao đổi gì đó với với nhân viên văn phòng bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm. Và tôi nhanh chóng nắm bắt được nguyên nhân của cuộc trao đổi này. Hắn ta đang xin phép đổi giờ học thứ sáu - giờ sinh học - vào một giờ khác, giờ nào cũng được.

Tôi không thể tin được rằng nguyên nhân là do mình. Phải là do một điều gì đó khác chứ, một chuyện gì đó đã từng xảy ra trước khi tôi bước chân vào phòng sinh học mới phải. Chỉ cần nhìn vẻ mặt của Edward thôi, cũng đủ hiểu chuyện này rất trầm trọng. Nhưng không thể nào mà cái anh chàng lạ lẫm này lại vô duyên vô cớ ghét tôi đến như thế được.

Cánh cửa ra vào lại mở ra lần nữa, cơn gió lạnh buốt xương mau chóng lùa vào phòng, giấy tờ trên bàn làm việc bị xáo tung, loạt xoạt, mái tóc của tôi cũng bị thổi tung lên, quấn hết cả vào mặt. Cô gái mới vừa bước vào, tiến đến bên bàn làm việc, chỉ thực hiện mỗi động tác là bỏ một tờ giấy vào sọt lưới rồi đi ra. Tấm lưng của Edward Cullen bỗng gồng lên, hắn ta chậm rãi xoay người lại và nhận ra tôi - gương mặt Edward điển trai một cách "đáng ghét" - với đôi mắt sắc sảo chứa đầy nỗi bực bội. Nỗi sợ hãi trong tôi lại dâng lên, tràn cả ra lỗ chân lông trên tay. Cái nhìn chỉ diễn ra đúng một giây, nhưng nó lại khiến cho tôi đông cứng hơn cả cơn gió lạnh ban nãy. Edward quay lại phía cô nhân viên văn phòng.

- Thôi cô ạ - Edward nói vội, giọng êm mượt như nhung - Em thấy điều này cũng khó mà thực hiện được. Cảm ơn cô - Nói rồi, Edward quay gót, chẳng hề nhìn tôi thêm một lần. Hắn ta biến mất sau cánh cửa ra vào.

Một cách từ tốn, tôi đi lại phía bàn làm việc, mặt trở nên trắng bạch, không còn đỏ lựng như hồi nào nữa, tôi đưa cho cô nhân viên văn phòng tờ giấy có các chữ ký của giáo viên.

- Ngày đi học đầu tiên của em thế nào, cô bé? - Giọng nói của cô nhân viên văn phòng nghe thật hiền như giọng của một người mẹ.

- Dạ tốt ạ - Giọng tôi ỉu xìu, tôi đã nói dối. Và có vẻ như cô nhân viên văn phòng cũng không tin cho lắm.

Khi bước đến bên chiếc xe tải, tôi mới nhận ra rằng đây là chiếc xe cuối cùng còn đậu trong bãi. Cảnh vật xung quanh hiện ra trước mắt tôi chẳng khác gì một nơi trú ẩn, và cái vật dụng thân thiết nhất của tôi đang núp mình trong cái hố xanh lục. Tôi ngồi thừ người ra trong xe tải mất một lúc, mắt hướng ra ngoài ô cửa kính chắn gió, thẫn thờ. Nhưng cũng chỉ được một lúc thôi, vì ngay sau đó, tôi mau chóng cảm nhận được cái lạnh đang từ từ kéo đến, đã đến lúc phải bật hệ thống sưởi rồi; tôi đưa tay vặn chìa khóa, động cơ xe nổ giòn. Tôi lái xe về thẳng nhà của bố Charlie, suốt dọc đường, tôi cứ cố ngăn những giọt nước mắt chỉ chực chờ tuôn rơi.

Mẹ lái xe chở tôi ra phi trường, các ô cửa xe của chúng tôi đều được hạ kính xuống hết. Hiện giờ, ở Phoenix(1) đang là 240C, bầu trời xanh ngắt không có lấy một gợn mây. Tôi đang mặc trên người chiếc áo sơmi yêu thích - không tay và có đăngten; tôi mặc nó để chào tạm biệt nơi này. Vật "oách" nhất của tôi hiện giờ là chiếc áo paca, một loại áo da có mũ trùm đầu của người Etskimô.

Ở bán đảo Olympic - thuộc miền tây bắc tiểu bang Washington - có một thị trấn nhỏ tên là Forks, dường như lúc nào cũng nằm trong sự bao phủ của mây. Mưa ở thị trấn này lúc nào cũng nhiều hơn ở bất cứ vùng nào khác thuộc nước Mỹ. Từ cái thị trấn lạ lùng với những đám mây ảm đạm có mặt ở khắp nơi ấy, mẹ đã ra đi mang theo tôi lúc đó mới có vài tháng tuổi. Cũng chính cái thị trấn ấy, cứ mỗi mùa hè là tôi bị buộc phải về thăm và ở lại cả tháng trời; việc ấy cứ tiếp diễn cho mãi đến năm tôi mười bốn tuổi. Đó là năm cuối cùng tôi còn đặt chân đến Forks. Trong ba mùa hè vừa qua, hè nào, tôi và bố Charlie cũng đều đi nghỉ mát ở California hai tuần.

Chính là Forks đấy, mà giờ đây tôi phải tự đày đọa mình - một hành động mà tôi phải thực hiện trong sự chán nản. Tôi ghét Forks vô cùng.

Tôi yêu Phoenix. Tôi yêu mặt trời cùng cái nóng rát bỏng của nó. Tôi yêu cái thành phố sôi nổi đang ngày một mở rộng này.

- Bella - Mẹ nói với tôi lần cuối cùng sau một ngàn lần lặp đi lặp lại trước khi tôi lên máy bay - Chẳng có việc gì con phải làm như thế.

Mẹ trông giống tôi, ngoại trừ mái tóc cắt ngắn và các nếp nhăn hằn sâu mỗi khi cười. Tôi nhận ra nỗi đau quyện trong sự hốt hoảng khi nhìn sâu vào đôi mắt to, ngây thơ như trẻ con của mẹ. Làm sao tôi có thể để lại người mẹ có tính tình nông nổi, thất thường - nhưng tôi vô cùng thương yêu - mà ra đi cho được bây giờ? Dĩ nhiên là mẹ đã có dượng Phil chăm sóc, các loại hóa đơn đều được thanh toán đầy đủ, tủ lạnh luôn luôn đầy ắp thực phẩm, xe hơi của mẹ lúc nào cũng được đổ đầy xăng, và có một người thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi mỗi khi mẹ cảm thấy hụt hẫng, nhưng sao...

- Con muốn đi - Tôi nói dối. Tôi luôn luôn là kẻ nói dối rất dở, nhưng mấy lúc gần đây, câu nói dối này được tôi thốt ra thường xuyên đến độ mẹ đã gần như tin chắc chắn rằng nó là thật.

- Gửi lời chào của mẹ đến Charlie nhé.

- Vâng.

- Mẹ sẽ sớm gặp lại con thôi - Mẹ khăng khăng như vậy - Con có thể trở về nhà bất cứ khi nào con muốn. Mẹ cũng sẽ quay về nhà bất cứ khi nào con cần mẹ.

Đằng sau lời hứa ấy là cả một sự hi sinh, tôi có thể dễ dàng nhận ra điều ấy qua ánh mắt của mẹ.

- Đừng lo cho con - Tôi đáp lời mẹ một cách chắc nịch - Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Con yêu mẹ lắm, mẹ ạ.

Mẹ ôm ghì lấy tôi trong vòng tay cả phút đồng hồ, rồi sau đó, tôi bước lên máy bay, còn mẹ thì ra về.

Chuyến bay từ Phoenix đi Seattle mất bốn tiếng, tôi mất thêm một tiếng đồng hồ nữa để đáp chuyến bay lên Port Angeles(2), rồi lại thêm một tiếng đồng hồ nữa để đi xe xuống thị trấn Forks. Bay mãi như vậy, với tôi, chẳng nhằm nhò gì, thế mà một giờ đồng hồ đi xe với bố lại khiến lòng tôi nao nao.

Bố tôi là người khá dễ tính. Ông có vẻ vui mừng thật sự khi tôi đến thăm ông lần đầu tiên. Ông đã ghi danh cho tôi vào một trường trung học và hứa sẽ giúp tôi mua một chiếc xe hơi.

Trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn một điều là bố đang ngượng nghịu. Cả hai bố con tôi đều không thích nhiều lời, nhưng thật lòng mà nói, tôi cũng không biết là có phải bố con chúng tôi thuộc týp người thờ ơ với mọi thứ xung quanh không nữa. Tôi hiểu bố đã lúng túng trước quyết định của tôi - cũng giống như mẹ tôi lúc ấy, bởi vì tôi chưa khi nào che giấu sự chán ghét của mình đối với thị trấn Forks cả.

Khi máy bay của tôi đáp xuống Port Angeles, trời đang mưa. Tôi không cho rằng đó là điềm báo, mà chỉ coi là "chuyện thường ngày ở huyện". Dù sao, tôi cũng đã nói lời chào tạm biệt với mặt trời của tôi rồi.

Bố đang chờ tôi bên cạnh chiếc xe tuần tra. Đó cũng là điều tôi đang mong đợi. Bố tôi là cảnh sát trưởng Swan, được phân công công tác ở thị trấn Forks. Và cái lý do hàng đầu thúc đẩy tôi mua một chiếc xe hơi, dù đang bị "viêm màng túi" nặng, là khỏi phải "bị chở" đi lòng vòng quanh thị trấn trong cái xe hơi có gắn hệ thống đèn hai màu xanh, đỏ trên mui. Chẳng có điều gì có thể khiến cho các xe chạy chậm lại ngoài cảnh sát cả.

Sau khi rời khỏi máy bay, bước chân của tôi có phần lảo đảo, bố vội đưa một tay ra ôm lấy tôi - một cái ôm vụng về và lóng ngóng.

- Bells, bố rất vui được gặp con - Ông lên tiếng, khẽ mỉm cười khi đã đỡ được tôi - Con chẳng thay đổi gì mấy. Renée thế nào?

- Mẹ vẫn khỏe. Con cũng rất vui được gặp bố - Trước mặt bố, tôi không được phép gọi ông là Charlie.

Tôi chỉ đem theo vài chiếc túi xách. Hầu hết các bộ quần áo của bang Arizona, tôi đã nhét vào trong đó. Trước cái thời tiết giá lạnh ở bang Washington này, chúng được xếp vào hàng "tép riu". Mẹ và tôi đã chắt chiu từng thứ để bổ sung vào tủ quần áo mùa đông của tôi, thế mà giờ đây, nó vẫn không đủ. Hiện thời, tất cả quần áo, vật dụng của tôi đều đang nằm lọt thỏm trong cốp xe.

- Bố đã tìm được một chiếc xe tốt đối với con, giá cũng rẻ - Bố thông báo khi chúng tôi đã thắt dây an toàn.

- Là loại xe gì hả bố? - Tôi bỗng thấy nghi nghi cái cách nói của bố: "một chiếc xe tốt đối với con", chứ không phải là "một chiếc xe tốt cho con".

- À, ừ, thật ra thì nó là một chiếc xe tải, một chiếc Chevy.

- Bố tìm ra nó ở đâu vậy ạ?

- Con có nhớ ông Billy Black ở La Push không? - La Push là vùng đất bé tẹo, dành riêng cho người da đỏ ở bãi biển.

- Dạ không.

- Ông ấy vẫn hay đi câu cá với bố con mình suốt mùa hè ấy - Bố gợi lại cho tôi nhớ.

Vậy là tôi đã biết vì sao tôi không nhớ ra ông ta rồi. Gì chứ mấy cái chuyện vớ vẩn, buồn bực, là tôi quên hay lắm.

- Hiện giờ, ông ấy đang phải ngồi xe lăn - Thấy tôi không nói gì, bố lại tiếp tục kể - thế nên chẳng còn lái xe được nữa, và ông ấy đã chào mời bố mua lại chiếc xe tải với giá rẻ.

- Thế nó được sản xuất vào năm nào hả bố? - Hỏi xong, tôi nhận ra ngay sự thay đổi về cách trả lời trước câu hỏi mà bố không mong tôi thốt ra.

- À, ừ, ba cái chuyện máy móc thì ông Billy sửa chữa giỏi lắm, cái xe chỉ mới cách đây vài năm thôi, con ạ, thật đấy.

Tôi mong bố không nghĩ này nọ về tôi khi biết rằng tôi không chịu đầu hàng một cách dễ dàng như thế.

- Ông ấy mua xe khi nào vậy bố?

- Bố nghĩ là ông ấy đã mua chiếc xe vào năm 1984.

- Thế ông ấy có mua mới không?

- Ờ, không. Bố nghĩ là vào đầu những năm 1960 thì nó mới, mà lâu nhất thì cũng là cuối những năm 1950 thôi, con ạ - Bố bẽn lẽn thú thật.

- Ra là thế... Bố à, con thật sự không biết gì về xe cộ. Nó mà có hư hỏng gì thì con cũng đến chịu thôi, và con thì không có khả năng trả tiền cho thợ sửa chữa...

- Thật mà, Bella, thứ này chạy tốt lắm. Người ta chẳng còn sản xuất kiểu này nữa.

Thứ này, tôi thầm nghĩ... thì chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra, nhẹ nhất thì cũng là bị người ta chế giễu.

- Vậy còn rẻ là rẻ thế nào hả bố? - Cuối cùng, đây là vấn đề tôi không thể bỏ qua.

- À, ờ, con gái, bố mua nó là để tặng cho con, như một món quà mừng con trở về - Vừa nói, bố vừa liếc mắt, lén nhìn tôi, hy vọng.

Ái chà chà. Không tốn tiền.

- Bố không cần phải làm thế đâu, bố ạ. Con sẽ tự mua xe cho mình mà.

- Có gì đâu con. Bố muốn con được hạnh phúc khi ở đây - Vừa nói, bố vừa nhìn thẳng con đường ở đằng trước mặt. Chẳng bao giờ bố cảm thấy thoải mái khi phải bộc bạch cảm xúc của mình. Và tôi thừa hưởng điều đó từ bố. Tôi cũng vừa nhìn thẳng phía trước mặt, vừa trả lời.

- Thật tuyệt, bố ạ. Con cảm ơn bố. Con rất cảm động - Tất nhiên tôi chẳng thể nói thêm được rằng mình đang cảm thấy hạnh phúc khi ở thị trấn Forks này. Bố không cần phải chịu đựng như tôi. Và tôi cũng cố không biểu lộ cảm xúc gì về cái xe - hay cái động cơ miễn phí ấy.

- Ừm, giờ thì... con cứ tự nhiên - Bố lầm bầm, lúng túng trước lời cảm ơn của tôi.

Hai bố con tôi trao đổi với nhau thêm một chút nữa về thời tiết ẩm ướt, xem ra, chúng tôi cũng chỉ còn biết nói về điều đó mà thôi. Rồi cả hai bố con tôi cùng nhìn ra ngoài ô cửa trong yên lặng.

Đẹp quá, thật là đẹp, tôi không thể phủ nhận điều đó. Mọi thứ xung quanh đều xanh ngắt một màu: cây cối với những thân cây phủ đầy rêu, nhánh cành của chúng tạo thành những tán lá rậm rạp, mặt đất mọc đầy dương xỉ. Ngay cả không khí cũng lóng lánh màu xanh của lá cây.

Tất cả đều thấm đẫm một màu xanh ngắt - một hành tinh xa lạ.

Cuối cùng, chúng tôi đã tới nơi. Bố Charlie của tôi vẫn sống trong căn nhà nhỏ có hai phòng ngủ, căn nhà mà bố và mẹ đã cùng mua trong những ngày đầu mới cưới. Đó là những ngày ăm ắp những điều mới mẻ trong cuộc sống lứa đôi của hai người. Và kia, đậu bên lề đường, ngay trước căn nhà chẳng bao giờ thay đổi, là cái - ôi trời, là cái xe tải mới của tôi. Nó có màu đỏ xỉn với những cái chắn bùn tròn tròn to đùng và một cái cabin phình phình hình củ hành. Càng nhìn càng bất ngờ, tôi thật sự thích cái xe này. Tôi không biết nó có chạy được hay không, nhưng tôi đang mường tượng ra cảnh mình ngồi ở trong đó. Còn nữa, nó là một trong những chiếc xe rắn chắc không bao giờ phải chịu nguy hại - kiểu xe hay thấy ở mấy chỗ xảy ra tai nạn: lớp sơn chẳng bị bong tróc lấy một miếng, thay vì như thế, xung quanh lại dính mấy mảng sơn của chiếc xe bị tông vào.

- Chà, bố ơi, con thích nó lắm! Cảm ơn bố nhé! - Giờ thì cái ngày mai khủng khiếp sẽ không còn đáng sợ nữa. Tôi sẽ không phải chọn lựa giữa việc đội mưa đi bộ hai dặm liền đến trường với việc ngồi trên xe của cảnh sát trưởng.

- Bố mừng là con thích nó - Bố đáp lại lời cảm ơn của tôi một cách ngượng nghịu.

Chỉ cần đi một lần thôi là tôi đã đem được tất tần tật hành lý của mình lên lầu. Tôi dọn vào phòng ngủ phía tây, căn phòng trông xuống sân trước. Gì chứ, phòng này thì tôi đã quá quen thuộc rồi; chẳng gì thì khi tôi vừa chào đời, nó đã thuộc về tôi mà. Sàn gỗ, tường xanh lơ, trần có chóp nhọn, các dải buộc màn cửa sổ đã nhuốm vàng - một phần thời thơ ấu của tôi đấy. Những thay đổi có chăng là bố đã thay cái giường cũi của trẻ con bằng một cái giường thực thụ, và kê thêm một cái bàn học, vì tôi đã lớn. Trên bàn hiện giờ là chiếc máy vi tính cũ, đi kèm theo nó là một sợi dây điện thoại đang lòng thòng trên sàn nhà, một đầu dùng để kết nối bộ biến hoàn và một đầu đang gắn vào khe cắm điện thoại gần nhất. Đây là yêu cầu của mẹ tôi, để mẹ con tôi có thể liên lạc với nhau dễ dàng. Chiếc ghế bập bênh thuở nhỏ của tôi vẫn còn nằm ở một góc phòng.

Trên lầu, chỉ có một phòng tắm nhỏ, mà tôi lại phải dùng chung nó với bố Charlie. Tôi cố gắng không để tâm quá nhiều vào chuyện này.

Một trong những tính cách dễ thương của bố tôi là ông không hay quẩn quanh bên ai cả. Bố để tôi một mình mở hành lý và sắp xếp đồ đạc riêng, một "hiện tượng kỳ lạ" không bao giờ xảy ra ở mẹ tôi. Được tự do một mình thật thoải mái, không phải mỉm cười và lúc nào trông cũng tươi vui; tôi có thể tự nhiên hướng mắt ra ngoài cửa sổ trong màn mưa, hay để vài giọt nước mắt tuôn rơi mỗi khi phiền muộn. Hiện thời, tôi chưa muốn khóc. Tôi sẽ để dành điều đó vào giờ đi ngủ, khi bắt đầu nghĩ đến buổi sáng hôm sau.

Trường trung học Forks "sở hữu" một sĩ số học sinh lạ thường, trước kia là ba trăm năm mươi bảy học sinh - bây giờ thành ba trăm năm mươi tám học sinh; trong khi đó, chỉ cần nói tới khối lớp học gần cuối cấp của tôi ở trường cũ thôi, số học sinh đã có đến hơn bảy trăm người rồi. Ở đây, trẻ con cùng lớn lên bên nhau - bố mẹ chúng cũng đã chơi với nhau từ hồi còn chập chững tập đi, bập bẹ học nói. Vậy là tôi sẽ trở thành một cô gái đến từ thành phố lớn, một "sinh vật hiếm", một "người ngoài hành tinh".

Có thể, nếu tôi mang dáng vẻ là người Phoenix, thì việc tôi kết bạn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng oái oăm thay, xét về dáng vẻ mà nói, tôi chẳng giống dân Phoenix tí nào. Đáng lẽ ra tôi phải có một làn da rám nắng, phải giỏi chơi thể thao, phải có mái tóc vàng - phải là một tay bóng chuyền, hay một người chỉ huy trận đấu tài giỏi chẳng hạn - tức là làm sao cho người ta thấy rằng mình đã sống ở một nơi ngập tràn ánh nắng mặt trời mới đúng.

Thế mà nước da của tôi lại có màu ngà ngà, chẳng có cả mắt xanh lẫn mái tóc đỏ quạch, mặc cho mặt trời luôn rọi nắng chói chang. Bấy lâu nay, thân người tôi vẫn mảnh khảnh, lại còn mềm nhão nữa, rõ ràng chẳng phải là một vận động viên rồi; tôi không hề biết kết hợp giữa tay và mắt sao cho tốt để có thể chơi thể thao mà không bị bẽ mặt - và "gây tai nạn" cho chính bản thân lẫn người xem đứng quá gần mình.

Khi đã cất xong tất cả quần áo vào cái tủ làm bằng gỗ thông cũ kỹ, tôi mang túi đựng đồ dùng cá nhân vào nhà tắm để kỳ cọ thân thể cho sạch sẽ sau một ngày dài đi đường. Tôi ngắm nhìn gương mặt mình trong gương, bắt đầu chải mái tóc rối bời, ẩm ướt. Chắc do ánh sáng nên trông tôi có vẻ tái nhợt, ốm yếu. Làn da của tôi chắc cũng không đến nỗi nào - hiện thời, nó rất sạch và gần như trong suốt - tuy nhiên, còn tùy thuộc vào màu da nữa. Ở thị trấn này, làn da của tôi thuộc loại không có màu.

Nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương, tôi buộc phải thừa nhận rằng mình đang tự lừa dối bản thân mình. Tôi không chỉ không giống người Phoenix ở dáng vẻ bề ngoài thôi đâu. Nếu tôi không thể hòa đồng được trong một ngôi trường chỉ có hơn ba trăm học sinh thì tôi còn có thể làm gì được ở nơi này nữa?

Tôi không có duyên với những bạn đồng trang lứa. Hình như tôi không có khiếu giao thiệp với mọi người thì đúng hơn. Ngay cả với mẹ, người thân thiết nhất với tôi trong cuộc đời này, cũng chưa bao giờ hòa hợp với tôi - chưa bao giờ có cùng một quan điểm như tôi. Đôi khi tôi tự hỏi mình rằng liệu tôi có đang nhìn nhận thế giới này giống như tất cả mọi người không. Chắc não bộ của tôi hoạt động không đồng đều thì phải.

Nhưng điều này cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cái quan trọng là kết quả. Và ngày mai chỉ mới là ngày bắt đầu.

Đêm đó, tôi không ngủ được, dù cho sau đó, tôi có òa khóc nức nở. Thanh âm của mưa quyện cùng tiếng gió ào ào thổi qua mái cứ ào ạt dồn tới. Tôi kéo tấm chăn bông cũ kỹ lên khỏi đầu, rồi trùm qua khỏi gối. Thế mà tôi vẫn không sao chợp mắt được, cho mãi đến tận nửa đêm, khi cuối cùng, mưa cũng thưa dần, chỉ còn là những hạt mưa bụi yên ả.

Sáng hôm ấy, qua ô cửa sổ phòng mình, tôi nhìn thấy một màn sương mù dày đặc, trong lòng bỗng dậy lên một nỗi lo sợ bị giam giữ. Không thể nhìn thấy bầu trời đâu nữa, tất cả chẳng khác chi một cái lồng.

Bữa ăn sáng với bố Charlie diễn ra trong im lặng. Bố chúc tôi đi học gặp nhiều may mắn. Miệng thì cảm ơn bố, nhưng trong lòng tôi thì biết chắc rằng hy vọng của bố đã đặt không đúng chỗ. Thần may mắn lúc nào cũng tìm cách tránh né tôi. Bố rời khỏi nhà trước. Còn lại tôi ngồi một mình giữa một trong ba chiếc ghế, bên chiếc bàn vuông làm bằng gỗ sồi, mắt nhìn quanh gian bếp nhỏ nhắn của bố: những bức tường có đóng ván ô sẫm màu, mấy chiếc tủ màu vàng tươi và tấm thảm phủ sàn nhà trắng toát. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Cách đây tám năm, chính mẹ đã tự tay sơn lại mấy chiếc tủ nhằm đem lại chút vui tươi cho căn nhà. Cạnh gian bếp là phòng sinh hoạt gia đình chỉ nhỏ như chiếc khăn tay, trong phòng vẫn là chiếc lò sưởi cũ, bên trên nó cũng vẫn là một hàng các bức ảnh. Tấm ảnh đầu tiên là ảnh cưới của bố Charlie và mẹ chụp ở Las Vegas, tấm thứ hai là cả ba chúng tôi đang ở bệnh viện, sau khi tôi ra đời, ảnh do bà đỡ chụp, tiếp theo là các tấm ảnh chụp tôi ở trường theo từng năm, kết thúc là tấm ảnh chụp ở trường năm ngoái. Xem lại tất cả mà lòng nao nao - tôi sẽ phải lựa lời nói với bố để bố cất tất cả các tấm ảnh ấy đi, ít nhất thì cũng là trong khoảng thời gian tôi có mặt ở Forks.

Sống trong căn nhà này, thật không có gì khó khăn để nhận ra rằng bố đã chẳng bao giờ quên mẹ. Điều đó làm cho tôi cảm thấy không thoải mái.

Tôi không muốn đến trường quá sớm, cũng không muốn ở nhà thêm chút nào nữa. Khoác chiếc áo lạnh lên người, mà có cảm giác cứ như là đang mặc áo phòng chống hơi độc, tôi bước ra ngoài màn mưa.

Vẫn là cơn mưa phùn, chưa đủ lớn để có thể làm tôi ướt sũng trong lúc lần tay lấy chiếc chìa khóa nhà luôn được giấu dưới mái hiên gie ra chỗ cửa trước và khóa cửa lại. Tiếng giày ống lội nước bì bõm nghe thật chán. Tôi thèm làm sao được nghe thấy tiếng lạo xạo khi bước đi trên sỏi. Tôi không thể dừng lại mà ngắm nghía chiếc xe tải, dù rất muốn; tôi đang vội vã thoát khỏi màn sương mù ẩm ướt đang lượn lờ trên đầu tôi, luồn vào mái tóc của tôi dưới chiếc mũ trùm đầu.

Trong xe tải thật khô ráo và dễ chịu. Có thể hiểu là ông Billy hoặc là bố đã lau chùi nó một cách cẩn thận, sạch sẽ; tuy nhiên, lớp da bọc ghế màu nâu vẫn còn phảng phất mùi thuốc lá, mùi xăng và mùi bạc hà. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì động cơ của chiếc xe khởi động rất nhanh, thế nhưng nó lại kêu rất to, vang lên ầm ầm trong không gian và từ từ lăn bánh ở âm lượng to nhất. Trời ơi, cái xe tải cổ lỗ sĩ này sắp "vào viện bảo tàng" rồi. Còn cái radio xưa lơ xưa lắc đang hoạt động này nữa, lại thêm một thứ mà tôi chẳng trông đợi gì được.

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Chương 1 (D)

Trường học không khó tìm lắm, dù rằng tôi chưa lần nào đặt chân tới đó. Ngôi trường này, cũng giống như mọi ngôi trường khác, nằm cách xa đường quốc lộ. Ban đầu, tôi cũng không thể đoán ra đó là trường học, chỉ tới khi nhìn thấy cái bảng hiệu ghi Trường trung học Forks, tôi mới dừng lại. Toàn bộ ngôi trường tựa như một tập hợp của những ngôi nhà hình hộp diêm, được xây bằng loại gạch có màu nâu sẫm. Xung quanh trường, đầy những cây xanh, cao có, lúp xúp có. Cây cối nhiều đến độ thoạt nhìn, tôi không biết được ngôi trường có quy mô lớn, nhỏ ra sao. Đâu rồi cái cảm giác bồi hồi quen thuộc? Tôi tự hỏi lòng mình một cách luyến tiếc. Hàng rào ở đâu, các máy dò kim loại đặt ở chỗ nào?

Tôi dừng xe ngay trước cửa tòa nhà thứ nhất, ở đây có một bảng hiệu nhỏ ghi dòng chữ: VĂN PHÒNG TRƯỚC - treo bên trên cửa ra vào. Chẳng thấy bóng dáng một ai, tôi chắc mẩm đây là nơi không được lui tới, tuy vậy, tôi vẫn quyết định ghé vào, thay vì phải lái xe lòng vòng quanh trường như một đứa dở hơi. Một cách miễn cưỡng, tôi bước ra khỏi buồng lái, đặt chân xuống một bậc đá nhỏ nằm cùng hàng với những bụi cây xanh thẫm. Tôi hít một hơi thật sâu trước khi mở cửa.

Trong phòng sáng hơn và ấm hơn tôi tưởng. Văn phòng khá nhỏ, khu vực ngồi chờ thì chỉ bé như cái mắt muỗi, có kê mấy cái ghế xếp, bảng quảng cáo thì lấm tấm những vệt màu cam, các thông báo cùng những bằng khen treo lộn xộn trên tường, một cái đồng hồ to kêu tích tắc thật lớn. Trong phòng để đầy những chậu cây, tựa hồ như bên ngoài chẳng có đủ cây xanh vậy. Văn phòng bị ngăn ra làm hai bởi một kệ tủ dài, để bừa bãi các sọt lưới chứa đầy giấy cùng mô hình mẫu những côn trùng biết bay gắn phía trước sọt. Phía sau kệ tủ là ba cái bàn làm việc, một phụ nữ có vóc người to lớn, tóc đỏ, đeo kính, đang ngồi ở đằng sau một trong ba cái bàn ấy. Bà ta mặc một chiếc áo sơmi ngắn tay màu đỏ tía, khiến cho tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp.

Người phụ nữ tóc đỏ ngước mặt lên.

- Tôi có thể giúp gì cho em?

- Em là Isabella Swan - Tôi giới thiệu tên của mình, và nhận ra ngay lập tức vẻ sáng rỡ trong mắt người phụ nữ. Người ta đang chờ tôi đến, vẫn là những chuyện ngồi lê đôi mách muôn thuở. Cuối cùng thì cô con gái của ngài cảnh sát trưởng với bà vợ cũ bỏ nhà ra đi, nay, đã trở về.

- Tất nhiên rồi - Người phụ nữ đáp lời tôi rồi đưa tay lật lật giở giở chồng tài liệu trên bàn, cuối cùng, bà ta cũng đã tìm ra - Tôi có lịch học của em đây, cả sơ đồ trường mình nữa - Người phụ nữ tóc đỏ để mấy tờ giấy đó lên kệ tủ, chỉ cho tôi xem.

Bà ta giở bản đồ, hướng dẫn tôi đường đến các lớp học sao cho nhanh nhất và đưa cho tôi một tờ giấy để lấy chữ ký của giáo viên vào cuối mỗi buổi học. Người phụ nữ tóc đỏ mỉm cười, hy vọng, giống như ông bố Charlie của tôi, rằng tôi sẽ yêu Forks. Và tôi cũng mỉm cười đáp lại thật tươi.

Khi tôi quay trở lại chiếc xe tải, các học sinh đã bắt đầu ùa vào trường. Tôi cho xe chạy quanh trường, theo tuyến đường dành cho giao thông. Lòng tôi chợt cảm thấy vui sướng khi nhận ra rằng hầu hết các xe ở đây đều thuộc hàng "đại thụ" như xe tôi, chẳng có chiếc nào thuộc loại "chói cả mắt". Ở nơi tôi sống trước kia, một trong những vùng có nhiều người thu nhập thấp, trong đó có cả quận Thung lũng Thiên đường, người ta thường nhìn thấy những chiếc Mercedes hay chiếc Porsche mới cáu của đám học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ở đây, chiếc xe hơi tốt nhất là chiếc Volvo sáng bóng, đang nằm lạc lõng trong bãi. Ngay khi vừa đậu xe vào đúng nơi quy định xong, tôi tắt máy ngay, kẻo cái tiếng máy nổ ầm ầm như sấm ấy lại khiến người ta chú ý tới mình.

Ngồi trong buồng lái xe tải, coi lại sơ đồ đường đi, tôi cố gắng ghi nhớ mọi chi tiết, hy vọng sẽ không phải vừa đi lòng vòng quanh trường, vừa phải chúi mũi vào cái bản đồ đó cả ngày. Tôi cho mọi thứ vào túi rồi vác lên vai, hít vào một hơi thật sâu. Mình có thể làm được, tôi tự động viên bản thân một cách yếu ớt. Sẽ chẳng có ai bắt nạt đâu. Tôi trấn an mình lần cuối, rồi bước xuống xe.

Vẫn đội cái mũ trùm trên đầu, tôi bước đi trên vỉa hè, hòa mình cùng đám đông các thanh thiếu niên khác. May thay, cái áo lạnh màu đen tuyền của tôi không hề nổi bật chút nào, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tôi đi ngang qua quán ăn tự phục vụ và dễ dàng nhận ra tòa nhà số Ba. Con số "3" rất to màu đen, nằm vuông vức trên tấm bảng trắng, được đặt ở góc tường phía đông. Mỗi bước tiến đến gần hơn cánh cửa lớp học, hơi thở của tôi lại càng trở nên dồn dập, tôi không khó khăn gì để nhận ra điều ấy. Cố gắng nín thở, tôi bước theo sau hai người mặc áo mưa đang đi vào cửa lớp.

Phòng học khá chật. Hai người đi trước tôi vừa bước qua khỏi ngưỡng cửa, dừng lại, treo áo mưa lên móc. Tôi cũng bắt chước làm y như thế. Đó là hai nữ sinh, một người có mái tóc vàng, làn da trắng muốt, người kia cũng có nước da trắng trẻo như vậy, nhưng mái tóc thì hơi nâu. Ít ra, ở đây, màu da của tôi cũng không thuộc loại "cá biệt".

Bất chợt, tôi trượt chân, vấp ngã, va ngay vào thầy giáo. Trước mặt tôi là một người đàn ông có thân hình cao ráo, hói đầu; trên bàn của thầy có một tấm biển đề tên, ghi dòng chữ: Ông Mason. Thầy giáo trố mắt nhìn tôi, rồi trông vào tên tôi một cách ngớ ngẩn - đó không phải là sự chào đón nhiệt tâm - và dĩ nhiên là mặt tôi đã đỏ lựng lên như một trái cà chua chín mọng. Dù sao thì chí ít, thầy cũng đã dẫn tôi đến một cái bàn trống ở cuối lớp, không hề giới thiệu tôi với cả lớp. Các "con ma cũ" ngoái đầu lại nhìn theo lưng tôi, rồi sau đó, họ cũng kiềm chế được nỗi tò mò của mình. Tôi lướt mắt lướt dọc theo bảng danh sách tên các tác giả sẽ phải học mà thầy giáo vừa đưa cho. Toàn những cái tên quen thuộc: Bront, Shakespeare, Chaucer, Faulkner. Tôi đã đọc hết cả rồi. Thật nhàn hạ... đến phát chán. Tôi đang tự hỏi không biết mẹ có sẽ gửi cho mình mấy bài luận văn cũ về các tác giả này không, hay mẹ lại cho rằng tôi đang đùa. Rồi cứ thế, trong đầu tôi miên man suy nghĩ đến việc sẽ phải nói sao cho mẹ hiểu, trong lúc thầy giáo ở trên kia cứ thao thao bất tuyệt với bài giảng của mình.

Chuông reo - một thứ âm thanh lanh lảnh, giọng mũi - có một anh chàng lênh khênh, ốm nhom, tóc đen nhánh, nhoài người sang bắt chuyện với tôi.

- Cậu là Isabella Swan, phải không? - Có vẻ như anh bạn này rất hay nhiệt tình giúp đỡ người khác, giống như những thành viên trong hội cờ vua.

- Bella - Tôi sửa lại. Những người ngồi trong phạm vi ba chiếc ghế quanh đấy bắt đầu quay lại nhìn tôi.

- Lớp học tiếp theo của cậu ở đâu? - Anh ta hỏi.

Tôi vội mở túi xách của mình ra kiểm tra.

- Ừm, môn Nhà nước, với ông Jefferson(3), tòa nhà số Sáu.

Giờ thì tất cả mọi người đang hiện diện trong lớp đều đổ dồn cặp mắt tò mò về phía tôi.

- Mình thì đến tòa nhà số Bốn, mình sẽ chỉ đường cho cậu... - Đích thị là người thích giúp đỡ người khác rồi - Mình là Eric - Anh ta nói thêm.

- Cảm ơn - Tôi mỉm cười gượng gạo.

Chúng tôi lấy áo khoác và bước ra ngoài, mưa lúc này đã nặng hạt hơn. Tôi dám đánh cược rằng ngay lúc này đây, có một số người đi ở phía sau tôi đang muốn rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa chúng tôi với họ, với hy vọng nghe lỏm được vài điều gì đó. Mong rằng tôi không bị mắc chứng hoang tưởng.

- Ở đây khác Phoenix lắm, phải không? - Eric gợi chuyện, hỏi.

- Khác lắm.

- Ở đó không có nhiều mưa à?

- Khoảng ba hay bốn lần một năm.

- Chà, thế thì sẽ thế nào nhỉ? - Anh bạn đi bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Ngập tràn ánh nắng - Tôi trả lời.

- Trông cậu có rám nắng lắm đâu.

- Mẹ mình bị bạch tạng.

Eric nhìn tôi áy náy, còn tôi thì không ngăn được tiếng thở dài. Có vẻ như sự nghiêm túc và tính hài hước chẳng thể nào đi chung với nhau được vậy. Mấy tháng rồi, hình như tôi đã quên, không còn dùng đến câu nói châm biếm này. Chúng tôi đi vòng trở lại quán ăn tự phục vụ, hướng đến các tòa nhà ở phía nam, chỗ gần phòng tập thể dục. Eric đưa tôi đến tận cửa ra vào, cứ như thể anh ta sợ tôi không tìm thấy, cho dù cái cửa này có ghi chú rõ ràng.

- Ừm, chúc cậu may mắn nhé - Anh ta chào tạm biệt khi tôi vừa chạm tay đến cái nắm cửa - Chắc tụi mình sẽ còn học chung ở một số lớp khác - Trong câu nói của Eric có ẩn chứa sự hy vọng.

Tôi mỉm cười một cách lơ đãng rồi bước vào trong.

Khoảng thời gian còn lại của buổi sáng hôm ấy lặng lờ trôi đi. Thầy giáo dạy môn lượng giác của lớp tôi tên là Varner - tôi không tài nào ưa nổi thầy bởi cái môn học mà thầy phụ trách - đó là người duy nhất đã bắt tôi đứng ra trước lớp để tự giới thiệu về mình. Tôi đã ấp a ấp úng, mặt mũi đỏ lựng; sau màn chào hỏi đó, tôi bước về chỗ ngồi của mình trong tình trạng chân nọ đá vào chân kia.

Sau khi đã trải qua những giờ học trong hai lớp, ở mỗi lớp, tôi bắt đầu nhớ được vài gương mặt. Chẳng qua cũng là bởi có một số người đã tỏ ra bạo dạn, chủ động đến với tôi, họ tự giới thiệu về mình rồi hỏi xem tôi có thích Forks không. Tôi cố gắng tỏ ra "xã giao" một chút, nhưng chung qui cũng chỉ là xã giao mà thôi. Ít ra, nhờ vậy mà tôi không còn phải dùng đến bản đồ nữa.

Một cô bạn ngồi cạnh tôi trong cả hai lớp lượng giác và tiếng Tây Ban Nha cùng đi ăn trưa với tôi ở quán ăn tự phục vụ. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, thấp hơn chiều cao một mét sáu mươi ba của tôi chừng bảy, tám xăngtimét, nhưng điểm khác biệt lớn giữa chúng tôi không phải là chiều cao, mà chính là cái mái tóc quăn tít, bù xù của cô. Tôi không nhớ nổi tên cô bạn tóc xù, thế nên tôi chỉ khẽ mỉm cười và gật đầu với cô ta mỗi khi nghe cô kể chuyện này chuyện nọ về các thầy, cô giáo hay về lớp học. Thật lòng mà nói, tôi cũng chẳng muốn lưu tất cả những điều ấy vào bộ nhớ của mình làm gì.

Chúng tôi ngồi vào mấy cái ghế còn trống trong quán ăn, cùng bàn với mấy "chiến hữu" của cô bạn tóc xù, tôi được giới thiệu với họ; và tôi đã quên tên họ ngay sau khi cô bạn tóc xù vừa giới thiệu xong. Xem ra, những người bạn mới này có vẻ ấn tượng về sự bạo dạn của cô bạn tóc xù khi thấy cô ta nói chuyện với tôi. Bất chợt tôi nhìn thấy ở phía bàn bên kia, anh chàng người Anh - Eric - đang vẫy tay lia lịa ra ý chào tôi.

Và lần đầu tiên tôi được trông thấy họ chính là vào lúc ấy, khi tôi đang ngồi ăn trưa và cố gắng tỏ ra hòa nhập vào cuộc tán gẫu với bảy người hiếu kỳ.

Họ ngồi ở một góc, chỗ xa tôi nhất, trong quán ăn tự phục vụ. Tất cả gồm năm người. Họ chẳng chuyện trò, mà cũng chẳng hề đụng tay tới cái khay đựng khẩu phần, trước mặt mỗi người, khay thức ăn vẫn đầy y nguyên như lúc mới mang ra. Chẳng có ai trong số họ lại trố mắt ra nhìn tôi một cách ngớ ngẩn như hầu hết học sinh ở đây, vì thế, tôi có thể tự do quan sát họ mà không phải e ngại những cặp mắt kia sẽ nhìn đáp trả lại mình. Không, không hề có một ai biết đến điều đang thu hút sự chú ý của tôi lúc này cả.

Cứ nhìn năm người họ mà xét thì chẳng thấy ai có nét gì khả dĩ giống nhau. Ba người trong số ấy, có một người to con, lực lưỡng, y như một vận động viên cử tạ hạng nặng, tóc đen, quăn. Người kia cao hơn, ốm hơn, nhưng cũng vạm vỡ, có mái tóc màu vàng mật ong. Người thứ ba thì gầy và cao lêu đêu, tóc anh ta màu đồng, bù xù. Anh ta trông trẻ hơn rất nhiều so với những người kia - những người có thể đã vào đại học, hoặc thậm chí đang là giáo viên cũng nên, khó có thể nói họ đang còn là học sinh trung học.

Hai người còn lại trong số ấy là hai cô gái đang ngồi ở phía đối diện. Một trong số hai cô gái ấy có vẻ đẹp như tượng. Cô ta sở hữu một thân hình có chiều cao và đường nét không khác những người mẫu trong các ảnh chụp in trên trang bìa của Tạp chí thể thao, số có chuyên đề về quần áo tắm một mảnh của phụ nữ. Nếu có ai đó cùng phái mà ngồi cạnh cô ta, hẳn sẽ phải ghen tỵ hoặc tủi thân tủi phận trước vẻ đẹp đáng mơ ước ấy. Tóc cô gái màu vàng, ngọn tóc chấm ngang lưng hơi uốn dợn thành làn sóng. Cô gái ngồi bên thì có vóc người thấp bé, mảnh khảnh, gương mặt nhỏ nhắn, trông như một nàng tiên bước ra từ truyện cổ tích. Cô gái này có mái tóc đen nhánh, cắt ngắn, lỉa chỉa ra mọi hướng.

Tuy nhiên, năm người họ lại rất giống nhau, nếu có thể nói như vậy. Tất cả bọn họ đều có làn da trắng như thoa phấn, trắng hơn bất kỳ một học sinh nào khác trong thị trấn không có ánh nắng mặt trời này. Họ trắng hơn cả tôi, một kẻ có làn da không bao giờ bị bắt nắng. Cả năm người đều có đôi mắt rất đen, bất kể màu tóc của họ màu gì. Và... bên dưới mỗi đôi mắt ấy là những vết quầng - màu đỏ tím, giống những quầng thâm thường thấy ở dưới mắt. Trông họ cứ như những kẻ vừa mới trải qua một đêm mất ngủ hay là mới bị "nện" cho vỡ mũi xong. Ngoại trừ chiếc mũi ra, gương mặt của họ rất cân đối, xương xương và hoàn hảo.

Dù sao đi nữa, tất cả những chi tiết trên cũng chưa phải là nguyên nhân chính khiến tôi cứ dán mắt vào họ.

Sở dĩ tôi không thể rời mắt khỏi năm học sinh nọ là bởi gương mặt của họ quá khác biệt nhau, nhưng đồng thời lại rất giống nhau, tất cả đều mang một vẻ hoang dại đến ấn tượng. Đó là những gương mặt mà trong cuộc sống đời thường, ta chẳng bao giờ nhìn thấy, ngoại trừ khi xem các ảnh chụp người mẫu phun sơn hóa trang của một tạp chí thời trang nào đó, hay khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tạo hình gương mặt thiên sứ của một chuyên gia trang điểm. Nhìn họ, khó có thể xác định được ai là người đẹp nhất - có thể là cô gái tóc vàng không có lấy một nét khiếm khuyết, cũng có thể là anh chàng có mái tóc màu đồng kia.

Ánh mắt của năm người dõi theo các hướng khác nhau - không ai nhìn ai, cũng chẳng nhìn vào học sinh nào, hay chú mục vào một cái gì cụ thể. Trong lúc tôi đang quan sát như vậy thì cô gái nhỏ nhắn đứng lên, bưng theo khay thức ăn - gồm có nước soda chưa khui, một trái táo còn nguyên vẹn - bỏ đi; bước đi của cô ta nhanh thoăn thoắt như thể đang bước xuống đồi. Tôi cứ nhìn theo, thầm ngạc nhiên về đôi chân uyển chuyển như một diễn viên múa ấy mãi cho đến khi cô ta cất cái khay rồi lẻn ra ngoài theo lối cửa sau, nhanh như cắt. Cô gái hoàn toàn mất hút, không để lại một dấu vết nào; tôi phóng tầm mắt đến những học sinh còn lại, bốn người họ vẫn đang ngồi yên, bất động.

- Mấy người đó là ai vậy? - Tôi hỏi cô bạn cùng học chung lớp tiếng Tây Ban Nha mà tên của cô ta thì tôi đã không tài nào nhớ nổi.

Cô bạn tóc xù ngước mắt lên nhìn nhóm người vừa được tôi đề cập đến - hình như qua giọng nói của tôi, cô ta đã hiểu ngay lập tức là tôi muốn nói về những ai. Bất thình lình, anh chàng ốm nhất, người trông có vẻ trẻ nhất, cũng có lẽ là ít tuổi nhất, nhìn sang phía bạn tôi. Anh ta chỉ thoáng nhìn lướt qua cô bạn của tôi trong một giây, rồi đôi mắt đen lay láy ấy chuyển liền sang phía tôi.

Đột nhiên, anh ta lại chuyển hướng nhìn sang chỗ khác, toàn bộ sự việc này diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức tôi không kịp có phản ứng nào, mà chỉ vừa mới chớp mắt vì bối rối, ngượng ngùng mà thôi. Sau cái nhìn chớp nhoáng đó, gương mặt anh ta chẳng biểu lộ cảm xúc gì - như thể cô bạn tôi vừa gọi tên anh ta, anh ta đã ngước mắt lên theo phản ứng, nhưng rồi quyết định không lên tiếng trả lời vậy.

Cô bạn tóc xù của tôi cũng có vẻ bẽn lẽn, nhưng rồi lại phá lên cười khúc khích và nhìn sang một bàn khác như tôi.

- Đó là Edward và Emmett Cullen, Rosalie và Jasper Hale. Người vừa mới đi khỏi là Alice Cullen; mấy người đó sống chung với bác sĩ Cullen và vợ ông ta - Cô bạn khẽ khàng giải thích.

Tôi liếc mắt nhìn sang người bảnh trai nhất trong nhóm, lúc này đây, anh ta đang nhìn xuống khay thức ăn của mình, những ngón tay dài, trắng muốt nhặt các chiếc bánh vòng nhỏ lên. Anh ta nhai rất nhanh, đôi môi hoàn hảo chỉ hơi mở ra. Ba người còn lại vẫn nhìn sang hướng khác, tuy vậy, tôi vẫn có cảm giác là anh ta đang nói chuyện gì đó với họ.

Thật lạ, tôi chợt nghĩ, những cái tên không phổ biến chút nào. Đấy là kiểu tên chỉ có trong thời ông bà tôi mà thôi. Chẳng lẽ đấy là "mốt" ở đây - những cái tên tỉnh lẻ? Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra được tên cô bạn ngồi cạnh mình là Jessica, một cái tên rất thông thường. Trong lớp lịch sử của tôi ở trường cũ, có tới hai người cùng mang tên Jessica.

- Họ... cũng khá xinh - Tôi buông lời nhận xét.

- Ừ! - Jessica đồng ý với tôi bằng một tràng cười khúc khích khác - Bọn họ theo cặp đấy... Ý mình là Emmett và Rosalie, Jasper và Alice. Họ sống chung - Giọng nói của cô bạn tóc xù tràn đầy cảm xúc, mang hàm ý chỉ trích thường thấy ở tỉnh lẻ. Trong bụng, tôi đánh giá hơi thấp điều ấy. Nhưng công tâm mà nói, ngay cả ở Phoenix, người ta cũng thường hay bàn tán xôn xao những chuyện như vậy lắm.

- Ai là Cullen? - Tôi hỏi - Không thấy họ có nét gì giống...

- Ừ, đúng vậy. Bác sĩ Cullen còn rất trẻ, khoảng hai mươi mấy, ba mươi tuổi thôi. Tất cả họ đều được nhận về nuôi. Hale là anh em sinh đôi, một trai, một gái, là cặp tóc vàng ấy. Họ là con nuôi.

- Mình thấy họ đã quá lớn để làm con nuôi rồi.

- Hiện thời thì Jasper và Rosalie đều đã mười tám tuổi, nhưng họ đã ở với bà Cullen từ năm lên tám. Bà ta là cô hoặc dì gì đấy của họ thì phải.

- Ông bà bác sĩ quả là những người tốt khi quyết định chăm nom cho từng ấy đứa trẻ, nhất là khi họ còn quá trẻ, trẻ về mọi thứ.

- Có lẽ là vậy - Jessica thừa nhận một cách miễn cưỡng, khiến tôi có cảm giác rằng hình như cô ta không thích vợ chồng bác sĩ vì một lý do nào đó. Trước cái nhìn mà cô bạn tóc xù đang dành cho những học sinh được nhận làm con nuôi kia, tôi đoán lý do đó là lòng đố kỵ - Mình nghĩ, bà Cullen không thể sinh con - Jessica nói thêm, như để hạ thấp lòng tốt của ông bà bác sĩ.

Trong suốt cuộc nói chuyện đó, mắt tôi vẫn không rời chiếc bàn của gia đình người lạ nọ. Họ vẫn nhìn đăm đăm vào mấy bức tường, không hề ăn uống gì.

- Họ vẫn luôn ở Forks hả bồ? - Tôi lại hỏi. Lẽ ra tôi đã phải trông thấy họ trong mấy mùa hè tôi ở đây rồi mới phải.

- Không - Jessica trả lời một cách chắc nịch, như thể cô ta muốn nhấn mạnh rằng họ cũng là "ma mới" như tôi - Bọn họ chỉ mới chuyển xuống vùng này đâu được hai năm, từ một vùng nào đó ở Alaska.

Trong lòng tôi bỗng dậy lên một niềm trắc ẩn, xót xa. Trắc ẩn là bởi họ xinh đẹp, gây ấn tượng như vậy mà vẫn bị xem là những người ngoài và rõ ràng là không được chào đón. Xót xa là bởi ở đây, không phải chỉ có tôi mới là "lính mới", song, riêng tôi thì lại chẳng có được lấy một "tiêu chuẩn" nào để gọi là có tí chút cuốn hút cả.

Trong lúc tôi đang mải ngắm nhìn nhóm học sinh nọ như vậy, người trẻ nhất bọn, một trong những người mang họ Cullen, đã ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt của tôi, lần này thì anh ta ngạc nhiên thấy rõ. Khi tôi vội vã chuyển hướng nhìn sang chỗ khác thì hình như trong đôi mắt của anh ta có lộ ra một điều gì đó giống như nỗi thất vọng.

- Cái anh chàng có mái tóc nâu đỏ kia là ai vậy? - Vừa hỏi Jessica, tôi vừa đưa mắt liếc trộm anh ta và nhận ra rằng anh ta vẫn đang đăm đăm nhìn mình, nhưng không phải là bằng đôi mắt trố ra một cách ngớ ngẩn như những học sinh khác, mà là bằng đôi mắt đang phảng phất một nỗi trông chờ tuyệt vọng. Tôi lại cụp mắt xuống.

- Đó là Edward. Anh ta quá đẹp trai, tất nhiên rồi, nhưng đừng có phí thời gian. Anh ta sẽ không hẹn hò đâu. Hình như chẳng có bạn gái nào xứng đôi với anh ta cả - Jessica tặc lưỡi như ăn phải nho chua. Có lẽ cô ta đã từng bị Edward từ chối.

Tôi mím môi để không phải bật cười, rồi nhìn lại Edward lần nữa. Lúc này, anh ta đã quay mặt đi, nhưng gò má thì hơi nhô lên như thể anh ta cũng đang mỉm cười.

Vài phút sau, bốn người còn lại bỏ đi. Bốn người họ thật sự quá cuốn hút - ngay cả cái anh chàng to lớn, vạm vỡ cũng vậy. Giờ thì không còn gì để quan sát nữa. Anh chàng có cái tên Edward cũng không hề ngoái lại nhìn tôi thêm một lần nào.

Tôi vẫn phải ngồi với Jessica và đám bạn của cô ta, nếu chỉ ngồi một mình thôi thì tôi đã không ngồi lâu đến thế. Tôi đang lo, không muốn mình phải vào lớp trễ trong ngày đầu tiên đi học. May sao, một cô bạn khác tôi mới quen tên là Angela đã đến nhắc tôi rằng tiết học tới, chúng tôi sẽ học chung ở lớp sinh học II. Thế là tôi rời bàn, cùng đi với Angela đến phòng học, chằng ai nói với ai lời nào. Angela cũng rụt rè, nhút nhát như tôi.

Vào đến lớp học, Angela chọn chỗ ngồi ở bàn thí nghiệm có trải nhựa, giống như tôi ngày trước. Angela đã có bạn ngồi cạnh. Thật ra, tất cả các bàn đều đã có người ngồi, chỉ duy nhất còn có một chỗ trống ở cái bàn giữa lớp, ngay sát bên cạnh lối đi. Tôi nhận ra Edward Cullen, nhờ mái tóc đặc biệt của anh ta, và bên cạnh Edward chính là cái chỗ trống duy nhất đó.

Trong lúc đi xuống phía cuối lớp để giới thiệu mình với giáo viên phụ trách lớp và để thầy giáo ký tên vào tờ giấy lấy chữ ký giáo viên của mình, tôi đã lén nhìn Edward. Khi tôi đi qua, anh ta đột nhiên như bị ghim chặt xuống ghế. Edward chằm chằm nhìn tôi bằng một vẻ mặt vô cùng kỳ lạ - đó là một vẻ mặt thù địch và giận dữ, tôi vội vã quay đi, sửng sốt, mặt lại đỏ lựng lên. Tôi vấp phải một quyển sách nằm chình ình trên lối đi, rồi va đầu vào cạnh bàn. Một cô gái ngồi ở ngay đấy bật cười khúc khích.

Tôi nhận ra đôi mắt của Edward rất đen - đen như than.

Thầy Banner ký tên vào tờ giấy của tôi rồi đưa cho tôi một quyển sách, thầy không đả động gì đến việc tôi phải giới thiệu này nọ. Tôi chỉ có thể nói là rồi đây chúng ta sẽ hợp tác tốt. Và dĩ nhiên, thầy giáo không còn sự chọn lựa nào khác hơn là dẫn tôi đến chỗ ngồi còn trống ở ngay giữa lớp. Tôi cúi gằm mặt xuống khi đi đến cái chỗ ngồi bên cạnh Edward, bối rối trước cái nhìn chòng chọc thiếu thiện cảm mà anh ta đang dành cho tôi.

Đặt quyển sách lên bàn, bước vào chỗ ngồi rồi, mà tôi vẫn chưa dám ngước mặt lên, nhưng khi liếc nhìn trộm Edward, tôi thấy anh ta đã thay đổi tư thế. Edward né người ra xa khỏi tôi, xích ra tới tận cạnh ghế và ngoảnh mặt đi như vừa ngửi thấy một mùi gì đó khó chịu. Một cách kín đáo, tôi kiểm tra lại mái tóc của mình. Quả thật, tôi chỉ nhận ra mỗi một mùi dâu, mùi thơm của loại dầu gội tôi yêu thích mà thôi. Đó là một mùi hương dễ chịu cơ mà. Tôi cứ để tóc rũ qua bờ vai phải, tạo thành một vạch ngăn cách đen tuyền giữa hai chúng tôi, và tôi hết sức cố gắng chú ý vào bài giảng của thầy giáo.

Không may cho tôi, bài học hôm nay có chủ đề về cấu tạo tế bào, bài này, tôi đã học rồi. Dù sao thì tôi vẫn phải ghi chép cẩn thận, tôi cúi đầu xuống.

Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn không sao ngăn mình thỉnh thoảng lại nhìn trộm gã con trai đang ngồi bên cạnh qua làn tóc rũ bên bờ vai phải của mình. Trong suốt giờ học, dáng ngồi đáng ghét của hắn không hề thay đổi, vẫn giữ nguyên cái kiểu ngồi kịch bờ ghế, càng xa tôi càng tốt. Tôi nhìn thấy bàn tay của hắn đặt trên đùi bên trái đang siết chặt lại, những đường gân bên dưới lớp da trắng muốt nổi hết cả lên. Và hắn cứ giữ cái thế căng cứng như vậy, chẳng có dấu hiệu nào của sự thư giãn. Edward mặc áo sơ-mi trắng dài tay, tay áo xắn lên đến tận khuỷu, để lộ cánh tay rắn chắc và vạm vỡ đến lạ thường. Trông hắn chẳng còn một chút nào cái vẻ mảnh khảnh như khi hắn ngồi ở bên cạnh người anh trai vai u thịt bắp lúc nãy nữa.

Dường như giờ học này kéo dài hơn những giờ học khác. Phải chăng vì bởi đây là giờ học cuối cùng phải ngồi trong lớp hay bởi tôi đang trông chờ cái nắm tay kia thả lỏng ra? Edward vẫn ngồi yên lặng như không hề hít thở. Hắn ta đang có điều gì bất ổn chăng? Có lẽ nào đây lại là lối cư xử thông thường của Edward? Tôi bắt đầu nghiền ngẫm lại câu nói của Jessica trong buổi ăn trưa. Hình như cô bạn tóc xù không hề có ác cảm với Edward như tôi từng nghĩ.

Không biết cách cư xử như thế nào cho phải với tôi, rõ ràng là Edward không hề biết tí gì về con gái.

Tôi lén nhìn Edward thêm lần nữa và cảm thấy ân hận. Hắn ta đang nhìn tôi, đôi mắt đen chứa đầy vẻ sợ hãi. Tôi cảm thấy nao lòng, bắt đầu thu người lại trên ghế, bất chợt câu nói "nếu nhìn, sẽ giết" vang lên trong đầu tôi.

Ngay lúc ấy, tiếng chuông hết giờ vang lên thật lớn, khiến tôi muốn nhảy dựng lên, còn Edward Cullen thì vội vàng nhao ra khỏi ghế. Khi đứng dậy, trông Edward cao hơn tôi tưởng, hắn ta quay lưng về phía tôi rồi lao nhanh ra khỏi cửa, trước tất cả những người khác cũng vừa mới bước ra khỏi chỗ ngồi.

Tôi ngồi như trời trồng trên ghế, ngây người nhìn Edward. Hắn ta thật xấu, thật không công bằng. Tôi bắt đầu thu dọn tất cả các dụng cụ làm thí nghiệm một cách chậm rãi, cố gắng kìm nén cơn tức giận đang dâng lên, chỉ chực trào ra thành nước mắt. Chuyện gì cũng vậy, tâm trạng của tôi luôn luôn được nối với tuyến lệ thì phải. Mỗi khi tức giận là tôi lại khóc, thật xấu hổ.

- Cậu là Isabella Swan phải không? - Có một giọng nam sinh cất tiếng hỏi.

Tôi ngước mặt lên và nhận ra một chàng trai có gương mặt trẻ con, rất đáng yêu với mái tóc vàng nhạt được vuốt keo một cách cẩn thận, tạo thành hình những gai nhọn, đang nhìn tôi, mỉm cười thân thiện. Rõ ràng là anh ta không hề phát hiện ở nơi tôi có mùi hương gì lạ.

- Bella - Tôi mỉm cười sửa lại.

- Mình là Mike.

- Chào Mike.

- Cậu có cần mình giúp đến lớp học giờ tiếp theo không?

- Bây giờ mình còn phải đến phòng tập thể dục. Mình nghĩ là tự mình có thể tìm được.

- Mình cũng phải đến đấy đấy - Hình như anh chàng có vẻ run lên vì phấn chấn, dù rằng sự trùng hợp này chẳng có gì là đặc biệt trong một ngôi trường bé tí tẹo như thế này.

Chúng tôi cùng nhau đến lớp mới; Mike nói rất nhiều - mà hầu như chỉ có anh ta là độc thoại mà thôi, như vậy càng dễ cho tôi. Mike đã từng sống ở California đến năm lên mười tuổi, vì thế, anh ta hiểu như thế nào là một người đã sống dưới ánh nắng mặt trời. Hóa ra Mike cũng học chung với tôi ở lớp quốc văn. Hôm nay, anh ta chính là người tốt nhất mà tôi gặp.

- Bộ cậu dùng bút chì hay cái gì đâm Edward Cullen hả? Mình chưa bao giờ thấy hắn ta cư xử như vậy.

Tôi rùng mình. Thì ra không chỉ có tôi mới chú ý thấy điều đó. Vậy ra đó không phải là lối cư xử thông thường của Edward Cullen. Tôi quyết định hỏi thẳng.

- Có phải là người ngồi cạnh mình trong lớp sinh học không? - Tôi thật thà hỏi.

- Ừ - Mike trả lời - Nhìn hắn ta cứ như đang bị đau hay là đang có gì không ổn ấy.

- Mình không biết - Tôi trả lời - Mình chưa khi nào nói chuyện với hắn ta.

- Hắn ta cổ quái lắm - Mike cứ nấn ná nói chuyện với tôi chứ không bước đến phòng thay quần áo - Nếu mình có được may mắn ngồi cạnh cậu, nhất định mình đã trò chuyện với cậu rồi.

Tôi mỉm cười với Mike trước khi bước đến phía phòng thay quần áo dành cho nữ. Anh chàng thật thân thiện và rõ ràng là đang để ý đến tôi. Tuy nhiên, điều đó chẳng làm cho tôi quên được chuyện bực bội vừa rồi.

Thầy giáo dạy môn thể dục của tôi, thầy Coach Clapp, tìm cho tôi một bộ đồng phục nhưng không bắt tôi phải chơi hôm nay. Ở trường cũ của tôi, người ta chỉ bắt học thể dục có hai năm. Thế mà ở đây, thể dục là môn bắt buộc phải học những bốn năm. Forks đúng là địa ngục trần gian của tôi.

Tôi dõi mắt nhìn theo bốn trận đấu bóng chuyền diễn ra cùng một lúc. Chợt nhớ lại những lần bị thương khi cứu bóng và đánh bóng - trong lúc chơi bóng chuyền - mà tôi muốn phát bệnh.

Tiếng chuông cuối cùng rồi cũng vang lên. Tôi chậm rãi lê bước về phía văn phòng để giải quyết cho nốt mấy cái vụ giấy tờ. Mưa đã tạnh nhưng gió vẫn còn mạnh và lạnh hơn trước. Tôi co người lại, tự vòng tay ôm lấy mình.

Vừa dợm bước vào căn phòng ấm áp, tôi đã phải quay ngay người lại, bước ngược ra ngoài.

Edward đang đứng ở bàn làm việc ngay trước mặt tôi. Một lần nữa, tôi nhận ra hắn ta qua mái tóc màu đồng rối bù. Hình như Edward không nghe thấy tiếng bước chân của tôi. Tôi đứng áp lưng vào tường, chờ đợi đến lượt mình.

Edward đang trao đổi gì đó với với nhân viên văn phòng bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm. Và tôi nhanh chóng nắm bắt được nguyên nhân của cuộc trao đổi này. Hắn ta đang xin phép đổi giờ học thứ sáu - giờ sinh học - vào một giờ khác, giờ nào cũng được.

Tôi không thể tin được rằng nguyên nhân là do mình. Phải là do một điều gì đó khác chứ, một chuyện gì đó đã từng xảy ra trước khi tôi bước chân vào phòng sinh học mới phải. Chỉ cần nhìn vẻ mặt của Edward thôi, cũng đủ hiểu chuyện này rất trầm trọng. Nhưng không thể nào mà cái anh chàng lạ lẫm này lại vô duyên vô cớ ghét tôi đến như thế được.

Cánh cửa ra vào lại mở ra lần nữa, cơn gió lạnh buốt xương mau chóng lùa vào phòng, giấy tờ trên bàn làm việc bị xáo tung, loạt xoạt, mái tóc của tôi cũng bị thổi tung lên, quấn hết cả vào mặt. Cô gái mới vừa bước vào, tiến đến bên bàn làm việc, chỉ thực hiện mỗi động tác là bỏ một tờ giấy vào sọt lưới rồi đi ra. Tấm lưng của Edward Cullen bỗng gồng lên, hắn ta chậm rãi xoay người lại và nhận ra tôi - gương mặt Edward điển trai một cách "đáng ghét" - với đôi mắt sắc sảo chứa đầy nỗi bực bội. Nỗi sợ hãi trong tôi lại dâng lên, tràn cả ra lỗ chân lông trên tay. Cái nhìn chỉ diễn ra đúng một giây, nhưng nó lại khiến cho tôi đông cứng hơn cả cơn gió lạnh ban nãy. Edward quay lại phía cô nhân viên văn phòng.

- Thôi cô ạ - Edward nói vội, giọng êm mượt như nhung - Em thấy điều này cũng khó mà thực hiện được. Cảm ơn cô - Nói rồi, Edward quay gót, chẳng hề nhìn tôi thêm một lần. Hắn ta biến mất sau cánh cửa ra vào.

Một cách từ tốn, tôi đi lại phía bàn làm việc, mặt trở nên trắng bạch, không còn đỏ lựng như hồi nào nữa, tôi đưa cho cô nhân viên văn phòng tờ giấy có các chữ ký của giáo viên.

- Ngày đi học đầu tiên của em thế nào, cô bé? - Giọng nói của cô nhân viên văn phòng nghe thật hiền như giọng của một người mẹ.

- Dạ tốt ạ - Giọng tôi ỉu xìu, tôi đã nói dối. Và có vẻ như cô nhân viên văn phòng cũng không tin cho lắm.

Khi bước đến bên chiếc xe tải, tôi mới nhận ra rằng đây là chiếc xe cuối cùng còn đậu trong bãi. Cảnh vật xung quanh hiện ra trước mắt tôi chẳng khác gì một nơi trú ẩn, và cái vật dụng thân thiết nhất của tôi đang núp mình trong cái hố xanh lục. Tôi ngồi thừ người ra trong xe tải mất một lúc, mắt hướng ra ngoài ô cửa kính chắn gió, thẫn thờ. Nhưng cũng chỉ được một lúc thôi, vì ngay sau đó, tôi mau chóng cảm nhận được cái lạnh đang từ từ kéo đến, đã đến lúc phải bật hệ thống sưởi rồi; tôi đưa tay vặn chìa khóa, động cơ xe nổ giòn. Tôi lái xe về thẳng nhà của bố Charlie, suốt dọc đường, tôi cứ cố ngăn những giọt nước mắt chỉ chực chờ tuôn rơi.

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Dịch giả: Tịnh Thủy

Chương 2

Quyển sách để mở

- Ngày hôm sau có khá hơn... nhưng cũng tệ hơn. Khá hơn vì trời không mưa, dù cho các đám mây có tụ lại và đục ngầu. Điều này thuận tiện hơn cho tôi, bởi tôi đang trông chờ ngày này. Mike đến ngồi cạnh tôi trong lớp quốc văn, và anh chàng đã đưa tôi đi đến lớp học tiếp theo.

Lần nào cũng vậy, hễ thấy chúng tôi là "ông trong hội cờ vua" Eric lại nhìn theo Mike chằm chằm; khiến tôi lại được dịp lên mặt một tí. Mà hôm nay, người ta không còn dòm ngó tôi nhiều như hôm qua nữa. Buổi trưa, tôi đi ăn cùng nhóm bạn, có Mike, Eric, Jessica và thêm vài người khác - đến giờ, tên và gương mặt của họ, tôi đều đã thuộc nằm lòng. Tôi bắt đầu có cảm giác là mình đã có thể bơi đứng được rồi, không còn cảm giác đuối như trước nữa.

Điều tệ hại là tôi vẫn còn cảm giác mệt lử; tôi vẫn không thể nào ngủ được với tiếng gió gào thét quanh nhà. Bực bội hơn nữa bởi vì tôi không hề giơ tay xung phong lên bảng, thế mà vẫn bị thầy Varner chỉ định, khiến tôi trả lời sai be bét. Còn chuyện trớ trêu nữa là tôi phải chơi bóng chuyền, và trong lúc loay hoay đỡ bóng, tôi đã để thế nào mà bóng phang ngay vào đầu một đồng đội của mình. Và điều tệ nhất, đó chính là Edward Cullen không đến trường.

Suốt cả buổi sáng, tôi cứ nghĩ đến bữa ăn trưa mà sợ, sợ đôi mắt kỳ lạ của hắn ta dành cho mình. Một phần trong tôi muốn đối diện trước Edward mà hỏi xem hắn ta đang gặp phải chuyện gì. Khi còn nằm trằn trọc trên giường, tôi đã cố gắng mường tượng ra trong đầu những gì cần phải hỏi. Tuy nhiên, tôi thừa biết một điều rằng tôi cần phải can đảm lắm mới mong thực hiện được điều đó. Tôi phải biến con sư tử nhút nhát trong mình thành một "kẻ hủy diệt" thì mới được.

Thế mà khi đi cùng với Jessica bước vào quán ăn tự phục vụ - dù đã cố gắng không đưa mắt về phía nơi Edward vẫn ngồi, nhưng rồi cuối cùng cũng không kìm nổi lòng mình - tôi nhận ra bốn anh chị em của Edward đang ngồi cùng một bàn, còn Edward thì không thấy bóng dáng đâu cả.

Mike chặn chúng tôi lại và dẫn đến bàn của anh chàng. Jessica phấn chấn hẳn lên vì cảm thấy được quan tâm, đám bạn của cô ta nhanh chóng nhập vào bọn chúng tôi. Cả bọn vui vẻ trò chuyện. Nhưng không hiểu sao, dù đã hết sức cố gắng chú tâm lắng nghe câu chuyện của các bạn, tôi vẫn không cảm thấy thoải mái chút nào, tôi cứ canh cánh trong lòng, lo lắng, chờ đợi kẻ "đáng ghét" kia tới. Tôi hy vọng rằng khi đến, hắn sẽ không chú ý đến tôi, nhưng mọi suy đoán của tôi đều trật hết.

Edward không đến, thời gian càng trôi đi, các dây thần kinh của tôi càng trở nên căng cứng.

Bước đến lớp sinh học, bỗng nhiên tôi thấy tự tin hơn, giờ ăn trưa kết thúc rồi mà vẫn chẳng thấy cái gã lạnh lùng ấy ló mặt. Mike vẫn nhiệt tình đi bên tôi, anh chàng cứ huyên thuyên mãi về những chiến công của chú chó tha mồi quý hóa của mình. Đến nơi, tôi nín thở, Edward Cullen vẫn không có mặt trong lớp. Thở phào nhẹ nhõm, tôi ngồi vào chỗ của mình. Mike vẫn bước theo sau, lúc này, đề tài của Mike là dự định về chuyến đi chơi biển sắp tới. Rồi anh chàng nhìn tôi, mỉm cười một cách tiếc nuối và ngồi xuống bên cạnh một cô gái có mái tóc uốn dợn sóng, cột dây brơten nhưng trông chẳng đẹp chút nào. Có lẽ tôi sẽ phải làm một điều gì đó cho Mike, song quả thật là không dễ dàng. Ở những thị trấn kiểu như vầy, nơi mọi người "tối lửa tắt đèn có nhau", thì cách cư xử vô cùng quan trọng. Trong khi đó, tôi chưa bao giờ khéo léo trong quan hệ với bất kỳ ai; tôi không biết phải đối xử sao cho phải đối với những người bạn trai quá nồng nhiệt.

Dù sao, gã Edward nghỉ học, tôi cũng cảm thấy khuây khỏa được phần nào vì chỉ ngồi có một mình. Tôi cứ nhai đi nhai lại cái điều ấy để tự an ủi mình. Vậy mà tôi vẫn không thể tống khứ ra khỏi đầu cái ý nghĩ rằng vì bản thân mình mà Edward không đến lớp nữa. Xét cho cùng thì đúng là chuyện buồn cười, chẳng lẽ tôi đã tự cao tự đại đến độ làm nảy sinh cái suy nghĩ rằng chính mình đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác? Không thể như thế được. Nhưng mà sao tôi cứ mãi lo lắng về việc nếu điều đó là sự thật thế không biết.

Cuối cùng rồi một ngày học cũng trôi qua, kế tiếp sau đó là cái tai nạn bóng chuyền làm cho tôi ngượng chín cả mặt. Tôi vội vàng mặc trở lại chiếc quần jean và cái áo len dài tay màu xanh nước biển, hấp tấp chui ra khỏi phòng thay quần áo. Dẫu sao tôi cũng cảm thấy vui lên một chút khi tạm thời tránh mặt được cái ông bạn khoái góp nhặt tin tức. Bước vào bãi đậu xe đông nghịt học sinh, tôi leo vào buồng lái, lần tay vào trong túi để biết mình phải làm gì tiếp theo.

Chẳng là tối hôm qua, khi phát hiện ra rằng ngoài món trứng tráng ăn kèm với thịt xông khói, bố Charlie của tôi chẳng biết nấu nướng gì hết, tôi buộc lòng phải đề nghị rằng trong suốt thời gian tôi sống ở đây, việc bếp núc sẽ do tôi đích thân đảm nhiệm. Và bố Charlie của tôi đã hài lòng ra mặt khi quyết định giao phó việc nấu nướng cho tôi, chí ít thì cũng là như vậy. Và rồi tôi lại nhận ra là trong nhà chẳng có thực phẩm dự trữ nào ra hồn. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm được mẩu giấy ghi các thứ cần phải mua, kèm theo một ít tiền mặt mà bố vẫn hay để trong cái lọ có ghi chú: TIỀN MUA THỰC PHẨM - đặt trong tủ chén. Giờ, tôi sẽ phải lái xe đến Thriftway.

Tôi bắt đầu khởi động cái động cơ đinh tai nhức óc, mặc kệ những cái đầu ngoái lại nhìn theo. Một cách cẩn thận, tôi lùi xe ra tuyến đường dành cho xe hơi, xếp hàng, chuẩn bị cho xe ra khỏi bãi. Trong lúc vừa chờ đợi như vậy, vừa cố làm ra vẻ như cái tiếng máy nổ điếc tai ấy là của xe người khác chứ không phải của xe mình, tôi trông thấy hai anh em nhà Cullen và hai anh em sinh đôi nhà Hale đang bước vào xe hơi. Đó chính là chiếc Volvo mới cáu. Tất nhiên rồi. Trước đây, tôi không kịp chú ý đến trang phục của họ, bởi lẽ dung mạo của họ đã khiến tôi như bị thôi miên. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi họ biết cách ăn mặc cho thật trang nhã, nổi bật; giản dị thôi, nhưng có thể cảm nhận được là những bộ cánh ấy có người thiết kế hẳn hoi. Với dung mạo hút hồn người khác, cộng thêm ưu thế về tác phong ăn mặc thì dù có choàng giẻ rách đi chăng nữa, họ vẫn cứ trông lộng lẫy như thường. Họ thật là tốt số khi vừa có cả tiền tài lẫn sắc đẹp. Nhưng theo như những gì tôi biết thì đời thường là vậy, có gì toàn vẹn đâu, dẫu sao, họ cũng vẫn là những người không được hoan nghênh ở đây, hình như thế.

Không, tôi không hoàn toàn tin vào điều đó. Chính họ mới là những người đã tạo nên sự cô lập này. Tôi chưa hề thấy bất cứ một cánh cửa nào lại không mở ra để đón nhận cái đẹp cả.

Cũng như những người khác, họ nhìn theo chiếc xe của tôi khi tôi đi qua. Tôi cứ thẳng phía trước mà nhìn, cảm thấy khuây khỏa khi cuối cùng cũng đã ra khỏi sân trường.

Thriftway không xa nơi tôi học lắm, chỉ cần đi theo hướng nam thêm vài con đường, rồi ra khỏi đường quốc lộ là tới nơi. Được bước chân vào siêu thị, một cảm giác quen thuộc cũ hiện về. Tôi mua tất cả những gì cần thiết cho gia đình, vui vì mình lại được trở về với trách nhiệm thuở nào. Siêu thị ở đây cũng đủ lớn để tôi không phải nghe thấy tiếng mưa rơi tí tách trên mái như một lời nhắc nhở rằng mình đang hiện diện ở đâu.

Về đến nhà, tôi lấy tất cả các hàng hóa vừa mua được ra; thấy chỗ nào còn cất được, tôi tống hết cả vào. Hy vọng là bố không bực bội về điều này. Sau đó, tôi bọc khoai tây, cho vào lò để nướng, ngâm thịt bò vào nước xốt rồi để lên nóc hộp đựng trứng trong tủ lạnh.

Xong xuôi, tôi mang cái túi đựng sách vở lên lầu. Trước khi bắt tay vào làm bài tập, tôi phải thay quần áo cái đã. Xong, tôi mở bung mái tóc ẩm ướt vốn đang được cột theo kiểu đuôi ngựa của mình ra, rồi kiểm tra e-mail. Tôi có ba lời nhắn.

"Bella", đó là lời nhắn của mẹ...

Khi đọc được những dòng chữ này thì con phải viết thư cho mẹ ngay. Nói cho mẹ biết là chuyến bay của con như thế nào. Ở đó có mưa không? Mẹ rất nhớ con. Mẹ đã đóng gói mọi thứ để tới Florida rồi, nhưng mẹ không tìm ra cái áo cánh màu hồng. Con có biết mẹ để nó ở đâu không? Dượng Phil chào con đấy. Mẹ.

Tôi trút ra một tiếng thở dài và đọc lời nhắn tiếp theo. Lời nhắn thứ hai được gửi tới sau lời nhắn thứ nhất tám tiếng đồng hồ.

"Bella", vẫn là của mẹ viết...

Sao con vẫn chưa gửi e-mail cho mẹ? Con đang nghĩ gì vậy? Mẹ.

Và lời nhắn thứ ba được gửi vào sáng hôm nay:

Isabella.

Cho tới 5:30 chiều nay mà mẹ không nhận được tin tức gì của con thì mẹ sẽ gọi cho Charlie đấy.

Tôi kiểm tra đồng hồ. Tôi vẫn còn một tiếng đồng hồ nữa, nhưng mẹ thì vốn nổi tiếng là người thực hiện điều gì cũng làm trước lời hẹn.

Mẹ,

Mẹ hãy bình tĩnh. Con viết ngay đây. Mẹ đừng tức giận nhé.

Bella.

Gửi những lời này xong, tôi lại bắt đầu gõ vào bàn phím.

Mẹ,

Mọi thứ đều tuyệt. Tất nhiên là có mưa rồi. Con đang suy nghĩ xem phải viết gì đấy mà. Trường học không tệ chút nào, chỉ hơi chán một tí thôi. Con chơi với mấy người bạn tốt, họ thường cùng con ăn trưa.

Cái áo cánh màu hồng của mẹ ở tiệm giặt khô - người ta hẹn mẹ đến lấy vào thứ Sáu đấy.

Mẹ có tưởng tượng được không, bố Charlie mua cho con một chiếc xe tải. Con thích lắm. Nó cũ rồi, nhưng máy còn rất khỏe, mẹ ạ, nó rất tốt với con.

Con cũng rất nhớ mẹ. Con sẽ lại viết cho mẹ sớm, nhưng con không thể cứ năm phút là lại kiểm tra e-mail một lần đâu. Mẹ hãy bình tĩnh, thở đều nhé. Con yêu mẹ.

Bella.

Tôi quyết định đọc Đỉnh gió hú - tiểu thuyết văn chương Anh mà tôi hiện phải học - để giải trí, và rồi cứ thế, tôi mê mải với quyển sách mãi cho tới khi bố Charlie về đến nhà. Đã tiêu tốn khá nhiều thời gian rồi, tôi vội vã chạy nhanh xuống lầu, lấy khoai tây ra, cho thịt bò vào lò nướng.

- Bella hả? - Bố gọi khi nghe thấy tiếng chân tôi trên cầu thang.

Còn ai vào đây nữa mà bố phải hỏi! Tôi thầm nhủ.

- A, bố! Mừng bố mới trở về nhà.

- Cảm ơn con - Nói rồi bố treo cái thắt lưng có giắt súng lên, tháo đôi giày ống ra, còn tôi thì lúi húi dọn ăn trong bếp. Theo như những gì tôi biết thì chưa bao giờ bố phải rút súng ra bắn cả. Thế nhưng lúc nào bố cũng đeo theo nó ở bên mình. Hồi tôi đến đây khi còn nhỏ, cứ mỗi lần vừa bước qua khỏi ngưỡng cửa để vào nhà là bố lại tháo hết đạn. Chắc bố nghĩ tôi đã đến tuổi có thể nghịch súng rồi nên phải phòng tránh việc rủi ro tôi sẽ bắn phải mình, chứ không phải là vì tôi buồn chán mà tự kết liễu đời mình đâu.

- Tối nay mình ăn món gì vậy con? - Bố hỏi một cách dè dặt. Mẹ tôi vốn là một đầu bếp giàu trí tưởng tượng, các sản phẩm thử nghiệm của mẹ không phải lúc nào cũng ăn được. Câu hỏi của bố làm cho tôi ngạc nhiên, rồi tôi chợt nghe chạnh lòng, có vẻ như bố hay nhớ về cái quá khứ đã trở thành xưa lơ xưa lắc.

- Dạ, thịt bò và khoai tây - Tôi trả lời, và tôi thấy bố bớt căng thẳng hơn.

Đứng không trong bếp, bố trở nên lúng túng, vụng về hẳn. Sau đó, bố, trong dáng vẻ rụt rè, lầm lũi đi ra phòng khách, ngồi xem tivi, để mặc tôi tự sửa soạn bữa ăn một mình. Cách giải quyết đó mặc nhiên làm cho hai bố con cảm thấy thoải mái hơn. Trong lúc thịt bò đang chín, tôi làm món xàlách trộn dầu giấm rồi dọn ra bàn.

Sau khi đã hoàn tất, tôi mới ra mời bố vào cùng ăn. Bố hít hà, khen ngợi tôi khi vừa bước vào phòng:

- Ái chà chà! Thơm quá, Bell à.

- Con cảm ơn bố.

Rồi chúng tôi im lặng. Không phải là không cảm thấy thoải mái, mà là cả hai bố con đều thuộc mẫu người thích sự yên lặng. Thêm vào đó, còn nhiều điều khác nữa khiến tôi nhận ra rằng tôi rất hợp với việc sống chung cùng bố dưới một mái nhà.

- Thế hôm nay trường học của con thế nào? Con có nhiều bạn không? - Bố là người đầu tiên phá tan bầu không khí tĩnh lặng.

- Ừmm, con học chung vài lớp với một bạn tên là Jessica. Con hay ăn trưa với bạn ấy. Có một bạn trai tên là Mike, anh ta rất thân thiện. Mọi người rất tốt - ('Trừ một kẻ đáng ghét' - câu này, tôi chỉ thầm nhủ trong bụng).

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Chương 2 (B)

- Chắc là Mike Newton đấy - một chàng trai tốt, gia đình cũng nề nếp. Bố của cậu ta đang làm chủ một cửa hàng bán đồ thể thao ở ngoài thị trấn. Du khách ba lô nào tới đây cũng đều có thiện cảm với ông ta.

- Bố có biết gia đình Cullen không? - Tôi hỏi có phần nhát gừng.

- Gia đình của bác sĩ Cullen ấy hả? Tất nhiên. Bác sĩ Cullen là một người tốt.

- Họ... mấy người ông ta nhận nuôi... hơi kỳ cục. Hình như họ không được lòng ai.

Bố ngạc nhiên nhìn tôi, một cái nhìn đầy giận dữ.

- Những người sống trong thị trấn này thật là... - Bố càu nhàu - Bác sĩ Cullen là một nhà phẫu thuật cực kỳ tài giỏi, ông ta có khả năng làm việc ở bất kỳ bệnh viện nào khác trên thế giới này, với số lương gấp mười lần số lương mà ông ta đang nhận được ở đây nữa kìa - Bố tiếp tục nói, giọng nói trở nên to hơn - Chúng ta thật may mắn vì đã có được ông ấy, thật may mắn là vợ ông ấy muốn sống ở một thị trấn tỉnh lẻ. Bản thân bác sĩ Cullen rất thích giúp đỡ cộng đồng, còn tất cả những đứa trẻ kia cũng đều rất ngoan ngoãn và lịch sự. Thật lòng mà nói, lúc đầu, bố cũng đã từng có cảm giác ngờ ngợ khi họ mới dọn về đây, với những đứa con nuôi lớn tướng. Bố đã nghĩ rằng họ đang gặp khó khăn trong việc dạy dỗ chúng. Nhưng những đứa trẻ ấy đều đã thật sự trưởng thành, chúng không có một tì vết nào cả. Bố có thể khẳng định chúng hơn hẳn những đứa trẻ là con cháu của các ông bà, cha mẹ đã sống thâm căn cố đế ở cái thị trấn bé xíu này. Các thành viên trong gia đình nhà bác sĩ Cullen luôn gắn kết với nhau theo đúng nghĩa là gia đình. Cuối tuần nào cũng thấy họ khăn gói đi cắm trại. Chỉ tại vì họ mới tới, nên người ta cứ nói ra nói vào.

Từ nhỏ tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi được nghe một "bài tham luận" dài đến thế của bố. Hẳn bố đã rất bực mình trước những gì đụng chạm đến gia đình nhà bác sĩ Cullen.

- Họ cũng tốt với con - Tôi vội vàng rút lại những lời vừa nói - Chỉ tại con thấy họ không chơi với ai. Tất cả họ đều rất cuốn hút - Tôi nói thêm, cố gắng ca tụng những con người đang chiếm trọn cảm tình của bố.

- Con nên đến thăm bác sĩ - Bố trả lời và bật cười thành tiếng - Cuộc hôn nhân của ông ta rất tốt đẹp. Các cô y tá phải khó khăn lắm mới tập trung vào công việc được mỗi khi có mặt bác sĩ Cullen ở đó.

Chúng tôi lại rơi vào im lặng cho đến cuối bữa ăn. Bố lau bàn, còn tôi thì tự tay rửa chén đĩa, không có máy rửa chén nào cả. Xong xuôi, bố ra ngồi với cái tivi, còn tôi thì miễn cưỡng lên lầu để làm bài tập toán. Quả là một căn nhà truyền thống đúng nghĩa...

Đêm hôm ấy hoàn toàn tĩnh lặng. Tôi làm luôn một giấc đến sáng, người mệt nhoài.

Những ngày còn lại trong tuần không có gì đặc biệt. Tôi đã bắt đầu quen thuộc với tất cả các lớp. Cho đến thứ Sáu, tôi đã có thể nhận ra một cách dễ dàng, nếu không là tên thì cũng là gương mặt của hầu hết các bạn trong trường. Giờ thể dục, đồng đội của tôi không chỉ đỡ banh hộ tôi mà còn nhanh chóng di chuyển lên trước để che chắn khi đối phương nhận ra điểm yếu của tôi mà tấn công.

Edward Cullen vẫn không đến trường.

Mỗi ngày, cứ thấy anh chị em của Edward vào quán ăn tự chọn mà không thấy hắn ta đâu là tôi lại áy náy, bất an. Nhưng rồi dần dần tôi cũng nguôi ngoai, lại thanh thản nhập cuộc với nhóm bạn trong các buổi ăn trưa. Hầu hết đề tài chuyện phiếm của chúng tôi đều xoay quanh chuyến đi chơi ở bãi biển La Push vào hai tuần tới do Mike khởi xướng. Tôi được mời, và dĩ nhiên là đã đồng ý, vì lịch sự nhiều hơn là thực lòng muốn đi. Các bãi biển lúc này chắc hẳn cũng đang khô cằn và nóng bức.

Thứ Sáu, tôi đã có thể hoàn toàn tự nhiên, vui vẻ bước vào lớp sinh học mà không còn lo sợ phải chạm trán với gã Edward nữa. Theo tôi thì hắn ta đã vĩnh viễn rời khỏi trường học. Tôi cố gắng thôi không suy nghĩ nhiều đến con người đó, nhưng không thể lúc nào tôi cũng gạt được ra khỏi đầu nỗi ám ảnh rằng chính mình là nguyên nhân của sự vắng mặt ấy, dù rằng lý do này xem ra có vẻ hơi bị lố bịch.

Tuần đầu tiên của tôi ở Forks đã trôi qua một cách lặng lờ. Bố Charlie vốn không quen ở mãi trong căn nhà thường xuyên trống trải, đã dành gần hết cả tuần để đi trực. Còn tôi thì luôn dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, làm bài tập và viết cho mẹ những e-mail tràn đầy những điều vui vẻ giả tạo. Thứ Bảy, tôi lái xe đến thư viện, khổ nỗi kho sách ở đây nghèo nàn quá, khiến tôi cũng ngại làm thẻ. Tôi quyết định sẽ dành ra một ngày gần nhất để đến Olympia hay Seattle mà tìm một nhà sách thật to. Bất giác tôi nghĩ đến lượng xăng sẽ phải chi cho chiếc xe tải mà rùng mình ớn lạnh.

Đã là ngày cuối tuần rồi mà mưa vẫn rơi. Đó là những cơn mưa nhẹ nhàng và êm ả khiến tôi có thể dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ.

Sáng thứ Hai, khi vừa cho xe vào bãi, tôi đã được mọi người chào đón. Dù không thể nào biết hết được tên của các bạn học cùng trường, nhưng tôi cũng vẫn giơ tay vẫy chào và mỉm cười đáp lại. Sáng nay, thời tiết có lạnh hơn, nhưng may mà không có mưa. Trong lớp quốc văn, như thường lệ, Mike vẫn ngồi cạnh tôi. Cả lớp tổ chức một cuộc thi đố vui xung quanh tác phẩm Đỉnh gió hú. Thật dễ mà cũng thật vui.

Sau cùng, còn đọng lại nơi tôi duy nhất là một cảm giác dễ chịu và khoan khoái, thật là vượt ra khỏi tất cả những gì tôi có thể nghĩ ra, vượt ra khỏi tất cả những gì tôi có thể trông đợi ở cái nơi khỉ ho cò gáy này.

Chúng tôi cùng nhau bước ra khỏi lớp, ngoài trời đầy những hạt bông tròn, màu trắng, lất phất bay trong không gian. Tôi nghe có tiếng những người hét lên với nhau đầy phấn khích. Một cơn gió lạnh vừa sượt qua má, qua mũi tôi.

- Ôi chao - Mike trầm trồ - Tuyết đấy.

Tôi nhìn quanh, những bông tuyết trắng rơi đã lấp lối vỉa hè, chúng chao đảo, lờ đờ bay qua mặt tôi.

- Ớ.

Tuyết. Nó phá hỏng ngày vui của tôi rồi.

Mike ngó tôi chăm chăm.

- Cậu không thích tuyết à?

- Không. Nó khiến cho trời còn lạnh hơn cả lúc mưa - (Hiển nhiên rồi) - Cậu biết không, mấy cái bông tuyết ấy, mình thấy cái nào rơi xuống cũng giống như cái nào. Chúng chẳng khác gì phần đầu của mấy cái tăm bông...

- Trước đây, cậu chưa lần nào trông thấy tuyết rơi à? - Mike nhìn tôi nghi ngại.

- Tất nhiên là rồi chứ - Tôi dừng lại một lúc - trên tivi.

Mike phá ra cười ngặt nghẽo. Và rồi bất chợt có một quả bóng tuyết rất to, xốp, lóng lánh nước, bay tới, phang đánh bốp vào gáy của Mike. Cả hai chúng tôi cùng ngoái lại nhìn. Tôi nghĩ thủ phạm hẳn là Eric, vì tôi thấy anh ta đang bước đi, lưng quay về phía chúng tôi - và đó không phải là hướng dẫn đến lớp học. Hình như Mike cũng có cùng ý nghĩ như tôi. Anh chàng hơi cúi người xuống, bắt đầu vốc tuyết lên, nắn nắn.

- Mình sẽ gặp cậu vào giờ ăn trưa nhé, đồng ý không? - Vừa bỏ đi, tôi vừa nói với lại - Mọi người bắt đầu chơi cái trò ném mấy thứ ẩm ướt đó rồi, mình phải vào lớp thôi.

Mike gật đầu, trong khi mắt thì lại đang dán dính vào lưng của gã Eric đang xăm xăm bỏ đi.

Suốt cả buổi sáng, mọi người cứ thi nhau bàn tán mãi về tuyết; hình như đây là cơn mưa tuyết đầu tiên của năm mới thì phải. Tôi cứ im lặng. Ai mà chả biết là nó khô ráo hơn mưa - trừ khi nó bắt đầu tan ra trong vớ của ta thôi.

Giờ học tiếng Tây Ban Nha kết thúc, tôi lại nhanh chân bước vào quán ăn với Jessica. Khắp nơi, những quả bóng tuyết bay qua bay lại vèo vèo. Tôi đang lăm lăm trên tay một cái bìa sách cứng... dùng để phòng khi có bất trắc thì còn có cái mà đỡ. Cô bạn Jessica của tôi cho rằng tôi có tính hài hước, kỳ thực, trong thâm tâm, tôi đang có ý phòng ngừa Jessica có thể bất thình lình sẽ tặng cho tôi một quả bóng tuyết đấy.

Tôi và Jessica vừa bước đến cửa thì gặp Mike, anh chàng đã bắt kịp chúng tôi, đang cười toe toét, tóc tai bệt lại vì tuyết đang tan chảy thành dòng. Và trong lúc cả bọn đang xếp hàng chờ mua thức ăn, Jessica đã hợp cùng với Mike thi nhau liến thoắng kể về vụ chơi ném tuyết. Như một thói quen không thay đổi được, tôi lại lé mắt nhìn về phía góc bàn quen thuộc. Lạnh cứng cả người, tôi như chôn chân tại chỗ. Chiếc bàn đó hiện đang có đủ năm người.

Jessica kéo tay tôi.

- Cúc cu? Bella? Bồ chọn món gì vậy?

Tôi nhìn xuống, hai tai nóng ran. Mình chẳng có lý do gì để ngượng ngùng như vậy cả, tôi tự nhủ. Mình có làm gì sai đâu.

- Bella sao vậy? - Mike quay sang hỏi Jessica.

- Có sao đâu - Tôi trả lời - Hôm nay mình sẽ uống soda - Nói rồi, tôi vội bước lên cho kịp hàng.

- Bồ không thấy đói à? - Jessica hỏi.

- Kỳ thực là mình có hơi mệt một tí - Tôi trả lời, mắt vẫn dán xuống sàn nhà.

Chờ cho Mike và Jessica mua thức ăn xong, tôi mới cùng họ ra ngồi ở bàn, mắt vẫn không ngước lên.

Nhấm nháp từng ngụm soda, tôi nghe bụng mình sôi lên. Mike hỏi đi hỏi lại tôi tới hai lần, toàn là những câu hỏi không cần thiết, rằng tôi cảm thấy trong người thế nào. Tôi trả lời ngoài miệng là mình chẳng sao, nhưng trong bụng thì đang suy tính, không biết có nên đánh bài chuồn, chui vào phòng điều dưỡng nằm để khỏi phải học giờ sau không nữa.

Rõ thật là buồn cười. Chẳng có việc gì khiến tôi phải làm như thế cả.

Tôi đã quyết định xong, tôi sẽ nhìn lại phía gia đình Cullen một lần nữa. Nếu gã Edward nhìn đáp trả lại tôi thì tôi sẽ không đến lớp sinh học và như vậy, tôi sẽ trở lại là kẻ nhát gan như vốn dĩ.

Vẫn cúi gằm mặt xuống, nhưng tôi đang cố gắng rướn mắt lên. Chẳng có ai nhìn tôi theo cái kiểu này cả. Tôi hơi ngước mặt lên một tí.

Bọn họ đang cười vui vẻ với nhau. Đầu cổ tóc tai của Edward, Jasper và Emmett ướt sũng vì tuyết đang tan chảy. Alice và Rosalie thì nghiêng người nhoài ra xa, tránh né Emmett đang hất mái đầu sũng nước về phía họ. Cũng như những người khác, gia đình nhà Cullen đang rất thích thú với ngày tuyết rơi hôm nay - nhìn họ giống hệt như một cảnh quay trong phim, chứ đâu có giống tình cảnh của bọn tôi lúc này.

Thế nhưng, ngoài tiếng cười đùa như nắc nẻ, ngoài những giỡn hớt nghịch ngợm kia, tôi phát hiện ra có điểm gì đó đặc biệt, tuy nhiên lại khó mà chỉ ra chính xác điểm đặc biệt đó. Tôi quan sát Edward kỹ nhất. Nước da của hắn ta không còn trắng như trước, có lẽ bởi vì hắn vừa mới chơi trò ném tuyết xong chăng? Còn nữa, những vết thâm quầng xung quanh mắt của hắn cũng đã nhạt màu đi thấy rõ. Ừm, hình như vẫn còn một điều nữa. Cặp mắt tôi nhìn chiếu tướng vào Edward, cố gắng tìm cho ra điều đó...

- Này Bella, bồ đang nhìn cái gì vậy? - Jessica đột ngột lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, vừa hỏi, cô ta cũng vừa hướng mắt nhìn theo tôi.

Đúng ngay thời điểm đó, Edward đưa mắt sang nhìn tôi, ánh mắt của hắn ta bắt gặp ánh mắt của tôi.

Tôi cúi đầu xuống, cố tình để cho các lọn tóc phủ xuống, nhằm che chắn gương mặt của mình. Tuy nhiên, tôi có thể đoan chắc một điều rằng, ngay tại cái thời khắc mà ánh mắt của chúng tôi giao nhau ấy, Edward không có vẻ gì gọi là lỗ mãng hay thiếu thiện cảm như lần cuối cùng tôi bắt gặp hắn ta cả. Edward chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, tò mò vì một lẽ nào đó.

- Edward Cullen đang nhìn bồ kìa - Jessica cười khúc khích, nói vào tai tôi.

- Hắn ta không tức giận, phải không? - Tôi không thể kìm lòng để khỏi thốt ra câu hỏi này.

- Không - Cô bạn tôi trả lời, giọng nói của cô ta có vẻ ngạc nhiên - Sao hắn ta lại phải như thế?

- Mình nghĩ hắn ta không thích mình - Tôi bộc bạch. Tự nhiên cảm thấy muốn bệnh, tôi gục đầu xuống đôi tay.

- Nhà Cullen không thích ai cả... ừm, mà họ có thèm quan tâm xem có ai là người thích mình đâu. Hắn ta vẫn đang nhìn bồ kìa.

- Thôi, bồ đừng để ý đến hắn ta nữa - Tôi nói như rít lên.

Jessica bật cười khinh khíc, quay mặt sang hướng khác. Tôi hơi ngước mặt lên một chút, để kiểm tra xem cô bạn tóc xù đã thôi cái việc dòm ngó người ta chưa, nếu mà còn "ngoan cố", tôi khắc sẽ "thẳng tay trừng trị" cho xem.

Rồi Mike xen vào giữa hai đứa tôi - anh chàng vừa nảy ra ý định sẽ châm ngòi cho một cuộc đại chiến bão tuyết kinh thiên động địa, địa điểm là ở bãi đậu xe của trường, Mike muốn lôi kéo tôi và Jessica cùng tham gia. Còn phải nói, Jessica gật đầu liền cái rụp một cách hăng hái. Nội chỉ cần thấy cái cách cô bạn tóc xù nhìn Mike thôi, cũng đủ hiểu là anh chàng đã có một đồng minh vĩ đại luôn ủng hộ mọi "lý tưởng" của mình rồi. Tôi thì chỉ im lặng - Vậy là đành phải chui vào phòng tập thể dục mà chờ cho đến khi nào bãi giữ xe đã trở thành bình địa, mới dám vác mặt ra thôi.

Suốt quãng thời gian ăn trưa còn lại, tôi thận trọng giữ tầm mắt của mình nằm lọt thỏm trong phạm vi bàn ăn của nhóm, không dám liếc ngang liếc dọc nữa. Và rồi tôi cũng đã đi đến quyết định cuối cùng. Nếu cái "gã khó chịu" kia không tức giận, tôi mới bước chân vào lớp sinh học. Chỉ mỗi cái ý nghĩ là phải ngồi bên cạnh Edward thôi đã làm cho tâm tư của tôi thắc thỏm như lửa đốt.

Thực lòng lúc này, tôi chẳng muốn đi với Mike đến lớp học tiếp theo như thường lệ chút nào - giờ đây, anh chàng đã trở thành mục tiêu số một của những tay khoái ném bóng tuyết. Khi cả ba vừa đặt chân đến cửa ra vào, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đồng thanh xuýt xoa, tiếc nuối của mọi người (lúc này có thêm cả Mike và Jessica nữa, tuyệt nhiên không hề có tôi). Mưa! Mọi vết tích của tuyết đều đã biến đi đằng nào mất tiêu. Ở cạnh những lối đi, các mảng tuyết bắt đầu rơi xuống. Tôi kéo mũ trùm đầu lên, trong bụng vui không thể tả. Vậy là sau giờ thể dục, tôi đã có thể ung dung đi thẳng về nhà được rồi.

Trên suốt quãng đường đi đến tòa nhà số Bốn, không lúc nào Mike ngớt lời than vãn, ca cẩm...

Tôi bước chân vào lớp học. Mừng quá! Bàn học của tôi vẫn trống trơn. Thầy Banner đang rảo một vòng quanh lớp, phát cho mỗi bàn một kính hiển vi và một hộp đựng mẫu vật. Phải vài phút nữa mới bắt đầu giờ học, cả lớp đang nhặng lên với các cuộc chuyện trò. Tôi không quan tâm đến việc xem ai vào ai ra ở chỗ cái cửa nữa, mà cứ cắm cúi xuống quyển vở, vẽ nguệch ngoạc lên trang bìa của nó mấy cái hình vớ vẩn.

Và rồi tôi nghe thấy rõ ràng tiếng động dịch chuyển cái ghế ở bên cạnh mình, tôi cố ngồi im, mắt không rời cái hình vẽ vừa hí hoáy xong.

- Xin chào - Một giọng nói nhẹ nhàng, du dương cất lên.

Tôi ngước mặt lên. Choáng váng! Kẻ vừa nói với tôi chính là hắn ta. Và "kẻ đáng ghét" ấy vẫn ngồi theo cái kiểu kịch cạnh bàn, nhưng lần này, góc ghế của hắn ta lại hướng về phía tôi. Mái tóc của Edward rối bù, đang nhỏ nước - đúng là như thế thật, nhưng nhìn hắn lúc này cứ y như là hắn vừa đóng xong một đoạn phim quảng cáo về dầu gội đầu. Gương mặt sáng ngời của Edward rất thân thiện, và... trên gương mặt ấy là một đôi môi hoàn hảo đang nở nụ cười.

- Tôi tên là Edward Cullen - "Kẻ đáng ghét" tiếp tục nói - Tuần trước, tôi chưa có dịp giới thiệu về mình. Hẳn cô là Bella Swan?

Cái đầu của tôi vẫn đang quay vòng vòng, váng vất. Khó hiểu quá! Không lẽ suốt từ cái hôm đầu tiên cắp sách đến trướng tới giờ, tôi đã nhầm lẫn? Edward lịch sự thế kia cơ mà. Vậy là tôi phải lên tiếng, hắn ta đang chờ đợi. Nhưng mà tôi không biết mình phải nói gì.

- Làm... Làm sao mà anh biết tên tôi? - Tôi lắp bắp.

Edward phá ra cười, một nụ cười thật đẹp, làm hút hồn người khác.

- Ủa, tôi nghĩ là tất thảy mọi người đều biết tên cô chứ. Cả thị trấn này đều đã mong chờ cô đến đấy.

Tôi nhăn mặt. Tôi cũng đoán biết được là hắn ta sẽ trả lời theo hướng đó.

- Không - Tôi tỏ ra bướng bỉnh - Ý tôi là tại sao anh biết mà gọi tôi là Bella?

Hình như Edward trở nên bối rối.

- Thế cô thích được gọi là Isabella hơn à?

- Không phải. Tôi thích được gọi là Bella hơn - Tôi trả lời - Nhưng tôi biết Charlie, tức là bố tôi, luôn gọi tôi là Isabella, thế nên mọi người thường biết tôi với cái tên ấy - Tôi cố gắng giải thích, nhưng xem ra, càng lúc tôi càng giống trẻ con hơn.

- Ồ - Edward có vẻ bị bất ngờ, không biết phải giải thích tiếp như thế nào.

Còn tôi cũng chẳng hơn gì, chỉ biết ngượng nghịu quay mặt đi.

Vừa may, ngay lúc ấy, thầy Banner bắt đầu tiết dạy của mình. Tôi cố gắng tập trung nghe thầy hướng dẫn về bài thực tập phải làm ngày hôm nay. Thì ra những mẫu vật trong hộp nằm không theo một trật tự nào cả. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải phân loại các mẫu vật (là các tế bào của rễ hành) theo các pha diễn ra trong quá trình phân bào, rồi phải ghi chú lại chính xác, như một chuyên gia phân tích thực thụ. Không được phép lật tập, lật sách gì cả. Khoảng hai mươi phút sau, thầy Banner sẽ đi một vòng, kiểm tra xem ai đúng, ai sai.

- Bắt đầu! - Thầy ra lệnh.

- Ưu tiên cho phái nữ trước, phải không, đồng sự? - Edward lên tiếng hỏi. Tôi ngửng đầu lên. Hắn ta đang mỉm cười, một nụ cười nửa miệng thật quyến rũ đến mức nó khiến tôi chỉ còn biết nhìn chằm chằm vào đó như một con ngốc.

- Tất nhiên là tôi có thể làm trước, nếu cô đồng ý - Nụ cười chợt tan biến; rõ ràng hắn ta đang hồ nghi, không biết tôi có đủ khả năng thực hiện nổi cuộc thí nghiệm này không đây mà.

- Không - Tôi trả lời, mặt đỏ lựng - Tôi sẽ làm trước.

Ấy là tôi muốn hơi lên mặt một tí, chỉ một tí thôi. Bài thực tập này, tôi đã từng làm rồi, tôi thừa biết mình phải kiểm ra cái gì. Dễ như bỡn. Tôi đưa tấm kính có mẫu vật thứ nhất vào vị trí quan sát trên kính hiển vi rồi nhanh chóng điều chỉnh cho thấu kính phóng lớn mẫu vật lên bốn mươi lần. Tôi chăm chú, quan sát thật kỹ mẫu vật thứ nhất.

Sau đó, rất tự tin, tôi đưa ra kết luận:

- Pha trước.

- Cô không phiền nếu tôi xem qua chứ? - "Gã đồng sự đáng ghét" đưa ra lời đề nghị. Hắn ta, bằng một động tác nhanh như cắt, chộp ngay lấy tay tôi, ngăn lại đúng lúc tôi vừa định tháo mẫu vật ra. Những ngón tay của Edward lạnh ngắt đến độ tôi có cảm giác như hắn ta đã vùi chúng trong tuyết hàng giờ liền, trước khi bước vào lớp. Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi bất ngờ rụt tay lại. Chính là do những ngón tay của Edward, chúng như chích vào tay tôi, tựa như giữa chúng tôi vừa có một dòng điện chạy qua vậy.

- Tôi xin lỗi - Edward thì thào, tức khắc rút ngay tay lại. Nhưng rồi sau đó, hắn ta lại tiếp tục với tay lấy chiếc kính hiển vi. Tôi nhìn Edward, ngần ngại, hắn ta kiểm tra mẫu vật nhanh hơn tôi.

- Pha trước - Edward đồng ý với tôi, nói rồi, hắn ta chộp ngay lấy bảng kết quả được phát chung cho hai người, viết một cách ngắn gọn lên hàng đầu tiên. Xong, hắn ta lại nhanh nhẹn lấy mẫu thứ nhất ra, thay mẫu thứ hai vào, quan sát nó một cách hiếu kỳ.

Stephenie Meyer

Chạng Vạng

Chương 2 (C)

- Pha sau - Edward lẩm bẩm, rồi lại viết ngay vào bảng kết quả.

Tôi cố giữ giọng nói thật lãnh đạm:

- Tới tôi?

Edward như ngớ ra, hắn ta đẩy chiếc kính hiển vi về phía tôi.

Tôi hăm hở nhìn xuống thị kính, thất vọng. Quỷ tha ma bắt, hắn ta đúng.

- Mẫu thứ ba - Không nhìn Edward, tôi chỉ xòe bàn tay ra đón.

Edward đưa mẫu vật cho tôi; hắn ta có ý cẩn trọng để không chạm tay vào tôi lần nữa.

Tôi cố gắng quan sát trong thời gian ngắn nhất.

- Kỳ gian phân - Nói rồi, tôi đẩy chiếc kính hiển vi sang cho Edward trước khi hắn ta kịp mở miệng yêu cầu. Lần này, Edward xem xét trong chớp nhoáng rồi cúi xuống ghi chép. Lẽ ra, tôi đã có thể viết trong lúc hắn ta quan sát như vậy, nhưng khổ nỗi, nét chữ rõ ràng, thon mảnh của "kẻ đáng ghét" như đang cười nhạo báng tôi. Tôi không muốn làm xấu cái tờ giấy báo cáo bằng thứ chữ nguệch ngoạc như cua bò của mình.

Chúng tôi đã hoàn thành bài thực tập sớm nhất. Nhìn quanh, tôi trông thấy Mike cùng đồng sự đang so tới so lui hai mẫu vật, có nhóm thì len lén mở vở dưới hộc bàn.

Chẳng còn gì phải động tay động chân nữa, giữa lúc việc kìm lòng không nhìn Edward... bất thành, tôi ngước mắt lên. Hắn ta đang chăm chú nhìn tôi, vẫn là cái kiểu nhìn buồn bã, vô vọng rất khó hiểu... Và đột nhiên, tôi bỗng nhận ra điểm đặc biệt trên gương mặt Edward mà lúc ăn trưa, tôi đã có cảm giác ngờ ngợ.

- Bộ anh đã bị bệnh hả? - Tôi thốt ra thành tiếng mà chẳng hề suy nghĩ.

Hắn ta có vẻ bối rối trước câu hỏi không mong đợi của tôi.

- Không.

- Ừm - Tôi lẩm bẩm - Tôi thấy trong mắt anh có cái gì đó lạ lắm.

Hắn ta khẽ nhún vai, quay mặt đi.

Tôi dám đoan quyết rằng ở Edward đã có điểm thay đổi. Tôi vẫn còn nhớ như in màu mắt đen huyền của hắn ta nhìn xoáy vào tôi lần cuối, ngày hôm ấy - màu mắt hoàn toàn chõi với màu da trắng và mái tóc nâu vàng của hắn. Thế mà hôm nay, đôi mắt ấy lại có một màu khác: màu đất non, thẫm hơn cả thứ kẹo làm bằng bơ đun với đường, một màu sắc kỳ lạ, đó là màu giống như hổ phách. Tôi không thể hiểu được làm sao lại có hiện tượng ấy, khi mà hắn ta không nhận là đã bị một chứng bệnh nào đó. Phải ghi nhận thêm cái chuyện thay đổi bí hiểm này của Edward, có lẽ tôi sắp bị cái thị trấn Forks này làm cho "hóa điên" theo đúng nghĩa của từ này mất thôi.

Tôi nhìn xuống. Hai bàn tay của người ngồi bên cạnh đang siết chặt lại.

Thầy Banner tiến tới phía bàn của chúng tôi, ông đã phát hiện thấy hai học trò của mình đang ngồi rỗi việc. Thầy Banner nhoài người qua vai chúng tôi để nhìn vào phiếu kết quả, đôi mắt của thầy chú mục vào các câu trả lời.

- Edward, sao em không nghĩ là bạn Isabella cũng cần phải sử dụng kính hiển vi chứ? - Thầy Banner lên tiếng hỏi.

- Bạn Bella ạ - Edward lập tức đính chính - Thực ra, trong năm mẫu, bạn ấy đã làm tới những ba mẫu đấy ạ.

Giờ thì thầy Banner mới chịu nhìn tôi, ông có vẻ ngờ vực:

- Trước đây, em đã làm bài thực tập này lần nào chưa? - Thầy hỏi.

Tôi mỉm cười bẽn lẽn:

- Em không thực tập trên rễ hành, thưa thầy.

- Vậy là thực tập trên phôi nang của cá hồi trắng?

- Dạ.

Thầy Banner gật đầu.

- Vậy là hồi ở Phoenix, em đã được theo học chương trình nâng cao?

- Dạ.

- Tốt - Một lúc sau, thầy mới lên tiếng - Thầy nghĩ, nếu cả hai em mà làm chuyên gia phân tích trong phòng thí nghiệm thì sẽ tốt lắm - Thầy Banner còn lầm bầm thêm điều gì đó nữa rồi mới bước đi. Tôi lại tiếp tục công việc hý hoáy vẽ vời còn dang dở.

- Có tuyết, thật tệ, phải không? - Edward lên tiếng.

Hình như hắn ta đang tự buộc mình phải nói chuyện với tôi thì phải (lại đa nghi nữa rồi!). Thật ra, cứ dựa vào cái cung cách của hắn ta hiện giờ mà xét thì rõ ràng là hắn đã lắng tai nghe hết cuộc nói chuyện giữa tôi với Jessica, và lúc này đây, hắn đang muốn chứng minh cho tôi hiểu là tôi đã sai.

- Quả là tôi có không thích tuyết thật - Tôi thành thật trả lời, thay vì phải giả vờ nói là "có sao đâu" như những người khác. Cần phải xua đuổi cái cảm giác nghi ngờ ngớ ngẩn ra khỏi đầu mới được, tôi tự nhủ lòng như vậy, nhưng sao tôi vẫn thấy khó tập trung quá.

- Cô không thích lạnh. (Đây không phải là câu hỏi!)

- Hay ẩm ướt.

- Vậy thì Forks không phải là một nơi sống lý tưởng đối với cô rồi - Edward trầm ngâm suy luận.

- Anh không hình dung được đâu - Tôi lẩm bẩm một cách chán nản.

Edward có vẻ quan tâm thật lòng đến những gì tôi nói, nguyên do vì đâu thì tôi không thể đoán biết được. Nhưng nhìn gương mặt như bị kích động thế kia, tôi, dù có cố gắng lịch sự đến thế nào đi chăng nữa, cũng vẫn trở nên ngại ngùng, không dám nhìn thẳng vào kẻ đang trò chuyện nữa.

- Thế vì sao cô lại đến đây?

Chưa có ai hỏi tôi câu đó - chưa một ai hỏi thẳng tôi như hắn ta cả, thật oái oăm.

- Phức tạp lắm.

- Tôi nghĩ mình có thể lắng nghe... - Giọng của Edward như nài ép.

Im lặng một lúc... và rồi, thật sai lầm khi tôi ngước mặt lên để bắt gặp ánh mắt của hắn ta. Đôi mắt màu nâu thẫm ấy đã làm cho tôi trở nên bối rối... và tôi đã trả lời ngay mà không kịp suy nghĩ:

- Mẹ tôi tái hôn.

- Thế thì có phức tạp gì đâu - Hắn ta không đồng ý với tôi, nhưng rồi lại tự nhiên tỏ ra thông cảm - Chuyện xảy ra khi nào vậy?

- Tháng Chín năm ngoái - Giọng nói của tôi đượm buồn đến độ ngay cả bản thân tôi cũng nhận ra điều đó.

- Và cô không thích ông ấy? - Edward đoán chừng, giọng nói của hắn ta vẫn ân cần, tử tế.

- Không phải, dượng Phil là người tốt. Dượng còn rất trẻ, hình như thế, nhưng rất tốt.

- Thế sao cô không sống chung với họ?

Chẳng thể nào biết được mức độ quan tâm của "kẻ đồng sự" này đối với tôi ra sao, nhưng hắn vẫn đang tiếp tục nhìn tôi bằng đôi mắt thấu suốt, như thể toàn bộ câu chuyện tẻ ngắt về cuộc đời tôi có mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hắn ta.

- Dượng Phil phải đi đây đi đó nhiều. Dượng sống với quả bóng lăn tròn mà - Tôi khẽ mỉm cười.

- Tôi đã nghe nói đến ông ấy chưa nhỉ? - Edward hỏi, hắn ta cũng đang mỉm cười đáp lại.

- Chắc là không. Dượng không phải là người chơi bóng xuất sắc. Ông chỉ ở đội nhỏ thôi. Mà dượng khoác áo của nhiều đội lắm.

- Thế nên mẹ cô gửi cô đến đây để có thể được thường xuyên ở bên ông ấy - Edward lại tiếp tục đoán chừng, đó cũng không phải là một câu hỏi.

Tôi hơi hất cằm lên.

- Không, mẹ không gửi tôi đến đây, là tôi tự đến thôi.

"Kẻ đồng sự" nhíu mày lại.

- Tôi không hiểu - Edward thú nhận, trông hắn ta thất vọng ra mặt khi đã đoán sai.

Tôi thở dài. Vì sao tôi lại phải giải thích điều này với Edward nhỉ? Hắn ta vẫn tiếp tục nhìn tôi với thái độ quan tâm có phần thái quá.

- Ban đầu thì mẹ ở với tôi, nhưng mẹ luôn nhớ dượng. Điều đó khiến tôi không vui... và tôi quyết định đến sống với Charlie, cũng đã đến lúc rồi - Về cuối câu nói, giọng tôi trở nên buồn man mác.

- Nhưng hiện giờ thì cô cũng không vui mà - Hắn ta chỉ ra.

- Còn gì nữa? - Tôi như thách thức Edward đoán ra.

- Điều đó không công bằng - Hắn ta nhún vai, trong đôi mắt chứa đầy cảm xúc.

Tôi bật cười, không phải là một tiếng cười vui sướng.

- Đã có ai nói với anh câu này chưa? Cuộc sống vốn dĩ không công bằng.

- Tôi tin là trước đây mình đã nghe qua, ở đâu đó - Hắn ta trả lời, một câu trả lời khô khan.

- Là vậy đấy - Tôi kết luận, trong lòng cứ dậy lên câu hỏi tại sao hắn ta lại vẫn cứ nhìn mình theo cái kiểu đó.

Bất chợt ánh mắt của "kẻ đồng sự" thay đổi, hắn ta vẫn nhìn tôi, nhưng là một cái nhìn đánh giá:

- Trông cô vui vẻ, yêu đời lắm - Edward nói một cách chậm rãi - Nhưng tôi cuộc rằng cô đang phải chịu đựng nhiều hơn những gì cô cố thể hiện ra cho người khác thấy đấy.

Tôi nhăn mặt, phản kháng lại bằng cách lè lưỡi ra như một cô bé con năm tuổi rồi quay mặt đi.

- Bộ tôi nói sai à?

Tôi cố gắng phớt lờ đi.

- Tôi không nghĩ là mình sai - Hắn ta thầm thì, ra chiều tự mãn.

- Vì sao anh lại quan tâm đến điều đó? - Cuối cùng, tôi hỏi trong cảm giác bực bội. Vẫn không quay mặt lại, tôi cứ dõi mắt về phía thầy Banner đang rảo bước quanh lớp.

- Câu hỏi rất hay - Edward lẩm bẩm, thì thào như thể nói với chính mình.

Sau vài giây im lặng, tôi mới chính thức thừa nhận đó là một câu trả lời. Tôi thở dài, cáu kỉnh nhìn lên bảng.

- Tôi có làm cô bực mình không? - "Kẻ đồng sự" hỏi, trong ngữ điệu của hắn có ẩn chứa sự thích thú.

Tôi nhìn sang Edward, chẳng suy nghĩ gì... và... lại thật thà thổ lộ:

- Không hẳn thế - Nỗi bực bội trong tôi gia tăng - Mặt tôi dễ để lộ cảm xúc lắm, người ta dễ dàng đọc được cảm nghĩ của tôi qua nét mặt. Mẹ thường gọi tôi là quyển sách để mở của mẹ - Tôi cau mày.

- Ngược lại, tôi thấy cô khó đoán lắm - Cho dù ban nãy, hắn ta hay tôi đã nói ra những gì, thì giờ đây, qua cách nói của Edward, có thể hiểu là hắn đang bộc bạch những suy nghĩ có thật trong lòng mình.

- Vậy thì anh là người giỏi đoán suy nghĩ của người khác - Tôi nói.

- Cũng thường thôi - Edward cười thật tươi, để lộ những chiếc răng trắng bóng, tuyệt mĩ.

Rồi thầy Banner yêu cầu cả lớp trật tự. Tôi dịu người xuống, lắng nghe thầy giảng bài bằng đôi tai chăm chú. Thật tình cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào tin được là có ngày mình lại đi kể cho một gã con trai bảnh bao, lạ hoắc, chẳng rõ là ưa hay không ưa mình, nghe về cuộc đời riêng tư của bản thân. Ngồi nghe tâm sự của tôi, trông hắn ta có vẻ như bị cuốn hút toàn bộ tâm trí vào đấy, song lúc này thì... tôi liếc mắt sang Edward, hắn ta vẫn đang ngồi trong tư thế nghiêng người như thể muốn tránh xa tôi, tay hắn bíu chặt lấy cạnh bàn, cả con người hắn căng cứng hết cỡ.

Tôi cố gắng chú tâm vào bài giảng, thầy Banner đang minh họa các hình ảnh sinh học bằng máy chiếu, đó là những hình ảnh tôi đã được nhìn thấy qua kính hiển vi, nhưng độ khó không cao. Ôi, sao tôi không thể tập trung đầu óc được nữa thế này?

Cuối cùng, tiếng chuông cũng vang lên, Edward phấn chấn trông thấy. Ngay lập tức, hắn lại phóng ra khỏi phòng học như hôm thứ Hai tuần trước. Và, cũng như ở ngày thứ Hai hôm ấy, tôi lại nhìn theo hắn ta, lòng đầy ngạc nhiên.

Mike nhanh chóng bước đến bên tôi, giúp tôi thu dọn sách vở. Lắm lúc, cứ nghĩ đến Mike là tôi lại liên tưởng tới một "cái đuôi" vui tính.

- Kinh khủng quá - Anh chàng rên rỉ - Hình nào cũng giống y chang nhau. Cậu hên lắm mới có gã Cullen là "đồng sự" đấy.

- Mình không gặp khó khăn gì với mấy cái hình đó - Tôi đáp lại, cảm thấy tự ái trước câu nói của Mike. Nhưng rồi thấy hối hận ngay khi vừa nói xong - Thật ra trước đây, mình đã từng làm bài thực tập này rồi - Tôi cố giải thích để Mike không cảm thấy bị tổn thương.

- Hôm nay Cullen đã trở nên thân thiện - "Cái đuôi" đưa ra lời bình phẩm khi chúng tôi lục tục chui vào áo mưa. Trông Mike không có vẻ gì là hài lòng về điều ấy.

Tôi cố nói bằng một giọng dửng dưng:

- Mình cũng không hiểu là thứ Hai tuần vừa rồi, cái gã Cullen ấy đã đụng phải chuyện gì.

Không tài nào tôi chú tâm vào được những câu chuyện chẳng bao giờ có kết thúc của Mike, đó là điều vẫn hằng xảy ra khi cả hai chúng tôi cùng sánh bước đến phòng tập thể dục, và cũng tương tự như thế, thể dục là môn học tôi chẳng mấy quan tâm. Hôm nay, Mike vào đội của tôi. Anh chàng, với tinh thần hiệp sĩ, đã chơi rất tốt... ở vị trí của tôi lẫn của cá nhân mình, và rồi, sự lơ đễnh của tôi chấm dứt khi cuối cùng, quả bóng đã bay về phía tôi; và, cứ mỗi lần tôi nhảy lên đỡ bóng như vậy, đồng đội của tôi lại nhanh như cắt, lảng hết cả ra, hụp người xuống... tránh né.

Trời mù sương khi tôi bước ra bãi gửi xe, lòng cảm thấy vui vì lại được ngồi trong cabin khô ráo. Tôi khởi động máy, ít nhất cũng được một lần trong đời, tôi đã không còn áy náy trước tiếng gầm rống nghe muốn rụng tim của cái động cơ cà tàng này. Tôi mở phẹcmơtuya cái áo lạnh, kéo trật mũ ra khỏi đầu, hy vọng suốt chặng đường về nhà, hệ thống sưởi có đủ thời gian để hong khô mái tóc ẩm ướt.

Tôi nhìn quanh quất để tìm thế lùi xe. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra một dáng người trắng toát, bất động. Edward Cullen đang đứng dựa tưng vào cửa trước của chiếc Volvo, hắn ta đang chú mục vào chiếc xe tải do tôi lái, chắc là đang đánh giá trình độ lái xe của tôi. Phía sau tôi đang là ba chiếc xe hơi. Tôi ngoảnh mặt sang chỗ khác, cho xe lùi nhanh lại, trời ạ, có một chiếc Toyota Corolla cũ mèm, tôi đạp phanh ngay tức thì. Suýt chút nữa là chiếc xe tải của tôi đã làm cho chiếc Toyota Corolla kia tanh bành thành từng mảnh rồi. Tôi hít vào một hơi thật sâu, nhìn sang hướng khác. Vô cùng cẩn thận, tôi cho xe quành ra, ổn rồi. Xe tôi chạy ngang qua chiếc Volvo, tôi dán mắt vào con đường phía trước mặt, nhưng trong tầm mắt của mình, tôi có thể thề rằng Edward đang cười sặc sụa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vanhoc