161616
Bạn sẽ trở thành ai khi mọi việc không xảy ra như bạn mong muốn?
Khi tôi rời Hải quân, người bố giàu đề nghị tôi nên tìm một công việc dạy tôi cách bán hàng. Người biết tôi hay ngượng ngùng. Học cách bán hàng là điều cuối cùng trên đời mà tôi muốn làm.
Trong vòng hai năm, tôi là người bán hàng tệ nhất trong công ty. Thậm chí tôi chẳng bán được áo phao cho người đang bị chìm trong nước. Sự mắc cỡ, ngượng ngùng không chỉ là nỗi đau đối với bản thân tôi mà cả những khách hàng tôi đang giao dịch. Trong suốt hai năm, tôi cứ bị liệt vào danh sách thử việc mà điều đó có nghĩa là số phận tôi luôn bị đặt trước nguy cơ bị đuổi việc.
Tôi thường đổ lỗi cho nền kinh tế hay sản phẩm tôi đang bán, thậm chí cả khách hàng, vì sự thất bại của mình. Người bố giàu lại nhìn sự việc đó trên một khía cạnh khác. Người nói, “Khi người ta gặp hoạn nạn, người ta thường hay ưa đổ lỗi này nọ
Điều đó nghĩa là nỗi đau cảm tính vì thất vọng đã trở nên mạnh đến nỗi một người đang hứng chịu nỗi đau ấy muốn trút mọi đau đớn cho người khác bằng cách đổ lỗi. Để học cách bán hàng, tôi phải mặt đối mặt với nỗi đau của sự thất vọng đó. Trong quá trình học hỏi bán hàng, tôi đã học được một bài học vô giá: làm thế nào biến sự thất vọng thành tài sản chứ không phải là món nợ đè lên đời mình.
Cứ mỗi khi tôi gặp những người sợ thử một thứ gì đó mới, hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ nỗi sợ bị thất vọng của chính họ. Họ sợ phạm lỗi hoặc bị từ chối. Nếu bạn sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm vòng nhanh tài chánh, tôi muốn đưa ra lời khuyên và khích lệ sau đây mà người bố giàu đã từng nói với tôi khi tôi đang học hỏi những điều mới mẻ:
Hãy chuẩn bị tinh thần đương đầu với sự thất vọng
Lời nói đó của Người hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực chứ không bi quan. Người cho rằng một khi bạn đã chuẩn bị đối phó với sự thất vọng, bạn sẽ có cơ hội biến sự thất vọng đó thành tài sản. Hầu hết mọi người chỉ biến sự thất vọng thành nợ – và tồn tại rất lâu. Và bạn sẽ nhận biết ngay ảnh hưởng lâu dài của nó khi nghe một ai đó nói: “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó một lần nữa”. Hoặc “Lẽ ra tôi nên biết trước mình sẽ thất bại”.
Cũng như tiềm ẩn trong mỗi người một khó khăn là một cơ hội, đằng sau sự thất vọng đó là một viên ngọc trí tuệ vô giá.
Mỗi khi tôi nghe một ai đó nói, “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó lại một lần nữa”, tôi biết ngay người đối thoại với tôi đã rui khỏi quá trình học hỏi. Họ đã để cho sự thất vọng cản trở họ. Sự thất vọng đã trở thành: một bức tường bao vây họ thay vì phải là nền móng giúp cho họ vươn tới cao hơn.
Người bố giàu đã giúp tôi học cách đương đầu với những thất vọng cảm xúc to lớn. Người bố giàu thường nói, “Lý do có nhiều người không giàu là vì có rất ít người có thể chịu đựng được sự thất vọng. Thay vì học hỏi để đương đầu với thất vọng, họ sống cả đời trốn tránh nó”.
Người còn nói, “Thay vì tránh né, hãy chuẩn bị tinh thần đương đầu với nó. Thất vọng là một phần quan trọng của việc học hỏi. Cũng như chúng ta đã từng rút kinh nghiệm từ lỗi lầm, chúng ta sẽ cứng cáp hơn nếu vượt qua những nỗi thất vọng của mình”.
Dưới đây là một số lời khuyên của Người với tôi trong những năm qua.
1. Hãy dự liệu trước sự thất vọng. Người bố giàu thường nói, “Chỉ có những kẻ ngu ngốc mới trông mong mọi thứ sẽ suôn sẻ theo ý họ muốn. Dự liệu trước sự thất vọng không có nghĩa là thụ động, hay trở thành một kẻ thua cuộc. Dự liệu trước sự thất vọng là một cách chuẩn bị về tinh thần và cảm xúc cho chính bản thân con trước những bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn. Khi đã được chuẩn bị như thế, con có thể phản ứng một cách bình tĩnh và đầy tự trọng khi mọi việc bắt đầu trở nên lệch lạc không theo ý của con. Nếu con bình tĩnh, con có thể suy nghĩ rõ ràng hơn”.
Tôi thường gặp nhiều người có những ý tưởng kinh doanh thật độc đáo. Sự phấn khởi của họ chỉ kéo dài được một tháng, sau đó nỗi thất vọng bắt đầu làm suy giảm nhiệt tình của họ. Chẳng bao lâu sau, sự háo hức đó hoàn toàn biếất, và tất cả những gì bạn có thể nghe họ nói là, “Đó là một ý tưởng hay nhưng không khả thi”.
Không phải ý tưởng đó không khả thi, mà chính sự thất vọng đã trỗi dậy quá mạnh trong họ. Họ để cho sự mất kiên nhẫn biến thành nỗi thất vọng, và rồi để cho chính nỗi thất vọng đó đánh bại họ. Sự mất kiên nhẫn thường xảy ra khi họ không thu được những phần thưởng tiền bạc xứng đáng mà họ mong đợi. Nhiều chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư nhiều khi phải đợi đến vài năm sau mới thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh hay khoản đầu tư đó, nhưng họ đã biết kiên trì chờ đợi vì họ biết rõ rằng để thành công cần phải có thời gian. Họ cũng hiểu rằng một khi họ thành công, họ sẽ gặt hái được phần thưởng xứng đáng cho những năm chờ đợi kiên nhẫn của mình.
2. Có một người đỡ đầu bên cạnh. Trong cuốn sổ điện thoại của bạn luôn có những số khẩn cấp như bệnh viện, sở cứu hỏa hay cảnh sát. Tôi cũng có một danh bạ điện thoại ghi những số khẩn cấp về tài chánh, nhưng khác ở chỗ chúng là số điện thoại của những người đỡ đầu của tôi.
Thông thường, trước khi tôi ra một quyết định hùn hạp hay làm ăn, tôi gọi cho một trong số bạn bè của tôi, và giải thích với người ấy kế hoạch hành động của tôi cũng như kết quả mà tôi mong đợi sẽ đạt được. Tôi thường yêu cầu họ trợ giúp tôi trong trường hợp tôi không thể quyết định dứt khoát giữa các chọn lựa.
Vừa mới đây, tôi điều đình giao dịch một mảnh địa ốc lớn. Người bán rất khó chịu và đòi thay đổi điều kiện hợp đồng khi chúng tôi sắp sửa ký kết giao kèo. Ông ta biết tôi rất muốn miếng địa ốc ấy, cho nên ông ta tìm cách móc túi tôi càng nhiều càng tốt vào giờ chót. Mọi cảm xúc của tôi trở nên mất kiểm soát. Nhưng thay vì nóng nảy la óà hủy bỏ hợp đồng, vốn là khuynh hướng bình thường của tôi, tôi chỉ hỏi mượn điện thoại để nói chuyện với đối tác của tôi.
Sau khi bàn bạc với ba người bạn ủng hộ tôi, và lắng nghe lời khuyên của họ làm thế nào xử lý một tình huống như thế này, tôi lấy lại bình tĩnh và đã học được ba cách điều đình giao dịch mà trước đây tôi chưa từng biết. Giao dịch đó không thành công, nhưng tôi vẫn dùng ba cách điều đình đó đến ngày hôm nay – những kỹ năng mà có lẽ tôi sẽ không học được nếu như không gặp giao dịch đó. Kiến thức đó hoàn toàn vô giá.
Vấn đề ở chỗ là chúng ta không thể nào biết trước mọi thứ, và chúng ta chỉ thường học hỏi được khi chúng ta cần học hỏi chúng. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị bạn nên thử những điều mới và chuẩn bị chấp nhận sự thất vọng, nhưng luôn luôn có một người đỡ đầu bên cạnh để có thể hướng dẫn bạn vượt qua tình huống đó. Nhiều người không bao giờ bắt đầu những kế hoạch dự định của mình chỉ vì họ không có được mọi câu giải đáp. Bạn sẽ không bao giờ có hết mọi câu trả lời, nhưng hãy bắt đầu đi. Như người bạn của tôi, anh Keith Cunningham luôn nói: “Nhiều người không chạy tới trước cho tới khi mọi đèn xanh được bậc lên. Đó là lý do khiến họ chẳng đi đến đâu cả”.
3. Hãy tha thứ cho chính mình. Một trong những nỗi đau gặm nhắm nhất khi bạn phạm lỗi lầm, thất vọng hay thất bại một điều gì đó không phải là lời nói với người khác về bạn. Mà đó chính là sự nghiêm khắc và cứng nhắc của bạn đối với chính bạn. Hầu hết những người phạm lỗi lầm thường tự hành hạ mình hơn bất cứ người nào khác. Lẽ ra, họ nên tự trình diện với cảnh sát và buộc tội chính họ vì sự hành hạ tinh thần bởi chính mình. Tôi nhận thấy những người nào mà hay tự hành hạ mình về tinh thần và cảm xúc đều là những người hay e dè khi chấp nhận rủi ro, hoặc chấp nhận thử một ý tưởng mới. Sẽ thật khó học được một điều gì mới nếu bạn cứ tự trừng phạt mình hay đổ thừa cho người nào đó vì sự thất vọng cá nhân của bạn.
4. Hãy nói sự thực. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng nhận một trong những hình phạt tồi tệ nhất từ bố tôi khi tôi sơ ý đánh em tôi bị gẫy mất răng cửa. Nó liền chạy về nhà mách với bố, còn tôi thì chạy trốn. Khi Người tìm ra tôi, Người rất giận dữ.
Người đã quở trách tôi, “Lý do ta phạt con không phải vì con làm gãy răng của em con, mà là vì con chạy trốn”.
Đối với tiền bạc, rất nhiều lần tôi đã chạy trốn sự lầm lỗi của mình. Trốn tránh không phải là một điều khó làm, thế nhưng những lời trách móc của bố tôi đã dạy tôi suốt đời.
Nói tóm lại, ai ai trong chúng ta cũng đều có lỗi lầm. Chúng ta đều cảm thấy buồn phiền và thất vọng khi sự việc không xảy ra theo ý muốn của mình. Thế nhưng, sự khác nhau nằm ở chỗ bản thân chúng ta phản ứng như thế nào với sự thất vọng ấy. Người bố giàu đã tóm tắt điều đó như thế này, “Mức độ thành công của con được đo bằng sức mạnh đam mê của con, mức độ mơ ước, và cách con xử lý sự thất vọng suốt cuộc hành trình”.
Trong vài năm tới, chúng ta sẽ gặp những biến động tài chánh có thể thử nghiệm lòng can đảm của mình. Những người thành công trong nhiều năm sau này sẽ là những người kiểm soát được cảm xúc của mình, không để cho cảm xúc kềm hãm mình lại và đủ chín chắn để ý thức học hỏi những kỹ năng tài chánh mới mẻ
Cũng như một câu hát của Bob Dylan, “Thời đại đang thay đổi”.
Và tương lai sẽ thuộc về những người có thể thay đổi theo thời đại và lợi dụng sự thất vọng của mình thành những bệ phóng tới tương lai.
HÀNH ĐỘNG
1. Đừng sợ phạm lỗi lầm. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị bạn nên bắt đầu những bước nhỏ. Hãy nhớ rằng thất bại chỉ là một phần của chiến thắng. Những người nhóm L và T được dạy rằng không thể chấp nhận được sai lầm. Những người nhóm C và Đ biết rằng phạm lỗi lầm là một cách học hỏi.
2. Hãy bắt đầu với một số vốn ít thôi. Bắt đầu nhỏ. Nếu bạn tìm thấy một khoản đầu tư bạn muốn, cứ bỏ ra một ít tiền mua nó. Bạn sẽ ngạc nhiên ngay khi thấy sự thông minh của bạn phát triển một khi bạn bỏ tiền của chính mình ra. Đừng đánh cá bằng nồi cơm của bạn, bằng những khoản trả nợ định kỳ hay tiền học của con bạn. Chỉ bỏ một ít tiền ra... sau đó quan sát và học hỏi.
3. Chìa khóa của bước hành động chính là HÀNH ĐỘNG!
Đọc, xem, và lắng nghe đều là những phần hết sức quan trọng trong quá trình học hỏi của bạn. Thế nhưng bạn cũng cần phải HÀNH ĐỘNG. Hãy giao dịch những miếng đất bất động sản nhỏ sẽ đem lại cho bạn thêm một ít lời. Hãy gia nhập một công ty tiếp thị hệ thống và học hỏi về nó từ bên trong. Hãy đầu tư vào cổ phiếu của những công ty bạn đã tìm hiểu. Hãy tìm lời khuyên từ người đỡ đầu, từ chuyên viên cố vấn thuế vụ hoặc tài chánh một khi bạn cần đến. Hãy làm theo khẩu hiệu của hãng giày Nike: “Cứ thực hiện đi”
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top