Ai Làm Tổn Thương Con(2)

Chẳng có người cha mẹ đích thực nào mà lại muốn làm cho con mình tổn thương đau đớn, nhưng trong vòng đời lắm xô đẩy có thể đã có nhiều yếu tố tác động khiến tư duy, nhận thức của cha mẹ trở nên lệch lạc, sai lầm trong tình yêu thương của họ dành cho con. Do đó, mà tình thương thay vì nuôi dưỡng, vung tưới cho những hạt giống là con trẻ được khôn lớn, hạnh phúc lại vô tình làm cho chúng trở nên còm cõi, ngột ngạt và không thể vươn mình đón nhận những giá trị cuộc sống tốt lành. Mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ lại thường là mối tương quan gắn bó nhất, cho nên những trung đụng thương tổn cũng vì vậy mà sâu hơn, đau hơn và dai dẳng hơn. Khác với những mối quan hệ ngoài xã hội, khi chúng ta có thể tạm dừng, tạm nghỉ và không thấy hết được mọi ngóc ngách cuộc sống của nhau, cha mẹ và con cái khó cho mình khoảng nghỉ nên những hằn học, mệt mỏi và thất vọng, ẩm tạc, tầng tầng lớp lớp trong tâm hồn cha mẹ cũng dễ dàng bị dâng trào lên con. Khi cha mẹ gồng gánh quá nhiều áp lực cuộc sống và đánh mắt bình yên. Ai là người có thể làm tổn thương con nhiều nhất? Ai là người có thể gây cho con những vết thương sâu nặng nhất? Đó chính là cha mẹ và chính trong nhà mình. Tôi biết khó có ai thương con bằng cha mẹ, từ trong bụng mẹ nếu con thiếu đi chất gì, mẹ sẽ rút ngay từ cơ thể mẹ chuyển đổi qua dây rốn cho con. Nếu nhà nghèo, mẹ nhìn ăn để nuôi con, tôi nhớ ngày nhỏ bố tôi nấu riêng hai nồi cơm bé tí để tôi được ăn cơm trắng, bố không tiêu pha gì để dành tiền cho tôi học hành. Nếu tôi cần ghép gan, chắc chắn bố sẽ cho tôi gan của bố, tôi cần ghép thận bố sẽ cho tôi trái thận. Nnưng bố cũng đánh mắng tôi mỗi ngày, đánh và không cho phép tôi khóc hay tức giận. Tôi thường cúi ăn những chén cơm chan nước mắt vừa khóc thầm vừa nuốt và tôi cũng sợ nhất là bố thở dài, sợ nhất ánh mắt thất vọng của bố, những ánh mắt và tiếng thở dài không vi phạm luật, không thể chụp hình, không thể đi chứng nhận thương tật. Y học và công an không có thể ghi lại được và không có cơ quan nào đứng ra bênh vực. Giờ đây tôi không oán trách bố, tôi hiểu về lịch sử chiến tranh, đói khổ và loạn lạc nên bố đã yêu tôi một cách khắc nghiệt và khó khăn như vậy. Chỉ tiếc là với tuổi thơ như vậy, tôi lại vô thức tin rằng trên đời này, những người gây đau đớn cho mình là người có trách nhiệm và tử tế với mình. Lớn lên tôi sẽ sa vào những mối quan hệ độc hại trong tình cảm và trong sự nghiệp. Nhiều bạn kể với tôi, lúc nào em cũng stress, có bạn nói em thực sự không thở được vì gánh nặng ấy. Có những bé bảng điểm toàn 8-9-10 lại còn múa hay, hát giỏi nhưng bên trong là một tâm hồn tan nát. Có người đã có chồng con nhưng vẫn hay mơ thấy bị cha đánh nhiều đêm sợ quá choàng tỉnh dậy nằm khóc một mình tới sáng, có những cha mẹ lo lắng và kìm kẹp con đến chết ngạt, nhiều cha mẹ nghiêm khắc đến cay nghiệt, nhiều mẹ xem đài báo và tivi rồi sợ tệ nạn ma túy, nghiện ngập giao thông, thực phẩm rồi bao bọc con ôm con chặt cứng. Nghĩ xem cả Sài Gòn năm rồi có bao nhiêu bé bị bắt cóc, Sài Gòn có bao nhiêu bé đã khóc một mình trong bóng tối trầm cảm và rồi xin tự chọn cái chết vì tuyệt vọng với cha mẹ mình. Con số nào lớn hơn? Từ chối chống lại một người lạ không khó, nhưng làm sao mà chống lại người yêu thương mình khi ta đã cho phép người ta yêu thương tiến vào tầng sâu nhất của trái tim nên tổn thương cũng ở tầng sâu nhất. Cha mẹ hy sinh cho con rồi lại bắt con hy sinh cho mình, hy sinh chéo và chật nhịp, hy sinh như đèn kéo quân mải miết đuổi vòng quanh mà không gặp nhau. Hy sinh, đôi khi nó chỉ là mỹ từ cho việc làm khổ chính mình và người khác. Cha mẹ ơi, con biết cha mẹ là người đưa con tới cuộc đời này, cho con bú, ủ ấm cho con, toàn bộ sự sống của con phụ thuộc vào cha mẹ. Yêu cha mẹ là bản năng sinh tồn của mọi loài vật trên thế giới, đến đứa con nào phải sợ hãi cha mẹ thì chắc chắn đau đơn lắm. Có mẹ nói tôi chẳng bao giờ đánh con, nhưng mà ánh mắt thất vọng của mẹ còn đau hơn tất cả mọi đòn roi làm cả đời con cảm thấy mình như đồ phế thải rằng mình sinh ra trên đời này chỉ mang lại khổ sở cho mẹ, cảm giác đó mới làm con thương tật đến suốt đời. Có cha mẹ cũng từng trút lên đầu con bao nhiêu áp lực, chỉ có con là nguồn sống duy nhất thuộc về họ. Cha mẹ nghĩ mình sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc con mình lớn lên như thế nào, học hành làm sao thành đạt, hạnh phúc hay không. Thế nên cha mẹ dành 100 % trái tim, 100 % trí não, 100 % thời gian của mình cho con, cha mẹ tưởng mình đang làm tốt nhưng chưa hẳn! Con cũng áp lực với gánh nặng đó của cha mẹ. Có cha mẹ mắng con như đổ thác và đã thốt ra những lời nói khủng khiếp mà cha mẹ đã lặp lại y chang ông bà. Mặc dù, cha mẹ đã từng thề với lòng rằng sẽ không bao giờ đối xử với con mình như cách mình đã từng bị đối xử. Khi nào cha mẹ chữa lành được cho chính mình thì khi đó con cái sẽ ổn, nếu cha mẹ muốn con cái mình lớn lên bình an thì chính cha mẹ phải bình an. Cha mẹ ơi, làm cha mẹ khó lắm, mỗi đứa con mỗi khác, mỗi thời, mỗi khác. Kỷ luật thế nào là yêu thương và tự do thế nào để an toàn? Câu trả lời chỉ có khi cha mẹ chịu lắng nghe con và lắng nghe chính mình trong tĩnh lặng và bình an. Đừng để con mình phải cả đời làm việc như trâu, cố gắng và phấn đấu tới kiệt sức, dù thành đạt cũng không có chút vui xấu, chỉ để trả nợ cho lòng kỳ vọng của cha mẹ, chỉ để chứng minh rằng mình xứng đáng được thương. Đừng để con mình phải khổ sở mò mẫm cô độc một mình rồi tàn lụi trên hành trình đó mà vẫn chưa tới đích. Thương cho roi cho vọt, là mục tiêu nuôi dạy con sai lầm thường có mặt trong gia đình thiếu vắng bình yên và hạnh phúc thật sự. Tư duy sai lầm này trong cách nuôi dạy con cái đa số đến từ việc cha mẹ có những vết thương sâu nặng mang nhiều nỗi khổ, niềm đau dài lâu không được giải tỏa trong tâm hồn. Vô cùng cần đến sự thức tỉnh quay lại kịp với chính mình để chuyển hóa những điều vẫn còn bất ổn, những trường hợp này vẫn còn tồn tại và sẽ không ít đi trong thời đại phát triển. Dù họ có là ai thì rất cần đến niềm cảm thông, bao dung và cả chiến lược hỗ trợ tinh thần thiết thực từ cộng đồng, xã hội để có thể hồi phục lại những giá trị,những cách tốt đẹp đã bị ngã đổ. Có như vậy chúng ta mới có thể dừng lại bi kịch luận quẩn của những tổn thương trao đi và nhận lại kéo dài suốt nhiều thế hệ. tiếp theo đây. Có câu chuyện tôi muốn quý đọc qua một câu chuyện của chính bản thân tôi đã trải qua với tựa đề : "Trời Sinh Ra Thế" Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo có 6 người và tôi là út trong nhà,trong nhà ai cũng sợ ba vì ba không sợ dư luận. Ba không thương ngay cả chính ba, ba chỉ quan tâm đến những điều ba làm và luôn cho đó là đúng. " Ngữ mày sau làm ăn gì được cho đời " ba chỉ tay vào mặt cô cậu con trai 9 tuổi là tôi, khi tôi học đòi theo mấy đứa bạn nghịch bếp lò bằng ống lon sữa. Tôi sợ quá, đứng đờ ra cho tới khi cảm nhận được hơi nóng tới dát tay. Khác là khi đó tôi còn nhỏ quá, không bê được cả chậu cám vào chuồng lợn, mỗi lần cho lợn ăn phải phi vào chuồng lợn với cây gậy xua lợn ra để lấy từng gáo cám cho vào chậu. Đám lợn háu đói chồm vào tranh ăn, cám đổ ra tung tóe ba thấy vậy bê ra một xô cám sống :" mày làm gì mà ngu thế? Mày chỉ biết hốc thôi à? " tìm mãi không thấy số tiền 20.000đ cấp đâu, ba khẳng định ngoài tôi ra thì còn ai vào đấy. Ba cấm không cho ăn bữa tối, không chịu nhận tội ba kéo hết chăn ra khỏi giường, đêm mùa đông lạnh buốt tôi nức nở một lúc rồi cũng chìm vào giấc ngủ. Hôm sau cảm lạnh, ba đi đâu mang về cho một bịch cháo lòng lạnh ngắt ăn được nửa bát thì luôn cho hết. " Thằng này láo, không ăn để đấy tao cho chó còn làm nơi tao bóp cổ cho mày chết bây giờ". Những ngày đó, tôi cứ mong ba đi vắng, nhà chỉ có hai bà cháu với nhau thật vui vẻ, yên bình. Bà tôi đãng trí không còn được minh mẫn như người ta, bà chỉ biết có sao làm vậy, cho gì bà ăn đó. Chắc ai cũng hỏi vậy mẹ và anh chị tôi đâu? Vì cuộc sống khốn khó quá mà, họ phải chọn cách đi làm ăn xa để cho cuộc sống bớt khổ. Chị và anh tôi phải nghỉ học sớm để bớt đi phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình, chị và anh cũng phải cuốn theo vòng lặp của đồng tiền khi mới tròn 15 tuổi, cái tuổi mà của thế hệ trẻ con vẫn còn đang muốn được tung bay chạy nhảy, những tháng ngày vui vẻ đến trường. Khi ấy, nhà chỉ còn lại bà và hai bố con, mẹ ở xa chỉ dặn dò vài lời động viên :" chắc các con khác mệnh" mà mẹ nói không muốn tôi bận lòng những lời nói oan nghiệt của bố, nhưng trong tôi luôn có nỗi xấu hổ với bạn bè. Lúc nào tôi cũng mặc cảm mình đang sống trong một gia đình không giống ai. Tại sao bố lại nói ra được những lời khó nghe như vậy với các con của mình? Phải chăng bố có ẩn ức không được giải tỏa? Bố có nỗi tổn thương nào trong quá khứ và con cái là nơi trút giận, bố có che giấu nỗi bất hạnh của mình không? Tôi mang nỗi hoang mang này đi hỏi bà ngoại, bà nói tính bố mày trời sinh ra là thế. Từ nhỏ bố không được học hành như người ta, vì nội tôi không giống như những người mẹ bình thường cho nên bố phải nghỉ học và đi làm mướn từ năm lớp 1. "Thời ấy nghèo lắm " ngoại tôi nói : " Bố mày phải nghỉ học khi mới hết lớp 1, trong làng ai mướn bố mày đi lượm túi bóng hay là đi vớt bèo thuê là bố mày đi, mà hồi đó có bố mày chỉ kiếm một ngày được 5đ. Đi làm người ta cho gì thì ăn lấy, chứ lấy đâu cơm mà ăn" . Có thể vì cuộc sống lầm than,khổ cực đã tạo ra con người ngang tàn, bảo thủ và độc ác như bố tôi bây giờ chăng? Những suy nghĩ quẩn quanh trong đầu đứa trẻ bấy giờ là tôi, nhưng tôi đâu có hiểu chuyện , hiểu thế nào là áp lực của cuộc sống đồng tiền, cuộc sống của thời khó khăn. "Đến khi đẻ mày ra là còn có cơm ăn là may rồi" nối tiếp ngoại tôi lại kể : " Thời đó, sau khi lên 12 tuổi bố đã bắt đầu đi làm xa, đi theo bác ruột làm đất ở Hưng Yên. Bố mày khi ấy còn bé, ham chơi làm được nhiêu tiêu hết. Nhà mày khi ấy bấy giờ còn là nhà đâu, nhờ có nội được nhà nước cấp hỗ trợ lên phần nào đó cuộc sống bớt khổ". Qua những lời ngoại kể tôi phần nào hiểu về cuộc sống cơ cực và quá khứ của bố tôi, phần lớn tôi buồn và thất vọng về bố tôi nhiều hơn. Biết tính bố dữ vậy, sao mẹ vẫn lấy bố nhỉ ? Thì ra vì gần làng, mẹ cũng có thể về ngoại bất cứ khi nào và cả phong tục các cụ ta ngày xưa luôn muốn con mình cưới gần cho gần mẹ gần con.Sống quá lâu bên bố, dần dần mẹ biến mình thành người đàn bà nhu nhược, bố mặc định mẹ là người vô tích sự, mỗi cái xe đạp cũng không biết đi v.v. Bố cho rằng mọi gánh vác đều hiện hữu trên đôi vai của bố, cảnh mẹ nhẫn nhục chịu đựng vì chúng tôi và cả những đòn roi nặng chĩu đau thương bố tôi giáng xuống thân xác của mẹ, anh chị. Mẹ vẫn nhẫn chịu để cho êm cửa êm nhà ,tôi đau xót hứa với mình rằng lớn lên chút nữa kiếm ra tiền sẽ đưa mẹ đi một nơi thật xa, chưa kịp bù đắp cho mẹ thì những căn bệnh ập đến với tấm thân úa mòn của mẹ tôi. Mẹ ngày một bệnh nặng, ngày một yếu đi. Trong lòng tôi nặng một vết thương khó lành, cứ thế lâu rồi tôi không chơi với người bạn nào ở lớp. Rồi tôi khép mình biến mình thành người tự kỷ sau một lần mẹ tôi quyết định cùng anh chị đi làm xa. Không còn vòng thương yêu của mẹ, những trận đòn lại đến với tôi, chỉ cần là những điều bố không vừa mắt là tôi lại bị mang ra là tấm bia xả giận cho bố. " Mày đi với con mẹ mày đi, nuôi mày vô tích sự " câu nói như nhát dao đâm sâu vào trái tim tôi. Liệu đó có phải bố mình ? cứ như vậy tôi chọn cách lặng im và trở thành một người con hư. Tôi bắt đầu tìm đến những tiệm internet, những lần bỏ tiết và rồi cả những lần trộm tiền bán gà của bố. Bị mắng, bị đánh ngày càng khiến tôi trở lên lầm lì và hư hơn khi chính quyết định bồng bột ngây dại của tuổi mới lớn. Tôi chọn đến con đường cuối cùng đó là chọn cách tự kết liễu cuộc sống của mình bằng cách uống thuốc sâu, trong tôi suy nghĩ khi đó " Chết ,chết là hết, chết là được lên thiên đường, chết là cách giải thoát những khổ đau này" thật dại dột khi điều đó không thành, tôi đã được hàng xóm phát hiện ra và đem đi cấp cứ kịp thời. Tôi lại quyết định chọn cách bỏ nhà ra đi, tôi đi thật xa với 2 bộ quần áo, nghĩ lại tại sao tôi vẫn sống được ? Những đêm bới thức ăn thừa, xin từng chút nước của người ta, nhặt từng trai nước bỏ lại ngoài đường, những đêm trời thu ngủ lại gầm cầu và tôi đang cố gắng sống sót đây sao? Một cậu bé đang cố gắng tìm con đường giải thoát cuộc sống của mình và rồi lại đang cố gắng sống sót qua ngày đây sao. Những ân hận, những suy nghĩ của tôi về mẹ , mọi người đang lo lắng cho tôi? Thật ra tôi không biết được, bố tôi lúc ấy cũng mất ăn mất ngủ để cùng cảnh sát ở quê đi tìm tôi. Thực ra bố cũng thương chúng tôi, nhưng vì áp lực cuộc sống mà khiến bố tôi trở lên độc ác và nghiêm khắc đến vậy. Như một phép màu đến với tôi, bố cũng tìm thấy tôi khi tôi đang đứng dưới lề đường trú mưa. Một thứ cảm xúc nào đó khó tả, không lời mắng, không đòn roi, tôi và bố nhìn nhau rồi nước mắt tôi cứ thế tuôn ra. " Về nhà thôi " câu nói của bố mà hơn 10 năm qua tôi chưa được nghe thấy, nó ấm áp và nhẹ nhàng đến kỳ lạ. Thế rồi năm tháng ngày nối tiếp đó cứ như vậy qua đi. Bố vẫn nghiêm nghị nhưng không còn những đòn roi dành cho tôi, dù vẫn có lần bố mắng nhưng tôi vẫn vui vẻ đón nhận. Vì chỉ có như vậy tôi mới biết được rằng bố vẫn còn quan tâm đến tôi, những ngày tháng năm cấp 2 tôi nghĩ cứ thế trôi qua một cách yên bình. Cuối năm cấp 2, mẹ tôi quết định trở về quê để bên cạch gia đình và tôi. Tâm trạng tôi không biết lên vui hay buồn , mẹ về tôi có bờ vai để dựa vào khi bị bố mắng, bố chửi hay là tôi trách mẹ đã bỏ tôi đi suốt năm tháng tôi cần mẹ nhất. Nhớ hồi còn vào lớp 3, sau trận đòn của bố tôi cặm cụi ở góc nhà vừa khóc vừa cố viết lá thư để kịp sớm mai gửi xe khách chuyển tới mẹ với dòng chữ nghệch ngoạc " Mẹ về với con đi, con nhớ mẹ lắm..." vậy mà khi đó tôi lại im lặng với mẹ dường như mọi đau khổ tôi chịu đựng tôi dồn hết lên mẹ bằng sự hờn dỗi. Những ngày tiếp theo, tôi không nói chuyện với mẹ tưởng chừng có bức tường vô hình nào đó đang ngăn cách giữa tôi và mẹ. Thật dại khờ mà thầm trách mẹ vô cớ, mà tôi bỏ quên đi những vất vả khổ cực mà mẹ đã phải kìm nén. Dáng người gầy guộc và nét mặt xanh xao của mẹ, tôi vô tình làm mẹ tổn thương, vết thương không không gây tổn hại đến da thịt nhưng lại có sức tàn phá mãnh liệt về mặt tinh thần. Mặc cho mẹ kìm nén lại nỗi đau đó để tiến lại gần an ủi tôi hơn nhưng tôi đâu biết rằng mẹ cũng cần tôi sau những lần bạo lực của bố, với mẹ con cái là niềm vui của cuộc sống, mẹ có thể chịu đựng mọi vất vả, nỗi buồn để cho chúng tôi có được điều tuyệt vời nhất.Thế rồi cuối năm cấp 2 đấy tôi đã đỗ vào trường cấp ba như tôi mong muốn,việc học hành ngày một nhiều  áp lực về kinh tế lại là một gánh nặng lớn với gia đình tôi. Tôi vẫn nhớ mùa hè năm lớp 10 đó, tôi đi làm thêm ở xưởng sản xuất đóng gói thạch và bánh kẹo, tôi được trả công đóng gói mỗi thùng là 5 ngàn đồng, một ngày tôi làm việc từ 7h sáng đến 4h chiều có thể kiếm được 50 đến 60 ngàn đồng. Cả một mùa hè đó tôi đã cố gắng giành dụm được chút ít tiền để đóng học thêm, vì tôi biết nếu có mở lời ra xin tiền bố thì cũng sẽ nhận lại được câu trả lời : "Đi mà xin mẹ mày" hoặc có nhận được tiền thì bố sẽ chửi mắng và vứt tiền cho tôi như một cách nói với tôi tiền không dễ kiếm, còn với mẹ tôi lại càng không muốn thấy mẹ thêm vất vả. Năm đó việc chăn nuôi của bố gặp nhiều khó khăn, những khoản nợ lại đè nặng lên gia đình tôi thêm phần nào. Bố tôi lại tìm đến men rượu, cơn say rồi những lời chửi mắng ,những lần đánh đập mẹ là nơi để bố chút những cơn giận. Với bố những ai khiến bố không ưa mắt thì họ chính là kẻ thù của bố, bố sẽ cấm chúng tôi sang nhà hoặc chơi với con của những người bố ghét. Cứ như vậy mẹ tôi chịu đựng suốt nhưng năm tháng tôi học hết cấp 3, một quyết định táo bạo của tuổi trẻ khiến tôi cho đến bây giờ vẫn phải ân hận. Bố tôi luôn đem chuyện con nhà người ta ra để so sánh với tôi, với bố tôi luôn là kẻ thất bại dù có học đại học thì sau này có ra trường với bố tôi cũng chẳng làm được gì lên hồn. Sai lầm của tuổi mới lớn mà tôi chọn là cách tôi chống trả lại tất cả những gì bố nói và rồi tôi thành con hư. Tôi cãi và phản biện lại tất cả những gì bố nói, tôi muốn được sải cánh bay đi thật xa để thoát khỏi những định kiến kìm hãm của bố tôi bằng cách tôi chọn việc đi du học Hàn Quốc. Một phần vì muốn thoát khỏi bố tôi, một phần vì tôi không muốn mẹ tôi phải lặn lội môt nắng hai sương làm việc vất vả mỗi ngày và muốn cho gia đình có một kinh tế ổn định hơn về cuộc sống. Cuộc sống của bố xoay quanh với tiền, khi có tiền với bố mọi thứ đều được giải quyết êm đềm và nhẹ nhàng, bởi vậy mẹ và anh chị tôi luôn chăm chỉ kiếm tiền để cho cuộc sống phần nào bớt đi gánh nặng cũng như để khỏi phải chịu những lời cay đắng mà bố tôi dai dẳng nói mỗi ngày. Một tối nọ, mẹ có lại gần bên giường và tâm sự với tôi từ ngày lấy bố mày về nhà nghèo lắm, đến hạt gạo, manh chiếu cũng không có. Mẹ phải về ngoại xin từng ít một để gom góp cho gia đình đằng nội, mẹ vất vả làm ruộng, cày cấy từng ngày mặc dù bị bố đánh đập nhưng mẹ tôi vẫn luôn cố gắng làm nụng. Cho tới khi sinh anh hai tôi ra mọi vốn liếng,tích cóp của mẹ bị bố và em gái bố cầm đi tiêu hết. Mẹ về nhà bố mà dường như từ khi sinh tôi ra tôi chưa thấy mẹ cười một lần, cũng chưa thấy mẹ may một bộ quần áo mới để đi chơi hay chỉ là đi đến những nơi mẹ muốn, ăn những món ăn mẹ muốn ăn chẳng qua vì mẹ tiết kiệm và luôn cho gia đình. Tôi từng nhiều lần đặt câu hỏi, vậy mẹ từng có ước mơ? Hay rồi để từ khi về nhà bố mọi thứ của mẹ chỉ là lao đông và làm việc mỗi ngày, mà khiến mẹ quên đi mất những điều mẹ cũng cần được hưởng như bao người vợ khác. Mẹ hạ giọng trĩu nặng hỏi tôi : " Con quyết định đi du học thật sao?" trong câu hỏi của mẹ bao hàm cả sự lo lắng cho tôi từ kinh tế lẫn cả tình thương. Suy nghĩ non nớt của tuổi trẻ mà tôi trả lời mẹ tức thì " Con muốn đi, con đi kiếm tiền mọi người đừng cản con" . Tôi đâu biết được số tiền để tôi có thể di du học được thì đó là một khoản rất lớn với gia đình, tôi đâu hiểu được khi phải gồng gánh thêm khoản nợ thì gia đình tôi sẽ ra sao? Trong tâm thức khi ấy tôi chỉ mong muốn đi thật xa, thoát khỏi căn phòng giam đó là bố và kiếm thật nhiều tiền trở về để cho bố tôi thấy bố đã sai. Cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, tôi đã không nghĩ đến mẹ một chút nào, tôi chỉ ích kỷ cho chính bản thân tôi mà tôi bỏ quên điều quan trọng là mẹ cũng cần được nghỉ ngơi nhưng nghĩ về cách tôi đã chọn thì mẹ tôi lại gồng mình lên làm việc. Mặc dù ốm đau mà mẹ vẫn quyết định đi làm cho dù nắng hay mưa ,mẹ không nói hay vì mẹ không muốn nói mà mẹ sợ khiến các con phải thêm suy nghĩ và mất đi hết suy nghĩ kiên định kia. Mẹ vẫn cặm cụi qua từng ngày, từng tháng, từng năm để rồi những căn bệnh quái ác đến với mẹ ngày một nhiều và thêm nặng, vậy mà tôi lại quên mất đi sự quan tâm nhỏ nhoi nhất với mẹ hay vì là con trai tôi khó nói ra lời yêu thương với mẹ? Mà có thể nói ra lời yêu thương dễ dàng với một cô gái khác vậy? Nhiều năm cứ thế trôi đi, tôi và bố cũng chẳng còn nói chuyện với nhau,không một cuộc gọi, không có lời hỏi thăm, khoảng cách tình cha con giữa tôi và bố có một nút thắt và bức tường vô hình đang ngăn cản. Mỗi gia đình đều có nỗi khổ riêng, còn tôi lại tự đặt câu hỏi cho chính mình " Vậy nỗi khổ của nhà mình gọi tên là gì vậy nhỉ ? Hạnh phúc hay khổ đau ? "

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top