Chương 128

Vào tháng bảy, sau những cơn mưa dai dẳng là những ngày nắng gắt không ngớt. Từ giờ Mão mặt trời đã lên cao, hơi nóng bốc lên từ mặt đất hút cạn chút hơi ẩm còn sót lại. Những viên ngói lưu ly trên nóc hoàng cung phản chiếu ánh sáng chói chang đến lóa mắt.

Trong điện Kim Loan, bá quan văn võ xếp thành hàng ngay ngắn. Không rõ vì trời nóng hay vì sợ hãi mà trên trán không ít người đã lấm tấm mồ hôi. Hoàng đế ngồi cao trên ngai rồng, bên tay trái là Hoàng hậu trong trang phục triều nghi, hai bên là Liễu Quý phi và Thục phi.

Không khí trong điện nặng nề đến ngột ngạt. Thỉnh thoảng có những ánh mắt lén lút liếc về phía Cố Hoài Du, nhưng khi thấy nàng đứng điềm tĩnh không hề nao núng, họ lại lau mồ hôi mà quay đi.

Chiếu chỉ triệu nàng vào ngự tiền dự thẩm được ban hành bất ngờ nhưng không ngoài dự liệu. Phiên xét xử gia tộc Phù chắc chắn sẽ nhắc đến chuyện của Đức phi, mà với những lời đồn gần đây náo động khắp kinh thành, việc nàng bị cuốn vào là điều không thể tránh khỏi.

Cố Hoài Du giả vờ không để ý, ánh mắt nàng vô thức rơi vào bóng dáng người đứng đầu hàng đối diện — Tống Thời Cẩn. Chàng mặc một bộ triều phục màu tím sẫm, dung mạo như ngọc, phong thái nghiêm trang, nổi bật nhất trong số đông.

Nhận thấy ánh mắt của nàng, Tống Thời Cẩn khẽ nhếch môi cười, sự lạnh lẽo quanh người như bị xua tan đi phần nào.

Hoàng đế kín đáo liếc xuống dưới, dường như đã quen với cảnh hai người trao ánh mắt tình tứ. Ngài nghiêng đầu nhìn Lý Ngọc, gõ nhẹ ngón tay lên đầu rồng trên ngai.

Lý Ngọc vung chiếc phất trần, lùi sang một bên, giọng the thé vang lên: "Đưa Đại tướng quân lên điện!"

Một lát sau, Phù Lan bị cấm quân áp giải vào. Ông ta không mặc áo tù mà vẫn vận bộ triều phục hôm bị bắt, chỉ là giờ đây đã nhàu nhĩ, bẩn thỉu, ngực còn loang một mảng máu khô đen sẫm.

Do vết thương cũ tái phát, khuôn mặt ông ta tái nhợt, râu tóc bù xù hoàn toàn mất đi dáng vẻ ngạo mạn, uy nghiêm trước kia. Đôi mắt ông ta lướt qua đám đông, dừng lại một chút trên nhị hoàng tử rồi phức tạp dời đi.

Nhị hoàng tử đứng yên mặt không đổi sắc, nhưng trong tay áo đã nắm chặt đến ướt đẫm mồ hôi. Hắn không biết Phù Lan có làm đúng theo chỉ dẫn của hắn, nhận hết mọi tội danh hay không. Nếu Phù Lan vì tuyệt vọng mà kéo hắn xuống nước thì tất cả sẽ chấm dứt.

Bị đưa lên điện cùng Phù Lan còn có các tang vật làm chứng: những sổ sách tìm thấy trong thư phòng và lời khai thu được từ Long Lân Vệ.

"Nuôi quân riêng, bán quan tước, vu oan cho hoàng tử... Giả truyền thánh chỉ mưu sát triều thần, ý đồ tạo phản. Phù Lan, ngươi còn gì để nói!" Theo lệnh Hoàng đế, Lý Ngọc dẫn các thái giám dâng lên chứng cứ và lời khai để bá quan xem xét.

Phù Lan mặt không biểu cảm, quỳ trên nền đất lạnh lẽo, hồi lâu không nói một lời. Nhị hoàng tử mặt hơi tái đi, cổ ngưa ngứa, mồ hôi từ gáy rịn ra thấm vào cổ áo.

Những bằng chứng đó là do chính hắn lén đặt trong thư phòng của Phù Lan.

Theo kế hoạch ban đầu, sau khi cài chứng cứ tại phủ Vệ Viêm, những thích khách ám sát Hoàng đế sẽ khai ra Vệ Viêm. Trong cơn thịnh nộ Hoàng đế chắc chắn sẽ ra lệnh khám xét. Chỉ cần Vệ Viêm bị kết tội thì cho dù Tống Thời Cẩn có tài giỏi đến đâu cũng không thể đẩy hết trách nhiệm lên đầu hắn được.

Hắn chỉ cần chờ thời cơ, đợi Hoàng đế lâm bệnh nặng rồi lấy danh nghĩa "tiêu diệt phản loạn" để diệt trừ Tống Thời Cẩn. Như thế sẽ không còn ai tranh giành với hắn nữa. Nhưng khi phát hiện ra thân phận của Tống Thời Cẩn, hắn linh cảm rằng Tống Thời Cẩn đã nhận ra điều gì đó, buộc bản thân hắn phải tính toán lại chuẩn bị đường lui.

Hai người con của Phù gia đã trốn đi, Phù Lan bị định tội là chuyện chắc chắn. Vệ Tranh đã lén lút hứa hẹn rằng nếu hắn thành công thì sẽ rửa oan cho Phù gia và ban cho hai người con của Phù Lan tước vị khác họ. Giờ chỉ còn xem Phù Lan chọn con đường nào.

"Không có gì để nói." Đôi mắt Phù Lan ánh lên vẻ quyết liệt, dường như cố tình chọc giận Hoàng đế mà cao giọng nói: "Thần vì giang sơn xã tắc đã lập bao công lao, vậy mà Hoàng thượng lại vì con cháu thần phạm tội mà tước đi binh quyền của thần. Thần không cam tâm."

Lời vừa dứt cả triều đình liền xôn xao, kinh hãi trước những lời đại nghịch bất đạo của Phù Lan, không ai để ý đến sự khéo léo trong trình tự sự kiện mà ông ta kể.

"Nếu Hoàng thượng bất nghĩa, thì đừng trách thần bất trung. Ngài chỉ tin dùng nịnh thần, bỏ mặc trung lương!" Phù Lan nhìn thẳng Tống Thời Cẩn, lớn tiếng tiếp tục: "Hoàng thượng định giao giang sơn cho kẻ gian nịnh này sao?"

Sát khí trong mắt Hoàng đế lóe lên, không khí trong điện lạnh đi vài phần. Các đại thần cúi đầu nín thở không dám lên tiếng. Cao Chính Viễn giận dữ quay sang nhìn Phù Lan, định phản bác thì một giọng nữ vang lên:

"Phù tướng quân dám xưng trung lương nhưng lại làm những việc không bằng cầm thú. Có ý đồ tạo phản mà còn định đổi trắng thay đen. Hai chữ trung lương này ông thấy mình xứng sao?" Cố Hoài Du bất ngờ lên tiếng, khiến mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía nàng.

Nàng phớt lờ ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống của Phù Lan, quay sang Hoàng đế quỳ xuống, cao giọng nói: "Thần nữ không hiểu quy củ chốn triều đình, mong Hoàng thượng lượng thứ. Trước khi bị xử phạt, thần nữ có vài lời muốn thưa."

"Nói đi." Hoàng đế hạ mắt nhìn nàng, tâm trạng thoáng tốt hơn: "Đứng lên mà nói."

Cố Hoài Du đứng dậy, chậm rãi bước đến trung tâm điện nhìn thẳng vào Phù Lan, nói từng lời rõ ràng, không nhanh không chậm:

"Năm Kiến Nguyên thứ mười lăm man di xâm phạm biên giới, hai người Phù Kính Viễn vì chỉ huy sai lầm mà để mất hai tòa thành. Chính nhờ vị 'nịnh thần' mà ông nhắc đến đã xoay chuyển tình thế, giữ yên biên giới. Năm Kiến Nguyên thứ mười bảy, Tây Nam gặp lũ lụt lớn, phủ Đại tướng quân rầm rộ xây dựng dinh thự nguy nga chẳng khác gì phủ vương gia. Còn kẻ được gọi là 'nịnh thần' ấy lại quyên hết bổng lộc, xử lý quan ô tham lam, trấn an dân chúng và giúp nạn dân tái thiết nhà cửa..."

Những lời nói chắc nịch như đóng đinh mang sức mạnh lay động lòng người khiến Phù Lan tức giận đến trợn mắt đỏ mặt. Nhiều quan viên cúi đầu im lặng không dám đối diện. Lời lẽ của nàng khiến hình tượng Tống Thời Cẩn trong lòng mọi người đảo ngược hoàn toàn. Một người trước đây bị cho là lạnh lùng sắt đá, qua lời nàng đã trở nên đáng kính hơn bao giờ.

"Ông sớm đã có ý đồ tạo phản, bị tước binh quyền cũng là hậu quả tất yếu. Vậy mà giờ đây lại dám nói Hoàng thượng bất công. Vậy xin hỏi ông, ông có xứng đáng với tổ tiên nhà họ Phù không?"

Hoàng đế nghe nàng bình tĩnh liệt kê từng sự kiện, sắc mặt càng lúc càng giãn ra, trong lòng thầm khen ngợi suýt nữa không nhịn được mà vỗ tay tán thưởng. Rõ ràng là nàng đang biện minh cho Tống Thời Cẩn nhưng lời nói lại khéo léo chỉ tập trung vào tội lỗi của Phù gia.

Hai sự việc tưởng như không liên quan đến nhau nhưng dưới cách sắp xếp khéo léo của nàng đã lột tả rõ ràng sự ngụy biện trắng trợn của Phù Lan. Không những không hạ thấp được Tống Thời Cẩn mà còn giúp hắn lấy lại hình tượng, đồng thời khiến Phù Lan tự chôn mình sâu hơn.

"Chí lý!" Cao Chính Viễn hừ một tiếng, khinh miệt nói: "Ngươi cũng xứng để gọi là trung lương sao?"

"Trở về triều từ biên giới, ngươi dung túng người thân cướp đoạt của thiện dân, giết hại cả gia đình bảy người họ... Bán quan buôn chức, vơ vét mồ hôi xương máu của dân lành. Bao tội lỗi như vậy, Đại tướng quân có cần ta kể tiếp không?"

Cố Hoài Du đứng trên cao nhìn xuống, ánh mắt như thách thức. Phù Lan mặt đỏ bừng, cơn giận làm bệnh cũ tái phát. Một ngụm máu bị nghẹn trong cổ họng, sau vài tiếng thở hổn hển ông ta phun ra một ngụm máu lớn rồi đổ gục xuống đất.

Nhị hoàng tử tránh ánh mắt nhìn sang từ Phù Lan, thấy ông ta không còn sức nói thêm điều gì, trên mặt làm ra vẻ đau xót, quỳ sụp xuống đất nghẹn ngào nói: "Cậu... sao cậu có thể làm những chuyện như vậy! Ta... ta..." Nói đến đây, hắn đỏ mắt, giọng nghẹn ngào.

Dáng vẻ như thể không biết gì về những việc này của hắn trông thật đáng tin.

Hoàng đế liếc nhìn hắn một cái, lạnh lùng tuyên bố: "Phù Lan tội ác chồng chất, theo luật nên bị xử lăng trì! Toàn bộ gia quyến và phe cánh cùng chịu tội, chém đầu ngay tại chỗ! Nô bộc trong phủ bị lưu đày ba ngàn dặm, vĩnh viễn không được quay lại kinh thành."

Lời vừa dứt một số người không đứng nổi nữa, quỳ rạp xuống đất. Phù Lan nằm trên sàn, phát ra vài tiếng thều thào, bị cấm quân lôi ra ngoài cùng những người đang bị xét xử trên triều.

Nhị hoàng tử cúi sát đất, giọng đầy chính nghĩa: "Phụ hoàng, nhi thần mắt mờ lòng tối, không phát hiện ra việc này sớm. Nay hai người con Phù gia vẫn còn trốn ngoài vòng pháp luật, nhi thần xin lĩnh mệnh đi bắt về quy án!"

"Không cần." Hoàng đế phất tay, giọng lạnh lùng, ánh mắt càng lạnh lẽo hơn khi nhìn hắn: "Chuyện này ngươi nên tránh liên quan, trẫm đã có sắp xếp."

Nhị hoàng tử dập đầu xuống đất, lòng dâng lên nỗi cô độc lạnh lẽo. Dù Phù Lan cuối cùng đã nhận hết tội lỗi, nhưng sự nghi ngờ của hoàng đế đối với hắn vẫn còn đó.

Tam hoàng tử lườm hắn một cái, trong lòng bực bội vì Vệ Tranh không bị lôi ra chịu tội. Định lên tiếng nhưng thấy Thục phi kín đáo lắc đầu với mình, đành nhẫn nhịn xuống.

Việc toàn bộ Phù gia bị xử trảm quả là kết cục đáng tội. Các triều thần còn lại vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa bắt đầu lo lắng cho bản thân. Một đại tướng quân từng quyền lực nghiêng trời, chỉ vì một bước sai lầm mà tan cửa nát nhà. Vậy còn họ...?

Khi mọi người nghĩ chuyện đã kết thúc, Cao Chính Viễn bỗng đứng ra: "Hoàng thượng, lão thần còn một việc muốn tấu trình."

Hoàng đế trầm giọng: "Nói."

Cao Chính Viễn đột nhiên quay lại, hướng về phía cửa điện hô lớn: "Cao Lê, đưa người vào!"

Lời vừa dứt, một người từ từ bước vào từ ngoài điện. Mái tóc bạc trắng phản chiếu ánh mặt trời chói chang khiến người khác không thể không chú ý. Người đó mặc một bộ y phục màu xanh biển, khuôn mặt tuy đã già nhưng vẫn giữ nét quen thuộc của nhiều năm trước khi ông ta biến mất.

Trong tay người này là một sợi dây thừng làm từ chất liệu không rõ, đầu dây kia buộc chặt một bà lão.

Toàn thân bà lão đen nhẻm, mặt và đầu như bị tạt máu, tóc bết lại thành từng mảng. Mỗi bước đi, từng mảng vảy máu khô rơi xuống. Khuôn mặt bà ta khiến người ta kinh hãi — dưới da là những khối u to nhỏ không ngừng nhô lên rồi lại biến mất sau đó lại nổi lên, trông như một sinh vật sống đáng sợ.

"Thảo dân Cao Lê bái kiến Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế!"

Tất cả mọi người trong điện đồng loạt hít một hơi lạnh. Thật sự là Cao Lê! Năm xưa khi Tiên hoàng hậu vẫn còn là Thái tử phi, Cao Lê đã đột nhiên mất tích. Ai nấy đều đoán rằng, có lẽ khi ấy Hoàng đế, lúc đó còn là Thái tử, đã bí mật ra tay với ông ta. Nay nhìn thấy Cao Lê bình an vô sự làm sao mọi người không khỏi kinh ngạc.

Ánh mắt Hoàng đế lóe lên tia sáng, giọng nói chậm rãi: "Đứng lên đi."

Cao Chính Viễn liếc nhìn hai người đang quỳ dưới điện, đôi mắt trầm tĩnh như mặt nước bỗng lóe lên một tia lạnh lùng, giọng dõng dạc: "Lão thần thỉnh Hoàng thượng điều tra rõ ràng sự việc Tiên hoàng hậu băng hà năm xưa!"

Tiếng hít thở đồng loạt vang lên. Điện Tiêu Phòng cho đến giờ vẫn chưa được dỡ phong tỏa, không ai dám nhắc đến Tiên hoàng hậu trước mặt Hoàng đế. Nay Cao Chính Viễn công khai nhắc đế, chẳng lẽ thật sự ông ta đã phát hiện ra điều gì chăng?

"Trẫm cũng đang có ý này!" Hoàng đế đối diện với ánh mắt của Cao Chính Viễn, một thoáng ngầm hiểu hiện lên trong mắt. Vở kịch này e rằng vẫn phải tiếp tục diễn. "Người trong điện là ai?"

Dưới ánh mắt nghi hoặc của mọi người, Cao Lê từ trong tay áo lấy ra một chiếc bình sứ miệng hẹp, rắc một vòng quanh người Miêu Tiên Nhi, để lại một vòng tròn máu đỏ sẫm. Hoàng đế không hề ngăn cản.

Cao Chính Viễn nghiêm giọng nói: "Hoàng thượng còn nhớ đến người hầu tên Lương Hạ bên cạnh Đức phi chứ?"

Ánh mắt Hoàng đế rơi xuống người Miêu Tiên Nhi. Khóe môi bà ta bị cắn rách, để lộ hàm răng đen nhẻm, giữa những chiếc răng như có thứ gì đó thoắt ẩn thoắt hiện. Cả gương mặt nhăn nheo, đầy máu đen che lấp hoàn toàn diện mạo ban đầu. Dáng người bà ta thấp nhỏ, nhưng nhìn kỹ vẫn có thể nhận ra tuổi đã ngoài bảy mươi.

"Quả thật có người như vậy..."

Cao Chính Viễn giọng lạnh lẽo: "Sau khi Tiên hoàng hậu băng hà, lão thần đã cảm thấy sự việc quá mức kỳ lạ. Trải qua nhiều năm điều tra, cuối cùng thần đã tìm ra người này cách đây không lâu,."

Dừng lại một chút, ông tiếp tục: "Việc Đức phi trở thành quái vật như vậy, cũng có liên quan đến người này!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top