Quyển 01: Chương 06
Quyển 01: Trăng trong núi.
06 – “Con người rất kì lạ, lúc trẻ thì thích yên tĩnh, khi già lại thích ồn ào.”
Trần Tân dán một tấm bùa vàng lên trán Thanh Hạ. Cậu bảo rằng thứ này có thể đuổi ma quỷ, gột rửa những thứ ô uế trên người. Không được lấy xuống, ít nhất là trong hôm nay.
Cậu lại đeo lên cổ Thanh Hạ một xâu tỏi tươi: “Nếu ngươi là quỷ dữ trốn trong thân xác người phàm, trong hai canh giờ tới sẽ hiện nguyên hình hoặc lập tức tan thành tro.”
Mùi hăng của tỏi xộc vào xoang mũi, Thanh Hạ ho sặc sụa, cảm giác đè nặng trên cổ làm nàng lung lay đứng không vững.
“Thưa hoàng tử, tôi là người mà, không phải quỷ đâu…” Nàng vội vàng giải thích, không phải một lần mà là rất nhiều lần.
Cầm trên tay một xấp giấy nhỏ nhiều màu, hoàng tử không đoái hoài đến những lời thành khẩn của Thanh Hạ, dán những tấm bùa chi chít chữ đỏ lên lưng nàng, còn rắc cát trắng và muối hạt lên đầu. Thanh Hạ không dám phản kháng, cố gắng đứng im mặc cho cậu bôi vẽ kì lạ lên người.
Lẽ thường tình là thế. Người tin vào bùa phép đều sẽ sợ hãi những chuyện ma quỷ nơi nhân gian.
Hoài Đức từng nói, hoàng tử Lê Xương thích vẽ tranh, trồng hoa và ẩm trà. Hoàng tử Ngọc Phong thích múa thương, cưỡi ngựa và chơi cờ. Hoàng tử Trần Tân thích đánh đàn, cắt giấy và làm bùa. Công chúa Tư Hoàng lại bảo thế này, anh Lê Xương là hoa cúc trắng, anh Ngọc Phong là cây gỗ thông đỏ, anh Trần Tân là cây nhân trần, còn công chúa là quả sơn trà vàng.
Trần Tân dùng mực đỏ vẽ hình con rùa vào lòng bàn tay Thanh Hạ: “Đây là rùa thần. Trong truyền thuyết, ngài có bốn mắt, đầu mọc lá sen, đuôi ngựa và chân dê. Rùa thần có linh khí của trời đất, yêu ma quỷ quái không dám đến gần.”
Cậu dặn dò: “Rùa thần thích bánh bao nhân rau củ, tôm tươi trứng tươi, ruột dừa non, kẹo đậu phộng. Cậu phải nhớ kĩ, mỗi tối trước khi ngủ, bản thân phải thành tâm thắp một nén hương. Dưới biển sâu, rùa thần sẽ ban phước lành.”
Thanh Hạ nhìn chăm chú con rùa đỏ vẽ trên tay, người có một nhúm, chân dê lại tròn như quả táo, cái đầu xiên xẹo thấy mà thương. Nàng nghĩ bụng, hoàng tử vẽ xấu quá!
“Là truyền thuyết nào mà có con rùa thần kì lạ như vậy hả? Ở tận dưới biển còn thèm thuồng bánh với kẹo.” Ngọc Phong cười cợt, ngón tay cứng cáp tách đôi vỏ hạt dẻ. Phần hạt vàng to trong quả cậu sẽ để vào đĩa, đưa cho Tư Hoàng.
“Em đã thấy trong mơ, khung cảnh huyền ảo ấy rất chân thật. Em chép vào sách giữ gìn đến già, con cháu đời sau nhất định thành kính thờ phụng.” Trần Tân trả lời, đôi mắt ngước lên với vẻ ao ước.
“Bảo sao, ra là truyền thuyết trong giấc mộng huyễn hoặc của em.” Ngọc Phong phì cười, nhét một quả hạt dẻ vào tay cậu.
Tư Hoàng vẫy tay gọi: “Thanh Hạ ơi! Đến đây đứng cạnh ta này!”
Hai mắt sáng ngời, Thanh Hạ lập tức bước qua cung kính đứng sau lưng công chúa. Người cho nàng một nắm hạt dẻ, Thanh Hạ nhận lấy rồi rối rít tạ ơn. Tư Hoàng nghiêng đầu cười, lại bốc một nắm mứt dừa đưa cho nàng. Phía bàn đối diện, Quận tử vẫn luôn nhìn Thanh Hạ, gương mặt cậu lộ rõ sự hằn học.
Có lẽ giác quan mách bảo. Thanh Hạ mơ hồ nhận thấy điều khác thường. Nàng bất an rụt cổ, nhét vội hạt dẻ và mứt dừa vào trong ngực áo, nhằm giấu kĩ.
Lê Xương cặn kẽ kiểm tra bài vở của bốn người.
Đối với bài của Ngọc Phong, hoàng tử nhận xét: “Nét chữ gãy góc, thẳng hàng, câu văn ngắn gọn vừa đủ ý. Ngọc Phong bảo quản sách rất tốt, giấy mỏng nhưng không ướt mực, trong ngoài sạch sẽ. Đề bài là tả cảnh nói thoại, phải làm đầy đủ sáu trang, nhưng ở đây em chỉ viết một trang, phần còn lại đều bỏ trống.”
Ngọc Phong thản nhiên nói: “Chữ ít nghĩa ít. Một trang thôi là đủ.”
Lê Xương nhìn sang Trần Tân: “Chữ nhỏ ngay ngắn, nét nào nét nấy cũng tròn đều, dùng mực tím thay vì mực đen, cũng xem như có sự độc đáo riêng. Tuy nhiên, cái cốt yếu trong bài lại rời rạc thiếu phần lớn nghiêm túc. Nếu phải đánh giá thì bài văn này của em rất mờ nhạt, sáo rỗng. Em viết trời xanh có nắng, hoa nở gió thổi, cát trắng vàng dưới chân, lòng rạo rực mong chờ… Ta nhớ là những lần trước em đã dùng lại mấy câu này vào đề bài cũ, chắc chắn không phải một lần.”
Trần Tân ngồi rũ rượi trên ghế: “Những đề bài đó đều giống nhau, cũng là mô tả phong cảnh, nói cảm nghĩ của người, em dùng lại lời văn cũ thì đã làm sao? Chung quy vẫn là do em tự nghĩ tự viết, không có lượm lặt của ai.”
“Không ai nói viết như thế là sai, nhưng một người thầy sẽ không khuyến khích học trò của mình dùng phương thức này trong việc học. Giam lỏng bản thân trong một khu vườn đầy hoa, vừa là chuyện tốt, vừa là chuyện không tốt. Phóng mắt ra xa thì nhìn thấy được bao nhiêu thứ mới mẻ? Thiên hạ này có rất nhiều cảnh đẹp, dù dùng cả đời cũng không thể biết tường tận. Mỗi ngày mỗi giờ lại đổi khác, lúc sáng lúc tối, khi thì rộn rã tưng bừng, khi lại lạnh lẽo hoang tàn. Núi non sông nước còn dễ đổi dời huống hồ là con người sớm chiều thất thường. Do đó, Trần Tân không thể vẽ lại chuyện hôm qua thành chuyện hôm nay, không thể nói nắng trời hôm nay là nắng trời của ngày mai. Hình ảnh của chính mình mỗi ngày là thứ đặc biệt không thể thay thế.”
Trần Tân nghe rất chuyên chú, dù không lên tiếng đáp lại nhưng cậu vẫn thể hiện sự kính trọng với người thông qua ánh mắt ngượng ngập.
Lê Xương chuyển cái nhìn nặng nề qua Tư Hoàng: “Giấy trắng trơn, không có lấy một chữ.”
Tư Hoàng đút bánh vào miệng, cười khanh khách: “Em chẳng biết viết gì!”
Lê Xương thở dài, không nói đến nàng nữa. Cuối cùng, cậu dành lời khen ngợi cho Quận tử.
“Nét chữ như người, thẳng thớm chỉnh tề. Viết đầy đủ sáu trang, không thừa hay bớt. Quận tử chăm chỉ học hành nên càng lúc càng tiến bộ. Nhận xét ngắn gọn mà nói, bài văn lần này em làm có dàn ý tỉ mỉ, câu từ mĩ miều bay bổng, diễn đạt trôi chảy như nước, sự gợi tả rất chi tiết và linh hoạt. Một bài văn khá tốt.”
Quận tử cười tươi rói, nhận lấy hộp bánh ngọt từ tay thị nữ Lê Hoa. Đây là quà của hoàng tử, dành tặng cho đứa trẻ chăm học và lễ phép.
“Nay Mục thư Xuân Huyên đã trở về, mọi việc trong phủ sẽ được người sắp xếp giống như trước. Từ hôm nay, chuyện bài vở của các em ta sẽ không còn phụ trách kiểm tra. Tất cả đều giao cho Mục thư. Cho nên, bất kể đúng sai thế nào thầy ấy sẽ biết cách định đoạt. Cũng mang cương vị là học trò trong lớp học, ta không có nhiều quyền hạn để xen vào.”
“Trước đây, những lỗi nhỏ phạm phải ta có thể châm chước cho qua, bây giờ thì không như vậy nữa. Mỗi người mỗi tính, quan điểm hay ý kiến đều sẽ bất đồng, cách dạy học cũng phải có đôi chỗ khác biệt. Chung quy, một người thầy giỏi vẫn nên có tính cẩn trọng nghiêm khắc thì mới phù hợp.”
Ngọc Phong lười nhác dựa vào ghế, hai cánh tay duỗi thẳng, một chân vắt ngang trên đùi. Cậu nửa đùa nửa thật: “Nếu làm học trò của anh Lê Xương, em nghĩ mình sẽ dễ thở hơn nhiều, chí ít là tay chân vẫn còn lành lặn.”
Lê Xương phì cười, không muốn đáp lại lời này.
Nhũ mẫu ôm hoàng tử Thư Hoàng đi đến phòng khách. Lê Xương nhận việc vỗ về, đút cơm và chơi với bé. Thư Hoàng ngoan ngoãn nằm trong lòng cậu, đôi mắt đen tròn xoe, hai má trắng hồng phúng phính, cánh tay bụ bẫm giơ lên, tiếng cười của hoàng tử vừa trong trẻo vừa giòn giã.
Các hoàng tử, công chúa đều chạy ra ngoài sân, mỗi người chiếm một góc nhỏ. Ông Ngữ theo hầu phía sau, chốc chốc mắt ngó chỗ này, chốc chốc mắt lại ngó chỗ kia, bộ dạng sốt sắng.
Ngọc Phong rút đoản kiếm mài khúc gỗ. Ông Ngữ lập tức chạy đến: “Thứ này nguy hiểm lắm ạ! Có công chúa và hoàng tử khác ở đây, ngài nên cất kĩ mới phải!”
Tư Hoàng lấy đà nhảy phốc lên, hai tay bám vào cành cây, nàng hú lên một tiếng, đong đưa bàn chân nhỏ. Ông Ngữ sợ đến xanh mặt, vội vàng chạy đến đỡ: “Công chúa ơi… người mau xuống đi. Ngã mất thôi! Ngã mất thôi!”
Trần Tân cầm trên tay cây nến trắng, đầu lửa nhỏ bốc lên sợi khói màu xám, từng lá bùa xanh xanh vàng vàng bị đốt cháy. Ông Ngữ run rẩy bò đến, đầu cúi lạy trong sợ hãi: “Hoàng tử ơi! Hoàng tử ơi! Không thể nghịch như thế đâu ạ… Nhỡ mà cháy nhà thì to chuyện!”
Quận tử chống chân tay xuống đất, bắt chước con trâu nước bò quanh sân. Cậu ngoảnh lại nói với Tư Hoàng: “Quận tử làm trâu này! Con trâu to ăn cỏ trên đồng ruộng. Công chúa có muốn cưỡi không?”
Công chúa đu lơ lửng trên cành cây nọ, nàng chơi vui lắm, không muốn đoái hoài đến cậu.
Từ đằng xa, hoạn quan Ngữ lại vội vã bò đến. Ông thở dốc, mồ hôi nhễ nhại mặt mày: “Quận tử ơi! Nghe già này khuyên, ngài đứng dậy đi mà. Trời ạ! Quần áo của ngài sẽ bị dơ đó…”
Thanh Hạ ngồi xổm trong một góc, đôi mắt ngơ ngác xem người này rồi xem người kia. Trần Tân bỗng chạy đến dán một lá bùa đỏ lên trán nàng. Thanh Hạ không dám gỡ xuống.
Hoàng tử hỏi: “Nhà của cậu ở đâu thế? Có phải Tây Đường không?”
Thanh Hạ cung kính: “Thưa hoàng tử, tôi sống ở núi Bạch Tây cạnh làng Con Trăn, Đàm Châu nước Đại Thuỵ.”
Trần Tân không còn điều nghi vấn. Cậu quay người rời khỏi.
Thị nữ Lê Hoa mang cho Thanh Hạ một chén nước vối lạnh: “Vết thương ở chân cậu thế nào rồi? Mấy ngày nay nghỉ ngơi đã đỡ hơn chưa?”
Thanh Hạ bẽn lẽn cúi đầu, đáp rằng tối nào mình cũng đắp thuốc, đến giờ đầu gối đã bớt đau, không còn sưng nữa.
Lê Hoa ngắm nghía rất kĩ khuôn mặt nhỏ nhắn của Thanh Hạ: “Hoàng tử hiền từ có lòng thương người, đối đãi với ai cũng chu toàn đầy đủ. Lúc biết chuyện cậu bị Mục thư phạt nặng, hoàng tử không khỏi thương xót, dặn tôi khi nào gặp cậu thì phải thay ngài gửi lời thăm hỏi.”
“Thanh Hạ mang ơn hoàng tử.”
“Mang ơn trong lòng thì vẫn chưa đủ, cậu phải thực lòng thực dạ, cung kính và tận tuỵ với ngài.”
Thị nữ giúp Thanh Hạ vén sợi tóc rủ loà xoà dưới trán ra sau vành tai, giọng nói của nàng nhỏ nhẹ: “Đợi cậu khỏe hẳn lại sang đây làm việc. Hoa phong lan trong vườn còn đang đợi người đến chăm sóc. Nhưng phải khác khi trước, hoạn quan chăm chỉ và cố gắng hơn như thế.”
…
Một buổi sáng đẹp trời, ông Cơ Trần trở về phủ Thành Dương. Lúc nhận được tin, Thanh Hạ mừng rỡ chạy đi đón.
Ông nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Thanh Hạ cùng nàng thư thả dạo trong vườn. Cơ Trần mua cho nàng quần áo, sách vở và đồ chơi mới. Ông tặng cho nàng một cái tráp bạc đựng tiền xu, một chậu hoa chi tử vừa nở.
“Ở nước Phục Nam, mỗi một hoạn quan đều có hoa chi tử. Người có hoa tươi trong phòng, ngày đêm tĩnh mịch như có tri kỉ cạnh bên.”
Thanh Hạ nâng niu từng cánh hoa trắng ngần trong lòng, nghe theo lời ông, nàng ôm chậu hoa về phòng đặt trên bậu cửa sổ.
Nắng mai và sương sớm bên ngoài sẽ tưới tắm cho hoa chi tử của nàng.
Ông Cơ Trần lại hỏi: “Trong mấy ngày ta đi vắng, Thanh Hạ đã thế nào?”
Thanh Hạ thưa thốt kể rõ, từng chuyện rồi từng chuyện.
Ông Cơ Trần nói: “Mục thư trách phạt là có nguyên do. Vết thương trên chân nặng mấy vẫn sẽ lành. Lời răn dạy nghiêm khắc đến mấy vẫn phải ghi nhớ.”
Bưng trên tay chén nước, Thanh Hạ gật gù như gà con mổ thóc: “Một lần thôi. Con không dám chui xuống giếng nữa.”
Ông Cơ Trần nháy mắt với nàng: “Tuổi Thanh Hạ còn nhỏ, ham chơi một chút thì có làm sao? Chỉ cần biết chừng mực, không để người khác thấy là được.”
Lông mày khẽ cong lên, Thanh Hạ nở nụ cười tươi tắn.
Nhận lấy cái chén nhỏ từ nàng học trò, ông Cơ Trần thư thái nhấp môi. Ông nhắc đến Lê Xương, giọng ôn hoà: “Ông Ngữ có nói với ta, mỗi ngày là sáng là tối, Thanh Hạ luôn chăm chỉ làm việc, hoàng tử Lê Xương khen ngợi không ngớt lời. Ngài bảo Cơ Trần chọn học trò thực khéo làm sao.”
Thanh Hạ đỏ mặt vì thẹn thùng. Nàng nhón lên bàn chân, đặt hộp kẹo màu đỏ lên bàn, nói như khoe: “Này là hoàng tử thưởng cho ạ. Ngài nói Thanh Hạ làm việc rất cẩn thận, ngăn nắp lại gọn gàng. Thanh Hạ thực ngoan!”
“Hoàng tử thương người. Thanh Hạ cũng phải thương người. Hoàng tử cho con thứ gì thì cũng là ơn nặng như núi, Thanh Hạ phải nhớ thực kĩ, mai này phải gửi trả lại người, không thể thiếu.”
Thanh Hạ nghiêng đầu suy nghĩ, rất lâu rất lâu.
“Thế thì Thanh Hạ cũng phải mang ơn công chúa, người ban cho con rất nhiều thứ, quần áo, túi thơm, trang sức, rồi vàng bạc.”
Nàng nghĩ bụng, có cả hoàng tử Ngọc Phong nữa, ngài đã gửi tặng nàng lọ thuốc quý.
…
Sau khi dàn xếp thoả đáng mọi việc trong phủ, những ngày sau đó, Mục thư bắt đầu quay lại công việc dạy học. Người dày công chuẩn bị bài vở, một xấp rồi một xấp chất cao như núi.
Nắng màu mật tràn qua khung cửa, hương trà nhạt như khói bay, bàn ghế cũ kĩ phủi sạch bụi; thước trên tay, sách giấy chồng chồng, người nghiêm nghị đứng giảng dạy. Bầu không khí bỗng chốc lạnh ngắt, học trò ngồi bên dưới đều mang gương mặt phờ phạc và đôi mắt ủ rũ.
Hoạn quan Ngữ căn dặn Thanh Hạ và Hoài Đức đến đó để tiện bề việc hầu hạ.
Chỉnh tề trong trang phục hoạn quan, hai người đứng ở ngoài cửa. Thanh Hạ kể với Hoài Đức, rằng lúc mình còn sống trên núi đã được mẹ nuôi và thầy dạy học. Nét chữ của nàng nhỏ như hạt đậu, tròn như quả trứng, xiên xẹo không thể ngay hàng. Mẹ nuôi đánh vào tay nàng không biết bao lần. Thầy rầy la mãi mà nàng vẫn không thể sửa.
Nghe xong, Hoài Đức kinh ngạc ra mặt: “Thanh Hạ giỏi vậy! Biết cả chữ nghĩa, phải may mắn cỡ nào mới được như thế.”
Cậu xoa đầu cười: “Anh thì dốt nát lắm, một chữ bẻ đôi cũng không biết.”
Thanh Hạ tò mò nhòm qua cửa sổ phòng học: “Đó giờ em vẫn học ở nhà, có một mình thôi, chưa từng đến lớp học như các hoàng tử công chúa.”
Hoài Đức nghiêng đầu nói: “Chúng ta khác với họ mà. Những đứa trẻ được đến lớp học, có ân sư dạy bảo, không sang thì cũng quý.”
Trong buổi học, Xuân Huyên thẳng tay đốt bài thơ của Ngọc Phong.
“Người kiệm lời không nên kiệm chữ.”
“Chữ ít nghĩa ít. Một trang thôi là đủ.”
Hoàng tử lạnh lùng đáp trả. Xuân Huyên lại mỉa mai: “Người tài hoa một chữ cũng thành nhiều nghĩa. Kẻ tự phụ cắt nửa chữ cũng còn thừa. Hoàng tử cảm thấy mình là người tài hoa hay là kẻ tự phụ?”
Ngọc Phong không trả lời. Cậu bực dọc quay mặt đi.
Xuân Huyên nhìn Trần Tân, lời lẽ khe khắt, cay nghiệt: “Mười câu như một. Con chữ mọc rêu. Một cái xác trôi sông từ ngày này qua ngày nọ. Trống rỗng. Mờ nhạt. Luôn đưa mình vào khuôn khổ.”
Chàng lại đốt thơ, lửa nhỏ nổ tí tách, từng trang rồi từng trang biến thành tro trong thau đồng.
Bả vai run rẩy, Trần Tân im lặng gục đầu xuống bàn. Xuân Huyên cầm thước bước đến gõ nhẹ vài cái vào lưng cậu, giọng sắt lại: “Người đọc sách thánh hiền, người dùi mài kinh sử, dù bao năm thì bàn tay vẫn sạch sẽ, tai nghe kĩ, mắt nhìn thẳng, lưng ngồi thẳng. Hoàng tử chưa già nhưng sức đã yếu, xương sống nhũn mềm như khúc thịt nhừ nát.”
Trần Tân lập tức thẳng người, gương mặt trắng bệch như bị ai rút máu cắt thịt.
Xuân Huyên nhìn Quận tử. Bài của cậu đặt yên trên bàn.
“Con chữ là để biểu đạt không phải để phô trương. Viết chữ khác với vẽ tranh, nói đến cái cốt yếu nhất, đừng tâng bốc sự mĩ miều, đừng rườm rà sự phức tạp.”
Quận tử đứng dậy: “Hoàng tử Lê Xương khen chữ của tôi đẹp, khen văn của tôi hay. Người nói nét chữ như hòn ngọc xanh trời, lời văn thắm sắc xuân diễm lệ.”
Xuân Huyên chắp hai tay sau lưng: “Năm nay mùa xuân đến muộn, cảnh sắc nhạt như nước, ban ngày là mưa, ban đêm cũng là mưa, hoa nở như lá rụng. Hoàng tử rủ lòng thương, ngài nên khiêm nhường mới phải.”
Chàng lại nhìn Tư Hoàng. Tư Hoàng cũng nhìn chàng, còn trừng trừng mắt.
“Công chúa không viết một chữ, đến mực còn chẳng tự mài. Người đến đây để học không phải nhìn giấy trắng hay xem người khác.”
“Ta không biết viết…” Tư Hoàng tỏ vẻ thấp thỏm.
“Người không biết viết hay là không muốn viết? Tay chân lành lặn, người đọc được thì phải viết được.” Xuân Huyên cứng rắn nhét bút lông vào tay Tư Hoàng. “Công chúa chép lại chữ trong sách này, chép lại mấy khổ thơ ngắn và đọc thuộc lòng. Hôm nay, người chưa làm xong thì không được về.”
“Ta là công chúa, là cành vàng lá ngọc.” Tư Hoàng tức giận đến đỏ mặt.
“Vì là cành vàng lá ngọc nên người mới phải rèn luyện chữ nghĩa. Công chúa một nước không thể mụ mị bởi sự dốt nát.” Chàng chậm rãi gõ đầu thước xuống bàn. Tư Hoàng không dám hó hé một chữ.
Bên ngoài phòng học, Thanh Hạ rụt người lại trong sợ sệt. Nàng lẩm bẩm: “Đi học thực là vất vả. Sợ quá!”
Hoài Đức chợt nói: “Ở phủ Thành Dương, hoạn quan cũng đi học.”
Không có sách vở hay bút mực, các hoạn quan nhỏ tuổi ngồi xếp bằng trên đất, nghiêm chỉnh nghe lời dạy từ ông Cơ Trần. Phòng học của họ là khoảng sân sau chất đồ cũ; một góc trống sáng sủa đủ rộng, có cây khế đã chín quả, tre xanh trồng cạnh tường đỏ; từng thúng đựng phân bò treo trên thanh sào dựng ngang, mấy khúc gỗ dài cắt đôi chồng xếp ngay ngắn, những bó rơm khô buộc chặt nằm ngổn ngang xung quanh. Bóng râm to, nắng rẽ thành hai nửa, không khí thoáng đãng lại trong lành.
Hoạn quan Ngữ luôn túc trực bên cạnh. Ông đun nước, têm trầu, che nắng và quạt cho ông Cơ Trần.
Đám nhỏ vây quanh bên chân, ông Cơ Trần dạy rằng: “Hoạn quan là tấm áo tơi che cho người băng núi lội sông. Hoạn quan là ngọn cành cứng cáp cho quả ngọt hoa thơm. Hoạn quan là thuyền nhỏ đưa khách qua sông.”
Ông Ngữ cũng dạy rằng: “Chủ nhân nói hôm nay tuyết rơi dày, hoạn quan không thể nói hôm nay trời có mưa. Chủ nhân nhỏ nước mài mực, hoạn quan cắt giấy, chuốt lông bút. Chủ nhân mang nặng muộn phiền, hoạn quan không dám yên giấc.”
Thanh Hạ nghe rất say sưa.
…
Hôm ấy, ông Cơ Trần mở sạp nhỏ bán chuối nướng. Thanh Hạ ngồi trên đất giúp ông bóc vỏ chuối, thêm than củi. Ngọc Phong dẫn Tư Hoàng và Quận tử đến chơi.
Cậu lại gần hỏi: “Này là chuối gì thế? Mấy đồng một quả?”
“Chuối xiêm vỏ xanh, thịt trong ngọt lắm.” Ông Cơ Trần phe phẩy chiếc quạt mo cau. “Cây nhà lá vườn, chẳng có bao nhiêu, già bán một đồng hai quả.”
Tư Hoàng nhảy cẫng lên, thích thú nói: “Ông nướng cho ta mười quả chuối to nhất, ngọt nhất. Ta sẽ ban thưởng lụa là châu báu.”
Cong lên khóe mắt, ông Cơ Trần tỏ rõ cung kính: “Già này đội ơn công chúa.”
Ngọc Phong nhìn ông chăm chăm: “Trước đây ông như chim mẹ làm tổ, hằng ngày chỉ quanh quẩn ở vài nơi trong phủ. Nhưng bây giờ ông đi sớm về trễ, thỉnh thoảng còn bặt tăm đâu đó cả tháng trời. Ta thấy ông còn bận hơn Mục thư Xuân Huyên.”
Ông cười khẽ: “Con người rất kì lạ, lúc trẻ thì thích yên tĩnh, khi già lại thích ồn ào.”
Không hỏi đến chuyện của ông nữa, Ngọc Phong móc ra mười đồng trong túi, mua về một nải chuối chín. Tư Hoàng cầm chén chuối nóng chan nước cốt dừa đi tìm Lê Xương. Nàng hào hứng muốn chia sẻ món ngon cho hoàng tử.
Thanh Hạ được ông Cơ Trần cho riêng một giỏ chuối nướng vừa nóng hổi vừa thơm phức.
Quận tử thình lình lao đến giật lấy cái giỏ trên tay Thanh Hạ. Cậu lè lưỡi trợn mắt rồi quay người chạy đi.
Thanh Hạ nhìn xuống bàn tay trống trơn của mình, đứng ngơ ngác ở đó rất lâu. Nàng chạy về sạp, rụt rè xin thêm một quả chuối nướng. Sau đó, Quận tử lại lao đến, chẳng nói chẳng rằng cướp mất chuối trên tay nàng.
Thanh Hạ lại chạy về sạp. Nàng giữ chặt quả chuối, chui vào trong bụi cỏ trốn. Quận tử luôn đi theo sau Thanh Hạ. Cậu đột ngột xông đến, cơ thể cao to đè nặng lên người nàng.
“Chuối của tôi mà…”
“Bây giờ nó là của tao!”
Quận tử quát lớn, hai chân đá mạnh vào người nàng, thậm chí còn dùng sức đẩy nàng ngã lăn ra đất. Cậu huênh hoang giơ quả chuối lên, miệng cười khẩy, lại lần nữa chạy ra ngoài.
Thanh Hạ lồm cồm bò dậy, mặt mũi lem nhem đất cát. Nàng lại chạy về sạp, im ỉm cúi gằm mặt, xòe ra hai bàn tay.
Dừng lại việc đang làm, ông Cơ Trần ngạc nhiên: “Thanh Hạ thích ăn chuối đến vậy hả?”
“Con chỉ ăn có một chút thôi…” Nàng lí nhí đáp lại.
Nhét quả chuối vào trong áo, Thanh Hạ thảng thốt chạy đi, nàng muốn tìm một chỗ thực kín đáo để nấp vào.
Quận tử đã trông thấy nàng, cậu lập tức xắn lên ống quần gấp gáp đuổi theo.
Thanh Hạ ngoặt vào nơi vắng vẻ, đôi chân run rẩy lảo đảo. Quận tử bỗng nhào đến từ phía sau, cùi chỏ tay đập vào lưng Thanh Hạ, nàng đau đớn ngã xuống đất.
Quận tử liên tục đánh vào người Thanh Hạ, điệu bộ hung hăng, còn nhổ nước bọt lên áo nàng. Thanh Hạ nằm sấp bụng dưới đất, miệng nức nở, hai tay của nàng cố gắng giữ lấy quả chuối.
Tiếng hít thở trĩu nặng. Chẳng bao lâu thì người quay ngoắt bỏ đi. Hiển nhiên là cảm thấy mệt rồi, không muốn đánh nữa. Lúc này, Thanh Hạ mới dám mở mắt cử động thân thể. Nàng nhặt lại mũ của mình, lau chùi sạch sẽ rồi đội lên đầu.
Thanh Hạ ngồi im lặng với vẻ mặt mệt mỏi, nàng lấy ra quả chuối nguội ngắt đã giấu trong áo, bóc xuống phần vỏ ngoài, nàng nhét vào miệng từng miếng to.
Chuối thơm quá!
Thanh Hạ duỗi thẳng chân, trên lưng và sau gáy vẫn còn cảm giác đau nhức, đôi mắt buồn bã của nàng nhìn lên trời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top