Quyển 01: Chương 04

Quyển 01: Trăng trong núi.

04 – Nàng nhớ món cháo đậu hũ non mà bà thường nấu.

“Cậu đừng động vào bộ ấm trà ngọc này.”

“Cậu đừng rớ vào cái gối nhung mềm này.”

“Cậu đừng hiếu kì với mọi thứ ở đây.”

Thị nữ Lê Hoa dắt người mới đến tham quan những nơi được cho phép, nàng căn dặn rất kĩ, không thể chạm tay vào chỗ này, không thể chạm tay vào chỗ kia.

Thanh Hạ ghi nhớ trong lòng, bèn hỏi: “Tôi nên làm gì mới phải?”

Thị nữ mỉm cười: “Mấy việc như giặt giũ, nấu cơm, quét dọn phòng thường ngày chẳng hạn, tôi đều tự mình quán xuyến. Vốn là người khó tính, thành ra tôi cũng ngại chuyện san sẻ công việc cho người khác.”

Thông qua cửa nhỏ phía sau, nàng ấy dẫn người ra vườn: “Có mỗi chỗ này là cần được chăm sóc, cậu quét lá rụng, bắt sâu, tưới nước và phân bón cho cây. Rảnh rỗi thì hãy làm, không nhất thiết phải đến mỗi ngày.”

Thanh Hạ quan sát xung quanh, gật đầu thưa dạ. Hoàng tử Lê Xương thích hoa phong lan, chỉ trồng mỗi loại hoa này trong vườn. Lê Hoa buồn bã kể lại, nàng không giỏi chăm sóc hoa cỏ, cố đến mấy vẫn vậy, hoa vừa nở hôm sau đã héo chết. Hoàng tử hiền từ nên chưa từng trách mắng, nhưng nàng vẫn thấy mình mang tội.

Thanh Hạ vui vẻ nhận công việc mới, xách theo cái rổ tre, gáo múc, cây xẻng nhỏ và túi cát mịn, nàng ngồi xổm trước bụi hoa bắt đầu cào đất nhổ cỏ. Căn dặn đôi điều xong, Lê Hoa lui về phòng nghỉ của hoàng tử. Đến trưa, trời nóng hầm hập, nắng xuyên qua tán lá non, bụi lất phất trong không trung như những hạt muối trắng. Lê Xương bắc chõng ra ngoài sân, trải chiếu cói, xếp gối, hãm một ấm trà. Ngồi trên chõng, cậu phẩy nhẹ cánh quạt nhìn bóng lưng Thanh Hạ tất bật ngược xuôi. Khu vườn nhỏ sau nhà đã được quét tước gọn gàng, đến một chiếc lá rụng dưới đất cũng không còn thấy.

Lê Hoa đặt chén đậu trắng luộc lên bàn, cái món bùi bùi lạ miệng thay cho bánh trái mà hoàng tử vẫn hay nhâm nhi cùng trà nóng. Nàng nói: “Chỉ mới một ngày nên chưa thể đánh giá được nhiều. Sắp tới tôi sẽ quan sát thêm. Nếu chân tay sạch sẽ, làm việc thoả đáng thì sẽ cho cậu ta đến đây thường xuyên.”

Lê Xương nhắc nhở nàng: “Chị đừng quá nghiêm khắc, khắp cái phủ này có mỗi thằng bé ấy là nhỏ nhất, lỡ vụng về một chút cũng không sao.”

Lê Hoa cười nhạt: “Tôi đâu có khó khăn đến mức ấy? Cơ mà ngài đã dặn dò thì tôi sẽ nghe theo, kẻo lại bị ngài mỉa mai, già đầu rồi mà còn ức hiếp một đứa nhỏ.”

“Chị đâu có già. Vẫn thế. Nét xuân ngà ngọc hãy còn xanh.”

Lê Hoa buồn bã quay mặt: “Mỗi lần hoạn quan Ngữ đến, nhắc tới cậu bé này ít lắm cũng phải trăm lần. Giỏi việc làm vườn, tuổi còn nhỏ nhưng ngoan ngoãn tháo vát, ông ta khen ngợi rồi tâng bốc tận trời. Tôi bán tín bán nghi, phải xem thế nào thì mới yên lòng. Nếu chẳng phải do tôi kém cỏi, không thể khôn khéo như những thợ vườn ngoài kia, lí nào tôi lại để một đứa trẻ xa lạ bước chân vào đây?”

Giống như không nhìn thấy nét mặt ủ dột của nàng, Lê Xương điềm đạm nói sang việc khác: “Ông Cơ Trần chưa từng nhận học trò, bao nhiêu người đến cửa thành tâm vái lạy ông ấy đều nhất mực từ chối. Những năm qua ông luôn ở yên trong phủ Thành Dương, con người trầm tính sống theo khuôn phép cũ kĩ. Nhưng bây giờ, một đứa trẻ mới đến lại được ông ấy đặc cách gửi đến viện Ngọc Bảo làm việc, không qua bài bản dạy dỗ, không đợi Mục thư Xuân Huyên gật đầu phê chuẩn, ông tự ý quyết định mọi thứ. Đúng là chuyện hiếm thấy thật!”

Lê Hoa thổi vào tai người những lời đa đoan: “Chẳng lẽ ông ta đang toan tính điều gì?”

Lê Xương không có ý ngờ vực: “Toan tính cái gì ở một đứa bé mới bảy tuổi?”

Lê Hoa ra vẻ trầm ngâm: “Tôi nghĩ ngợi nhiều quá thôi.”

Nàng sờ vào chiếc vòng phỉ thúy trên cổ tay, bật cười: “Chỉ khi nãy, hoàng tử đã nói sai một chuyện, người nhỏ nhất ở cái phủ này phải là hoàng tử Thư Hoàng.”

Thanh Hạ chỉ đứng thứ hai.

Đôi mắt hoàng tử trông thật sáng ngời: “Nếu chị không nhắc thì xém nữa tôi đã quên. Thư Hoàng nhỏ đến vậy mà! Nhưng rất nhanh thôi em ấy sẽ giống như mọi người, bắt đầu lớn khôn, rành rọt từng chữ một, tự do chạy nhảy và nô đùa.”

Sau khi Thanh Hạ làm xong việc trong vườn, lúc chuẩn bị ra về, hoàng tử đã khen ngợi và thưởng cho nàng một hộp kẹo. Mắt cong lên, nàng thích thú ngắm nghía cái hộp đỏ trên tay, mấy viên kẹo tròn mũm rắc dày lớp đường trắng, chua chua ngọt ngọt vẫn giống hệt với lần trước. Thanh Hạ kính cẩn hành lễ rồi lui ra ngoài. Trước đó, nàng cũng thưa thốt với thị nữ, ngày mai lại đến phụ giúp các cô làm việc. Lê Hoa cảm thấy hài lòng, đích thân tiễn người một đoạn đường, sau đó khéo léo dúi túi bánh nhỏ vào tay Thanh Hạ.

Hôm nay hẳn là một ngày may mắn vì có lộc ăn trời cho. Thanh Hạ mừng rỡ trong lòng, bước chân vội vã, nàng dự định đi tìm Hoài Đức san sẻ niềm vui này cùng cậu.

Rồi thình lình, một hoạn quan lao đến giữ lấy cánh tay Thanh Hạ.

“Bên kia còn thiếu một người, tạm thời cậu hãy vào thay… chỉ một lát thôi…” Người đó thở rất gấp, nói năng lộn xộn.

“Anh đưa tôi đi đâu vậy?” Nàng ấp úng hỏi, loạng choạng đi theo sau.

Thanh Hạ nhìn người nọ, cũng là tóc ngắn, áo dài xanh, mũ tròn đen. Người cao nhòng, mắt lá khoai, mũi to dày, ắt hẳn lớn hơn nàng vài tuổi. Trông từ đầu đến chân lạ hoắc lạ huơ thế kia, chắc chắn là nàng chưa gặp bao giờ.

Anh ta tiếp tục kéo Thanh Hạ chạy đi. Xuyên qua dãy hành lang dài rồi đến con đường nhỏ phủ cỏ dại. Sau đó, họ dừng lại trước cánh cổng lớn màu gỗ vàng, hàng rào trắng bao quanh, có giàn mướp non xanh xanh và những khóm hoa sặc sỡ trồng trong góc.

Người nọ dẫn Thanh Hạ vào trong, vừa đi vừa giải thích: “Đây là nơi nghỉ của công chúa Tư Hoàng và hoàng tử Thư Hoàng. Công chúa thích chơi cưỡi ngựa, nuôi ngỗng và bắt dế trũi. Mỗi ngày, mấy hoạn quan nhỏ tuổi ở viện Ngọc Bảo sẽ họp lại thành một nhóm, gồm năm đến sáu người để chơi cùng công chúa. Ngặt nỗi là khi nãy có một đứa đã chạy đi đâu mất, tìm mãi mà không ra. Công chúa đang đợi bên trong. Tôi phải gấp gáp tìm người mới thay vào.”

Thanh Hạ vội vàng cất hộp kẹo cùng túi bánh vào trong áo.

“Sao anh không tìm người khác? Những người làm việc lâu ở đây, có nhiều kinh nghiệm. Tôi là người mới, chỉ biết coi sóc cây cỏ trong vườn, không biết chơi đùa với ai cả.”

“Được chơi cùng công chúa là phúc đức của cậu. Bao nhiêu người muốn mà còn chẳng được kìa. Cậu nên biết ơn tôi vì đã cho cơ hội này!”

Thanh Hạ bĩu môi, đôi mắt hiếu kì liếc nhìn xung quanh, bàn tay bị nắm lấy ra sức vùng vẫy. Thế nhưng đối phương giữ chặt quá. Nàng không thể thoát ra. Anh ta kiên quyết kéo Thanh Hạ vào trong sân.

“Các hoạn quan khác đều có công việc phải làm. Họ được phân công và chỉ định làm rất nhiều thứ, không thể tự ý rời khỏi khi chưa có sự cho phép của hoạn quan Ngữ. Những người mới đến, giống cậu chẳng hạn, chân tay còn lóng ngóng nên sẽ ít việc hơn. Có bị gọi đi cũng chẳng ai để ý đâu.”

“Hoạn quan Ngữ còn quản lí cả những người khác nữa sao? Tôi cứ nghĩ là ông ấy chỉ phụ trách dạy bảo cho mấy người mới vào phủ.”

“Người mới hay người cũ cũng phải răm rắp nghe ông ấy sai bảo. Đó là luật. Cậu vào đây chưa bao lâu vẫn còn nhiều thứ mà cậu chưa thể hiểu hết.”

Đến nơi, Thanh Hạ cung kính quỳ trên đất, mặt cúi gằm trong sự im lặng. Nàng xếp ở vị trí cuối cùng vì là người nhỏ tuổi nhất. Công chúa Tư Hoàng ngồi trên chiếu cói, mũ ngọc, kiềng vàng, áo đỏ; làn da trắng tươi, khuôn mặt tròn đầy, đôi mắt trong veo. Vẫn giống hệt với khung cảnh lần đầu nàng gặp người.

Công chúa lắc nhẹ cái hộp gỗ trên tay, đặt dưới thảm cỏ, mấy con dế trũi cánh vàng chậm chạp bò ra ngoài. Công chúa dắt đàn ngỗng đi dạo trong sân vườn, tay người cầm bát sứ đựng sợi rau cắt vụn, ngỗng con vây quanh dưới chân người, một muỗng rồi một muỗng đưa đến. Công chúa chạy đi thả diều, gió thổi lớn phần phật tà áo, cánh diều bay lượn giữa trời như chim. Các hoạn quan rối rít chạy theo sau. Thanh Hạ cũng vậy.

Công chúa ngâm mình dưới cái nắng giòn tan, nắng chải trên búi tóc mềm, nắng rọi lên đôi giày thêu. Hai mắt người cong cong, bàn tay nhỏ vung lên, hồ hởi bảo muốn cưỡi ngựa. Hoạn quan lập tức nằm xuống, tắp lự theo một hàng cung kính mời người ngồi trên lưng. Công chúa cười ngất, nghiêng nghiêng lại nghiêng nghiêng.

Hoạn quan làm ngựa. Con ngựa mặc áo xanh đội mũ đen bò trên đất.

Sau đó đến phiên Thanh Hạ. Nàng dùng sức chống chân tay xuống đất, làm chú ngựa con cho công chúa Tư Hoàng.

Tư Hoàng nhún mình trên lưng Thanh Hạ, bộ dạng kênh kiệu: “Mi bò chậm quá! Có phải vì ngựa này chưa ăn no không?”

Đi được vài vòng thì Thanh Hạ đã thở dốc, mặt ửng đỏ vì thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại làm ướt rượt tóc nàng: “Ngựa ăn no rồi ạ. Nhưng ngựa còn nhỏ nên không thể chạy nhanh.”

“Thế bao giờ mi mới lớn?”

“Lại phải vài năm.”

Tư Hoàng ôm lấy cổ Thanh Hạ, ghé vào tai nàng hỏi nhỏ: “Ta có nặng không?”

Thanh Hạ thành thật gật đầu: “Hơi nặng ạ.”

Lúc này, xương sống của nàng đã bắt đầu đau nhức, quần áo thì lấm lem cát đất.

“Mấy người kia lại chẳng nói như thế! Họ nói thân ta nhẹ mỏng như sợi lông, gió thổi một cái là bay đi mất!” Công chúa phụng phịu mặt mày, lòng bàn tay nghịch ngợm vỗ xuống lưng Thanh Hạ.

“Sao họ lại gạt người vậy?” Thanh Hạ cảm thấy khó hiểu. Trong mắt nàng, công chúa căng tròn giống như quả bưởi ruột đỏ trồng trong vườn ngài Mục thư, người nung núc, mềm mại lại thơm tho. Khi đặt trên lưng, vừa có cảm giác hơi nặng nề, vừa có cảm giác lung lay dễ vỡ.

Tư Hoàng cười khanh khách: “Phải đó! Ta cũng chẳng biết vì sao lại vậy nữa… Mà mi là người ở đâu thế?”

“Thưa công chúa, tôi sống ở núi Bạch Tây cạnh làng Con Trăn, Đàm Châu nước Đại Thuỵ.”

“Vậy ra mi cùng quê với anh Ngọc Phong. Anh ấy cũng là người Đại Thuỵ.”

Tư Hoàng lắc lư đôi chân, thình lình nghiêm giọng lệnh cho Thanh Hạ bò thêm một vòng trong sân vườn. Giữa chừng, trông thấy chân tay người run rẩy, hạt mồ hôi to chảy trên gò má, nàng mủi lòng thương, bảo rằng chỉ một vòng cuối cùng nữa thôi.

Tư Hoàng nắm lấy tay Thanh Hạ vui vẻ dẫn nàng đến chỗ ngồi nghỉ của mình. Những hoạn quan khác cung kính đứng ở phía sau. Trên tấm chiếu trải ra đất, hai người chơi nhiều thứ cùng nhau, xỏ hạt châu làm vòng đeo, gấp giấy thành thuyền nhỏ, cắt lá dừa làm con châu chấu xanh, hoặc nằm xuống nhìn trời nhìn mây. Tư Hoàng kể về Cổ Đôn – quê nhà của nàng. Một vương triều hưng thịnh trăm năm, cung điện nguy nga bằng vàng, rương ngọc rương bạc chất đầy kho. Công chúa của Cổ Đôn sẽ đội mũ hoa sen khảm ngọc, vận áo gấm đỏ, cưỡi voi to. Công chúa của Cổ Đôn trời sinh đã sắc nước hương trời, phong thái cao quý.

Ánh mắt chú mục vào người bên cạnh, Thanh Hạ nghe đến say sưa.

“Thư Hoàng em ta cũng thích cưỡi ngựa lắm. Ngày mai mi lại đến đây nhé!”

“Vâng.”

Hôm ấy là một ngày trời xanh nắng vàng. Nàng bầu bạn bên vị công chúa nọ.

Mục thư sắp xếp đồ đạc trong bếp, phân loại những thứ cần giữ lại. Người chặt củi, đun nước, thổi cơm. Khói xộc lên mịt mù, thổi ra xung quanh mùi rơm rạ khô và mùi than cháy khét.

Thanh Hạ nép mình sau cánh cửa, bàn chân cố nhón lên, nàng rón rén ngó vào trong với vẻ mặt tò mò. Khi Mục thư quay lưng định ra ngoài, lo lắng sẽ bị người bắt gặp cái cảnh mình ở ngoài này nhìn trộm nên nàng hốt hoảng chạy đi.

Nàng vẫn luôn đi chân trần, lòng bàn chân hay giẫm lên vụn đá cứng. Nàng đứng dưới gốc cây đào trong vườn, lưng cúi xuống, tay cầm chổi giả vờ cặm cụi quét lá rụng. Xuân Huyên bưng mâm cơm nhỏ ra bàn, chàng hãm một ấm trà rồi yên lặng ngồi dưới mái hiên nhà.

Thanh Hạ lén quay đầu lại xem, Mục thư xới đầy hai chén cơm, một chén cho mình, một chén đặt ở đối diện. Nàng nhìn trái nhìn phải, không khỏi lấy làm lạ. Ở đây không có ai khác ngoài hai người họ, chén cơm ấy là để cho người nào? Hay là Mục thư đang chờ ai đến?

Qua một lúc sau, Xuân Huyên đứng dậy: “Rửa tay rồi ăn cơm đi.”

Thanh Hạ giật mình, luống cuống chùi hai tay vào vạt áo. Nàng dè dặt hỏi: “Ngài Mục thư cho phép tôi ăn cơm ở đây sao?”

Xuân Huyên gật đầu, không quên dặn dò: “Nếu không đói thì đem cơm xuống bếp cất, còn muốn ăn thì qua đây ngồi. Sau khi cậu ăn xong thì phải dọn dẹp đàng hoàng, biết chưa?”

Thanh Hạ lau mồ hôi trên cổ, mắt sáng lên, nụ cười tươi rói. Nói xong, Xuân Huyên cầm chén đũa của mình rời đi. Chàng xuống bếp múc nước rửa sạch. Phần của người nào thì người đó sẽ tự làm.

Thanh Hạ bưng lên chén cơm, ăn cùng khoai sọ luộc và củ cải đỏ. Sau cái hôm bị trách phạt ấy, nàng mang nỗi thấp thỏm chẳng thể yên lòng, sợ rằng ngài Mục thư sẽ không cho phép nàng ở lại. Nếu phải lủi thủi trở về nàng không biết nên ăn nói thế nào với thầy Cơ Trần, người đã chu đáo, tận tình sắp xếp mọi thứ giúp nàng từ lúc mới bước vào phủ Thành Dương. Rồi bất ngờ, những lo lắng của nàng đều thành vô ích. Mục thư không nhắc đến lỗi lầm cũ, không có thái độ gai góc, không tức giận muốn đuổi người. Vì vậy, Thanh Hạ tiếp tục nhận việc coi sóc khu vườn của ngài, không còn vướng mắc bởi vấn đề khác. Thanh Hạ thực sự mang ơn.

Sau vài lần ở gần nhau, Thanh Hạ dần nhận ra Mục thư là một người trầm lặng thích yên tĩnh, tối đọc sách, chép kinh, ngày lại nấu cơm, ủ trà, chiều chiều thì ra sau vườn tưới nước bón phân đất, đôi khi còn nhận cả việc dọn dẹp, lau chùi. Ngài ấy không vui vẻ với chuyện tiếp khách khứa. gương mặt lạnh tanh, nét cười lưng chừng, đôi mắt nặng nề vẻ hời hợt. Hằng ngày, con người ấy chỉ an nhàn quanh quẩn nơi mái nhà cũ đơn sơ.

Lúc Thanh Hạ làm việc, Xuân Huyên đứng từ xa quan sát, rồi thôi. Không bắt bẻ những cái sai nhỏ nhặt, không vặn hỏi những chuyện kì lạ, không mang nặng lòng nghi ngờ.

Dù vậy, mỗi lần gặp Xuân Huyên, Thanh Hạ vẫn cứ căng thẳng lo sợ. Nàng chăm chỉ việc quét dọn, rửa ráy qua mỗi ngõ ngách, nhọc nhằn nhòm sau ngó trước, đến một chiếc lá rụng trong góc cũng phải gom lại. Nghĩ đến cây thước trên tay Mục thư, đầu gối của nàng không đánh mà đau.

Lặng lẽ nhìn ra khoảng sân lớn trống trải, Thanh Hạ bỗng nghĩ đến mẹ nuôi và lão ăn mày, tự hỏi không biết lúc này họ đang làm gì, đã ăn cơm chưa?

Nàng nhớ món cháo đậu hũ non mà bà thường nấu.

Lão ăn mày hẳn còn bê bết vì rượu chè. Mẹ nuôi sẽ đánh lão một trận nhừ tử bởi cái tội người ngập mùi rượu và khói thuốc nồng.

Nàng vẫn còn giận lão ấy. Nếu có gặp lại cũng không muốn nói chuyện. Nhưng nếu không thể gặp lại, nàng sẽ da diết nhớ mãi.

Thanh Hạ đã ăn xong phần cơm của mình, trên đĩa còn thừa lại một củ khoai sọ, nàng cầm lên nhét vào áo. Đến chiều, khi nắng nhạt dần, Xuân Huyên đem lá trà khô ra ngoài sân phơi. Thanh Hạ chạy đến giúp đỡ.

Thanh Hạ trải một tấm vải mỏng trên đất, ngồi xổm rải xuống từng nắm lá trà. Xuân Huyên bưng cái rổ to bằng hai tay, bước ra từ phòng bếp. Thanh Hạ nghểnh cổ nhòm vào trong rổ, chỉ toàn khoai với khoai.

Nhiều lắm. Có thể để dành ăn cả tháng trời.

Tạm dừng việc đang làm, nàng ngước lên cặp mắt tò mò: “Sao Mục thư chỉ ăn cơm với khoai thôi vậy?”

Mục thư luôn ăn cơm với khoai tươi, món rau củ chỉ có nửa chén nhỏ, nước trà nóng làm canh. Thanh Hạ cảm thấy kì lạ, bữa cơm của người vô cùng ít ỏi và đạm bạc.

“Vì ta nghèo.” Xuân Huyên trả lời câu hỏi ấy với dáng điệu thản nhiên.

“Thanh Hạ cũng nghèo.” Nàng nói, đầu nguây nguẩy như cái trống. “Nhưng lúc ở đây tôi không ăn giống như ngài.”

Nghe vậy, Xuân Huyên không khỏi thắc mắc: “Thế thường ngày cậu ăn cơm với gì?”

Nàng xòe ra lòng bàn tay, đếm lại từng ngón: “Một chén cơm to, có thịt có cá đủ đầy, tô canh rau nóng hổi và đĩa hoa quả vài miếng. Mỗi ngày luôn ăn như vậy ạ!”

Xuân Huyên bật cười, đưa cho Thanh Hạ một củ khoai tím trong rổ: “Ta ăn cơm với ruột khoai, ông Cơ Trần ăn cơm với nước lã, ông Ngữ uống nước cháo. Phủ Thành Dương này nghèo đến rách nát tàn tạ.”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top