Quyển 01: Chương 03

Quyển 01: Trăng trong núi.

03 – Cây xuân trong núi sâu, cây huyên ở thềm Bắc.

Vào một ngày mưa nhẹ hạt, trong khu vườn xanh trái và hoa thơm, Thanh Hạ đã gặp ngài Mục thư, khi nàng đang cắt những phiến lá già trên cành cây đào. Mục thư vận áo dài màu ruột gỗ non, trâm ngọc giắt giữa búi tóc, dưới chân mang đôi guốc mộc đã sền góc. Dáng dấp của người cao lớn lại nghiêm trang, nom còn rất trẻ, thật khác xa với hình ảnh một ông lão già yếu trong sự mường tượng của Thanh Hạ. Nàng dọn dẹp đồ đạc vào giỏ, nghĩ bụng, vậy ra thầy Cơ Trần là người lớn tuổi nhất ở nơi này.

Chiều hôm ấy, Mục thư đột ngột trở về phủ trước sự kinh ngạc của nhiều người, không có ai nhận được thông báo từ trước, việc đón tiếp cũng bị bỏ dở. Ngài không nói lời nào đã về thẳng nơi nghỉ của mình, không đến chào hỏi ông Cơ Trần, không đến viện Ngọc Bảo vấn an bề trên.

Thanh Hạ xách theo cái giỏ tre, đôi chân ngắn ngủn của nàng cố gắng đuổi kịp người đằng trước. Nàng không mang mũ trùm hay áo tơi, từng hạt mưa rơi xuống làm người nàng ướt sũng. Ngài Mục thư cũng không khá khẩm hơn là mấy, bước chân rất vội vã, chiếc áo rộng hơn khổ người nhúng trong nước mưa lạnh lẽo, nhăn nhúm và nặng nề. Rõ hơn thì, bộ dạng ngài ấy lúc này trông còn trầy trật hơn cả nàng.

Lúc Thanh Hạ cuống quýt chạy theo, vô ý thế nào lại vấp phải hòn đá dưới chân, cơ thể mất thăng bằng liền ngã xuống đất. Lưng bị dập mạnh, hai cánh tay bị tróc da, máu tươi rỉ ra, nàng đau đến đỏ hoe mắt. Nằm im lặng trên vũng nước đục, nhìn lên vòm trời nhuộm màu lúa chín, Thanh Hạ ngửi thấy mùi bùn đất ẩm ướt, mùi cây gỗ thơm, mùi cỏ xanh và hoa tươi. Trong mơ màng, nàng cảm giác người mình trĩu nặng, tiếng gió thổi khẽ qua tai, chạm vào lồng ngực lạnh buốt.

Cơn mưa dai dẳng còn âm ỉ, âm thanh vọng lại giống tiếng khóc nỉ non của đứa trẻ. Thanh Hạ chầm chậm bò dậy, ngơ ngác nhìn lên. Ngài Mục thư đang bê mấy chậu cây lớn vào trong nhà, người làm một mình và không gọi ai khác đến giúp đỡ. Thanh Hạ nhòm ra phía sau lưng Mục thư, vẫn còn nhiều lắm. Nàng khập khiễng chân đi qua đó, chọn những chậu bé nhất.

Mục thư pha một bình trà nóng, đặt trên cái bàn tròn chân thấp, người ngồi xếp bằng dưới mái hiên, giọt nước nhỏ xuống từ ống tay áo. Thanh Hạ ngồi bên cạnh, mắt nhìn chăm chăm ra khoảng sân rộng lớn.

“Cậu coi sóc vườn từ lúc nào? Đã được hai tháng chưa?”

“Vẫn chưa đủ hai tháng ạ. Tính đến bây giờ chỉ mới mười ngày thôi.”

Ngón tay của người chỉ vào một chậu cây xanh: “Biết đó là cây gì không?”

Thanh Hạ nghiêng đầu nhìn qua, trong lòng dễ dàng có đáp án: “Cây táo ạ.”

“Ừ. Là cây táo. Nói đúng hơn thì là giống táo mật vỏ đỏ.” Người lại hỏi. “Trong những ngày cậu làm việc ở đây, nó đã mọc bao nhiêu quả, còn nhớ không?”

“Thưa ngài, ngày trước chậu cây này có tám quả.” Thanh Hạ trả lời không vấp váp. Nàng vẫn nhớ rất rõ.

“Còn bây giờ thì sao?”

“Sáu quả ạ.”

“Vậy hai quả táo còn lại đi đâu rồi? Chết vì héo hắt hay đã chui vào bụng người nào?”

“Hoạn quan Ngữ lấy mất rồi.”

“Cậu cho ông ta à?”

“Không phải đâu. Ba ngày trước, ông ấy có ghé đến xin vài quả đem về. Ông nói rằng mình là chỗ quen thân với ngài.” Nên là… nàng đã hái xuống hai quả to nhất rồi đưa cho người ta.

“Toàn là lời hàm hồ, ta thân thiết gì với lão ấy…”

Thanh Hạ thấp thỏm cúi gằm mặt, bàn tay siết lấy vạt áo, biết mình đã làm sai nên nàng không dám lên tiếng. Mục thư nghiêng người rót nước trà vào chén, cử chỉ thong thả nhẹ nhàng, trên nét mặt của người không tức giận hay khó chịu. Nàng lén nhìn mấy lần sau đó lại dè dặt rời mắt.

Mục thư đi vào trong nhà, lúc người trở ra trên tay cầm theo một cây thước gỗ. Thanh Hạ vừa thấy thì ngập ngừng hỏi: “Ngài định phạt tôi ạ?”

“Nếu đã phạm lỗi thì nên chịu phạt.”

“Thưa… ngài đã dạy bảo thì tôi xin nghe.”

Thanh Hạ đã từng nghe mẹ nuôi kể, thân thước dài là đánh vào lòng bàn tay kẻ ngạnh tính ươn hèn, đầu thước ngắn là gõ vào đầu người học trò xao lãng chuyện học. Nghĩ vậy, nàng xòe ra hai tay của mình, nhắm mắt đợi người giáng đòn trách phạt. Kết quả, Mục thư không đánh vào tay nàng, cây thước gõ xuống đầu gối của nàng.

Thanh Hạ kéo lên ống quần, sống lưng thẳng như cột, cắn môi để không phát ra âm thanh. Mục thư vung tay, đầu thước cứng rắn đánh xuống từng lần, cảm giác đau nhức nhanh chóng truyền đến, da thịt trên khuỷu chân sưng đỏ.

Đến lần thứ mười thì người dừng lại, đặt thước lên bàn. Thanh Hạ nghẹn tiếng nấc trong cổ họng, nước mắt rơi dài trên má.

“Ngài Mục thư không phạt tôi nữa sao?”

“Ừ. Không phạt nữa.”

“Thanh Hạ mang ơn ngài.” Nàng dụi khóe mắt, nhỏ giọng nói.

“Cậu đến chỗ của ông Ngữ, bảo ông ta trả lại hai quả táo.” Mục thư nghiêm mặt ra lệnh.

“Nhưng ông Ngữ đã ăn mất rồi.”

“Thì bắt ông ta nôn ra. Nôn cho sạch. Nôn cho hết.”

Lòng bàn chân lạnh đến tê cứng, dưới bụng lại nhói lên cảm giác cồn cào, dù khó chịu trong lòng song Thanh Hạ vẫn phải cung kính vâng lời. Mục thư không còn để ý đến nàng. Người nhấm nháp trà nóng, thong dong ngắm trời nhìn mưa. Dáng lưng nghiêm thẳng, mày dài mắt sâu, người khoác áo cũ, đi guốc mộc, mặt mũi như phủ sương rét, nước da nhợt nhạt như màu giấy trắng.

Thanh Hạ ngồi im lặng dưới đất, chờ mưa tạnh, mây tan, trời có nắng.

Hoạn quan Ngữ từng nói với Thanh Hạ: “Ngài Mục thư có một cái tên rất đẹp, gọi là Xuân Huyên.”

Người họ Mộc, tên Xuân Huyên.

Cây xuân trong núi sâu, cây huyên ở thềm Bắc [2].

Ông cũng nói với nàng: “Cơ mà tính tình lại chẳng đẹp như tên, là gai nhọn mọc trong ruột gỗ.”

Thanh Hạ chạy đến nơi nghỉ của hoạn quan Ngữ. Lúc này, ông ấy đang cho đàn cá nhỏ trong ao ăn bữa chiều.

Nàng bưng vào lòng một cái hũ tròn. Ông Ngữ ghé mắt nhìn, lấy làm hiếu kì.

“Sao ông lại gạt tôi?”

“Ơ kìa… tôi đã gạt gì cậu hả?”

“Ông bảo mình là chỗ quen thân với ngài Mục thư, rồi sai tôi vào vườn hái táo cho ông. Mục thư trở về kiểm tra, hỏi tội kẻ nhận việc coi sóc, cũng nói rõ, bản thân chẳng thân thiết gì với ông Ngữ cả!”

Thanh Hạ đặt cái hũ tròn xuống đất, vén ống quần, vết thương trên chân còn đỏ tươi, sưng to.

“Ngài ấy dùng thước đánh vào chân tôi. Đau dữ lắm! Ông Ngữ hại tôi thảm quá!”

“Tôi đâu có gạt cậu, thật đấy! Hai bên là chỗ quen biết nhiều năm, nhưng người ta không muốn thừa nhận chuyện đó, tôi cũng chẳng còn cách nào.”

“Thôi, tôi không quan tâm là ông thân với người ta hay không. Mục thư kêu tôi sang đây, đòi ông Ngữ trả lại hai quả táo đã mất.”

Ông Ngữ lắc đầu nguây nguẩy: “Trời ạ! Tôi đã nuốt hết vào bụng rồi, sao mà trả được mà đến đây đòi?”

Ngón tay của Thanh Hạ chỉ vào cái hũ: “Ngài ấy dặn thế này, bắt ông nôn ra, nôn cho sạch, nôn cho hết.”

“Gớm lắm. Tôi chẳng làm đâu!” Ông xua tay lia lịa. “Lấy có hai quả táo, làm gì mà ghê thế! Mục thư có cả vườn cây lớn, trồng đủ thứ quả ngọt, với bấy nhiêu đó có thể để dành ăn cả năm.”

“Ông nôn vào đây đi!”

“Không nhé!”

Thanh Hạ giả vờ quay người: “Tôi tìm thầy Cơ Trần vậy.”

“Gượm đã! Cậu đừng mách thầy ấy.” Ông Ngữ giữ tay nàng, cuống quít cả lên. “Nhỡ làm thầy ấy giận tôi biết làm sao đây? Người giận rồi thì đâu cho tôi bánh đậu đỏ nữa.”

Thanh Hạ đưa hũ đựng cho ông: “Tôi còn phải trở về báo lại với Mục thư, nếu lại mắc lỗi, ngài ấy sẽ phạt tôi cho xem.”

Ông Ngữ ôm cái hũ ngồi bệt dưới đất, mồm méo xệch: “Tôi nôn hết vào đây là được chứ gì! Nhưng cậu phải hứa, không được bép xép lời nào với thầy Cơ Trần đấy… Phải giữ kín chuyện này.”

“Biết rồi ạ.”

Thanh Hạ chống bàn tay lên cằm, đôi mắt nhìn chòng chọc vào ông Ngữ, phải xem thật kĩ ông có nôn ra thật không.

Gương mặt ông Ngữ nhăn nhúm, hạt mồ hôi to chảy trên trán, màu da trắng nhẵn nhụi đã chuyển thành xanh nhợt. Ông nôn thốc nôn tháo, nôn ra mật xanh mật vàng.

Thanh Hạ vội vàng bịt mũi.

Ông Ngữ ôm bụng thở phì phò, nằm lăn ra đất. Thanh Hạ đi vào trong nhà lấy cho ông chén nước. Bàn tay vừa nhỏ vừa gầy của nàng vỗ lên vai ông. Một lát sau, nàng đứng dậy, bưng cái hũ rời đi.

Trời xẩm tối. Ngọn gió còn rét đậm. Bóng trăng phủ xuống đường.

Thanh Hạ đi tìm ngài Mục thư.

Lúc này, Xuân Huyên đang đọc sách trong phòng, ánh nến trên bàn yếu ớt rọi vào.

Thanh Hạ bước đi rất khẽ, lưng cúi thấp, gót chân không chạm đất. Nàng đặt cái hũ tròn xuống, khúm núm quỳ một bên, dù vậy đôi mắt vẫn rõ hiếu kì với mọi thứ ở đây. Gian nhà lớn yên tĩnh này chỉ có một người ở. Duy nhất một người. Đồ đạc ít ỏi, chăn gối mòn cũ, lớp bụi dày cộm trên tường, có ruồi nhặng và đàn chuột to. Từ lúc nhận việc coi sóc khu vườn phía sau nhà theo lời căn dặn của thầy Cơ Trần, nàng vẫn luôn để ý một vấn đề, không có ai đến đây quét dọn, không có ai lui tới thăm hỏi. Trừ ông Ngữ, con người nhàn rỗi thích quanh quẩn đi dạo, hay rập rình mấy quả ngọt trong vườn.

Thanh Hạ cung kính thưa chuyện, ông Ngữ đã nôn cả ruột gan vào cái hũ này, nôn đến mặt xanh mặt trắng, bây giờ còn đang nằm thoi thóp dưới đất. Xong việc, nàng lập tức chạy đến để đưa Mục thư kiểm tra.

Xuân Huyên buông quyển sách trên tay, đầu gật nhẹ tỏ vẻ đã biết. Song, chàng chẳng liếc xem cái hũ đựng Thanh Hạ cất công mang đến, đích thân kiểm tra lại càng không. Chàng dặn dò, phải đem vứt cái hũ này đi, vứt thật xa, sau này không được nhắc lại nữa.

Thanh Hạ gật gù như gà mổ thóc, tự biết không được phép bàn cãi.

Xuân Huyên gác cánh tay lên gối tựa bằng gỗ, khi nhìn cậu nhóc gầy gò quỳ gối bên dưới liền nhăn mặt laịb.

“Tên họ của cậu là gì?”

“Thưa, người họ Hoàng, tên Thanh Hạ.”

“Quê quán ở đâu?”

“Núi Bạch Tây cạnh làng Con Trăn, ở Đàm Châu nước Đại Thuỵ.”

Xuân Huyên bỗng cười nhạt: “Ta chỉ hỏi quê quán, không hỏi cậu là con dân nước nào.”

Thanh Hạ giật mình, đầu cúi thấp hơn trước, kiên quyết không nói thêm một chữ nào. Xuân Huyên không còn câu hỏi bèn khoát tay cho phép lui xuống.

Sáng hôm sau, Mặt trời vừa ló bóng, Thanh Hạ đã đi theo Hoài Đức đến viện Ngọc Bảo. Mục thư chuẩn bị một giỏ hoa quả rất lớn, dặn hai người phải gửi tận tay thị nữ Lê Hoa.

Họ đến nơi nghỉ của hoàng tử Lê Xương. Lúc tới gần, Thanh Hạ nghe có tiếng cười nói văng vẳng. Nàng đứng sau cánh cổng màu đỏ ngói, nhón lên gót chân, cặp mắt tò mò nhòm vào trong sân.

Một cô bé vận áo gấm đỏ chói ngồi trên ghế, đầu đội mũ ngọc, cổ đeo kiềng vàng.

Một thiếu niên áo nâu xếp bằng dưới đất, trong tay cầm cung tên, khoác áo choàng lông.

Một cậu bé ngồi cạnh bàn đọc sách, vóc người gầy guộc, áo trắng và giày đen.

Một cậu bé bò trong sân, áo dài màu tím, đi chân trần, tóc tết hai bím to. Cậu đang cõng một đứa trẻ trên lưng, nhìn rất nhỏ, áo lụa xỏ tơ vàng, trắng trẻo và kháu khỉnh.

Thanh Hạ hỏi Hoài Đức: “Người áo đỏ ấy là ai vậy ạ?”

“Công chúa Tư Hoàng của Cổ Đôn.”

“Người áo nâu?”

“Hoàng tử Ngọc Phong của Đại Thuỵ.”

“Người áo trắng?”

“Hoàng tử Trần Tân của Tây Đường.”

“Người áo tím thì sao?”

Quận tử [3] của bộ lạc Thổ Cù.”

“Còn đứa trẻ trên lưng cậu ấy?”

“Hoàng tử Thư Hoàng – em trai công chúa Tư Hoàng.”

Thanh Hạ lại hỏi: “Họ có giống hoàng tử Lê Xương không?”

Hoài Đức đáp: “Vừa giống lại vừa không giống.”

Thanh Hạ thắc mắc nguyên do. Hoài Đức thở dài: “Quê hương của họ ở nơi rất xa, rất xa. Một ngày nào đó họ sẽ trở về, còn hoàng tử Lê Xương sẽ ở lại Phục Nam, đến suốt đời.”

Thanh Hạ đã trông thấy hoàng tử Lê Xương, người bước ra từ phòng nghỉ của mình, vẫn là áo lụa dài phủ gót chân, màu lá sen xanh thẫm.

Hoàng tử bắt gặp một bóng dáng nhỏ bé đang thập thò, cái liếc mắt chỉ thoáng qua, môi người nhoẻn cười.

Cậu gọi một tiếng “Thanh Hạ” học trò ông Cơ Trần.

Thanh Hạ bỗng run rẩy cúi đầu.

Nàng nhớ nhà. Nhớ đến quặn thắt ruột gan.

Sau này, họ rời khỏi phủ Thành Dương, đã nhiều năm mà vẫn chưa trở về.

Chú thích:

[2] Cha mẹ (ví với cây xuân và cỏ huyên) Nguồn tham khảo: Đại Từ điển Tiếng Việt.

[3] Chức danh hư cấu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top