Cây anh đào
Dưới gốc cây anh đào, đã trải qua biết bao đời người và thăng trầm lịch sử. Và cũng dưới gốc anh đào cổ thụ ấy, người ta đã từng có những chuyện trăm năm, cũng có những bi thương chẳng thể kể thành lời. Có chờ đợi, có ngóng trông. Và khi những đêm trường dài đằng đẵng, nó chứng kiến giọt lệ lặng thầm của giai nhân gửi đến nơi sa trường chiến loạn đẫm máu. Để rồi mãi đến trăm năm trôi đi, cũng dưới gốc cây anh đào ấy, chỉ còn là những chuyện trà dư tửu hậu để thế nhân cùng nhau luận bàn. Cây anh đào ấy, năm nào cũng gửi đến miền xa xôi nơi Cao Thiên Nguyên huyền ảo những cánh hoa nhỏ nhắn, khóc thương cho thiên tình kiếp bi ai...
Tiếng hát của người ca nữ vang lên ở một chốn nhộn nhịp của Đông Kinh. Giọng hát của nàng dẫn dắt hồn tôi hướng về một cõi hư vô nào đó, nơi có bóng dáng cây anh đào xa xôi đang chìm trong sắc tuyết trắng muốt ngày đông. Cây đào hoa nở rộ một màu hồng thắm, nhưng sức sống mỏng manh của nó cũng chẳng thể chống cự lại đêm tuyết trắng buồn thương. Tiếng dây đàn của nàng rung lên lấn át những thanh âm phàm tục chốn hoa lệ, nó cứ khắc khoải từng hồi, khóa chặt hồn người ta trong những bi thương của cõi phù du tam thế. Trong khoảnh khắc trôi qua đó, tôi bất chợt nghĩ về bóng dáng Thái Hanh tiên sinh xứ Kim Trạch mà tôi quen đã lâu...
Tôi nhớ lần đầu khi mới gặp tiên sinh, lúc ấy tiên sinh đương đôi mươi đẹp đẽ. Lúc ấy là những năm đầu thời Chiêu Hoà, khi mà những giấc mộng Phù Tang qua đi trong màn sương quá khứ, đổi lại sự thức giấc của một Nhật Bản và trở nên mạnh mẽ qua từng ngày. Thái Hanh tiên sinh của khi ấy, mắt hạnh xinh đẹp, đôi má hây hây phớt màu hoa đào trong ngày tuyết tháng mười hai lạnh giá, mái tóc đen nhánh được nâng niu bởi cây trâm bạch ngọc tinh xảo. Một kẻ phàm tục như tôi đây chẳng biết diễn tả như thế nào cho cái vẻ kinh diễm của Thái Hanh tiên sinh nữa. Chỉ biết khi ấy, nụ cười dễ mến của tiên sinh đã trót khiến bao người xung quanh vừa nhất kiến đã phải động tâm mãi không nguôi...
Thái Hanh tiên sinh nhà chúng tôi đã sống vừa đủ một đời. Khi xét về tư cách làm người, tiên sinh ấy đã sống vừa khớp, không dư không thiếu không nổi không chìm. Ngài sống từ tốn như cây mộc lan trong sân, sống trầm lắng với những buổi dạo chơi quanh con phố Nghệ giả để nghe chuyện đời chuyện người. Và khi vui vẻ, đôi mắt của ngài sẽ biến thành đôi vầng trăng nhỏ bé xinh xinh. Ngài không dành quá nhiều thời gian cho Đông Kinh hoa lệ, mà luôn luẩn quẩn bên bàn làm việc trong sân ngôi nhà ở vùng Kim Trạch thân thương của mình. Vùng Kim Trạch nơi ấy xinh đẹp, và người ở ấy cũng quá đỗi dịu dàng và dễ mến dễ thương...
Tiên sinh nhà chúng tôi là một người thích sưu tầm những con chữ. Ngài khi ấy là một thanh niên ưu tú, nhưng lại chỉ thích độc lai độc vãng thay cho việc tham dự vào những buổi hội hè. Đi đây đi đó, thu lượm chữ nghĩa rồi về nhà viết chúng vào những cuốn sổ tay. Chữ của tiên sinh cũng như chính con người ngài, khảng khái nhưng cẩn trọng, và đâu đó vẫn tiềm tàng nét mềm mại nhẹ nhàng...
Hương rượu chẳng thể xua tan mộng cảnh hoài niệm về tiên sinh trong tôi. Thái Hanh tiên sinh là một người tốt lắm, nhưng duyên tình lận đận đau buồn. Khi tiên sinh đương tuổi thời đẹp nhất, thì lại gặp phải mối tình trớ trêu. Ngài từ lâu trót thương Chính Quốc thiếu tướng nhà bên, trót thương người ta đến nỗi khi người ta phải về Đông Kinh trình diện, ngài cũng tất tả khăn gói đi theo lo cơm lo nước cho người ta. Nhưng mỗi khi tôi đến chơi nhà, thì lại thấy vị Thiếu tướng trẻ kia tất tả đi lo cơm lo nước cho tiên sinh. Đúng là khôi hài ghê gớm làm sao. Tôi mới bảo về với em nhà tôi, quả là khi có người để thương thì dù có là kẻ cứng rắn nhất cũng sẽ hóa kẻ si tình...
Nhưng muốn nói lời thương đâu có phải chuyện dễ dàng. Nói rằng tôi thương một người không phải là chuyện sớm chuyện chiều mà nói được. Đó là cả quãng đường rất dài, là những ngày dãi nắng dầm sương, thương nhớ một đời. Từ Đông Kinh về Kim Trạch là những ngày thương nhớ mà chẳng thể thấy nhau, là những lá thư đau đáu mong chờ ngày gặp mặt. Tiên sinh vẫn vậy, vẫn hay thơ thẩn đi đây đi đó tìm cái đẹp trong câu chữ, rồi viết vào những cuốn sổ tay nhỏ. Nhưng lạ ở chỗ, ngài luôn để trống một trang cuối cùng. Tôi cứ hay đùa, thế có phải muốn chờ Chính Quốc thiếu tướng kết sổ cho hay không mà sao lại giữ trang cuối, ngài chỉ cười không nói. Trong nụ cười ấy, là cả một nỗi tịch mịch và lo lắng chẳng thể nguôi ngoai. Trong nhà tĩnh lặng bình yên, và ngoài phố người ta ồn ào thông báo, chiến sự căng thẳng đã mở màn...
Tôi từ giã đám tiệc huyên náo và đi bộ về căn nhà tồi tàn của tôi. Đèn đường thời Chiêu Hòa năm thứ hai mươi mốt sáng mập mờ, phô bày những gì tang tóc nhất mà cuộc chiến tranh đi qua và để lại. Những cổng nhà treo những chiếc đèn trắng báo tang, vải trắng phất phơ cô quạnh ngọn gió hè tháng chín. Những tòa nhà đổ nát phơi bày hiện thực của một chế độ quân phiệt sai lầm, xác người như núi, máu chảy thành sông vì phải trả giá cho quyết sách của người đứng đầu. Đó là những gì người ta có thể nhìn thấy được sau lời tuyên bố đầu hàng đầy tuyệt vọng của đấng quân vương. Đau đớn thay cho một quốc gia đã phải hứng chịu hai quả bom hủy diệt tất cả, và đau đớn thay khi nó còn hủy diệt tan nát cả mầm xanh của một cuộc tình nhỏ nhoi. Tôi chậm rãi để những hình ảnh mập mờ đổ nát ấy vào tâm trí, và để mặc cho cơn gió dịu dàng mùa hạ đùa cợt mái tóc nhuốm màu thời gian của mình...
Tôi đã lâu chẳng còn tin tức của Thái Hanh tiên sinh nữa, cũng chỉ biết chút ít là tiên sinh vẫn an yên ở cố hương thôi. Gió trời đêm man mác buồn, cơn gió khi có khi không, trong ấy còn vương cả mùi hơi ẩm của đất chưa kịp khô ráo sau trận mưa dài. Tôi vừa thơ thẩn bộ hành, vừa nhớ lại chuyện mùa đông. Chiêu Hòa năm thứ hai mươi, thập nhị nguyệt tam thập nhật, nước mắt giai nhân vùng Kim Trạch tuôn rơi đau đớn, ôm chặt tấm áo đẫm máu của người Thiếu tướng vùng Đông Kinh. Người ra đi không kịp gặp mặt phút cuối, đến khi về chỉ còn là cách trở âm dương. Bóng dáng anh đào trước nhà trơ trọi chìm trong cái lạnh và ảm đạm ngày cuối năm, không kịp nở rộ để chúc phúc cho hai người. Nó chỉ đành im lặng để mặc cho sắc tuyết tang tóc phủ trắng cuộc đời quạnh quẻ của mình...
Tôi về đến nhà thì liền thấy em nhà tôi, hai mắt đỏ hoe như thể vừa khóc một trận thật dữ. Linh tính tôi giật nẩy lên, hình như có chuyện rồi. Em lại òa lên khóc tợn, tay quờ quạng bấu víu lấy vai tôi, ngôn từ lẫn lộn khiến tôi lại lo hơn nữa. Tôi cố dỗ cho em bình tâm, nhìn thấy trên bàn có phong thư nhòe nét mực vì nước mắt của em. Tim tôi đánh thịch, người tôi cũng lặng đi. Thái Hanh tiên sinh mất rồi. Ngài từ giã cõi phù du này vào năm Chiêu Hòa thứ hai mươi mốt, cửu nguyệt nhất nhật. Ra đi trong một đêm yên bình, bên cạnh là tấm áo và bức thư tình ngày xưa. Không đau đớn, hay buồn khổ...
Khi nhà chúng tôi về đến cố hương của tiên sinh thì cũng đã là những ngày mãn tang sau đó. Di ảnh người quá cố vẫn là đôi mắt hạnh tình tứ, mái tóc đen nhánh được trâm bạch ngọc tinh xảo nâng niu. Chỉ tiếc giờ đây người đã mất, trâm có đẹp cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Trong số những di vật còn lại của tiên sinh, tôi tìm thấy cuốn sổ tay có ghi chép rất đặc biệt. Những con chữ ấy khiến tôi trằn trọc và suy ngẫm rất nhiều. Về những điều được mất, những điều đã qua và những điều con người ta luôn gắng gượng bảo vệ trong cõi phù thế phồn hoa ảo mộng này...
"Chiêu Hòa nhị thập niên, thập nhị nguyệt tam thập nhật...
"Tư niệm", là đôi mắt ngấn lệ khẽ rơi trên đôi tay này, phản chiếu lại bóng hình của ngươi. Là khúc bi ca da diết, càng hát càng tịch mịch đau đớn vô cùng. Sau này không có ngươi, lấy ai cùng ngắm hoa đào với ta đây ?
Chiêu Hòa nhị thập nhất niên, cửu nguyệt nhất nhật...
"Hội ngộ", là sau tất cả cách trở biệt ly, lấy nước mắt hóa thành dũng khí, dùng chút sức tàn chạy về phía cầu Nại Hà với ngươi. Chính Quốc, chờ ta. Ta mang hoa đào đến cho ngươi đây.
Cây anh đào xứ Kim Trạch, mùa hạ rợp trời màu lá xanh tươi mơn mởn. Cành cây lay động trong trời gió nhẹ, tiếng lá xào xạc như điệu hát ru người quá cố yên giấc ngàn thu. Trâm bạch ngọc và áo quân nhân được cẩn trọng đặt vào chiếc hộp gỗ mộc lan và chôn dưới gốc cây. Khuất sau những hiện thực đau thương mà chiến tranh đi qua và để lại, là một khoảng trời trong xanh nhè nhẹ êm ả, với nụ cười và sự hội ngộ sau chuỗi ngày xa nhau. Tôi cúi đầu lần cuối, tạm biệt hai bóng người hòa vào mảng trời trong xanh ở xứ Cao Thiên Nguyên huyền huyễn xa xôi...
--------------///---------------------
Nghe nhạc cho có hứng thú
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nadeshiko-sakura-wagakki-band.FsVLHWKkop vN.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top