cau9as
Câu 9: Phân tích khái niệm và cấu trúc của nhân cách? Liên hệ với quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay?
TRẢ LỜI
1. Khái niệm nhân cách.
Nhân cách là tổ hợp thái độ, thuộc tính riêng trong quan hệ hành động của từng người với giới tự nhiên, với xã hội và bản thân.
Từ quan niệm trên ta có thể hiểu:
- Nhân cách là toàn bộ những năng lực và phẩm chất xã hội - sinh lý - tâm lý tạo thành một chỉnh thể giúp cho mỗi cá nhân thực hiện vai trò chủ thể trong mọi hoạt động của mình.
- Nhân cách con người chỉ được bộc lộ thông qua hành vi ứng xử của họ trong các mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân của họ.
2. Cấu trúc nhân cách:
- Thế giới quan của cá nhân, là hạt nhân của nhân cách; nó bao gồm toàn bộ những quan điểm, lý tưởng, niềm tin, định hướng giá trị chung của cá nhân.
- Những năng lực và phẩm chất xã hội của cá nhân, là cái bên trong của nhân cách, nó bao gồm: thể chất, năng lực, trí tuệ, trình độ chuyên môn, các phẩm chất chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ...
- Tâm hồn con người, là cái sâu kín và nhạy cảm nhất, là tầng sâu của nhân cách, là nơi lắng đọng và tiềm ẩn của mỗi cá nhân. Đó là thế giới nội tâm có chức năng khuếch đại hành vi của cá nhân.
Các yếu tố trên có mối quan hệ thống nhất với nhau trong quá trình sống để hình thành nên nhân cách của con người và nó được biểu hiện trong các mối quan hệ xã hội thông qua hành vi và thái độ ứng xử của cá nhân.
3. Quá trình hình thành nhân cách của con người mới XHCN Việt Nam:
Nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa được hình thành trên cơ sở các tiền đề chủ yếu sau:
- Tiền đề vật chất, bao gồm: cơ sở sinh học - tức là cơ thể của con người; môi trường xã hội, gia đình với những truyền thống, những giá trị văn hóa.
- Tiền đề tư tưởng và giáo dục mà nòng cốt tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa có tính khoa học, cách mạng lại vừa thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả; kết hợp quá trình giáo dục với quá trình tự giáo dục nhằm định hướng cho quá trình hình thành nhân cách.
- Sự hình thành nhân cách cá nhân của con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quá trình lâu dài suốt cả đời người. Tuy nhiên thời kì quan trọng nhất là trước 30 tuổi. Mô hình nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mô hình "động" gồm ba thành tố sau:
+ Phải có thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng.
+ Phải có năng lực thực sự trong công việc, lao động với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
+ Không ngừng nâng cao đạo đức, lối sống trên cơ sở những chuẩn mực giá trị mới tiến bộ.
Câu 10: Phân tích các đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền?
TRẢ LỜI
1. Những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền.
a. Tích tụ và tập trung sản xuất dẫn đến sự ra đời của các tổ chức độc quyền.
Do theo đuổi mục tiêu giá trị thặng dư, lại bị sức ép của cạnh tranh nên buộc các nhà tư bản phải tích tụ, tập trung mở rộng sản xuất. Khi những xí nghiệp tư bản lớn ra đời, chúng đã hình thành nên cơ chế độc quyền trong sản xuất và kinh doanh trong chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, sự hình thành các tập đoàn tư bản lớn là cơ sở kinh tế xã hội cho sự ra đời các tổ chức độc quyền với những quy mô, trình độ và hình thức khác nhau.
Như vậy, độc quyền ra đời trên cơ sở cạnh tranh, nhưng nó không xóa bỏ cạnh tranh, mà làm cho cạnh tranh ngày càng thêm gay gắt.
b. Sự hình thành tư bản tài chính và đầu sỏ tài chính.
Để bảo đảm chủ động nguồn vốn và để tránh rủi ro trong cạnh tranh, đến một trình độ phát triển nhất định đã xuất hiện sự dung hợp lẫn nhau giữa độc quyền công nghiệp và độc quyền ngân hàng, tư bản tài chính ra đời.
Tư bản tài chính có sức mạnh bao trùm toàn bộ nền kinh tế, chi phối mọi mặt trong đời sống của xã hội tư bản.
Sự thống trị của tư bản tài chính thể hiện thông qua các hình thức chủ yếu như: chế độ tham dự, phát hành trái phiếu.
c. Xuất khẩu tư bản.
Là việc đem tư bản trong nước ra đầu tư ở ngoài nước nhằm mục đích thu lợi nhuận độc quyền cao.
Được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) hay đầu tư gián tiếp (ODA). Xuất khẩu tư bản có thể do tư nhân hay Nhà nước thực hiện.
Là cơ sở để các tập đoàn tư bản phân chia lại thị trường thế giới.
d. Sự phân chia thị trường thế giới giữa các tổ chức độc quyền.
Nền sản xuất tư bản trong giai đoạn độc quyền là nền sản xuất hàng hóa lớn nên thị trường là điều kiện sống còn. Quy mô sản xuất càng mở rộng, tiềm lực kinh tế càng lớn thì nhu cầu thị trường ngày càng gay gắt.
Sự cạnh tranh giành thị trường sẽ dẫn đến sự thỏa hiệp dẫn tới sự hình thành các tổ chức độc quyền quốc tế để phân chia thị trường. Quá trình này có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế và chính trị thế giới.
e. Sự phân chia lãnh thổ thế giới giữa các cường quốc đế quốc.
Để có được nơi đầu tư có lợi, bảo vệ quyền lợi, bảo đảm thị trường tiêu thụ một cách chắc chắn và nhiều mục tiêu khác mà các nước đế quốc tiến hành xâm chiếm thuộc địa, đặt ách thống trị của mình ở đó, biến các quốc gia này thành thị trường cho mình.
Do quy luật phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị giữa các nước tư bản, hình thành nên quá trình can thiệp lẫn nhau giữa các nước tư bản.
Đầu tiên các nước tư bản phát triển sớm hơn sẽ áp đặt thị trường thế giới theo lợi ích của mình. Điều này mâu thuẫn với các nước tư bản mới phát triển chưa có thị trường. Do đó, tất sẽ dẫn đến những cuộc chiến tranh thế giới giữa các nước tư bản với mục đích nhằm phân chia lại thị trường. Sau chiến tranh, do có thêm hoặc bớt đi thuộc địa mà lãnh thổ các nước đế quốc sẽ có nhiều thay đổi.
Mỗi lần thực hiện quá trình phân chia sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới, các nước thất bại lại chuẩn bị tiềm lực cho mình để gây chiến, nhằm khôi phục lại những thị trường mà mình đã mất. Quá trình phân chia thị trường thế giới diễn ra thường xuyên và liên tục trong nội bộ các nước tư bản chủ nghĩa.
2. Vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản.
Nhìn lại, lịch sử phát triển của CNTB một cách khách quan, chúng ta thấy CNTB đã tạo ra những nhân tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng để lại những hậu quả nặng nề mà nhân loại phải gánh chịu, cụ thể là:
a. Thực hiện xã hội hóa sản xuất.
Xã hội hóa sản xuất là quá trình tăng cường mối quan hệ xã hội giữa những người sản xuất trên cơ sở phát triển LLSX và phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc.
Sự cạnh tranh khốc liệt trong CNTB đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa sản xuất đạt đến một trình độ rất cao. Sự phân công và hợp tác lao động ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là trong thời kỳ CNTB độc quyền và CNTB độc quyền Nhà nước.
b. Phát triển LLSX, tăng năng suất lao động xã hội.
Dưới tác động của quy luật giá trị thặng dư TBCN, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và nhanh chóng làm giàu. Quá trình không ngừng gia tăng bóc lột giá trị thặng dư và tích lũy tư bản đã thúc đẩy sự áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất khiến cho LLSX phát triển nhanh chóng.
Sự phát triển LLSX là tiền đề cho tăng năng suất lao động xã hội và thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ.
c. Thực hiện bước chuyển từ nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn hiện đại.
Trong chủ nghĩa tư bản, LLSX phát triển từ trình độ thủ công lên cơ khí, rồi tự động hóa, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa sản xuất.
Quá trình phát triển của LLSX tư bản chủ nghĩa đã hình thành những cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô ở trình độ cao, phá vỡ những hình thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Chủ nghĩa tư bản đã thực hiện bước chuyển từ nền sản xuất nhỏ sang nền sản xuất lớn hiện đại.
d. Chủ nghĩa tư bản đã tạo tiền đề vật chất đầy đủ và tiền đề xã hội chín muồi cho sự ra đời của xã hội mới.
Sự phát triển của quá trình xã hội hóa cùng với sự lỗi thời của các quan hệ kinh tế, chính trị của CNTB đã tạo ra những tiền đề vật chất đầy đủ cho sự ra đời của xã hội mới.
Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã dẫn đến sự biến đổi có tính chất cách mạng của cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế. Nó đã mở ra một giai đoạn quá độ từ văn minh công nghiệp lên nền văn minh mới có trình độ hơn hẳn về chất so với CNTB. Muốn thực hiện điều đó, cần phải có một QHSX mới phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX ấy.
Với QHSX có tính chất công hữu là nền tảng của chế độ xã hội mới xã hội cộng sản chủ nghĩa (mà giai đoạn đầu là xã hội chủ nghĩa), sẽ là sự thay thế cho chủ nghĩa tư bản. Đây là xu thế tất yếu của lịch sử.
e. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại.
- Chủ nghĩa tư bản là thủ phạm chính gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu và hàng loạt cuộc chiến tranh cục bộ, xâm lược khiến hàng chục triệu người chết và những tang thương, mất mát khác.
- Để tham chiến, các nước tư bản bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua vũ trang gây tốn kém tài sản xã hội, làm chậm quá trình tiến triển của văn minh.
- Chính sách áp bức và nô dịch các dân tộc thuộc địa của CNTB đã gây ra sự nghèo đói, bệnh tật, chết chóc... của hàng trăm triệu người. Khoảng cách giàu - nghèo cách biệt càng lúc càng tăng.
- Quá trình sản xuất TBCN, vì mục đích không ngừng gia tăng lợi nhuận và sự giàu có, đã hủy hoại môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top